NHƠN QUẢ TRONG ĐẠO PHẬT
Thiện Phúc
Từ vũ trụ cho đến Thái Dương hệ của chúng ta, không có cái gì xãy ra một cách ngẫu nhiên, mà tất cả đều có định luật. Đó là định luật thiên nhiên, âm thầm, lặng lẽ, nhưng vô cùng đứng đắn. Cũng như không có một sự vật gì tự nhiên mà có. Lại càng không có một bàn tay nào, dù là thiêng liêng cách mấy, mạnh mẽ cách mấy, lại có khả năng tạo dựng ra. Tất cả sự vật đều cần có đủ điều kiện mới sinh được. Theo đạo Phật, điều kiện ấy là nhân sanh quả. Muốn có bánh mì thì phải trồng lúa mì; phải có người nông dân, nhà máy xay lúa, người thợ bánh mì, người bán bánh mì… Ngoài ra còn vô số điều kiện phụ khác nữa. Nếu thiếu một trong những điều kiện ấy, sẽ không có bánh mì. Nếu nói như vậy thì có người sẽ thắc mắc do đâu mà có hạt lúa mì? Cũng giống như có người đã từng hỏi do đâu mà có cái trứng gà? Xin thưa nếu ai đó đã biết qua về nhơn sinh quan của Phật giáo thì sẽ không có cái thắc mắc ấy đâu.
Câu trả lời sẽ là đơn giản thôi. Theo Phật giáo nhơn sinh quan, thì cái gì trên cõi đời nầy cũng đều cấu tạo bởi bốn thứ lớn là đất, nước, lửa, và gió. Thiếu một trong những thứ nầy là sẽ không có một sự thành hình nào cả. Ngoài những thứ nầy ra không còn thứ nào khác hơn trong vũ trụ nầy; tuy nhiên, chúng ta không nên hiểu một cách cạn cợt về bốn chữ đất, nước, lửa, và gió nầy. Mà phải hiểu một cách rộng rãi. Đất bao gồm những chất hữu và vô cơ. Nước bao gồm toàn bộ những chất lỏng. Lửa ở đây nói chung về nhiệt độ, nóng, lạnh, ẩm… Nói đến gió ta phải hiểu là không khí và sự khác biệt về áp suất của không khí. Hiểu như vậy thì ta mới thấy được cái Tứ Đại mà Đức Phật đã nói có một hàm nghĩa rất là sâu rộng. Thấy như vậy ta mới hiểu tại vì sao mà có hạt lúa mì, hoặc tại vì sao mà có cái trứng gà. Xin nhắc lại, bắt đầu từ hư không, nhờ vào Tứ Đại, nghĩa là nhờ vào những chất hữu và vô cơ, rồi thì, nước, độ ẩm, và không khí cũng như áp suất của nó mà tạo ra những mầm sống, rồi sau đó những mầm sống nầy mới nẩy sinh ra thực vật hoặc động vật.
Ai dám nói có thần linh nào đó làm được bánh mì? Nếu quả thật mà có như vậy thì cái thế giới nầy đâu có thế gọi là thế giới Ta Bà được, mà phải gọi là thế giới của thần linh hay là một cái tên gì khác ấy. Theo Phật giáo, tất cả những điều kiện tạo ra bánh mì được gọi là nhân và bánh mì chính là cái quả. Không cần phải lấy những thí dụ cao xa. Hãy nhìn một học sinh muốn đậu vào Đại học; học sinh nầy phải trì chí, siêng năng, học nhiều môn như Toán, Vật Lý, Sinh Ngữ, Khoa Học… Từ cái nhân là sự trì chí, siêng năng, đến những môn hoc… mới có cái quả là thi đậu vào đại học.
Nếu mà xét cho tường tận từng vấn đề một, thì thôi biết là bao nhiêu cái nhân mới tạo thành cái quả. Như cái quả là ổ bánh mì để trên bàn mà ta vừa nói trên đấy. Ngoài những nhân chính ra, nó còn lệ thuộc vào vô số những yếu tố khác như nắng, mưa, gió, bão, chuyên chở…Cái đó trong đạo Phật gọi là trùng trùng duyên khởi. Đó là nói về vật chất, chứ nếu nói về con người thì nhơn quả còn phức tạp hơn nhiều. Nếu bàn rộng về nhơn quả thì không biết đến chừng nào mới xong. Ở đây chỉ nói đại cương.
Bây giờ ta hãy định nghĩa sơ qua về nhơn quả. Nhơn là nguyên nhân, còn Quả là kết quả. Nhân là cái mầm, còn quả là cái hạt, cái trái do mầm phát sinh ra. Nhân quả là hai trạng thái nối tiếp nhau. Nếu không có nhân là không có quả. Nhân thế nào thì quả thế ấy. Trồng dưa thì được dưa, mà trồng đậu thì được đậu. Người học chữ thì biết chữ; mà người học sửa xe thì biết sửa xe. Tóm lại nhân bao giờ cũng đồng loại với quả, hoặc quả bao giờ cũng đồng loại với nhân. Cái câu tóm tắt nầy bao trùm tất cả những gì mà chúng ta sẽ nói sau nầy về luật nhơn quả của đạo Phật. Một nhân không bao giờ sanh ra quả mà phải do sự trợ giúp của nhiều nhân duyên khác nữa. Chẳng hạn như đem hạt lúa mà gieo trên đá thì hạt lúa sẽ không nẩy mầm. Muốn cho nó nẩy mầm, thì ta phải gieo nó ở một chỗ đất, có đầy đủ nước, không khí và ánh sáng, cũng như phải có người biết cách gieo mạ…
Trong nhân có quả, trong quả có nhân. Trong trái xoài có hột xoài, cũng như trong hột xoài có mầm của trái xoài vậy. Trái xoài đối với quá khứ thì nó là quả, chứ đối với tương lai thì nó lại là nhân. Sự phát triển của nhân mau hay chậm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài. Nhân quả là luật áp dụngchung cho mọi loài từ vật vô tri giác, đến thực vật, động vật và con người. Thí dụ như gió thổi nước thành sóng; nước quá lạnh sẽ đông lại thành băng; hạt cam, hạt bưởi sanh cây cam, cây bưởi, rồi trái cam trái bưởi. Chim sanh trứng là nhơn; trứng nở thành chim con, ấy là quả.
Nói về con người, có hai loại nhơn quả:
Thứ nhứt là nhơn quả vật chất: Cha mẹ và hoàn cảnh là nhơn, sanh con ra là quả.
Thứ nhì là nhơn quả tinh thần: Những tư tưởng hành vi trong quá khứ là nhân sẽ tạo ra quả là tánh tình, tư tưởng và hành động của hiện tại. Đức Phật đã dạy rằng: “Cứ nhìn những gì ta đang làm thì sẽ biết trong tương lai ta sẽ đi về đâu.” Theo luật nhơn quả thì hễ tham là phải chịu cái quả tù đày khổ sở. Sân si thì phải chịu cái quả là trí huệ u-ám. Hễ kiêu mạn thì phải chịu cái quả là cô độc lẻ loi, vì đâu có ai dám đến gần. Hễ si mê cờ bạc thì cái quả phải là tán gia bại sản. Ngược lại nếu ta không tham lam bỏn xẻn thì tâm trí thảnh thơi; không nóng giận thì gia đình êm ấm, chồng vợ thuận hòa; không kiêu mạn thì bằng hữu thương yêu; không bạc bài thì cửa nhà êm ấm.
Tóm lại luật nhơn quả trong đạo Phật là cái gì vô cùng khoa học, không mê tín dị đoan, không có bất cứ thần quyền nào có thể can dự vào luật nầy. Luật nhơn quả cho chúng ta thấy một cách thực tiển thực trạng của sự vật. Nó rõ ràng như ban ngày; hễ gieo cam thì được cam; gieo bưởi thì được bưởi, thế thôi. Do chính bởi lòng tin ở luật nhơn quả nầy mà người Phật tử luôn tin tưởng rằng mình chính là những người thợ tự xây dựng cuộc đời của mình. Xây khéo thì mình hưởng, xây vụng thì mình phải chịu. Luật nhơn quả là một yếu lý khác của Phật giáo giúp cho Phật tử không ỷ lại vào bất cứ ai. Một khi đã biết mình là quan trọng thì chỉ còn việc hãy tự cố gắng mà sửa mình. Là Phật tử, làm việc gì cũng phải luôn nhớ rằng:
“Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì.”
Nghĩa là phàm làm việc gì cũng nên nhớ đến cái quả của nó, quả ắt phải đến, sớm hoặc chậm thôi. Nhớ như vậy để ta cân nhắc từ lời ăn tiếng nói. Nếu tất cả Phật tử đều làm được như vậy thì chẳng bao lâu sau, tất cả những người con Phật sẽ gặp nhau trên đất Phật để cùng nhau chia xẻ gia tài của Phật là thanh tịnh và giải thoát.
Trích từ sách: Nhân Quả (sắp xuất bản bởi nhà xuất bản Ananda Viet Foundation)
Discussion about this post