TẠI SAO PHẬT KHÔNG ĐẢN SINH MỖI NGÀY?
Tỳ kheo ni Pháp Hỷ – Ayya Dhammananda
“Hân hoan Phật ra đời
Hân hoan pháp được giảng
Lành thay tăng hòa hợp
Vui tứ chúng đồng tu.” (Dhammapada – Pháp Cú)
Tháng năm lại đến, tháng Vesak theo lịch Ấn độ, là thời gian đánh dấu những sự kiện quan trọng trong thế giới theo Đạo Phật. Trong những ngày đầu Hạ này có ba sự kiện quan trọng liên hệ đến cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni được tưởng niệm, gọi là Lễ Tam Hợp. Sự kiện Bồ Tát Đản Sinh (15/4 AL) ở Lumbini, sự kiện đức Phật thành Đạo ở Bodhgaya, và cuối cùng bậc Thầy của chư Thiên và Nhân loại xả bỏ thân hư huyễn, nhập Niết bàn vô dư y tại Kusinaga. Thường thì người ta hay nói về sự kiện Đản Sinh nhiều nhất. Và câu chuyện của chúng ta bắt đầu từ sự kiện này nhé.
Năm nay, Phật lịch 2564, do dịch bệnh Corona chưa tìm được thuốc chữa, cả thế giới đang bất an, đau khổ vì bệnh, vì chết, vì sợ hãi dẫn đến những khủng hoảng và hệ lụy vô cùng to lớn. Chưa bao giờ những lời đức Phật dạy từ hơn 2500 năm trước lại rõ ràng thực tế như hiện tình thế giới ngày nay. Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật vì thấy những khổ đau trong Sinh, Già, Bệnh, và Chết nên đã ra đi tìm đường cứu giúp chúng sinh biết cách sống với trí tuệ và từ bi. Trong thế giới vốn vô thường, nhiều khổ đau, mà con người biết sống với tinh thần và nhận thức vô ngã như bậc Giác Ngộ đã dạy thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Đây chính là thông điệp nhất quán và xuyên suốt trong suốt 45 năm hoằng pháp của đức Từ Phụ. Giác ngộ chân lý, sống an nhiên tự tại giữa sự thật về Khổ, nhận chân được nguyên nhân của khổ, chấm dứt được đau khổ, và chỉ ra con đường đưa đến chấm dứt khổ cho chúng sinh là nhiệm vụ quan trọng nhất (the most important mission) khiến một vị Phật ra đời & tồn tại giữa nhân gian. Thông điệp quan trọng nhất này đã được đức Thế Tôn chia sẻ ngay trong bài pháp nghiêm trang đầu tiên tại Vườn Nai, thành phố Baranasi đến năm vị tu khổ hạnh Kiều Trần Như (Koṇḍañño), có tên là Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana sutta). Người đầu tiên giác ngộ đã thấy: “yaṃ kiñci samudayadhammaṃ sabbaṃ taṃ nirodhadhamman”ti.” Phàm các pháp nào có tính chất sinh khởi, tất cả pháp đó cũng có tính chất diệt’ vậy.” ***
Vào một buổi sáng nọ trên cung trời Đâu Suất Đà (Tusita deva) có một cuộc hội nghị mà thành phần tham dự là vô số chư thiên trong mười ngàn thế giới tụ về để cùng xem xét mức độ khả thi của một project vô cùng quan trọng. Trong những vị Bồ tát đã hoàn thành các Ba-la-mật thượng đẳng, cần một vị tình nguyện xuống trái đất để làm vị Phật thức tỉnh chúng sinh trong toàn cõi Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới (Sahassa loka). Những màn hình tâm thức trong cõi trời lấp lánh hiện lên các dữ liệu tìm kiếm. Sau những phút rà xét lại hồ sơ của vô lượng thiên thần và hành trình của các vị Bồ Tát, các vị tổng lãnh thiên thần đã dừng lại ở cái tên Deva Setaketu. Vị này, theo như hồ sơ đang lưu trữ trong bộ nhớ của vũ trụ, là nhân tố có thể xuất hiện ở thế giới Ta Bà (sahas) vào thời kỳ tuổi thọ của con người suy giảm đến khoảng 100 năm theo hệ thời gian ở trái đất.
Đây là một vị Bồ Tát (Bodhisattva) đã thực hành các hạnh Ba-la-mật (Pāramitā) tròn đủ ở cả ba mức độ (thường, khó và cực khó). Những hạnh tu đó đôi khi cũng được gọi là Thập Độ[i] (Theravada – Nam truyền) và Lục Độ[ii] (Mahayana- Bắc truyền). Với hành trình tu tập và phát triển tâm thức như vậy, vị Deva Setaketu này có sứ mệnh sẽ thành Phật (become a Buddha) trong Hiền Kiếp (Bhadra kappa), xuất hiện trong thế giới Ta Bà vào thời kỳ suy thoái của con người.
Khi được các tổng lãnh thiên thần nhắc nhở về sứ mệnh và thời gian xuất hành của mình đến Trái Đất, Bồ Tát trong hóa sinh của vị thiên thần Setaketu đã quán chiếu về năm điều kiện mà ngài sẽ thọ sinh vào kiếp người. (1) Time: Đã đến lúc cho một vị Phật xuất hiện trên thế gian chưa? (2) Place: Sẽ giáng sinh xuống lục địa nào? (3) country: Quốc độ nào là thích hợp nhất? (4) Clan: Dòng tộc nào, cha mẹ nào đủ phước để sinh ra? (5) Life-span of the mother: tuổi thọ của người mẹ mà Bồ Tát sẽ giáng sinh. Sau khi kiểm tra và thấy các điều kiện trên đã chín muồi, Bồ Tát thiên thần Setaketu đã nói lời từ biệt với các vị Bồ tát và thiên thần khác và sẵn sàng rời cõi trời Đâu Suất Đà (Tusita deva) nơi các vị Bồ tát thường cư ngụ để nghe pháp và trưởng dưỡng đạo tâm trước hoặc sau khi làm những nhiệm vụ (important misions) quan trọng trong vũ trụ. Chính hoàng hậu Maha Maya sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa đức bồ tát vào nhân gian trong hình hài của một con người, cũng đã tái sinh vào cảnh giới này.
Ở nhân gian, đó là vào khoảng giữa thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, tại một vương quốc bé nhỏ nhưng thịnh vượng và phát triển dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Kinh thành Ca-tỳ-la-vệ (Capilavatthu) có đức vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Maha Maya đang mong chờ một người con nối dõi. Họ là những bậc quân vương và mẫu nghi thuộc giai cấp Sát đế lỵ (Khattiya), là các tướng lãnh cầm quyền theo chế độ quân chủ đại nghị cổ xưa nhất. Dòng dõi Thích Ca (Sakyas) là hậu duệ của vua Okkala và vị lãnh đạo tối cao Maha Sammanta trong truyền thuyết. (Ref. Abalatthika sutta DN. 3 & Aggañña Sutta DN 27).
Vào một đêm cuối Hè nóng nực, hoàng hậu Maha Maya, lúc này đã ở tuổi trung niên, cảm thấy lâng lâng sau ngày khi tịnh giới của lễ hội Sao Bắc đẩu (Uttarasalha) nên về phòng nằm nghỉ. Trong lúc mơ màng thấy mình được bốn vị thiên thần xinh đẹp trang nghiêm nâng bổng lên hư không trên long sàng. Họ đưa hoàng hậu đến hồ Anuttatta trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn – nơi bắt nguồn của bốn con sông lớn[iii] nhất cõi Diêm Phù Đề (Jambudipa), để tắm. Sau khi tắm, bà được đặt trở lại trên long sàng, phục sức bằng lụa trắng mỏng manh chói sáng như thiên nữ. Khi đó có một con voi trắng như sữa mang theo cành sen trắng đang hé nở nhẹ nhàng bay về phía hoàng hậu, lượn ba vòng quanh long thể của người rồi êm đềm đi vào từ hông phải. Cảm giác hỷ lạc khinh an tràn ngập nơi thân tâm hoàng hậu. Ba ngàn thế giới chấn động trong khoảng khắc Bồ tát nhập vào thai mẫu.
Hôm sau, các nhà chiêm tinh được triệu tập vào cung để giải mã giấc mơ kỳ diệu của hoàng hậu Maha Maya. Các nhà chiêm tinh đoán mộng đều bày tỏ nỗi vui mừng, cho rằng một sinh linh vĩ đại vừa đầu thai vào loài người qua long thể của hoàng hậu dòng Thích Ca; vương quốc sắp có người kế vị ngôi báu – vị lãnh đạo có một không hai trên thế gian. Hồ Anuttata trên đỉnh hy mã lạp sơn là nơi cung cấp nguồn nước và dưỡng chất chảy vào các con sông lớn ở Á Châu, cũng vậy, vị lãnh đạo tinh thần được thụ thai ở đây sẽ là nguồn cảm hứng và nuôi dưỡng tâm linh cho nhiều thế hệ khắp cõi nước, và dân chúng sinh sống & tắm mát bởi nước những con sông này.
Suốt những tháng thai kỳ, hoàng hậu cảm thấy an nhiên tự tại và hoàn toàn thanh tịnh, không có ham muốn ngũ dục trần tục như những phụ nữ ốm nghén khác. Gần đến ngày nở nhị khai hoa, theo tập tục của người Koliyans dòng họ của bà, hoàng hậu trở về thành Devadaha, quê ngoại để lâm bồn. Tuy nhiên, trên đường đi, đoàn tùy tùng đưa kiệu của hoàng hậu đi qua một lâm viên xinh đẹp khả ái là Lumbini. Hoàng hậu Maha Maya cảm thấy những chuyển biến lạ trong mình nên ra lệnh dừng kiệu để bà và các cung nữ vào vườn thưởng ngoạn các loại kỳ hoa dị thảo và nghe chim chóc hoan ca. Khi đến dưới gốc cây Sala đang bung nở, hoàng hậu cảm thấy sắp đến thời khắc lâm bồn, mặt đất rung chấn, và một cành Sala nghiêng xuống để bà nắm tay vịn vào. Ngay lập tức các cung nữ đã bung những tấm lụa mang theo làm thành một vòng cung che chắn cho hoàng hậu trong giây phút thiêng liêng.
Trong khi hoàng hậu Maya đang đứng, tay phải vin cành Sala nở rộ, Bồ Tát đã bước ra hoàn toàn thanh tịnh. Hương của muôn loài hoa trong vườn Lumbini hòa quyện với hương cõi trời trong muôn ngàn thế giới, cùng hai dòng nước một ấm một lạnh do Phạm Thiên rót xuống để tắm cho Bồ Tát và mẫu hậu. Chư thiên từ cõi trời Phạm thiên đến các cõi trời dục giới cùng thốt lên những âm thanh vi diệu để ca tụng sự kiện trọng đại này.
Thật kỳ diệu, ngay khi vừa ra khỏi lòng mẹ, Bồ tát liền bước đi bảy bước, dưới mỗi bước chân của ngài có một đóa sen bung nở ngát hương thơm lạ. Đức Bồ Tát quay nhìn ra tám hướng mười phương, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất và cất giọng phạm âm tuyên bố: “Trong tất cả thế giới, Ta là đấng cao thượng và tiến hóa nhất về tâm linh!”[iv] Trái đất và mười ngàn thế giới một lần nữa rung chấn trong hân hoan vì sự kiện kỳ diệu này!
Thời khắc một vị đại Bồ Tát xuất hiện trên thế gian với sứ mệnh thành Phật, theo sử liệu trong các câu chuyện Tiền Thân (Jataka stories), có những hiện tượng kỳ diệu đã xẩy ra như:
(1) Ánh sáng chiếu diệu trong tất cả 10 ngàn thế giới, đến cả những nơi tăm tối nhất của vũ trụ;
(2) Người mù bỗng dưng thấy được vì niềm mong mỏi mãnh liệt được thấy Bồ Tát;
(3) Người điếc cũng trở nên thính tỏ, nghe được âm thanh trong lúc đó;
(4) Người câm cũng tự nhiên nói được rõ ràng mạch lạc;
(5) Những người tàn tật trở nên lành lặn không khiếm khuyết;
(6) người què thì bỗng dưng tự đứng tự đi một cách thoải mái;
(7) Những người bị tù đày và trói buộc thì được ân xá và thoát khỏi xiềng xích;
(8) Lửa trong các địa ngục được dập tắt; lần đầu tiên các chúng sinh trong địa ngục có thể nhìn thấy nhau;
(9) Những chúng sinh trong cảnh ngạ quỉ được no đủ và thoát khỏi thống khổ của đói khát;
(10) Thú vật được thoát khỏi hiểm nguy, vui sống trong thế giới hoang dã;
(11) Những người bệnh được sức khỏe và an ổn thoát khỏi bệnh tật;
(12) Mọi chúng sinh trong các thế giới có thể nói chuyện với nhau một cách thân ái,
(13) Những cảnh đẹp của thiên nhiên hùng vỹ bỗng sáng tỏ vì bầu trời quang đảng;
(14) Gió thổi nhè nhẹ, cảm giác an hòa, mát mẻ và thanh lương bao trùm không gian;
(15) Trời mưa như thác đổ, nước thấm nhuần đất đai cung cấp dưỡng chất cho mọi loài thực vật cỏ cây đơm hoa kết trái;
(16) Các loài thực vật đều đơm bông từ gốc tới cành, ngọn khắp mọi nơi…
(17) Hương thơm tỏa ngát không gian đầy vi diệu
(18) Chim chóc hoan ca đón mừng Bậc Đại giác đản sinh….
Māha Karuniko Nātho, hitāya sabbā pānino… những lời ca ngợi về lợi ích mà bậc Đại Bi với tâm từ vô lượng đem đến cho chúng sinh khổ đau vang vọng khắp nơi.
Khi đoàn xa giá trở lại hoàng cung Capilavatthu, các vị ẩn sĩ và các nhà chiêm tinh được mời đến để xem tướng cho Thái tử. Vì là vị hoàng tử được trông đợi từ lâu, nên hoàng nhi được đặt tên là Siddhattha – Ước Nguyện Thành Tựu. Khi được vua Tịnh Phạn bế đến để đảnh lễ đạo sĩ Asita, một bậc đạo cao đức trọng tu hành khổ hạnh nhiều năm trên núi, thái tử Siddhattha đã đưa chân đạp lên đầu của đạo sĩ. Hành động kỳ lạ này của hoàng nhi khiến vua cha và tất cả quần thần kinh ngạc! Còn đạo sỹ Asita khi thấy tướng mạo phi thường của Thái tử thì bất thần cười rồi khóc. Những dấu hiệu trên thân tướng của thái tử Siddhattha được diễn dịch là tướng của bậc đại nhân mà cuộc đời sẽ thành tự phi thường (Māha Purisa lakkhaṇa). Nếu ở trong thế tục, người có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp như thái tử Siddhattha sẽ trở thành vị Chuyển Luân Thánh Vương (Cakkavatti)[v] ; nếu xuất gia hành đạo, vị này sẽ trở thành vị Phật Toàn Giác (SammasamBuddho) – vị lãnh đạo tinh thần của chư thiên và nhân loại trong nhiều thế hệ.
Sự xuất hiện của một bậc Đại Giác, một vị Phật, Như Lai, bậc Ứng cúng là điềm lành lớn nhất cho chư thiên và nhân loại. Người xuất hiện vì hạnh phúc, thịnh vượng và lợi ích vô lường cho tất cả chúng sinh hữu duyên với Phật Pháp.
Quá đỗi kinh ngạc vì vị đạo sĩ già khả kính vừa cười, vừa khóc, vua Tịnh Phạn hỏi nguyên do, vị đạo sĩ trả lời trong niềm xúc động:
ü Hoàng Nhi là một bậc xuất chúng, sẽ xuất gia, tu hành và giác ngộ thành Phật. Ngài sẽ là một bậc Thầy giữa chư thiên và nhân loại, có khả năng giác ngộ cho vô số chúng sinh đang trầm luân trong biển khổ. Ngài sẽ gióng lên tiếng trống Pháp, vận chuyển bánh xe bất tử, đem thịnh vượng, hạnh phúc và ánh sáng trí tuệ đến thế giới này. Bần đạo cười vì điều này. Cuối cùng thì bần đạo cũng chờ được đến ngày một đại sĩ như vậy xuất hiện trên thế gian. Nhưng… khi ngài xuất gia, tu hành và giác ngộ thành Phật thì bần đạo đã hết tuổi thọ trong kiếp người này rồi. Bần đạo sẽ không có duyên may được gặp Bậc Đại Giác, Đức Phật – vì lý do này nên bần đạo buồn cho mình và rơi lệ, thưa đại vương.
Bảy bước chân Bồ Tát đã bước ngay khi mới ra đời, mỗi bước có hoa sen bung nở viên mãn tượng trưng cho sự thanh khiết trong sạch của bậc giác ngộ giữa trần gian ô nhiễm. Bảy bước để một con người thành Phật chính là bảy giai đoạn tu hành thanh tịnh (Ref. Rathavinītasutta, MN. 24):
- Giới thanh tịnh (sīla-visuddhi)
- Tâm thanh tịnh (citta-visuddhi)
- Kiến thanh tịnh (ditthi-visuddhi)
- Đoạn nghi thanh tịnh (kankha-vitarana-visuddhi)
- Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh (maggamagga-ñanadassana-visuddhi)
- Tri kiến thanh tịnh về pháp hành (patipada–nanadassana-visuddhi)
- Tri kiến giải thoát thanh tịnh (Vimutti nanadassana-visuddhi)
Bảy bước này cũng có thể là Thất Giác Chi /Bảy bồ đề phần (7 Bojjhanga) tu tập để chín muồi đến quả giác ngộ giải thoát thành Phật. Đó là Niệm giác chi (Sati), Trạch pháp giác chi (dhamma vijaya), Tinh tấn giác chi (Viriya), Hỷ giác chi (Piti), Khinh an giác chi (passaddhi) ,Định giác chi (Samādhi) và Xả giác chi (Upekkha Bojhanga). Đây là bảy bước quyết định cuối cùng để trở thành người giác ngộ – thành Phật.
Mặc dù hoàng hậu Maha Maya băng hà chỉ bảy ngày sau khi đức Bồ Tát đản sinh, hoàng nhi Siddhartha đã được Di mẫu Kiều Đàm Di (Maha Pajapati Gotami) nuôi nấng và yêu thương hết mực. Phụ thân Suddhodana đã làm mọi cách có thể trong năng lực của một vương chủ thế gian để cho thái tử được thoải mái và lớn lên thành bậc quân chủ theo tham vọng của ông và hoàng tộc Thích Ca (Sakyas). Tuy nhiên, tính cách từ bi và trầm mặc của thái tử Siddhartha lại khiến phụ vương lo lắng về lựa chọn xuất gia như đã được các nhà tiên tri nói trước.
Đức Bồ Tát đã từ bỏ đời sống vương giả trong cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con khôn để xuất gia năm 29 tuổi. Ngài tu tập khổ hạnh sáu năm theo các lối tu thịnh hành của giới Sa môn vào thời đó ở Ấn Độ. Có hai vị thầy dạy thiền định được ngài nhắc đến trong kinh Thánh Cầu (MN. 26):
“Này các Tỷ-kheo, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đến chỗ Alāra Kālāma ở, khi đến xong liền thưa với Alāra Kālāma: “Hiền giả Kālāma, tôi muốn sống phạm hạnh trong pháp luật này”.
Sau khi thực hành cùng vị thầy này và chứng đạt đến trình độ của bậc thầy trong thiền định cho đến Vô sở hữu xứ trong thiền Vô Sắc, được thầy trọng dụng đặt ngang hàng nhưng Bồ tát cảm thấy không thỏa mãn, nên đã ra đi tìm vị thầy khác. Ngài đến thọ giáo với Uddaka Ramaputta và thực hành nghiêm túc, không mất nhiều thời gian lại đạt đến bậc thiền cao hơn trong cõi vô sắc, đó là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị thầy này cũng đặt Bồ tát lên ngang hàng và trọng dụng, nhưng ngài thấy đó vẫn chưa phải là điều mà ngài tầm cầu.
“Này các Tỷ-kheo, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ, tuần tự du hành tại nước Magadha (Ma kiệt đà) và đến tại tụ lạc Uruvela (Ưu lâu tần loa). Tại đây, Ta thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tự nghĩ: “Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một Thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn”. Và này các Tỷ-kheo, Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ: “Thật là vừa đủ để tinh tấn”.
Sau khi quyết định tu tập một mình, ngài đi đến bờ sông Nerañjarā đem theo chiếc bát đã nhận cúng dường bữa cơm sữa của một thôn nữ cầu phước, và làm quyết định ba la mật: “Nếu ta có đủ duyên để giác ngộ, xin cho cái bát này trôi ngược dòng sông”. Thật kỳ diệu, chiếc bát đã trôi ngược dòng!
Vừa lúc quay lại dưới gốc cây banyan để ngồi thiền thì có một cậu bé chăn dê vừa cắt cỏ về, và cậu bé quá ấn tượng với bậc ẩn sĩ đã cúng dường ngài mấy nắm cỏ để làm bồ đoàn. Sau khi an tọa trên bồ đoàn và khởi tâm quyết định bất thối để chứng quả giác ngộ cao nhất (Sammasambodhi), ngài đã thiền định suốt đêm, nhớ lại kinh nghiệm đắc thiền dễ dàng khi còn là một đứa trẻ ngồi dưới tàng cây hồng táo, ngài đã dễ dàng vào các từng thiền thâm sâu.
Cũng trong đêm nhiệt tâm tỉnh giác để phá tan màn vô minh nghiệp chướng cuối cùng này, đức Bồ Tát đã quyết chiến với Ma Vương (Mara) – thế lực hắc ám cao nhất trong cõi Dục giới. Trên cái ngai trác táng của mình, được đoanh vây bởi những Ma chủ và những ác ma hùng hậu nhất trong cõi tham sân si, Ma Vương không muốn bất cứ chúng sinh nào thoát khỏi vòng kìm tỏa của nó. Hình như Mara đã ‘ngửi’ được sự nỗ lực bứt phá của Bồ Tát ở Bodh Gaya trong đêm đó. Không chút chậm trễ, Mara triệu tập ba cô con gái xinh đẹp và thần diệu nhất trong nghệ thuật quyến rũ đến. Ba ma nữ ở những độ tuổi và hình hài, độ cuốn hút khác nhau cùng xuất hành từ cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên, ẩn hiện quanh chỗ ngồi thiền của Bồ Tát và nhảy múa, uốn lượn theo vũ điệu kích dục nhất. Mặc cho tất cả những màn quyến rũ tuyệt đỉnh của các nàng Khát Ái, Tham Dục, và Bất Mãn, đức Bồ Tát vẫn tĩnh tại bất động dưới cội Bồ Đề. Khi nhận ra những nỗ lực của mình không làm cho Bồ Tát dao động, các nàng ấy nháy mắt nhau lặng lẽ rút lui!
Thấy ba cô con gái tài nghệ của mình bị thất bại, Mara càng tức tối và quyết tâm phá hoại nỗ lực giác ngộ giải thoát của Bồ tát hơn. Y liền triệu tập các đội binh ma khác, rầm rộ xuất quân từ tất cả các hướng để bao vây chỗ Bồ tát đang ngồi thiền. Chúng tạo mưa gió sấm sét, sóng thần, động đất, chúng hiện tướng các cai ngục hung dữ, hiện tướng những con thú hoang dã khát mồi, tướng A-tu-la giận dữ sát khí, tướng Dạ Xoa hung hăng điên cuồng, tướng bạo chúa với khả năng thao túng, trừng phạt, dọa dẫm, vv. Chúng tung ra tất cả các loại khí giới đáng sợ nhất nhưng những màn thách đấu phô diễn đó không hề làm tâm Bồ Tát xao động.
Để khẳng định vị thế của mình trên Bồ đoàn bất bại, Bồ Tát kiết ấn xúc địa, gọi trái đất làm chứng rằng ngài đã thực hành Thập Độ suốt nhiều A-tăng-kỳ (Asankhaya) và trăm ngàn đại kiếp (Maha Kappa), đức của ngài đủ dày để có thể bất động trước những năng lực tấn công & phá hoại của Mara. Đại Địa đã cảm nhận được sự chân thành trong lời tuyên bố sự thật của Bồ Tát, mặt đất rung chuyển hất tung các thế lực hắc ám. Chúng bỏ chạy tán loạn và rút quân về các cảnh giới mà chúng đã đến. Biển khí giới và bãi chiến trường trở thành đầm sen với triệu triệu bông hoa đang hé nở & tỏa hương thanh khiết trong nắng sớm.
Đó chính là thời khắc một vị Phật Toàn Giác (sammasambuddho) hiện diện trên thế gian.
Trong đêm đại giác ngộ, đức Phật đã chứng đắc ba trí tuệ đặc biệt gọi là Tam Minh. Trong canh đầu của đêm, ngài chứng Thiên Nhãn Minh[vi] – thấy được các cảnh giới khác nhau trong vũ trụ Tam Giới, nơi có các chúng sinh tùy duyên nghiệp mà hóa hiện, kết nối, tương tác và tạo ra cảnh giới đặc trưng của từng chủng loại thức tánh và trình độ tiến hóa. Trong canh giữa, ngài chứng đắc Túc Mạng Minh[vii] – biết được vô lượng các kiếp quá khứ với đầy đủ đại cương và chi tiết của các chúng sinh đi đầu thai theo nghiệp lực và tạo nghiệp, chết đi sống lại trong những cảnh giới khác nhau trong Samsara – vòng sinh tử luân hồi bất tận. Và trong canh cuối của đêm, ngài chứng đắc Lậu Tận Minh[viii] – trí tuệ thấy biết như thật: Đây là khổ, đây là nguyên nhân của Khổ, đây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến chấm dứt khổ. Minh, ánh sáng phát sinh xua tan vô minh, phá hết những mê lầm, đoạn tận phiền não, cắt đứt tất cả nghiệp chướng lậu hoặc, chấm dứt hoàn toàn vòng sinh tử luân hồi.
Ngay sau khi giác ngộ, đức Phật đã quán chiếu về định luật duyên sinh: “vì cái này có mặt nên cái này có mặt, vì cái này đoạn tận nên cái này đoạn tận…” Tất cả các pháp đều có nguyên nhân và duyên hệ để sinh khởi, khi các duyên tan rã thì pháp đó cũng biến mất. “Vì Vô Minh có mặt nên có Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh- Sắc, … như vậy là sự tập khởi của nhóm Khổ uẩn này. Vô minh diệt, Hành diệt, không Hành thì không Thức, không Thức không Danh –Sắc, vv… như vậy là sự diệt tận của tất cả khổ đau này.”
“Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn có nhiệt tâm đang tham thiền, trong khi đánh tan binh đội của Ma Vương, (vị ấy) hiển hiện tựa như ánh mặt trời đang làm rực sáng không gian.”[ix]
Ngài quán chiếu thấy chúng sinh có căn tính khác nhau, như hoa sen sinh ra trong bùn lầy, nhưng có khả năng vươn lên đón ánh sáng mặt trời và tỏa hương sắc. Ngài đã thành lập Tăng Đoàn (Sangha), giáo hóa Tứ Chúng[x], mở ra hàng triệu con mắt, nối dài triệu triệu cánh tay để Phật Pháp mãi trường tồn trên thế gian vì hạnh phúc, an lạc và thịnh vượng của chư thiên và nhân loại.
Đức Thế Tôn đã trụ thế và hoằng pháp suốt 45 năm không mệt mỏi vì lòng từ bi thương xót chúng sinh đắm chìm trong biển khổ, bị dẫn dắt bởi vô minh và trói buộc bởi ái dục. Vì thương tưởng đến mọi người, mọi loài, vì lợi ích của chư thiên và nhân loại, đức Phật đã không từ bỏ ghánh nặng, gióng lên tiếng trống bất tử của chánh pháp, bằng nhiều hình thức và phương tiện vi diệu để Phật Pháp được nghe, hiểu và thực hành khắp cõi Diêm Phù Đề. Ngày nay, đạo Phật đã được truyền bá khắp năm châu bốn biển. Đạo Giác ngộ đã được thực hành ở nhiều quốc gia, chủng tộc khác nhau ngoài xứ Ấn Độ, giải thoát cho vô lượng chúng sinh trong biển khổ.
Rằm tháng Tư cũng đánh dấu sự kiện đức Từ Phụ đã xả bỏ thân tứ đại, nhập Vô Dư Y Niết Bàn (Maha Parinibbana). Tuy ngài không còn hiện diện trên thế gian trong thân ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) nhưng giáo pháp mà Bậc Thầy của chư thiên và nhân loại đã để lại vẫn là sao Bắc Đẩu, là Kim chỉ nam soi đường chỉ lối cho chúng ta thực hành theo con đường Tám Chánh. Tu tập theo tam Vô Lậu Học gồm Giới (Sīla sikkhā), Định (Samādhi sikkhā) và Tuệ (Paňňā sikkhā) để có giác ngộ – giải thoát khỏi Tam Giới sinh tử luân hồi.
Kính chúc quí vị Tôn Túc Trưởng Lão, quí vị Phật tử, đồng hương và mọi người một mùa Phật Đản an lạc kiết tường thấm nhuần Đạo Vị.
Viết tại Tự Viện Liên Hoa, Irving – Dallats, Texas USA
Mùa Phật Đản 2564 – Apr. 2020.
TKN Pháp Hỷ – Ayya Dhammananda cẩn bút
[i] 10 Parami theo Nam truyền là: 1. Dāna – bố thí; 2. Sīla – trì giới; 3. Nekkhamma- xuất gia; 4. Paňňā – Trí tuệ; 5. Viriya – tính tấn; 6. Khanti – Nhẫn nại; 7. Sacca – chân thật; 8. Adhiṭṭhāna – Quyết định; 9. Metta – tâm từ; và 10. Upekkha – tâm xả ba la mật.
[ii] Lục độ là sáu Ba la mật (Pāramitā) theo Bắc truyền bao gồm: 1. dāna – Bố thí ; 2. Sīla – trì giới; 3. kṣānti – Nhẫn nại; 4. vīrya – Tinh tấn; 5. dhyāna – Thiền định; và 6. prajñā – Trí tuệ Ba la mật.
[iii] Sông Hằng (Gangas), sông Brahmaputtas, Sông Indus, và sông Me Koong.
[iv] Chú giải và Buddhavamsa tường thuật lại những lời tuyên bố “động trời” của hoàng nhi như sau:
(a) “Aggo’ ham asmi lokassa!” ta là bậc thượng đẳng trong tam giới!
(b) “Jettho’ ham asmi lokassa! “, ” ta là bậc vĩ đại nhất trong thế giới”
(c) “Settho’ ham asmi lokassa! “ta là bậc tiến hóa nhất trong thế giới”
(d) “Ayam antima jati! “, “Đây là lần sinh cuối cùng cho ta.”;
(e) “Natthi dani punabbhavo! ” “Sẽ không còn luân hồi tái sinh nữa.”
[v] Cakkavatti Sutta DN 26
[vi] AN.ii, 6:58. dibba cakkhu – The knowledge of the recollection of past abodes, the divine eyes;
[vii] Kammaniye ñāṇā – The knowledge of the passing away and rebirth of beings;
[viii] āsavākkhayañāṇā – The knowledge of the destruction of all taints/cankers.
[x] Bhikkhu Sangha, Bhikkhuni Sangha, upasaka – chúng nam cư sĩ, and Upasika- chúng nữ cư sĩ.
Bản PDF để in:
Tại Sao Phật Không Đản Sinh Mỗi Ngày
Discussion about this post