Sống với
hiện tại, nói thì dễ mà làm
thật không dễ tí nào. Đứng về mặt khoa học mà nói thì việc sắp xếp
thời gian “giờ nào việc ấy” là
hoàn toàn hợp lý không có gì phải
bàn cãi.
Tuy nhiên, chỉ tiếc là
thói quen của
chúng ta thường không theo nề nếp như vậy. Giờ nào việc nấy đã khó, sống làm chủ mình,
ý thức và
nhận thức tất cả những gì đang diễn ra với ta và trong ta lại càng khó hơn. Đối với người không hoặc ít
thực hành thiền
chánh niệm để rèn cho mình một
nếp sống tỉnh thức, điều này trở nên khó
vô cùng. Trong nhịp sống
bình thường, sống với
hiện tại đã là việc không dễ, thế nhưng, khi các
yếu tố bên ngoài có
tác động gây
ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, thì việc giữ
chánh niệm để
an trú trong
hiện tại muôn phần khó hơn. Người có khả năng giữ tâm
an tịnh với nội lực của mình để không bị
quá khứ dắt lôi, không bị tương lai
chi phối và không bị các dục trong
hiện tại cuốn vào dòng nước xoáy mới được gọi là người biết sống với
hiện tại.
Tâm lý con người ưa bỏ hình mà đi bắt bóng, hết hồi tưởng về quá khứ thì mơ màng đến tương lai, chứ ít ai chịu sống với hiện tại. Tâm chúng ta có thói quen bị cuốn hút trở về những gì đã trôi vào dĩ vãng mà chúng ta cho là tốt đẹp hơn hiện tại với tâm nuối tiếc; hoặc là mơ mộng vươn đến tương lai xa xăm với những viễn ảnh mà ta hy vọng là sẽ vượt xa những gì đang có. Những tư tưởng này tạo một ảo giác dễ chịu trong giây lát như một liều thuốc an thần làm cho ta thấy thích thú, và nhất là nó giúp ta tránh né không phải đối mặt với những khó khăn đang xảy ra trong hiện tại. Vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi mỗi lần gặp nhiều khó khăn thì dường như người ta lại càng hay nghĩ nhiều về quá khứ và mơ về tương lai bay bổng hơn như là một cách ẩn núp để né tránh hiện tại mà họ cho là không đẹp. Họ cứ ngỡ đây là giải pháp để thoát khỏi những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống họ đang phải đối đầu.
Tuy nhiên, quá khứ đã qua rồi, còn tương lai thì chưa đến, và chắc gì hy vọng ở tương lai có thể đem đến hiện thực? Cả hai đều là ảo ảnh, là hư vô… Một cái đã trôi vào dĩ vãng, ta không thể quay ngược thời gian để sống với nó. Một cái ta mong đến, nhưng không có cái gì đảm bảo rằng chắc chắn nó sẽ đến. Hầu hết chúng ta đều đặt cuộc sống trên hai chiếc phao nổi ấy, mà cả hai đều là bọt nước mong manh. Còn hiện tại là cuộc sống đích thực, là món quà nhiệm màu nhất mà nhiều người lại từ chối, cố tình trốn tránh vì cho rằng “nó quá phũ phàng”. Như thế là cuộc sống đích thực trôi tuột qua kẽ tay.
Thử ngẫm lại một ngày của mình trôi qua như thế nào, có lẽ bạn cảm thấy thú vị đến mức giật mình rằng ta đã dành quá nhiều thời gian, năng lượng và tâm trí để nhảy lui về quá khứ hoặc nhảy tới tương lại mà ít khi chịu trở về với hiện tại. Nếu thấy cách sống này là vô lý và vô vị, ta cần phải thay đổi để tận hưởng những khoảnh khắc đẹp nhất trong hiện tại. Điều này không thể muốn là được, vì từ lâu lắm rồi, ta quen sống với cách quên hiện tại, nên cần phải thực hành để tạo nên một nếp sống mới nhiều ý nghĩa hơn.
Đạo Phật chú trọng nhiều đến đời sống hiện tại, bây giờ và ở đây. Trong kho tàng kinh điển Phật giáo, một số bài kinh chuyển tải nội dung sống an trú trong hiện tại chứ không hồi tưởng quá khứ và mơ tưởng tương lai, cụ thể như: Tương ưng bộ kinh, tập I, Chương I, phẩm Cây lau, Kinh rừng núi số 10, Kinh “Nhứt dạ hiền giả” (Trung bộ kinh, số 131), “Kinh A-nan nhứt dạ hiền giả” (Trung bộ kinh, số 132), Kinh Đại-ca-chiên-diên nhứt dạ hiền giả” (Trung bộ kinh, số 133), Kinh Lomasakangiya nhứt dạ hiền giả” (Trung bộ kinh, số 134). Ngoài ra, phần Hán dịch, trong “Kinh Trung A-hàm” cũng có 3 kinh tương đương, như Số 165 “Kinh ôn tuyền lâm thiên”, số 166 “Kinh Thích trung thiền thất tôn” và Kinh số 167 “Kinh A-nan-đà thuyết”. Những bài kinh này dạy nghệ thuật sống trong từng giây từng phút với hiện tại nhiệm mầu và lý giải tại sao ta không nên hoài tưởng về quá khứ đã qua và nghĩ tưởng về tương lai chưa đến hoặc sẽ không bao giờ đến.
Không tiếc nuối quá khứ
Thường thì trong cuộc sống, con người dành khoản lớn thời gian để sống với những hồi tưởng về quá khứ kèm theo cảm giác nuối tiếc. Ai, dù ít dù nhiều, khi về già đều có sự ôn lại cái quá khứ mà mình đã trải qua: có quá khứ một thời oanh oanh liệt liệt, có quá khứ thần sầu quỷ khốc, có quá khứ đẹp như mơ, mà cũng có quá khứ khổ như ác mộng, mỗi người mỗi nét, mỗi chặng mỗi vẻ. Nhưng chung quy, vì đã tạo một rãnh mòn trong tâm thức, quá khứ bao giờ cũng là “kỷ niệm dấu yêu” dù nó có đầy thương đau vết tích đi nữa, vẫn là cái ta chọn để trân trọng giữ gìn. Ta thường nghĩ về quá khứ khi không hài lòng với hiện tại, nhớ về dĩ vãng với niềm tiếc nuối không nguôi theo kiểu “vang bóng một thời”. Dù có đẹp, thì ta cũng không thể xoay thời gian trở lại được. Thôi thì việc gì qua cứ để nó qua luôn, đừng lấy nó để bận lòng, còn trăm ngàn việc khác phải lo. Mỗi lần nhớ lại, ta lại có cảm giác lâng lâng trong giây lát rồi sau đó, khi trở về trong hiện tại, tâm trạng chán chường, buồn thảm còn nhiều hơn. Đó là điều mà Đức Phật nói “nghĩ như thế và khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy, thì người ấy đang tìm về quá khứ” (Kinh Nhất dạ hiền giả, Trung bộ kinh số 131).
Bài kinh này chỉ rõ, không truy tìm quá khứ là không nhớ về, nghĩ về những gì mà các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đã từng tiếp xúc trong quá khứ, những cảm thọ mà ta thích hay không thích, mong muốn hay không mong muốn đã trải qua trong quá khứ. Quá khứ không còn nữa, có còn chăng là trong ký ức, đó là những hình ảnh, những cảm giác, cảm nhận không thực, chỉ là bóng dáng của những gì đã xảy ra mà trong duy thức học gọi là “lạc tạ ảnh tử”. Tuy thế, bóng dáng của quá khứ có thể khiến cho tâm dao động, bất an nếu như hướng về nó, khiến cho các phiền não khởi lên, đó là tham luyến, nuối tiếc, hân hoan, vui vẻ, hoặc buồn bã, hối tiếc, oán ghét, giận hờn v.v… Tất cả những phiền não này đều là biểu hiện của tâm tham ái và chấp thủ. Do đó, bóng dáng của quá khứ tuy không thực nhưng là nguyên nhân làm tăng trưởng tham ái và chấp thủ, cũng có thể nói cách khác là làm tăng trưởng tham, sân và si trong tâm ta là có thật và khổ đau ta phải gánh chịu là có thật.
Nhớ về
quá khứ không có gì
sai trái, nhưng đắm chìm trong
hồi tưởng, ngụp lặn trong suy tư là sai.
Quá khứ đã cho
chúng ta kinh nghiệm, và phần lớn
xã hội loài người được tổ chức tốt nhờ vào
kinh nghiệm,
con người chúng ta trưởng thành hơn cũng phần lớn nhờ
học hỏi từ
kinh nghiệm của chính mình.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là
chúng ta thường không phân định được giữa
mục đích và
phương tiện.
Kinh nghiệm quá khứ là những
phương tiện giúp ta sống
tốt hơn, nhưng
bản thân cuộc
sống lại chính là
hiện tại.
Lời khuyên của nhà văn người Anh Charles Dickens là:
“Hãy suy nghĩ về những cơ hội may mắn trong hiện tại – điều mà mọi người đều có thể đón nhận; chứ không phải về quá khứ – điều mà người ta chỉ có hối tiếc”. Hiện tại gói
quá khứ trong lòng và ôm chặt tương lai trong dạ.
Hiện tại giữ cả hai đầu mối của
quá khứ và tương lai để làm cho dòng
thời gian liên kết xâu chuỗi các
sự kiện xưa, nay và sau. Do đó, nhớ về
kinh nghiệm, bài học từ
quá khứ đủ để làm bệ phóng cho ta vững bước trong
hiện tại là điều nên làm, nhưng thường thì trên
thực tế, ta không biết dừng ở vạch đỏ này mà lại đi quá xa.
Lấy một ví dụ để làm rõ hơn. Ta từng bị ai đó lường gạt. Ta có thể và có quyền không quên hành vi lường gạt, dối trá ấy, và điều này mang lại cho ta kinh nghiệm quý giá để không bị lường gạt theo cách tương tự như thế một lần nữa. Nhưng nếu ta nhớ lại như một sự hâm nóng, tái hiện với lòng căm giận, tức tối, không tha thứ về những nhân vật A, B, C nào đó đã lường gạt ta, liệu điều đó có ý nghĩa gì? Những nhân vật A, B, C của quá khứ không còn trong hiện tại, nhưng sự căm giận, tức tối như thế sẽ là có thật. Và tác động duy nhất của việc ấy chỉ là nuôi dưỡng thêm những khổ đau, bất hạnh cho chính ta mà thôi. Không sống với quá khứ để được hạnh phúc. Đây là mục đích của đức Phật.
Ta không thay đổi được quá khứ, nhưng ta có thể từ chối những tác động không hay mà quá khứ mang đến cho ta. Điều này là hợp lý và ta hoàn toàn có thể làm được. Như dạo chơi trong một khu bán hàng, ta có quyền chỉ chọn mua những gì ta thích. Ta không chối bỏ quá khứ, nhưng ta không có nghĩa vụ phải đau đớn, buồn thương, căm giận với những gì đã qua trong quá khứ. Những điều đó chỉ có hại cho hiện tại sống động này của ta mà thôi. Ta thường an ủi người khác rằng chớ nên quá đau buồn vì những chuyện đã qua, nhưng chính bản thân ta khi gặp chuyện thì không làm được như vậy. Hầu hết chúng ta đều nói giỏi hơn làm, việc người thì sáng, việc mình thì quáng, không phải mình không muốn làm nhưng thực tế nội tâm chưa đủ mạnh để có thể ôm ấp, vỗ về, hóa giải những đau thương trong quá khứ. Đó là vì ta vẫn hiểu rằng cuộc sống chính là hiện tại, mà chưa thể sống theo cái hiểu ấy; khi nào ta trải nghiệm cuộc sống đủ sâu, cọ xát thực tế đủ dày, cảm nhận các cảm thọ đủ chín thì ta mới có khả năng sống với hiện tại.
Không mơ ước viển vông ở tương lai
Tương lai còn mờ mịt, chứa đựng nhiều nỗi sợ lo – lo công việc không ổn định, lo làm ăn không tiến triển, lo bản thân mình và những người thương yêu của chúng ta bệnh, rồi chết… đủ mối lo trong tương lai và ta thường mong muốn có phép màu nào đó hóa giải tất cả những nỗi sợ lo này để cho tương lai tươi đẹp chuyển thành hiện tại toàn màu hồng. Cũng như hoài niệm về quá khứ, khi ta không hài lòng với hiện tại, ta thường phóng tâm mơ ước về tương lai với mong muốn những gì tốt đẹp hơn sẽ đến để thay đổi cuộc đời mình. Phép màu của tưởng tượng không thể làm ta thay đổi cuộc sống, vì đó là tương lai hão huyền, mà cuộc sống thật sự chỉ là hiện tại mà thôi. Tương lai xa xăm chỉ có tác dụng nhấc bổng ta lên trong chốc lát với tâm lý ảo rồi thả mạnh ta rơi xuống sàn đất hiện tại với ê ẩm toàn thân!
Và với tương lai ta chưa biết ra sao? Dù mơ ước thế nào đi nữa thì nó cũng chưa tới mà nếu nó tới mà không đúng với điều ta mơ ước, như vậy càng làm cho ta khổ hơn. Vậy thì nghĩ đến tương lai để làm gì? Tương lai là điều ta nói, hiện tại là điều ta làm và làm thì bao giờ cũng đưa đến kết quả tác động trực tiếp và thực tế đến cuộc sống, còn nói chỉ để nói suông mà thôi. Nhiều người đang đứng trên đất, hít thở khí trời, còn ăn cơm mỗi ngày mà sống thiếu thực tế, mơ ước viển vông rồi biện hộ “ước không tốn tiền, dại gì không ước!” Đúng là không tốn tiền, nhưng nó tiêu hao của chúng ta nhiều thứ còn quý hơn cả tiền, đó chính là thời gian, năng lượng sống, sự chánh niệm và quan trọng nhất là chính cuộc sống, vì cuộc sống chỉ thật sự có mặt trong hiện tại.
Không ước vọng tương lai là không mơ tưởng viển vông mà quên rằng tương lai phải được dựng xây trên nền tảng hiện tại. Để tâm băn khoăn lo lắng, khao khát mong chờ những gì chưa tới hoặc có thể không bao giờ xảy ra là một việc làm thiếu thực tế. Chỉ vì ta quá âu lo hoặc khao khát mong chờ mọi việc diễn ra theo ý mình mà tưởng tượng ra, vẽ nên bao viễn cảnh xa vời. Bài kinh Nhất dạ hiền giả dạy rằng, không mong chờ tương lai mình sẽ như thế này, thế khác, hay không như thế này, thế khác. Không mong chờ trong tương lai được tiếp xúc với sắc gì, thinh gì, hương gì, vị gì, xúc gì, pháp gì. Không ước vọng tương lai là không mong muốn những điều đó, cũng không có ý niệm chán ghét, nhàm chán, lo sợ phải tiếp xúc với những gì mình không thích, không muốn tiếp xúc.
Tương lai thường là mịt mờ không rõ ràng vì trong cuộc sống duyên sinh chằng chịt các mối quan hệ này, mỗi một sự kiện, hiện tượng đều chịu tác động, chi phối từ rất nhiều yếu tố khác trong cuộc sống, nên ta không thể dành quyền định đoạt được tương lai. Chỉ có hiện tại là ta có toàn quyền quyết định. Nói vậy không có nghĩa ta chẳng có dự định, kế hoạch gì cho tương lai. Tương lai xa vời, thiếu thực tế là viển vông, nhưng định hướng tương lai căn cứ trên nền tảng của thực tế cuộc sống là một phần của công việc hiện tại. Đó là mối nối giữa hiện tại và tương lai. Không ai có thể tiên đoán tương lai của mình, nhưng mỗi người cần lên kế hoạch hành động của mình ngay trong hiện tại. Điều đó sẽ giúp con người bớt cảm thấy bất an và có thể chủ động hơn trong hành động. Kế hoạch sẽ là tấm bản đồ hành trình đưa chúng ta đi tới trong tương lai, cho dù vẫn cần phải thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp với những diễn biến mới.
Chúng ta cũng tạo dựng nên tương lai bằng chính hiện tại này. Thay vì mơ tưởng và nghĩ về tương lai, hãy sống CHO tương lai với những gì mình có trong hiện tại. Chẳng hạn, chúng ta không thể chỉ ngồi lo lắng về một viễn ảnh môi trường bị phá hoại trong tương lai. Như thế không ích lợi gì cả, khi ý tưởng sinh khởi trong đầu mình, đi lòng vòng trong tâm thức rồi cũng “chết” đi trong đầu mình mà không hề được cụ thể hóa thành hành động. Nếu biết nghĩ cho tương lai, ngay trong hiện tại này, ta có thể làm một điều gì đó dù nhỏ nhoi, nhưng có thể góp phần tích cực đến sự bảo vệ môi trường. Ví dụ ta chọn dùng những sản phẩm có lợi cho môi trường, hạn chế việc sử dụng bừa bãi các hóa chất độc hại, giữ vệ sinh khu phố nơi mình ở… Mỗi việc làm của ta đều góp phần trong việc quyết định tương lai sẽ như thế nào. Điều quan trọng hơn nữa là khi bắt tay vào việc như thế, ta đã thật sự sống trong hiện tại của mình. Và nhờ đó ta mới có thể cảm nhận được niềm vui cuộc sống.
Không để
quá khứ lôi lui, không để tương lai kéo tới, cũng chưa hẳn là ta sống được với
hiện tại nhiệm màu nếu
để tâm lăng xăng đắm đuối gá vào các cửa ngõ
giác quan để
thể hiện tâm tham đắm các
lạc thú thế gian đến
quên mình, quên
hiện tại, quên cuộc sống đích thực của mình.
Sống với hiện tại là tự chủ, tự tại, thong dong không bị trói buộc của các phiền não do tham đắm vào các sắc trần. Mắt thích sắc đẹp, tai ưa tiếng hay, mũi ham mùi thơm, lưỡi mê vị ngon, thân đắm xúc chạm êm ái, ý chạy theo pháp trần lôi cuốn, ta mê mờ không biết mình đang làm gì, không biết mình thực sự là ai, đó cũng không phải là đang thật sự sống. Tự tàn phá đời mình và làm khổ những người xung quanh mà không hay, cũng không phải đang sống. Lúc nào ta cũng đều có “các căn” nhìn vào “các trần” rồi cảm nhận thông qua “các thức” và sanh ra tham dục ái. Mọi đau khổ trong kiếp sống hiện tại và lăn lộn trong luân hồi sanh tử cũng từ đây mà ra.
Quả thực, con người thật khó cưỡng lại sự hấp dẫn, lôi cuốn vào đời sống hưởng thụ ở đời. Những năm gần đây, sự phát triển vượt bậc của các ứng dụng khoa học kỹ thuật đã đẩy con người vào vòng xoáy hưởng thụ vật chất. Xã hội càng văn minh, tiến bộ vật chất chừng nào thì dòng chảy ham muốn thỏa mãn chúng càng mạnh chừng nấy. Ta cứ mãi mệt nhoài chạy theo những cái mình muốn chứ không phải cái mình cần, mà thực tế cái mình muốn thì nhiều lắm, trong khi cái ta cần thì không nhiều. Đức Phật dạy giàu có là một trong những niềm vui chân chánh (Tăng chi bộ kinh, chương Bốn pháp, phẩm 7: nghiệp công đức, kinh số 62). Ngài chưa bao giờ nói hưởng thụ vật chất thế gian không đem lại hạnh phúc. Trong nhiều bài kinh, Ngài nói sự giàu có về vật chất, tài sản thế gian có thể đem lại hạnh phúc cho chủ nhân nó và những người bà con thân thuộc của họ (Tăng Chi Bộ kinh, chương Năm pháp, phẩm 5: Vua Munda, phần Trở thành giàu). Thế nhưng, Ngài nói rằng hạnh phúc này là tạm bợ, tầm thường nên khuyên các đệ tử bỏ qua hạnh phúc nhỏ và ít lợi ích này để đạt được hạnh phúc lớn hơn. Tương tự như vậy, thỏa mãn các lạc thú giác quan cũng đem lại niềm vui, nhưng niềm vui ấy không bền và khi vui qua rồi, nỗi khổ niềm đau có mặt vì tham ái được nuôi dưỡng và trở nên mạnh mẽ hơn. Thế nhưng, nếu không có một nghị lực, ý chí mạnh mẽ để hiểu rằng ý nghĩa đích thực của cuộc sống là sự giải thoát mình ra khỏi vòng kiềm tỏa của ham muốn trần tục này, để vươn đến hạnh phúc cao hơn, thanh thoát hơn thì ta không thể nào cưỡng lòng mình trước miếng mồi vật chất.
Đối với những người thực hành Phật pháp, hiểu được thân người giả tạm, vạn pháp vô thường, ta cần có thân xác chỉ là để làm phương tiện để học pháp và hành pháp mà thôi, nên xác định mục đích cuộc sống là gì. Khi thấu hiểu bản chất phù du của thế giới hiện tượng, họ không cần thiết phải ăn ngon, mặc đẹp, không phải tranh giành hay dùng mọi cách, kể cả thủ đoạn để chiếm hữu cái ngon nhất, tốt nhất, êm nhất, ấm nhất cung phụng cho cái thân xác này vì đây không phải là mục đích cao thượng của cuộc sống. Ai dành trọn quỹ thời gian được sống chỉ để phục vụ cho những nhu cầu ăn, mặc, ở, bệnh của mình là tầm thường hóa mục đích cuộc sống, uổng phí một kiếp làm người. Nếu bình thản và suy nghiệm từ cuộc sống của chính mình, ta thấy nhiều người thật vô lý khi họ muốn nuôi thân xác mà lại đày đọa thân xác: phải làm thật nhiều, phải làm thêm giờ, phải tranh thủ thời gian để kiếm được nhiều tiền, có để mua thức ăn ngon, quần áo đắt tiền… cung phụng cho thân xác và xem đây là cứu cánh trong cuộc sống.
Khi biết sử dụng cái thân giả tạm không bền chắc như chiếc bè giúp ta vượt biển sanh tử, ta sẽ biết cách sử dụng cái thân này hiệu quả hơn mà không mê chấp lầm tưởng nó là thật có, thật của ta. Trên cơ sở đó, ta sẽ không lao theo các cửa ngõ giác quan, đam mê các dục để tô đắp cái thân, phục vụ cho cái thân ngũ uẩn này mà bỏ đi mục đích giải thoát. Khi cảm nhận sâu sắc sự giả hợp của thân, xúc, thọ, tưởng, hành, thức được sinh ra từ thân giả tạm thì chúng cũng là giả tạm, nên khi thân không còn thì chúng cũng sẽ không còn, ta được tự tại, không bị các dục dắt lôi, làm chủ được bản thân, tự tại, tự chủ để có thể sống trọn vẹn trong hiện tại mà không phải chết đuối trong cái hạnh phúc giả tạm, tầm thường ở thế gian.
Sống với hiện tại: chánh niệm và tự chủ
Tâm hướng về quá khứ hay tương lai cũng như tâm bị dắt lôi theo các dục trần đều bị xem là vọng tâm, là tâm đi hoang, cần được điều phục và đem về với hiện tại. Thật ra, thông qua cửa ngõ các căn, các thức sinh khởi mang theo tham, sân si và chúng luôn kết hợp với nuối tiếc quá khứ cũng như mơ tưởng tương lai để đem tâm rời cuộc sống hiện tại một khi tâm mất quyền tự chủ. Công việc của người biết thực hành Phật pháp là kiên nhẫn đem tâm về hiện tại. Nguồn năng lượng có thể giúp mình trở về có mặt trong giây phút hiện tại là chánh niệm, quán chiếu như thật bản chất của vấn đề. Chính chánh niệm đưa ta về với sự sống thật sự và nhiệm mầu. Sự sống chính là có mặt đích thực trong hiện tại. Sống là không có mặt thì sống như một người chết, dù sáu căn vẫn hoạt động bình thường. Một người sống trong thất niệm, không an trú được trong hiện tại, sống không ý thức thì cũng như đã chết. Chúng ta không có tự do, không có khả năng tiếp xúc với sự sống đang diễn ra trong ta và quanh ta.
Một khi biết đủ với những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, chúng ta không bị thúc bách, lôi kéo phải sở hữu cái này, hưởng thụ cái kia, mà tự tại thong dong, sống thanh thản và luôn có tâm thái sẵn sàng đón nhận tất cả những gì đến với mình. Nếu ta biết chấp nhận, tập bằng lòng với những gì đang có và đang đến với mình, có nghĩa ta biết tạo một bệ đứng dưới chân mình vững chãi. Khi đối mặt với sự thật trong hiện tại, ta không còn những tâm lý tiêu cực như lo sợ, trốn tránh, đánh lừa mà dám nhìn vào sự thật để bước tiếp. Những vấn đề trong hiện tại của mình, dù rắc rối, phức tạp đến đâu, thì đó vẫn là bổn phận của chúng ta để giải quyết, không có một lựa chọn nào khác, vì không ai khác có thể thay thế ta làm việc này. Thay vì tránh né, ta cam đảm đối diện sự thật, bình tĩnh nhìn thấu vấn đề trong mối liên hệ và liên đới đến các vấn đề và những con người liên quan để từ đó tìm ra giải pháp tốt nhất. Sống trong hiện tại là cách sử dụng thời gian tốt nhất, “tiết kiệm” nhất, là con đường ngắn nhất để thành tựu mọi công việc trong cuộc sống và con đường đem đến nhiều niềm vui trên dọc đường đi.
Trong kinh diễn tả rằng, có lần một vị trời đến hầu đức Phật, khi thấy các thầy tỳ kheo trong Tăng đoàn luôn hoan hỷ mặc dù đời sống tu hành đơn sơ đạm bạc, vị trời hỏi Phật: “các vị tu hành đời sống phạm hạnh, mỗi ngày chỉ ăn một bữa ăn, tối ngủ dưới gốc cây hoặc ở nơi trú ngụ nhỏ hẹp được làm bằng tre lá, vật liệu thô sơ, sao trông các vị ấy có vẻ an vui tự tại như thế? Xin Thế Tôn cho con được biết!” Đức Phật đáp: “chuyện qua họ chẳng để lòng; những điều chưa tới họ không mơ màng; hiện thời tâm trí rảnh rang; cho nên họ được nhẹ nhàng thong dong”. Khi có nội lực để sống với hiện tại, tâm chúng ta không nuối tiếc về quá khứ, không mơ tưởng chuyện tương lai, cũng không bị giam hãm trong những nỗi lo âu, phiền muộn, giận hờn do tham sân si thúc bách trong hiện tại, mà sống với nội tâm an tịnh nhờ chánh niệm. Do đó, chánh niệm là sự tu tập để mình đích thực có mặt bây giờ, có mặt ở đây, là sự giải phóng cho chúng ta ra khỏi vòng kiềm tỏa của các tâm lý tiêu cực vốn hoang dã và bản năng, đưa ta đến khổ đau dai dẳng.
Quá khứ đã để lại những vết hằn sâu đậm trong ta, và gánh nặng tương lai làm ta không dám ngơi nghỉ… Những điều đó tạo thành nơi chúng ta một thói quen xa rời hiện tại, và đánh mất cuộc sống của chính mình, bởi vì cuộc sống chính là hiện tại. Đã đến lúc chúng ta phải học biết cách sống trong hiện tại để có thể cảm nhận, tận hưởng được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống này. Thực tập chánh niệm là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho chúng ta quay về với hiện tại. Cần nhớ rằng, chánh niệm là giữ tâm an tịnh và tỉnh giác trong mọi lúc, mọi nơi chứ không chỉ khi thực hành thiền tập. Những lúc ngồi trên bồ đoàn, thực hành thiền chánh niệm qua hơi thở hay quán sát một đề mục nào đó là bước rèn kỹ năng chánh niệm để vận dụng trong cuộc sống đời thường. Sẽ vô nghĩa và khô khan nếu tách rời việc thực hành thiền tập với thời gian còn lại trong ngày. Nhớ rằng tỉnh giác phải xuyên suốt thời gian, không gian trong đời sống của mình để sử dụng thời gian hiện tại một cách hiệu quả nhất.
Mỗi ngày mỗi người chúng ta có 24 tiếng đồng hồ để sống và làm việc. Nếu không sử dụng hiệu quả vào những việc có ích, thời gian ấy sẽ mất đi. Ví như các chương trình khuyến mãi trên điện thoại, đăng ký mất 2 000 đồng, bạn có quyền sử dụng 25 phút gọi nội mạng trong vòng 24 tiếng. Nếu không sử dụng hết, sau 24 tiếng, thời lượng ấy tự nhiên mất đi mà không được bảo lưu. Cũng như vậy, mỗi sáng mở đầu ngày mới, tài khoản thời gian của ta có được là 86 400 giây. Nếu chưa kịp sử dụng vào việc có ích, đêm về, tài khoản này tự xóa, và chính ta là người chịu thiệt thòi. Nếu biết sống trong hiện tại bằng khoản thời gian đã được gởi của chính ngày hôm nay, ta thấy cuộc đời thật ý nghĩa khi làm được nhiều việc lợi ích cho bản thân mình và người khác với khoản thời gian 24 tiếng. Vì vậy, mạng sống còn được ngày nào, đời còn “khuyến mãi” cho ta 24 tiếng, hãy đầu tư thời gian của từng ngày một cách khôn ngoan để làm lợi nhiều nhất cho sức khỏe, hạnh phúc, và sự thành đạt của chính bản thân bạn.
Chỉ có
hiện tại. Ngày mai không bao giờ đến.
Quá khứ đã là tro tàn. Sống là sống trong
hiện tại.
Thực hành pháp cũng chỉ có thể làm trong
hiện tại. Không lúc này thì không có lúc nào khác để
thực hành chánh pháp. Không ở nơi này thì không thể có nơi nào khác để có thể
thực hành chánh pháp. Không đời này thì đừng mong có kiếp nào khác để
thực hành chánh pháp.
Chánh niệm là
hiện tại.
Hiện tại là cuộc sống đích thực của mỗi người.
Đức Phật không khuyến khích các
đệ tử bận rộn với những công việc
chi phối và chiếm quá nhiều quỹ
thời gian tu tập. Là
Phật tử thì
chúng ta nhắc nhau làm “Phật sự” đúng nghĩa. “Phật sự” chính là việc của Phật, mà việc của Phật là sống với tâm tĩnh lặng,
chánh niệm trong
hiện tại và giữ thân, miệng,
ý thanh tịnh vậy.
Bài đọc thêm:
Hiện Pháp Lạc Trú (nhiều tác giả)
Discussion about this post