NƯỚC ĐỨNG TRÙNG DỄ SINH,
ĐÁ LĂN RÊU KHÔNG MỌC
(Bài viết về sự vận động toàn diện đối với sức khỏe)
Bs.Phạm Đức Thành Dũng
Một hiện tượng giản đơn rất thật đôi khi lại là chân lý của cuộc sống. Con người thường tốn vô cùng nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu, để tìm tòi những nguyên lý phục vụ hữu hiệu cho đời sống con người. Bằng những phân tích khoa học với những công cụ đặc định nhất, những phòng thí nghiệm tối tân nhất, những phương pháp khoa học hiện đại nhất, trải qua nhiều năm, nhiều chục năm, đôi khi chỉ để tìm ra được hoặc chứng minh được những nguyên lý có sẵn trước mắt mà ai cũng biết, hay những hiện tượng tự nhiên đang thể hiện từng ngày từng giờ, hoặc chứng minh được những điều người xưa đã đề cập từ nhiều ngàn năm trước (!)
“Hón đá lăn liên tục sẽ không bị mọc rêu” là một hiện tượng rất thật, và cũng là một nguyên lý như vậy. Tất nhiên, một nguyên lý nhân văn luôn có những cách tiếp cận không giống nhau, những cách hiểu khác nhau, song về cốt tủy của vấn đề (A=>B: A kéo theo B; hoặc A<=>B: A kéo theo và bị kéo bởi B) thì không sai khác. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi muốn trình bày nguyên lý này trong phạm trù sức khỏe của con người. Và để có cái nhìn khái quát và toàn diện, chúng tôi xin được trình bày vấn đề thông qua những thực tế sinh động mà bản thân đã trải qua hoặc chứng kiến, đồng thời liên hệ với những quan điểm tiến bộ nhất của Y học hiện đại thông qua những tổng kết của những Nhà khoa học giàu lương tri và trí tuệ, rồi Y học cổ truyền qua cách nhìn của các vị Y tổ của chúng ta như Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh thiền sư Nguyễn Bá Tĩnh, từ đó xin dẫn dắt chúng ta về với cách bảo vệ thân tâm trong giáo lý của đức Thích Ca Mâu Ni – vị Đại y vương vĩ đại nhất của mọi thời đại mà có vẻ như càng lúc con người càng xao nhãng đi sự nương tựa vào giáo lý của Ngài trong việc phòng ngừa và điều trị tật bệnh. Từ đó, chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ được một cách nhìn mà đối với đa số hiện nay là khá lạ lẫm song lại không xa lạ đối với kinh điển nhà Phật, ngõ hầu có thể giúp được ít nhiều cho người đọc trong những cách nương tựa cụ thể vào các pháp để giữ gìn, kể cả phòng và điều trị tật bệnh.
1. Đơn cử những trải nghiệm và những chứng kiến tiêu biểu
1.1.Đời sống quân ngũ bản thân trải nghiệm
Hình ảnh “hòn đá lăn” trong cuộc sống đời thường xét về phương diện luyện thân đặc thù nhất và hình tượng nhất mà bản thân chúng tôi đã trải nghiệm là đời sống của một quân nhân trong quân ngũ, mà đặc biệt nhất là giai đoạn huấn luyện quân trường trong đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.
Với khẩu hiệu “Thao trường càng đổ mồ hôi bao nhiêu thì chiến trường bớt đổ máu bấy nhiêu!”, người ta rèn luyện người lính vô cùng nghiêm cẩn, gần như nghiệt ngã. Từ lúc thức dậy tờ mờ sáng cho đến khi đi ngủ, tất cả chế độ quy định trong ngày đã đưa quân nhân vào một vòng quay liên tục, không có lấy một phút giây nào để buông thả cơ thể. “Hòn đá lăn” ở đây quá sống động! Và đặc biệt chúng tôi muốn chia sẻ vì số lượng và tính chất của “đối tượng nghiên cứu” ở đây khá lý tưởng: Hơn 2 ngàn lính Huế đủ mọi thành phần!
Bắt đầu từ tháng 2/ 1982, chúng tôi được huấn luyện tại quân trường Bút Sơn cách Phủ Lý (bấy giờ là một Thị trấn thuộc tỉnh Hà Nam Ninh) khoảng 7 km về phía núi, ở Trung đoàn 221 thuộc Quân chủng Phòng không. Tuy thuộc Phòng không, song mọi người lính đều phải huấn luyện bộ binh cơ bản, nên phải thành thục tất cả kỹ năng cơ bản của một người lính bộ.
Tại vùng núi đá vôi ở đây trong tiết trời vừa ra Tết, cộng hưởng với hơi đá vôi ngun ngút căm căm, thật vô cùng khó chịu. Từ tiếng kẻng đầu tiên (ở chiếc kẻng treo cây nhãn ở Trung đoàn bộ cách Đại đội tôi (C12) khoảng 300m (!)), chính xác là tiếng dợm vào kẻng đầu tiên (trước khi đánh kẻng bao giờ người phụ trách cũng khẽ chạm dùi vào kẻng vài tiếng), chúng tôi đã bật ra khỏi giường xếp hàng và hét lớn mấy tiếng “Xong!” “Xong!”… “Tiểu đội 1: Xong!”… “Tiểu đội 2: Xong!”… Những tiếng hô vang động cả núi rừng,…, rồi chạy tại chỗ hô vang: Một hai, Một hai ba bốn…; rồi 2 bài thể dục 24 động tác, hoặc 4 bài thể dục 16 động tác… từng đôi giày, dép phải để ngay ngắn như thế nào, từng chiếc màn phải xếp gọn lõm phẳng phiu trong những chiếc chăn được vuốt vuông vắn như một viên gạch lớn… rồi ăn sáng ăn trưa ăn tối đều phải đi đều thẳng tắp… Dù nội dung huấn luyện có khác nhau từng ngày, song cái chung là không có phút giây nào cho xả hơi hay buông thả theo sự lười biếng của bản thân, thậm chí không thể có được vài phút để mơ mộng hão huyền. Buổi trưa nếu hoàn tất mọi việc rồi ngã người lên giường (cái tạm gọi là gường!) tầm khoảng 12h00 là một cảm giác hạnh phúc dâng tràn vì sẽ có được một giấc ngủ gần 1 giờ (13h00 báo thức) cho đến lúc phải bật ra khỏi giường hô hét “Xong! Xong!…” khi nghe tiếng dợm kẻng…
“Hòn đá lăn!” Tốc độ rất nhanh, đều đặn, liên tục! Dù học điều lệnh đội ngũ, hay học lăn lê bò toài, học bắn súng… đều với một thời gian biểu như được lập trình từng giây từng phút, cũng có 2 lần giải lao 10 phút giữa buổi nhưng cũng chỉ được phép đứng, đi, tuyệt đối không được ngồi, nói gì đến nằm (!) Cuối tuần đi củi là một công việc nặng song vẫn cảm giác thú vị hơn vì được ngắm trời đất mây nước, có chút lang thang với phong cảnh núi non trùng điệp, tuy phải băng qua 2 ngọn núi đá và 1 ngọn núi đất, ước khoảng 12 km (cảm giác cự ly của tôi rất tốt).
Cần nói thêm, giai đoạn ấy khó khăn vô cùng, mỗi bữa ăn của người lính thật tội nghiệp, 6 người chỉ được 1 nhúm rau muống nấu với nước muối (thường chỉ gắp được 1 lần), may lắm là có hòa một tý ma-ri (loại như xì dầu) hoặc mắm tôm khô…; buổi sáng thì may mắn nhất là một chén cơm với muối, hoặc 1 chén bo bo nguyên vỏ; còn già nửa thời gian huấn luyện là 1 chén sắn khô từng thỏi bằng 2, 3 ngón tay, được hấp hoặc luộc khá vội vàng, nên lúc nào cũng chỉ chín một lớp mỏng bên ngoài, bên trong vẫn màu trắng dẽ (!) Lúc đầu chúng tôi nghèn nghẹn nuốt không trôi, song chỉ vài bữa là nhai tuốt luốt hết, và cũng thấy ngon tất. Hầu như suốt thời gian huấn luyện chúng tôi không hề có cảm giác no đủ, ước mơ hằng ngày đôi khi thật buồn cười: chỉ mơ màng đến một bữa ăn no!
Chuyện ăn là vậy, chuyện ngủ chẳng kém gì. Mỗi đêm phải thay phiên gác, mỗi người 2 giờ gác mỗi đêm. Nhưng không phải chỉ có thế, vài hôm lại báo động một lần, khi thì tập luyện hành quân, khi thì kiểm tra quân số… và giả như, nếu có một quân nhân vắng mặt (đào ngũ hoặc chỉ trốn đi ăn uống, hút thuốc…), lại báo động…; đôi khi tiểu đội hoặc trung đội phải đứng hằng giờ ngoài đêm lạnh chỉ vì một quân nhân nào đó vô kỷ luật (!)
Chưa hết, chuyện sinh hoạt khác lại càng tệ. Suốt thời gian quân ngũ, cũng không mấy lần uống nước đun sôi. Thật ra thì cũng có thể có nước đun sôi tử tế, nhưng phải đợi chờ, thường chưa kịp nguội đã hết, vả lại tâm lý chẳng màng gì đến vệ sinh, nên cứ múc nước ở giếng lên là nốc ừng ựch cả nửa gàu… và hầu hết các sinh hoạt tắm giặt, nấu nướng đều ở chiếc giếng ấy (!)
Nhắc chuyện ăn uống sinh hoạt như vậy cũng nhằm giúp nhìn nhận lại vấn đề dinh dưỡng của đa số. Với số lượng và chất lượng ăn uống như đã mô tả, đời sống vệ sinh như vậy, ngủ nghỉ như vậy, với khí hậu khắc nghiệt và điều kiện sống đơn sơ như vậy, với chế độ huấn luyện hà khắc rèn giũa con người từng ly từng tý từng phút từng giây như vậy, có lẽ những nhà Y học hay Dinh dưỡng học hiện đại không thể nào giải thích được tại sao suốt gần 3 tháng quân trường hơn 2 ngàn người lính chúng tôi (12 đại đội, mỗi đại đội khoảng gần 200 người) chẳng hề ốm đau gì cả, không ai suy dinh dưỡng, ngược lại khi kết thúc khóa huấn luyện đa phần tăng cân, mạnh khỏe và rắn rỏi hồng hào hẳn lên (?)
Với cá nhân tôi, ngoài những kết quả diệu kỳ như trên, tôi còn có những trắc nghiệm các chỉ số về hô hấp và tim mạch nữa. Số là, trước khi nhập ngũ, tôi đã tham gia đội bóng đá Trẻ thành phố (1980), rồi đội bóng đá Thanh niên Bình Trị Thiên (1981), nên vào loại có thể lực tốt nhất trong đơn vị. Quan tâm đến sức khỏe từ rất sớm, nên từ nhỏ tôi rất thích đọc các loại sách y học liên quan, đặc biệt thời ấy là sách của Bác sĩ Từ Giấy và một số Bác sĩ Liên Xô cũ, và do vậy thường kiểm tra nhịp tim, nhịp thở và dung tích sống. Thời gian là cầu thủ bóng đá của tỉnh, hẳn là thể lực đỉnh cao, nhịp tim của tôi từ 58 đến 60 lần/phút, dung tích sống là 5 lít (người bình thường 3 đến 3,5 lít), theo sách vở y khoa là những chỉ số lý tưởng của một vận động viên. Thật bất ngờ, sau gần 3 tháng quân trường, dung tích sống tăng lên gần 6 lít (đo bằng ống ti-dô, thau nước và can nước tự khắc vạch dung tích), còn nhịp tim giảm xuống còn 44 lần/phút. Nhịp tim như vậy thường chỉ có ở những vận động viên quốc tế về môn Ma-ra-tông hoặc môn bơi lội đường dài mà thôi (!) Sức khoẻ tôi thăng tiến một cách thần kỳ, hiệu quả có lẽ bằng tập luyện hằng năm ở các đội thể thao chuyên nghiệp với chế độ ăn uống đầy đủ, ngủ ngáy dư thừa, vệ sinh chuẩn mực…
Nguyên lý “hòn đá lăn thì rêu không mọc” kiểm nghiệm trong cuộc sống quân ngũ quả là một thực tế điển hình sinh động. Lấy cuộc sống quân ngũ của chúng tôi có lẽ cũng khá tiêu biểu để minh họa cho hình ảnh “hòn đá lăn”, vì có một mẫu ngẫu nhiên độ lớn đến hơn 2000 (nhắc lại:12 đại đội, mỗi đại đội khoảng gần 200 người), đặc biệt là chỉ mới chưa đến 40 năm thôi, tất cả còn khá nguyên vẹn, nhiều nhân chứng có thể minh chứng cho lời kể và đạo lý “hòn đá lăn”.
1.2.“Hòn đá lăn” qua một số hình ảnh mục kích được
Cũng xin dẫn một số hình ảnh có thể minh họa cho luận điểm trên bằng vào việc chọn mẫu số lượng lớn và đa dạng nhưng tương đồng về điều kiện khí hậu thổ nhưỡng nhân chủng:
-Trước đây, chúng tôi tiếp cận được với rất nhiều người nông dân có sức khỏe tuyệt vời. Rất nhiều trong số bạn bè tôi (là những nông dân mặc áo lính) có thể gánh đến 150 kg lúa đi băng băng qua những ruộng nước ngập bùn quá mức cá chân; trong đó có nhiều người gầy đét khoảng 50 kg có thể gánh dễ dàng tôi và một người bạn tương đương khối lượng (khoảng 65kg/mỗi người) đi như không. Thời đó khó khăn lắm, mỗi người nông dân đều quần quật một nắng hai sương, từ sớm đến tối, ăn uống lại chẳng có gì, nhìn họ mới thấm thía câu “quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời”… Hình ảnh “hòn đá lăn” rất sinh động trong cuộc đời họ. Bây giờ, khi đời sống đã cao, điều kiện vật chất đầy đủ, con người không còn “lăn” đều đặn tích cực như xưa nên không còn những người có sức khỏe như thời chúng tôi tiếp xúc…
-Đặc biệt, ngôi làng bên vợ tôi là một ngôi làng rèn truyền thống, đến nay chúng tôi vẫn còn mấy người O (cô) tuổi gần 80 (2 bà tuổi Tân tỵ-1941, 1 bà tuổi Canh thìn-1940), vẫn quai búa rầm rầm làm các sản phẩm rèn… Cái vận động tích cực để chống lại những điều kiện bất lợi của thiên nhiên, của xã hội, đặc biệt là sự thiếu hụt trong điều kiện kinh tế, ăn ở ngủ nghỉ… gần như là cuộc đấu tranh sinh tồn, khiến hòn đá không thể ngừng lăn, giúp con người có một sức khỏe đáng ngưỡng mộ, một sức chịu đựng vô cùng tốt. Điều kiện đầy đủ ngày nay đã không có nữa những con người như vậy.
-Ở làng An Dương chúng tôi cũng từng chứng kiến những hình ảnh như vậy. Hơn 30 năm trước chúng tôi về giúp khám chữa bệnh cho người dân, mục kích nhiều hình ảnh thật trái khoáy: gánh xoay một chiếc ghe lên bờ, một đầu là một ông già (chừng hơn 50), đầu kia là ba bốn thanh niên (hai ba mươi)… Hơn nữa, bệnh tật cũng đã nhiều lên, sức khỏe con người đi xuống rõ rệt. Té ra, từ khi người dân miền biển này có nhiều tiền nước ngoài gửi về, đời sống quá sung sướng, hòn đá đã bắt đầu ì ạch, không còn lăn tích cực nữa, rêu mốc bám quá dễ dàng…
-Năm 1999, chúng tôi có dịp sang Nhật Bản hội thảo, được rong chơi nhiều nơi, từ Oshaka, Tokyo, Kyoto, Nara… Quan sát cuộc sống của con người xứ sở hoa Anh Đào, tôi càng thấm thía với đạo lý “Hòn đá lăn”: Con người Nhật Bản có lẽ sống tích cực nhất trên thế giới, cuộc sống họ như đã được lập trình từng giây từng phút, và có vẻ như tất cả đều tự nguyện hiến dâng từng phút giây cũng như mồ hôi xương máu của bản thân cho sự phát triển của đất nước. Mỗi ngày, một người Nhật trung bình phải đi bộ khoảng năm bảy cây số. Tuổi thọ của họ cao nhất thế giới hiện nay (nữ là hơn 87 tuổi, nam hơn 84 tuổi), nghiên cứu điều này, nhiều người quan tâm đến thức ăn, khí hậu… của họ, song chúng tôi dám chắc nhân tố quyết định tuổi thọ của họ là tính tích cực của “Hòn đá lăn” trong cuộc sống thường ngày, tức ở “đoạn đường đến quãng trường chứ không phải ở quả táo!”[1]
Tiểu kết 1: Từ cuộc sống người lính bản thân đã trải, rồi những người nông dân, ngư dân, thợ thuyền ở Việt Nam, cũng như hình ảnh cuộc sống con người Nhật Bản từ mấy mươi năm trước bản thân mục kích được, chúng tôi chiêm nghiệm được thuộc tính “hòn đá lăn” trong cuộc sống đóng góp vô cùng quan trọng trong duy trì phát triển sức khỏe cũng như gia tăng tuổi thọ con người; thuộc tính này còn vượt qua điều kiện vật chất nghèo nàn, ăn uống thiếu thốn, vệ sinh thấp kém, ngủ nghỉ không đủ… để mang đến hiệu quả thần kỳ cho sức khỏe. Nhưng đó chỉ mới là là “hòn đá lăn” tác động thiên về mặt vận động của cơ thể, hay chính xác mới là hoạt động của thân thể vật lý này thôi. Chúng tôi xin trình bày tiếp hình ảnh “hòn đá lăn” ở những tầng cao hơn của con người (trí óc, tâm trí, tâm lý, tâm thức, tâm linh…)!
2. “Hòn đá lăn”- Nhìn từ quan điểm Y học cổ truyền
Trong kinh nghiệm đúc rút từ ngàn xưa, cha ông ta cũng đã nhìn thấy rõ nét về đạo lý “hòn đá lăn” và đã có những cách sống chuẩn mực để phòng ngừa và điều trị tật bệnh cũng như phát triển tố chất của thể lực và trí lực. Nguyên lý của họ cũng vẫn là luôn luôn vận động, luôn luôn tiết chế những phóng túng buông thả theo dục vọng, xem đó là nguồn gốc của tật bệnh và sự suy giảm đạo đức nhân cách của con người. Cần nói thêm, sự ì ạch trong vận động, sự buông thả trong ăn uống mà điển hình là rượu bia cùng các chất kích thích từ nhẹ đến nặng khác, rồi sự buông thả theo dục vọng, đều có thể xem là sự ì ạch nặng nề của “hòn đã lăn”; mọi sự ham muốn đều có thể xem là gánh nặng cản trở “hòn đá lăn”, nên “sự tiết chế” chính là thuộc tính của “Hòn đá lăn”!
Người xưa đã tổng kết được những cách sống lành mạnh theo những phương pháp dưỡng sinh quy chuẩn mà càng lúc khoa học hiện đại trong quá trình phát triển lại ngày càng chứng minh được từng phần trong đó, càng lúc càng rõ ràng, càng cụ thể cho những đạo lý từ xưa. Phép dưỡng sinh người xưa đề cập đến là những cách sinh hoạt, cách luyện tập như thế nào, cách làm việc cách suy nghĩ như thế nào, để cho cả thể chất cả tinh thần đều khỏe mạnh, có thể tự điều trị được tật bệnh, luôn làm chủ được bản thân mình để sống lâu và có ích. Tất cả những nguyên lý và phương pháp dưỡng sinh cổ truyền đều thể hiện một cách sống động đạo lý “hòn đá lăn”!
Từ quan niệm bệnh tật con người là do các nhóm nguyên nhân: Ăn uống không quân bình và không biết tiết chế; ngoại tà: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa; nội thương; tình chí: thất tình (hỷ, nộ, ai, lạc, bi, khủng, kinh), lục dục…, nên người xưa đã có rất nhiều phép dưỡng sinh để phòng tránh và điều trị hầu như tất cả các loại tật bệnh. Tất nhiên, những cách điều trị như vậy chính xác là cách điều trị tận gốc của bệnh. Về nguyên lý cốt tủy, dưỡng sinh chính là phương pháp tự nâng cao thể trạng cho bản thân để cho tất cả các loại tật bệnh không thể xâm phạm vào mình, hoặc giả có xâm phạm được thì cũng tự tiêu trừ; có thể nói một cách hình tượng, đó cũng là cách làm cho “hòn đá lăn” theo đúng những quỹ đạo có chủ ý, để tất cả rêu mốc không thể bám, nếu đã bám vào được thì cũng phải tự bong ra. Thực sự, trong Y học cổ truyền, hầu hết các loại bệnh tật đều có thể phòng và chữa trị bằng phép dưỡng sinh, và đó cũng là phương pháp ưu việt nhất trong ngành Y học này, vì bên cạnh việc loại trừ được bệnh tật lại còn đẩy mạnh sự thăng tiến thể chất của con người. Sự lý tưởng này có lẽ khoa học hiện đại chưa hề nghĩ đến, vì không thể có phương pháp dùng thuốc nào có thể mang lại hiệu quả như vừa nêu, bởi lẽ tất cả các loại thuốc trên đời đều có yếu tố “độc”, ngay cả những loại thuốc mà ta quen gọi là “thuốc bổ”, sau một thời gian điều trị có thể tật bệnh sẽ thuyên giảm song thể trạng bao giờ suy kém đi nhiều lần.
Đáng tiếc là hiện nay, không nhiều lắm những người chấp nhận quan điểm và thực hiện phòng và điều trị tật bệnh bằng phương pháp dưỡng sinh của Y học cổ truyền. Tất nhiên, các phương pháp dưỡng sinh luôn luôn đòi hỏi phải tiêu tốn nhiều thời gian và công sức, hơn nữa sự hiểu biết và nguyên lý lành bệnh khi dùng phương pháp dưỡng sinh còn rất hạn chế, sự am tường về các phương pháp đặc trị cho từng loại bệnh là chưa đầy đủ, và đặc biệt là niềm tin – cái mà người ta thiếu nhiều nhất, có thể một phần lớn do lóa mắt trước hào quang quá sáng của y học hiện đại. Hiện nay, để phòng hay điều trị bệnh hầu như người ta đều phải dùng đến thuốc, xem đó như một điều kiện tiên quyết, dẫn đến một sự hệ lụy hoàn toàn vào hóa dược. Không mấy ai chịu đặt lại vấn đề: ngành dược phẩm hóa chất rầm rộ hiện nay cũng chỉ mới thâm nhập rộng khắp vào đời sống đại đa số chỉ khoảng hơn nửa thế kỷ nay, vậy thì suốt lịch sử mấy ngàn năm trước cha ông ta sống bằng gì? Và, cũng nên nhìn nhận một thực tế rằng: cùng với sự phát triển rực rỡ của ngành Y học hóa dược hiện đại là sự lan tràn khủng khiếp của tật bệnh! Trong Y văn của phương Tây, những nhà Y khoa đầy lương tri vẫn nhận định: Thuốc là phương tiện cuối cùng để chữa bệnh! Đáng tiếc, ngày nay cùng với lợi nhuận quá khủng của ngành dược phẩm hóa chất, người ta đã đưa phương tiện vốn được xem là cuối cùng lên thành vũ khí đầu tiên và gần như duy nhất.
Dưỡng sinh của Y học cổ truyền vụ vào việc phòng và điều trị tật bệnh mà đạo lý cao nhất là “trị khi chưa bệnh” (bất trị dĩ bệnh, trị vị bệnh), và tất cả nguyên lý của dưỡng sinh đều nằm trong bảo tồn tinh, khí, thần, mà tất cả đều phải dựa trên tinh thần “tiết dục”, tức không buông thả theo dục vọng, phải tích cực với cuộc sống, tích cực kìm chế những ham muốn, để cho khí huyết lưu thông bình hòa, tinh thần an ổn vững chãi, cũng là đạo lý “hòn đá lăn” vậy!
Hải Thượng Lãn Ông ngoài việc khuyên người ta đừng trái với tiết trời, tránh lúc khắc nghiệt, dịch lệ cuồng phong, tức nguyên nhân ngoại tà; ông còn đưa ra những nguyên lý của phép dưỡng sinh chủ yếu đều nằm trong đạo lý “khắc kỷ phục lễ” của người xưa:
1/Không buông thả theo chuyện ăn uống khiến tổn thương tạng phủ.
2/Phải răn tửu sắc hoan lạc vì khiến tinh huyết hao kiệt, chân khí suy vi, nguyên thần ly tán, dẫn đến bệnh tật thâm nhập vào sâu trong cơ thể.
3/Ngủ nghỉ phải có tiết độ và luôn luôn tích cực luyện thân luyện khí.
4/Chớ nên mắt trông ham muốn mà lòng quên cương thường, khỏi sinh ra làm bậy làm xằng để dẫn tới chữ “tham” hủy hoại cả thân và tâm của con người.
5/Phải biết thủ chân: giữ lòng trong sáng như cái ban sơ của con người, định tâm như người thực hành thiền định để dẹp bỏ ham muốn tranh đoạt lợi danh.
Từ những lời khuyên răn mang tính tổng kết khái quát của Hải Thượng Lãn Ông, chúng ta dễ dàng hiểu cốt tủy đạo lý dưỡng sinh của Y học cổ truyền: Điềm đạm hư vô chân khí tòng chi, tinh thần nội thủ bệnh an tòng lai (giữ lòng điềm đạm, tâm thái rỗng rang, thì chân khí theo đó mà bình hòa; tinh thần giữ vững chãi ở bên trong thì bệnh tật sao có thể phạm đến được.). Cụ thể hơn ở đây, vị Y sư đã khuyên chúng ta phải tiết chế những ham muốn về thanh sắc, ăn uống, dục lạc; tích cực luyện hình luyện khí; và gìn giữ tâm bình an trước cám dỗ của lợi danh. Chúng ta hẳn đã thấy được “Ông già lười” (Lãn ông) này chỉ lười trong mưu cầu danh lợi, còn luôn khuyên hậu thế phải thật tích cực, không được buông thả theo dục lạc, và đặc biệt ông đã nâng Y học lên một tầm cao đến gần với Phật học khi khuyên con người định tâm như người thực hành thiền định để dẹp bỏ ham muốn lợi danh. Cũng có nghĩa với tri thức Phật học thâm sâu, ông đã đưa Y thuật đến gần với Y đạo, và “hòn đá lăn” ở đây không chỉ vụ đến phòng tránh phong hàn thử thấp táo hỏa; không chỉ là tiết dục trong ăn uống, thanh sắc, hoan lạc; mà còn là luyện thân luyện khí và giữ cho tâm bình yên an lạc.
Khảo cứu về Y tổ Tuệ Tĩnh thiền sư Nguyễn Bá Tĩnh chúng ta càng thấy rõ hơn về con đường rốt ráo trong những nguyên lý của Y học. Có lẽ vì Ngài là một vị thiền sư uyên thâm Phật pháp nghiên cứu sang Y thuật và xem đó như một phương tiện hoằng pháp để giúp đời. Y tổ đã nhìn thấu gốc ngọn đạo lý của ngành y bằng nhãn quang của một đạo sư Phật giáo, và đã tổng kết vấn đề phòng chống và điều trị tật bệnh bằng những câu thơ mộc mạc gọn gàng nhưng thâm uyên và có tính khái quát cao nhất:
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần,
Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình.
Cũng là tinh- khí- thần, 3 món quý nhất của con người theo quan điểm Y học cổ truyền, nếu gìn giữ được thần, vững được khí, vẹn được tinh thì mọi bệnh tật không thể sinh ra được, hoặc đã sinh ra thì cũng phải tự tiêu trừ. Muốn bế được tinh, dưỡng được khí, bảo tồn được thần, con người phải biết giữ cho tâm thanh tịnh (thanh tâm), thường xuyên tiết dục (quả dục), giữ gìn lấy chân nguyên của con người tức cái thiện ban sơ và tấm lòng sáng trong (thủ chân), luôn luôn luyện thân luyện thể (luyện hình), đó đều là những phương cách duy trì bền vững cũng như phát huy trạng thái chuyển động của hòn đá, giữ cho hòn đá luôn luôn lăn, dòng nước luôn luôn chảy.
Tiểu kết 2: Trong Y học cổ truyền nói chung, nguyên lý “Hòn đá lăn” không chỉ thể hiện ở cái thân vật lý này qua hình thức luyện hình, mà còn đặt ra vấn đề luyện khí thông qua hệ thống kinh lạc vô hình (phi bì cân cốt dã: không phải là da hay gân hay xương), và nhấn mạnh hơn đến khía cạnh cân bằng tâm lý qua việc bình hòa tình chí “hỷ nộ ai lạc bi khủng kinh” (phải điềm đạm hư vô), và tinh thần phải luôn giữ gìn vững chãi (tinh thần nội thủ). Tinh khí thần được xem là tam bảo của con người trong Đông y, việc phòng và điều trị tật bệnh đặt nặng vấn đề nâng cao tinh khí thần khiến đạt đến một kết quả lành bệnh lý tưởng vì nâng cao thêm sức khoẻ về thể chất và tinh thần sau điều trị.
Đặc biệt các vị Y tổ của chúng ta uyên thâm giáo lý nhà Phật nên đã đưa Y học tiến gần đến Phật học, thông qua giáo lý và trải nghiệm, các Ngài nhìn thấy được quan hệ giữa “tâm” giữa “dục” với sức khỏe con người, nên “hòn đá lăn” đã đi đến tầng sâu hơn của con người, đó là hình tượng vận động chống lại sự đắm chìm do dục, làm trong sạch sự nhiễm ô ở tâm, để tiến đến sự vô bệnh ở thân và cả ở tâm, tức đã nhắm đến điều trị cả thân bệnh khổ và tâm bệnh khổ.
3. Hòn đá lăn- Từ một số quan điểm Y học hiện đại và lương tri.
Y học hiện đại trong một thời gian dài phát triển theo con đường phân tích vi thể, dần dà chia chẻ thân thể con người ra quá nhiều phân khoa, dẫn đến một hệ lụy gần như tất yếu: đưa bệnh tật thành những căn bệnh của từng bộ phận cơ thể, xa dần cái đạo lý ban đầu của y khoa: Bệnh là bệnh của toàn thân, không có bệnh của một cơ quan riêng biệt nào cả. May mà gần đây, nhiều Nhà khoa học cũng đã nhìn nhận lại vấn đề tổng thể và đi về với đạo lý của y khoa.
Theo đa phần các bác sĩ danh tiếng hiện nay, thể chất của con người được quyết định bởi 2 yếu tố, một là di truyền từ bố mẹ nên từ lúc mới sinh ra đã có; hai là những thói quen ăn uống sinh hoạt đã được hình thành từ bé. Điều này lại hoàn toàn trùng hợp với quan điểm “thủy hỏa tiên thiên” (cái con người nhận được từ đời trước) và “tỳ vị hậu thiên” (chất liệu hình thành cơ thể do ăn uống và tập quán sinh hoạt) trong Y học cổ truyền (sâu hơn, có lẽ cũng dễ dàng nhìn nhận, 2 yếu tố trên được Phật giáo khái quát toàn diện nhất thông qua ý niệm về “nghiệp”: cái tiền nghiệp và thân khẩu ý hình thành từ khi con người bắt đầu hành động tác ý!).
Và dần dần, 2 nền Y học lại gặp nhau ở nhiều điểm trong sự khởi phát vận hành của bệnh tật và phương pháp điều trị: Những thói quen sinh hoạt là thứ mà con người có thể thay đổi bằng ý chí, bằng sự nỗ lực của bản thân; và người ta phải nhìn nhận thêm rằng dựa vào sự tập nhiễm thói quen sinh hoạt, hoặc sự vận động tích cực thay đổi hành vi, thay đổi sự vận hành tâm thức, các yếu tố di truyền dù tốt hay xấu cũng có thể thay đổi. Và, từ góc nhìn của Y học cổ truyền hay Y học hiện đại, vai trò của “hòn đá lăn” cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống sức khỏe của con người: “Ăn uống đúng đạo dưỡng sinh, thói quen sinh hoạt tốt, giữ gìn tâm bình yên an lạc, vận động đều đặn hợp lý… con người hoàn toàn có thể viết lại bản đồ gien di truyền cho bản thân một cách tích cực!”. Tất nhiên, ngược lại bản đồ gien di truyền cũng có thể viết lại xấu đi một cách dễ dàng hơn thông qua sự buông thả trong ăn uống, bừa bãi trong sinh hoạt, ì ạch trong vận động, không biết tiết chế tham dục…
“Viết lại bản đồ gien” là một kiến giải hết sức độc đáo, tuy vẫn còn mang tính phán đoán, song các nhà khoa học nói được điều đó là đã có một nhận thức rất cao và đi về gần với giáo lý của nhà Phật: Không phải là “số mệnh” chi phối, tất cả đều là “nghiệp lực”, song nghiệp lực cũng có thể giải quyết được bằng lượng nước công đức tạo ra trong đời sống, đặc biệt là trong hành trì các pháp môn nhà Phật. Điều này gần với quy luật nhân quả xuyên suốt trong quan niệm của Phật gia. Kiến giải như vậy, khiến chúng ta liên tưởng đến muỗng muối của nghiệp lực và lượng nước công đức qua hành trì pháp môn trong kinh Hạt Muối[2]!
Gần đây, Bác sĩ Makoto Kondo 65 tuổi, hơn 40 năm điều trị ung thư, được mệnh danh là lương tri của giới Y học Nhật Bản đã có nhiều kiến giải độc đáo về điều trị bệnh ung thư, khiến bùng nỗ nhiều tranh cãi vì ông bác bỏ hầu hết những phương pháp điều trị ung thư hiện nay như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật… để rồi cuối cùng, ông cũng chỉ khuyên con người học theo những “hòn đá lăn”, cứ lăn liên tục thì không thể có rêu nào bám được:
–“Chỉ có vận động cơ thể nhiều hơn, não bộ hoạt động nhiều hơn, cơ thể mới không bị rỉ sét. Hãy để cảm xúc trở nên phong phú hơn mỗi ngày, mỗi ngày đều để những cảm xúc vui vẻ đến với mình, “năm giác quan” của chúng ta (thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác) mới không trở nên buồn chán.
-Hãy tránh xa những điều mang lại cho bạn sự khó chịu, trân trọng những niềm vui của cuốc sống. Tập các bài tập thể dục chân tay một cách đúng mực, hoạt ngôn, sử dụng não bộ nhiều hơn, để giữ sự linh hoạt của cảm xúc và giác quan. Thường xuyên đi bộ, máu mới có thể vận chuyển lưu thông toàn thân, mới không bị tích tụ ở nửa thân dưới, huyết áp mới có thể ổn định.
-Hãy cười to, có thể hỗ trợ giúp vận động cơ quan biểu hiện cảm xúc và cơ hoành, hô hấp sẽ sâu hơn, tuần hoàn máu sẽ tốt hơn, giúp cơ thể trở nên nóng hơn.
-Ăn nhiều những món ăn ngon, làm nhiều những việc mình thích, để tâm trạng trở nên hân hoan vui vẻ, để cơ thể tiết ra nhiều serotonin, dopamine, endorphin…, giúp tâm trạng trở nên vui vẻ hơn, theo cách này bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên vui vẻ hạnh phúc.
-Kinh nghiệm cho tôi biết, chỉ cần trong lòng vui vẻ, sẽ quên đi những điều nhỏ nhặt, ung thư cũng không bùng phát. “Không trầm cảm” mới là phương pháp giữ gìn sức khỏe theo cơ chế tự nhiên vĩ đại nhất”…
Trong những công trình nghiên cứu của mình, Bác sĩ Makoto Kondo đều khuyên con người nếu không may bị bệnh ung thư thì không nên điều trị theo các phương pháp hóa chất hay xạ vật lý, hãy để nó phát triển tự nhiên, bởi vì rằng điều trị ung thư theo những phương pháp hiện nay không những không có ích, mà chỉ mang lại nhiều đau đớn hơn, bị dày vò nhiều hơn. Thực chất, ông đã thấu được sự bế tắc của điều trị dựa trên tiền đề “tiêu diệt tế bào ác” (tế bào ác cũng là tế bào của cơ thể đó thôi!), cuối cùng chỉ là gìn giữ thói quen sinh hoạt tốt và giữ cho tâm trạng luôn được vui vẻ thoải mái.
-Các tế bào ung thư không thể phát triển mạnh trong một môi trường oxy đầy đủ. Tập thể dục hàng ngày, và hít thở sâu giúp đưa nhiều oxy hơn xuống đến cấp độ tế bào. Oxy liệu pháp là một phương cách khác để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Những nghiên cứu khoa học tiến bộ kể trên đã cho chúng ta một hình ảnh “Hòn đá lăn” đầy đủ hơn. Bên cạnh sự vận động tích cực cơ xương khớp để huy động hết tiềm năng của cơ thể (oxy liệu pháp) như thực tế bản thân chúng tôi đã trải nghiệm đã dẫn ở Phần 1, những nhà khoa học giàu lương tri đã khuyên con người vận động toàn diện hơn, đầy đủ cả 5 giác quan, kể cả cười, hoạt ngôn… đặc biệt lưu ý đến sự vận động về tâm trí: để tâm trạng luôn hân hoan vui vẻ, không giận dữ chấp nhất, cần tạo được một lòng khoan dung và yêu thương cuộc sống. “Hòn đá lăn” ở đây mang tính tự nguyện, chủ động theo những quỹ đạo có chủ ý, và có vẻ như khoa học đối với vấn đề sức khỏe của con người cũng đã nhận ra vai trò quan trọng của tâm từ bi và hỷ xả (nhận định của bệnh viện Johns Hopkins); cũng như đi về gần với lý nhân quả nghiệp báo qua nhận định về việc có thể viết lại bản đồ gien di truyền.
4. Suy nghĩ về “hòn đá lăn”…trong nhà Phật
Trong những phần viết trên, chúng tôi đã cố gắng đưa vào cách nhìn nhận nguyên nhân tật bệnh và khái luận về điều trị từ cái nhìn của nhà Phật: tất cả không ngoài lý nhân quả xuyên suốt trong giáo lý của đức Thích Ca. Nền Y học nào tiến đến đỉnh cao, tức về được với y đạo, thì đều gặp được Phật đạo! Vì mới học Phật chưa lâu, phần này chỉ bàn đôi nét trong cách hiểu của bản thân mà thôi.
4.1.Một cách hiểu mộc mạc về tu tập
Để có thể luận giải thật đơn giản chúng tôi xin trình bày một cách hiểu về Phật pháp thật giản đơn của chúng tôi. Bắt đầu từ ngôn từ, chữ Phật trong Hán ngữ hay Phạn ngữ đều hàm nghĩa “một con người buông xả hết phiền não tham sân”. Đặc biệt, chữ Phật (佛) trong Hán ngữ là hình tượng nhất vì gồm một chữ nhân (亻) có nghĩa là con người và chữ phất (弗) có nghĩa là buông bỏ. Như vậy, Phật trước hết là một con người, không phải là thánh thần hay một đấng quyền năng có quyền ban phát ân huệ hay thưởng thiện phạt ác, chỉ khác là con người ấy không còn phiền não tham sân. Chúng tôi có nghe một vị sư ví von thật dung dị: Phật là bậc giác ngộ nên hoàn toàn không còn phiền não, còn chúng ta là phàm phu nên tất yếu phải phiền não, nhưng nếu một ngày chúng ta có được khoảng nửa giờ không phiền não thì nửa giờ ấy chúng ta là Phật (!) Như vậy, hằng ngàn kinh tạng cũng chỉ để thấy cho được cội nguồn khổ đau là tham sân để tìm phương thoát khổ, tám vạn bốn ngàn pháp môn là để tùy căn cơ chọn lựa mà hành trì nương tựa để phiền não không bám víu… Nếu một phàm phu như chúng ta bình quân mỗi ngày cũng có được 15 phút không phiền não, tức có được 15 phút là Phật, thì pháp của Phật đặt ra là để cho mọi người tiếp tục tu tập hành trì để dần dần nâng lên thành 16 phút, rồi 20 phút… rồi một giờ hai giờ… trong mỗi ngày, cho đến khi không còn tham sân nữa, tức giác ngộ giải thoát. Nói thì đơn giản như vậy, song để hoàn tất hành trình vừa nêu, con người phải tu đến vô lượng kiếp mà không một phút giây chểnh mảng. Và đó cũng là hình tượng “hòn đá lăn” liên tu bất tận…
Muốn tăng thêm thời gian không phiền não thì phải giảm thiểu thời gian buông thả, luôn luôn phải hành trì, không để tâm ý vọng động như người ta vẫn thường diễn tả bằng thành ngữ “tâm viên ý mã” (tâm như con vượn, ý như con ngựa). “Hòn đá lăn” ở đây, đối với người sơ học có thể hiểu tạm là trạng thái luôn luôn tỉnh thức, không buông thả cho dục vọng bám víu mình.
Tất cả các pháp môn nhà Phật có lẽ đều nhằm đến mục đích tăng thêm thời gian là Phật (thời gian không phiền não) cho con người sống yên vui ngay trong cuộc đời này. Bởi vậy, khi nương tựa vào các pháp của nhà Phật, nếu thực hành đúng, con người có được an lạc ngay trong từng phút giây ấy…; công phu tu tập càng nhiều, con người càng được nhiều an vui…
Như vậy, có thể khái quát rằng, “hòn đá lăn” trong pháp nhà Phật vụ vào giải quyết phiền não của tâm, rêu không mọc có thể xem là hình tượng của phiền não không bám víu được, đó là sự giải quyết rốt ráo nhất. Với một nhãn quang thô thiển hơn của người sơ học, chúng tôi xem xét “hòn đá lăn” trong tu tập trên bình diện cái thân tứ đại, lại thấy có tác dụng vô cùng lớn đối với việc giữ gìn, bảo vệ sức khỏe và điều trị bệnh tật; tất nhiên đó cũng nhờ vào sự tác động tích cực của tâm an nhiên tự tại lên thân, song chúng tôi dám khẳng định: các pháp môn nhà Phật đều có tác dụng tích cực lên cái thân tạm bợ này!
4.2. Thuộc tính “hòn đá lăn” trong các pháp nhà Phật
Quan sát đời sống của một hành giả trong nhà Phật, chúng ta có thể thấy được “hòn đá lăn” sống động như thế nào. Dù là tu Thiền tông, tu Tịnh độ tông, hay tu Mật tông, trông như yên ắng lặng lẽ, song kỳ thực có một sự chuyển động của tâm thức triền miên liên tục bất đoạn để giữ gìn cái “tâm viên ý mã” luôn vọng động trong từng phút từng giây. Đặc biệt ở đây, sự buông thả cho ngựa ý vượn tâm nhảy nhót lồng lộn lại là thái độ ì ạch tiêu cực, không vượt qua cái tham cái dục của bản thân, chính là hình ảnh của hòn đá không lăn, của dòng nước không chảy. Tất cả pháp môn của nhà Phật đều là những phương pháp gia công đối trị với những căn bệnh trầm kha của thân và của tâm. Từ nhãn quang tổng thể của Y học cổ truyền hay thành quả phân tích của Y học hiện đại, các pháp tu trì của Phật gia như Bát chánh đạo, Tam học, Lục độ… đều là những phương pháp hiệu quả nhất để giải quyết thân bệnh và tâm bệnh một cách toàn diện.
Pháp của Phật có 8 vạn 4 ngàn, tùy căn cơ mà chọn lựa, bất kể ai cũng có thể chọn cho riêng mình một pháp để hành cho đến chánh quả, đó là điểm nhân văn nhất của nhà Phật: chúng sanh bình đẳng về khổ đau cũng như về giác ngộ! Tất cả các pháp theo chúng tôi, đều có điểm chung là sự vận động của dòng tâm tưởng liên tu bất tận như hòn đá lăn đều đặn nhịp nhàng nhưng uy vũ không để cho bất cứ loại rêu mốc nào có thể bám vào được trong từng giây từng phút… Cái lý của việc tu hành qua hình tượng “hòn đá lăn” có thể thấy được một cách khái quát qua bài kệ của ngài Thần Tú: “身 是 菩 提 樹,心 如 明 鏡 臺,時 時 勤 拂 拭,勿 使 惹塵 埃” Thân thị bồ đề thụ, Tâm như minh kính đài, Thời thời cần phất thức, Vật sử nhạ trần ai” (Thân giống như cây giác ngộ, Tâm như đài gương sáng, Từng khắc từng thời phải quét xuốt tỉ mỉ, Chớ để bám bụi trần ai!). Tuy đối với bậc giác ngộ như Lục tổ Huệ Năng thì bài kệ ấy “vẫn còn ở ngoài cửa”, song đó đã là đỉnh cao tri thức của tất cả đệ tử của ngài Hoằng Nhẫn. Bài kệ thật dung dị nhưng là đỉnh cao của sự khát quát việc tu trì của hành giả: Thân và tâm đều phải nâng niu gìn giữ trong từng sat-na ở cuộc sống hằng ngày, phải nương các pháp hành trì, không để tạp niệm khởi ở tâm, cũng như tạp chất, tạp bệnh nhiễm ở thân. Đó là cái lý “hòn đá lăn” trọn vẹn nhất, toàn thể nhất, mà nhà Phật đã dạy chúng sanh để gìn giữ thân tâm, tìm đến sự an nhiên tự tại trong cõi ta bà nhiều khổ đau này.
Ở mức cao hơn, chúng ta có bài kệ của ngài Huệ Năng, song có lẽ đó là cảnh giới của các bậc giác ngộ, nên chúng tôi không dám bàn sâu, chỉ chép vào đây để mường tượng thêm những tầng siêu việt hơn trong pháp môn nhà Phật: “菩 提 本 無 樹, 明 鏡 亦 非 臺,本 來 無 一 物,何 處 惹 塵 埃”Bồ đề bổn vô thụ, Minh kính diệt phi đài, Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai (Bồ đề vốn không cây, Kính sáng cũng không đài, Xưa nay không một vật, Chỗ nào nhuốm trần ai?). Từ bài kệ trước đến đây, có vẻ như từ động đến tĩnh, từ sắc đến không, pháp không còn ngã cũng không còn. Vượn tâm ngựa ý như không có chỗ bám víu, không có phản lực dậm đà, lực của vượn của ngựa như dậm vào khoảng không. Có thể hiểu cảnh giới này của những người đã đạt đến vô ngã, về với bản thể chơn tâm thanh tịnh, mọi tác động trần căn như đao chặt xuống nước, gió thổi ánh sáng, không mảy may suy suyển. Lúc này, Hòn đá không còn nữa, rêu mốc bám vào đâu?
Giữa cái động và tĩnh trong tu tập, cái sắc và không trong hành trì, còn nhiều tầng lý luận siêu việt hơn trong biển học vô bờ của nhà Phật, có nhiều pháp môn cao thâm ảo diệu hơn của các bậc tuệ giác, chúng tôi không dám bàn sâu hơn, ở đây chỉ dám nói đến những điều sơ học của Phật giáo từ nhận thức của những kẻ sơ cơ như chúng tôi, nhưng cũng dám khẳng định lại với niềm tin rất thành kính: Đức Phật là bậc Đại y vương, là người thầy thuốc vĩ đại nhất của mọi thời đại, và hẳn Ngài là Đại y vương về điều trị cả tâm bệnh khổ và thân bệnh khổ. Vấn đề được đặt ra là: Chúng ta đã nương tựa được gì vào bậc Đại y vương của mình trong phòng ngừa và điều trị tật bệnh? Suy nghiệm về đạo lý “hòn đá lăn” trong nhà Phật, hẳn chúng ta có thể rút ra cho riêng mình những phương cách đặc thù trong phòng và điều trị tật bệnh một cách hữu hiệu.
Cũng như nhiều nền Y học khác, Phật giáo cũng có phân ra tâm bệnh và thân bệnh, nhưng nhìn ra được vạn pháp đều qui tâm, nên giáo lý thường nhấn mạnh việc giải quyết tâm bệnh, vì tâm là gốc của vô minh phiền não, giải quyết được tâm bệnh là giải quyết được rốt ráo nguồn cội của vấn đề. Trong hành trình giải quyết rốt ráo vấn đề của tâm tất nhiên vấn đề của thân cũng tự được giải quyết. Tuy vậy, trong tiến trình nhằm đến tâm, cũng nên lưu tâm đến thân, vì cuộc đời của phàm phu thì thân không bệnh cũng đã quý lắm rồi. Thân chỉ là chiếc bè để qua sông! Biết vậy…, nhưng nếu bè mục rữa hư nát? Liệu các hình thức tật bệnh của tâm có giải quyết được khi thân còn mang bệnh trầm kha? Rất nhiều năm suy nghiệm, trải nghiệm, thực hành, phân tích, ứng dụng cho bản thân và ứng dụng cho nhiều người, chúng tôi dám cả quyết tất cả các pháp của nhà Phật đều có tác dụng bảo vệ thân, dù đó chỉ là cái thân tứ đại tạm bợ; có nghĩa là thực hành các pháp của đức Thích Ca đều có tác dụng kiện toàn sức khỏe, phòng và điều trị tật bệnh, tuy đó không phải là mục đích rốt ráo mong cầu!
Phật giáo đã liên hệ được hết sức chặt chẽ giữa tâm lý hành vi của con người với sinh lý bệnh tật và cả mối liên hệ cá nhân con người và xã hội, chỉ cho chúng sanh con đường thoát ly mọi thống khổ của tâm bệnh, thân bệnh, từ đó đạt đến trạng thái bình yên an lạc ngay trên cõi sống này. Vì vậy, nếu hành một pháp của nhà Phật thật nghiêm túc, chúng ta dễ dàng thu nhận được kết quả thực sự và toàn diện trong kiện toàn thân thể và kiện toàn nhân cách cũng như thăng tiến về trí tuệ và tâm linh; đó cũng là phương cách trừ bỏ những nghiệp quả đã lỡ gây ra trong quá khứ (chính xác là tạo những dòng nước công đức hòa loãng vị mặn đắng chát của nghiệp quả như phẩm Hạt muối trong kinh đã dẫn).
4.3.Những pháp giản đơn- thể nghiệm của “hòn đá lăn”
Chưa có nhiều những công phu tu tập, song bước đầu thấy đã kết quả, chúng tôi cũng đã thuyết phục bạn bè người thân cùng nhau hành những pháp môn đơn giản nhất của Phật môn, và quả thật mọi người đều thu nhận được kết quả, cụ thể nhất là trong phòng ngừa và điều trị tật bệnh, nên cũng xin chia sẻ vài phân tích nhận định theo cách hiểu của bản thân, mong mọi người nương tựa vào các pháp mà hành trì.
1/Pháp lạy Phật và vài công pháp giản đơn mang tính động: Chỉ riêng pháp lạy Phật cũng chia ra rất nhiều công pháp. Ở đây, chúng tôi xin phân tích ở 3 điểm: một là, khi quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy động tác này chỉ riêng về chuyển động thân cũng có tác dụng bằng nhiều động tác cộng lại của các bài tập của các bộ môn khác, kể cả yoga, đặc biệt vận động toàn diện hệ cơ-xương-khớp, và sự thay đổi áp lực trọng trường khiến toàn bộ hệ tuần hoàn và hô hấp cũng như chuyển hoá cơ bản thích ứng tích cực; hai là: việc hít thở bằng cơ hoành trong luyện tập cũng có tác dụng rất tích cực đối với sức khỏe con người; ba là: việc giữ tâm bình yên, như một phép sửa mình, phục thiện, nép mình dưới đức độ cao dày của đấng giác ngộ, tỏ lòng tri ân đối với đấng giác ngộ đã cứu độ chúng sanh khỏi trầm luân khổ hải, có tác dụng vô cùng tích cực đối với sức khỏe con người qua sự hình thành các hoạt chất có lợi.
Các pháp giản đơn khác như Niệm Phật, Tụng Kinh, Trì Chú, Sám Hối… đều là những sự tập trung nương tựa hồng danh của đức Phật, chú tâm đến lời Phật dạy và giúp người khác nhớ đến lời Phật dạy, ghi nhớ niệm tưởng bảo tướng của Phật, nhớ đến tính Phật đang ngự trị sẵn trong mình, để xoa lấp những vọng tưởng hèn kém thấp thỏi, xin Phật chứng minh cho sự ăn năn, thệ nguyện bỏ đi những lỗi lầm, diệt trừ tội lỗi không tái phạm, mục đích để làm trong sạch tam nghiệp, thâu nhiếp những vọng tâm, đoạn trừ những sai lầm mê hoặc, hiển lộ những thiện chân, cuối cùng để tâm được định, nhân tâm định mà phát được huệ, và nhờ huệ mới phá trừ được vô minh phiền não.
2/Thiền định: Tạm hiểu là duy trì sự an bình tĩnh lặng. Bản chất của tâm là tràn ngập niềm vui tĩnh lặng và rất mực sáng trong. Thực hành Thiền không phải để tạo ra trạng thái an tịnh, mà thực chất là một sự lắng đọng để mọi lớp tập khí tự bong ra, trả cho tâm chúng ta trạng thái như nó vốn có vậy. Muốn vậy, phải tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất, không cho tán loạn, để cho tâm thể được tĩnh lặng, tâm dụng được sáng tỏ, đặng suy nghiệm và quán sát chân lý, cuối cùng tâm được định, tuệ lại nhân đó mà phát sáng để diệt trừ phiền não vô minh.
Tiểu kết 4: Những pháp môn của đức Phật nói thì cũng đơn giản, hành trì thì đòi hỏi công phu, muốn nghiên cứu sâu để thấy được hiệu dụng thì một pháp mất cả vô lượng kiếp người cũng chưa thấu đáo. Gần đây, khoa học đâu đó cũng có những nghiên cứu để hiểu về những mặt tích cực trong điều trị tật bệnh của các pháp môn Phật giáo, song dù có thêm nhiều nhiều công trình nữa thì cái hiểu vẫn còn rất khiêm tốn so với tuệ giác của những bậc đại giác. Người ta bắt đầu nhận ra rằng, tất cả các lãnh vực khoa học nếu tiến đến đỉnh cao trí tuệ thì lại bắt đầu thấy được, tiếp cận được chân lý của đức Thích Ca. Nghiên cứu về Y học lại càng dễ gần với những lời chư tổ đã dạy, có phải vì vậy mà trong Ngũ minh có Y phương minh chăng?
Bài viết chỉ chú trọng đến tính chất “hòn đá lăn” trong cuộc sống con người đối với vấn đề sức khoẻ, cuối cùng cố gắng đúc kết: tính chất này lại thể hiện toàn diện nhất trong đời sống của một hành giả Phật giáo, và các pháp môn đều có tác dụng phòng ngừa và điều trị tật bệnh. Đặc biệt, tính “hòn đá lăn”trong nhà Phật lại không chỉ giải quyết nguyên nhân tật bệnh ở tầng thân vật lý của con người, mà giải quyết rốt ráo ở những tầng sâu hơn, từ trí óc, tâm lý, cho đến tâm thức và tâm linh… Tất cả pháp của nhà Phật đều giải quyết đến rốt ráo và toàn diện nguyên nhân của tâm bệnh khổ và thân bệnh khổ.
Cũng chỉ là bước đầu khảo sát, chưa phải là một công trình khoa học có sức thuyết phục bằng những con số cụ thể, song chúng tôi có niềm tin vào bậc Đại y vương của mình, nên đã sống và thực nghiệm như vậy để đối trị với tất cả các loại thân bệnh khổ và tâm bệnh khổ, kết quả vô cùng hiệu nghiệm, rất muốn chia sẻ. Hơn nữa, những hành giả tu tập trong cuộc sống rất nhiều, chúng ta có thể tham khảo ý kiến của họ, đúc rút từ đời sống tu tập của họ, để củng cố niềm tin cho bản thân, và thực hành ngay để càng củng cố thêm, càng nhận chân được đạo lý của cuộc sống. Dù thế nào, cũng hãy để cho “hòn đá lăn” liên tục trong quá trình hành trì…
5. Hiểu thêm về việc chữa trị và những quan niệm về lành bệnh
Bài viết có thể xem như đã xong, song chúng tôi cũng muốn nói thêm đôi chút về khái niệm lành bệnh cũng như không lành bệnh, để mọi người có thể hiểu thêm những điều đã bàn từ đầu đến nay.
Nói chính xác như người xưa nhận định: không có bệnh, chỉ có người bệnh. Người thầy thuốc phải hiểu là mình đang chữa người bệnh, chứ không phải chữa bệnh. Gần đây, nhiều nhà khoa học cũng đã phải nhận định lại: Có bao nhiêu người bệnh thì có bấy nhiêu thể lâm sàng! Điều này phù hợp với đạo lý nhân quả xuyên suốt trong giáo lý nhà Phật. Nghiệp lực của chúng sanh không giống nhau, nên thể hiện ra các dấu chứng, triệu chứng, và cảm thụ về khổ đau vì bệnh của mỗi chúng sanh đều rất khác nhau, dù là cùng một tác nhân gây bệnh.
Khái niệm lành bệnh hay không lành bệnh cũng vậy, cũng rất khác nhau cho từng bệnh nhân, và cho từng phương pháp điều trị, điều này cũng chỉ giải thích bằng luật nhân quả mà thôi. Chúng tôi tạm hệ thống ra theo cách nhìn nhận và đánh giá riêng:
- Lành bệnh nhưng thể trạng hư tổn, trí lực suy giảm, tinh thần rệu rã, nhân cách sút kém, tâm linh sa sút. Thường gặp trong những trường hợp bệnh mãn tính được điều trị kéo dài bằng các loại thuốc hoá dược.
- Lành bệnh nhưng thể trạng hư tổn, trí lực suy giảm, tinh thần có rệu rã, nhân cách còn ổn định, tâm linh chưa ảnh hưởng. Thường gặp trong điều trị thuốc Đông y dài ngày, và phương pháp tả mạnh (bổ chỗ bất túc, tả chỗ hữu dư; hư bổ mẹ, thực tả con), hoặc thuốc công phạt mạnh…
- Lành bệnh nhưng thể trạng không hư tổn, trí lực có suy giảm nhẹ, tinh thần ổn định, nhân cách ổn định, tâm linh không ảnh hưởng. Thường gặp trong điều trị Đông y dùng phương pháp bổ là chính, hoặc dùng châm cứu, xoa bóp liệu pháp, bầu, giác, lễ…
- Lành bệnh mà thể trạng không hư tổn, trí lực không suy giảm, tinh thần ổn định, nhân cách không ảnh hưởng, tâm linh không suy suyễn. Thường gặp trong điều trị thuốc Đông y có kết hợp dưỡng sinh.
- Lành bệnh mà thể trạng và trí lực thăng tiến, tinh thần vững chãi, nhân cách không ảnh hưởng, tâm linh không suy suyễn. Thường gặp trong điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc như thực dưỡng phối hợp các phép luyện tập dưỡng sinh: Thực dưỡng, Thái cực quyền, Thập nhị huyền công, Bát đoạn cẩm, Yoga…
- Lành bệnh mà thể trạng và trí lực phát triển, tinh thần càng vững chãi, nhân cách được kiện toàn, tâm linh được thăng tiến, an lạc… Đó là kết quả lành bệnh của những người biết vận dụng những pháp môn của nhà Phật trong điều trị tật bệnh cho bản thân. Chiêm nghiệm điều này, và hạ thủ công phu, khi thu nhận được kết quả, hẳn chúng ta thấu hiểu vì sao bao đời nay tôn vinh đức Phật là Đại y vương: người thầy thuốc vĩ đại nhất của mọi thời đại!
Ngay cả khi không lành bệnh, kết quả ấy cũng phải chia ra nhiều cấp độ: từ không lành kèm với một thân thể hư nát, có hay không kèm thêm trí óc u tối, có kèm hay không một trí óc u tối và thần kinh mơ màng; hay cả thân thể tan tành, cộng trí tuệ mơ màng, nhân cách rối loạn, tâm linh sa sút… Ngay cả kết quả xấu nhất là cái chết: giữa một sự ra đi nhẹ nhàng thanh thản tỉnh táo an lành, cũng rất khác với phút lâm chung kèm thân thể tan nát, hôi hám, đớn đau quằn quại, đầu óc u tối… Tất cả đều phụ thuộc vào phương pháp đối trị mà chúng ta chọn lựa! Một tật bệnh sinh ra đại đa số là do chính bản thân chúng ta vay nợ trong cuộc sống, nhưng đa phần không chịu trả, muốn dùng một tha lực để giải quyết nghiệp lực nên phần nhiều thất bại, hoặc chỉ thay được nghiệp này bằng nghiệp khác đôi khi còn nặng nề hơn, cảm thụ khổ đau lớn hơn… Nên suy nghĩ cẩn trọng để chọn lựa cách điều trị tật bệnh ưu việt nhất!
6. Lời kết: Người viết chỉ thông qua những trải nghiệm và những chứng thực trong cuộc sống để rút ra những kết luận riêng, mang tính khái quát sơ bộ nên vẫn không tránh được những trường hợp ngoại lệ; và với đôi chút hiểu biết về Đông y cũng như Tây y cũng thấy mơ màng trong nhiều năm, luẩn quẩn trong những vòng xoắn nguyên nhân cơ chế và điều trị bệnh lý, may cuối cùng gặp được giáo lý của đức Thích Ca mới thấy sáng tỏ và dám sẻ chia với tha nhân. Cấu trúc bài viết cũng tuần tự như vậy, khái quát từ từ thấp đến cao các phương pháp sống tích cực để phòng ngừa và điều trị tật bệnh. Ở đời sống quân nhân bản thân trải nghiệm, hay nông dân, ngư dân, thợ thuyền chứng kiến từ 30 năm trước, hay cả đời sống năng động của người Nhật Bản chứng kiến 20 năm trước, tuy “hòn đá lăn” rất tích cực và rất hiệu quả, song chỉ mới giải quyết vấn đề ở cái thân vật lý mà thôi, đặc biệt hiệu quả ở hệ thống cơ xương khớp; tiến thêm một bước đến hệ thống dưỡng sinh trong Y học Đông phương, “hòn đá lăn” đã giải quyết ở sự vận động toàn diện tạng phủ kèm hô hấp có chủ ý, tức vấn đề “khí” đã được lưu tâm; đến Danh y Hải Thượng Lãn Ông thì vấn đề đã đẩy đến mức rất cao trong Y học: ngoài chú trọng vận động toàn diện tạng phủ, kèm hô hấp có chủ ý, cộng tâm lý thoải mái, ăn uống ngủ nghỉ phải tiết độ, giới hạn tửu sắc, giữ lòng trong sáng, dẹp bỏ tham muốn lợi danh…; đó là giải quyết “hòn đá lăn” rất toàn diện, thực sự đã áp dụng được diệt trừ “ngũ dục” của Phật giáo trong đạo dưỡng sinh; đến Y tổ Tuệ Tĩnh thì ngài đã đưa Y học cổ truyền tiến đến tiếp cận giáo lý của Thích Ca qua sự tổng kết y học rất sống động: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”. Và cuối cùng, nếu thấy được trách nhiệm quan yếu của chính bản thân con người trong quá trình hình thành bệnh tật, và nguyên nhân của bệnh tật không phải chỉ ở tầng thân vật lý, mà còn ở những tầng sâu hơn khác như tâm trí, tâm lý, tâm thức và tâm linh nữa, cho nên chỉ có pháp môn của Phật là giải quyết toàn diện nhất ở các tầng sâu hơn của cơ thể mà cho đến hôm nay khoa học vẫn chưa với đến được. Hãy để cho “hòn đá lăn” ngay phút giây này qua hạ thủ công phu để tự mình kiểm chứng!
Bs. P.Đ.T.D
[1] Chuyện kể rằng nhà thơ Đức tài hoa Hai-nơ (Heirich Heine) khi bị bệnh mất ngủ trầm trọng, điều trị mãi không khỏi, một vị thầy thuốc đã cho toa: “buổi sáng cầm một quả táo đi bộ đến quãng trường, vừa đi vừa ăn chậm rãi, đến quãng trường là vừa hết, cứ tiếp tục như thế…” Một thời gian sau, Hai-nơ khỏi bệnh. Nghiên cứu trường hợp này, các nhà khoa học đều nhận định: thuốc trị bệnh nằm ở quãng đường đi bộ chứ không nằm trong quả táo!
[2] Phẩm Hạt Muối ở kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya) đại để ví von nghiệp lực con người như một muỗng muối đắng chát tất yếu phải nhận, song nếu có được một đời sống phạm hạnh, thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng, thì như tạo ra được một lượng nước công đức lớn lao như nước sông Hằng mà muỗng muối kia không làm mặn được.
Discussion about this post