PHẬT GIÁO GÓP PHẦN |
|
|
MÔI TRƯỜNG – VẤN NẠN TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY
Ngày nay, chúng ta đang
chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật trong lịch sử nhân loại.
Với những thành tựu to lớn về khoa học kỹ thuật được áp dụng vào trong sản xuất
và đời sống đã giúp cho con ngươì thực hiện được rất nhiều ước mơ trong cuộc
sống. Sự phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật và những phát kiến vĩ đại
trong nhiều lĩnh vực như: điện tử, công nghệ thông tin, các phương tiện giao
thông vận tải, công nghiệp giải trí v.v… đã góp phần biến đổi xã hội ngày một
văn minh hiện đại hơn. Tuy nhiên, đi cùng với những mặt tích cực trên, thế giới
ngày nay đang phải đối mặt với rất nhiều những vấn đề tiêu cực đã trở thành
những vấn nạn. Trong các vấn nạn đó, ô nhiễm môi trường đã và đang đe dọa đến
sự phát triển và mạng sống của hàng trăm triệu người trên thế giới và trở thành
vấn đề thời sự cấp bách mang tính toàn cầu.
Ô nhiễm môi trường giờ
đây không còn là vấn đề đơn lẻ mà trở thành vấn đề toàn diện từ môi trường tự
nhiên đến môi trường xã hội, không phải chỉ ô nhiễm không khí mà cả đất, nước
cũng đang bị ô nhiễm. Chính điều đó sẽ dẫn đến việc mất cân bằng hệ sinh thái
và hậu quả của nó là những hiểm họa thiên tai đang tiềm tàng ở bất cứ nơi đâu
và bất cứ lúc nào…. Điển hình là những trận thiên tai tàn khốc nhất trong
lịch sử đều xảy ra gần đây: Bão lũ ở Bangladesh, Trung Quốc, Mỹ, Việt Nam, hạn hán
ở miền đông nam nước Mỹ, lũ lụt ở Mexico, CHDCND Triều Tiên; phun nham thạch
bùn ở Indonesia; mưa lũ ở Nam Á châu, động đất ở Peru, cháy rừng ở Indonesia,
Hy Lạp, v.v… Tại một hội nghị về thay đổi khí hậu các chuyên gia đã cảnh báo
rằng, sẽ có hàng tỷ người phải đối mặt với nạn thiếu lương thực, nước uống và
nguy cơ lụt lội, nhiều loại động thực vật sẽ bị tuyệt chủng.v.v… Ô nhiễm không
khí, nước sinh hoạt nghiêm trọng ở nhiều địa phương đã dẫn đến việc xuất hiện
những “làng ung thư” và hàng loạt những căn bệnh lạ mà trước đây không có. Ở nhiều
sông ngòi, cá không thể sống được, đất không thể canh tác, trồng trọt do bị ô
nhiễm trầm trọng.
Nguyên nhân dẫn đến ô
nhiễm môi trường thì có rất nhiều, song ta có thể dễ dàng nhận thấy động lực
phát triển thiếu cân bằng là nguyên nhân sâu xa của việc biến đổi môi trường. Ở
các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế khác nhau thì có các xu hướng gây ô
nhiễm môi trường khác nhau. Ví dụ:
Sự thiếu cân bằng trong
mức sống dư thừa cũng gây ô nhiễm: 20% dân số thế giới ở các nước giàu hiện sử
dụng 80% tài nguyên và năng lượng của loài người. Sản xuất công nghiệp phát
triển mạnh, sự quá tải của các phương tiện giao thông vận tải đã tạo ra một
lượng lớn chất thải độc hại vào môi trường (đặc biệt là khí thải). Hiện nay,
tại các hội nghị thượng đỉnh về môi trường, các nước giàu vẫn chưa thực sự tự
giác chia sẻ tài lực với các nước nghèo để giải quyết những vấn đề có liên quan
tới môi trường.
Ô nhiễm do nghèo đói:
Mặc dù chiếm tới 80% dân số thế giới, song chỉ sử dụng 20% tài nguyên và năng
lượng của thế giới, nhưng những người nghèo khổ ở các nước nghèo chỉ có con
đường duy nhất là khai thác tài nguyên thiên nhiên (rừng, khoáng sản, đất
đai,…) mà không có khả năng hoàn phục. Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) về môi
trường họp vào tháng 1/2002 tại Trung Quốc đã cho rằng nghèo đói là thách thức
lớn nhất đối với công tác bảo vệ môi trường hiện nay.
Như vậy, để phát triển,
dù là giàu có hay nghèo đói đều tạo ra khả năng gây ô nhiễm môi trường. Quá
trình sản xuất thải ra môi trường rất nhiều chất thải (cả khí thải, nước thải,
chất thải rắn). Trong các chất thải này có thể có rất nhiều loại độc hại làm ô
nhiễm, suy thoái, hoặc gây ra các sự cố về môi trường. Quá trình sinh hoạt, tiêu
dùng của xã hội loài người cũng thải ra môi trường rất nhiều chất thải. Những
chất thải này nếu không được xử lý tốt cũng sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm
trọng. Vấn đề ở đây là phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển và
bảo vệ môi trường. Để phát triển bền vững thì ngay từ bây giờ không được khai
thác quá mức dẫn tới hủy hoại tài nguyên, môi trường, thực hiện các giải pháp
sản xuất sạch, phát triển sản xuất đi đôi với các giải pháp xử lý môi trường,
bảo tồn các nguồn gốc động vật, thực vật, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh
học, không ngừng nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường.
PHẬT GIÁO GÓP PHẦN
GIẢI QUYẾT VẤN NẠN MÔI TRƯỜNG
Ngay từ khi mới xuất
hiện, Đạo Phật đã xác định cho mình một nhiệm vụ vô cùng trọng đại: đó là vì
lợi ích của chúng sanh, vì sự sống của nhân loại, giải thoát khổ đau cho hết
thảy chúng sanh. Cho nên, sẽ không có gì quá đáng khi các nhà trí thức tiến bộ
hiện nay đã đồng ý với nhau rằng, đạo Phật là con đường giải quyết các vấn nạn
cho nhân loại, trong đó có vấn nạn môi trường.
Ngày nay, chúng ta đang
sống trong một thế giới với rất nhiều mối đe dọa như: những cuộc tranh chấp và
xung đột khu vực, những cuộc xung đột giữa các nền văn minh khác nhau và ô nhiễm
môi trường … Trong thế giới đầy rẫy những vấn nạn đó, lẽ tất nhiên, chúng ta
phải tìm ra con đường tự cứu thoát chúng ta ra khỏi tình trạng nguy hiểm. Nhưng
sẽ làm như thế nào để có thể tìm ra con đường đúng đắn? Trong nhiều phương diện
đã chứng tỏ rằng, đạo Phật là con đường tích cực nhất đã được chỉ ra từ 2552
năm trước.
Khi lợi ích kinh tế trở
thành mục tiêu, thành động lực vượt ra ngoài giá trị nhân bản của xã hội thì
hành động của con người trở nên liều lĩnh và tàn bạo hơn. Chính vì thế nên các
yếu tố tâm linh, đạo đức và nhân văn – vốn được xem là nét đẹp nhất của văn hóa
phương Đông – sẽ bị suy thoái là điều tất yếu. Thế hệ tương lai của nhân loại
là tầng lớp thanh thiếu niên được sinh ra và lớn lên trong môi trường như vậy
nếu không có một nền tảng đạo đức lương thiện thì những tác động ấy của thời đại
sẽ biến chúng thành những sinh vật để sống hơn là những con người thực thụ. Sự
què quặt đó thật đáng thương hại! Phật giáo xin được bày tỏ và hy vọng được chia
sẻ mối lo ngại này cùng xã hội.
Không phải cho đến bây
giờ, khi mà tình trạng môi trường xấu đi một cách nghiêm trọng chúng ta mới
nhận thấy những bất ổn của thế giới. Chúng ta đã nhận thấy điều này từ rất lâu
và đến bây giờ nó trở thành cực kỳ cấp thiết để một lần nữa lên tiếng. Chúng ta
không cần phải phán xét đúng sai, tốt xấu mà quan trọng hơn là cần phải nhìn thẳng
vào căn nguyên gốc rễ để có biện pháp khắc phục và hướng tới tương lai.
Cần phải nói rằng, tương
lai của chúng ta chắc chắn sẽ rất đen tối nếu không có những can thiệp đúng mức
của tất cả chúng ta. Ô nhiễm môi trường có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ
nơi đâu, sinh mạng của hàng tỉ người sẽ bị cướp đi bất cứ lúc nào khi có sự đột
biến từ môi trường xảy ra. Và như vậy một môi trường sạch, trong lành cho cuộc
sống của chúng ta sẽ là một khái niệm thật xa xỉ.
Trước những đau khổ
dường như vô tận của con người, tôn giáo bắt đầu xuất hiện với vai trò như một
đấng cứu thế. Và không chỉ đơn giản là chỗ dựa tâm linh để con người tìm đến
khi bế tắc mà Phật giáo còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong điều chỉnh
hành vi con người đối với tha nhân và môi trường xã hội. Tất cả giáo lý của
Phật giáo đều hướng con người đến chân, thiện, mỹ; hướng thế giới đến hòa bình,
công bằng, ấm no, hạnh phúc và tất nhiên là một môi trường sống trong lành.
Phật giáo hướng con người đến những việc có thể làm được chứ không phải là để
chiêm ngưỡng từ xa và mơ ước. Tổng kết 49 năm thuyết pháp của Đức Phật, Ngài đã
tuyên bố rõ ràng rằng, Ngài chỉ dạy hai vấn đề: Sự khổ và con đường diệt khổ. Ô
nhiễm môi trường dẫn đến phá vỡ sự cân bằng hệ sinh thái đem đến đau khổ. Hành
động để cứu môi trường ra khỏi tình trạng hiện nay nghĩa là chấm dứt đau khổ.
Đức Phật của chúng ta chỉ có một hạnh nguyện duy nhất, đó là dùng giáo lý đầy
chất liệu của yêu thương để chuyển hóa con người theo con đường của hòa bình,
an lạc trong một môi trường trong sạch. Chính vì thế mà đạo Phật không phải chỉ
là một tôn giáo, đạo Phật không phải chỉ có niềm tin, hay giản đơn là một sự
cầu nguyện cho một tương lai nào đó, mà đạo Phật còn là một kho tàng tuệ giác
với những phương pháp rất cụ thể có thể giúp nhân loại tháo gỡ, chuyển hóa
những khó khăn, những khổ đau trong bản thân, gia đình và ngoài xã hội. Đó
chính là nền tảng đáng chú ý nhất đối với trách nhiệm khắc phục tình trạng môi
trường hiện nay đem lại sự yên vui cho nhân loại. Đạo Phật là con đường chuyển
hóa đưa tới giải thoát giác ngộ và an lạc. Muốn tìm con đường ấy thì đòi hỏi
mỗi người chúng ta không những chăm lo cho những nền tảng của hạnh phúc cá nhân
mà còn phải tích cực tham gia vào công tác bảo vệ môi trường sống hiện nay. Và
một trong những phương pháp để thực hiện điều đó chính là Tám chi phần của con
đường chân chánh. Công năng của giáo lý Bát Chánh Đạo hoàn toàn xứng đáng là
phương thuốc giải quyết những vấn nạn toàn cầu, trong đó có vấn nạn môi trường.
Bát Chánh Đạo gồm có
Chánh Tri Kiến là nhận thức đúng đắn, là thấy, biết một cách chân chính, nhận
thức đúng đắn tầm quan trọng của môi trường sống đối với đời sống nhân sinh.
Chánh Tư Duy là suy nghĩ đúng đắn, là suy nghĩ về lợi ích và con đường đưa đến
sự lợi ích cho môi trường sống. Chánh Ngữ là lời nói chân chính và có tác dụng
chuyển hóa. Nó chính là việc kêu gọi hãy làm những việc có lợi cho môi trường.
Chánh Nghiệp là nghề nghiệp chánh đáng không những không đem lại đau khổ, tổn
hại cho tha nhân và xã hội mà còn mang lại hạnh phúc, bình an, lợi lạc. Chánh
Mạng là đời sống chân chính, tức là phương cách sống không gây đau khổ cho
người, vật hay tàn phá thiên nhiên. Chánh Tinh Taán là tứ chánh cần, tức là bốn
loại hành động siêng năng hạn chế tối đa các tương tưởng, hành động sai trái,
xấu ác, đồng thời khởi phát các yếu tố tốt đẹp giảm thiểu những xu hướng có hại
và tăng trưởng những gì có lợi cho môi trường. Chánh Niệm là nhớ nghĩ những
điều chân chính, đặt những gì có thể làm tốt cho môi trường vào trong tâm thức
của mình và Chánh Định là tâm kiên định một cách chân chính. Nếu chúng ta lấy
Bát Chánh Đạo soi rọi vào các vấn nạn môi trường thì chúng ta sẽ thấy được gốc
rễ, nguyên nhân sâu xa của tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, thấy được sự
vật đúng như sự thật của nó, không bị những tư tưởng, hành động phi pháp chi
phối, thấy được mối liên hệ mật thiết giữa con người và tất cả sự vật đều có
ảnh hưởng, ràng buộc lẫn nhau theo tiến trình của luật nhân quả. Cho nên, Bát
Chánh Đạo là phương thuốc hữu hiệu để chữa trị vấn nạn môi trường hiện nay.
Kính bạch Chư tôn Hòa
thượng!
Kính thưa
các vị khách quý!
Kính thưa
toàn thể Hội nghị!
Ở Việt Nam, chính phủ
sắp phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về Sức Khỏe Môi Trường đến năm
2015. Mục tiêu chủ yếu của chương trình là gắn kết các hoạt động bảo vệ môi
trường với các hoạt động bảo vệ sức khỏe con người, nhằm giải quyết những vấn
đề bức xúc về sức khỏe môi trường hiện nay, góp phần thực hiện các mục tiêu về
bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường đã được đặt ra. Trong vài thập
niên vừa qua, độ che phủ của rừng ở Việt Nam từ chỗ giảm sút trầm trọng, nay đang
dần dần được hồi phục và hy vọng vào chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng đến
năm 2010 sẽ duy trì được độ che phủ của rừng đạt 43%. Chính vì nhận thức được, rừng
giúp biến đổi khí hậu và làm giảm nhẹ thiên tai nên tại hội nghị Bali –
Indonesia tháng 12/2007, đoàn Việt Nam ủng hộ đề nghị giảm khí thải gây hiệu
ứng nhà kính bằng việc chống phá rừng của Indonesia vì rừng là lá phổi của hành
tinh chúng ta và là bể chứa và hấp thụ CO2.
Trước hội nghị khí hậu
tháng 12/2007 tại Indonesia, ông Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc Ban-Mi-Moon đã tới
Nam Cực nhằm thu hút sự chú ý về các vấn đề môi trường của thế giới. Ông kêu
gọi cả thế giới hãy hành động thêm để bảo vệ tương lai của hành tinh. Trong hội
nghị này, Liên Hợp Quốc kêu gọi tất cả các nước trên thế giới cùng nhau hợp tác
về môi trường. Có như vậy mới hy vọng môi trường sinh thái của nhân loại sẽ
được cải thiện hơn.
Phật giáo luôn cho rằng
tư tưởng con người là quyết định tất cả hành động của con người. Và một môi
trường sống thật sự trong lành, không ô nhiễm khi và chỉ khi tất cả mọi người
đều có ý thức bảo vệ và gìn giữ nó. Do đó, muốn giữ gìn môi trường trong sạch
cần phải làm thay đổi tư tưởng của con người làm điều kiện tiên quyết.
Giáo pháp của Đức Phật
là cả một kho tàng chính pháp làm lợi lạc quần sinh, nhưng nó chỉ có thể có tác
dụng hữu hiệu khi chúng ta có nhận thức và thực tập đầy đủ và nghiêm túc. Nếu
tất cả chúng ta thực tập chỉ một giới không sát sinh mà Đức Phật đã dạy thôi
thì không chỉ riêng đối với các loài động vật mà cả sự tồn tại của tất cả các
loài thực vật, khoáng vật, v.v… cũng được tôn trọng. Chỉ một giới đó thôi mà đã
có biết bao nhiêu điều lợi ích được đem đến, huống gì các nguyên lý đạo đức
Phật giáo, tám chi phần của con đường chân chánh,… đều được thực hành một các
nghiêm túc. Bởi vậy, Phật giáo hoàn toàn xứng đáng là một trong những nền tảng
đáng chú ý nhất trong công cuộc bảo vệ môi trường sống hiện nay. Có thực hành
theo những con đường như thế thì môi trường sống của chúng ta mới không bị đe
dọa. Và một môi trường sống trong lành sẽ luôn hiện hữu và trường tồn cùng nhân
loại chúng ta./.
Trích tham luận tại Hội
thảo Phật giáo quốc tế lần thứ V – 2008 tại Hà Nội
Discussion about this post