NIỆM PHẬT NHƯ MỘT PHÁP MÔN TÙY NIỆM
LÀM TĂNG TRƯỞNG TÍN TÂM, GIÚP VƯỢT QUA GIÔNG BÃO
By Ayya Dhammananda
Những pháp môn Tùy Niệm (Anussati) trong Kinh Tạng Nguyên Thủy có khi được liệt kê như sáu Pháp Tùy Niệm [A.VI. (IX) (9) Tùy Niệm Xứ, (10) MahaNama], có khi lại được liệt kê là Mười Pháp Tùy Niệm hay 10 tưởng (Dasa saňňā sutta – AN. X). Trong các đề mục hành thiền, niệm Phật cũng là một đề mục thuộc về Thiền Bảo Vệ căn bản cho các hành giả dấn thân vào con đường tâm linh.
Trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga), Niệm Phật (Buddhanussati) là một trong 40 đề mục để hành thiền (Kammatthana). Có nhiều cách niệm Phật, như lập đi lập lại một danh hiệu của đức Phật (Araham, or Buddho– cách của Nam Tông), hay gọi tên của một vị Phật (A Di Đà Phật – theo Tịnh Độ Tông). Việc chú tâm lập đi lập lại một từ ngữ nào đó cũng có thể đưa tâm tới chỗ cận định.Trong bài viết này sư chỉ ra một cách niệm Phật khác, đó là nhớ nghĩ về các phẩm chất làm nên một vị Phật. Khi niệm Phật theo cách này, chúng ta soi chiếu vào từng phẩm hạnh, hay Ân Đức của chư Phật, để tăng trưởng đức tin, sự sáng suốt, và quyết tâm sống trọn vẹn con đường Phật Đạo. Và cũng nhờ vậy mà thấm thía sâu sắc hơn ý nghĩa của việc Quy y Phật, nghĩa là chọn đi trên con đường giác ngộ giải thoát.
Khi đại vương Mahānāma của dòng Thích Ca đến yết kiến Đức Phật và hỏi xem một vị thánh đệ tử tại gia nên tu tập như thế nào để luôn được hoan hỷ, thanh tịnh và an ổn, tăng phước, tăng tuệ, đức Phật đã dạy về sáu pháp quán niệm như sau:
Một thời, Thế Tôn trú giữa các vị Thích-ca, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigrodha. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:
– Vị Thánh đệ tử này, bạch Thế Tôn, đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, đời sống gì vị ấy sống một cách sung mãn?
– Này Mahànàma, Thánh đệ tử nào đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, với nếp sống này, sống một cách sung mãn.
(1) Ở đây, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Khi nào, này Mahànàma, Thánh đệ tử niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào Như Lai. Và này Mahànàma, một Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh.
Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Phật”.(A.x.10)
Vậy Niệm Phật như một pháp môn Tùy Niệm nên được hiểu như thế nào? Theo sự hiểu biết và kinh nghiệm của sư thì chúng ta nên học thuộc lòng từng phẩm hạnh của chư Phật. Một vị Phật Toàn Giác có Mười ân đức cao quí là: “’Itipi so bhagavā arahaṃ sammā·sambuddho, vijjā·caraṇa·sampanno, sugato, loka·vidū, anuttaro purisa·damma·sārathi, satthā deva·manussānaṃ, buddho bhagavā ti.’ “
- Arahaṃ – Bậc ứng Cúng, là bậc đã hoàn toàn thanh tịnh mọi lúc mọi nơi nên xứng đáng nhận đồ cúng dường của chư đàn na tín thí. Một vị A la hán là vị đã đoạn trừ hết các phiền não nghiệp chướng, họ không làm điều xấu ở bất cứ nơi đâu, dù là nơi vắng vẻ một mình hay ở nơi công cộng. Điều này hoàn toàn khác với kẻ phàm phu chúng ta. Kẻ phàm phu chỉ làm điều tốt khi được giám sát, khi bị nhìn thấy , còn khi chỉ có một mình, khi không ai thấy thì họ có thể hành động theo bản năng vì không có động lực cố gắng chứng tỏ là mình tốt. Như vậy khi niệm về thuộc tính Arahaṃ này của chư Phật, hành giả thấy được phẩm chất cao quí này quả là đáng ngưỡng mộ, đáng tin tưởng và noi theo để tự sách tấn mình.
- Sammāsambuddho: Bậc Chánh Biến Tri – quả vị Phật Toàn Giác, nghĩa là vị giác ngộ sáng suốt mọi lúc mọi nơi. Một vị có tâm luôn tỉnh thức và trí tuệ sáng suốt, thần thông quảng đại, có khả năng lan tỏa năng lực từ bi và trí tuệ ở đỉnh cao. Có ba loại giác ngộ theo từng cấp độ Ba la Mật mà hành giả đã thực hành trong suốt quá trình tu tập của mình để đi đến chỗ giác ngộ giải thoát. Thanh Văn Giác (Svākhato Bodhi) là những vị thánh Thinh Văn, nhờ nghe những lời chỉ bày giảng dạy của một vị Phật Toàn Giác rồi thực hành theo mà giác ngộ. Loại thứ hai là Độc Giác Phật (Pacceka Buddha) là những vị tu hành do thấy những nhân duyên không thỏa mãn trong đời sống. Từ những nhân duyên đó họ thấy ra cuộc đời là vô thường, khổ đau bất toại nguyện là bản chất của đời sống. Thấy ra những chân lý đó họ buông bỏ thế tục trở thành ẩn sĩ (Isi) lên núi tu hành và đoạn tận nghiệp chướng não phiền, sống đời thanh tịnh giải thoát ngoài trần thế. Các vị Độc Giác Phật không có động cơ và nỗ lực hoằng dương các thánh pháp mà họ đã liễu ngộ. Còn các vị Thanh Văn Giác thì do sự sách tấn của bậc Đạo sư nên có nỗ lực để đi vào nhân gian để độ đời. Tuy nhiên, khả năng độ tha của các vị A la hán thinh văn thì không hữu hiệu và không có sức ảnh hưởng lớn như của một vị Phật Toàn Giác. (Ref. Đại Phẩm, Tạng Luật đoạn Đức Phật Gotama đã khuyến khích 60 vị A La hán đầu tiên đi hoằng pháp). Điều này được văn chương chú giải thời kỳ hậu kinh điển giải thích là do Ba La Mật của các vị Phật Độc Giác và Thinh Văn Giác ít hơn của một vị Phật Toàn Giác. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý, vì công đức phục vụ chúng sinh, nỗ lực chiến thắng bản thân, và hành trình rèn luyện để phát triển cá nhân ít hơn thì sức ảnh hưởng và lan tỏa cũng ít hơn. (Ref. Buddhavaṃsa, ch. 2 )
- Vijjā-caraṇa-sampanno: Bậc Minh- Hạnh túc, là bậc có đầy đủ cả Minh –trí tuệ sáng suốt, và Hạnh – đời sống đạo đức cao tột, một nhân cách hoàn mỹ. Đây là một trong những phẩm chất làm nên vị lãnh đạo tài ba, sáng suốt và có giá trị nhân bản hơn mọi người. Thường thì người có tài mà không có đức thì có thể lãnh đạo giỏi nhưng không thu phục được nhân tâm; còn người có đức mà không có tài thì cũng không thành tựu được nhiều điều tốt đẹp. người lãnh đạo tâm linh của thế giới mà chúng ta đang theo là một vị Phật có đầy đủ cả Minh và Hạnh, phần minh ở đây còn cao hơn cả tài nữa, nó là sự sáng suốt trong mọi quyết định, trong mọi động tĩnh của thân và tâm trong mối tương giao của thế giới vật chất và thế giới tâm linh.
Chữ Vijjā trong tiếng Pali có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa là sự hiểu biết thấu suốt về một lĩnh vực nào đó, như giỏi về nghề thuốc, giỏi về chú thuật, hay thông hiểu ba tạng Vê Đà cũng được gọi là Vijjā. Thậm chí bùa chú cũng được gọi là vijjā. Tuy nhiên chữ Vijjā – thường được dịch là Minh trong ngữ cảnh này là từng minh cao nhất của một vị Phật Toàn Giác có đầy đủ sự thiện xảo trong ba lĩnh vực của trí tuệ tâm linh. Đó là Túc Mạng Minh, Tha Tâm Thông và Lậu Tận Minh là những thành tựu cao nhất trong đêm đại giác ngộ.(xem Tam Minh, ref. Tevijjā sutta MN ….)
Caraṇa – là đức hạnh đã thành tựu và vẫn tiếp tục được biểu hiện trong đời sống hàng ngày của một bậc giác ngộ. Đó là tâm địa rộng rãi sẵn sàng bố thí, giới luật nghiêm minh cẩn trọng trong mọi lời nói hành động và ý nghĩ, nhẫn nại, bao dung, từ ái, vv.
Khi niệm danh hiệu này của chư Phật, chúng ta biết mình đang đi theo con đường đúng đắn nhất của các vị giác ngộ – những vị lãnh đạo tâm linh nổi bật nhất trong thế giới. Khi cảm nhận điều này, chúng ta tự tin hơn, vững vàng hơn trên con đường đã chọn.
- Sugato – Bậc Thiện Thệ – Bậc đã khéo đi đến chỗ chấm dứt hoàn toàn khổ đau, bậc đến đi vô ngại, đến đi không để lại dấu vết vì không còn chấp thủ vào bản ngã và ngã sở nữa. Bậc đến chỉ vì hạnh phúc, thịnh vượng và an lạc cho chúng sinh mà không cần gây ấn tượng với bất cứ ai. Bậc đến đi tùy duyên thuận pháp, không bị ràng buộc bởi ý muốn hay tình cảm thế nhân. Noi theo đức hạnh này, chúng ta tập đến đi tự tại vô ngại. Sugato cũng có nghĩa là bậc luôn nói đúng sự thật, nói đúng lúc đúng thời, nói đúng cách để người nghe có thể tiếp nhận được chân lý. Soi chiếu vào phẩm hạnh này của chư Phật, chúng ta tin tưởng rằng mình cũng đang đi đúng hướng để trở nên thiện xảo hơn trong các tương tác với thế giới và đi trên con đường dẫn tới chấm dứt mọi phiền não khổ đau.
- Loka-vidū, Bậc Thế Gian Giải – Bậc liễu thông thế giới. Theo cảnh giới thì thế giới chia ra thành Ba Cõi là Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới. Thuộc tính này của một vị Phật là bậc đã trải qua nhiều kiếp sống, trải nghiệm tất cả các cảnh giới và những từng mức khác nhau của sự tồn tại. Bậc biết rõ thế gian mà không còn bị ràng buộc bới cái biết của mình. Bậc biết rõ Sáu Đường, do những duyên nghiệp nào khiến chúng sinh đi vào địa ngục, do đâu sinh vào súc sinh, ngạ quỉ và khổ cảnh, do nhân duyên gì khiến chúng sinh sinh vào cõi người hay cảnh trời. Lokavidu cũng có nghĩa là bậc thấu hiểu thế giới nội tại khi tương tác với cảnh trần: mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị thân tiếp xúc và ý đối pháp, tất cả các diễn tiến đó đều được rõ biết, không bị mê muội trước các cảm xúc do những sự tương tác đó làm phát sinh. Đức Phật đã từng tuyên bố: “Trong tấm thân sáu thước này Như Lai tuyên bố sự sinh khởi và hình thành của thế giới, sự đoạn tận thế giới.” (Sam. )
- Anuttaro , Bậc Vô Thượng sĩ, không có ai có khả năng cao hơn trong việc giáo huấn quần chúng.
- Purisa·damma·sārathi, Bậc Điều ngự Trượng Phu – bậc với khả năng điều phục chúng sinh, độ họ từ bến mê qua bờ giác. Đây là một khả năng đặc biệt của đức Phật trong việc khai thị cho chúng sinh. Khả năng thức tỉnh họ bằng lời nói, hành động hay bằng ý nghĩ – hóa thân để giáo hóa. Đức phật dùng cả thân giáo, khẩu giáo và ý tưởng để nhiếp phục chúng sinh – những vị có đủ phước duyên gặp ngài và hữu duyên với giáo pháp. Ngài khoogn nói pahsp vì lợi ích hay danh vọng của bản thân, mà chỉ vì lợi ích cho người nghe. Trong một lần khi cùng ngồi với chư Tỳ khưu trong khu rừng Simpasa, ngài cầm lên một nắm lá và hỏi chư Tăng quanh ngài là số lá trong tay ngài nhiều hơn hay số lá trong khu rừng nhiều hơn? Chư Tăng trả lời là lá trong rừng nhiều hơn. Nhân đó Thế Tôn nói những gì một vị Phật biết thì nhiều như lá trong rừng, còn những gì ngài chia sẻ cho những chúng sinh hữu duyên thì chỉ như nắm lá trong tay ngài. Như vậy đức Phật không nói ra tất cả những gì ngài biết, ngài chỉ nói ra những gì cần thiết cho người nghe giảm thiểu và chấm dứt đau khổ, nếu họ hiểu và thực hành lời dạy của ngài. Soi chiếu vào phẩm chất này chúng ta thấy khả năng hóa độ của một vị Phật thật phi thường và vô vị lợi.
- Satthā deva·manussānaṃ, Bậc Thiên Nhân Sư. Ngài là bậc thầy của chư thiên và nhân loại. Mỗi khi đức Phật thuyết pháp, không chỉ có con người nghe và thấu hiểu, mà còn có vô số chúng sinh khác, hữu hình hay vô hình, trong đó có cả các chư thiên bậc cao ở các cảnh trời Dục Giới, Sắc Giới cùng câu hội để lắng nghe Đấng Thiện Thệ giảng bày chân lý. Trong Tương Ưng Bộ Kinh (sam. Phẩm Chư Thiên) có kể về những pháp đàm giữa Thế Tôn và các chư thiên. Trong Trường Bộ Kinh cũng có những bài đề cập đến vị Phạm Thiên hay vị Đế Thích (Sakka Panha sutta – DN 21), vốn là Thiên Vương ở những cảnh giới cao hơn đến thính pháp và đặt câu hỏi liên quan đến thế giới và mục đích tu tập theo đạo giác ngộ. Khi suy niệm về thuộc tính này, hành giả tự tin hơn vào người đưa đường dẫn lối của mình – bậc Đạo sư là thầy của chư thiên và nhân loại. Đó là lý do vì sao tâm người niệm Phật được hân hoan, an tĩnh và hài hòa, thanh thản – những trạng thái sẽ dẫn họ vào định một cách dễ dàng mà không cần phải ráng sức.
- Buddho – Phật Đà- Bậc Đại Giác – một danh hiệu cao quí để nói lên trạng thái chứng ngộ cao nhất của đời sống tu hành và khả năng hóa độ chúng sinh trong lĩnh vực của một bậc giác ngộ. Phật là người đã giác ngộ ra đời sống là bất toại nguyện, nguyên nhân của khổ đau, khổ đau hoàn toàn chấm dứt và con đường đưa đến chấm dứt khổ đau đã dduwwocj ngài chỉ bày trong nhiều cách tùy theo nhận thức và căn cơ của chúng sinh. “Này chư Tỳ khưu, có một người đã sinh ra và đến trong thế giới này vì sự an vui, hạnh phúc và lợi ích cho nhân loại và chư thiên. Người đó là ai? Là Như Lai, bậc Ứng Cúng, bậc đã giác ngộ thấu suốt và toàn diện,” (AN I 22). Khi niệm đến thuộc tính Buddho, chúng ta biết đó là tính giác, khả năng sáng suốt định tĩnh trong lành, là nơi nương tựa tối thượng trong những nơi/thứ có thể nương tự được.
- Bhagavā – Thế Tôn – là bậc cao quí nhất trong thế giới bao gồm Phạm thiên, Ma vương, các cõi trời dục giới và cõi người với những tổ chức đoàn thể và giai từng khác nhau. Danh hiệu Thế Tôn để chỉ người có phước đức và trí tuệ vẹn toàn như là kết quả của việc thực hành các Ba La Mật đi đến viên mãn.
Khi hành giả niệm Phật theo cách này, người đó noi theo những đức hạnh, trí tuệ và khả năng phi thường của bậc Thế Tôn để xây dựng nhân cách, niềm tin và ước vọng của mình. Biết được những giá trị của Bậc Đạo Sư, cho dù chỉ là chút xíu, cũng khiến tâm chúng ta hoan hỷ vô cùng. Hành giả nên học thuộc các thuộc tính này bằng tiếng Pali và thầm tựng từng danh hiệu một cách chuyên tam, thiết tha và toàn tâm toàn ý. Khi đó tâm hành giả sẽ không bị tham, sân, si, mạn, nghi hay bất kỳ trạng thái bất thiện nào chen vào. Với tâm chuyên nhất thanh tịnh như vậy hân hoan sẽ lan tỏa khắp thân tâm của vị đó. Có hân hoan, hỷ lạc sẽ sinh khởi, hỷ lạc đưa đến an tịnh và khinh an là nhân gần của định.
Trong Kinh Dhajagga Paritta là Kinh Hộ Trì Tối Thắng, hay Kinh Ngọn Cờ, đức Thế tôn dặn các Tỳ Kheo:
“Này các Tỷ-kheo, khi các Ông đi vào rừng, đi đến gốc cây hay đi đến nhà trống, nếu run sợ, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, trong khi ấy hãy niệm nhớ đến Ta: “Ngài là Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”.
Này các Tỷ-kheo, khi các Ông niệm nhớ đến Ta, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, sẽ được tiêu diệt….Vì sao? Này các Tỷ-kheo, Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đã ly tham, ly sân, ly si, không nhát gan, không hoảng hốt, không hoảng sợ, không hoảng chạy.” (SN. 11.3 PTS: S i 218)
Niệm Phật theo phương pháp này cũng có thể hữu hiệu hơn, khi tâm quá loạn động khó tập trung, thì nên được hỗ trợ bằng một chuỗi có 108 hạt. Niệm từng âm tiết trong tiếng Pali thật rõ ràng:
I-Ti-pi-so. Bha-ga-va. A-Ra-Ham.
I-Ti-pi-so. Bha-ga-va. Sam-ma-sam-bud-dho
I-Ti-pi-so. Bha-ga-va. Vij-ja-ca-ra-na-sam-pan-no
I-Ti-pi-so. Bha-ga-va. Su-ga-to
I-Ti-pi-so. Bha-ga-va. Lo-ka-vi-du
I-Ti-pi-so. Bha-ga-va. A-nut-ta-ro. pu-ri-sa-dam-ma. sā-ra-thi
I-Ti-pi-so. Bha-ga-va. Sat-thā de-va·ma-nus-sā-naṃ
I-Ti-pi-so. Bha-ga-va.Bud-dho
I-Ti-pi-so. Bha-ga-va.
Như vậy tròn đủ 108 âm tiết, hết một vòng xâu chuỗi. Chúc các bạn hữu duyên Niệm phật thành công theo cách này!
Viết lại từ một bài giảng ở chùa Liên Hoa, Irving, TX Dec.09th 2018
Discussion about this post