NHÂN “NGÀY TÀN CỦA PHẬT GIÁO”
GÓP Ý THÊM VỀ CHUYỆN CƯ SĨ NƯỚC TA
Nguyễn Kha
Bài
điểm sách “Kế
hoạch về ngày tàn của Phật giáo” (Planning the
demise of Buddhism) của tác giả Allen Carr được phổ biến trên
LankaWeb.com,
và sau đó được Việt dịch lại trên một số trang Web Phật
giáo trong tháng Bảy vừa qua, đã làm cho một số Phật tử
… giật mình ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì nội dung của bài
điểm sách nầy nhằm cảnh báo về một kế hoạch tinh xảo
và hiệu quả của các nhóm Tin Lành tây phương, đặc biệt
là tổ chức Asia Harvest(Mùa
gặt Á châu)[1] có trụ sở tại Mỹ, đang tìm cách “cải
đạo” Phật tử ở các nước Á châu mà Việt Nam, với hơn
10 triệu Phật tử và gần 50 triệu người chịu ảnh hưởng
văn hóa Phật giáo, là một trong 7 quốc gia đối tượng bị
nằm trong tầm nhắm của họ.
Sau
đó, ông Trần
Chung Ngọc ở nước ngoài đã có bài phân tích hiện
tượng “cải đạo” nầy. Đặc biệt, lại có ông Minh
Ngọc ở trong nước phản hồi bài viết nầy của
Allen Carr bằng một cách tiếp cận rất khoa học là “xét
người thì cũng nên ngẫm lại ta” để mô tả những
““hạn chế và yếu kém” của Phật giáo Việt
Nam hiện nay, khiến chúng ta trở thành đối tượng “cải
đạo” hấp dẫn của các nhóm Tin Lành. Ông liệt kê bốn
lãnh vực bất cập:
– Hoằng
pháp: Không thu hút giới trẻ, chùa chiền thưa thớt
xuống cấp, tu sĩ quá ít, Phật sự tẻ nhạt đìu hiu.
–
Tác
phong tu sĩ: Trên tay phì phèo điếu thuốc, quá thân
mật với nữ Phật tử, phát ngôn linh tinh, xuyên tạc chính
trị.
–
Hình
ảnh ngôi chùa: Nhà chùa là cơ sở kinh doanh, nơi buôn
thần bán thánh mê tín dị đoan.
–
Gia
đình Phật tử: Quá yếu về số lượng và chất lượng.
Cả miền Bắc không có nỗi một đơn vị.
Rõ
ràng là ông còn có thể kể thêm nhiều lãnh vực nữa. Cũng
rõ ràng là bất kỳ một Phật tử nào cũng có thể nối tiếp
ông để kể ra hàng trăm chứng cớ khác, hàng chục lãnh vực
khác về tình trạng yếu kém của Phật giáo Việt Nam hiện
nay. Ngoài ra, có lẽ vì khuôn khổ giới hạn của bài viết
nên không thấy ông đề cập đến điều quan trọng nhất
là nguyên nhân nào khiến xảy ra tình trạng nầy,
dù cả nôi dung và văn phong đều bộc lộ một cách khẩn
thiết mối quan tâm to lớn của tác giả. Nhưng điều
tôi đồng cảm nhất, do đó chia sẻ hoàn toàn, với tác giả
là ông không viết vì muốn tranh đua dành dựt tín đồ với
thiên hạ (đạo Phật làm gì có truyền thống đó !) mà vì,
nhìn vào bức tranh nhếch nhác của Giáo hội hiện nay,
ông đã vì chính Giáo hội đó mà lo âu cho tiền đồ của
Phật giáo Việt Nam.
Thật
ra, đi tìm nguyên nhân của tình trạng “hạn chế và
yếu kém, … tẻ nhạt và đìu hiu” hiện nay của Phật
giáo Việt Nam là một chuyện vừa dễ vừa khó. Dễ vì có
quá nhiều nguyên nhân nhìn đâu cũng thấy, và khó cũng vì
có…quá nhiều nguyên nhân không biết phải bắt đầu từ
đâu ! Cho bài viết ngắn nầy, người viết xin chọn một
nguyên nhân mà ai cũng đồng ý, ai cũng thấy rõ, và đã được
nêu lên nhiều lần: Đó là sự vắng mặt khó hiểu của
một tập thể Cư sĩ trong lòng giáo hội.
Trước
hết, theo số liệu của Giáo hội và chính phủ, hiện nay
nước ta có khoảng 17.000 ngôi chùa, tự viện, tịnh thất,
niệm Phật đường, cơ sở Phật giáo (như Viện nghiên cứu,
Câu lạc bộ, Cơ quan truyền thông, tổ chức từ thiện, …).
Cứ cho là mỗi đơn vị như thế trung bình có 10 nam nữ cư
sĩ, những Phật tử thuộc mọi thành phần và đẳng cấp
xã hội, sống chết với đạo, không gọi cũng đến,
không bảo cũng làm. Như vậy, chúng ta có một lực
lượng hộ pháp khoảng 170.000 cư sĩ. Gấp 3 lần số Tăng
Ni, và bằng 1/60 số lượng Phật tử cả nước (nghĩa là
cứ 60 Phật tử thì có một cư sĩ, một tỷ lệ có thể tạm
chấp nhận được về mặt thống kê cho trường hợp nước
ta ).[2]
Nhưng
17 vạn cư sĩ đó không phải là một “tập thể”. Họ hiện
diện trong cuộc sống của Phật giáo Việt Nam như một trong
“tứ chúng” truyền thống, mang tính cọng sinh
đặc thù của Phật giáo hơn là một thành phần có tính vận
động và được đoàn ngũ hóa (chặt hay lỏng) trong cơ
cấu Giáo hội, dù Giáo hội có hẳn một ban bệ nhân danh
họ. Tuyệt đại đa số đến chùa làm Phật sự, nhiệt tình
hoạt động trong các công tác nghi lễ hay từ thiện xã hội,
tham gia hội thảo và viết những công trình nghiên cứu, …
là vì ngôi chùa đó, vì đạo hạnh cá nhân vị Tăng
Ni trú trì đó, vì bản chất sinh hoạt đó chứ không phải
là kết quả của một chánh sách nhân dụng quy mô của Giáo
hội. Tại vì không có giáo hội thì họ cũng xả thân làm
Phật sự thôi.
Cho
rõ hơn và công bằng hơn, vì Giáo hội không phải là
một Tăng đoàn theo nghĩa nguyên thủy thời Đức Phật nên
sự tham dự của Cư sĩ trong Giáo hội thời nay không bị ràng
buộc bởi những giới hạn theo Phật chế ngày xưa, do đó
hiện nay không phải không có thành phần cư sĩ trong cơ cấu
hành chánh cũng như trong hoạt động chính thức của Giáo
hội.. Nhưng tuyệt đại thiểu số nầy[3] có đủ tính đại
diện tương xứng với số lượng và phẩm chất của
17 vạn cư sĩ toàn quốc không, có được tham gia
vào quy trình quyết định chính sách và triển khai kế hoạch
không, tiếng nói có trọng lượng trong những vấn
đề to lớn liên hệ đến sinh mệnh của Phật giáo Việt
Nam không. Hay chỉ được quyền “y giáo phụng hành” trong
các sinh hoạt cờ quạt xênh xang nặng tính hình thức.
Chúng
ta thử xét ba lý do thường được nhắc đến để “biện
hộ” cho tình trạng khiếm diện nầy của tập thể Cư sĩ:
Thứ
nhất, Truyền thống Phật
giáo Việt Nam là như thế –
Lịch sử Phật giáo Việt Nam có một số giai đoạn lịch
sử là như thế thật, nhưng truyền thống Phật giáo Việt
Nam thì không, nội dung giáo lý của Đức Phật và chư Tổ
lại càng không. Xa xưa, xin hỏi cụ Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Gần hơn, xin hỏi cụ Lê Đình Thám hay cụ Thiều Chửu trong
phong trào chấn hưng Phật giáo vào những năm 30 của thế
kỷ trước. Gần hơn nữa, xin hỏi những Cư sĩ tóc đã muối
tiêu của cả một thế hệ 1963-1966 tại miền Nam thì rõ.
Vã lại, ngay cả có một truyền thống như thế chăng nữa,
thì trong ba tạng kinh điển, có điều nào cấm chúng ta từ
bỏ một truyền thống đã lỗi thời, phi chánh pháp và gây
nhiều bất cập không ?
Thứ
nhì, Nhà nước không muốn
sự hiện diện của một tập hợp quần chúng đông đảo
và có tính tổ chức như thế
– Điều nầy chỉ đúng một nửa. Cấu trúc chính trị và
vận hành xã hội của nước ta thật sự là chưa phù hợp
cho sự hình thành một tập hợp Cư sĩ quy mô như thế, và
vì vậy mà chúng ta đã bị động hòa nhập vào cuộc sống
như nó đang là. Nhưng “chưa” bây giờ không có nghĩa là
“không” trong tương lai. Những đột phá và khai mở về
mặt chính sách, kể cả chính sách tôn giáo nói chung và đối
với Phật giáo nói riêng của chính phủ, trong tiến trình
phát triển đất nước để hội nhập vào cộng đồng thế
giới trong thập niên vừa qua, đã cho thấy giới lãnh đạo
Việt Nam đang chủ động cỡi lên một xu thế chính trị –
kinh tế sẽ làm thay đổi cấu trúc xã hội nước ta, trong
đó một xã hội dân sự chắc chắn sẽ thành hình, tạo tiền
đề cho sự ra đời của các tổ chức dân sự. “Đồng hành
với dân tộc”, trong trường hợp nầy, có nghĩa là ngay từ
bây giờ Phật giáo Việt Nam đã phải chuẩn bị để chững
chạc hiện diện trong xã hội dân sự đó, mà bước đầu
là thai nghén một tập hợp cư sĩ đúng nghĩa, từng bước
triển khai và kiện toàn nó theo với và cùng với tiến độ
tăng trưởng của xã hội dân sự đang từng ngày hiển thị
trong xã hội hôm nay.
Thứ
ba, Bản thân những Cư
sĩ Việt Nam không muốn hình thành một “tập thể” cho chính
mình – Điều nầy cũng chỉ
đúng một nửa ! Vì những điều kiện chủ quan và khách
quan ngoài tầm với của Cư sĩ, sau quá nhiều năm sống như
một bóng mờ trong sinh hoạt nhà chùa, sau quá nhiều năm khép
nép núp sau những bộ tăng bào, thật khó cho người Cư sĩ,
và cả cấp lãnh đạo Giáo hội, thoát ra khỏi một ý thức,
một tập quán thật lạ lùng: Giáo hội như một cái
ghế một chân, và chỉ một chân là đủ rồi ! Làm
sao người Cư sĩ có thể khẳng định chính mình và đứng
lên “đòi” một vị trí (nghĩa là một bổn phận, một
trách nhiệm, một chương trình hành động) khi mà ở miền
Bắc, hơn nữa thế kỷ; và ở miền Nam, hơn 30 năm, lao đao
lận đận trôi bồng bềnh làm thân phận “ông phổng đá”.
Tâm lý, và do đó ý thức, tự xóa mình để tự thủ tiêu
đó rất dễ hiểu và dễ thông cảm. Giáo hội không muốn,
hoàn cảnh không cho, gặp thời thế, thế thời phải
thế. Nhưng đó mới chỉ mới là một nửa, nửa kia
như đốm lửa hồng âm ỉ nhưng nóng hổi dưới đám tro.
Nửa kia là ý thức trách nhiệm, là lương tâm làm người
con Phật, là chức năng hộ pháp phên dậu của Giáo hội,
là vai trò “đại sứ” của Đức Phật ngoài cổng chùa
và trong cuộc đời … thì vẫn còn đó, huân tập từ những
ngày đầu tiên bước đến cổng chùa. Đó chính là “nửa”
đã làm cho tập thể Cư sĩ dai dẳng tồn tại để làm đoá
sen hồng chìm dưới vũng bùn đợi ngày hồi sinh.
Đến
đây, một vấn đề phải được đặt ra là tại sao Giáo
hội nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung, lại cần có
một tập thể Cư sĩ quy mô ? Chúng ta có thể liệt kê rất
nhiều lý do, nhưng ở đây tôi lại chỉ xin đề cập đến
vài lý do trong lãnh vực sử dụng nhân lực (human resource)
của khoa quản lý mà thôi:
Thứ
nhất là tổng hợp hiệu
quả nguồn nhân lực. Thời
đại biến thiên với tốc độ vũ bảo, xã hội thay đổi
từng ngày trong một thế giới đầy biến động. Không một
cá nhân Thầy nào, hay thậm chí cả một đoàn thể Tăng già
thanh tịnh nào, lại đủ tri thức và đủ năng lực để một
mình quản lý được mọi lãnh vực sinh hoạt của một tổ
chức phức tạp như Giáo hội trong một đất nước cũng phức
tạp không kém như Việt Nam. Có tổng hợp và huy động được
toàn lực tứ chúng may ra mới theo kịp thời đại và đồng
hành cùng (chứ không phải lẽo đẽo theo sau) dân tộc. Cứ
nhìn các giáo hội Công giáo và Tin Lành [4] , cứ nhìn một
công ty đa quốc gia, cứ nhìn một bộ trong chính phủ thì
sẽ thấy tính tổng hợp trong chính sách nhân dụng của họ
là đa nguồn và đa năng như thế nào. Tại các nước Tây
phương, nhất là tại Mỹ, một trong những lý do chính khiến
Phật giáo khởi sắc là nhờ họ có những “giáo hội”
nhẹ nhàng đơn giản, các Thầy chỉ đóng vai trò biểu tượng
đạo hạnh và hướng đạo tâm linh, còn hoạch định, triển
khai và điều hành tất cả các kế hoạch tu học và hoằng
dương hầu hết đều do tập thể cư sĩ đảm nhiệm. Trong
khi đó thì sinh hoạt của Giáo hội ta, vì trong cơ cấu hầu
như chỉ có quý Thầy mà thôi, thì đơn điệu, nghèo nàn,
lạc hậu và trì trệ chỉ vì giai tầng lãnh đạo được
thiết kế để nắm hết mọi khâu quản lý. Trừ ra, nói như
một Thầy lãnh đạo trong Đại hội Đại biểu Toàn quốc
lần thứ VI về vấn đề tu chỉnh hiến chương rằng “tất
cả đều tốt rồi, cần gì phải thay đổi”, thì
không còn gì phải bàn thêm nữa !
Thứ
nhì là phân bố hợp lý
nguồn nhân lực. Quý Thầy được
đào tạo và sau đó chỉ hành hoạt như một “chuyên gia”
về các vấn đề tâm linh. Tu và hành Phật pháp. Quý Thầy
không
phải là chuyên gia quản lý, nhất là quản lý những
lãnh vực “ô trọc”, vừa phức tạp vừa nhiều cạm bẫy
của tam độc và bát phong của đời thường. Trong các lãnh
vực nầy (hành chánh, tài chánh, nhân dụng, văn học nghệ
thuật, thương mãi, y tế công cọng, công nghệ, ngân hàng,
kinh doanh, truyền thông, quan hệ quốc tế, ngoại ngữ, tin
học, giáo dục, …) quý Thầy làm sao “giỏi” bằng các
Cư sĩ được huấn luyện bài bản và nhiều kinh nghiệm hành
nghề được. Vả lại, ngay cả quý Thầy có giỏi hơn chăng
nữa, thì đó cũng là những lãnh vực chỉ làm cản trở con
đường tu học của quý Thầy mà thôi. Phật có dạy mỗi
Tăng sĩ một ngày phải dành ra 30% thời gian để lo vấn đề
quản lý chuyện đời không ? Như vậy còn thời giờ đâu
mà tu, vốn là mục đích tối thượng khi quý Thầy xuất gia.
Có 17 vạn chuyên gia giỏi tay nghề mà quý Thầy không dùng
lại bỏ đường tu để lăn xả vào đấy thì cũng lạ thật
! Có vẽ như các Thầy phải chọn một trong hai con đường:
hoặc làm nhà tu hành hoặc làm nhà quản lý,
không thể vẹn toàn cả hai được.
Thứ
ba là trình hiện hình ảnh
nguồn nhân lực như một khẳng
định của Chánh pháp. Trong khoa học quản lý, đặc biệt
trong lãnh vực … tiếp thị, ai cũng biết một trong nhiều
yếu tố để thuyết phục khách hàng là chất lượng của
sản phẩm. Mà “sản phẩm” trình hiện tiêu biểu của Phật
pháp để làm tốt đạo đẹp đời chính là tứ chúng Phật
tử. Họ là biểu hiện sinh động nhất để biết đâu là
chánh pháp đâu là tà giáo. Trong tứ chúng, quý Thầy là một
trong tam bảo, quần chúng chỉ đứng xa ước mơ không với
tới được, như chiếc xe Rolls Royce 2 triệu Mỹ kim biệt lệ.
Cũng trong tứ chúng, đông đảo đa phần trong 10 triệu quý
Phật tử là người sơ cơ mới nhập đạo, đứng giữa hai
ngưỡng cửa văn hóa mê tín và chánh pháp giải thoát, như
chiếc xe Dream chập chùng di chuyển, chạy nhanh như xe hơi nhưng
vẫn phải dãi nắng dầm mưa. Cả hai “sản phẩm” nầy,
trước mắt quần chúng “khách hàng”, chưa tiêu biểu được
tính phổ quát mà lại đặc thù của Phật giáo. Họ cần
nhìn và đánh giá chiếc xe hơi Toyota Camry, họ cần nhìn và
đánh giá tập thể Cư sĩ để làm một sự chọn lựa tâm
linh cho bản thân họ, gia đình họ, dân tộc họ. Tập thể
Cư sĩ là một tập thể rất đạo nhưng cũng rất đời,
tương đối hoàn chỉnh trên cả hai mặt đạo lẫn đời.
Nhìn họ tu tại gia hành tại chợ, ta biết được nội dung
và hiệu quả của giáo pháp mà họ tu, ta biết được hướng
đi và sức mạnh của giáo hội mà họ theo.
Trong
phần trên, người viết đã cố gắng trình bày ba luận
điểm để giải hoặc tình trạng khiếm diện của
tập thể Cư sĩ Việt Nam, cũng như nêu lên ba lý do
để biện giải cho sự cần thiết của tập thể nầy trong
lòng Giáo hội. Để kết thúc, người viết chỉ có một ước
mơ. Rằng 4 năm nữa, vào cuối năm 2012, tại đại hội Đại
biểu Toàn quốc lần thứ VII, tập thể Cư sĩ sẽ có mặt
ít nhất là 30% trong cơ cấu Giáo hội Phật giáo Việt
Nam, từ lãnh đạo trung ương đến lãnh đạo cơ sở. Có mặt
một cách có thực chất, có quyền lực, có trách nhiệm để
cùng với quý Thầy Cô chung sức phát triển một cách đúng
hướng và bền vững lâu đài Phật giáo Việt Nam.
Nếu
được như vậy, lúc đó, Phật tử và Giáo hội sẽ có thể
mĩm cười an lạc trước hàng trăm “Kế
hoạch cho Ngày tàn của Phật giáo” đến từ bất
kỳ nguồn thế quyền hay giáo quyền nào. Nhưng đó là chuyện
phụ, chuyện chính là sự hiện diện của một tập thể Cư
sĩ trong lòng Giáo hội sẽ không những khẳng định được
Phật giáo đồng hành với dân tộc, mà còn chứng tỏ
lãnh đạo Phật giáo có viễn kiến, đi trước cả
dân tộc trong lãnh vực thiết kế và quản lý thành công được
một mô thức nhân dụng đa nguồn.
Nguyễn
Kha, 8/2008
Ghi
chú:
(1)
Asia Harvest [ http://www.asiaharvest.org/
] là một hội thánh Tin Lành liên phái, hoạt động tại nhiều
nước Á châu với mục đích truyền đạo đến các sắc dân
thiểu số. Hội thánh nầy hợp tác với cấp lãnh đạo Tin
Lành địa phương, giúp họ gia tăng lượng tín đồ trong các
sắc dân “lạc lối”. Địa bàn hoạt động của Asia Harvest
bao gồm các nước Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Myanmar, Nepal,
Bhutan và Bắc Ấn. Hiện nay, có vào khoảng 1,000 cộng đồng
dân tộc thiểu số là đối tượng truyền đạo và cải đạo
trong 7 quốc gia nầy. Asia Harvest có trụ sở trung ương tại
thành phố Bradenton, tiểu bang Florida, Mỹ, và văn phòng đại
diện tại 6 nước Úc, New Zealand, Anh, Đức, Singapore và Malaysia.
Tại Việt Nam, trong năm 2008, Asia Harvest đang tiến hành công
tác dịch và in đại trà bản Kinh Thánh bằng tiếng Hmong để
phân phát cho công đồng nầy trong quá trình truyền đạo.
(2)
Con số do chúng tôi phỏng đoán một cách không được khoa
học lắm vì không biết Giáo hội đã tiến hành một cuộc
nghiên cứu để xác định số lương cư sĩ toàn quốc chưa.
Nếu có, xin Giáo hội công bố để Phật tử có dữ liệu
làm việc.
(3)
Hiện nay, hình như có 4 cư sĩ trong tổng số hơn 170 thành
viên của Hội đồng Trị sự Trung ương của Giáo hội. Tỷ
lệ là 2.3%. Còn tỷ số trung bình ở các cơ sở địa phương
thì không biết được.
(4)
Tại Mỹ, các nhà thờ và “giáo phận” Tin Lành đều do
các Tín hữu thành lập và điều hành. Các Mục sư được
“mời” đến theo một khế ước để lo phần tâm linh và
chỉ phần tâm linh mà thôi. Ban điều hành do cộng đồng tín
hữu địa phưong bầu lên, có quyền duy trì hay truất nhiệm
một Mục sư tùy khả năng và đạo đức của vị Mục sư
nầy. Đây có lẽ không phải là một mô thức tốt cho Phật
giáo Việt Nam, người viết chỉ nêu lên như một minh họa
để nhấn mạnh về vai trò của “Cư sĩ” trong một cộng
đồng tôn giáo.
KIẾN ĐỘC GIẢ
Vũ Tôi – Họ – Họ Thế Đáng Giáo – Nên – Đa (phattuvietnam.net)
|
Nếu
quý vị có ý kiến về vấn đề bài viết này nêu ra, xin
gửi thư về địa chỉ trisu@phattuvietnam.net
hay
thuvienhoasen@yahoo.com
Discussion about this post