“Quá trình hóa giải sự hoang mang bối rối dựa trên việc làm cho tâm chúng ta ổn định và thêm sức mạnh cho tâm. Chúng ta thực hiện việc này bằng cách thực hành thiền tĩnh lặng hay thiền chỉ (Shamatha meditation)” Sakyong Mipham Rinpoche đã nói như vậy.
Đôi khi chúng ta quên giáo lý của Đức Phật đã hình thành như thế nào. Chúng ta quên tại sao Đức Phật lại từ bỏ cung điện của vua cha mà ra đi. Ngài không hài lòng với một ảo tưởng và Ngài muốn hiểu cuộc đời của mình – chính bản thân cuộc đời. Cũng giống như Đức Phật, phần đông chúng ta mong muốn khám phá một chân lý nào đó về cuộc đời của chúng ta. Nhưng có thật là chúng ta có thể biết được những gì đang xảy ra? Đây là một câu hỏi có liên quan đến cái chân lý sâu sắc nhất của giáo lý Đức Phật. Câu trả lời của Đức Phật là “Vâng. Rốt cục rồi chúng ta cũng có thể. Nhưng chúng ta cần phải có một quá trình thiền định để tìm ra, bởi vì về bản chất, chúng ta đang ở trong một trạng thái hoang mang bối rối”. Tại sao chúng ta hoang mang bối rối? Bởi vì chúng ta không hiểu được tâm của chúng ta vận hành như thế nào.
Quá trình hóa giải sự hoang mang bối rối dựa vào việc nuôi dưỡng năng lực làm quen với tâm, củng cố và gia tăng sức mạnh của tâm chúng ta. Ý thức được và tinh mắt quan sát những gì đang xảy ra trong tâm chúng ta cho chúng ta cơ hội để lúc nào cũng nhìn thấy một cấp độ chân lý sâu sắc hơn. Trong việc thực hành thiền định, chúng ta học cách để có được một cách nhìn rộng lớn hơn, thay vì lúc nào cũng suy nghĩ nhỏ nhặt.
Đức Phật đã hiểu rằng nếu chúng ta muốn thực hiện một quá trình gì đó – không nhất thiết là một quá trình tâm linh mà có thể là một quá trình trong cuộc sống bình thường như là học hành hay kinh doanh – chúng ta cần một cái tâm có thể hoạt động được. Chúng ta cần một cái tâm mà chúng ta có thể trông cậy. Đó là khái niệm luyện tâm, làm cho tâm có thể hoạt động được để cho nó có thể làm những gì nó cần làm.
Thiền shamatha hay là thiền chỉ (tĩnh lặng, ngưng bặt, an bình) là cách chúng ta làm cho cái tâm này, ổn định hơn, hữu dụng hơn. Theo quan điểm này shamatha không thuần túy là một cách thực hành của người Phật tử; nó là một cách thực hành bất kỳ ai cũng có thể làm được. Nó không gắn kết với một tôn giáo nào hết. Nếu chúng ta muốn hóa giải sự hoang mang bối rối, chúng ta phải cố gắng tìm hiểu tâm là gì và nó hoạt động như thế nào, không liên quan gì đến tín ngưỡng của chúng ta.
Chữ shamatha trong tiếng Phạn có nghĩa là “yên tịnh dài lâu”. “Yên tịnh dài lâu” miêu tả bản chất tự nhiên của tâm. Chữ “yên tịnh” nói lên toàn bộ ý nghĩa. Bản chất của tâm là tràn ngập niềm vui, tĩnh lặng và rất trong sáng. Trong thiền shamatha chúng ta không tạo ra trạng thái yên tịnh – điều ta làm trước tiên là chúng ta để cho tâm chúng ta như nó vốn vậy. Điều này không có nghĩa là làm ngơ một cách bình thản trước mọi sự. Điều này có nghĩa là tâm có thể duy trì trạng thái tự nhiên của nó mà không thường xuyên tách rời trạng thái đó.
Trong thiền định, chúng ta tập cách giữ lâu dài trạng thái yên tịnh: Chúng ta học cách để cho chính mình ở trong trạng thái yên tịnh. Nếu chúng ta có thể nhớ ý nghĩa của chữ “shamatha” chúng ta có thể luôn luôn dùng chữ đó như là một điểm tham khảo trong việc tập thiền định của chúng ta. Chúng ta có thể nói, “Chúng ta đang tập thiền định gì đây? Đây là shamatha – duy trì lâu dài sự an bình tĩnh lặng”.
Trong lúc đó chúng ta bắt đầu thấy rằng tâm chúng ta không phải lúc nào cũng ở trong trạng thái an bình tĩnh lặng. Có thể nó đang ở trong trạng thái bực bội, giận dữ, ghen ghét. Nhìn thấy được tất cả chuyện này là cách chúng ta bắt đầu gỡ bỏ sự hoang mang, bối rối của chúng ta.
Thiền định là một sự luyện tập rất riêng tư. Giống như Đức Phật, chúng ta có thể tiếp cận nó bằng phương pháp nhận thức giá trị. “Điều gì thực sự có giá trị? Chân lý của trải nghiệm của chúng ta là gì?” Chúng ta bắt đầu ý thức được rằng chúng ta không biết, và chúng ta đâm ra hiếu kỳ muốn biết.
Khi cố gắng tìm hiểu như vậy chúng ta nhảy nhanh từ câu hỏi qua câu trả lời, mỗi câu trả lời mới lại đưa đến một câu hỏi mới. Và nếu chúng ta kiên trì tiếp tục như vậy chúng ta bắt đầu trải nghiệm một chân lý khác mà Đức Phật cũng đã khám phá ra: Trong mỗi tình huống, có một thể liên tục của chân lý. Mỗi câu trả lời được nối tiếp một cách tự nhiên với một câu hỏi kế tiếp. Liền một mạch, không có ngắt quãng.
Với loại thực hành và tính hay dò hỏi này, Đức Phật đã biết cách nhìn quang cảnh cuộc sống một cách rõ ràng và khách quan. Khi bắt đầu thuyết giáo, Ngài chỉ tường thuật lại những gì Ngài quan sát thấy: “Đây là điều Ta thấy. Đây là chân lý về mọi sự”. Ngài không trình bày bất kỳ quan điểm đặc biệt nào. Ngài không thuyết giảng giáo điều; Ngài chỉ rõ thực tế. Chúng ta quên điều này. Ví dụ như phần đông chúng ta nói rằng một trong những lời dạy cốt yếu trong Phật giáo là nghiệp. Nhưng Đức Phật không sáng tạo ra nghiệp; Ngài nhìn thấy nghiệp và thừa nhận nó. Nói rằng nghiệp là một niềm tin của đạo Phật thì chẳng khác gì nói Phật tử tin rằng nước là ẩm ướt. Và nếu bạn là Phật tử thì bạn cũng phải tin rằng lửa thì nóng.
Trong thiền định, điều chúng ta làm là nhìn trải nghiệm của chúng ta và nhìn thế giới một cách thông minh. Đức Phật nói rằng đây là cách ta tập nhìn vào bất kỳ tình huống nào và hiểu chân lý của nó, thông điệp thật sự của nó, thực tế của nó. Đây là điều Đức Phật đã làm – và tất cả chúng ta đều có khả năng thành Phật, cho dù chúng ta có là Phật tử hay không. Chúng ta đều có năng lực nhận ra được cái tâm an bình một cách tự nhiên của chúng ta, nơi không có chút hỗn loạn rối rắm nào. Chúng ta có thể dùng sự trong sáng của tâm chúng ta để tập trung vào bất kỳ điều gì chúng ta muốn. Nhưng trước tiên chúng ta phải điều phục tâm của chúng ta thông qua thiền định shamatha.
Có thể chúng ta liên kết thiền định với chuyện tâm linh bởi vì khi chúng ta trải qua một giây phút yên tịnh dài lâu, giây phút đó có vẻ như cao siêu huyền bí lắm. Tâm chúng ta không còn bị trôi giạt, nghĩ ngợi về vô số chuyện nữa. Mặt trời mọc và một cơn gió nhẹ mát mẻ thổi qua – và bỗng nhiên chúng ta cảm nhận được cơn gió thoảng và chúng ta thấy rất hứng thú. Chúng ta nghĩ, “Đó là một trải nghiệm rất có tính tâm linh! Một trải nghiệm mang tính tôn giáo! Trải nghiệm này chí ít cũng đáng cho chúng ta làm một bài thơ hay viết một lá thư thăm nhà! Tuy nhiên tất cả chuyện đang xảy ra là chúng ta hòa hợp với tâm của mình trong giây lát. Tâm chúng ta đang ở đây và dễ hòa hợp. Trước đây chúng ta bận rộn và hoang mang quá nên chúng ta không chú ý đến cơn gió thoảng. Tâm chúng ta không thể ở yên đủ lâu để ngắm mặt trời mọc dù chuyện này chỉ mất hai phút rưỡi. Bây giờ chúng ta có thể giữ cho tâm ở yên đủ lâu để nhận biết và thưởng thức những cảnh đẹp quanh chúng ta. Bây giờ chúng ta đang thực sự ở đây. Thật ra chuyện này là bình thường. Chúng ta có thể điều phục tâm của chúng ta. Chúng ta có thể luyện tâm làm cho tâm trở nên hữu dụng và hoạt động được.
Đây không phải vấn đề ta có là Phật tử hay không, nó là vấn đề của con người nói chung.■ „
Nguồn: Shamatha Meditation: Training the Mind, Sakyong Mipham Rinpoche, Shambhala Sun số tháng Năm 2002.
Sakyong Mipham Rinpoche là người giữ truyền thừa của phái Shambhala Buddhist do người cha đã quá cố của ngài là Chogyam Trungpa Rinpoche thành lập.
Discussion about this post