TẤM LÒNG BỒ TÁT
để cưu mang những phận đời cơ nhỡ
Khách sạn Ngọc Quý được biết đến với một cái tên mới “Trung tâm bảo trợ xã hội Ngọc Quý” từ năm 2012. Đây là tâm huyết nhiều năm của vợ chồng Sàigòn ông Nguyễn Quang Sức (75 tuổi) và bà Đỗ Thị Quý (72 tuổi).
Khách sạn ban đầu là công sức làm lụng, tích cóp nhiều năm trời của ông Sức, bà Quý. Được xây dựng vào năm 2002 trên khuôn viên rộng hơn 2000 m2, khách sạn Ngọc Quý của ông bà Sức khi đó có 46 phòng nghỉ được trang bị đầy đủ tiện nghi. Công việc làm ăn của khách sạn trước khi chuyển đổi vẫn tốt và đem về thu nhập ổn định cho ông bà. Tuy nhiên, năm 2012, sau 10 năm kinh doanh, ông Sức và bà Quý đồng lòng đưa ra quyết định, họ sẽ để khách sạn trở thành nơi nương náu của những người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa: Những đứa trẻ mồ côi, những người già neo đơn.
(Ảnh: dẫn theo Vietnamnet)
Khi quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng của khu khách sạn to lớn, đã tốn của ông bà gần 2 tỷ đồng (tương đương 80 cây vàng thời điểm đó) để làm thành nhà tình thương, ông Sức và bà Quý đã phải vượt qua rất nhiều lời bàn tán. Có người nói ông bà “dở hơi”, đi lo chuyện bao đồng. Nhưng ông bà không để ý, hai người biết việc mình đang làm có ý nghĩa như thế nào với những người được giúp đỡ.
Ông Sức sinh ra tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre nhưng đã lên Sàigòn từ rất sớm để làm ăn. Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải lớn lên trong cảnh cô đơn ở trại trẻ mồ côi, và cả tuổi thanh xuân bươn trải nơi phố thị. Hoàn cảnh ấy giúp ông thấm thía hơn ai hết cái khó khăn, vất vả của những người yếu đuối không còn người thân, không nơi bám víu.
(Ảnh: dẫn theo Zing)
Đến một ngày, cuộc đời lại sắp xếp cho ông gặp lại nhiều hơn những cảnh đời khốn khó ấy. Vào một đêm mưa lớn, ông bà thấy một người phụ nữ ôm con nhỏ ngồi trú bên cánh cổng khách sạn. Thương tình, ông bà mời hai mẹ con vào trong, dành cho một phòng để ở cho qua đêm giông bão.
Câu chuyện đau lòng ấy dường như đã khơi lại nỗi canh cánh về số phận con người nơi ông Sức và cũng là hạt mầm cho sự thay đổi hoàn toàn của khách sạn Ngọc Quý sau này.
Sau đêm mưa ấy tròn một năm, ông Sức bà Quý đã chuyển đổi toàn bộ khách sạn thành trung tâm bảo trợ xã hội. Cuối năm 2012, khách sạn bắt đầu chỉ phục vụ cho những người cơ nhỡ.
Chốn nương náu bình an
Hiện tại, trung tâm Ngọc Quý của vợ chồng ông Sứt đang nuôi nấng 38 em nhỏ và 2 người già neo đơn. Tất cả đều được ông bà Quý lo lắng, chăm sóc. Ông Sức chia sẻ, còn sống, còn khỏe ngày nào, ông sẽ cố gắng để không ai trong những người đang nương náu tại Ngọc Quý phải chịu đói. Các em nhỏ ở đây thuộc nhiều độ tuổi. Có bé mới vài tháng tuổi, em lớn nhất đã đến tuổi đến trường. Ông bà Sức không chỉ lo miếng ăn, chốn ngủ mà còn cho các em được đi học. Nhìn thấy các em được ấm no, được học hành cho thành người là ước mơ lớn nhất của ông bà lúc này.
(Ảnh: dẫn theo Zing)
Lại cũng có người đã gần 70 tuổi, 3 lần tai biến, chân tay yếu nhiều nhưng vẫn phải đi phụ hồ, có lần ngất lịm trước của khách sạn, rồi từ đó trở thành vị khách quen thuộc nơi đây. Hay cũng có người bắc vào nam kiếm sống rồi bị lừa hết tài sản, biết đến khách sạn, cũng xin vô làm phụ bếp, làm dọn dẹp, cùng mọi người chăm lo cho các cháu.
Tất cả họ, dù mỗi người mỗi quê, mỗi người mỗi cảnh nhưng đều cùng có chung một nỗi đau – không còn ai để nương vào, không có được một mái nhà che nắng, che mưa. Và ở khách sạn đặc biệt này, họ tìm thấy tất cả. Một nơi trú mưa, tránh nắng, một không gian trong lành sáng chiều vang tiếng nói cười con trẻ, một nơi mà họ có thể bầu bạn, chuyện trò, hỏi thăm nhau. Một nơi mà họ có thể thanh thản đi nốt chốn hành trình của mình, và nhẹ nhàng ra đi khi biết có người lo một hậu sự chu đáo cho mình.
Ước mơ giản dị
Đã trải qua cả cuộc đời sóng gió có, ngọt bùi có, giờ đây ông Sức và bà Quý chỉ chuyên tâm vào lo cho các cháu nhỏ và các cụ nơi trung tâm bảo trợ. Chi phí sinh hoạt của mấy chục con người đến một phần từ tiền lãi gửi ngân hàng của ông bà Sức, một phần đến từ những nhà hảo tâm, vì cảm mến mà cùng góp sức để ông lo cho những “vị khách” đặc biệt. Kinh tế có phần eo hẹp, số lượng trẻ cũng tăng nên ông bà đã bán căn nhà ở quận Bình Tân của mình để có thêm tiền lo chi phí.
(Ảnh: dẫn theo Vietnamnet)
Các con của ông bà cũng hiểu được tâm nguyện của cha mẹ, nên có điều kiện là lại phụ góp vào cho cha mẹ chăm sóc mọi người.
Vậy là, ngày ngày, hai vợ chồng ông Sức lại dành thời gian đến “khách sạn” xưa và nay là mái ấm của rất nhiều người, để chăm lo, thăm hỏi và chia sẻ cuộc sống với những người nơi đây.
Discussion about this post