Con người cần làm việc để phục vụ an sinh đời sống hằng ngày, con người cần vật chất, con người cần tình cảm, con người cần tinh thần, con người cần tâm linh và con người cần sự hổ trợ cho nhau về mọi mặt, biết cách nương tựa vào nhau để cùng thay đổi phát triển tốt đẹp bền vững, lâu dài. Có vật chất đầy đủ để đảm bảo an sinh đời sống cho con người trong phạm vi nhất định nào đó, tùy theo phước nghiệp của mọi người đã gieo tạo. Có tình cảm để con người biết kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống mà làm tròn bổn phận trách nhiệm đối với gia đình, người thân, và dấn thân đóng góp phục vụ tốt cho xã hội.
Có con người tâm linh cùng với trái tim hiểu biết thì chúng ta sẽ tin sâu nhân quả mà không làm các việc xấu ác, mà hay làm các việc thiện lành tốt đẹp, ta biết cách chuyển hóa những tâm niệm, lời nói, và những hành động luôn làm tổn hại người, vật do sự chấp ngã gây ra, để chúng ta sống với tính biết sáng suốt của mình là Phật tính.
Khi sống được với tính biết sáng suốt, chúng ta sẽ không bị dòng đời cuốn trôi bởi những việc xấu ác, mà biết cách dung hòa sự sống để làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.
Khi ta sống mà thường biết rõ mình có hòn ngọc vô giá ngay nơi sắc thân này thì rác rến phiền não không còn đáng làm ta lo ngại, vì rác chính là hoa, rác làm đẹp thêm cho hoa nếu ta biết gieo trồng tưới tẳm đúng mức. Chính vì vậy, phiền não tức bồ đề, ta cứ một bề chăm sóc, vun bồi đóa hoa lòng rộng mở để làm hương thơm cho đời thì những rác rưởi tham ái, ghét bỏ, giận hờn, bực tức, tránh né hay hủy diệt đều được sáng trong theo thời gian.
LẠC QUAN LUÔN GIÚP MỌI NGƯỜI TRẺ KHỎE VÀ SỐNG HẠNH PHÚC
Sư phụ chúng tôi dạy rằng: “Học tập, làm việc, uống ăn làm nên sự sống. Tu là hơi thở quyết định sự sống. Thân thể này thiếu tu cũng như thiếu hơi thở trong chừng phút giây là chết ngay.” Sư ông chúng tôi chủ trương tu, học và lao động như cái đỉnh ba chân không thể thiếu trong cuộc sống. Lao động như ăn cơm, học hỏi như uống nước, tu như là hơi thở. Chúng ta ai cũng có con người tâm linh, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, tai mũi lưỡi thân ý cũng lại như thế.
Con người là quan trọng hơn hết, nếu chúng ta biết tin sâu nhân quả, tin chính mình là Phật và biết thương yêu bình đẳng, san sẻ giúp đỡ cho nhau bằng tình người trong cuộc sống. Đó chính là sự cần thiết và quý giá nhất trên đời, kính mong mọi người hãy nên suy xét, quán chiếu cho tường tận để lấy đó làm kim chỉ nam mà luôn làm tròn bổn phận đối với gia đình người thân và sống có ích cho xã hội.
Có một anh chàng nọ làm nghề lái xe sống rất lạc quan, yêu đời dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không làm anh buồn lòng, nản chí. Trong một tai nạn bất ngờ anh bị cưa một chân, bạn bè đến thăm mới hỏi cuộc sống anh lúc này ra sao, anh vui vẻ trả lời bây giờ chỉ tốn tiền mua một chiếc giày thôi! Rõ ràng, người lạc quan dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không làm cho họ thất chí nản lòng mà sinh ra buồn khổ, bởi mọi thứ đến với ta tốt hay xấu đều do nhân quả chi phối.
Theo tâm lý học Phật giáo: Thái độ sống lạc quan, yêu đời sẽ giúp cho chúng ta có thêm nghị lực sống, ý chí quyết tâm cũng như cách vượt qua stress và hơn thế nữa là tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể. Chắc bạn nghĩ đó là chuyện không thể phải không?
Nhưng các nhà khoa học đã chứng minh thái độ sống lạc quan, tích cực sẽ kích thích việc sản sinh hormone endorphin có tác dụng làm giảm đau và serotonin giúp điều hòa tâm trạng, hệ miễn dịch được tăng cường dẫn đến tăng sức đề kháng cơ thể, một liều thuốc tự nhiên kỳ diệu. Ngược lại thái độ bi quan, tiêu cực sẽ sản sinh cortisol, gây teo tế bào thần kinh và dẫn đến mất trí nhớ, kích thích tăng huyết áp và đường huyết, làm xơ cứng động mạch, gây ra bệnh tim mạch. Bi quan tiêu cực thật sự là liều thuốc độc đối với cơ thể.
Khi chúng ta là một người bình thường có đầy đủ sáu căn, có cơm ăn áo mặc, có công ăn việc làm ổn định, có cuộc sống ấm no bên gia đình người thân và những người xung quanh, thì chúng ta đã may mắn hơn nhiều người khác. Do đó sống lạc quan với thái độ tích cực, yêu đời, tức là chúng ta có cơ hội tốt để làm tròn bổn phận đối với gia đình và đóng góp lợi ích xã hội một cách nhiệt tình thì còn gì mà bi quan.
Thay đổi tư duy và tin sâu nhân quả là quy luật sống. Những ai chỉ biết bám víu và tiếc nuối vào quá khứ thì sẽ đánh mất mình trong hiện tại. Chúng ta tư duy tích cực để nhận ra bản chất của cuộc đời, nhờ vậy chúng ta biết cách làm chủ bản thân để không bị rơi vào trạng thái bi quan, chán nản.
Bi quan là kẻ thù của nhân loại
Có nhiều người nói đạo Phật rất bi quan vì cho rằng “đời là bể khổ”, sự thật không phải như vậy. Người bi quan thường có thói quen nghĩ rằng việc sắp đến đều là xấu cả, nên chán nản, không tin tưởng, hoặc mất niềm tin vào hiện tại và tương lai. Đạo Phật chỉ nói rằng sống làm người thì phải chịu khổ về thể xác lẫn tinh thần. Giáo lý của đạo Phật được phát xuất từ kinh nghiệm dựa trên thực tế cuộc sống, cho nên làm thế nào để chúng ta thoát khỏi khổ đau lẫn thể xác và tinh thần.
Những lời Phật dạy về con người, về cuộc đời chính là cách thức, giúp ta suy tư, nghiệm xét nhờ vậy mà có một hiểu biết chân chính để sống tốt hơn. Những người chưa biết đạo Phật, thường nghĩ rất sai lầm, họ cho rằng đạo Phật là chán đời, bi quan, yếm thế, làm cho con người trốn tránh trách nhiệm đối với gia đình người thân và xã hội.
Đạo Phật nói “vô thường”, để cho chúng ta thấy rõ được bản chất mọi hiện tượng sự vật không thực thể cố định mà cố gắng tu tập để sống tốt hơn và biết cách làm chủ bản thân. Nhiều người cứ nghĩ rằng thân tâm và hoàn cảnh đều vô thường thì không nên siêng năng làm việc. Nghĩ như thế thật là hiểu lầm lời Phật dạy. Chúng ta hiểu được lý vô thường thì mình sẽ bình tĩnh an nhiên trước những thay đổi bất ngờ, và ta sẽ có thể không bị khổ đau chi phối nặng nề khi mất mát chia lìa.
Hiểu được vô thường, con người mới dám hy sinh tài sản của cải, hoặc hy sinh thân mạng để làm những việc có lợi ích chung. Thật ra đạo Phật mới là đạo rất yêu đời, vì biết rõ bản chất từ con người cho đến muôn loài vật đều chịu sự chi phối của vô thường. Con người thì sinh, già, bệnh, chết hoàn cảnh sự vật thì thành, trụ, hoại, không nhờ hiểu biết như vậy ta sẽ bớt buồn khổ khi sự việc đổi thay.
Ngày xưa có một người sống sung sướng trong cảnh vương giả cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan như vậy mà vẫn quyết chí xả bỏ tất cả để ra đi tìm cầu chân lý, giúp cho chính mình vượt thoát khổ đau. Trải qua một chặng đường dài trên 11 năm, Ngài đã tu chứng dưới cội Bồ đề biết cách làm chủ bản thân để thoát khỏi khổ đau sinh già bệnh chết. Ngài thấy rõ ràng chúng sinh luân hồi sinh tử lăn lên lộn xuống trong ba cõi sáu đường giống như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường là do mình tạo ra.
Nếu chúng ta là người vui vẻ lạc quan, yêu đời thì khi nhìn thấy những chiếc lá rơi đó là sự tuần hoàn sự sống của cây, bởi chúng ta đang nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng. Còn nếu ta là người bi quan luôn than thân trách phận, nhìn cuộc sống bởi một màu xám xịt chúng ta sẽ cảm thấy u buồn, sầu khổ trước những hiện tượng tự nhiên đó.
Khi chúng ta lạc quan thì cuộc sống của bản thân minh và người khác dễ dàng có sự cảm thông để giữ mối liên hệ thân thiết? Càng sống lạc quan, chúng ta càng có thái độ mạnh mẽ để vượt qua những vướng mắc của cuộc đời. Như chúng đã biết, thân và tâm của con người luôn có sự ảnh hưởng mật thiết với nhau. Bất cứ một sự thay đổi nào về mặt tâm lý cũng sẽ ảnh hưởng đến thể chất và ngược lại.
Bi quan sẽ làm cho mọi người sợ hãi và bất an
Khi chúng ta sợ hãi một điều gì đó, tim sẽ đập nhanh và tay chân run lẩy bẩy. Khi chúng ta cảm thấy bối rối, e thẹn trước mặt người bạn khác phái, hai má bạn bỗng đỏ ửng, chân tay bạn trở nên luống cuống, cảm thấy thừa thãi. Cũng vậy, khi chúng ta bi quan, buồn phiền, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng một phần nào. Trái lại, khi ta sống lạc quan, vui vẻ, thì sức khỏe của chúng ta sẽ tốt hơn rất nhiều. Thường những người cô đơn dễ rơi vào bế tắc và hay bi quan chán nản, dẫn đến sức khỏe tiều tụy mà mau chết sớm.
Cùng mang một căn bệnh như nhau, nhưng người lạc quan có khuynh hướng mau lành bệnh hơn, trong khi đó kẻ bi quan dễ làm cho bệnh tật trở nên trầm trọng. Đó cũng là lý do mà vì sao các bác sĩ luôn khuyến khích bệnh nhân phải cố gắng duy trì một thái độ lạc quan và không lo lắng sợ hãi sẽ mau chóng phục hồi bệnh.
Mỗi sáng thức dậy, chúng ta chỉ cần dành một chút thời gian để ngồi thiền, lạy Phật, Bồ tát coi như chúng ta đã thực tập một bài thể dục hoàn chỉnh làm cho thân và tâm, cảm nhận trạng thái khỏe khoắn, thoải mái, yêu đời và sống lạc quan suốt cả ngày!
Trong cuộc sống, thái độ bi quan dễ khiến chúng ta nhìn mọi sự việc trên đời như một màu đen tối. Người bi quan sẽ dễ dàng đánh mất chính mình, sau những vất vả, khó khăn, vì họ nghĩ rằng không còn lối thoát. Chúng ta vì sao mà cảm thấy buồn phiền, chán nản với cuộc sống, vì chúng ta chỉ thấy mặt xấu mà không thấy mặt tích cực? Rất nhiều người vì không tin sâu nhân quả, không tin khả năng chính mình nên cái thấy còn hạn hẹp bởi do lòng tham lam, ích kỷ do đó dễ sinh ra bất mãn đổ thừa tại, bị, thì, là…
Thái độ sống lạc quan là điều cần thiết để giúp chúng ta sáng suốt nhìn thấy bản chất của cuộc đời là luôn đối lập nhau. Thái độ bi quan có thể khiến chúng ta nhìn đời hoàn toàn bằng một màu xám xịt, nhưng thái độ sống lạc quan lại giúp chúng ta làm việc có hiệu quả cao.
Sống lạc quan để lòng an ổn
Người bi quan làm việc một cách lề mề, chậm chạp cho nên công việc khó đạt được kết quả cao. Nhiều khi công việc không đến nỗi vất vả, nhọc nhằn cho lắm, nhưng vì bi quan nên họ tự tạo thêm áp lực cho mình. Trong khi đó, những người sống lạc quan họ hiểu rằng, con người khó có thể làm nên những thành quả lớn lao nếu lúc nào cũng bi quan, chán nản về cuộc sống.
Thái độ lạc quan của họ có ảnh hưởng một cách hết sức tích cực đến tinh thần làm việc của nhiều người khác, nhờ vậy họ dễ dàng vượt qua những khó khăn chướng ngại. Nói cách khác, chúng ta đừng bận tâm suy nghĩ quá nhiều đến những gì có thể xảy ra với mình, mà hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp mình đang làm và hướng tới. Có một thực tế mà chúng ta cần phải thừa nhận, khi chúng ta vui thì những người xung quanh cũng sẽ dễ dàng cảm thấy vui theo. Trái lại, khi buồn thì chúng ta cũng làm ảnh hưởng đến những người xung quanh chúng ta.
Mỗi sáng thức dậy, chúng ta tâm niệm rằng hôm nay sẽ cố gắng sống với thái độ lạc quan vì ta đã tin chính mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc. Trong cuộc sống, nếu chúng ta sống lạc quan là đã thể hiện một con người có nhân cách đạo đức, biết san sẻ yêu thương nâng đỡ người khác khi gặp bất hạnh. Sống giữa cuộc đời nhiều oan trái, bởi những tâm niệm tham lam ích kỷ, ganh ghét tật đố, thù hận do người khác đem lại, chỉ có những người biết mở rộng tấm lòng mới có thể sống lạc quan.
Con người sống lạc quan là con người biết tự vươn lên vượt qua chính mình để ngày càng sống tốt hơn. Người sống bi quan sẽ dễ dàng làm nản lòng nhiều người khác, cho nên sống lạc quan có thể giúp mọi người vượt qua mặc cảm tội lỗi và làm mới lại chính mình. Ngay cả những người đang chìm sâu trong cơn tuyệt vọng, thậm chí muốn tự tử để kết liễu cuộc đời vì họ cảm thấy không có lối thoát do bi quan, chán nản chính lạc quan là liều thuốc bổ để giúp họ vượt qua số phận tối tăm.
TA LÀ CHỦ QUYẾT ĐỊNH CUỘC ĐỜI CỦA MÌNH
Người sống độc thân sẽ không phải bị ràng buộc đời vào đời sống hôn nhân gia đình hạnh phúc lứa đôi. Chúng ta tự do với chính cuộc đời mình mà thoải mái làm việc đóng góp lợi ích xã hội. Chúng ta sẽ thảnh thơi tự do giao tiếp gặp gỡ nhiều người, nói cười vui tươi. Sống độc thân là một diễm phúc để chúng ta có cơ hội rèn luyện thân tâm khỏi vướng bận về tình cảm cá nhân giữa mình và người.
Để giữ cho trái tim của chúng ta khỏi phải vá víu vì những men say tình ái của đời sống lứa đôi. Cũng như dòng nước đổ xuống sẽ không bao giờ chảy ngược trở lại. Thời gian cứ âm thầm lặng lẽ trôi qua sẽ không bao giờ có thể quay lại, đó là sự thật nhưng ít ai quan tâm để ý.
Học vấn, kiến thức, hiểu biết những điều ta học được từ sách vở không quan trọng bằng kinh nghiệm sống, sự trải nghiệm và những điều học hỏi được từ cuộc đời. Trải qua thất bại và học hỏi từ chính những thất bại đó làm cho chúng ta trở nên chững chạc hơn trong cuộc sống.
Thời gian là một tài sản vô giá và quý trọng nhất trong cuộc đời, nên thời gian là vàng là bạc. Bởi thế khi còn thời gian thì chúng ta sẽ có thể làm được nhiều việc, mà đóng góp lợi ích cho nhân loại. Trong cuộc sống với bộn bề công việc cùng bao nỗi lo toan, chúng ta cảm thấy quá mệt mỏi và căng thẳng nên đi chùa lễ Phật để cầu khẩn van xin mong sự trợ giúp của Phật pháp để giải tỏa những bế tắc.
Thực tế cho thấy khi chúng ta biết buông xả những lợi danh hay thù hận, thì tâm ta mới trong sáng để vượt qua những cám dỗ của phiền não tham, sân, si, mà cảm nhận được niềm vui. Có buông xả được thì lòng ta mới rộng mở, ai có làm điều gì xúc phạm ta cũng dễ dàng tha thứ, mà nếu có buồn giận chỉ trong thoáng chốc rồi cũng bỏ qua. Nhưng chúng ta phải biết buông xả không có nghĩa là buông bỏ, dẹp hết tất cả mọi công ăn việc làm để chỉ lo cho bản thân mình. Không có nghĩa là chối bỏ, trốn tránh trách nhiệm đối với gia đình người thân và xã hội.
Là người Phật tử chân chính, chúng ta biết buông xả những thói quen có hại cho người, vật nhưng phải luôn có trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Nhằm phát huy Bồ đề tâm chúng ta ngày càng thêm vững chắc, để ta có cơ hội trả ơn công lao sinh thành của cha mẹ, mà vẫn chu toàn mọi việc. Chúng ta làm việc tốt hơn, sống có ý thức và trách nhiệm bằng trái tim hiểu biết. Lẽ sống chính là hoài bão và sứ mệnh của cuộc đời, là giá trị nền tảng của chính mình. Khi ta sống có ý thức trách nhiệm ta sẽ biết mình là ai, mình sống để làm gì, mình sẽ dùng 60 năm cuộc đời này để làm tròn bổn phận đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích xã hội.
CON NGƯỜI KHÓ BUÔNG XẢ DO DÍNH MẮC QUÁ NHIỀU
Những người đang yêu nhau tha thiết không muốn rời xa nhau vì đam mê, vì say đắm, vì luyến ái nhớ nhung chắc có lẽ sợ nhất là mất người yêu…Có người thì sợ mất gia đình người thân mà mình yêu quý nhất như cha mẹ lo cho con cái, như vợ chồng thương yêu nhau, như anh em cùng vui vẻ thuận thảo thương mến nhau… Và những người đang thăng tiến trên con đường công danh, sự nghiệp thì có lẽ sợ mất quyền cao chức trọng và sợ không còn ai cung kính, tôn trọng khi bị thân bại danh liệt…
Nói chung tất cả chúng ta sợ bị đánh mất rất nhiều thứ, toàn là những điều có liên quan đến sự sống gia đình và xã hội!…Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, quý giá nhất mà chúng ta đã đánh mất nó từ lâu đó là chính mình!
Chúng ta đừng bao giờ vì muốn được lòng một ai đó mà tự đánh mất chính mình… Thế gian này đã từng có rất nhiều người đánh mất cả cuộc đời chỉ vì quyền lợi riêng tư, mong được có địa vị danh vọng và mau thăng quan tiến chức mà sống trong lừa đảo, dối trá, bóc lột kẻ dưới…Chính vì vậy, “Nhận biết chính mình” mới là điều cần thiết và quan trọng nhất.
Nếu chúng ta biết tất cả mọi thứ trên đời, trên thông thiên văn, dưới am tường mọi sự việc mà lại không biết chính mình là ai, là gì, mình từ đâu đến và sau khi chết đi về đâu, thì sự hiểu biết ấy chỉ đáp ứng được giá trị bên ngoài nên không thể giúp ta hoàn thiện chính mình để thật sự sống bình yên, hạnh phúc.
Người xưa nói “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Thắng ở đây không chỉ là thắng theo kiểu chiến trận, thắng ở đây cũng chưa hẳn là thắng người hay thắng kẻ thù mà thắng ở đây là thắng chính mình. Chúng ta chiến thắng những dục vọng thấp hèn có tính cách, tham lam, sân hận, si mê để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời nhờ biết cách làm chủ bản thân để không bị các thói quen xấu ác có tính cách làm tổn hại cho người và vật.
Chúng ta cần biết được chính mình để sống tốt hơn trong mối quan hệ với gia đình người thân, với bạn bè, với đồng nghiệp và với tất cả mọi người trong xã hội.
CHÁNH TÍN NHÂN QUẢ PHÁ TRỪ MÊ TÍN
Đạo Phật chủ trương lấy nhân quả làm nền tảng của sự sống để phản ảnh mọi lẽ thật hư trong cuộc đời này bằng ánh sáng trí tuệ, nhằm thấu suốt nguyên lý thế gian. Mọi lẽ thật giả đều hiện bày sau khi có sự chiêm nghiệm và suy xét bởi ánh sáng giác ngộ, nhận thấy lẽ thật rồi mới khởi lòng tin đó là “chánh tín”. Ngược lại, tin mà không hiểu rõ cội nguồn của mọi lý lẽ là tin càn tin bướng, người tin như thế là “mê tín”.
Chính vì thế người học đạo cần phải có lòng tin, song lòng tin ấy đã trải nghiệm qua sự quán chiếu, suy xét và có chọn lọc kỹ càng. Mê tín là lòng tin mù quáng không thấy đúng lẽ thật, không thấy đúng chân lý vì mê muội. Như tin ông đồng bà cốt, tin xin xăm bói quẻ, tin ngày lành tháng dữ, tin số mạng sang hèn, tin coi tay xem tướng, tin cúng sao giải hạn, tin có một người ban phước giáng họa v.v… Những lối tin này không có logich, không đủ bằng chứng, không có lợi ích, nên gọi là mê tín, vì đi ngược lại với giáo lý nhân quả.
Sao gọi là mê tín?
Mê tín là lối tin mù quáng khiến con người mất hết khả năng suy đoán và phán xét của mình. Một số người chủ trương mê tín làm mê hoặc thế gian, để hưởng lợi cho riêng mình. Một cuộc sống ấm no và bền vững bởi con người văn minh, một dân tộc có hiểu biểu chân chính vì đã thông suốt mọi lý lẽ, không cho phép sự mê tín len lỏi trong dân tộc mình.
Mê tín do tâm mong cầu quá đáng – Con người khi mong cầu một điều gì mà quá khả năng mình thì dễ sinh mê tín. Ví như có một người muốn vay một số vốn lớn làm ăn, không biết việc làm ăn này sẽ đạt được kết quả tốt hay xấu. Tự nhiên lòng họ thấy băn khoăn lo lắng không biết hỏi ai, tin ai. Nghe nói có một ông thầy nào đó biết được quá khứ vị lai đoán trúng được vận mệnh của mọi người, họ liền tìm đến để cầu cho được. Chỉ tốn tiền quẻ có năm bảy trăm hoặc vài ba triệu, biết việc làm cuả mình thành công hay thất bại thì ai mà không ham. Chính vì lòng tham và sự mong cầu quá đáng mà dẫn con người ta đến mê tín dị đoan.
Mê tín do tâm lo lắng sợ hãi – Con người ta hay lo lắng sợ hãi, suy nghĩ vu vơ là gốc sinh ra mọi điều mê tín. Có những người bị tai nạn dồn dập, vừa té xe bị thương lại bị người giựt nợ, con trai thi rớt, con gái bị bệnh.. mất bình tĩnh, nghe đồn ông thầy đó coi tay xem tướng rất giỏi và có thể trừ được tà ma yêu tinh quỷ mị. Hoặc có người sợ vận sui hạn xấu, nên đầu năm đến chùa cúng sao giải hạn, cầu cho tròn năm cuộc sống được hanh thông, gia đình được an vui may mắn. Hoặc có người vì thương cha mẹ đã quá cố, sợ cha mẹ chết rơi vào địa ngục chịu đói khổ nhọc nhằn, họ bèn nhờ thầy cúng dán lầu kho, xe cộ, giấy tiền vàng bạc, lễ cúng đốt xuống cho cha mẹ được an hưởng nơi âm ty… Mọi sợ hãi đều bắt đầu từ sự mê tín.
Đã làm người ai cũng có thể ước mơ hay mong cầu một điều gì đó, rồi tình trạng lo lắng sợ hãi, trong bầu vũ trụ bao la này với thiên nhiên huyền bí, chính vì chưa thấu rõ hết nguyên lý nhân duyên quả nên con người dễ dàng rơi vào mê tín dị đoan. Dù là người học cao hiểu rộng nhưng trong tâm vẫn có niệm mong cầu và sợ hãi hoặc quá tham lam, họ sẽ bị mê tín dị đoan chi phối.
Nếu chúng ta đã tin sâu nhân quả, tin mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc thì ta chỉ cần phát tâm làm việc tốt có lợi ích cho mình và người thì điều tốt sẽ đến. Người quá tham lam hay mong cầu những điều thiện lành đến với mình, thì ta chỉ việc gieo nhân quả tốt, còn quả đến sớm hay muộn là do duyên phụ thuộc. Thế mà, chúng ta không ứng dụng ngay cội gốc, lại chạy theo ngọn ngành, hao phí tiền bạc một cách vô ích, đó gọi là mê tín.
THIỀN LÀ BIẾT CÁCH LÀM CHỦ THÂN MIỆNG Ý
Phật dạy: Thân và Tâm luôn có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời nhau. Thiền là một nguồn năng lượng dồi dào nhưng lại không tốn kém tiền bạc mà còn giúp con người có được trí tuệ sáng suốt và một thân thể khỏe mạnh. Ngoài ra, Thiền cũng có khả năng chữa được rất nhiều bệnh tật mà nhiều khi y học hiện đại phải bó tay.
Thiền còn có khả năng thanh lọc thân và tâm, đem đến cho con người sự sáng suốt, thông minh, lanh lợi, nhạy bén, trí nhớ, sắc đẹp, chống lão hóa,…để họ có một đời sống an vui hạnh phúc, bằng tình người trong cuộc sống. Vì thân và tâm là một sợi dây vô hình không thể tách rời nhau, nếu tâm bị nhiễm bệnh nặng thì thân làm sao khỏe mạnh lâu dài được.
Trong tâm của mỗi người luôn luôn tồn tại những tâm niệm thiện và ác. Tâm niệm thiện như: tâm từ bi hỷ xả, khoan dung, độ lượng, giúp đỡ sẻ chia, khiêm tốn,… Một tâm trong sáng, sâu lắng,… cũng làm cho thân của ta trang nghiêm, quý phái, đẹp đẽ hơn rất nhiều. Ngược lại, những tâm niệm xấu ác như: tham, sân, si, ganh ghét, tật đố, chấp trước, phiền não, hận thù, kích động, hủy diệt,…làm cho đầu óc căng thẳng,… làm cho thân uể oải, mệt mỏi, mất năng lực đề kháng, nên cơ thể suy yếu, dễ sinh nhiều bệnh tật.
Thiền là biết cách điều hòa hơi thở, thở vô ta biết ta đang thở vô, thở ra ta biết ta đang thở ra, bao nhiêu tâm niệm phải quấy, tốt xấu, đúng sai tự nhiên bị tan hòa vào hơi thở, do ta làm chủ được vọng niệm. Chính vì vậy, hơi thở làm nên chất liệu sống, giúp ta chuyển hóa những thói hư tật xấu mà sống đời bình yên, hạnh phúc.
Tóm lại, người Phật tử tại gia đã có một đời sống ổn định về vật chất, kế đến là phải biết cách điều hòa thân, tâm. Thân và tâm liên quan mật thiết với nhau, chúng không thể tách rời nhau, thân khoẻ mạnh và hoạt động lợi ích cho nhiều người thì tâm mới dễ dàng an định, không bị phiền muộn khổ đau chi phối.
Chấp tâm suy tư nghĩ tưởng là thật nên mọi người tranh đấu giết hại lẫn nhau
Do vô minh mà sinh ra vọng động. Do có vọng động mà sinh ra vọng thức. Do có vọng thức mà sinh ra phân biệt có đủ thứ ta, người, chúng sinh. Do có sự phân biệt ta người, mà sinh ra xúc chạm. Do có sự xúc chạm mà sinh ra cảm thọ. Do có cảm thọ mà sinh ra tham ái, luyến tiếc, và từ đó bám víu, dính mắc vào sự hiện hữu của nó, nên sống chết, khổ não, ưu sầu, buồn lo đủ thứ.
Phật dạy ngay nơi thân vô thường đó có tính biết thanh tịnh sáng suốt, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, sự vật như thế nào thì biết rõ như thế đó. Có vật thì thấy có vật, không vật thì thấy không vật vì tính biết ấy vẫn thường hiện hữu đâu có vắng thiếu bao giờ? Tai mũi lưỡi thân ý cũng lại như thế.
Còn tâm suy tư nghĩ tưởng, hết nhớ chuyện này đến nhớ chuyện kia, không lúc nào dừng nghĩ. Khi thì nghĩ tốt, lúc thì nghĩ xấu, có khi thì hiền như nai tơ, có lúc thì lại dữ như cọp sói. Như người có chút ít công phu do kiên trì, bền bỉ, biết cách buông xả vọng niệm, nên có khi ngưng bặt mọi suy nghĩ.
Vậy lúc đó chẳng lẽ mất mình hay sao? Tuy không có suy nghĩ phân biệt, nhưng vẫn thấy, vẫn nghe rõ ràng từng hình sắc, âm thanh. Mắt vẫn thấy hình ảnh sự vật, tai nghe thấu suốt mọi âm thanh lớn nhỏ, trời nắng thì biết nóng, gió thổi đến thì biết mát. Vậy ngay khi đó là ai biết?
TIỀN BẠC LÀM KHÔNG CHÂN CHÍNH BỊ 5 NHÀ CUỐN TRÔI TRONG HIỆN TẠI HOẶC MAI SAU
Tiền bạc nếu làm ra không chân chính thường hay bị năm nhà cuốn trôi: lũ lụt, hỏa hoạn, trộm cướp, bị vua quan tịch thâu và con cái bất hiếu phá sản.
Nhà lũ lụt: Chiến tranh, thiên tai, sóng thần, động đất, hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra trên thế gian này. Nó đã tàn phá tài sản, vật chất của con người dưới mọi hình thức, bởi do nhân xấu mà ta đã gieo tạo từ vô thủy kiếp đến nay.
Nói đến lũ lụt, đất nước Việt Nam ta năm nào cũng có, nhiều nhất là hai tỉnh miền Trung, Bắc, luôn gây thiệt hại về tài sản và mất mát con người. Trong những tình huống như vậy, ai mà không ngậm ngùi, thương xót với sự mất mát, đau thương đó. Nhiều người không hiểu nên cho rằng số trời đã định, hay ông trời đang trừng phạt. Chúng ta cần phải hiểu cho rõ ràng thấu đáo, ông trời ở đây là chỉ cho luật nhân quả đang vận hành theo nguyên lý duyên khởi.
Ta khai thác tàn phá thiên nhiên một cách bừa bãi, nên tạo ra sự mất cân đối, và ai làm như vậy thì sẽ bị gió nghiệp cuốn vào vòng quỷ đạo đó mà chịu quả báo, cho nên có người bị, có người không. Thậm chí, có nhiều người đến sáu mươi bẩy tuổi mới xây cất được căn nhà khang trang, tậu được miếng vườn nho nhỏ để an hưởng tuổi già. Đùng một cái, một trận lũ xảy ra cuốn trôi hết tất cả, nên cuối cùng tay trắng vẫn hoàn trắng tay.
Sự mất mát đau thương đó ai mà không buồn khổ, kẻ tin theo truyền thống có ông trời tạo ra thì chấp nhận số phận đã an bài mà oán trách đấng tối cao. Người tin sâu nhân quả thì ngay nơi mất mát đó, họ cố gắng nhiều hơn để làm các việc có lợi ích cho nhân loại. Do đó, không có chuyện gì đương nhiên khi không mà xảy ra, mọi thứ đều có nguyên nhân tốt xấu của nó. Hiểu được như vậy rồi thì ta sẽ cố gắng tránh xa những việc làm xấu ác mà hay làm các việc thiện lành, tốt đẹp.
Nhà hỏa hoạn: Tất cả mọi tai nạn hầu như đều do con người gây ra. Trong sự vô ý tình cờ hay trong lúc giận dữ, ta có thể hủy phá hết tất cả. Lũ lụt hay hỏa hoạn là những tai nạn bất ngờ chỉ trong chớp mắt cuốn trôi tất cả, hoặc thiêu rụi sạch sành sanh.
Mọi việc xảy ra không có gì là đương nhiên khi không, hay ngẫu nhiên, tất cả đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Trong quá khứ, ta có thể phá hủy thiên nhiên, khai thác tài nguyên quá mức, hoặc vô tình làm cháy sạch tài sản của người khác. Nói cho rõ hơn, nhân vô tình có quả vô tình, nhân gian tham trộm cướp thì bị mất mát trở lại theo sự diễn biến của nhân quả.
Nhà trộm cướp: Kẻ ăn không ngồi rồi, lười biếng lao động, ham thích hưởng thụ nhiều, nên dễ sinh tâm trộm cướp, lường gạt của người khác. Trộm là lén lấy, cướp là công khai giành giựt lấy. Phạm vào tội trộm thì nhẹ hơn, một cái là lén lấy vì còn sợ người khác thấy. Còn cướp là hiên ngang công khai lấy trước mặt mọi người, dùng thế lực trấn lột, và có sự đe dọa, hoặc lợi dụng quyền thế để bắt buộc người đưa.
Xã hội lúc nào cũng lên án hai hành động này, và có luật pháp hẳn hòi để xử phạt. Nguyên nhân chính để xảy ra tệ nạn xã hội này là do lòng tham của con người. Từ lòng tham đó, con người muốn ăn không ngồi rồi để hưởng thụ, do quan niệm chết là hết, không có nhân quả, nghiệp báo. Một số người vì suy nghĩ lầm lẫn như vậy nên suốt cả cuộc đời rơi vào vòng tệ nạn xã hội, nhẹ thì nghèo cùng khốn khổ, nặng thì tù tội, bệnh tật, chết yểu.
Nhà vua quan tịch thu: Thời phong kiến độc tôn, vua là trên hết, thay trời trị vì thiên hạ, nên có quyền sinh sát trong tay. Khi làm vua thì theo tập cấp cha truyền con nối, được quyền ăn trên ngồi trước hưởng thụ mọi nhu cầu tối cao theo ý muốn riêng tư của mình.
Ngày xưa, có những luật lệ lạ đời, không có con trai kế thừa thì khi chết đi, gia sản phải được sung vào công quỷ của nhà vua. Hoặc một người làm sai bị tịch biên tài sản, và nặng hơn thì chu di cả ba họ theo cách diệt cỏ phải diệt tận gốc. Nếu ta không gian tham, trộm cướp, lường gạt của người khác bằng nhiều hình thức, thì làm gì ta bị vua quan tịch thu hoặc chế tài.
Thế giới con người ngày nay tuy không còn chế độ phong kiến vua quan như xưa kia nữa, nhưng luật pháp vẫn có điều lệ rõ ràng, ai có công thì thưởng, ai có tội thì trừng. Tuy nhiên, vẫn có những người không phạm tội, nhưng mà tình ngay lý gian, hoặc do thiếu trách nhiệm, nên phải bị tù tội và chịu bồi thường tiền bạc. Những trường hợp oan nghiệt như vậy là do quả xấu của quá khứ còn xót lại, nay hội đủ nhân duyên đến hồi phải trả.
Nhà con cái bất hiếu phá sản: Trong các sự mất mát đau thương của nghiệp trộm cướp, bị con cái bất hiếu, phá sản là nặng nề nhất. Bởi vì cha mẹ nào mà lại không thương con cái của mình, chính vì lẽ đó mà có nhiều gia đình phải tán gia bại sản, chịu tù tội và khổ sở vì con cái.
Nhiều khi cha mẹ vì quá thương con nên chiều chuộng, cấp dưỡng quá mức mỗi khi có yêu cầu.
Cha mẹ vì mải mê lo công danh sự nghiệp, buôn bán làm ăn, nên không cần quan tâm, chăm sóc, con cái muốn gì được nấy. Thực tế trong cuộc sống, có rất nhiều gia đình cha mẹ làm lụng nhọc nhằn vất vả cả đời, vì thương con không đúng cách mà phải chịu cảnh tan nhà, nát cửa, khổ đau, nghèo đói.
Tóm lại, tiền bạc của cải làm ra không chân chính sẽ bị năm nhà cuốn trôi và phá sạch, nhưng nặng nề nhất là bị con cái bất hiếu phá sản. Cha mẹ vì thương con một cách mù quáng, chỉ biết làm ra tiền để chu cấp thôi, do đó làm cho con cái ỹ lại và lười biếng. Ai có thói quen như thế thì suốt cả cuộc đời chỉ báo cha, báo mẹ mà thôi, chẳng bao giờ thành công trong cuộc sống.
GIÀU HAY NGHÈO ĐỀU CÓ NỖI KHỔ RIÊNG
Có hai gia đình nọ là bà con hàng xóm và là bạn bè thân thiết với nhau. Một người thì thật là giàu, cái gì cũng có. Một người thì thật là nghèo, cái gì cũng không.
Một hôm, người bạn nghèo sang nhà người giàu than thở số phận của mình sao quá nhọc nhằn, khổ sở, cuộc sống lúc nào cũng thiếu thốn, khó khăn. Chị nhà giàu liền nói: “bộ chị tưởng gia đình tôi sung sướng lắm sao! Từ khi giàu có đến giờ, tôi phải nhọc nhằn thức khuya dậy sớm chạy theo công việc đầu tắt mặt tối, không dám một ngày lơ lỏng, ăn không ngon, ngủ không yên, cứ nơm nớp lo sợ bị trộm cướp viếng thăm, lúc nào cũng sợ mất mát, thiệt thòi, khổ lắm chị ơi! Chị bạn nghèo nghe nói thế liền đáp, “nếu vậy thì chị chia bớt cho tôi đi, tôi thà chịu khổ một chút cũng không sao.” “Đâu được chị, bao nhiêu năm trời ròng rã cực khổ làm lụng vất vả, nhín ăn bớt mặc mới có được cơ nghiệp hôm nay”.
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy, chị bạn tuy giàu nhưng lại tham lam, bỏn sẻn, keo kiệt, có của cải thà để hư hao, mục nát, không dám đem ra san sẻ hay giúp đỡ cho ai. Giàu như thế đâu có lợi ích gì cho nhân loại.
Như có ông tỉ phú kia khi chết để lại một gia tài kết sù không có người thừa kế, cuối cùng tài sản bị sung vào công quỹ. Hằng ngày ông chỉ ăn cháo và cơm đạm bạc, mặc loại vải gai rẻ tiền, đi bằng loại xe cũ kỹ, trong khi gia tài có hơn 8 triệu đồng tiền vàng, chưa kể đất đai, ruộng vườn, nhà cửa. Khi còn sống ông làm việc quần quật suốt ngày không dám nghỉ ngơi, thấy người nghèo khổ đến xin miếng cơm, chén cháo sống qua ngày thì ông xua đuổi, “ráng làm lấy mà ăn, đồ hạng người làm biếng!” Cả đời ông chưa từng giúp một ai hay cho ai cái gì, thậm chí những người làm công trong nhà cũng không được no cơm, ấm áo.
Tuy nghèo nhưng biết nhân nghĩa, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia với người khốn cùng để giúp họ qua cơn hoạn nạn, khó khăn. Nghèo như vậy cũng nên nghèo vì vẫn còn làm lợi ích thiết thực cho người khác. Chúng tôi cũng từng kể về câu chuyện chứng kiến trực tiếp trong cuốn “gieo trồng phước đức” về một gia đình người chồng bị chết trong cơn bão lũ, để lại 1 vợ cùng 6 đứa con thơ dại. Đứa lớn nhất chỉ mới 14 tuổi, cả gia đình đang ở nhà tạm để chờ cứu trợ trong cơn bão lũ, mặt mày đứa nào cũng đã xám xịt vì đói khát lâu ngày.
Ấy thế mà khi nhận được phần quà không đáng là bao, người vợ loay hoay sớt ra làm hai phần rồi nhanh chân cầm phần kia đem đi đâu đó. Lát sau cô quay trở lại, cười nói, “gia đình con may mắn được đoàn cứu trợ giúp đỡ, song bên cạnh còn nhiều gia đình khó khăn hơn gia đình chúng con, họ cũng chịu cảnh đói rét, thiếu thốn nhiều ngày”.
Tấm lòng cao thượng và sự hy sinh, chia sẻ của vị thí chủ ấy chỉ có các bậc Bồ Tát mới thực hiện được. Bản thân chúng tôi nhiều năm đi làm từ thiện mới thấy lần đầu có người thật sự nhân nghĩa, chan chứa tình yêu thương nhân loại bao la như thế. Nhìn lại việc làm của mình chẳng đáng là bao, chúng ta cần phải học tập và bắt chước hành động cao thượng từ người phụ nữ ấy. Miếng ăn mình cần để sống qua ngày mà dám dứt ruột để sẻ chia cho người khác.
Điều này quả thật rất hiếm có trên đời! Ngẫm lại việc này chúng tôi dặn lòng phải cố gắng hơn nữa để việc làm của hội ngày càng thêm phát triển, và càng thêm nhiều cá nhân tích cực hơn bằng cách mỗi tháng chỉ cần nhịn một hai bữa sáng để dành dụm giúp đỡ người khó khăn qua cơn hoạn nạn. “Kết nối yêu thương- Từ thiện duyên lành- Sẻ chia cuộc sống” là tâm nguyện của chúng tôi sau thời gian vấp ngã, được Phật pháp cứu vớt để làm lại cuộc đời.
GIA ĐÌNH NGƯỜI THÂN LÀ NỀN TẢNG CỦA XÃ HỘI
Con người ta ai cũng quý trọng thân này vì cho rằng nó là ta, thật của ta, nên cứ mãi chạy theo vào trường đời danh vọng, để làm sao cho có thật nhiều tiền bạc, của cải, vật chất sung túc, đầy đủ, dư dã. Từ chỗ bám víu lo cho thân này, nên tìm cách vơ vét, bóc lột về cho riêng mình thật nhiều, đã lo cho ta rồi đến của ta, vợ ta, con ta, cha mẹ ta, người thân của ta, đất nước ta v.v…
Chính vì quan niệm sai lầm trên, nên Phật thí dụ bà vợ thứ ba là gia đình người thân. Khi ta giàu có, quyền cao chức trọng thì ai cũng đến chúc mừng, tán thán, rồi nhờ vã, ăn theo để được giúp đỡ và kiếm chác chút đỉnh. Gia đình, người thân là nền tảng để phát triển hình thành nên một xã hội nếu trong gia đình biết sống hiếu thuận với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới, vui vẻ, thuận thảo với anh em và sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia khi gặp người bất hạnh.
Có ông lão đã gần 90 tuổi, nhưng không bao giờ biết lo tu tâm dưỡng tánh, nên suốt cả cuộc đời nhọc nhằn, lao khổ trăm bề. Lúc còn trẻ thì lo gầy dựng sự nghiệp để lo cho thân này, nên ráng làm thật nhiều tiền rồi lấy vợ, sinh con đẻ cái, con cháu, chắt chít đầy nhà. Đông con, đông cháu nên suốt ngày ông cứ vì thế mà bận rộn, lo hết việc này lại đến việc kia, không có thời gian nghỉ ngơi.
Hôm đó, trên đường đi giáo hóa, Phật biết ông sắp hết duyên phần, vì lòng từ bi nên Phật ghé nhà muốn ông thức tỉnh về sự vô thường, không dính mắc vào tình cảm, gia đình, người thân, để ông hồi tâm thức tỉnh trở lại, khi ra đi được an ổn, nhẹ nhàng mà sinh về cõi lành. Do đó, Phật đọc bài kệ vô thường cho ông nghe nhằm nhắc nhở và cảnh tỉnh.
Ông nói bài kệ hay quá chừng, nhưng bây giờ tôi chưa rãnh để học bài kệ đó được, phải lo coi thợ thầy, nhân công, để làm cho xong căn nhà mát năm gian, phiền Phật khi khác ghé lại để ta cùng nhau tham khảo nghĩa lý bài kệ.
Chiều hôm đó, người nhà chạy đến tịnh xá báo tin ông đã bị cây rớt trúng vào đầu, chết liền tại chỗ. Câu chuyện trên là một bài pháp sống nhằm nhắc nhở hàng Phật tử chúng ta phải ý thức việc tu hành của mình. Khi còn trẻ thì ta phải nương nhờ sự lo lắng, giúp đỡ của cha mẹ về mọi phương diện, đến khi lớn khôn, trưởng thành thì ta có vợ có chồng và sinh con đẻ cái, gầy dựng giống nòi nhân loại. Sau khi lo tròn trách nhiệm chu toàn cho con cháu rồi, ta phải biết sắp xếp thời gian để tu tập chuyển hóa, sống vui vẻ hạnh phúc tuổi già để chuẩn bị cho đời sống kế tiếp được vuông tròn tốt đẹp hơn.
Trường hợp của ông già trên thật là diễm phúc mới có nhân duyên gặp Phật, nhưng vì ông ta cứ mải mê gầy dựng sự nghiệp thế gian mà cuối cùng bị tai nạn, chết bất đắc kỳ tử. Chết như vậy thì ba thứ thân thương nhất mà mình hằng ngày phải lo lắng cưu mang; trước tiên là lo cho thân này nên cố gắng phải làm ra thật nhiều tiền bạc của cải để đáp ứng mọi nhu cầu cho thân, rồi kế đến là cho con ta, cùng với những người thân thuộc, bà con hai bên.
Nhưng đến khi ra đi, những thứ đó đâu thể giúp được cho mình, cụ thể như ông trưởng giả đó kêu ba bà vợ phát tâm đi theo, có bà nào chịu đâu. Duy chỉ có bà vợ thứ tư khỏi cần phải hỏi, bởi bà đại diện cho việc làm và những thói quen của ta mỗi ngày, ta làm tốt hay xấu, đúng hay sai, có phước hay có tội, nhiều ít gì thì nó vẫn sẽ theo ta trong cuộc hành trình của đời sống kế tiếp.
Vậy chủ yếu cuộc sống của thế nhân hằng ngày ngoài công việc lo tròn trách nhiệm, bổn phận với gia đình người thân, ta cần phải sắp xếp thời gian tu hành để gầy dựng cho đời sống kế tiếp được tốt đẹp và hoàn chỉnh hơn.
Hiện tại, ta phải biết gieo tạo nghiệp lành thuần thục khi còn mạnh khỏe, đến lúc gần chết, tâm niệm cũng phải lành thì mới chắc chắn bảo đảm đi đến cõi lành. Còn nếu bình thường tạo nghiệp lành mà lúc gần chết tạo nghiệp dữ thì chưa bảo đảm đi đến cõi an vui, tốt đẹp. Còn nếu hiện tại khi ta chưa biết tu, lỡ gây tạo nghiệp dữ nhiều, lúc gần chết tâm niệm biết thay đổi thì cũng có thể chuyển đổi được phần nào nghiệp xấu ác trước kia, vì nghiệp không cố định.
Phật vì lòng từ bi thương xót, muốn giúp cho ông lão ý thức việc sống chết mà lo thúc liễm thân tâm, chuẩn bị cho đời sống kế tiếp được tốt đẹp hơn, nên đến nhà khuyên nhủ, chỉ dạy, nhưng ông lão nào có hay biết gì. Ông còn hẹn Phật chờ đến khi nào rãnh rỗi thì hãy đến rồi cùng bàn luận nghĩa lý của bài kệ. Do đó, ông phải chịu chết bất đắc kỳ tử, chết như vậy thì khó lòng siêu thoát, vì đang còn dính mắc vào việc làm dang dỡ.
Nhiều khi, thần thức của ông phải chịu loanh quanh, lẫn quẩn trong nhà, vì luyến tiếc việc làm chưa xong, chính vì vậy mà ông có thể trở thành con ma vất vưỡng. Vì ông nghĩ thân này lâu dài bền chắc, bám víu vào sự nghiệp tài sản và lo lắng, cưu mang cho gia đình, người thân quá mức mà bị họa chết bất đắc kỳ tử như vậy. Người cư sĩ tại gia hãy suy tư, nghiền ngẫm lời Phật dạy qua câu chuyện trên, để chúng ta ý thức việc tu hành, biết cách sắp xếp hài hòa trong mọi công việc mà có thời gian hoàn thiện chính mình.
TU HÀNH CẦN PHẢI PHƯỚC ĐỨC ĐẦY ĐỦ
Người có đức thì không bị danh vọng, tiền tài, sắc đẹp, ăn ngon, ngủ kỹ chi phối, nên ta có thể làm lợi ích cho nhiều người mà không bị các thứ được mất, khen chê, tốt xấu, khổ vui sai sử và làm ô nhiễm.
Người có phước đức là người có cuộc sống ổn định về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Cuộc sống trong gia đình trên thuận dưới hòa, biết khiêm cung, lễ phép với người trên, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ kẻ dưới, luôn hiếu thảo với ông bà cha mẹ, biết dạy dỗ con cái điều hay lẽ phải, tránh xa bạn ác, gần gũi bạn lành.
Người đủ ăn đủ mặc,
Là người có phước đức,
Do đó nên ít lo,
Nhờ vậy mà dễ tu.
Là người Phật tử chân chính, chúng ta hãy nên biết phát huy hai mặt phước và đức song hành với nhau, giúp người vì tấm lòng tôn kính quý trọng, không phân biệt kẻ sang người hèn. Người có tấm lòng rộng mở mới có thể làm việc bố thí, cúng dường một cách vô điều kiện, có nghĩa là bình đẳng trong việc giúp đỡ, san sẻ, như trường hợp của ông Cấp Cô Độc.
Tuy ông giàu có bậc nhất trong thiên hạ nhưng ông vẫn khiêm cung; trên thì cung kính, tôn trọng người tu hành chân chính, biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ; dưới thì bình đẳng bố thí, yêu thương, giúp đỡ tất cả mọi người.
Ông là bậc mô phạm xứng đáng để hàng hậu học chúng ta bắt chước làm theo. Chính từ tấm lòng rộng mở để nâng đỡ tha nhân mà tâm ích kỷ của ta được chuyển hóa, tâm tham lam được giải trừ, tâm bỏn sẻn được thay đổi, tâm từ bi được tăng trưởng, tâm bao dung và độ lượng được phát triển, tâm buông xả được sáng ngời bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
Discussion about this post