QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO VỀ SINH THÁI
Samantha Ilangakoon * | Thích nữ Hương Nhũ dịch
(*) Khoa Nghiên Cứu Tôn Giáo và Triết Học Tương Quan – Trường Đại Học Phật Giáo và Pali tại Sri-Lanka
GIỚI THIỆU
Một trong số những vấn nạn chính yếu của thời đại ngày nay đang cần tìm ra câu trả lời cấp thiết là sự khủng hoảng sinh thái xảy ra do các cải cách không cần thiết cũng như không phù hợp của con người đối với môi trường. Trong một xã hội tư bản hóa và tiêu thụ hóa, mọi mục tiêu có toan tính của con người là chỉ nhằm kiếm được tiền bằng mọi cách. Người ta dường như không còn thỏa mãn với những món quà của thiên nhiên mang lại nữa mà khai thác theo kiểu tận thu hết mức theo lòng ham muốn của mình. Vì sự ích kỷ của con người mà đã từ xa xưa trong quá khứ, môi trường luôn luôn phải kêu cứu. Mặc dù ngày xưa, ngay cả những người nguyên thủy đã biết sử dụng nguồn tài nguyên môi trường một cách vừa phải. Họ đã biết rằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên là có giới hạn, do đó chúng cần được bảo vệ. Hiểu biết này có được không chỉ trong lĩnh vực gọi là khoa học mà còn trong lĩnh vực hệ thống đạo đức tôn giáo. Đạo đức của tôn giáo luôn đề cao sự kiểm soát ham muốn cá nhân trong một chừng mực nhất định nào đó. Ngay cả trong phạm vi đời sống thế tục con người cũng được giáo dục rằng khi đáp ứng các nhu cầu bản thân thì phải luôn nghĩ tới thế giới bên ngoài. Con người có hiểu biết và định hướng hành vi theo đạo đức tôn giáo sẽ không bao giờ làm tổn hại môi trường chỉ vì mục đích sinh tồn của riêng mình.
Con người hiện đại ngày nay đã đánh mất một cách đáng kể về đạo đức và định hướng hành động theo tôn giáo của mình. Dường như họ đã sử dụng quá mức nguồn tài nguyên mà môi trường mang lại. Và hậu quả là con người hiện đại ngày nay phải đối mặt với nhiều khủng hoảng sinh thái. Những cuộc khủng hoảng này do chính con người tạo ra và vì vậy con người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chúng. Các nghiên cứu hiện đại có thể giúp đưa ra nhiều giải pháp cho các khủng hoảng sinh thái này. Ví dụ, quan điểm của các trung tâm phát triển về lý thuyết phát triển bền vững là: con người hiện đại phải luôn quan tâm tới thiên nhiên và cố gắng gặt hái được các mục tiêu phát triển nhưng chỉ gây tổn hại thấp nhất cho với môi trường tự nhiên. Tuy nhiên quan điểm của tôi cho rằng các luật lệ và quy định được ban hành và thực thi bên ngoài xã hội không có khả năng giải quyết một cách hiệu quả cho các vấn nạn khủng hoảng sinh thái này. Con người cần quay trở lại vấn đề căn bản của chính mình: cần có khả năng kiểm soát các ham muốn của chính mình và tuân thủ môi trường.
Đạo Phật khi đề cập tới vấn đề sinh thái luôn nhấn mạnh đến các thái độ hành vi rất sâu sắc liên quan đến toàn thể vũ trụ. Điều quan trọng nhất là đạo đức Phật giáo trong nội tại luôn nhấn mạnh rằng thế giới bên ngoài hoàn toàn không tách biệt đối với nhân loại. Đó là một phần cuộc sống của con người. Nhân loại lệ thuộc vào môi trường sinh thái. Các thái độ hành vi được ươm mầm nội tại trong mỗi con người. Phương pháp chính thể luận này có thể được sử dụng làm nền tảng xây dựng đạo đức hành xử của con người đối với môi trường thiên nhiên. Trong bài giới thiệu này, mục đích của tôi là nhằm nắm bắt tinh túy hệ thống đạo đức triết học và tôn giáo học của Phật giáo trong lĩnh vực sinh thái học.
Xem chi tiết nội dung:
Quan Điểm Phật Giáo về Sinh Thái
Discussion about this post