Việc nói rằng tỷ phú Zuckerberg “phát Bồ-đề tâm hành Bồ-tát hạnh” nghe ra có vẻ khó chấp nhận với người Phật tử, bởi những khái niệm này vừa là thuật ngữ, vừa là lý tưởng của Phật giáo Đại thừa được gán cho một chàng trai người Mỹ gốc Do Thái. Nhưng kỳ thật, ‘Bồ-đề tâm’ cũng như ‘Bồ-tát hạnh’ không mang một ý nghĩa tôn giáo gì cả. Nó biểu đạt một lối sống của người đi tìm kiếm hạnh phúc thông qua sự nghiệp tạo dựng hạnh phúc cho người khác.
Bồ-đề tâm phát xuất từ chữ ‘bodhicitta’, là một thuật ngữ của Phật giáo Đại thừa. ‘Bồ-đề’ là phiên âm của của chữ ‘bodhi’( Pali/Sanskrit ), nghĩa là ‘giác’, ‘giác ngộ’, ‘tuệ giác’, tức là hiểu biết các pháp một cách rốt ráo , không có chấp chủ . Bodhi là quả vị giác ngộ tối thượng mà Đức Phật đã chứng đắc dưới gốc cây Assattha mà sau đó cây này được gọi là cây Bodhi (Bồ-đề). Bồ-đề tâm (bodhicitta), do đó có thể được hiểu là tâm giác ngộ. Đối với chư Phật, nó là thực tại; còn đối với chúng sanh, nó cần phải được phát huy , cho nên được gọi là ‘phát tâm Bồ-đề’, Người phát tâm Bồ-đề cẩn hiểu rõ rằng Bồ-đề có sẵn trong mỗi chúng sanh và sẽ hiện rõ khi màn vô minh được vén lên . Điều này nói đến tánh giác trong mỗi chúng sanh. Trong văn học Phật giáo Nguyên thủy (Pali) từ tương đương của Bồ-đề tâm có lẽ là ‘pabhassaracitta’, nghĩa là ‘tâm sáng chói’. Kinh Tăng Chi chép: “Tâm này, này các Tỳ-kheo, là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào” (A,I,9) . Như vậy phát tâm Bồ-đề có thể được hiểu là hướng tâm đến sự giác ngộ Bồ-đề (bodhi)
Với ý nghĩa Bồ-đề như vậy thì tỷ phú Zuckerberg phát Bồ-đề tâm như thế nào? trước hết chúng ta cần xác định rằng Phật giáo chỉ quan tâm đến con người và tâm người, mà không có sự phân biệt nào liên qua đến giai cấp, sắc tộc, tôn giáo v.v. Và lý thuyết về nghiệp (Kama) được xem là chủ trương của Phật giáo có mục đích làm thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý (việc làm, lời nói, ý nghĩ). Đây là con đường đưa tới sự đoạn tận tham, sân, si , thành tựu quả vị Bồ-đề có thể chứng đắc nếu hành động đúng pháp ( tức là làm thanh tịnh ba nghiệp , đoạn tận tham, sân, si) mà không tùy thuộc vào một qua điểm hay danh xưng nào. Trung Bộ kinh, số 126 nói rằng “dù có nguyện vọng hay không, việc hành trì Phạm hạnh một cách chánh đáng thời đạt được quả vị”. Theo chủ trương đó, hành động của tỷ phú Zuckerberg cũng có thể không ngoại lệ, và có lẽ anh đang đi trên đạo lộ ấy.
Như đã nói, chướng ngại của Bồ-đề chính là vô minh và các cấu uế từ bên ngoài vào được hiển thị qua thân, khẩu, ý. Và Zuckerberg dường như đang thăng hoa cuộc sống khi từng bước vén màn vô minh và buông bỏ các cấu uế ngoại lai ấy. Càng ít vô minh chừng nào, hay nói khác đi, trí tuệ càng nhiều chừng nào, thì người ta càng dễ dàng buông bỏ những cấu uế ngoại lai chừng ấy và ngược lại.
Có thể Zuckerberg không hề biết hay nghĩ đến danh xưng ‘Bồ-đề’ hay ‘Chánh giác’ gì cả, nhưng những thăng hoa hạnh phúc trên đạo lộ buông bỏ của anh (mà người Phật tử gọi là đạo lộ đưa đến Bồ-đề) thì không thể phủ nhận. Việc Zuckerberg dấn thân làm từ thiện là một biểu hiện của sự buông bỏ như thế, và đặc biệt là tìm thấy hạnh phúc thông qua việc xây dựng hạnh phúc cho người khác. Như vậy là anh đã phát Bồ-đề tâm và hành Bồ-tát hạnh (nói theo ngôn ngữ Phật học) trong ý nghĩa đích thực củ nó mà không cần một danh xưng nào hết. Tuy nhiên con đường đạt đến đích Bồ-đề theo Phật giáo đại thừa là một hành trình dài đòi hỏi một tâm vị tha và kiên định, những yếu tố mà hiện tại ít nhiều anh đang có.
Khái niệm ‘Bồ-tát’ hạnh có nguồn gốc từ văn học Phật giáo Nguyên thủy, được minh họa rõ nét nhất qua tập Bổn sanh (jâtaka- Chuyện Tiền thân Đức Phật) “Bồ-tát” trong thời kỳ văn học này là danh xưng được sử dụng để chỉ cho Đức Phật trong nhiều kiếp trước “ khi Ngài chưa thành Phật còn là Bồ-tát” . Qua đó, Bồ-tát được thấy đã sống trong nhiều kiếp dưới nhiều hình thức khác nhau, không chỉ làm người mà còn làm chim làm thú …Điều đáng quan tâm là, dù ở trong sanh loại nào, Ngài đều thể hiện tính cách thông minh, năng động và sáng tạo trong cách ứng xử để bảo vệ chân lý và lợi ích cho số đông. Còn nhiều mẫu chuyện cho thấy Ngài đã hy sinh thân mạng của mình vì sự bình an và hạnh phúc của đồng loại. Tất cả những việc làm này của Ngài được gọi là “Bồ-tát hạnh” có đủ trí tuệ và từ bi, và là tấm gương đạo đức gần gủi với con người. Khái niệm “Bồ-đề tâm” chưa xuất hiện trong thời kỳ văn học này.
Trong Phật giáo của thời kỳ sau, Bồ-tát hạnh được ứng dụng một cách linh hoạt như là tư tưởng quan trọng của Đại thừa. Một người Phật tử Đại thừa hành Bồ-tát hạnh dường như muốn noi theo những việc làm mà chính Đức Phật đã từng luân chuyển trong thế giới luân hồi như bao nhiêu chúng sanh khác, nhưng nhờ những công hạnh như thế, Ngài mới chứng được quả vị Bồ-đề. Trên cơ sở đó , chỉ có hành động mới thật sự được quan tâm và là nội dung chứa đựng hai đặc tính của Bồ-tát hạnh , đó là từ bi và trí tuệ , những đặc tính này không phải không có trong Zuckerberg .
Với quan điểm và hành động như thế, việc Zuckerberg hành Bồ-tát hạnh là điều có thể nhận thức được. Nếu Bồ-tát hạnh được thực thi chỉ vì mục đích thiết thực là cứu khổ, ban vui mà không vì một học thuyết hay giáo lý nào từ kinh điển, thì Bồ-tát hạnh chính là những hình thái từ thiện chân chính được thấy trong thế giới chúng ta, và nó không bị hạn cuộc trong một học thuyết tôn giáo nào. Mặc dù lòng trắc ẩn và tình thương là động cơ ban đầu cho hành động của họ, nó có thể dần dần trở thành một lý tưởng nếu được ung đúc và tích tập lâu dài. Quả thật, có người đã quên mình hay hy sinh mình để giúp người khác. Lý tưởng như thế có thể đang ở trong một mức độ nào đó của Bồ-đề tâm mà một Phật tử hành Bồ-tát hạnh đang thực hành? Chúng ta cần đặt ra một bên các quan điểm tín ngưỡng để nhận ra những giá trị đích thực của việc giúp đời cứu người mà Zuckerberg và nhiều người khác đã dấn thân.
Sống trên đời trong hình thức nào, ai cũng mong cầu và tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng vì quan niệm về hạnh phúc không giống nhau nên con người có những khuynh hướng tìm cầu hạnh phúc khác nhau: hoặc vật chất, hoặc tinh thần, hoặc cả hai. Tuy nhiên, do hạnh phúc là một trạng thái thuộc tâm hay tâm lý, nên khó có một định nghĩa hạnh phúc, mà chỉ xác định rằng khi nào không có khổ thì khi đó có hạnh phúc. Đó là lý do mà Phật giáo nhằm chỉ ra sự thật khổ mà con người đối diện, rồi chỉ ra nguyên nhân của nó để đoạn trừ . Nguyên nhân của khổ được nói chính là “tham ái”, đưa đến chấp thủ : cái này “là của tôi” là “tôi”, “là tự ngã của tôi” . Để đoạn trừ tham ái và chấp thủ ấy, phương pháp thường được Phật giáo Đại thừa nhiệt tình khích lệ là hãy sống buông bỏ vì hạnh phúc của người khác hãy hy sinh lợi ích của riêng mình cho đến chỗ vô ngã (chỉ còn hành động hy sinh mà không thấy có mình trong đó). Phật giáo Nguyên thủy cũng cho rằng làm lợi ích cho mình là làm lợi ích cho người khác, và ngược lại. Kinh Tương Ưng (sv,168) dạy: “trong khi hộ trì cho mình, này các Tỳ-kheo, là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình”.Phật giáo cho rằng không có một cái gì tốn tại, độc lập trong cái thế giới duyên sinh này.
Hạnh phúc thực chất là tất cả những gì trong thế giới xung quanh ta, một nỗi buồn nào đó bỗng nhiên ập đến khiến cho tất cả những niềm vui đang có vụt biến mất.
Giàu có thôi vẫn không đem lại hạnh phúc. Liệu tầng lớp giáu có ở Trung Quốc có an lòng không khi đối diện với thống kê rằng người dân Trung Quốc không kính trọng họ? Theo Lu Xueyi, nhà ngiên cứu của Viện Khoa học Trung Quốc, các nhà triệu phú nước này “có cảm giác bất an” là do xu hướng của xã hội vừa ghét vừa ghen tị với những người giàu. Đây thật ra chỉ là đánh giá bề ngoài, vấn đề căn để là ở chỗ “Họ có chánh mạng không (cách làm giàu)”? và “họ có lòng trắc ẩn đối với tầng lớp nghèo khổ không ?”. Nói cách khác, trong mắt người dân, cách làm giàu và cách sử dụng đồng tiền của họ là không đáng được kính trọng. Thật là không ổn khi tìm thấy hạnh phúc của mình trên khổ đau của người khác. Nếu họ có hạnh phúc thì ắt hẳn đó là những hạnh phúc vị kỷ, đê tiện và tạm bợ; còn sự bất an thì lại quá rõ ràng, khi họ luôn mang trong mình một tâm trạng rằng thế giới xung quanh đang rình rập. Tự đặt mình biệt lập với con người và thế giới xung quanh, người ta càng cảm thấy hoảng hốt và bi thảm khi kết thúc cuộc đời bằng nhận thức rằng tất cả (những gì “của tôi”, là “tôi”) đều trở thành ‘thiên hạ’. Sống trong cuộc sống bất an thì chết cũng chẳng lành.
Zuckerberg đã làm giàu bằng chính công sức và trí tuệ của anh (chánh mạng), đồng thời mở lòng sẵn sàng san sẻ những gì anh có cho người khác. Cả hai mặt, anh đều đáng được tôn kính.
Anh hẳn đã hơn người trong việc tìm cầu hạnh phúc, hạnh phúc của anh không dừng lại ở sự giàu sang và hưởng thụ; hạnh phúc của anh không dừng lại ở tuổi trẻ tài cao; hạnh phúc của anh không dừng lại ở đứa con cưng Facebook; hạnh phúc của anh không dừng lại ở những danh tiếng trọng vọng; và có lẽ, hạnh phúc của anh không dừng lại ở công tác từ thiện. Nhưng anh có tất cả, và tất cả đã tạo ra cho anh một hạnh phúc bao la, không biên giới.
Có lẽ đối với anh, thế giới này là một thực thể duyên sinh nên anh đã và đang tìm cách kết nối thành một mối tương quan sinh tồn, điển hình được thấy qua mạng xã hội Facebook mà anh làm chủ. Cũng như qua công tác từ thiện mà anh đã dấn thân. Nếu nhìn được như vậy, anh đúng là đang thực hành Bồ-tát hạnh, và lấy con người và thế giới này làm môi trường tốt để nuôi dưỡng cho mình một hạnh phúc cao cả.
Không phải vô cớ mà chàng trai Zuckerberg được tạp chí Time ( Mỹ) ưu tiên dành cho danh hiệu “Nhân vật của năm 2010” […]. Điều này cho thấy cái thiện được tôn vinh. Đáng nói là danh hiệu đó của anh được hầu hết dân mạng tán thành và hết lòng ngưỡng mộ. Hạnh phúc chân thật đang được chào đón những ai sống với tâm từ bi và trí tuệ như ông chủ Facebook này.
Discussion about this post