NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỨC HẠNH PHỤ NỮ
Thái Chấn Thân biên soạn
Dịch giả: Tống Như Cường
LỜI MỞ ĐẦU
Người xưa nói rằng: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên” (Dựng nước quản dân, dạy học làm đầu). Một đất nước muốn có công dân tốt thì phải có nền giáo dục tốt, mà giáo dục gia đình là nền tảng của tất cả mọi giáo dục, cũng là sự giáo dục sơ khởi nhất. Đặc biệt, giáo dục của người mẹ là tối quan trọng. Thế nhưng, muốn có mẹ hiền thì phải có nàng dâu hiền lành, lương thiện. Nàng dâu hiền lương xuất thân từ người phụ nữ đã tiếp nhận qua giáo dục luân lý. Thế nên, phụ nữ là ngọn nguồn của cả thế giới. Nếu như nước đầu nguồn không bị ô nhiễm thì cả dòng nước sẽ tự nhiên thanh khiết. Vì vậy, người xưa cho rằng cái gốc của thiên hạ là ở quốc gia, cái gốc của quốc gia là ở gia đình, cái gốc của gia đình là ở con người. Mà người phụ nữ là cái gốc sinh ra bậc hiền tài, thế nên phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng. Chốn khuê môn là nơi Thánh Hiền chào đời. Sự giáo dục của người mẹ là cái gốc của thái bình trong thiên hạ. ▪ Vào thời nhà Chu, đức hạnh của ba bà Tam Thái (Thái Khương, Thái Nhậm và Thái Tự) sáng ngời cổ kim, đáng bậc mẫu nghi thiên hạ, là tấm gương cho hàng nữ nhân trong thiên hạ noi theo. ▪ Mạnh Mẫu ba lần dời nhà đã nuôi dưỡng ra vị Á Thánh của nhà Nho là Mạnh Phu Tử. ▪ Vào thời Tam Quốc, phu nhân của Gia Cát Lượng dùng tài đức của mình phò tá chồng. Tài năng của bà tuyệt chẳng kém Gia Cát Lượng, thậm chí còn vượt hơn chồng, nhưng bà vẫn một lòng an giữ bổn phận, phò tá trượng phu. ▪ Đến đời Đường Thái Tông có Trưởng Tôn Hoàng Hậu đức hạnh vẹn toàn, khéo léo khuyên ngăn can gián, lấy thiên hạ làm trọng, cũng là một người vợ hiền hiếm có khó gặp.
Thời cận đại, bậc Đại Đức trong nhà Phật là Pháp sư Ấn Quang từng nói: “Quyền trị quốc bình thiên hạ, hàng nữ nhân nắm hơn quá nửa”. Lại nói: “Dạy con là cái gốc của bình trị thiên hạ, mà dạy con gái còn càng thiết yếu hơn. Thiên hạ sở dĩ thiếu bậc Hiền nhân là vì thế gian thiếu đi hiền mẫu. Có phụ nữ hiền đức thì mới có hiền thê, hiền mẫu. Có hiền thê, hiền mẫu mà chồng và con của họ chẳng phải là bậc Hiền nhân thì đó là điều hiếm lạ thay. Nếu muốn cứu lấy thế đạo, cải chính nhân tâm thì nên nỗ lực vào vai trò ấy”.
Vào cuối thời Thanh, đầu thời Dân Quốc, nhà giáo dục Nữ Đức, tiên sinh Vương Phụng Nghi nói rằng: “Phụ nữ là ngọn nguồn của thế giới”. Học giả nổi tiếng thời cận đại là tiên sinh Cô Hồng Minh trong chương “Phụ Nữ Trung Quốc” của sách “Tinh Thần Người Trung Quốc” cũng nói rằng: “Phụ nữ của một dân tộc chính là những đóa hoa thể hiện sự văn minh của dân tộc đó, là những bông hoa thể hiện sự văn minh của đất nước đó”.
Có thể thấy rằng đức hạnh của người phụ nữ có quan hệ vô cùng to lớn đến sự hưng suy của một xã hội. Nếu như phụ nữ trong xã hội đều là những bậc thiện lương, hiền thục thì xã hội đó nhất định được tường hòa, thái bình. Vì vậy, giáo dục Nữ Đức là suối nguồn của hạnh phúc nhân loại, là sự then chốt của quốc gia an định, là nền tảng của xã hội hài hòa.
Chúng ta đều biết “Đại Học”, “Trung Dung”, “Luận Ngữ” và “Mạnh Tử” được gọi là “Tứ Thư” của nhà Nho. Tuy nhiên, rất nhiều người không biết rằng người xưa ngoài bộ “Tứ Thư” này ra còn có một bộ “Nữ Tứ Thư” dành riêng cho phụ nữ học tập. Từ đây có thể thấy người xưa xem trọng giáo dục Nữ Đức đến mức nào, bởi vì họ biết rằng đây là cái gốc để trị quốc, bình thiên hạ.
Bộ “Nữ Tứ Thư” được học giả đầu triều Thanh là Vương Tương biên tập chỉnh lý. Vương Tương sống vào thời Khang Hy. Từ nhỏ, ông đã nhận được sự dạy dỗ tốt đẹp của mẹ. Mẹ của ông họ Lưu, là một bậc giáo dục Nữ Đức. Ông đem các sách “Nữ Giới”, “Nội Huấn”, “Nữ Luận Ngữ” và “Nữ Phạm Tiệp Lục” chú thích và gộp lại, đặt tên là “Nữ Tứ Thư”. Đó là bộ giáo trình mà phụ nữ thời đó cần phải đọc, truyền bá rộng rãi, lưu thông khắp cả nước. Đến thời cận đại, nó vẫn là bộ giáo trình giáo dục đạo đức vô cùng quan trọng. Bộ sách đầu tiên trong “Nữ Tứ Thư” là “Nữ Giới”, do Ban Chiêu thời nhà Hán trước tác với mục đích là dạy đạo lý làm người cho phụ nữ.
Nội dung của sách bao gồm bảy chương đó là: Ti nhược, phu phụ, kính thuận, phụ hạnh, chuyên tâm, khúc tòng và hòa thúc muội. Ban Chiêu còn là một Sử gia nổi danh. Cha của bà là Ban Bưu, huynh trưởng của bà là Ban Cố. Phụ thân của bà tự tay viết cuốn “Hán Thư” nhưng bất hạnh qua đời từ sớm nên không thể hoàn thành bộ sách nên huynh trưởng của bà là Ban Cố tiếp tục viết. Sau đó, Ban Cố bị tiểu nhân hãm hại, chết ở trong ngục. Ban Chiêu kế thừa sự nghiệp của cha anh, năm bà bốn mươi tuổi đã hoàn thành xong bộ “Hán Thư”. Ban Chiêu được gọi là Tào Đại Gia (chữ “Đại Gia” đọc âm là “Thái Cô”), nên sách “Nữ Giới” còn được gọi là “Tào Thái Cô Nữ Giới”. Năm Ban Chiêu mười bốn tuổi được gả vào nhà họ Tào. Chồng của bà là Tào Thế Thúc. Vì vậy, mọi người gọi bà là Tào Thái Cô. Ban Chiêu là người rất có đức hạnh nên sau đó Hoàng Đế đã mời bà vào trong cung dạy dỗ cho các Phi tần ở hậu cung. Bà trở thành thầy của Hoàng Hậu. Hoàng Đế đương thời là Hán Hòa Đế. Sau khi ông băng hà, do Hoàng Đế nối ngôi tuổi vẫn còn nhỏ nên Đặng Thái Hậu lo việc triều chính. Tào Thái Cô lại là Thầy của Đặng Thái Hậu nên Đặng Thái Hậu đã mời bà tham dự việc triều chính. Ban Chiêu đem tấm lòng tận trung phục vụ triều đình, phò tá chính sự. Mặc dù là người trực tiếp giúp Thái Hậu xử lý việc triều chính, có địa vị rất cao nhưng Ban Chiêu không phải là người phụ nữ mạnh mẽ. Theo ghi chép kể lại thì bà là một phụ nữ có bản tính ôn nhu, tinh tế. Chồng của bà là người hướng ngoại hoạt bát, còn bản thân bà là người ôn nhu, tinh tế. Vợ chồng chung sống với nhau thập phần hạnh phúc.
Bộ sách thứ hai của “Nữ Tứ Thư” là “Nội Huấn”, do Từ Hoàng Hậu của Vua Minh Thành Tổ vì muốn giáo dục các phụ nữ trong cung mà thu thập và chỉnh lý những lời dạy về phẩm đức phụ nữ của cổ Thánh tiên Hiền mà viết thành sách. Sách chia thành hai mươi chương, nội dung bao gồm: Tiêu chuẩn Nữ Đức, tu dưỡng Nữ Đức, quy phạm Nữ Đức, trách nhiệm giáo dục của người mẹ, v. v. Trong đó, “Huấn” nghĩa là giáo huấn, “Nội” là từ chuyên chỉ cho phụ nữ (bởi vì nữ chủ nội: phụ nữ lo việc trong nhà). Việc chủ nội rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn chủ ngoại, thế nên giáo dục Nữ Đức được đặc biệt xem trọng.
Bộ sách thứ ba tên là “Nữ Luận Ngữ” do nữ học sĩ Tống Nhược Tân thời nhà Đường trước tác. Nhà họ Tống có năm người con gái, đều là những người phẩm đức vẹn toàn. Sách “Nữ Luận Ngữ” do Tống Nhược Tân viết dựa theo thể lệ của sách “Luận Ngữ”. Bởi vì sách “Luận Ngữ” đa phần đều là lời hỏi và đáp giữa Khổng Tử và các môn đệ của Ngài, cho nên nguyên bản của sách “Nữ Luận Ngữ” cũng là dựa trên phương thức thầy trò hỏi đáp mà viết ra. Tống Nhược Chiêu là em gái của Tống Nhược Tân. Bà viết chú thích cho bộ “Nữ Luận Ngữ” của chị mình. Nguyên bản của sách “Nữ Luận Ngữ” do Tống Nhược Tân viết hiện nay đã thất truyền, hoặc có thể là do sau khi Tống Nhược Chiêu viết xong chú thích thì không cần đến nguyên bản nữa mà dùng ngay bản đã được chú thích. Cuốn mà hiện nay đang được lưu hành chính là cuốn này. Sách lấy bốn chữ làm thành một câu, chia thành mười hai chương, tuy không còn dựa trên thể lệ hỏi-đáp nhưng nội dung về cơ bản vẫn được thống nhất. “Nữ Luận Ngữ” còn được gọi là “Tống Thượng Cung-Nữ Luận Ngữ”. “Tống” là họ của tác giả, “Thượng Cung” là chức quan của bà. Đó là chức vị Nữ Quan dạy học cho các Công chúa, hậu Phi, còn cả Công tử và Vương tử ở cung đình.
Bộ sách thứ tư là “Nữ Phạm Tiệp Lục” do bà Lưu Thị là thân mẫu của Vương Tương sáng tác vào đầu thời nhà Thanh. Sách chủ yếu xem trọng việc giáo dục đức hạnh và tiết tháo của phụ nữ. “Nữ Phạm Tiệp Lục” được chia thành mười một chương bao gồm: Thống Luận, Hậu Đức, Mẫu Nghi, Hiếu Hạnh, Trinh Liệt, Trung Nghĩa, Từ Ái, Bỉnh Lễ, Trí Huệ, Cần Kiệm và Tài Đức. Sách viết về các sự tích của những trinh phụ, liệt nữ, hiền thê, từ mẫu thời xưa, đồng thời ca ngợi hai bộ sách “Nữ Giới” và “Nội Huấn”. Bốn bộ sách trên được gọi là “Nữ Tứ Thư”, là giáo trình giáo dục Nữ Đức quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc do Vương Tương viết phần Tiên Chú (chú thích).
Vào thời nhà Minh cũng có một bộ sách tên là “Nữ Tứ Thư”. Năm thứ tư đời Minh Thiên Khải (1624), bộ sách này được khắc bản với tên là “Khuê Các Nữ Tứ Thư Tập Chú”, là bộ giáo trình giáo dục đạo đức cho phụ nữ. Trong những lần phiên ấn sau thì được giản lược lại thành “Nữ Tứ Thư”. Sách được lưu thông rộng rãi, thậm chí còn được lưu truyền ra nước ngoài. Lúc đó, Vương Tương vẫn chưa viết chú thích cho “Nữ Tứ Thư” nên đương nhiên bộ này không bao gồm “Nữ Phạm Tiệp Lục”. Nhưng nếu xem đến bộ “Nữ Tứ Thư” từ Nhật Bản truyền sang thì bộ này bao gồm: “Nữ Giới”, “Nữ Luận Ngữ”,“Nội Huấn” và “Nữ Hiếu Kinh” do bà Trịnh Thị, vợ của Hầu Mạc Trần Mặc (họ là Hầu Mạc Trần) viết.
Tóm lại, những bộ sách trên đều kể về các tấm gương về bát đức: Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ của các bậc nữ lưu thời xưa, là những bộ sách cho phụ nữ chúng ta thời nay nghiêm túc học tập.hiền mẫu, bà trước tác một cuốn sách tên là “Nữ Phạm Tiệp Lục”. Vương Tương do được sự dạy dỗ của mẫu thân nên hết sức xem trọng.
Những Câu Chuyện Đức Hạnh Phụ Nữ
.
Discussion about this post