Kinh Phạm Võng nằm trong Đại Chánh Tạng, tập 24, ký hiệu 1484, gọi đủ là Phạm võng kinh Lô xá na Phật thuyết bồ tát tâm địa giới phẩm đệ thập, cũng gọi Phạm võng kinh Bồ tát tâm địa phẩm, Phạm võng giới phẩm kinh. Kinh này tương truyền do Cưu-ma-la-thập (344-413) đời Hậu Tần dịch, gồm 2 quyển, thuyết minh về cấp bậc tu hành của Bồ tát và giới tướng của 10 giới trọng và 48 giới khinh. Theo bài tựa của kinh này do Tăng Triệu viết thì nguyên bản đầy đủ gồm 61 phẩm, 112 quyển mà bản này là phẩm thứ 10 của bộ đó. Vì giáo pháp của chư Phật trùng trùng vô tận, dùng để trang nghiêm pháp thân mà không chướng ngại nhau, giống như mạng lưới của Phạm Thiên vương, do đó kinh này có tên là kinh Phạm Võng.
Nội dung của quyển Thượng, còn gọi là phẩm Pháp môn tâm địa, nói rằng: Đức Phật Thích Ca bấy giờ, ở tại cõi trời Ma-hê-thủ-la của Sắc giới, đã đưa tất cả đại chúng đến thế giới Liên hoa đài tạng để gặp đức Phật Lô xá na, nhằm hỏi con đường thành tựu hàng Bồ tát Thập địa và cũng như những hình thái để thành tựu Phật quả. Và bấy giờ, Đức Phật Lô xá na, đã nói cho đại chúng nghe pháp môn Tâm địa, tức là con đường tu tập thành Phật của Ngài, và thế giới Liên hoa đài tạng là do Ngài tu tập pháp môn tâm địa này mà tạo nên, cũng như ngàn lần trăm ức đức Thích Ca cũng đều là hóa thân từ Ngài. Đức Phật Lô xá na đã nói cho ngàn đức Phật Thích Ca báo thân và ngàn lần trăm ức đức Phật Thích Ca ứng hóa thân về pháp môn Tâm địa, gồm có 40 pháp môn: 10 phát thú, 10 tâm trưởng dưỡng, 10 tâm kim cương và 10 địa.
Quyển Hạ, còn gọi là Phạm võng Bồ tát giới kinh, đề cập đến sự ẩn một của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ nơi thế giới Liên hoa đài tạng và sự xuất hiện của Ngài trong thế giới Ta Bà này. Trong đó, nội dung đề cập đến thân thế, chí nguyện xuất gia, tu tập, thành đạo và nói 58 giới của Bồ tát, gồm 10 giới nặng là thuộc về Giới pháp vô tận; 48 giới còn lại là thuộc về giới nhẹ, nghĩa là chúng không quan trọng so với 10 Giới pháp vô tận, nhưng nó lại cần thiết để thành tựu pháp môn Tâm địa. Xưa nay kinh này thường được lưu hành quyển hạ, gọi là Phạm võng Bồ tát giới kinh, Bồ tát giới bản, Đa la giới bản, Bồ tát ba la đề mộc xoa kinh, Phạm võng kinh Lô xá na Phật thuyết Bồ tát thập trọng tứ thập bát khinh giới.
Kinh này được xem là thuộc quyển kinh đệ nhất nói về giới luật của Đại thừa, được giới Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam trọng thị. Vị tăng Nhật Bản là Tối Trừng căn cứ vào nội dung của kinh cho rằng nó có liên quan đến giới luật ở thời điểm mà nó xuất hiện. Giới của kinh này khác với giới của Tiểu thừa, vì không phân biệt tại gia, xuất gia, chủ trương căn cứ vào giới cộng thông của chúng sinh, lấy việc tự giác về Phật tính làm cơ sở.
Ngoài ra, kinh này vốn do đức Phật Lô xá na tuyên thuyết, đức Phật Thích Ca nói lại dưới gốc cây Bồ đề, vì thế nó được xếp vào thể loại kinh Hoa nghiêm. Bởi lẽ không rõ sự thực lịch sử về sự lưu truyền và người phiên dịch, do trong lời văn phần nhiều dẫn dụng các kinh khác, nên cũng được suy đoán là không phải dịch từ bản tiếng Phạm, mà là do người Trung quốc ngụy tạo và thời đại biên soạn có lẽ vào khoảng những năm cuối đời Lưu Tống.
Trong Đại chánh tạng có kinh Đại thừa du già kim cương tánh hải Mạn thù thất lợi thiên tý thiên bát đại giáo vương (còn gọi Thiên tý thiên bát Mạn thù thất lợi kinh/ Văn thù đại giáo vương kinh/ Thiên bát kinh), 10 quyển, số hiệu 1177A, do ngài Bất Không dịch. Theo đại sư Thái Hư nhận xét, Bồ tát Văn thù hiện ngàn tay, mỗi tay cầm một bát, trong mỗi bát hiện ngàn đức Thích Ca v.v… trình bày sự việc, qua đó cho thấy kinh này là sự kết hợp tư tưởng Mật giáo với thế giới Liên hoa đài tạng của đức Phật Lô xá na trong kinh Phạm võng. Cụ thể, từ quyển 7 đến quyển 9 của kinh này, đối chiếu thì thấy nó là quyển thượng của kinh Phạm võng được tiếp biến, với nhiều thêm thắt cho rõ nghĩa. Lương Khải Siêu nhận định: “Chúa tể của giới phiên dịch là ngài La Thập … Ngài ở Trung Hoa tuy quá ít nhưng ảnh hưởng thật vĩ đại đến bất tư nghì … Tóm tắt, Phật giáo thuộc văn hệ Trung Hoa có một cơ sở vững chắc về học lý, để có một sự phát triển có hệ thống, thực bắt nguồn từ ngài La Thập.” Xét về ngôn ngữ, văn pháp trong quyển thượng của kinh Phạm võng, người dịch cảm thấy đây không phải là văn phong của ngài Cưu-ma-la-thập, bởi lẽ có nhiều thuật ngữ quá xa lạ, câu cú thì lộn xộn, thiếu sót, tối nghĩa. Cho nên trong quá trình dịch thuật, chúng tôi phải tìm hiểu thêm các bản chú sớ như Phạm võng kinh hợp chú (Vạn/694), Phạm võng kinh trực giải (Vạn/697), để chuyển dịch sao cho thoát văn mà không mất ý. So sánh giữa quyển thượng và quyển hạ kinh Phạm võng, có thể thấy quyển hạ thật hoàn hảo, do đó, người dịch cho rằng quyển thượng không phải do ngài Cưu-ma-la-thập dịch. Các bản sớ giải kinh Phạm võng phần nhiều tập trung vào quyển hạ, tức Phạm võng Bồ tát giới kinh. Riêng quyển thượng, tức phẩm Tâm địa pháp môn, có vài vị cổ đức đã cố gắng chú giải sơ lược, hay nếu kỹ lưỡng thì cũng là phỏng đoán theo sở học của mình. Chúng tôi chỉ chuyển dịch quyển thượng kinh Phạm võng ra Việt văn, vì lẽ chưa có ai dịch. Quyển hạ đã có hai bản dịch chuẩn và phổ cập: bản của H.T Thích Trí Tịnh và bản của H.T Thích Trí Quang.
Về sớ giải kinh Phạm võng thì có rất nhiều, như các bản sau đây:
1. Phạm võng Bồ tát giới nghĩa sớ, 2 quyển, đời Tùy, Trí Khải soạn. (Vạn, No. 676 – Chánh, No. 1811)
2. Phạm võng Bồ tát giới kinh sớ san bổ, 3 quyển, đời Đường, Minh Khoáng soạn để bổ sung bộ sớ giải của Trí Khải. (Vạn, No. 677 – Chánh, No. 1812)
3. Phạm võng Bồ tát giới kinh sớ chú, 8 quyển, đời Tống, Dữ Hàm chú giải. (Vạn, No. 678)
4. Phạm võng Bồ tát giới kinh nghĩa sớ phát ẩn, 5 quyển, đời Minh, Chu Hoành soạn. (Vạn, No. 679)
5. Phạm võng Bồ tát giới kinh nghĩa sớ phát ẩn sự nghĩa, 1 quyển, đời Minh, Chu Hoành thuật. (Vạn, No. 680)
6. Phạm võng Bồ tát giới kinh nghĩa sớ phát ẩn vấn biện, 1 quyển, đời Minh, Chu Hoành soạn. (Vạn, No. 681)
7. Phạm võng kinh ký, 1 quyển, đời Đường, Truyền Áo soạn. (Vạn, No. 682)
8. Phạm võng kinh Bồ tát giới bản tư sớ, 1 quyển, nước Tân La, Nguyên Hiểu tạo. (Vạn, No. 683)
9. Phạm võng kinh Bồ tát giới bản sớ, 6 quyển, đời Đường, Pháp Tạng soạn. (Vạn, No. 684 – Chánh, No. 1813)
10. Phạm võng kinh Bồ tát giới bản sớ, 3 quyển, nước Tân La, Nghĩa Tịch thuật. (Vạn, No. 685 – Chánh, No. 1814)
11. Phạm võng kinh Bồ tát giới bản thuật ký, 4 quyển, đời Đường, Thắng Trang soạn. (Vạn, No. 686)
12. Phạm võng kinh Bồ tát giới bản sớ, 2 quyển, đời Đường, Tri Chu soạn. (Vạn, No. 687)
13. Bồ tát giới bản tông yếu, 1 quyển, nước Tân La, Đại Hiền soạn. (Vạn, No. 688)
14. Phạm võng kinh cổ tích ký, 2 quyển, nước Tân La, Đại Hiền tập. (Chánh, No. 1815)
15. Phạm võng kinh Bồ tát giới sớ, 1 quyển, đời Đường, Pháp Tiển soạn. (Vạn, No. 690)
16. Phạm võng kinh Bồ tát giới chú, 3 quyển, đời Tống, Tuệ Nhân chú. (Vạn, No. 691)
17. Bồ tát giới sớ tùy kiến lục, 1 quyển, đời Minh, Kim Thích tạo. (Vạn, No. 692)
18. Phạm võng kinh huyền nghĩa, 1 quyển, đời Minh, Trí Húc soạn. (Vạn, No. 693)
19. Phạm võng kinh hợp chú, 7 quyển, nhà Minh, Trí Húc chú. (Vạn, No. 694)
20. Phạm võng kinh Bồ tát giới lược sớ, 8 quyển, đời Minh, Hoằng Tán thuật. (Vạn, No. 695)
21. Phạm võng kinh trực giải, 2 quyển, nhà Minh, Tịch Quang trực giải. (Vạn, No. 697)
22. Phạm võng kinh thuận chu, 2 quyển, đời Thanh, Đức Ngọc thuận chu (: làm theo lời dạy của cổ đức). (Vạn, No. 699)
23. Phạm võng kinh Bồ tát giới sơ tân, 8 quyển, đời Thanh, Thư Ngọc thuật. (Vạn, No. 700)
24. Bồ tát giới bản tiên yếu, 1 quyển, đời Minh, Trí Húc chú thích. (Vạn, No. 702)
25. Phạm võng kinh khai đề, 1 quyển, Nhật bản, Không Hải soạn.
26. Phạm võng giới bản sơ nhật châu sao, 50 quyển, Ngưng Nhiên soạn.
Các sách chú giải kinh Phạm võng Bồ tát giới bằng tiếng Việt có thể liệt kê là:
1. Phạm võng kinh Bồ tát giới bản giảng ký, Pháp sư Diễn Bồi giảng bằng tiếng Trung Hoa, H.T Thích Trí Minh dịch Việt. (Giảng quyển hạ)
2. Kinh Phạm võng Bồ tát giới, H.T Thích Trí Tịnh dịch. (Dịch quyển hạ)
3. Phạm võng Bồ tát giới, H.T Thích Trí Quang dịch giải. (Dịch giải quyển hạ)
4. Kinh Phạm võng Bồ tát tâm địa giới, Tỳ kheo Thích Thiện Hạnh dịch, biên soạn, chú thích. (Quyển hạ)
5. Kinh Phạm võng Bồ tát tâm địa phẩm, Sư bà Thể Quán dịch. (Dịch quyển hạ)
6. Kinh Phạm võng giảng lược, Thiền sư Duy Lực giảng, Tỳ kheo Thích Đồng Thường soạn lục. (Quyển hạ)
7. Phật nói kinh Phạm võng Bồ tát tâm địa phẩm lược sớ, ngài Hoằng Tán sớ giải, Tỳ kheo ni Thích Nữ Trí Hải dịch Việt. (Phạm võng kinh Bồ tát giới lược sớ, 8 quyển, Vạn/No. 695, sớ giải quyển hạ)
Ngày Phật Niết bàn – PL. 2561 – 2017
Phật tử Quảng Minh kính ghi
Kinh Phạm Võng (Thích Trí Tịnh)
Kinh Phạm Võng: Dịch từ nguyên bản tiếng Anh: THE DISCOURSE ON THE ALL EMBRACING NET OF VIEWS by Bhikkhu BODHI Dịch Giả: Tỳ-kheo GIÁC LỘC
Discussion about this post