PHẬT GIÁO VIỆT NAM
THỜI MINH MẠNG (1820 – 1840)
Nguyễn Duy Phương
– Luận án là kết quả của một quá trình nghiên cứu có tính hệ thống của tác giả, được hoàn thiện và bổ sung bằng các tư liệu mới phát hiện. Đó là các tư liệu điền dã, bao gồm các văn bia, minh chuông, văn bản Hán Nôm … liên quan đến việc xây dựng chùa chiền, tiểu sử của các danh tăng, các sắc, chiếu dụ của triều đình. Trước đây, do nhiều nguyên nhân, các bộ sách chữ Hán do chính thiền sư đương thời biên soạn ít được các tác giả đi trước quan tâm khai thác thì nay chúng tôi đã bỏ nhiều công sức biên dịch và sử dụng có hiệu quả nguồn tư liệu này. Bên cạnh đó, tác giả đã khai thác các bản gốc tư liệu Châu bản triều Nguyễnliên quan đến đề tài và cập nhật các tài liệu mới là các đề tài khoa học các cấp, các hội thảo khoa học, các bài viết trong thời gian gần đây. Có thể nói, đóng góp đầu tiên của luận án là đã cung cấp tư liệu về Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng một cách có hệ thống, phong phú, đa dạng về loại hình và có giá trị sử liệu cao.
– Luận án đã chứng minh được sự chấn hưng của Phật giáo thời Minh Mạng trên một số phương diện. Đây là một đóng góp mới bởi lâu nay các nhà nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam đều cho rằng giai đoạn từ thế kỉ XIX đến trước phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỉ XX, Phật giáo Việt Nam đã sa sút và khủng hoảng. Từ đó, luận án cũng góp phần đánh giá lại chính sách của triều Nguyễn nói chung và triều Minh Mạng nói riêng đối với Phật giáo.
– Một đóng góp nữa của luận án là đã chỉ ra được những đặc điểm riêng có, đồng thời khẳng định những khía cạnh tích cực của Phật giáo thời Minh Mạng, qua đó, góp phần lấp được khoảng trống trong nghiên cứu lịch sử Phật giáo dân tộc, đồng thời, giúp minh định vai trò quan trọng của Phật giáo không chỉ ở quá khứ mà cả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.
– Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng sẽ cung cấp cho các cơ quan nhà nước những bài học kinh nghiệm hữu ích trong xây dựng chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp để quản lí tôn giáo; đồng thời đây cũng là cơ sở để các tổ chức Phật giáo và người dân địa phương tiếp tục kế thừa truyền thống, gạn đục khơi trong cùng chung tay với nhà nước phát triển Phật giáo trong bối cảnh mới…
(Tư liệu của Viện Đại Học Huế)
Discussion about this post