PHẬT TÁNH LÀ THẬT TƯỚNG CỦA MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN
Nguyễn Thế Đăng
“Tất cả Phật pháp tức là pháp tánh. Pháp tánh ấy tức là Như Lai. Thế nên Như Lai thường trụ bất biến. Nếu có người nói rằng Như Lai vô thường, người ấy không biết pháp tánh.
Y vào pháp, tức là pháp tánh. Pháp tánh ấy tức là Như Lai”. (Phẩm Tứ Y).
Như thế thấy pháp tánh tức là thấy Như Lai, thấy Phật tánh.
Thấy pháp tánh như thế nào?
“Đại Bồ tát có niệm huệ nên không thấy tướng ngã, không thấy tướng ngã sở, không thấy có chúng sanh và những vật thọ dụng. Thấy hết thảy pháp đồng pháp tánh, từ đó sanh ra các tướng đất đá ngói sạn… Ví như nhà cửa do các duyên hợp lại mà sanh ra, không có tánh nhất định. Thấy các chúng sanh do bốn đại năm uẩn mà thành lập, xét cùng thì không có tánh nhất định.
Vì không có tánh nhất định nên Bồ tát ở trong đó chẳng sanh tham bám. Tất cả phàm phu vì thấy có chúng sanh nên sanh khởi phiền não. Đại Bồ tát tu Đại Niết bàn vì có niệm huệ nên với chúng sanh chẳng sanh tham bám”. (phẩm Quang Minh Biến Chiếu).
Bồ tát có niệm huệ nên không thấy tướng tôi và tướng của tôi, tướng chúng sanh, tướng thế giới, chỉ thấy tất cả đồng pháp tánh, đồng Phật tánh. Bồ tát thấy tất cả là một Phật tánh, tâm phân biệt tạo ra các tướng khác nhau của sanh tử đã chấm dứt.
Từ nền tảng “tất cả pháp đồng là pháp tánh” này, các tướng khởi sanh nhưng không có tánh nhất định, nghĩa là không có tự tánh, và vô tự tánh nên như huyễn. Tất cả các tướng sai khác nhau tạo thành sanh tử chỉ là sự biểu lộ của pháp tánh tùy theo nhân duyên nghiệp quả. Và biểu lộ nhưng thật ra không biểu lộ vì đồng một pháp tánh, như tất cả sóng là sự biểu lộ của đại dương, nhưng thấy sóng tách lìa và khác biệt với đại dương là sai lầm, vì tất cả sóng là đại dương.
Kinh nhiều lần lấy vàng làm thí dụ cho pháp tánh. Pháp tánh (tánh của tất cả các pháp) hay Phật tánh thì giống như vàng, và các tướng sai khác nhau giống như những món đồ làm bằng vàng, tuy bề ngoài có vẻ khác nhau nhưng đồng một chất vàng. Chúng đều là vàng, cho nên kinh nói là “xưa nay thanh tịnh bình đẳng” (phẩm Ứng Tận Hoàn Nguyên)
Cho nên thấy tất cả pháp đồng một pháp tánh, tất cả những gì hiện hữu đồng một bản tánh của tâm, tất cả tướng đồng một tánh vàng, đó là thấy trực tiếp Phật tánh.
Trong kinh nhiều lần nói: “Phật tánh chẳng phải sắc nhưng cũng chẳng lìa ngoài sắc”. Chẳng hạn:
“Thiện nam tử! Phật tánh đây cũng là sắc, cũng là chẳng phải sắc; cũng là tướng cũng là chẳng phải tướng… (phẩm Bồ tát Sư Tử Hống).
“Phật tánh chẳng phải tức sáu pháp, nhưng cũng chẳng lìa sáu pháp. Vì thế ta nói Phật tánh của chúng sanh chẳng phải sắc, chẳng phải lìa sắc, cho đến chẳng phải ngã, chẳng phải lìa ngã”.
“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Phật tánh này chẳng phải sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức, là thường trụ có thể thấy; là liễu nhân chẳng phải tác nhân” (phẩm Bồ tát Sư Tử Hống).
Pháp tánh là bản tánh của tất cả các pháp, kể cả tâm. Bản tánh ấy không bị giới hạn trong một pháp nào, một sắc nào, vì bản tánh ấy có mặt khắp mọi chỗ, mọi không gian, mọi thời gian. Còn sắc là một pháp do tâm thức phân biệt của con người tạo ra, lại đặt tên cho nó, bởi thế trở thành một cái gì cứng đặc, cố định. Trong khi đó thì “bốn đại, năm uẩn, xét cùng thì không có tánh nhất định.”
Pháp tánh là tánh Không, vô tự tánh, nên chẳng thể là một pháp nào, một sắc nào. Và nếu có một sắc nào, một pháp nào được thiết lập nên từ nó và trong nó thì nó vẫn tự do, vì nó vô tự tánh.
Pháp tánh thì có mặt khắp tất cả, như hư không có mặt khắp tất cả, ở ngoài sắc nhưng cũng ở trong sắc. Ở trong sắc nhưng không bị giới hạn trong sắc nên kinh nói là “chẳng phải sắc, cũng chẳng lìa sắc”..
Một thí dụ mà Kinh này và nhiều Kinh khác thường dùng để làm rõ là tấm gương (Đại viên cảnh trí). Tấm gương dụ cho pháp tánh, có mặt khắp nhưng vô tự tánh cho nên không phải là những tướng, tức là những hình bóng trong gương, và không bị nhiễm ô bởi chúng. Các sắc là những hình bóng được thấy trong tấm gương. Tấm gương chẳng phải là hình bóng sắc, nhưng cũng chẳng phải lìa hình bóng sắc: nơi hình bóng sắc chính là tấm gương.
Các hình bóng sắc có đến, có đi, có sanh có diệt, có tăng có giảm, có dơ có sạch, nhưng tấm gương vẫn thường trụ, luôn luôn là hiện tại vĩnh hằng, chứa tất cả sắc nhưng thấu thoát mọi sắc:
“Đức Phật bảo Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu:
Thể Niết Bàn chẳng phải trước không nay có. Nếu thể Niết bàn trước không nay có thì chẳng phải vô lậu. Là pháp thường trụ, dù có Phật hay không có Phật, tánh tướng của nó vẫn thường trụ”. (phẩm Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu).
Trong phẩm Tứ Tướng, Đức Phật phân biệt Niết bàn của chư Phật và của Thanh Văn, Duyên Giác như sau:
“Bồ tát Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những gì gọi là Niết bàn?
Phật nói: Thiện nam tử! Niết bàn đó, gọi là Giải thoát.
_ Bạch Thế Tôn! Giải thoát được nói đó, là sắc hay chẳng phải sắc?
Phật nói: Thiện nam tử! Hoặc là sắc, hoặc chẳng phải sắc. Nói là chẳng phải sắc, đó là giải thoát của Thanh Văn, Duyên Giác. Nói là sắc, đó là giải thoát của chư Phật Như Lai.
Thiện nam tử! Thế nên giải thoát cũng là sắc, cũng chẳng phải là sắc. Như Lai vì các đệ tử Thanh Văn mà nói là chẳng phải sắc.”
Niết bàn giải thoát của Thanh Văn, Duyên Giác ra khỏi sắc, không có sắc. Trong khi ấy, Niết bàn giải thoát của chư Phật không ra khỏi sắc và cũng là sắc. Nói cách khác, giải thoát của Thanh Văn, Duyên Giác không có sanh tử, còn giải thoát của chư Phật thì “sanh tử tức là Niết bàn”.
Để hiểu rõ thêm về sắc, chân sắc của chư Phật, chúng ta trích từ phẩm Kiều Trần Như:
“Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Kiều Trần Như:
Sắc là vô thường, do diệt sắc này mà được sắc giải thoát, thường trụ. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường, do diệt thức này mà đạt được thức giải thoát, thường trụ.
Kiều Trần Như! Sắc là khổ, do diệt sắc này mà được sắc giải thoát an lạc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Kiều Trần Như ! Sắc là trống không, do diệt sắc trống không này mà được sắc giải thoát chẳng phải trống không. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Kiều Trần Như ! Sắc là vô ngã, do diệt sắc này mà được sắc giải thoát chân ngã. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Kiều Trần Như ! Sắc là bất tịnh, do diệt sắc này mà được sắc giải thoát thanh tịnh. Thọ ,tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Kiều Trần Như ! Sắc là nhân duyên của vô minh, do diệt sắc này mà được sắc sắc giải thoát chẳng phải nhân duyên của vô minh. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy”
Với cái thấy của thế gian bình phàm thì sắc là vô thường, khổ, trống không, vô ngã, bất tịnh… nhưng khi giải tan được vô minh thì sắc trở lại bản tánh, pháp tánh của nó là thường, lạc, ngã, tịnh. Cái thấy sai lầm của thế gian là do vô minh, phân biệt chia cắt, phiền não… mà hư vọng lập thành. Nói cách khác, toàn thể thế gian vốn là “thể Niết bàn” thường lạc ngã tịnh, chỉ vì vô minh, phân biệt chia cắt, phiền não mà thấy ra thành sanh tử khổ đau và bất tịnh.
Thế nên tu hành là ở ngay nơi sắc mà cắt đứt phân biệt bám chấp, phiền não, thương ghét, lấy bỏ… để sắc trở lại tánh thanh tịnh vốn có của nó. Thứ hai là an trụ trong pháp tánh để mọi bám chấp, phiền não… dần dần rơi rụng, để lộ khuôn mặt Niết bàn xưa nay của mỗi người, của thế giới, của chúng sanh.
Khi thấy các sắc là pháp tánh, các tướng chính là tánh, người ta lật ngược sanh tử hư giả vô thường, khổ, trống rỗng, bất tịnh thành Niết bàn chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh.
“Kiều Trần Như ! Sắc là trói buộc, do diệt sắc trói buộc mà được sắc giải thoát, không có trói buộc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Kiều Trần Như ! Sắc là lưu chuyển, do diệt sắc lưu chuyển mà được sắc giải thoát chẳng phải lưu chuyển. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Kiều Trần Như ! Sắc chẳng phải chỗ quy y, do diệt sắc này mà được sắc giải thoát là chỗ quy y. Thọ , tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Kiều Trần Như ! Sắc là mụt lở, do diệt sắc này mà được sắc giải thoát không có mụt lở. Thọ, tưởng,hành, thức cũng lại như vậy.
Kiều Trần Như ! Sắc chẳng tịch tĩnh, do diệt sắc này mà được sắc Niết bàn tịch tĩnh. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Kiều Trần Như ! nếu có người có thể biết như vậy, đó gọi là sa môn, gọi là bà la môn, có đủ pháp sa môn, bà la môn”.
Sắc là trói buộc, lưu chuyển, mụt lở, chẳng tịch tĩnh… bởi vì sắc là do tâm vô minh phiền não mà thấy ra. Sắc này tạo thành sanh tử khổ đau. Tâm vô minh phân biệt chia cắt thực tại thành ta, người, chúng sanh, thọ giả, thành ta và cái của ta, thành ta khác biệt với người khác, với thế giới… Muốn diệt cái sắc hư vọng này, phải diệt tâm vô minh phân biệt. Không phân biệt thì sanh tử trở lại nguyên trạng,”hoàn nguyên” lại Niết bàn, các sắc trở lại thật tướng của chúng, là sắc giải thoát, tịch tĩnh, là sắc Niết bàn hay sắc Phật. Khi sắc là sắc Phật, thọ tưởng hành thức là thọ tưởng hành thức Phật, thì thế giới này là thế giới Phật, không còn chút sanh tử khổ đau nào nữa.
“Thức là trói buộc, do diệt thức trói buộc mà được thức giải thoát, không có trói buộc. Thức là mụt lở, do diệt thức này mà được thức giải thoát, không có mụt lở”.
Thức trói buộc, mụt lở là cái thức vô minh, phân biệt ta người, ta và cái khác, từ đó mọi thứ phiền não khổ đau sanh khởi. Diệt sự trói buộc, mụt lở này thì thức tức là thức Niết bàn, thức tức là trí huệ bổn nguyên, như nước hết váng cặn bèn là nước trong. “Ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức”, khi thức là Niết bàn, là trí huệ bổn nguyên thanh tịnh, thì tất cả các sự vật, tất cả thế giới này đều chuyển hoá thành Niết bàn, thành trí huệ bổn nguyên thanh tịnh.
“Thiện nam tử ! Biết thức là tướng phân biệt, đó gọi là trí bậc trung. Phân biệt biết rõ thức ấy là tướng trí vô lượng, thì chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết được, đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa như vậy nơi các kinh khác ta cũng chẳng nói.
Thiện nam tử ! Biết diệt phiền não, đó gọi là trí bậc trung. Phân biệt biết rõ phiền não chẳng thể tính đếm, chỗ diệt của phiền não cũng chẳng thể tính đếm như vậy, thì chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết được, đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa như vậy nơi các kinh khác ta cũng chẳng nói.
Thiện nam tử ! Biết thế đế, gọi là bậc trí trung. Phân biệt rõ thế đế là vô lượng vô biên chẳng thể tính đếm thì chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết được, đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa như vậy nơi các kinh khác ta cũng chẳng nói.
Thiện nam tử ! Tất cả hành vô thường, các pháp vô ngã, Niết bàn tịch diệt, đây là đệ nhất nghĩa, đó gọi là trí bậc trung. Biết đệ nhất nghĩa là vô lượng vô biên chẳng thể tính đếm thì chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết được, đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa như vậy nơi các kinh khác ta cũng chẳng nói.
Thiện nam tử ! Thế đế chính là đệ nhất nghĩa đế.” (phẩm Thánh hạnh).
“Thức là tướng trí vô lượng”: thức tức là trí, tất cả thức là trí. Phiền não thì chẳng thể tính đếm và chỗ diệt của phiền não cũng chẳng thể tính đếm, có bao nhiêu trói buộc, bất tịnh của phiền não thì có bấy nhiêu trí giải thoát, thanh tịnh của Bồ đề, Giác ngộ.
“Thế đế chính là đệ nhất nghĩa đế, vô lượng vô biên”, đây là sự chuyển hóa thức thành trí. Khi ấy sắc thành sắc giải thoát, sắc Niết bàn, tức là thấy thân tâm, chúng sanh, thế giới là pháp tánh, là Phật tánh. Đây là sống trong chân pháp giới của chư Phật.
Thế đế là đệ nhất nghĩa đế, do đó cái căn bản của thế đế là mười hai nhân duyên cũng phải là đệ nhất nghĩa đế. Kinh nói thẳng, mười hai nhân duyên tạo ra sanh tử chính là Phật tánh, chính là Đại Niết bàn:
“Không thường không đoạn mới gọi là trung đạo. Không thường không đoạn tức là trí quán chiếu mười hai nhân duyên. Trí quán này gọi là Phật tánh.
Thiện nam tử ! Trí huệ quán chiếu mười hai nhân duyên đây chính là chủng tử của Vô thượng Bồ đề. Do nghĩa này nên mười hai nhân duyên gọi là Phật tánh
Thiện nam tử ! Phật tánh có nhân, có nhân của nhân, có quả, có quả của quả. Có nhân đó là mười hai nhân duyên. Nhân của nhân đó tức là trí huệ. Có quả đó tức là Vô thượng Bồ đề. Quả của quả đó tức là Vô thượng Đại Niết bàn.
Thiện nam tử ! Ví như vô minh là nhân, các hành là quả, hành là nhân, thức là quả. Do nghĩa này nên thể vô minh kia cũng là nhân, cũng là nhân của nhân. Thức cũng là quả,cũng là quả của quả. Phật tánh cũng như vậy.
Thiện nam tử ! Do nghĩa này nên mười hai nhân duyên chẳng sanh chẳng diệt, chẳng thường chẳng đoạn, chẳng một chẳng hai, chẳng đến chẳng đi, chẳng nhân chẳng quả.
Thiện nam tử ! Là nhân mà chẳng phải quả như Phật tánh. Là quả mà chẳng phải nhân như Đại Niết bàn. Là nhân mà cũng là quả, như mười hai nhân duyên sanh ra sanh ra các pháp. Chẳng phải nhân chẳng phải quả gọi là Phật tánh. Vì chẳng phải nhân chẳng phải quả nên thường hằng không có biến đổi.
Do nghĩa này nên trong kinh Phật nói nghĩa của mười hai nhân duyên là rất sâu xa không thể biết, không thể thấy, chẳng thể suy nghĩ. Đó là cảnh giới của chư Phật, Bồ tát, chẳng phải hàng Thanh Văn, Duyên Giác đạt đến được” (phẩm Bồ tát Sư Tử Hống).
Trí huệ quán chiếu mười hai nhân duyên là chủng tử của Vô thượng Bồ đề; trí quán này chính là Phật tánh. Đối tượng của trí quán là mười hai nhân duyên, cũng là Phật tánh. Cho nên bất cứ khi nào chúng ta quán được “mười hai nhân duyên chẳng sanh chẳng diệt, chẳng thường chẳng đoạn, chẳng một chẳng hai, chẳng đến chẳng đi, chẳng nhân chẳng quả” thì lúc đó chúng ta đang thấy Phật tánh và đang ở trong Phật tánh. Đó là từ bỏ sanh tử hư giả do mười hai nhân duyên hư giả thiết lập nên một cách hư vọng.
Nhờ quán chiếu liên tục thường xuyên, thậm chí chỉ một câu kinh, mà chúng ta có thể chứng ngộ “nghĩa rất sâu xa của mười hai nhân duyên”. Như thế Phật tánh dần dần khai mở, hiển lộ cho chúng ta.
Thấy thật tướng của mười hai nhân duyên, đó là trí huệ. Thấy chúng sanh đang bị trói buộc trong mười hai nhân duyên hư giả xoay vòng không có ngày ra, đó là đại bi.
Discussion about this post