Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ – Sáng nay, sau khi Chư Tăng Thái Lan tụng kinh ‘Hạnh Phúc’ bằng tiếng Pali, thì một nhóm cư sĩ đến từ Indonesia đã đọc “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng ngôn ngữ của họ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Hôm nay là ngày cuối cùng của Pháp Hội này. Tôi đã nghĩ rằng chúng ta có thể thực hiện buổi lễ phát Bồ Đề Tâm vào lúc cuối như một sự kết thúc tốt lành. Vì phạm vi và nội dung của bản Kinh văn của Ngài Long Thọ rất rộng lớn và phức tạp, cho nên tôi nghĩ rằng tôi sẽ dạy về “Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ” của Ngài Tsongkhapa để quý vị có thể dễ dàng áp dụng vào thực tế.
Khi Atisha đến Tây Tạng, Ngài đã giới thiệu về truyền thống Kadam, liên quan đến toàn bộ nội dung của Tam Tạng Kinh điển, là những giáo lý để thực hành cho ba hạng người có căn cơ thấp, trung bình và thượng căn. Sau khi sáng tác “Đại Luận về các Giai trình của Đạo Giác Ngộ”, “Trung Luận” và “Chuyên luận ngắn gọn – Chứng Đạo Ca”, Ngài Tsongkhapa đã sáng tác “Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ” thể theo sự thỉnh cầu của Tsako Wönpo, Ngawang Drakpa, một đệ tử thân cận và bậc lãnh đạo của người dân Gyalmorong ở miền Đông Tây Tạng. Đó là một bản văn rất hữu ích khi chúng ta đọc qua mỗi ngày.
Ngài bắt đầu đọc “Bồ Đề Tâm Luận” tiếp theo đoạn mà Ngài đã dừng lại ngày hôm qua – với bài Kệ đề cập đến “Mười hai Nhân Duyên”. Ngài lưu ý rằng, trước sự phản đối rằng quan điểm của Trung Quán là hư vô, Ngài Long thọ đã trả lời rằng, họ chấp nhận rằng mọi thứ tồn tại như những giấc mơ và ảo ảnh. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quan sát thấy rằng bài Kệ 68 cho thấy rằng sự thông thường và tối hậu đều có cùng bản chất – mà cái này không thể xảy ra nếu không có cái kia. Nếu xem hết thảy các pháp như một sự tồn tại độc lập thì đó chính là vô minh, đó là một quan điểm méo mó sai lầm.
Từ câu 74 Bồ đề Tâm thông thường đã được giải thích. Ngài nhận xét rằng khi bạn có Bồ đề Tâm, thì bạn sẽ có đủ can đảm để giúp đỡ người khác cho đến khi không gian cùng tận. Sau đó, Ngài nói thêm rằng để thực hiện các mục tiêu của riêng mình, không có gì tốt hơn Bồ đề Tâm; và để mang lại được lợi ích của người khác, cũng không có gì tốt hơn Bồ đề Tâm.
Chọn “Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ” mà Ngài Tsongkhapa đã gửi cho Ngawang Drakpa như một bức thư, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập rằng, trong một ghi chú kèm theo, Ngài Tsongkhapa đã thúc giục Ngawang Drakpa hãy thực hành nó thật tốt. Ngài bảo đảm rằng, nếu Ngawang Drakpa thực hành tốt thì khi Ngài – Tsongkhapa – thị hiện sự giác ngộ như một trong số 1000 vị Phật của A Tăng Kỳ Kiếp may mắn này – sẽ chia sẻ cam lồ của giáo Pháp của Ngài trước tiên cho Ngawang Drakpa.
Ngài đã chỉ ra rằng, để học hỏi hầu hết mọi thứ, chúng ta cần có một người thầy; và để học hỏi về Pháp thì cũng như vậy. Trong “Đại Luận về các Giai trình của Đạo Giác Ngộ”, Đức Tsongkhapa đã bình luận rằng, bạn không thể thuần hóa người khác nếu trước tiên không tự điều phục chính mình. Chúng ta cần tuân theo những gì Đức Phật đã dạy dựa trên Tam Vô Lậu Học – Giới, Định, Tuệ. Trong “Đại Luận”, Ngài khuyên rằng bạn nên xem xét kỹ lưỡng vị Thầy bằng cách kiểm tra lời dạy của vị ấy. Có đức tin là một việc, nhưng cần phải thông minh sâu sắc hơn, bởi vì đôi khi những bậc thầy cũng mắc phải lỗi lầm.
Ví dụ như, Kyabjé Phabongka Rinpoche có những đệ tử vĩ đại như Kyabjé Trijang Rinpoche, nhưng, thành thật mà nói, ông ta đã sai lầm trong việc truyền bá về Gyalpo Shukden. Quý vị cần phải có tầm nhìn thuần tịnh đối với bậc Thầy như một con người, nhưng nên kiểm tra nghiêm túc về những gì Thầy dạy. Tôi đã phản đối việc thực hành Shukden và sau đó phát hiện ra rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm vĩ đại đã rất phê phán về pháp hành ấy trong các tác phẩm của mình. Ngài viết rằng Shukden nảy sinh do những lời cầu nguyện sai lầm và được sinh ra như một tà thần tiêu cực gây hại cho chúng sinh và giáo pháp. Đây là cách mà Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm vĩ đại – một bậc Thầy thành tựu – người đã trải nghiệm những linh kiến thuần túy và vân vân, đã mô tả Shukden như thế.
Lúc đầu, tôi đã ủng hộ Shukden, nhưng khi tôi kiểm tra về ông ta và nguồn gốc của ông ấy, tôi thấy rằng việc thực hành như vậy là không phù hợp. Bây giờ, trách nhiệm của tôi là nói cho mọi người biết rằng thực hành pháp hành ấy là có hại chứ không có lợi ích gì cả. Bằng cách truyền bá pháp hành của Shukden, người ta đã gây tổn hại đến truyền thống Tsongkhapa.
Chúng ta cần suy ngẫm về ý tưởng của việc nhìn xem mọi hành trạng mà bậc Thầy đã làm với tầm nhìn thuần túy. Đức Phật đã không khuyên chúng ta làm điều đó, Ngài khuyến khích chúng ta nên kiểm tra và dò xét ngay cả đối với các bậc Thầy của mình.
Quay trở lại bản văn của Đức Tsongkhapa, Ngài bắt đầu đọc:
“Xin kính lễ các Bậc Thầy tôn kính,
Con nguyện cố gắng đem hết khả năng mình,
Giảng giải ý nghĩa tinh tuý nhiệm mầu
Về tất cả những Giáo Lý thâm sâu –
Là Đạo Lộ chư Bồ Tát hằng khen ngợi;
Là lối vào cho những người may mắn,
Kiên định khát khao được giải thoát cõi trầm luân”.
Để đạt được sự giải thoát, chúng ta cần vượt qua những cảm xúc phiền não. Chúng ta cần phải học hỏi (văn), suy ngẫm (tư) và thiền định (tu) về những điều mà chúng ta đã học chứ không chỉ đơn thuần dựa vào những lời cầu nguyện, đức tin và nghi lễ. Chúng ta cần phải khắc phục những quan niệm sai lầm của sự vô minh bằng cách đi theo đạo lộ đối trị lại sự thiếu hiểu biết ấy. Nếu chúng ta có niềm tin vào Bồ đề Tâm dù chỉ trong một thời gian ngắn thì sẽ được lợi ích vô cùng.
Bản văn đã hiển bày những lý do đối với Ba điểm Tinh tuý của Đạo Lộ – sự quyết tâm để đạt được giải thoát, Bồ Đề Tâm và trí tuệ thâm sâu (trí tuệ tánh Không). Nó giải thích cách làm thế nào để đưa chúng vào áp dụng trong thực tế và phương pháp để thực hiện như vậy. Nó khuyến khích chúng ta biết cảm kích giá trị của cuộc sống này, nghĩ về sự vô thường, về cái chết không thể tránh khỏi, về sự khó lường của cái chết; và sự thật là khi cái chết đến – chỉ có thói quen với việc thực hành Pháp mới là điều duy nhất có thể giúp ích được cho ta mà thôi.
Bài Kệ thứ 5 hiển bày phương pháp trưởng dưỡng một sự quyết tâm để đạt được giải thoát. Bài Kệ thứ 6 đề cập đến những lý do để tu luyện Bồ đề Tâm, trong khi Kệ 7 và 8 giải thích về cách để tu luyện Bồ Đề Tâm. Khi tôi suy ngẫm về bản văn này mỗi ngày, tôi thường chọn lấy hai bài Kệ này. Khi áp dụng cho bản thân, tôi thấy nó giúp ích cho chính mình để tăng cường quyết tâm đạt được giải thoát, khi áp dụng cho người khác, nó giúp tôi tăng trưởng Bồ đề Tâm.
Khi Khunu Lama Rinpoche dạy tôi về “Nhập Bồ Tát Hạnh”, Ông nói với tôi rằng không có bản văn nào vĩ đại hơn tác phẩm này về Bồ Đề Tâm. Tuy nhiên, cũng có những bài Kệ đầy cảm hứng từ “Tràng Hoa Báu” của Ngài Long Thọ:
Nguyện cho con luôn là đối tượng của sự hưởng thụ
Đối với tất cả chúng sinh tùy theo ý muốn của họ;
Và không hề có một sự cản trở nào – cũng giống như đất,
Nước, lửa, gió, thảo mộc, và khu rừng hoang dã!
Nguyện cho con được thân thiết với chúng sinh như chính cuộc đời con,
Và nguyện cho họ thậm chí còn đáng quý hơn đối với bản thân con!
Cầu cho những ác nghiệp của họ hãy giáng xuống đời con!
Và tất cả những hạnh lành của con xin hãy trổ quả tốt đẹp cho đời họ!
Dù cho có bao lâu – còn bất cứ chúng sinh nào
Ở bất cứ nơi đâu – mà chưa được giải thoát
Nguyện cho con được lưu lại [cõi trần] vì lợi ích của chúng sanh,
Cho dù con đã đạt được sự tối cao của Giác ngộ viên thành!
Bài Kệ 9 nói rõ rằng, nếu không có trí tuệ liễu ngộ tánh Không, thì bạn không thể đoạn trừ được gốc rễ của vòng sinh tử luân hồi. Noi theo tấm gương của Ngài Long Thọ, Jé Rinpoche đã khuyên rằng điều quan trọng là phải cố gắng để hiểu được lý Duyên Khởi. Duyên Khởi có thể được hiểu theo nghĩa nhân quả, về sự phụ thuộc vào các bộ phận và trong bối cảnh chỉ là sự định danh hoặc đặt tên cho khái niệm.
Sự phụ thuộc (Duyên) ngụ ý rằng, sự thật về cách mà vạn vật hiện hữu là không bị từ bỏ (không bị bỏ rơi lại), trong khi phát sinh (Khởi) ngụ ý rằng quy ước thế gian là không bị buông bỏ. Nếu quý vị hiểu về nguyên nhân và kết quả, thì quý vị sẽ có thể hiểu về cách mà một tổng thể phụ thuộc vào các bộ phận của nó như thế nào, và cách mà mọi thứ được gán danh với tên gọi. Nếu quý vị hiểu được như thế là quý vị sẽ bước vào con đường làm Chư Phật hài lòng.
Bao lâu mà hai sự hiểu biết này – hiểu biết về tánh Không và hiểu biết về Duyên Khởi – còn được coi là riêng biệt, thì quý vị vẫn chưa thật sự nhận ra được ý định của Đức Phật. Trong giai đoạn đầu đời của mình, Ngài Tsongkhapa đã không thể mang hai sự hiểu biết này lại với nhau, và không thể dung hòa cách mà tánh Không và Duyên Khởi bổ sung cho nhau. Sau khi đã đạt được trí tuệ hiểu biết đó, Ngài đã có thể hướng dẫn cho Ngawang Drakpa, ‘Khi con hiểu được lý Duyên Khởi từ quan điểm của tánh Không, con sẽ không còn bị cuốn xoáy bởi một quan điểm cực đoan nào.’ Và Ngài đã kết thúc bằng lời khuyên: “Hãy nương vào sự tinh tấn dõng mãnh và cô tịch! và hãy nhanh chóng đạt được mục tiêu cuối cùng!’.
Ngài đã hướng dẫn hội chúng thực hiện nghi thức phát Bồ Đề Tâm. Vào lúc kết thúc, Ngài đã ban khẩu truyền về những câu tâm chú của Đức Phật, Đức Quán Thế Âm, Đức Văn Thù và Đức Tara.
Sau đó, Ngài tuyên bố: “Với những gì chúng ta vừa thực hiện xong, Pháp hội đã được thành tựu viên mãn. Tôi mong đợi vào năm tới”. Khán giả đã vỗ tay hưởng ứng lời của Ngài.
Các thành viên của 38 nhóm người châu Á, những môn đệ chính của đợt Pháp Hội này, đã tập trung xung quanh Pháp Toà để chụp ảnh với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau đó, Ngài được hộ tống từ Chánh Điện đến nơi đỗ xe dưới chân cầu thang của ngôi Chùa. Ngài mỉm cười và vẫy tay chào những người đang cung đợi trong sân để được nhìn thấy Ngài, Ngài lên xe để trở về dinh thự của mình.
(Dalialama.com)
Discussion about this post