Căn cứ vào kinh điển thì Thức A-lại-da chính thực là tâm thức, nương vào sự lớn nhỏ của bối cảnh mà xây dựng thành pháp giới, cho nên tâm thức của mọi người đều châu biến khắp vũ trụ do không bị rào cản vật lý, nghĩa là bất kỳ những hiện hữu thật hoặc trên kinh nghiệm đều được bảo trì và tàng trữ bởi Thức A-lại-da, cho đến sự thể hiện sau này của chúng vẫn phải y cứ vào đó.
Vì tàng trữ và tác động nên Tàng thức còn được gọi là Căn Thức, thức căn bản mọi hiện tượng và bao gồm bảy thức trước (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý và mạt-na-thức). Từ đó phản chiếu thành bóng ảnh khiến con người tưởng như thật về sắc tướng, âm thanh, mùi vị, cảm xúc… tức là cuộc đời. Như thế cuộc đời chỉ là bóng ảnh ở trong nhận thức và phát sinh từ nhận thức. Vậy ta hiểu tại sao Tàng thức cũng được gọi là Tâm thức theo ý nghĩa biểu tượng tổng quát.
Vì vậy Tâm thức của bản thân sinh mệnh có hai lãnh vực tác dụng: Lãnh vực về khả năng hiểu biết và lãnh vực về khả năng biến hiện. Khả năng biến hiện sinh mệnh của hữu tình thuộc căn thân sống trong một chu kỳ và cũng có khả năng biến hiện nơi nương tựa sinh tồn của căn thân.
Thế nhưng, làm thế nào mô tả và làm thế nào hình dung được tâm thức? Có thể kể đến hàng vạn quyển sách, hàng vạn bài khảo cứu, đều dẫn đến một kết luận: không thể nào xác định vị trí của bất kỳ vật thể nào, có hình dạng ra sao, vận hành ra sao gọi đó là tâm thức trong cơ thể con người.
Về mặt thực tiễn, chúng ta suy nghĩ, chúng ta cảm nhận đang bị đau đầu, đau bụng… Đằng sau tất cả sự việc đó là một sự nhận biết, nhưng chúng ta vẫn chưa thu thập đủ thông tin để đưa ra được một mô thức hợp lý. Tất nhiên, việc này chưa thể phủ nhận được sự tồn tại của tâm thức.
Bằng một thí dụ thô thiển nhưng có một sự tương đồng để hình dung được diễn biến về tâm thức: Bật một công tắc đèn hay mở tivi, công việc đó không cần phải có kiến thức mạch lạc về hệ thống truyền tải hay cấu trúc mạng điện hoặc năng lượng điện từ. Nếu đèn không đỏ thì thay bóng, nếu tivi không vận hành thì xem lại dây cáp.v.v.. hay cùng lắm là nhờ thợ chuyên môn. Vô hình dung vẫn tin là công năng của dòng điện. Ẩn phía sau hoạt động của tâm thức cũng hàm một dáng dấp như thế. Vậy khoa học có thể nào giúp làm sáng tỏ vấn đề này được không?
- Tâm thức và hoạt động não bộ
Nhà sinh lý học nổi tiếng Robert Edwards đạt giải Nobel Y học năm 2010 có nói thế này: “Đối với tôi trên thế giới này chỉ có 3 thứ mà tôi cảm thấy mơ hồ nhất, nó khiến cho tôi và dường như tất cả mọi người vô cùng tò mò, đó là tâm linh, vũ trụ và bộ não con người”.
Câu hỏi rằng con người có phải là một cổ máy sinh học hay không ; con người có tự do ý chí hay không ; bộ não có sinh ra tâm thức không ; tâm thức cư ngụ ở đâu. Tất cả còn là một thách thức lâu dài đối với khoa học và triết học.
Từ quan điểm triết học, bộ não tạo ra tâm thức như Hippocrates, người cha đẻ của y học Tây Phương đã nói: “Con người nên biết rằng chỉ có bộ não mới đem đến cho chúng ta vui buồn…”.
Khoa học hiện đại mà chủ yếu là khoa học về thần kinh não bộ đã xác định hầu hết các hoạt động của não phát sinh từ một lớp tế bào gọi là nơ-ron. Nơ-ron có hình dáng một cái cây mà thân cây gọi là a-xon (sợi trục) đâm nhánh ra ngoài để truyền và nhận thông tin qua lại với những nhánh khác, hay những tế bào thần kinh khác bằng những khoảng cách rất nhỏ gọi là xy-nap (synape).
Thông tin truyền tải dưới dạng những phân tử hóa học, gọi là chất dẫn truyền xung động thần kinh người ta có thể đo được xung động bằng máy đo điện não đồ (EEG). Trong các chất dẫn truyền xung động thần kinh ta thường nghe như: chất serotonincó liên hệ bệnh trầm cảm ; chất dopamine tác dụng gây khoái cảm; chất adrénaline là hóa chất tạo ra để phản ứng lại tình trạng căng thẳng, lo âu và sợ hãi.
Các nơ-ron kết nối với nhau hình thành một mối quan hệ. Mối quan hệ gắn kết này là nền tảng sinh lý học tạo nên những thói quen tinh thần kiểu như phản xạ đầu gối khi nó bị gõ vào lúc khám bệnh. Trong não bộ có hàng tỷ nơ-ron và được chia thành 3 lớp: lớp thứ nhất gọi là cuống não; lớp thứ hai gọi là viền não bao bọc quanh cuống não; lớp não thứ ba là lớp não phát triển gần đây nhất gọi là lớp vỏ não mới. Sự nhận biết và phân biệt 3 lớp khác nhau của khoa Thần kinh não bộ là một điều kinh ngạc. Chỉ một ý tưởng nào đó sinh khởi thì đã có hàng loạt những tương tác phức tạp giữa 3 lớp não nói trên: phần cuống não, phần viền não và lớp vỏ não mới.
Giáo sư Livingston, khoa thần kinh học tại Đại học San Diego đã so sánh não bộ như “Một khúc giao hưởng, được hòa âm tuyệt vời và phối hợp trình tấu rất tốt” khi phát biểu trong buổi hội thảo của Viện Tâm thức và Đời sống năm 1917.
- Ai là người nhạc trưởng điều khiển các nhạc công trình tấu?
Đã từ lâu, các nhà thần kinh học, nhà tâm lý học và nhà sinh vật học, đổ nhiều công sức nuôi hy vọng tìm ra một tế bào, thậm chí một nhóm tế bào nhạc trưởng giữ chức năng cảm thọ, nhận biết các dạng hoạt động tinh thần cho con người, nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy sự tồn tại như thế. Họ đã bỏ cuộc và chuyển hướng nghiên cứu đến một cơ chế khả dĩ và một nguyên lý nền tảng giúp hàng tỷ nơ-ron trải đều khắp bộ não phối hợp một cách hài hòa.
Về mặt lý thuyết trong khuôn khổ vật lý có thể phân định theo 2 giai đoạn:
– Thời kỳ Decartes và Galilé vào thế kỷ 17, đã phân biệt rõ ràng giữa thế giới hữu hình mô tả được qua 5 giác quan và thế giới tâm linh và tinh thần khó nắm bắt hơn. Vì thế, vũ trụ và cuộc sống được khảo cứu ở dạng hữu hình thông qua luật nhân quả Newton như tác động của quả bi da lên quả khác. Quan điểm của nhà sinh vật học tiêu biểu Francis Crick, ông cho rằng: “Bản thân bạn, niềm vui nỗi buồn, ước muốn tự do, tham vọng, không khác gì là hành vi tập hợp đông đảo các tế bào thần kinh…” và phần lớn những thông tin mà chúng ta cần đều đã được vật lý Newton giải thích.
– Trong vòng 300 năm qua, nhờ vật lý người ta đã hiểu hơn về tự nhiên, tuy vậy vào những thập niên 1900, phần lớn các nghiên cứu trong lãnh vực vật lý lượng tử và nguyên tử đã tin rằng chúng ta phải vượt ra ngoài giới hạn của 5 giác quan tới mức độ lượng tử mới có thể hiểu được hoạt động của trí não. Trên thực tế đã có nhiều nghiên cứu khẳng định rằng ngoài các quá trình phân tử và tế bào vật chất Newton diễn ra ở não bộ, còn có sóng dao động, rung động ở cấp độ hạ nguyên tử mà chỉ có thể giải thích được bằng vật lý lượng tử. Vậy làm thế nào có thể nhận biết phần tử não trong số đó đã tạo thành tâm thức?.
Tuy nhiên, các nhà khoa học dù cho có quan điểm như thế nào đi nữa về não bộ, thì họ đều có một sự đồng thuận rằng cấu trúc của não bộ cho phép thực hiện những thay đổi trong kinh nghiệm hàng ngày.
- Quan điểm Phật giáo
Cách nhìn của Phật giáo về tâm thức thiên trọng về khả năng nhận biết hay (năng tri) và tư duy kinh nghiệm nhiều hơn là đối tượng cụ thể của sự nhận biết hay (sở tri). Quan điểm Đức Phật dạy rằng bộ não là chỗ y cứ vật chất của tâm thức, tâm thức tự nó không phải là cái gì có thể nhìn, sờ mó, thậm chí không thể định nghĩa bằng ngôn từ. Chẳng hạn con mắt (nhãn căn vật lý) không phải là cái thấy, tương tự não bộ không phải là tâm thức.
Phật giáo, không cho rằng tâm thức là một thực thể cá biệt mà là một kinh nghiệm biểu lộ tiến triển không ngừng. Có thể hình dung như khi xem phim, ta kinh nghiệm được một chuỗi liên tục những hình ảnh, âm thanh, chuyển động khi những đoạn hình riêng rẽ đi qua máy chiếu. Tuy nhiên, kinh nghiệm này sẽ khác hẳn nếu chúng ta được xem từng đoạn khung hình qua thước phim cụ thể. Thực ra sự khác biệt nói lên rằng đó chỉ là một ảo tưởng được tạo thành bởi dòng chảy không ngừng của những tư tưởng, cảm xúc, cảm thọ và nhận thức đi qua tâm thức.
Một kinh nghiệm khác: chỉ cần ngồi thẳng lưng, hít thở bình thường và để cho có sự nhận biết được hơi thở ra, thở vào. Trong trạng thái thư giãn đó, rất có thể thấy hàng loạt các tư tưởng đi qua, một số dễ buông xả nhưng một số khác đeo bám và có thể dẫn dắt vào rừng rậm của những tư tưởng khác. Khi nhận ra điều này, chỉ đơn giản là tự quay trở lại hơi thở, hay đúng ra chỉ tìm ra ở đó một đặc tính là “thấy biết” và không có một đặc tính nào khác sự tồn tại và có thật cả. Chính vì lẽ đó, mà đạo Phật nói rằng tâm thức “Không có sự tồn tại của chính nó, tức là không có tự tính”.
Thể tánh căn bản của tâm thức, theo giáo pháp của Đức Phật là Như Lai Tạng, là Phật tính, là Tâm Chân Như…, một sự mô tả rất tinh tế, khó nhận biết. Đối với con người hầu hết, Phật tính bị che khuất bởi những hình ảnh giới hạn, bởi những mô thức lặp đi lặp lại thành thói quen của các nơ-ron. Nói rõ hơn, việc không nhận ra Phật tính là một điển hình từ khả năng vô hạn của tâm thức trong việc sáng tạo mọi hư vọng, hay bất kì điều kiện nào nó ưa thích.
Tuy nhiên, không vì điều khó khăn trong sự mô tả, ta lại không nỗ lực, kiên trì phát triển ít nhất là sự hiểu biết về mặt lý thuyết, tác dụng như một bảng chỉ dẫn, hướng ta về kinh nghiệm tự chứng. Chẳng hạn, trong kinh điển có ẩn dụ sự so sánh giữa Tâm Chân Như và hư không. Nghĩ về hư không là nghĩ về sự trống rỗng, ở trong đó tất cả mọi sự vật hiện tượng xuất hiện và biến mất như các vì sao, các hành tinh, sao chổi… kể cả sự vật chưa được khám phá. Tuy vậy, mọi hoạt động, mọi biến dịch đó, đến, đi, đều không tác động lung lay đến ý niệm của ta về hư không. Nó vẫn an nhiên tự tại, như bản chất chân thực của Tâm Chân Như, không phụ thuộc vào những nhân duyên hay điều kiện dẫn khởi, siêu việt hoàn toàn mọi giới hạn thông thường có thể diễn tả bằng ngôn từ.
Cảm giác mở rộng có được khi buông xả hoàn toàn tâm thức, được Phật giáo gọi là Tánh Không. Tánh Không là một chân lý mà Đức Phật đã mô tả như một tiềm năng vô hạn khiến cho bất cứ sự việc gì cũng có thể xuất hiện, biến chuyển hay tịch diệt. Ngài đã dạy rằng bản chất của tâm thức thực ra là bản chất của mọi hiện tượng – là Tánh Không, nên thể hiện một sự đa dạng tiềm tàng vô hạn những niệm tưởng, cảm xúc và cảm thọ.
Tư tưởng chỉ là tư tưởng. Cảm giác chỉ là cảm giác.Cảm thọ cũng chỉ là cảm thọ. Tất cả đến và đi qua trong đời sống như một thoáng chốc của giấc mơ.
Điều kiện thay đổi thì dạng thức trải nghiệm cũng sẽ đổi thay. Không có người nằm mơ sẽ không có giấc mơ, không có tâm thức người nằm mơ sẽ không có giấc mơ. Tất cả sinh khởi nên giấc mơ đều phải có điều kiện và chúng đang diễn ra trong tâm thức mà thôi.
Các thành tựu của khoa học đã phát sinh ra cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất, đã đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa ở Châu Âu và Bắc Mỹ, biến đổi hoàn toàn xã hội Tây phương vào thế kỷ 18, đồng thời tri thức khoa học được tin cậy có thể giúp nhân loại mau chóng được khai sáng. Phong trào Khai sáng (Enlightenmen) đã ngự trị Châu Âu và Bắc Mỹ tạo nên thời đại Ánh sáng của phương Tây vào thế kỷ 18.
Các nhà tư tưởng của phong trào Khai sáng đã tin tưởng rằng vũ trụ được điều khiển bởi qui luật duy lý, có thể nhận thức được bằng phương pháp khoa học và công nghệ. Khoa học và công nghệ có thể cải thiện đời sống nhân loại, giảm thiểu được mê tín dị đoan cũng như các định kiến lạc hậu mà các thế lực chuyên chế vua chúa đã duy trì trước đó. Sự phát triển và tiến bộ được xác tín là chiều hướng của lịch sử. Xã hội lúc bấy giờ được gọi là xã hội hiện đại, xã hội văn minh.
Phong trào Khai sáng với sự suy tôn con người như chủ thể tự do và tự chủ, đã công hiến một di sản văn hóa quý giá cho nhân loại. Với ba nội dung tác động qua lại tạo nên một thể thống nhất về tinh thần là khoa học kỹ thuật, dân chủ và tín ngưỡng, gọi là hiện tướng của chủ nghĩa hiện đại.
Trong thực tiễn, sau đó cả thế kỷ, lịch sử thế giới đã không còn giữ được niềm lạc quan đó, các nhà tư tưởng thế kỷ 20 đã bắt đầu phê phán phong trào Khai sáng từ những quan điểm khác nhau. Họ đồng thuận với ý tưởng các tiến bộ kỹ thuật không phải lúc nào cũng phục vụ cho các mục đích nhân văn, chưa có sự thay đổi tốt đẹp cho con người hơn lên và một xã hội văn minh vẫn còn là một mơ ước xa vời cho nhân loại.
Chủ nghĩa hậu hiện đại (posmodernism) xuất hiện vào những năm 1970, có thể hiểu là một phản đề (antithesis) về tinh thần lạc quan vội vàng của phong trào Khai sáng đối với tri thức khoa học và sứ mệnh của nó.
Chủ nghĩa hiện đại, tin tưởng vào khả năng duy lý của trí tuệ, vào địa vị độc tôn của tri thức khoa học, xem nhẹ các dạng tri thức tín ngưỡng, hình thành nên một xác tín rằng thế giới vận hành theo những quy luật khách quan, phổ quát mà lý trí con người có thể hiểu được.Vì niềm tin này, chủ nghĩa hiện đại nỗ lực tìm kiếm những qui luật bất biến chi phối tự nhiên và xã hội luôn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh và mọi xã hội.
Chủ nghĩa hậu hiện đại, bác bỏ lý tưởng nắm bắt toàn thể thực tại khách quan. Nó phủ nhận xu hướng phổ quát, phổ quát hóa tri thức về thế giới từ một cộng đồng nhất định trở thành tri thức chuẩn mực cho mọi cộng đồng. Nó cho rằng chân lý lệ thuộc vào từng hoàn cảnh lịch sử, chân lý không tồn tại tách rời chủ thể nhận thức, nó là sản phẩm của nhận thức. Chân lý không tồn tại như một thực thể tự nó. Chúng ta sử dụng ngôn ngữ để suy nghĩ, tư duy luận bàn về chân lý, nhưng ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội nên không mang tính khách quan tự tồn tại độc lập với ý thức.
Theo chủ nghĩa hậu hiện đại, việc xác định tính chân lý của tri thức, niềm tin phụ thuộc vào đồng thuận của nhóm, tập thể, cộng đồng. Đồng thuận theo nghĩa chung là sự nhất trí, thống nhất về quan điểm, ý tưởng.v.v. Không phải mọi tri thức của ta đến từ kinh nghiệm riêng tư mà đến từ kinh nghiệm của cộng đồng, thông qua sự tương tác, sự trao đổi thông tin. Sự đồng thuận đóng vai trò như một thứ quyền lực nơi cộng đồng xã hội. Quyền lực trở nên chi phối một cách vô hình đối với mỗi thành viên của cộng đồng về tính chân lý của tri thức.
Từ khi xuất hiện chủ nghĩa hậu hiện đại đã nhanh chóng lan truyền đến các nước Đông Á, Nam Mỹ , Châu Úc.v.v., tại các địa phương nói trên đã có sự biến đổi xã hội sâu sắc với những nét đặc trưng về nhận thức luận như sau:
– Rằng nhận thức là quá trình kiến tạo của tư duy chủ thể trước thực tại khách quan, chịu sự chi phối của hoàn cảnh xã hội. Là một trào lưu hình thành gần cuối thế kỷ 20, giai đoạn phát triển mạnh mẽ về những nghiên cứu của các lĩnh vực sinh lý thần kinh, tâm lý tư duy .v.v. đã làm sáng tỏ được cơ chế, con đường của sự nhận thức.
– Rằng hành vi của con người chịu ảnh hưởng của văn hóa cộng đồng xã hội, nhưng không do qui định tư duy của cộng đồng.
– Góp phần làm sáng tỏ những niềm tin ngây thơ bám vào các hệ tư tưởng, lý thuyết mơ hồ, không tưởng, đầy mộng mị, cuồng tín và mê hoặc đối với cộng đồng xã hội.
– Góp phần thoát khỏi bệnh giáo điều và từ tư duy lý tính thúc đẩy tìm tòi những qui luật nền tảng ẩn đằng sau hiện thực khách quan của thế giới tự nhiên, mang lại những thành tựu lớn lao trong khoa học và công nghệ giúp kiến tạo nên sự trù phú và xã hội văn minh. Đồng thời từng bước loại bỏ khuynh hướng theo đuổi loại tri thức mang màu sắc tự biện xa rời mảnh đất hiện thực.
– Xác tín rằng chân lý là sản phẩm của sự đồng thuận của cộng đồng xã hội nên là nhân tố lợi ích chung, do đó sự vận hành để cộng đồng rộng rãi thừa nhận là điều khả dĩ.
- Tâm thức trong xã hội hậu hiện đại
– Sự phát triển của thế giới hiện đại (hậu hiện đại) đã tác dộng đến tâm thức (chú tâm) của con người, không những chú tâm đến những gì, mà còn việc phải chú tâm ra sao. Thông qua cuộc cách mạng công nghệ internet, điện thoại di động, iPat… để tạo nên một thác thông tin khuyến khích sự nối kết liên thông, không ngớt lôi kép sự phân tâm, làm tản mạn sự chú tâm đối với việc quan trọng nhất đối với chúng ta.
– Trong thế giới phát triển, hầu hết chúng ta rơi vào cái bẫy nhận thức chính là chủ nghĩa tiêu dùng vốn là định ý của sự quảng cáo tinh vi đầy cám dỗ, nó thâm nhập vào tâm thức cộng đồng với ham muốn và niềm tin. Biến chúng ta thành một dạng tù nhân của mua sắm và tù nhân của thèm muốn.
– Thời gian và không gian được tái cấu trúc trong tư duy: những ngày cuối tuần, những dịp lễ là những dịp đi mua sắm, dịp ăn chơi theo sự vận động chỉ dẫn của quảng cáo, của tiếp thị, của chương trình truyền hình. Điều này hầu như đã ăn sâu và tiềm thức hay vô thức của chúng ta, rõ ràng đã ám ảnh cảm thức của một sự bất an về đời sống. Nền kinh tế đã khai thác sự chú tâm về khả năng nhu cầu của chúng ta như nền kinh tế khai thác tài nguyên trái đất và đã thu hẹp chúng ta trong hoàn cảnh “tồn tại”.
– Trong xã hội hậu hiện đại, các chính quyền nền dân chủ đã kiểm soát nhân dân qua sự tuyên truyền tinh xảo bằng phương pháp thao túng những gì họ đang nghĩ, bằng cách sử dụng các ý thức lại tôn giáo để biện minh cho quyền lực. Các phương tiện truyền thông đã tác động lên hệ thống thần kinh cộng đồng để hợp lý hóa hệ thống niềm tin, hướng dẫn sự chú tâm của cộng đồng vào điều họ muốn. Thậm chí, sự phát triển của sự tuyên truyền thông qua sức mạnh của đoàn thể để bảo vệ cho điều họ cần.
Chiến lược là ai sở hữu sự chú tâm của đa số thì người đó quyết định những gì xảy ra, vì thế truyền thông sẽ là phương tiện lấp đầy sự chú tâm tốt nhất.
– Trong xã hội hậu hiện đại đề cao sự thành đạt kinh tế, xem đó là chất lượng cuộc sống, đạt hạnh phúc chủ quan, và là mục đích sau cùng của đời sống, cùng với sự linh hoạt các qui tắc đạo đức. Ngay cả tình yêu mà bản chất của nó là rung động giao cảm đầy tính lãng mạn cũng phải nhường chỗ cho tinh thần đồng thuận với khế ước trao đổi hơn thiệt.
“… Có thể đời đã đưa tôi vào những giảng đường
Dạy tôi đo hành tinh bằng những đường đi ánh sáng
Đo tình yêu bằng đơn vị tiền tài
Rồi đo hoang vắng của hồn tôi
Bằng những đêm rất rộng
(Nguyên Sa)
*
* *
Theo các kinh văn đạo Phật thì sự khác biệt giữa chư Phật và chúng sinh tương tự như sự khác biệt giữa nước và nước đá. Không có nước thì không có nước đá. Không có Phật thì không có chúng sinh (hữu tình). Nói cách khác, chúng sinh si mê chính là chư Phật “đóng băng”.
Kinh Kim Cương dạy “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm”, đã thúc đẩy sự đại ngộ của Lục Tổ Huệ Năng. Ta hiểu yếu nghĩa rằng: hãy để tâm trí nảy sinh mà không cần phải giữ ở lại một nơi nào cả, hoặc là để tâm thức hiện diện khắp mọi nơi, mà không dính mắc vào nơi nào. Tâm vô trụ chính là tâm Phật bất sinh, theo thiền sư Huệ Hải thì sự “Tỉnh thức trọn vẹn này nơi chính trong ta về một tâm vô trụ được biết như là một trực nhận rõ ràng về bản tâm của ta”. Cùng một sự nhận thức rõ, nếu là:
– Si mê là sự chú tâm bị bám chấp hay luyến ái vào sắc tướng
– Giải thoát là khi sự chú tâm được giải thoát khỏi sự chấp thủ.
Tuy nhiên bản chất chân thật của nhận thức là vô tướng, nhưng nếu ta đồng hóa với các sắc tướng thì nó sẽ vướng mắc. Sự vướng mắc này do ta còn mơ hồ về bản thể “vô trụ” của sự chú tâm. Hơn nữa, là thành viên của cộng đồng xã hội, chúng ta không dễ gì thoát ra khỏi các quy định vô hình của tính cọng nghiệp của cộng đồng.
Phật giáo là nền giáo dục về môi trường sống và con người, Đức Phật dạy chúng ta biết về chính mình, về những nghiệp thân – khẩu – ý và nghiệp quả. Chúng ta là phàm nhân mù quáng vì tâm phân biệt, vì những ý nghĩa tán loạn, vì tham dục và đã quên đi chân tính thanh tịnh của tâm thức nên mang nhiều thương tật đau khổ.
Đức Phật dạy chúng ta phải quan sát môi trường hay khung cảnh của mình. Khung cảnh hay môi trường gồm con người và sự vật hiện tượng mà chúng ta giao tiếp hàng ngày. Ý định của Ngài là hướng dẫn ta giải trừ vô minh và tham ái. Cụ thể là buông bỏ tham, sân, si và kiêu mạn. Nếu có thể buông bỏ được chúng ta sẽ đạt được an trụ trong tâm thức thanh tịnh, lúc đó ta có khả năng nhìn các vấn đề thật hơn. Đạo Phật khuyên ta thực hành nhìn vào nội tâm (nội quán),
đó là tiến trình ổn định sự chú tâm, làm tăng khả năng sáng suốt (định và tuệ) nhằm chuyển hóa dần sự phức tạp của tâm thức con người. Tâm thức giống như một nhà ảo thuật trên sân khấu, nó có thể làm cho ta nhìn thấy điều không thực sự hiện diện. Chúng ta thường bị mê hoặc bởi những huyễn cảnh do tâm tạo ra khiến chúng ta bất ổn. Các kinh sách Phật giáo có nói đến “84000 cánh cửa” để chúng ta thoát hiểm.
Trong các chúng sinh hữu tình, dường như loài người là loài duy nhất có khả năng nhận biết sự quan yếu việc liên kết giữa lý trí, cảm xúc và bản năng sinh tồn. Chính trong tiến trình này mà con người không ngừng tạo dựng nên một vũ trụ; trong ý tưởng tất cả muôn loài đều có thể sống chung mãn nguyện và an bình.
Một vũ trụ như thế vốn đã tồn tại cho dù hiện nay ta khó nhận biết qua cảm quan của mình. Thế nhưng, giáo pháp của đức Phật sẽ giúp ta phát triển khả năng nhận thứcvũ trụ ấy, đang thực sự tồn tại ngay bây giờ và tại đây, trong chính bản thể của ta.
Bằng cách nào? chỉ bằng cách như lời dạy của đức Phật, của Tổ là “an trụ tâm thức trong sự tỉnh giác tự nhiên của nó” và nhận ra rằng ta không phải là các niệm tưởng, cảm giác, cảm thọ của mình, mà nó là những chức năng của thân thể. Thời đại ngày nay chỉ cho ta biết rằng, con người là những gì rộng lớn, có khả năng vô hạn chứ không đơn thuần là cái thân xác mà thôi.
Để đạt được thành tựu to lớn này, điều cần phải làm là công phu tu tập để thức tỉnh giữa giấc mơ cuộc đời và thấy chẳng có gì khác biệt giữa tâm thức người nằm mơ và kinh nghiệm về giấc mơ.
“Giở sách ngồi xem dưới ánh trăng
Thiếp đi riêng để bóng trăng nằm
Tỉnh ra còn lại tờ sương đọng
Hạt sầu gieo trắng suốt trăm năm”
(Phạm Thiên Thư)
*
* *
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Mathieu Ricard: Bàn về hạnh phúc
Lê Việt Liên dịch – NXB Trí thức, 2003
2/ David R.Lay : Tiền và Nghiệp
Nguyễn Minh Trí dịch – NXB Hồng Đức, 2014
3/ Trần Quang Thái: Chủ nghĩa hậu hiện đại.
NXB Tổng hợp Thành phố, năm 2011
4/ Mingyur Rinpoché: The Joy of living
Nguyễn Minh Tiến dịch – NXB Tôn giáo, 2012
(dangconghanh.wordpress.com)
Discussion about this post