Hôm nọ tôi lên nhà anh đạo hữu tên là Nguyễn Văn Cháu thăm chơi. Anh Cháu là người hiền từ, dễ mến – và nhất là siêng năng hành trì hàng ngày
Mới xong một tuần trà thì vợ anh đi đâu vừa về. Như lệ thường, tôi đứng dậy chào:
– Chào chị!
Tức thì chị cũng lịch sự chào lại:
– Chào anh!
Xong cái màn trình diễn đẹp mắt, bỗng nhiên chị thay đổi thái độ, nét mặt đang dễ thương như rứa tự nhiên chuyển qua sắc mặt hầm hầm, giận dữ và nói như quát:
– Anh Chiến biết không? Tui vừa đi tham dự lễ cúng Tổ về. Thấy người ta trân trọng và cung kính Ông Tổ Nghề Thợ Mộc mà mình quá ốt dột. Từ ngày theo Phật, anh Cháu nhà tui không lo cúng quảy ông Tổ nghề thợ mộc như trước kia. Thậm chí không bao giờ thắp một cây nhang lên bàn thờ Tổ. Cứ ăn rồi chỉ lo niệm Phật, Nam mô A di đà Phật mà thôi. Sống như rứa mần răng con cháu ngóc đầu lên nổi?
Tôi cười vui và nói:
– Đúng rồi! Ai cho mình sự sống thì mình phải tỏ lòng tri ân bằng cách tôn kính và cúng giỗ đàng hoàng, nghiêm chỉnh. Phải không chị?
Chị vô cùng hoan hỷ:
– Anh nói nghe được đó!
– À này, chị biết từ khi sanh ra, ai đã cho mình sự sống?
Bà vợ anh Cháu không biết ẩn ý của tôi, nên ngần ngại, không dám trả lời. Cuối cùng chị nói:
– Bà Mụ đã cho mình sự sống, phải không?
Tôi cười:
– Bà Mụ chỉ làm công việc đỡ đẻ sao cho vuông tròn mà thôi, chứ không thể cho mình sự sống. Chị nên nhớ, trong chín tháng mười ngày nằm trong bụng mẹ, chúng ta hoàn toàn nương nhờ sự sống của mẹ. Như ăn uống, nuôi dưỡng máu thịt, đều do mẹ mà có, thậm chí hơi thở cũng do mẹ hít thở giùm khiến cho ta được tồn tại.
Nhưng, sau khi lọt lòng, người ta cắt sợi dây rún thì đã cắt đứt liên hệ với mẹ. Lúc đó, đứa bé bắt đầu hít thở để sống. Cái mà đứa bé cần nhất lúc bấy giờ là: KHÔNG KHÍ. Chính tiếng khóc ban đầu là hành động để đưa không khí vào phổi. Rồi tới khi lớn khôn cho đến khi chết cũng vẫn cần đến không khí như thực phẩm duy nhất, không thể lấy cái gì có thể thay thế được. Vậy, không khí có cần cho sự sống của chúng ta không?
Đúng ra, cái đáng tôn thờ, cung kính, thờ lạy… chính là không khí chứ không phải ai khác. Nhưng, có ai trân trọng, cung kính và thờ lạy không khí chưa? Nếu có ai thờ lạy không khí, mọi người sẽ nghĩ y là… điên rồ, thần kinh!
Sau không khí, người ta còn cần đến nhiều thứ khác. Đức Phật đã dạy chúng ta bài học về Báo đáp Tứ trọng ân, mà ta thường bỏ quên trong cuộc sống hàng ngày.
II.- TỨ TRỌNG ÂN LÀ NHỮNG GÌ?
Chúng ta đã từng đến chùa, và đã từng nghe giảng về Tứ trọng ân, đó là: Ân Cha Mẹ – Ân Tam Bảo, Sư Trưởng – Ân quốc gia Xã Hội – Ân chúng sanh muôn loài. Đây chúng tôi chỉ nhắc lại sơ lược:
1- Ân Cha Mẹ: ân đức của cha mẹ, chín tháng cưu mang, nhường khổ nằm ướt, nuốt đắng nhả ngọt, quần áo chăn màn, nuôi con khôn lớn, suốt đời tận tụy, đến chết chưa nguôi.
2 – Ân Tam Bảo Sư trưởng: Tam bảo là ba ngôi báu Phật – Pháp – Tăng. Dù đã phát nguyện quy y Tam-Bảo, nhưng người trực tiếp khai sanh tánh mạng tuệ giác ở nơi ta, chính là thiện tri thức, gồm có Thánh tăng, phàm tăng, Sư trưởng và các bạn đồng tu, đồng học.
Do vậy, người Phật tử phải lấy tâm chí sâu xa, cẩn trọng mà cảm mộ ân đức thiện tri thức… v.v… Nhờ vậy mà tình thương yêu dần dần nẩy nở, ngọn lửa trí tuệ từ từ bừng cháy, tu học Phật mới dễ dàng thành tựu.
3-Ân quốc gia xã hội : Quê hương là ý thức sâu xa của mỗi con người của dân tộc nói chung. Ân quê hương đất nước còn là ơn những bậc đứng đầu quốc gia, chịu trách nhiệm giữ gìn bảo vệ đồng thời phát triển xã hội đất nước ngày càng hưng thịnh.
4- Ân chúng sanh vạn loại: Và cuối cùng là ân đức của chúng sanh cung ứng ẩm thực, y dược, tọa cụ, văn tự, tri kiến, bảo hộ …
Cuộc sống này không phải chỉ có một mình ta đơn điệu, tất cả như là một chuỗi móc xích với nhau, kẻ cho và người thọ nhận đã tạo nên sự hài hòa trong cuộc sống. Từ loài người cho đến thiên nhiên, cỏ cây hoa lá đất trời muôn vật. Bởi vậy không có một giây phút nào mà chúng ta không thọ nhận và không cho đi.
Tưởng niệm tứ trọng ân, là cách nói khác của lòng biết ơn, mà nhờ có lòng biết ơn chúng ta mới xứng đáng làm những con người chân chính. Báo đáp Tứ trọng ân là bốn ân lớn nhất, trọng đại nhất của đời người mà bất cứ ai cũng không thể nguôi quên, chứ không phải cả ngày, suốt năm, cứ lo nhớ ơn ông tổ đã cho chúng ta một cái nghề để mưu sinh. Kẻ vô phước thì nương cậy nghề nghiệp mà được sống qua ngày, kẻ nào lắm phước báo thì có thể làm giàu nhờ nghề nghiệp nào đó, nếu làm ăn không ra chi thì người ta sẵn sàng đổi nghề. Có gì quan trọng đâu?
Chỉ có Tứ Trọng Ân mới xứng đáng để ta thờ lạy, cung kính, mà thôi. Trong đó, đã sẵn có ông tổ nghề và các ông thầy khác. Tóm lại, chúng ta cần giữ lòng tri ân Tất cả là đủ.
III.- CÂU CHUYỆN VỀ LÒNG BIẾT ƠN.
CHUYỆN 1
1. Một vị tổng thống Mỹ hỏi bà cụ sống 104 tuổi về bí quyết hạnh phúc và sống lâu. Bà trả lời:
– Theo tôi, muốn sống lâu và hạnh phúc thì nên thực hiện 2 điều: một là luôn luôn giữ thái độ dí dỏm, hài hước, – và hai là học biết cám ơn.
Lấy chồng từ năm 25 tuổi, ngày nào bà cũng nói nhiều nhất là hai chữ “Cảm ơn”. Bà cám ơn chồng, cám ơn bố mẹ, cám ơn con cái, cám ơn hàng xóm láng giềng, cám ơn mọi sự quan tâm săn sóc dành cho bà, cám ơn từng ngày sống yên lành, ấm cúng và vui vẻ.
Mọi lời nói thân thiết của người khác đối với bà, mọi việc làm bình thường nhỏ nhoi dành cho bà, mọi nét mặt tươi cười hỏi thăm bà, bà đều không quên nói hai tiếng “Cảm ơn”. Mọi người không những không ngán đối với vô số lần cám ơn hàng ngày của bà, trái lại càng gần gũi thương yêu bà, thường cảm thấy nếu mình không thương yêu bà hơn nữa, sẽ có lỗi với từng lời “cám ơn” của bà…
Tám mươi năm đã trôi qua, hai tiếng “Cảm ơn” khiến bà vui vẻ lâu dài, hạnh phúc lâu dài, mạng sống lâu dài, “cám ơn” có bao nhiêu, tình yêu có bấy nhiêu. Tình yêu có ngần nào, “cám ơn” có ngần nấy.
2. CHUYỆN 2
Một lần đi xe buýt về nhà, trước mắt tôi có một cô bé 7,8 tuổi, lưng đeo cặp sách, hình như vừa tan học. Khi lên xe em bước không vững suýt nữa ngã. Tôi vội vàng đỡ em một tay. Vừa đứng vững em giơ tay ra hiệu, không biết em định nói gì với mình. Thấy tôi không hiểu em rất bối rối. Ngồi được một bến, tôi sắp sửa xuống xe. Cô bé vội vàng chạy đến nhét vào tay tôi một mẩu giấy.
Tôi cứ tưởng có chuyện gì, ai ngờ xuống xe nhìn mẩu giấy, chỉ thấy một dòng chữ xiêu vẹo “Cảm ơn, cảm ơn chú!” Thì ra em bị câm điếc.
Không hiểu sao trái tim tôi bỗng trào lên một tình cảm nóng bỏng không sao diễn tả được!
3. CHUYỆN 3
Ở một thành phố nọ, có cậu bé 14, 15 tuổi, vì lấy cắp một quyển sách của một hiệu sách, bị bảo vệ bắt quả tang. Bảo vệ quát mắng khiến cậu vô vùng xấu hổ. Những người khác cũng nhìn cậu với ánh mắt khinh bỉ. Bảo vệ cứ đòi cậu gọi bố mẹ hay thầy giáo nhà trường đến nhận người. Cậu bé sợ co dúm người, nét mặt xám ngoét.
Lúc này có một phụ nữ đứng tuổi rẽ đám đông vây xem, xông vào bênh vực cậu bé đang hoảng sợ:
– Đừng đối xử với trẻ em như thế. Tôi là mẹ của cháu!
Dưới con mắt khác thường của đám đông, người phụ nữ nộp tiền phạt cho cậu và dắt cậu ra khỏi hiệu sách, khe khẽ giục:
– Mau về nhà đi con, từ nay trở đi đừng bao giờ lấy trộm sách nữa!
Mấy năm đã trôi qua. Cậu bé luôn luôn nhớ ơn người phụ nữ đứng tuổi không quen biết đã giải cứu mình, và luôn luôn hối hận đã không nói trước mặt bà hai tiếng cám ơn.
Nếu không có bà, đường đời cậu có thể sẽ rẽ sang một lối khác.
Sau khi thi đậu đại học, cậu sinh viên đã thề nhất định tìm ra bà. Nhưng biển người mênh mông biết tìm bà ở đâu? Thế là hàng năm, lợi dụng kỳ nghỉ hè nghỉ đông, ngày nào cậu cũng đến gần hiệu sách chờ nửa tiếng đồng hồ, hy vọng tìm được người phụ nữ đứng tuổi. Việc làm này hết sức mong manh, nhưng mưa gió không cản trở được cậu, cậu vẫn luôn không nao núng. Bởi vì cậu không bao giờ quên khuôn mặt hiền từ của bà.
Cứ thế, cậu sinh viên đứng chờ trong hai năm, cuối cùng đã tìm được bà, nói hai tiếng “Cảm ơn” mà mình ôm ấp trong lòng bấy lâu nay… (Bùi Ngọc Thanh sưu tầm)
IV. – LÒNG BIẾT ƠN LÀM THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI
Meister Eckhart, nhà thần học người Đức, sinh năm 1260 – qua đời năm1328) đã nói:
“Nếu ‘cám ơn’ là lời cầu nguyện duy nhất của bạn trong suốt cuộc đời, thì chừng đó thôi cũng đã đủ rồi!”
Thật đáng kinh ngạc vì sao một một hành vi đơn giản – một lời cám ơn dễ dàng có thể thay đổi cuộc đời của người ta nhiều đến vậy?
Một trong những điều tác động sâu sắc nhất đến cuộc đời tôi chính là sự nhận thức về sức mạnh to lớn của lòng biết ơn. Biết ơn hay tri ân: chỉ là cách dùng từ. Giản dị thôi bạn ạ: chỉ một lời cám ơn.
Sự tri ân đã ảnh hưởng đến mọi thứ trong đời tôi, đã biến tôi thành một người lạc quan, tích cực hơn nhiều. Tôi đã trở thành một người sáng tạo hơn, một người thành đạt hơn, một người chồng, cha, con, và anh, em tốt hơn. Và còn gì nữa? Một người hạnh phúc hơn.
Lòng biết ơn có thể thay đổi cả cuộc đời tôi ư? Tôi có thể khẳng định điều này. Tôi quả quyết rằng lòng biết ơn giản dị ấy sẽ làm thay đổi cuộc đời của mọi người một cách tích cực và tức thời.
Hãy xem xét đôi điều mà lòng biết ơn có thể mang lại cho cuộc sống của bạn, và cách mà nó thay đổi cuộc đời bạn.
a).- Hãy dành một khoảng thời gian vào buổi sáng cho sự “tri ơn”.
Xin dành một phút vào buổi sáng của bạn và biến một phút này thành một thói quen hàng ngày, để nhớ đến những người đã làm một điều gì đó tốt, đẹp cho bạn, và nghĩ đến tất cả những gì bạn chịu ơn trong cuộc đời mình. Bạn sẽ không nghĩ được hết mọi điều trong một phút, nhưng như thế cũng đủ rồi. Và một phút ấy sẽ ngay tức khắc làm cho ngày của bạn khởi sắc hơn, và giúp bạn bắt đầu một ngày nhẹ nhàng, đúng hướng. Bạn có nghĩ ra cách nào tốt hơn cho một phút ấy?
b). – Khi bạn có một ngày khó khăn… hãy lập một danh sách những gì trong đời mà bạn chịu ơn.
Ai trong chúng ta lại không chịu ơn nhiều người, và nhiều thứ: những người sinh thành, dạy dỗ ta, những người yêu thương giúp đỡ ta, sức khỏe, công việc ta đang làm, một mái nhà che nắng mưa, và quần áo ấm trong một ngày đông giá….? Và chính cuộc sống, từng ngày ta đang sống, chẳng đáng cho chúng ta tri ân sao?
c).-. Thay vì nổi giận với ai đó, hãy thể hiện lòng biết ơn. Đây là một sự thay đổi hành vi thật khác biệt- giống như một cái xoay mình 180 độ. Thay vào đó, hít vài hơi thở sâu, tự trấn tĩnh rồi dịu xuống.
Hãy nghĩ đến những lý do bạn biết ơn anh ấy. Anh ấy có làm một việc nào tốt cho bạn? Anh ấy đã từng giúp một ai khác? Hãy cố tìm một việc tốt nào đó, dù có khó khăn. Hãy tập trung vào những điều khiến bạn chịu ơn người ấy. Chính điều này sẽ thay đổi cơn giận dữ lúc đó. Nếu bạn cảm thấy khá hơn, hãy thể hiện lòng biết ơn của bạn. Bạn có thể dần cải thiện được tính khí, quan hệ, và mọi việc sẽ nhẹ nhàng, khả quan hơn.
d).- Thay vì chỉ trích người yêu, người chồng hay vợ của mình, hãy nói lời cám ơn. Giống như với người bạn đồng nghiệp, lòng biết ơn có thể thay đổi cuộc hôn nhân hay mối quan hệ của bạn. Nếu bạn không ngừng chỉ trích, phê phán người chồng hay vợ của mình, là bạn đang dần hủy hoại cuộc hôn nhân của mình. Tôi xin cam đoan với bạn điều này: Ai cũng cần nói ra những vướng mắc, nhưng không ai muốn bị phê bình mãi. Khi thấy lòng bực bội, chỉ muốn chì chiết cho hả giận, hãy cố ngưng lại, hít một hơi thở sâu. Cố gắng dịu xuống, nghĩ đến những gì người vợ hay chồng đã làm cho mình để thấy biết ơn.
Nói lời cám ơn càng sớm càng hay. Mối quan hệ của bạn sẽ tốt đẹp hơn. Người vợ hay chồng bạn sẽ học điều này từ bạn – nhất là khi bạn thường xuyên thực hành. Tình yêu của bạn sẽ được nhân lên, và mọi chuyện sẽ thuận thảo, êm ái hơn.
e). Thay vì phàn nàn về con cái, hãy cám ơn các con.
f).- Khi đối mặt với một trở ngại lớn, bạn phải cám ơn khó khăn này. Nhiều người trong chúng ta thường xem những khó khăn trong công việc, trong cuộc sống là điều tệ hại. Nếu có gì đó trục trặc, bạn chỉ phàn nàn hay ca cẩm – làm thế chẳng giải quyết được gì! Thay vì than thở, hãy cám ơn những thách thức, trở ngại ấy bởi đó là cơ hội để bạn lớn lên, để học, và để biết cách làm tốt hơn. Điều này sẽ biến đổi bạn – từ một người hay than thở thành một người tích cực luôn đối mặt với khó khăn và hoàn thiện mình. Bạn sẽ được yêu mến hơn và bạn sẽ thành công hơn.
7. Khi bạn gặp một bất hạnh, một tai họa, xin bạn hãy cám ơn vì bạn còn được sống.
Nhưng bạn có thể nghĩ thêm một điều gì khác, dễ chịu hơn nỗi bất hạnh này: hãy cám ơn đời – bạn còn được sống. Hãy cảm nhận vẻ đẹp mong manh của cuộc sống vô thường. Và nhất là hãy vui sống đi khi bạn còn có thể.
Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy rằng:
“Mỗi ngày, hãy suy nghĩ khi tỉnh giấc: Hôm nay mình may mắn còn được sống. Mình có một cuộc sống quí giá, và mình sẽ không lãng phí nó. Mình sẽ dùng mọi khả năng để làm cho mình tốt đẹp hơn, sẽ mở rộng trái tim cho những người khác, sẽ học hỏi vì lợi ích của mọi người. Mình sẽ nghĩ tốt về tha nhân. Mình sẽ không nổi giận hay nghĩ xấu về ai. Mình sẽ làm hết sức thật nhiều điều tốt đẹp ích lợi cho người khác.”
(Nguồn : 8 Tremendously Important Ways That Gratitude Can Change Your Life by Leo Babauta)
V.- LÒNG BIẾT ƠN CÓ THỂ THAY ĐỔI MỌI THỨ
Giáo sư Joseph Murphy (1898 – 1981), đã viết sách, giảng dạy, tư vấn và diễn thuyết cho hàng ngàn người trên thế giới.
Joseph Murphy nói:
“Toàn bộ quá trình tâm thần, tâm linh và giàu có về vật chất có thể được tổng kết trong một từ: Lòng biết ơn.”
Một trong những nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất bạn có thể đã từng trải nghiệm là lòng biết ơn. Hãy cảm thấy biết ơn vì bất cứ điều gì, và bạn sẽ thay đổi hoàn toàn tầm nhìn của mình. Hãy cảm thấy biết ơn cuộc sống của bạn, hai lá phổi của bạn, ngôi nhà của bạn, hay những dòng chữ bạn đang đọc này… Một khi bạn cảm thấy biết ơn, bạn đang sở hữu một năng lượng có thể tạo ra những điều huyền diệu.
Bạn đã có rất nhiều thứ trong cuộc sống. Khi bạn so sánh cuộc sống của bạn với những người sống ở các nước thế giới thứ ba, bạn nhanh chóng nhận ra rằng, bạn đang sống như một ông vua hoặc một bà hoàng. Bạn có thực phẩm, nước sạch, chỗ ở cũng như tủ lạnh, máy thu hình, radio, và có thể là một chiếc máy tính. Hàng triệu người không có những thứ đó. Hãy nhận ra rằng mình may mắn có được sự giàu có, cảm thấy biết ơn cuộc sống, và bạn sẽ thu hút được sự giàu có nhiều hơn.
Lòng biết ơn có thể thay đổi mọi thứ. Chỉ cần bắt đầu cảm thấy chân thành biết ơn đối với những gì bạn có. Hãy nhìn vào bàn tay của bạn, hoặc những dòng chữ bạn đang đọc này, hoặc con vật cưng của bạn, bất cứ điều gì bạn cảm thấy yêu mến và biết ơn. Hãy giữ lại cảm giác đó. Đó là năng lượng có thể giúp bạn biểu lộ bất cứ điều gì bạn muốn.
Năng lượng của bạn gửi đi những tín hiệu thu hút nhiều hơn những gì bạn đang gửi đi. Hãy thay đổi các tín hiệu của bạn, và bạn sẽ thay đổi được kết quả của mình. Hãy thay đổi năng lượng của bạn, và bạn sẽ thay đổi được những gì bạn trải nghiệm. Năng lượng bạn đã phát ra là kết quả mà bạn nhận được… Theo Joe Vitale thì: Thái độ của bạn có thể tạo ra mọi thuận lợi – hoặc bỏ qua bất kỳ thuận lợi nào.
Thái độ chính là nguồn năng lượng bạn mang trong mình. Bạn có thể có thái độ tích cực về những sự kiện diễn ra trong đời bạn, mà cũng có thể bạn chỉ có than phiền và đau khổ. Điều đó do bạn quyết định. Bạn có thể chủ tâm chọn tương tác một cách tích cực với hầu hết những sự kiện, tình huống – thái độ tích cực đơn giản chỉ là một lựa chọn của bạn.
Bạn có thể thay đổi thái độ cũng như cuộc đời của mình.
Lòng biết ơn và sự cảm kích
Thái độ tốt nhất mà bạn có thể truyền cảm hứng cho người khác là lòng biết ơn và sự cảm kích. Việc thật sự biết ơn những gì bạn đang có trong cuộc sống sẽ tự động hấp dẫn thêm nhiều điều tốt đẹp và cuộc sống của bạn. Hãy đưa ra quyết định sáng suốt thừa nhận và đánh giá cao tất cả những gì bạn đã được ban cho. Những cảm xúc này chính là tần số rung cảm cao nhất và thông qua Quy luật Hấp dẫn, chúng sẽ hấp dẫn thêm nhiều những việc thậm chí còn đáng biết ơn hơn nữa.
Hãy tỏ ra biết ơn với tất cả những tình huống khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Thường thì qua những tình huống này, chúng ta sẽ trưởng thành hơn, cả về tinh thần và tình cảm. Bạn có thể học được cách nhìn nhận mỗi trở ngại như một cơ hội để phát triển một phẩm chất, kỹ năng, hiểu biết hay sự thông thái mới nào đó, và hãy biết ơn những bài học đó. Mọi thách thức đều là cơ hội để chúng ta phát triển và mở rộng.
Nắm bắt những dịp may, và biết ơn tất cả những gì bạn học được trong quá trình đó. Việc giữ thái độ tích cực và đánh giá cao những cơ hội không những giúp bạn tránh được việc hấp dẫn thêm những tình huống khó khăn vào cuộc sống của mình, mà còn tạo ra một trường năng lượng tích cực hút thêm nhiều điều bạn thực sự mong muốn.
“Hạnh phúc tự bản thân nó đã là một dạng thức của lòng biết ơn.” – Joseph Wood Krutch
“Lòng biết ơn là quan trọng nhất, và có thể thay đổi cuộc sống nhiều nhất trong tất cả những thái độ mà chúng ta có thể đạt được.” – Zig Ziglar
“Niềm vui là một thái độ, nó là hiện thân của tình yêu – đối với bản thân và đối với người khác. Nó xuất phát từ cảm giác thanh bình bên trong, từ khả năng cho và nhận, từ sự đánh giá cao cái tôi và người khác. Nó là trạng thái của lòng biết ơn và sự trắc ẩn, là cảm giác được kết nối với con người siêu phàm của bạn.” – Khuyết danh
Mỗi ngày hãy sống trong niềm vui và lòng biết ơn. Tương lai của bạn sẽ hé mở theo những cách kỳ lạ.
“Sự an tĩnh trong cuộc sống nằm ở lòng biết ơn, niềm hạnh phúc lặng lẽ.” – Ralph H. Blum
(Tổng hợp bài viết từ Jack Canfield).
…
Vì thế, việc đầu tiên để trở nên giàu có hơn là trở nên biết ơn cuộc sống. Hãy tìm những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn ngay bây giờ, và bạn đã đi bước đầu tiên để trở nên giàu có hơn về mọi mặt.
Theo Eli Davidson
VI. – NHỮNG SỨC MẠNH KHÔNG NGỜ CỦA LÒNG BIẾT ƠN
Lòng biết ơn, hay nói một cách khác là sự tri ân của con người dành cho con người và vạn loài. Chúng ta sinh ra trên cõi đời này, ai cũng mang lấy những ân tình.
1. Không ai trên cõi đời này có thể sống độc lập
Theo giáo lý nhân duyên của nhà Phật, không có gì là đơn độc, chúng ta sinh ra giữa cộng đồng người và xung quanh là vô vàn những nhân tố. Một cá thể lớn lên là nhờ sự nương tựa vào một cộng đồng lớn trong xã hội này.
2. Hạnh phúc và thành công đều tạo dựng từ sự mang ơn
Hạnh phúc là lẽ sống mà tất cả chúng ta ai cũng mong ước có được. Một gia đình đầm ấm khi biết nâng niu những khoảnh khắc bên nhau, tôn trọng và cùng nhau chia ngọt sẻ bùi; hạnh phúc khi những đứa con chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn lễ phép. Thậm chí, những bậc làm cha mẹ còn phải cảm ơn ngay những đứa con bởi chúng đem lại niềm vui, động lực để họ phấn đấu làm việc và cả những khi chúng ngỗ nghịch, ương bướng, để họ uốn chúng đi theo con đường hiền thiện. Hạnh phúc và thành công trong cuộc sống là hai lẽ luôn đi cùng nhau, có thành công chúng ta mới hạnh phúc, biết giá trị hạnh phúc mới cố gắng làm việc đi đến thành công.
3. Vượt qua được mọi sự đau khổ, khi ta biết mang ơn.
Đã là con người thì luôn đối diện với rất nhiều khổ đau như khổ vì nghèo đói, bệnh tật, cầu mà không được, yêu mà không thành… Dẫu trong hoàn cảnh nào, cho dù bạn sinh ra với gia cảnh cơ hàn, bạn cũng hãy biết ơn điều đó. Vì nó cho bạn ý chí, sức mạnh để vượt qua những khó khăn, chông gai để thành công. Điều mà nhiều người được sinh ra trong nhung lụa chưa chắc có được. Và đến một ngày, khi bạn có chén cơm, có một mái nhà che nắng che mưa, hãy trân trọng nhựng thành quả mà mình có được đồng thời chia sớt cho những người còn nghèo khó. Chẳng vui vẻ gì khi một ai đó trong cuộc đời bạn đi xa hay chết đi, nhưng bạn cũng nên biết ơn họ đã sống với bạn một đoạn đường đời.
Đến một ngày họ rời xa bạn, dẫu cho bạn đau khổ tột cùng thì sau đó bạn cũng sẽ học được cách vượt qua để mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn“Hãy biết ơn cả những thiên tai, thảm họa để cho thấy cuộc sống này quý giá”.
(Nguồn Blog Phật Giáo
Tác giả: Thu Thủy)
VII. – ĐỨC PHẬT VÀ LÒNG BIẾT ƠN
ĐỨC PHẬT THÍCH CA BIẾT RẰNG: Bản chất của tất cả chúng sanh là luôn luôn vô ơn và mau quên. Cho nên, trong các lời giáo huấn, Ngài chú trọng vấn đề tri ân và báo ân.
Trong các kinh Nikaya đã ghi lại rằng, sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, đức Phật đã đứng yên một khoảng xa để chiêm bái cây bồ đề trong suốt một tuần. Phật bày tỏ lòng tri ân sâu xa của mình đối với cây bồ đề đã che chở nắng mưa cho ngài trong suốt thời gian tu hành. Có lẽ bài pháp đầu tiên đức Phật dạy cho cuộc đời, là một bài học về lòng biết ơn.
Trước khi nhập Niết bàn cũng một bài pháp không lời khác, là Ngài nhập từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Rồi Ngài lui lại và trở lên lại tới Tam thiền. Ngang đây Ngài bỏ báo thân, vào luôn Niết bàn mà cũng không nói một lời nào.
Bài pháp cuối cùng Phật muốn nhắn nhủ lại với cuộc đời, cái tiêu chuẩn để xét một người tu trong đạo Phật là khả năng xuất nhập từng bước thiền định một cách cụ thể.
Chúng ta thấy cái ý nghĩa Đức Phật nhìn cây Bồ đề là Ngài dạy cho chúng ta “Khi một người thành công được cái gì trong cuộc đời này, điều đầu tiên phải nghĩ tới, không là tương lai mà chính là lui lại quá khứ. Nhìn lại những ân nghĩa mà chúng ta đã thọ nhận để có kết quả như ngày hôm nay”.
Do đó, sống trên cuộc đời mà chúng ta không nhìn thấy mối tương quan ân nghĩa đó, cứ mãi tiếp tục đi tìm ích lợi riêng tư thì thật không xứng đáng là đệ tử Phật. Cho nên từng giờ từng phút trong cuộc sống, phải xét hết những mối tương quan, để thấy cái ân nghĩa mà chúng ta thọ nhận của cuộc đời rất là nhiều (Kalil Gibran nói: “Và hỡi những kẻ nhận vì tất cả các ngươi đều là những kẻ nhận!”). Từ đó, mới thấy trách nhiệm phải làm gì trong cuộc sống này, để bù đắp lại nếu không muốn mình là người vô ơn.
Chúng ta nguyện suốt đời còn lại, sẽ sống vị tha một cách trọn vẹn vì người khác, để đền đáp ân nghĩa của bao nhiêu người trong cuộc đời mà mình đã thọ nhận.
Khi chúng ta sống được như vậy, tức là đã đền ơn phần nào cho cuộc đời.
LỜI DẠY CỦA MẠ TÔI.
Thuở tôi còn bé, trời mùa đông “nước nhọn tợ dao găm”, cả nhà quây quần bên mạ để nghe kể chuyện đời xưa. Hồi ấy làm chi biết sử dụng TV màn hình lớn, ngay cả máy thu thanh cũng chưa có. Mỗi lần kể xong một câu chuyện về ân nghĩa cuộc đời, mạ thường kết thúc bằng hai câu ca dao, mà mãi đến bây giờ mới thấm thía, mới hiểu hết ý nghĩa:
Ơn đời bủa khắp sơn khê,
Ơn người đầy ắp, tràn trề đó đây…
Mạ tôi, người phụ nữ nhà quê, thất học đã dạy chúng tôi bài học về lòng biết ơn, như vậy đó.
Nam mô A di đà Phật…
Nam mô A di đà Phật…
Nam mô A di đà Phật…
Discussion about this post