NGHIỆP LỰC CÓ VAI TRÒ NÀO TRONG PHẬT HỌC
Buddhadasa Bhikkhu
Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Thiện Nhựt
Nhiều người Tây phương viết sách về Phật giáo, có vẻ rất hãnh diện về
các Chương bàn về Nghiệp lực (Pali: kamma; Sanskrit: Karma), và Tái sanh. Nhưng những lời giải thích của họ đều sai lầm, hoàn toàn sai lầm!
Các người Tây phương đó tuyên bố đã giải nghĩa chữ Kamma, Nghiệp lực,
nhưng tất cả những gì họ viết cũng chỉ là, “thiện nghiệp là tốt lành, ác nghiệp thì dữ ác”; “Làm điều lành, được việc tốt; làm việc ác, chịu điều xấu”, cũng chẳng có gì thêm hơn, giống y như giáo lý của các tôn giáo khác. Đấy chẳng phải là Nghiệp lực, Kamma, được giảng dạy trong Phật học.
Đối với Tái sanh, cũng vậy. Họ tuyên bố rất mạnh mẽ, làm như chính mắt họ trông thấy rõ ràng chính các cá nhân nầy đang tái sanh lại. Họ trình bày rất sai lầm bức thông điệp chính yếu của Đức Phật
đã dạy rằng chẳng có sự hiện hữu của “cá nhân”, hoặc của “Tự ngã” (cái Ta). Mặc dầu “Tôi” đang ngồi đây, nhưng chẳng có cá nhân nào ở đây cả. Khi đã chẳng có cá nhân nào, thì lấy ai để mà chết? Rồi có ai đâu để tái
sanh? Đức Phật giảng dạy sự bất hiện hữu của “cá nhân”, của “con người”. Như thế, sanh và chết là những chơn lý tương đối. Tác giả các quyển sách nhan đề là “Phật giáo” đó thường giải thích Nghiệp lực, và Tái sanh hoàn toàn sai lầm.
Xin các bạn hãy lưu tâm cẩn thận về vấn đề Nghiệp lực. Một bản trần thuật của Phật học cần phải trình bày đầy đủ về sự chấm dứt của Nghiệp lực, chứ chẳng phải chỉ có Nghiệp lực và các hậu quả của nó — như đã tìm thấy trong mọi tôn giáo. Chỉ đáng được gọi là giáo lý nhà Phật, khi có sự trình bày về việc chấm dứt Nghiệp lực.
Kẻ đã đạt dến sự chấm dứt hoàn toàn Nghiệp lực, tiếng
Pali gọi là sabbakammakkhayam patto (sabba = hoàn toàn; kamma = nghiệp;
khaya = chấm dứt, tận diệt; patti = chứng đắc, đạt đến). Đức Phật đã dạy rằng, nghiệp lực chấm dứt với sự tận diệt của tham (ràga), sân (dosa) và si (moha). Điều nầy thật dễ nhớ. Nghiệp lực chấm dứt khi tham,
sân, si chấm dứt hoàn toàn, nghĩa là, khi các lậu hoặc (cấu nhiễm về tinh thần, hay các lỗi lầm ô uế bên trong tâm) đã dẹp dứt xong hết. Nếu tham, sân, si còn chưa chấm dứt, thì nghiệp lực vẫn chưa chấm dứt. Khi tham, sân, si đã chấm dứt, thì nghiệp cũ cũng chấm dứt, nghiệp hiện nay chẳng được tạo thành, và chẳng có nghiệp tương lai mới nào được tạo nữa — như thế, nghiệp quá khứ, hiện tại và tương lai phải chấm dứt.
Khi một ngưòi đã chấm dứt được tham, sân, và si, thì nghiệp lực chẳng còn nữa. Đấy là lối giải thích cần phải được giảng dạy.
Chỉ một bản tường trình về nghiệp lực như thế mới đáng được gọi là của Phật học.
Như
thế, chúng ta thấy còn có một loại nghiệp lực thứ ba. Phần đông người ta chỉ biết có hai loại nghiệp lực, loại thứ nhứt là thiện nghiệp hay nghiệp lành, loại thứ hai là ác nghiệp hay nghiệp dữ. Họ còn chưa biết đến loại nghiệp lực thứ ba. Đức Phật gọi loại thứ nhứt là bạch nghiệp hay thiện nghiệp, tức là nghiệp trắng, tốt lành; loại thứ hai là hắc nghiệp hay ác nghiệp, tức là nghiệp đen, dữ ác. Loại thứ ba có thể gọi là chẳng trắng chẳng đen nhằm chấm dứt cả hai loại nghiệp trắng và nghiệp đen. Chính Đức Phật đã dùng các tiếng bạch nghiệp, hắc nghiệp và bất hắc bất bạch nghiệp. Loại thứ ba nầy mới thật là nghiệp lực đúng theo nghĩa của Phật học. Như đã nói qua, hễ chấm dứt tham, sân, si là chấm dứt ngay được nghiệp lực. Nói cách khác, loại nghiệp lực thứ ba nầy, chính là con đường Bát Chánh Đạo; nó chẳng trắng, chẳng đen, nó chỉ
riêng mang lại sự chấm dứt vừa bạch nghiệp,vừa hắc nghiệp. Con đường đó
là con đường vượt cõi thế gian (tokuttara, siêu thế), vượt lên cả điều thiện lẫn điều ác.
Loại nghiệp lực thứ ba nầy chẳng hề được các người Tây phương bàn đến trong các chương sách của họ về “Nghiệp lực và Tái sanh”. Lời dẫn giải của họ đều sai lầm cả, nên chẳng phải là Phật học.
Giờ đây,xin nói thêm vài điều về loại thứ ba của Nghiệp lực. Về điểm nầy, Đức Phật có nói: “Như Lai đã đạt đến sự hiểu biết rõ ràng về điều nầy, nghiệp lực, xuyên qua trí huệ cao cả của chính Như Lai.” Bậc Đại Giác (Đức Phật) đã chẳng hề vay mượn của ai, hay của tín ngưỡng hoặc của tôn giáo nào, Ngài đã biết được với trí huệ của chính Ngài và chỉ dạy lại cho mọi người. Các bạn nên chú trọng đến vấn đề và nghiên cứu nó cho cẩn thận, Nghiệp lành, nghiệp ác đều được nói đến ở mọi tôn giáo, làm lành là điều tốt, làm ác là việc dữ, họ đều dạy giống nhau như thế. Nhưng Đức Phật bảo rằng, chỉ riêng tạo nghiệp lành thì cũng chẳng dập tắt được hẳn các đau khổ về tinh thần, một cách hoàn toàn
và tuyệt đối, bởi vì ta có thể say đắm rồi bám chặt vào thiện nghiệp.
Nói cách khác, thiện nghiệp vẫn còn đưa đẩy con người vào trong vòng sanh và chết của Luân hồi, dầu là sẽ được sanh vào các cảnh gới an lành.
Nó chưa phải hẳn là sự tận diệt, sự thanh lương của Niết bàn (Nibbàna).
Vậy
thì, về Nghiệp lực, chỉ riêng có Đức Phật mới thuyết giảng đầy đủ về vai trò của loại thứ ba là chấm dứt các lậu hoặc tham, sân, si. Chính xuyên qua loại Nghiệp lực nầy mà bực tu hành mới chứng đắc quả vị Niết bàn (Nibbàna).
Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Thiện Nhựt
Discussion about this post