NHƯ CÓ NHƯ KHÔNG
Nhất Tâm – Quyết Vãng Sanh
Các Phật tử Việt Nam thường xuyên đến chùa, thường để lễ bái, dâng hương, cúng dường, cũng có một số chủ yếu để học hỏi kinh luận… vân vân. Một số Phật tử thì chùa nào cũng thăm viếng, riêng tôi, chỉ đến vài chùa có nhân duyên sâu đậm với gia đình mình. Trong đó, tôi thường xuyên kết thân với một chùa duy nhất, đó là chùa X.
Ngoài quý thầy quý chú ở chùa này ra, tôi có cơ hội quen thân với bác Quẹo, một vị cư sĩ khoảng sáu mươi tuổi, mà bất cứ lúc nào lên chùa tôi luôn luôn gặp bác. Dường như bác cũng là thành viên chính thức của chùa mặc dù bác không có tên trong hộ khẩu của nhà chùa, mà cũng không phải là nhân vật tạm trú – chúng ta có thể nói, bác chỉ là khách thường xuyên và đều đặn, vậy thôi!
Bác Quẹo gọi là ở chùa, có nghĩa là bác ngoài chấp tác chẻ củi, gánh nước, phụ giúp nhà bếp trong việc trai phạn, bác cũng siêng năng chấp trì các thời công phu như quý thầy, quý chú. Quý thầy còn bỏ sót vài ba thời công phu vì bận học thi, ôn thi, lấy chứng chỉ, xã giao lắm việc lu bù, còn bác Quẹo thì không bao giờ – đương nhiên ngoại trừ bị bệnh liệt giường liệt chiếu thì bác phải bỏ công phu. Bác nói với tôi:
– Các thời công phu là mạch máu của mình, là hơi thở của mình. Ngài Trí Quang thượng nhân đã dạy rằng: “Trì tụng 2 thời công phu mà thôi, một đời xuất gia cũng đẹp, khá đẹp. Có nhiều người đã và đang tự chứng minh như vậy.”
Có lần tọc mạch, tôi tò mò hỏi:
– Sao bác không làm thầy tu cho sướng, mà làm cư sĩ công quả như vậy có vẻ cực khổ quá!
Bác cười:
– Tui ở chùa, thì được. Hoặc ai muốn ở chùa cũng dễ ợt thôi! Còn muốn làm thầy tu thì đâu phải là chuyện dễ? Phải từng gieo trồng hằng trăm hàng ngàn nhân duyên đối với tam bảo, mới được khoác áo tỳ-kheo. Ơ kìa, cậu hỏi chi rứa? Tui không nói mô!
Lần khác, trong khi cao hứng nói về các bậc cao tăng gương mẫu đã cống hiến cuộc đời cho sự tồn vong của chánh pháp, tôi thò vào một câu hỏi bất thần để xem bác trả lời ra làm sao:
– Như bác mà lại không làm một ông thầy tu thì… uổng phí quá hỉ?
Tức thì, bác nghiêm trang:
– Đừng nói bậy. Cơ duyên không đến và không đủ. Tại vì… tại vì tôi biết đến Đạo Phật quá chậm. Thật ra… Ủa, mình đã bảo mình không nên nói những việc xa vời như thế mà!
Có một điều quan trọng này là, Tui không làm thầy tu được chẳng qua vì mình không thể thực hành hạnh nhẫn nhục được. Trong cuốn sách mà tui đang đọc có một đoạn hay nhức xương như ri, tui đọc cậu nghe, vì hay quá nên tui thuộc lòng – để cảnh giác bản thân mà thôi.
Sách viết như vậy: “Theo cách nhìn của nhà Phật, nhẫn nhục là khả năng giữ được bình tĩnh, không tức giận, không vội phản ứng khi bị người khác gây sự, làm nhục, đe dọa, tra tấn hay thậm chí làm hại đến tính mạng. Khi bình tĩnh, chúng ta có thể có khoảng trống để lựa chọn cách hành xử sáng suốt, chứ không bị sai khiến và hành xử bằng sự sân hận của chính mình.
“Chúng ta thường cảm nhận được sự mất bình tĩnh và tức giận của mình dưới nhiều hình thức: oán ghét, cay đắng, chỉ trích, than phiền… Và khi hành động bằng những cảm xúc này, ta thường phạm sai lầm và gây đau khổ cho mình lẫn người khác”.
Còn nữa, thêm một đoạn nữa:
“Đức Phật là một tấm gương lớn về hạnh nhẫn nhục mà tất cả chúng ta đều nên noi theo. Nếu thực hành nghiêm túc, bạn cần biết xấu hổ khi vẫn còn giữ lòng sân hận với bất kỳ một ai. Nhẫn nhục là khả năng chấp nhận được mọi thứ đúng như chúng là, thay vì bắt mọi thứ phải như ta kỳ vọng. Khi chấp nhận được như vậy, ta có khả năng kiên nhẫn với sai lầm, thất bại, không hài lòng, thất vọng… mà không từ bỏ điều mình cho là đúng”.
Rồi bác Quẹo kể chuyện:
Cách đây chừng ba mươi năm, tôi là một kẻ hư hỏng của gia đình và xã hội. Hồi nhỏ, tôi được cha mẹ giàu sụ, bảo bọc từ A đến Z. Lớn lên… vợ nuôi ngày 3 bữa có rượu thịt no nê. Lớn lên chút nữa thì bầy con gái cho tiền rủng rỉnh đủ tiêu xài vô tội vạ. Bây giờ, khi đã thức tỉnh lẽ đời, tu hành lai rai, thì tui lại được chúng sanh và… nhà chùa nuôi nấng. Chấm Hết.
Để tôi kể chuyện đời tôi từ ba mươi năm trở lại. Cậu nghe cho vui, chứ đừng có cười ngạo. Sự thật vẫn là sự thật, cần chi phải dấu giếm. Hà hà… Nếu có gì quá đáng, không đúng sự thật, thì xin cậu bỏ qua cho tui nhờ…
Lần nọ, tôi lén mở tủ định thuổng một ít tiền để gầy sòng đánh bạc, nhưng không trót lọt. Sau đó, mụ vợ chì chiết dữ dội chẳng khác chi chà bàn chải lên mặt. Không còn đường nào khác, tôi lẳng lặng vác khăn gói lên chùa. Ở lì cả nửa tháng.
Lần khác tôi cùng bốn thằng bạn thuộc dân bợm chính cống chơi tới tám lít đế. Say quắt cần câu và quậy suốt đêm. Hàng xóm bực mình, gọi cảnh sát. Cuối cùng tôi và các chiến hữu bị nhốt ba ngày, chỉ được tạm tha khi có chữ kí bảo lãnh của bà chằng. Tôi giở trò cũ, lên chùa nằm vạ.
Lần khác nữa, tôi léng phéng tỏ tình với cô láng giềng, hẹn hò rủ nhau tắm biển, mụ vợ cùng bầy con gái bắt tại trận, hết lý do cãi chày cãi cối. Quá xấu hổ, tôi làm mặt giận, đạp xe lại lên chùa.
Đối với tôi, chùa là nơi trú ẩn an toàn đệ nhất. Nơi mà ta có thể trốn tránh ba cái sự đời oái ăm tréo cẳng ngỗng, lâm li bi đát, khiến não lòng tím gan tím ruột. Chùa như vòng tay rộng lượng của bà mẹ luôn luôn dang ra để chào đón những đứa du tử trở về.
Chùa nghĩa là nơi dung nạp tất cả mọi thành phần mà không tra xét lý lịch (Đây là nói chuyện ngày xưa!). Ôi, cái bóng từ bi của Đức Phật sao mà dễ chịu, bao dung đến thế. Về phần tôi, được thầy trụ trì cưng chìu, tôi trở nên phách lối. Ăn no rồi ngủ. Ngủ suốt ngày, đến bữa cơm có mấy chú gọi dậy. Rồi lại ngủ tiếp. Nhưng, ngủ hoài hủy thì đâu có được? Bưa mắt thì thôi chứ.
Tôi đành thả rong một vòng quanh làng, xem thử gặp con bé nào khơ khớ mà nghễ cho đỡ rầu. Chậc, gái nhà quê chân đất dù đốt đuốc ban ngày kiếm cũng không ra. Chúng nó bận rộn việc lúa má, nấu cơm kho cá, chứ đâu có rảnh mà nhơn nhơn để ta nghía ngắm lai rai? Thất vọng, tôi định kiếm xó quán cóc nào tợp vài xị một mình mà cảm thán nỗi cô đơn vĩ đại đang bấu xé ruột gan thành những bài thơ bất hủ cho nền văn học nước nhà. Đang lúc loay hoay lựa chọn một quán rượu nào trữ tình để nhâm nhi mà sản xuất những tác phẩm lưu truyền hậu thế và ghi vào văn học sử, thì tôi chợt sờ túi quần té ra mình chẳng mang xu teng nào cả. Lạ nước lạ cái ai mà cho ký sổ. Thôi đành ca bài tẩu mã. Rút lui cố thủ tại… chùa, tức là ngủ nữa, hoặc đi ra đi vô, cố tránh đụng đầu mấy chú điệu. Ờ, lỡ va phải mấy chú điệu ắt là đau điếng vì mấy ổng đâu có tóc?
Để giết thì giờ thiệt mau lẹ, thần tốc, chớp nhoáng, tôi rủng rỉnh rảo một hai ba vòng quanh vườn chùa. Tôi bứt hoa bẻ lá, rồi hái mấy trái khế ngọt nhấm nháp cho đỡ ghiền. Chà, ổi xá lỵ nữa. Nào sa-pô-chê hườm hườm, tôi đều ngắt xuống nhai rau ráu, cả những trái bứa xanh chua lè chua lét. Khi mà trái cây trong vườn chùa bị vặt trụi lụi thì tôi thất nghiệp, chả biết kiếm việc gì để quậy cho qua những khoảng trống rỗng.
Cuối cùng, tôi phải kiếm dăm ba tạp chí tào lao đọc cho đỡ trống trải. Đại loại như Phổ thông, Thời nay, Văn, Tuổi xanh, Tuổi xồn xồn, Phụ nữ ngày mai… tôi đều vơ vội mà ngấu nghiến mặc dù chẳng biết đọc để làm chi. Bởi vì đọc quá lẹ nên những tòa báo xuất bản không kịp, tôi đành lân la sang tủ kinh sách của thầy trụ trì. Thật ra, chỉ toàn là kinh sách tặng biếu mà thầy dẫu có thiện tâm thiện chí cũng không bao giờ ghé mắt nhìn qua, vì những duyên sự cúng kỵ, tiếp khách, kinh doanh đã chiếm hết thời gian quá ư ít ỏi của thầy.
Như vậy, tôi đâm ra ghiền xem sách, đọc kinh hồi nào chẳng rõ. Điều khiến tôi kinh ngạc hết sức là: té ra đạo Phật huyền diệu, uyên áo biết bao! Hèn chi những người trẻ tuổi sẵn sàng vứt bỏ cả tương lai đầy hứa hẹn mà cạo đầu trọc lóc, vận nâu sồng, thoát ly gia đình, bồ bịch, bỏ cả tài sản, danh vọng để tìm cầu chân lý, thông qua những kinh điển còn tàng trữ trong Đại tạng.
Như cậu bé A-la-đin lạc vào một kho tàng chứa đầy châu báo óng ánh, rực rỡ, với vô số ngọc ngà, kim cương, hổ phách mã não, san hô, xà cừ… tôi vô cùng thích thú đến ngỡ ngàng khi bước vào thế giới kinh điển nhà Phật. Nào đại thừa, tiểu thừa. Nào ba thời tám giáo, tạng, thông, biệt, viên. Nào xe dê, xe hươu, xe trâu, xe trâu trắng. Nào bát-nhã, nào trung quán, duy thức, hội tam quy nhất. Thực sự tôi sửng sốt choáng ngợp trước gia tài đồ sộ, uẩn súc, phong phú, và dĩ nhiên vô cùng quý báu mà Phật-tổ để lại cho chúng sanh.
Tôi ráo riết học chữ Nho một cách say sưa dường như không một sức mạnh nào cưỡng lại nổi. Từ đó, tôi vô cùng ân hận về sự hoang phí thời gian, sức lực, tuổi xuân của mình vào những chuyện tào lao dịch bọp trước đây. Sờ lên đầu, tóc lốm đốm ngả màu bông gòn, tôi lại càng dụng công gắt gao hơn nữa, lúc nào cũng thở than với chính mình là đã quá muộn, nhât là khi nhìn lên tủ kinh với hơn 100 cuốn Đại tạng như một mảnh đất màu mỡ mà mình chưa khai phá, như một khung trời rộng lớn mà mình chưa bay đến tận cùng, như một cánh rừng bạt ngàn mà mình chắc chắn phải lặn lội và dò dẫm một cách hạnh phúc.
Tôi thực sự ăn ngủ, hít thở, nô đùa và rong chơi cùng những thánh nhân, triết gia, hiền giả… ngày này qua ngày khác mà không bao giờ biết chán mệt. Lũ bạn bè nhậu nhẹt cờ bạc, gái ghiếc tự nhiên tránh xa dần. Những lạc thú trần lụy, nhầy nhụa tự nhiên chẳng còn hấp dẫn nữa. Đúng như đức Khổng tử khi nghiên cứu Kinh Dịch đến độ ba lần rách gáy sách thì ngài nếm mùi thịt cá cũng không còn cảm thấy ngon dở.
Như vậy, ngoài những thời khóa niệm Phật rục rã, niệm chết bỏ, niệm tha thiết khẩn trương như ngày mai mình lìa bỏ cõi đời lục cục này, tôi chỉ còn một việc duy nhất là: nghiên cứu Đại tạng và trầm tư về những đề tài tư tưởng mà mình theo đuổi. Bởi lẽ chưa hề có ai thâm nhập Đại tạng mà không niệm Phật cả.
Các người học Phật sẽ dễ dàng phát hiện một chân lý rất xưa cũ, và cũng rất vĩ đại, vĩnh cửu, đó là: mọi con đường Phật pháp đều đồng quy một điểm: Niệm Phật, Niệm công đức Phật, quán niệm tướng hảo của Phật, mà trong đó thì xưng niệm hồng danh Như Lai là thù thắng đệ nhất. Do vậy, từ một học giả đam mê nghiên cứu, tham bác Đại tạng, tôi đã trở thành hành giả niệm Phật tự hồi nào chẳng hay.
Lớp bằng hữu chí cốt bỗng nhìn tôi như thằng hủi đóng trò. Mụ vợ thầm đánh giá tôi như thằng điên. Ai nấy đều dò xét tôi với ánh mắt nghi ngờ pha lẫn chút ganh tỵ. Nhưng, cóc cần. Tôi chẳng ngán gì sất, vì thi sĩ Hoa Mặc Nhiên bảo: “Mặt đất ung thư, phố phường ung hủi, vườn ruộng ho lao, tâm thần lẫn Si-da cả học đường, cơ quan giáo xứ”.
Cho nên tôi phải tự cứu mình bằng những hớp cam lộ tự miền tịnh độ. Và càng ngày tôi càng cảm thấy Liên trì gần gũi, thân thương như những tờ kinh trinh nguyên thơm phức những hàng chữ thiêng liêng, thánh thiện.
Bây giờ, chùa không còn là lô-cốt an toàn để tôi trú ẩn nữa, mà dưới mắt tôi, chùa phải là một thao trường để huấn luyện những vị Phật tương lai, và nhà chùa là một Đại học đường khiêm tốn, âm thầm đào tạo những người học Phật chân chính, kiêm hành giả quyết tử cho pháp môn niệm Phật. Chấm Hết.
* * *
Nhưng, (thật là đau khổ cùng tột khi phải viết ra những dòng này) niềm lạc quan sâu sắc và lớn lao của tôi đột nhiên bị vỡ tan như bọt xà bông Sài Gòn gặp phải ánh nắng mặt trời, lúc tôi bắt gặp một sự thật chua xót đến độ có thể lấy ngọn dao cau cắt phăng cần cổ: sự thực đó là, tất cả mọi ông thầy tu đều không bao giờ đọc kinh (hiếm khi sờ tới kinh điển, mà luôn luôn sờ tới Ipad hoặc Iphone)!
Từ một chú điệu tập tễnh tán tụng, đến một ông sa di vừa khoác y vàng hay một vị tỳ kheo lão làng nhiều vai vế, cả đời không bao giờ rớ tới cuốn kinh. Đối với họ, dường như kinh điển là kẻ thù nguy hiểm đối với cuộc sống. Và họ dị ứng kinh điển như kẻ trộm cướp dị ứng công an, cảnh sát.
Ôi, tội tình làm sao cho đức bổn sư khi con cháu dòng Thích ngủ quên trên tri kiến Như Lai.
Bị hụt hẫng chẳng khác nào người lính chiến mải mê xung phong bỗng rơi sụp xuống hố thẳm toàn là mìn claymore dày đặc, tôi đau điếng người tưởng chừng như trên cõi đời này không còn thứ gì có thể đau đớn hơn.
Hơn cả bị thiến. Hơn cả bị vợ bỏ. Hơn bọn phạm nhân trước vành móng ngựa nghe “Quý Tòa” tuyên bố bản án tử hình.
Tôi mất ăn bỏ ngủ suốt cả tháng ròng, ngày nào cũng ngồi thừ người nhìn sững vào bức tượng Bổn-sư cùng tủ kinh Đại tạng mà tự hỏi, phải chăng Ngài cùng lời dạy của Ngài đang trở nên vô tác dụng trong thế giới đảo điên, hoang vắng đến cùng cực này?
Tôi hóa ra kẻ lạc lõng ngay chính trong quê hương của đạo Phật. Một xứ sở thường tự hào rằng, đây chính là cái nôi của đạo Phật suốt một ngàn rưỡi năm qua.
Tôi nói quá cường điệu chăng?
Không! Bạn hãy nhìn vào chùa X hoặc chùa Y, chùa Z chẳng hạn. Ngoài những vị lớn tuổi thuộc cha chú quanh năm tíu tít với việc hành nghề tang mõ, sớ điệp, những vị tuổi trẻ thì đua đòi học Anh văn, Trung văn, như là thứ thời trang bắt mắt nhất của người tu sĩ thời đại. Suốt mấy năm liền, cả ngày bận bịu với học toán, lý, hóa, sinh và học tiếng Anh, tiếng Trung giản-thể. Rãnh thì cầm ngay Iphone. Có mấy khi cầm cuốn kinh đâu?
Đã thế, cả hai thời khóa công phu cũng bị phế bỏ luôn, vì lý do rất chi là chính đáng: bận học, bận thi, bận lấy chứng chỉ vân vân… Bằng cấp và năng lực Hoa ngữ, Anh ngữ dường như là điều kiện tiến thân ngay cả trong giới xuất gia ư?
Thành quả của cái học thế gian, là thước đo duy nhất cho sự thể hiện tâm linh chăng?
Cùng chia xẻ những cảm thức nầy thì có chú Lý. Theo chú Lý, chúng ta rất hiếm khi bắt gặp một người xuất gia đang cầm cuốn kinh. Đó là một sự thật bi thảm đến độ ứa nước mắt.
Tôi dám đánh cuộc với chú rằng: rồi sẽ có một ngày đẹp trời nào đó, những người xuất gia chắc chắn phải có những sinh hoạt liên hệ tới kinh điển nhà Phật.
Chú Lý cười, nói chắc như đinh đóng cột:
– Không, bác Quẹo ơi, đừng ảo tưởng mà lộn cổ xuống ao, họ không hề quan tâm gì tới cuốn kinh nào hết. Họ vô cùng đa năng đa hiệu, tháo vát và xông xáo trong mọi lĩnh vực, ngoại trừ… nghiên cứu và đọc tụng kinh điển!
Tôi làm quen với quý thầy và để ý nếp sống hàng ngày của quý thầy.
Như thầy K chẳng hạn. Không bao giờ thức dậy sau bảy giờ sáng. Đi học Anh ngữ đến trưa. Chiều thì đi tới bước lui trong sân với cặp earphone cập kè bên hai lỗ tai. Thậm chí lúc ăn cơm, hoặc quở mắng mấy chú điệu, khi nào cũng lè kè… cái Iphone! Khiến tôi tưởng tượng ra hình ảnh của tu sĩ tương lai là một rô-bốt trọc đầu, trên đỉnh đầu là cần ăng-ten, hai tai choàng cặp earphone, trước ngực là màn hình vi tính. Tu sĩ rô bốt này sinh hoạt theo những bộ óc diện tử được điều hành theo chương trình soạn thảo từ trước!
***
Thế mà, buổi trưa nọ trời hanh hanh nắng, tôi bắt gặp thầy K. ngủ trưa với một cuốn kinh dày cộm che trên mặt. Mừng quá. Tôi vội vàng kéo chú Lý đến, hí hửng:
– Chú thua cuộc rồi, chắc chắn, bữa nay tôi thấy thầy K. đọc kinh!
Chú Lý trừng mắt nhìn tôi như nhìn quái vật từ ngoài vũ trụ xuất hiện:
– Bác Quẹo nầy nhiều khi cũng hồ đồ đó chứ! Đôi mắt bác có bị đục thuỷ tinh thể không? Tui thì không thể tin được!
Tôi nổi dóa, cãi:
– Chính mắt tôi nhìn thấy thầy K. úp mặt bằng cuốn kinh dày, bìa cứng, gáy mạ vàng đàng hoàng. Chú không tin ư?
Vừa nói, tôi nắm lấy tay chú Lý kéo đến cạnh giường thầy K.
Ô kìa, thầy đang thở đều đặn trong tư thế thoải mái. Và điều quan trọng nhất đối với tôi là: cuốn kinh dày, bìa cứng, gáy mạ vàng đang úp trên khuôn mặt đờ đẫn của một thanh niên dư thừa sinh lực. Tôi sung sướng đến độ muốn hét vang, muốn la thật to với nỗi xúc động đang trào dâng cả buồng tim lá phổi.
Nhưng, chú Lý vẫn bình tĩnh, đeo cặp kính cận vào, ghé mắt nhìn.
Chú cười hì hì, rồi đưa tay nâng nhẹ “cuốn kinh” lên dí sát khuôn mặt nhơn nhơn của Trần Quẹo pháp danh Nguyên Hoài này.
Tôi bật ngửa. Tá hỏa tam tinh. Té ra đó là chiếc Ipad đời 007, loại máy tính bảng lớn nhất, hoàn hảo nhất, tối tân và đắt giá nhất, muốn mua phải đăng ký trước 06 tháng, bảo hành 3 năm…
***
Bác Quẹo vừa kể xong, tác giả (bài viết này) hét toáng:
– Láo toét, làm gì… có một vị tỳ kheo như thế
Bác liền cười:
– Vâng, tôi chân thành ước mong rằng, câu chuyện vừa rồi chỉ là lời nói chơi cho vui, hoặc là lời bịa đặt của một kẻ mộng du giữa ban ngày mà thôi. Khà khà…
– Ước mong sao quý thầy vẫn muôn đời xem kinh điển là lẽ sống của người xuất gia, phải không? Chứ không phải là Iphone hay Ipad gì hết…
NHẤT TÂM – QUYẾT VÃNG SANH
Discussion about this post