NÓI HAI LƯỠI VÀ GÂY TỔN THƯƠNG NHAU TRONG CÔNG SỞ
Thích Thánh Nghiêm
Những lời ác ý, chê bai người khác không những tổn thương người khác mà đối với mình cũng bất lợi thế nên chúng ta cần cố gắng tránh nó. Trong văn phòng vẫn thường xuyên xảy ra những lời nói đầy bạo lực. Lý do để nói ra những lời tổn thương người khác có thể là mong cho người ta thất bại, hoặc là vì lợi ích của mình, ngăn không cho người khác có cơ hội thăng tiến với nhiều thủ đoạn không chính đáng như bịa đặt, chê bai đối phương.
Hơn nữa, trong bất kỳ cơ quan, đơn vị nào cũng sẽ có một vài đồng nghiệp rất hợp nhau, thường xuyên tụ tập lại để cùng nói xấu hoặc phê phán những đồng nghiệp khác, như vậy cũng là một loại “ngồi lê đôi mách”. Những người bị phê phán nên ý thức rằng chuyện lớn đó chỉ là chuyện nhỏ, chuyện nhỏ trở thành không có chuyện gì và không nên tính toán đến sự được mất. Nếu bạn coi như không nghe thấy, mỉm cười cho qua, sự việc sẽ vẫn bình thường. Nếu ngược lại, ý kiến ở hai bên tai mình sẽ trở nên rõ ràng, tạo nên hai mặt trận đối lập nhau, đấu tranh với nhau, như vậy việc vận hành trong công ty sẽ trở nên tồi tệ. Nói xấu là sự bới móc, thuộc về “nhiều chuyện”, cũng có thể nói là “bịa chuyện”. Đối với các tín đồ Phật giáo, đó là một việc không có đạo đức. Thái độ làm việc của chúng ta cần phải chân thành, thực sự cầu thị, không nên dùng những cách không chính đáng, đặc biệt là những thủ đoạn đê tiện, ác độc để đạt được mục đích mong giành được danh lợi về mình. Tuy nhiên, nếu không may gặp phải loại người này, bị người hãm hại bằng ác ý, nên giải quyết thế nào?
Trường hợp này, trước hết chúng ta nên xem cấp trên có phải là người sáng suốt, xử sự công bằng không. Nếu là một cấp trên sáng suốt, thì họ có thể nhận ra ai là người hãm hại, ai là người bị hại, ai là người luôn thích nịnh nọt, nên dùng loại người nào, không dùng loại người nào. Ngược lại, người không sáng suốt, họ sẽ thích nghe những lời ác ý, hãm hại, không thể phân biệt được sự thật giả. Nếu bạn vẫn muốn ở lại công ty, tốt nhất bạn hãy để cho thời gian giải quyết vấn đề đó, đợi đến thời cơ chín muồi, sự việc rồi sẽ hiện rõ chân tướng, đợi khi cấp trên phát hiện ra được sự thật, biết được trước đây là do người khác cố ý hãm hại bạn, ông ấy sẽ hồi tâm chuyển ý, phục hồi lại chức vụ của bạn như cũ.
Nếu cấp trên không nhận ra được sự thật, không phân biệt phải trái, vậy nên làm thế nào? Trước tiên, hãy nghĩ nên lùi một bước, hãy nghĩ đến vấn đề thu nhập, nếu sau khi từ chức mà ảnh hưởng đến gia đình, khiến cho kinh tế gia đình gặp khó khăn, thì hãy tạm thời nhẫn nhịn, bởi vì hiện tại cấp trên của mình là như vậy, nói thế nào ông cũng không hiểu được. Nếu một công ty khác muốn tuyển dụng bạn, bạn hãy thử xem sao, có thể đó là điểm khởi đầu mới của bạn, nếu hiện tại vẫn chưa có cơ hội, vậy hãy chờ đợi thời cơ để tìm việc khác.
Ngoài những điều đó, chúng ta cần ứng phó ra sao? Chúng ta vẫn có thể dùng trái tim nhân hậu độ lượng để xem xét, nhìn nhận việc mình bị hãm hại. Từ góc độ tu tập, nói xấu là việc người ta chứ không phải mình, họ có nói xấu tôi đến mức nào, đó cũng chỉ là cách nhìn của họ chứ thực sự không phải là của tôi, vậy tôi cần gì phải tức giận. Khi đạt được sự tu dưỡng đó, chúng ta sẽ không bị những lời bịa đặt làm gục ngã.
HT. Thích Thánh Nghiêm
Trích từ: Tu Trong Công Việc
Discussion about this post