THÍCH NHẬT TỪ
CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Nhà xuất bản Hồng Đức 2015
Nhận con chồng làm con nuôi
Bạch Thầy! Con có nỗi đau này không biết chia sẻ với ai. Con mong Thầy hãy lắng nghe và chỉ dạy cho con con đường đúng để con có thể đứng dậy và tiếp tục bước đi sau cú sốc khủng khiếp này. Con và chồng con đã yêu và sống với nhau hơn 20 năm qua, đã nhiều lần con bị sảy thai, chết lưu thai và kết quả là giờ đây tuổi đã cao, không thể sinh nở được nữa. Chồng con trẻ hơn con vài tuổi nhưng anh ấy rất yêu con và chúng con thấy không thể sống thiếu nhau mặc dù không có con chung.
Cách đây 1 tháng vào một buổi chiều mưa to gió lớn chồng con đã thổ lộ với con một bí mật tày trời. Anh ấy có con riêng. Chuyện xảy ra đã 3 năm nay và bé gái đó giờ đã được 3 tuổi. Chồng con và mẹ của em bé quen nhau trong một CLB, họ cùng có chung 1 sở thích đi du lịch và chụp ảnh. Trong một lần tiệc tùng say rượu họ đã đi quá giới hạn. Trời đất như quay cuồng đảo điên sau khi con nghe thấy tin sét đánh ấy.
Chồng con đã thề thốt là không yêu cô ta, sẽ không có chuyện rời bỏ con để đến với cô ta. Nhưng con thấy thương em bé quá, em đâu có tội tình gì mà phải chịu sống cuộc sống thiếu bóng người cha, khi người cha vẫn khỏe mạnh và sống với người đàn bà khác… Con muốn cùng chồng quan tâm chăm sóc bé, con muốn chồng con làm hết trách nhiệm của một người cha với bé (và con sẽ luôn ở bên hoặc đứng sau anh để hỗ trợ) nhưng chồng con không đồng ý.
Anh ấy né tránh các câu chuyện liên quan đến bé với lí do sợ làm con buồn, nhưng anh đâu có biết rằng con sẽ đau khổ gấp nhiều lần nếu anh giấu con, lén lút chăm sóc mẹ con cô ấy sau lưng con? Con nói trả lại tự do cho anh để anh đến với mẹ con cô ấy thì anh một mực khăng khăng là không hề có tình yêu với mẹ bé. Mỗi lần giữa đêm anh ra đi, đến với con gái khi nó sốt, ốm là tim con lại tan nát. Con phải làm gì Thầy ơi?
(Hạnh Hoa, Hà Nội)
Thầy Thích Nhật Từ trả lời
Tôi thông cảm với “cú sốc khủng khiếp” của chị khi chị được chồng cho biết “bí mật tày trời”, một “thông tin sét đánh” là anh ấy có con gái riêng được 3 tuổi. Tôi vui mừng khi biết chị “thương em bé” vì muốn bé không “sống thiếu bóng người cha” để chồng chị “làm hết trách nhiệm của một người cha.” Để chị có thể tự “đứng dậy và tiếp tục bước đi” trong hôn nhân hiện có, chị cần lưu tâm một số điều sau đây.
Kiểm tra tính thực hư
Để xác định được tính thực hư của câu chuyện, chị chưa cần vội tin vào lời kể của chồng vì chồng chị tin vào lời của mẹ cháu gái. Đồng thời, chị nên đề nghị chồng xét nghiệm ADN của cháu và của anh ấy. Nếu kết quả không ăn khớp nhau, vợ chồng chị không phải nhận “đứa con trên trời rơi xuống” làm con của chồng, và chị khỏi phải nhận cô bé làm “con nuôi.”
Khi có kết quả xét nghiệm này, chị cần khéo léo khuyên chồng không nên tiếp tục lui tới với mẹ cháu, vì lý do chăm sóc cháu. Lúc ấy, mẹ của cháu gái không thể tiếp tục nhân danh là cha mẹ chung của cháu gái để “gây sức ép” với anh ấy, buộc anh ấy phải rời nhà chị vào lúc nửa đêm hay những khi trở trời đổi gió để đến với cô ấy. Trong tình huống này, có thể đoán, mẹ của cháu đang muốn lấy bé gái làm bình phong nối kết với chồng chị “chăm sóc” cháu tại nhà mẹ nó vào lúc “nửa đêm” khi nó sốt, ốm.
Với sự thật này, chồng chị cần sáng suốt nghĩ ra rằng ngoài anh ấy, cô ấy còn có người khác. Anh ấy cũng chỉ là người qua đường, mỗi khi cô ấy cảm thấy cô đơn và trống vắng. Viện lý do có con chung, chồng chị có thể bị vướng bẫy tình của cô ấy. Lúc ấy, dù có muốn, chồng chị không thể “lén lút chăm sóc mẹ con cô ấy” vì lý do không thể thuyết phục được, nếu không nói là không thể chấp nhận được.
Khi biết chồng chị và cháu gái không có quan hệ cha con, mà chồng chị vẫn tới lui với mẹ cháu gái thì đó là điều bất bình thường. Trong tình huống này, chị không nên dễ dãi, vì điều đó sẽ làm cho chị bị nhiều thiệt thòi hơn, tim chị sẽ tan nát hơn.
Nếu kết quả xét nghiệm ADN khẳng định cháu gái ấy là con của chồng chị thì giải pháp “làm hết trách nhiệm” của chị trong việc “cùng chồng quan tâm chăm sóc bé” là giải pháp rất căn cơ, vừa thể hiện được sự rộng lượng đáng nể của một người vợ đối với lỗi lầm vô ý của chồng, vừa thể hiện được lòng tử tế của một người lớn đối với cháu gái bất hạnh. Do tuổi cao, nay chị “không thể sinh nở được nữa”, việc nhận con chồng làm con nuôi trong nhà chị sẽ tốt hơn nhiều so với việc để chồng chị làm công việc chăm sóc cháu gái một mình. Từ chối con riêng của chồng trong nhiều tình huống có thể đẩy chồng vào tình thế thật khó xử. Khi bên chị, anh ấy sẽ nói rằng anh ấy không có gì với cô ấy nhưng sau lưng chị anh ấy vẫn âm thầm đi lại với cô ấy. Khi cháu gái được nuôi trong nhà chị, tình trạng “âm thầm” và “lén lút” có cơ hội được kết thúc.
Khi quan niệm “con rơi” trở thành “con riêng”
Khi sự thật “cháu gái là con anh ấy” được chứng minh bằng xét nghiệm, chị nên mau chóng rũ bỏ nỗi ám ảnh “sét đánh” ấy. Là một người vợ đứng đắn và cao thượng, chị không nên bị “quay cuồng đảo điên” khi được chồng kể về một tiệc rượu, khi cả chồng chị và cô gái cùng sở thích du lịch và chụp ảnh đã say khước, thì chuyện gì xảy ra sẽ phải xảy ra thôi. Người say khó có thể kiểm soát được suy nghĩ và hành vi của mình. Khi tỉnh dậy thì mọi việc đã lỡ làng rồi. Nhận thức này giúp chị trải lòng thông cảm và thứ lỗi cho chồng, nhất là khi anh ấy thật tình khai báo, một dấu hiệu tích cực của làm mới hạnh phúc.
Chị tập thay đổi nhận thức, thay vì nghĩ cháu gái là “con rơi” của anh ấy, thì đổi lại thành cháu ấy là “con riêng” của anh ấy. Từ quan niệm “con rơi” thành “con riêng” thì sẽ không cảm thấy oán trách, hờn giận, căm thù vì lầm lỡ của chồng. Nhận thức tích cực này có thể giúp chị trị liệu khổ đau, nhất là khi “anh ấy rất yêu” chị và anh chị “không thể sống thiếu nhau.”
Điều quan trọng như một sự thật là làm thế nào để đảm bảo rằng chồng chị “không hề có tình yêu với mẹ bé” và “không yêu cô ta”, chứ không chỉ đơn thuần là lời “thề thốt” mang tính “khăng khăng.” Khi biết sự cố “say men tình” đang khi cả hai “say rượu” là một lỗi lầm, dừng lại ở sự cố, không tiến xa hơn, chồng chị không thể giả vờ “cắt đứt dây chuông” với mẹ cháu gái để “cài thêm dây điện thoại” với cô ấy qua bình phong của cháu gái. Phải đảm bảo được sự thật này thì chị hãy an tâm rằng “sẽ không có chuyện rời bỏ” chị “để đến với cô ta.”
Xem cháu gái là “con riêng” của chồng sẽ giúp chị dễ dàng vượt qua được cú sốc tình yêu. Vượt qua thái độ và lối sống “đời nào mẹ ghẻ mà thương con chồng”, giúp chị thương cháu gái như con ruột của mình, và nhờ đó, chị sẽ không bị mặc cảm “không có con chung” tạo thành nỗi đau gặm nhấm chị. Tôi tin rằng một người có lòng tử tế và tâm độ lượng như chị sẽ không gặp khó khăn trong việc thay đổi nhận thức, để “có thể đứng dậy và tiếp tục bước đi sau cú sốc khủng khiếp này.” Biết biến nghịch cảnh thành cơ hội tạo dựng hạnh phúc là hành động khôn ngoan, mang tính giải pháp, hơn là đối phó.
Ứng xử với “con riêng” của chồng
Chị cần nhập vai làm mẹ tốt hơn, để dựng xây tổ ấm mà chị đã dày công vun đắp. Giữ phong độ thương yêu cháu gái “con nuôi” vì cháu “đâu có tội tình gì mà phải chịu sống cuộc sống thiếu bóng người cha.” Không nên kể tội mẹ cháu trước mặt cháu. Không nhắc gì chuyện cũ nữa. Hãy để chuyện cũ khép lại với quá khứ. Là trẻ thơ, cháu gái sẽ chóng quên đi những chuyện xảy ra giữa hai vợ chồng chị và mẹ cháu. Kể từ khi trở thành mẹ nuôi của con chồng, chị nên dành nhiều thời gian và công sức để xây dựng hạnh phúc gia đình. Đừng biến cháu gái thành đầu mối của bất hạnh. Hãy xem đây là “nhân duyên” tốt để vợ chồng chị gắn bó và hạnh phúc bên nhau.
Thay vì xem mình là người mẹ “bất đắc dĩ”, chị hãy tích cực khi suy nghĩ “mẹ kế, mẹ nuôi đều là mẹ” Hễ là mẹ, chị cần trải nghiệm hạnh phúc làm mẹ bằng tình thương, chăm sóc và nuôi dưỡng con. Làm tốt chức năng làm mẹ với lòng tử tế này, chị sẽ thương con riêng của chồng hơn, nhờ đó, được chồng thương yêu và kính trọng nhiều hơn. Vì là cháu gái, chị dễ dàng uốn nắn từ nhỏ, để cháu xem chị như mẹ ruột, xóa đi các khoảng cách tâm lý. Làm được việc này, chị là người đang xây tổ ấm bằng tâm rộng lượng và lòng tử tế.
Các phản ứng tâm lý của cháu trong giai đoạn về nhà mới cần được lưu tâm. Có khi cháu gái tỏ ra lạnh nhạt với chị trong khi nhớ mẹ ruột nhiều hơn, thậm chí có khuynh hướng xa lánh. Bằng tình thương của chị, sự thích nghi của cháu trong ngôi nhà mới sẽ được diễn ra tốt hơn. Khi chị không có quan điểm “dì ghẻ con chồng, khác máu tanh lòng” như một hồi đáp tích cực, chị sẽ đón nhận được sự thuần phục và kính trọng ở cháu, theo năm tháng.
Bằng mọi giá đừng tạo ra các rào cảm giữa chị và cháu qua nỗi ám ảnh của mẹ cháu. Cũng nên tránh thái độ đối phó với cháu, vì xem cháu là con của kẻ tình địch. Thái độ này dẫn đến tình trạng “ghét bỏ” cháu và do vậy cháu không thể có được thiện cảm với chị được. Chị nên trở thành chỗ dựa tình thương của cháu, thì dần dà, cháu sẽ gắn bó với chị còn hơn cả mẹ ruột của cháu.
Trong mọi tình huống, đừng để sự có mặt của “con nuôi” trở thành đầu mối của mọi sự rối tung. Trẻ thơ thường có phản ứng tự nhiên. Hễ chị thương cháu, cháu sẽ thương kính chị lại. Nếu chị có mặc cảm với cháu, do có mặc cảm với mẹ cháu thì chị không thể mang lại hạnh phúc cho cháu và cho cả chị. Đối xử đúng mực, thể hiện tình thương yêu, tâm lượng bao dung, chị sẽ vượt qua được các khoảng cách tâm lý không đáng có đối con riêng của chồng.
Thái độ ứng xử đối với chồng
Một khi đã rộng lượng tha thứ cho lỗi lầm của chồng, chị nên tôn trọng chồng bằng cách không nhắc lại lỗi lầm cũ, không cằn nhằn mỗi khi có chuyện không vui giữa hai người. Tôi biết rằng chuyển hóa cơn tức giận trong trường hợp của chị không phải là chuyện quá dễ dàng. Tôi tin rằng chỉ với sự chuyển hóa cảm giác tiêu cực, chị mới có thể vượt qua được nỗi đau đoạn trường này. “Không đánh người quay trở về” là phương châm mà chị nên áp dụng để giúp chồng và cùng chồng vượt qua khó khăn. Đừng biến cái tính cách “nhớ dai, giận dai, thù dai” trở thành thói ích kỷ, vốn làm cho chồng chị trở nên xa cách với chị.
Lối ứng xử cao thượng nêu trên sẽ giúp vợ chồng chị tiếp tục “không thể sống thiếu nhau” mặc dù anh chị “không có con chung.” Hạnh phúc gia đình lệ thuộc vào trái tim và lối sống của người vợ nhiều hơn là người chồng. Thấy được vai trò này, chị nên chủ động tháo ngòi khổ đau trong gia đình.
Vì đây chỉ là sự cố, ngoài ý muốn, không hề có tình yêu giữa chồng chị và cô ấy, chị không nên có thành kiến hay ác cảm với cô ấy. Sự cố chỉ đơn thuần là sự cố, không hơn không kém. Lối nhận thức tích cực này sẽ giúp chị trị liệu cảm xúc và nỗi đau. Dù sao cô ấy cũng là mẹ ruột của cháu gái mà chị muốn nhận làm con nuôi. Tôn trọng cô ấy, chị sẽ xứng đáng đón nhận được sự quý trọng của chồng và con nuôi của chị.
Khi có việc gì cần liên hệ với người cũ của chồng, chị và chồng cùng thảo luận và giải quyết để chọn giải pháp hay nhất và thành công nhất. Không nên dấu giếm nhau điều gì vì làm thế có thể tạo ra sự hiểu lầm và khoảng cách tâm lý giữa vợ chồng chị. Sự hợp tác của chồng chị đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chồng vượt qua thử thách. Không bàn luận chuyện lỗi phải ở đây. Bàn về cách giải quyết có tình, có lý, để nỗi đau được khép lại, hạnh phúc được mở ra.
Đừng để tâm trạng của chị bị đầy ắp bởi các nỗi bức xúc, khổ đau, tức giận và tuyệt vọng. Là một người phàm, ai cũng có thể bị sai lầm, phạm tội về luật pháp và phạm lỗi về dân sự. Đừng để các ác cảm đối với cô ấy trở thành nỗi ám ảnh và sự giận tức đối với chồng. Trong thời gian này, chị cần bình tĩnh, ứng xử khôn ngoan và cao thượng, để giúp chồng thoát ra khỏi cái trách nhiệm đối với mẹ cháu gái. Chuyện đã ba năm mà nay anh ấy mới nói, cho thấy rằng anh ấy đang cần đến sự giúp đỡ, nâng đỡ tinh thần, thông cảm, hiểu biết và sự độ lượng ở chị. Trả đũa nhau không phải là giải pháp. Giúp nhau vượt qua chướng duyên và nghịch cảnh trong tình huống này là rất cần thiết và có nhiều ý nghĩa, nhất là cho vợ chồng chị.
Cháu gái đó dù gì cũng là máu thịt của anh ấy. Đừng để anh ấy phải bị ray rứt, mặc cảm tội lỗi “thái quá” vì cái gì thái quá cũng đều phản tác dụng. Chị nên tránh lối ứng xử chì chiết, than phiền, trách móc, hờn dỗi, kể lể, kêu ca về chồng và về con riêng của chồng. Sự tự ái có thể làm cho chồng trở nên cốc cần và đi tìm sự an ủi ngoài gia đình. Đây có thể là cơ hội để người phụ nữ khác “can thiệp” vào cuộc sống của vợ chồng chị.
Discussion about this post