Phật giáo Tây Tạng đã trải qua những thời kỳ thăng trầm gắn với những biến cố lịch sử làm thay đổi đời sống con người và xã hội. Đặc biệt, vào khoảng thể kỷ thứ IX, vị vua Tây Tạng thứ 39 là Lãng Đạt Ma đã đàn áp Phật giáo một cách khốc liệt, khiến Phật giáo Tây Tạng rơi vào pháp nạn nguy khốn.
BƯỚC THĂNG TRẦM CỦA PHẬT GIÁO KHI TRUYỀN VÀO TÂY TẠNG
Các nhà nghiên cứu thống nhất Phật giáo du nhập và truyền bá vào Tây Tạng vào giữa thế kỷ thứ VII, khoảng năm 641 dưới sự trị vì của vua Songtsen Gampo (629-649) [1] – người đầu tiên trong ba vị vua hộ trì Phật pháp (hai vị còn lại là Tri Songdétsen và Relbachen). Songtsen Gampo được xem là hóa thân của bồ tát Avalokitesvara, người đã tái sinh làm vua để tiếp tục truyền bá giáo pháp, đưa Tây Tạng trở thành cường quốc ở Trung Á [2].
Đến đời Tạng vương thứ 35 là vua Tridé Tsuktsen (705-755), ông tiếp nối con đường của thiên Tổ để xiển dương Phật pháp. Triều đại của ông đã để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng khi cử một số vị đại thần sang Trung Hoa tu học Phật pháp, cũng như thỉnh Tăng sĩ Trung Hoa vào Tây Tạng để hoằng pháp. Việc thứ ba là xây dựng 7 trung tâm làm nơi lưu trú cho Tăng sĩ từ các tiểu quốc Trung Á sang Tây Tạng lánh nạn binh đao.
Sau khi ông qua đời, phe cánh Bổng giáo làm cho Phật giáo ngưng trệ. Đồng thời, các phe phái bài xích Phật giáo, thậm chí pháp luật do triều đình ban hành cũng không tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển. Nhiều Tăng sĩ bị trục xuất, các tượng Phật ở Tây Tạng phải di dời đến Nepal, các tu viện biến thành lò mổ gia súc và quán bán thịt, cấm mọi hoạt động sinh hoạt đại thể liên quan đến Đạo Phật. Đây là pháp nạn đầu tiên của Phật giáo kể từ lúc du nhập và truyền bá vào Tây Tạng.
Đến thời vua Cật Phiêu Song Đề Tán (755-797) đã có những đóng góp to lớn và giúp Phật giáo đi từ ngưng trệ đến giai đoạn phát triển cực thịnh. Nhà vua bảo hộ và đặt nền tảng cho sự hưng thịnh của Phật giáo giai đoạn này. Một trong những sự kiện nổi bật dưới thời của ông là thỉnh mời các Tăng sĩ nước ngoài đến Tây Tạng để hoằng pháp. Điều này là nền tảng xây dựng truyền thống Phật giáo đúng nghĩa thời bấy giờ. Từ khi du nhập giữa thế kỷ thứ VII cho đến thời kỳ vua Cật Phiêu Song Đề Tán, mặc dù Phật giáo đã được truyền bá rộng rãi đến mọi tầng lớp xã hội và hình bóng Tăng sĩ cũng có mặt tại Tây Tạng, nhưng để hình thành một cộng đồng Tăng sĩ có đời sống sinh hoạt tu học đúng với truyền thống Phật giáo như ở Trung Hoa, Ấn Độ thì Phật giáo Tây Tạng chưa thực hiện được. Mãi đến thời vua Cật Phiêu Song Đề Tán, việc sinh hoạt của Tăng sĩ mới có hệ thống rõ ràng, đúng với truyền thống một số quốc gia Phật giáo điển hình.
Đến thế kỷ thứ IX, Tây Tạng có một vị vua trở thành hộ pháp Phật giáo là Ralpacan (815-836) – vua thứ 41 của vương triều Yarlung. Ông không nuôi dưỡng âm mưu đánh phá các lãnh thổ gần Tây Tạng để mở rộng biên giới như một số vị vua trước, mà đặt vấn đề ổn định vương quốc là ưu tiên hàng đầu. Dưới sự trị vì của ông, các hoạt động Phật giáo nổi bật là dịch thuật kinh sách một cách bài bản với nhân lực dồi dào và chuyên môn cao, gồm người nước ngoài đến từ Nepal, Ấn Độ, Trung Hoa, kết hợp với các nhà trí thức trong nước giỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau như: ngôn ngữ, văn phạm. Vua cho mở dịch trường, ban hành chế độ ưu đãi Tăng già. Tất cả đều phát xuất từ niềm tin và sự thành kính của nhà vua đối với Tam bảo. Đây là thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, các hoạt động phiên dịch kinh sách và giao lưu Tăng sĩ được coi trọng.
Tuy nhiên, vua Ralpacan bị Langdarma (836-842) ám hại để cướp ngai vàng. Sau khi lên ngôi, Langdarma cổ xúy ủng hộ Bổng giáo. Do đó, quân vương mới đã ban hành sắc lệnh triệt hạ Phật giáo vô cùng tàn khốc: “Ông cấm chỉ việc dịch kinh thiêu đốt kinh điển, phá huỷ chùa chiền và tượng Phật, ra lệnh bắt Tăng lữ phải hoàn tục, cưỡng bức họ phải làm nghề đồ tể và săn bắn. Phàm vị Tăng nào dám bất tuân mệnh, đều bị giết hại. Nhà vua đã thi hành mọi việc cực kỳ bạo ngược. Cả sự nghiệp mà vua Đề Tán và vua Lại Ba Thiệm xây đắp trong vòng 100 năm, trong một sớm đã bị phá sạch” [3]. Năm 842, Langdarma bị ám sát, tình hình chính trị – xã hội Tây Tạng rơi vào rối ren.
Phật giáo Tây Tạng trong giai đoạn tiền truyền, với sự nỗ lực hoằng truyền của hai cao Tăng Ấn Độ là Ngài Tịch Hộ và Liên Hoa Sanh cùng một số Tăng sĩ khác, đã chứng kiến sự thăng trầm với các nguyên nhân nội sinh và ngoại lực tác động, xuất phát từ những vấn đề xã hội phức tạp của Tây Tạng bấy giờ.
MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN PHẬT GIÁO TÂY TẠNG SUY TÀN
Diễn trình lịch sử phát triển Phật giáo trải qua những giai đoạn thăng trầm khác nhau. Có những giai đoạn Phật giáo cực kỳ phát triển và hưng thịnh, nhưng cũng có giai đoạn Phật giáo lâm vào pháp nạn hết sức điêu tàn, kéo dài hàng trăm năm. Phật giáo Ấn Độ đã có lịch sử rất lâu đời (từ thời Đức Phật vào thế kỷ VI – V Trước Công Nguyên), nhưng đến thế kỷ thứ XII, Phật giáo bắt đầu suy tàn và gần như vắng bóng trong văn hóa tâm linh Ấn Độ.
Phật giáo Tây Tạng cũng chịu pháp nạn tương tự từ thay đổi chính trị – xã hội. Khi Tạng Vương thống nhất đời thứ 30 là Khí Tông Lộng Tán còn gọi là Tùng Tán Cang Bố (Sro-btsan-sgam-po) lên ngôi, đất nước Tây Tạng hưng thịnh. Ông cùng với hai người vợ [4] cổ vũ Phật giáo, truyền bá Phật giáo vào Tây Tạng vào thế kỷ thứ VII. Trải qua trăm năm, Phật giáo gặp phải pháp nạn lớn thời Lãng Đạt Ma và suy yếu. Theo tác giả, sự suy vi này xuất phát từ cả nguyên nhân nội sinh và tác động của ngoại lực.
NGUYÊN NHÂN XUẤT PHÁT TỪ NỘI TÌNH CỦA PHẬT GIÁO
Dưới thời trị vì của vua Ralpacan, Phật giáo chi phối toàn bộ đời sống xã hội chính trị đất nước Tây Tạng. Nhưng đằng sau sự phát triển đó vẫn tồn tại những mặt tiêu cực. Bởi sự ủng hộ, sùng bái của vua Ralpacan nên Tăng già thời bấy giờ được nhiều ưu đãi. Trong Tăng đoàn xuất hiện một số thành phần bất hảo và chính sự tồn tại của các Tăng sĩ bất hảo này đã trở thành đối tượng bị công kích bởi những người không có niềm tin với Phật giáo. Hình ảnh của Tăng đoàn bị tổn hại, quần chúng mất niềm tin vào Tam bảo.
Việc nhà vua cho phép Tăng già thu thuế thập phân cũng khiến nhân dân bất bình. Lịch sử Phật giáo Tây Tạng viết: “thường dân trong bảy hộ chịu trách nhiệm cúng dường cho một vị Tăng” [5] tức 7 hộ gia đình nuôi dưỡng một vị Tăng là một điều chưa có tiền lệ. Điều đó đã thu hút những tầng lớp bất hảo của xã hội vào chùa để được hưởng nhiều quyền lợi. Sự gia tăng số lượng Tăng sĩ đã trở thành gánh nặng cho người dân. Trong chính sách của mình, vì nhà vua quá ưu ái Phật giáo mà không chú ý sâu sắc đến tình cảnh kinh tế, sự phân hóa trong xã hội bấy giờ nên trở thành một thiên kiến, không mang lại lợi ích đồng đều của các bên trong chính giới Tây Tạng. Không phải ai cũng ủng hộ Phật giáo. Một số người chỉ ủng hộ Phật giáo vì tuân phục quyền lực của nhà vua. Một bộ phận Tăng sĩ lợi dụng chính sách ủng hộ của triều đình đã tạo ra tệ nạn trong xã hội. Đấy là những nguyên nhân nội tại đưa đến pháp nạn Phật giáo Tây Tạng vào thế kỷ IX.
TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC TỪ BÊN NGOÀI
Chính sách ưu đãi Tăng già quá lớn của vua Ralpacan động đến truyền thống tín ngưỡng Bổng giáo, từ đó gia tăng mâu thuẫn giữa tín đồ Bổng giáo với Phật giáo. Điều đó dẫn đến sự chống đối của tín đồ Bổng giáo, đứng đầu là những quan lại trong triều đình theo truyền thống này. Họ trở nên kỳ thị Phật giáo, chống đối để bảo vệ quyền lợi và đức tin, vì bản thân những tín đồ Bổng giáo đã giữ gìn và duy trì tôn giáo bản địa vốn gắn kết với người Tây Tạng lâu đời, nhưng không được bất kỳ sự ưu đãi nào từ nhà vua. Sự xung đột chính trị và tôn giáo bấy giờ đã tác động không nhỏ tới Lãng Đạt Ma – người em của vua Ralpacan. Bản thân Lãng Đạt Ma cũng là tín đồ của Bổng giáo [6] nên bị thành phần phe phái trong truyền thống Bổng giáo xúi giục ám hại vua Ralpacan để cướp ngôi.
Sau khi lên ngôi, Lãng Đạt Ma cổ xúy ủng hộ Bổng giáo, cùng với sự tác động của các quan đại thần phe phái Bổng giáo, Lãng Đạt Ma đã ra sức bức hại Phật giáo một cách tàn khốc. “Chính sách tiêu diệt của Lãng Đạt Ma khiến cho Phật giáo Tây Tạng rơi vào tình cảnh khốn đốn, Phật giáo không những được triều đình bảo trợ như trước đây mà tài sản chùa cũng bị tịch thu, trưng dụng, Giáo hội bị đặt ngoài vòng pháp luật, bị phân tán. Thiêu đốt toàn bộ kinh sách, chùa chiền, tượng Phật bị phá hoại, bài phá Đạo Phật suốt năm năm. Lãng Đạt Ma còn bắt Tăng chúng hoàn tục làm nghề mổ thịt [7]. Gần như mọi công trình Phật giáo mà các Tạng vương đời trước gầy dựng bị tiêu diệt hoàn toàn trong tay Lãng Đạt Ma. Sau khi Lãng Đạt Ma bị thích sát, Tây Tạng rơi vào cảnh nội chiến kéo dài hàng trăm năm làm cho đời sống người dân vô cùng cơ cực. Phật giáo khi ấy rơi vào tình trạng khủng hoảng và suy thoái nghiêm trọng, sự pha trộn với tín ngưỡng mê tín Bổng giáo, giáo pháp không còn được hiểu một cách đúng đắn và phương thức hành trì cũng bị sai lệch, dẫn đến Phật giáo Tây Tạng suy vi.
Phật giáo Tây Tạng đã trải qua thời kỳ lịch sử đặc biệt, đi từ hưng khởi đến suy vi là do nhiều nguyên nhân cùng kết hợp. Từ kinh nghiệm lịch sử này, hậu thế có thể rút ra được bài học quan trọng cho sự nghiệp tu học và hoằng dương Phật pháp.
Chú thích:
[1] Đức vua Songtsen Gampo (629-649) – người kiến lập nên vương quốc Tây Tạng và là một trong ba vị Pháp Vương đầu tiên của Tây Tạng; là vị vua đời thứ ba mươi ba trị vì triều đại Yarlung.
[2] John Powers (2007), Introdution of Tibet Buddhism, Snow Lion, Revised Edition.
[3] Pháp sư Thánh Nghiêm, Pháp sư Tịnh Hải, Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới, Nxb Khoa học xã hội, tr.294.
[4] Công chúa Văn Thành (Trung Hoa thời nhà Đường) – Công chúa Ba Lợi Khố Cơ (Nepal).
[5] Pháp Sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch (2013), Lịch sử Phật giáo Tây Tạng, Nxb Phương Đông, tr.85.
[6] Thích Thánh Nghiêm và Tịnh Hải (2008), Lịch sử Phật giáo thế giới, Nhóm biên dịch, Nxb Khoa học xã hội, tr.294.
[7] Trần Quang Thuận (2015), Phật giáo trong dòng lịch sử văn hoá Tây Tạng, Nxb Hồng Đức, tr.164.
Discussion about this post