Trao đổi với tác giả
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH
Tặng bạn trẻ Facebook Lee Nguyen Bao.
AN CHI
NVTPHCM- Trên Giác Ngộ Online ngày 01.09.2009, tác giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã có bài “Vu Lan – Nghĩ lan man về “Tội treo ngược”!”, trong đó chúng tôi cũng đã vinh dự được trích dẫn và nhận xét. Bài báo ra đời đã gần hai năm nhưng rất tiếc là chúng tôi không được biết. Nay may mắn có một bạn trẻ trên Facebook thông báo về sự tồn tại của nó rồi đề nghị chúng tôi đọc và phát biểu ý kiến nên xin lĩnh ý bạn đó mà có đôi lời trao đổi với tác giả.
Thoạt đầu, điều làm chúng tôi lấy làm tâm đắc nhất khi đọc bài của ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh, là ở chỗ tác giả kiên quyết bác bỏ cái lối hiểu mấy tiếngvu lan bồn là “cứu khỏi nạn treo ngược”. Đặc biệt là cước chú số 10 của bài làm cho chúng tôi càng cảm thấy thấm thía về một sự đồng tình sâu sắc trong học thuật. Cước chú này cho biết có một nhà nghiên cứu Phật học uy tín, thông hiểu nhiều cổ ngữ, ngoại ngữ, có thẩm quyền về Hán tạng, có nói rằng người Việt ta, học Đại Tạng kinh chữ Hán mà không truy cứu Sanskrit thì coi chừng sẽ biến thành Phật Tàu hết!” Vì thế nên chúng tôi đã hấp ta hấp tấp thầm tự xem mình như một người đồng tâm đồng chí với ông (Minh Đức). Không ngờ là ở những phần sau thì chính Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã đưa thông tin hoàn toàn sai lạc về ý kiến then chốt của chúng tôi. Sau một số lần trích dẫn chúng tôi, ông đã hạ chắc nịch:
“Đến ngang đây, ta thấy rõ An Chi đã đồng ý với Huệ Thiên (Huệ Thiên cũng là bút danh khác của An Chi), danh từ S. Ullambana là sự treo ngược, còn danh từ S. Ullambhana là sự giải thoát. Vậy, Vu-lan-bồn là sự giải thoát thật chăng? Tôi cảm thấy ngờ ngợ, nghi nghi! Ullambana, tội treo ngược là trật rồi; nhưng Ullambhana, là sự giải thoát thì cũng không phải!”
Ullambhana có phải là sự giải thoát hay không thì chúng tôi sẽ bàn sau nhưng trước nhất, xin kiên quyết bác bỏ lời khẳng định sau đây của ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh : An Chi đã đồng ý rằng Ullambana là “tội treo ngược”. Đây là một sự xuyên tạc, có chuẩn bị cho thật mạch lạc từ một đoạn trích dẫn trước đó. Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã dẫn An Chi (Huệ Thiên) như sau:
“Căn tố của từ trước là LABH / LAMBH, như đã phân tích, còn căn tố của từ sau thì lại là LAMB. Cũng như từ trước, ullambana có ba hình vị: Tiền tố ud-(trở thành ul vì lý do đã nêu), căn tố LAMB và hậu tố -ana. Ngoài nghĩa nêu trong đoạn đã dẫn của Huệ Thiên, ud- (→ul-) còn chỉ hướng chuyển động từ dưới lên. LAMB là treo (vậy ul-LAMB là treo lên) còn ana- là hậu tố chỉ hành động có liên quan đến nghĩa mà tiền tố và căn tố diễn đạt, như đã thấy. Vậyullambana là sự treo lên và chỉ có thế. Từ này hoàn toàn chẳng có liên quan gì đến ý “ cực khổ tột cùng”, càng không phải «cứu khỏi cực khổ”.”
Thực ra, đây là đoạn mà chúng tôi đã viết trên Kiến Thức Ngày Nay số 399 (10.9.2001) để bác ý kiến của Hoàng Xuân Hãn cho rằng ullambana có nghĩa là “cực khổ tột bực”. Mà chúng tôi cũng chỉ viết rõ ràng rằng “ullambana là sự treo lên”, chứ không hề nói đây là treo ngược hay treo xuôi gì cả. Ai biết tiếng Việt cũng đều có thể hiểu treo lên là một cách nói tổng quát cho nhiều thế treo : treo ngược, treo xuôi, treo ngang, treo dọc, treo chéo, treo bằng móc, treo bằng dây, treo cao, treo thấp, treo lơ lửng, treo cố định, v.v.. Chúng tôi đâu có nói ullambana là “tội treo ngược”, đơn giản chỉ vì đây mới chính là cái ý mà chúng tôi kiên quyết bác bỏ, đăc biệt là trong bài “ Sự tích Rằm tháng bảy và xuất xứ của hai tiếng Vu Lan”, đăng trên Kiến Thức Ngày Nay số 89 (1.8.1992), mà chính ông Triều Tâm Ảnh cũng đã có giới thiệu và trích dẫn trong bài của mình. Nhưng chính cái đoạn mà chúng tôi bài bác “tội treo ngược” thì ông lại giấu nhẹm đi. Đây, chúng tôi đã viết thế này:
“Ullambana có ba hình vị: – ud- (trở thành ul- do quy tắc biến âm saṃdhi khi “d” đứng trước “l”), là một tiền tố, thường gọi là tiền động từ (preverb) chỉ sự vận động từ dưới lên; – LAMB là căn tố động từ có nghĩa là “treo”; – và -analà hậu tố chỉ hành động. Vậy ullambana có nghĩa là sự treo lên. Nhưng tất cả chỉ có thế mà thôi; từ Sanskrit này không hề diễn đạt cái ý treo ngược, treo xuôi gì cả. Nó lại càng không thể có nghĩa là cứu khỏi nạn treo ngược được.” (tr.44).
Khi bài này được in lại trong quyển Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm(Nxb Trẻ, 2004, tr. 205-212), thì đoạn trên đây vẫn được giữ y nguyên. Thế mà ông Triều Tâm Ảnh lại nỡ lòng viết “An Chi đã đồng ý với Huệ Thiên rằng danh từ S. Ullambana là sự treo ngược.” Chúng tôi mạn phép nghĩ rằng đây không phải là việc làm của người trung thực. Bây giờ xin bàn sang chuyện “Vu-lan-bồn có là sự giải thoát thật chăng”.
Trên Kiến Thức Ngày Nay số 399, chúng tôi đã viết: “Mathews’ Chinese – English Dictionnary đã chú một cách ngắn gọn và chính xác về xuất xứ của ba tiếng “ vu lan bồn” như sau: “From the Sanskrit ullambhana, deliverance. (Do tiếng Sanskrit ullambhana, [có nghĩa là] sự giải thoát).” Chúng tôi đã nêu như thế còn ông Triều Tâm Ảnh thì hoài nghi: “Dường như tôi chưa đọc được ở đâu “thuật ngữ Ullambhana” lại chỉ cho sự giải thoát cả.” Nhưng ông chưa đọc được ở đâu không có nghĩa là nó không tồn tại. Thì đây, thưa ông:
– “Yulanpen is the Chinese transliteration of the Sanskrit ullambhana(deliverance)” (Bryna Goodman, Native place, city, and nation: regional networks and identities in Shanghai, ebook, p.93).
– “The Buddhists celebrate this date as Yulanpen, a transliteration of the Sanskrit word Ullambhana, meaning «deliverance».” (Travel in Taiwan, “Festivals”).
– “ Le vrai nom vient du sanscrit Ullambhana, c’est-à-dire « délivrance ».” (French CS Newsletter [Février 2011]).
– “Aux yeux du public, la plus grande fête bouddhiste est ullambhana, quidélivre les âmes des ancêtres jusqu’à la septième génération.” ( Lei Haizong 雷海宗, dẫn theo Les idées maîtresses de la culture chinoise của Liang Shumin 梁淑敏, do Michel Masson dịch sang tiếng Pháp).
V.v. và v.v..
Các dẫn chứng trên đây cho thấy rõ ràngullambhanalà “deliverance” (Pháp: “délivrance”) và deliverance hiển nhiên là “sự giải thoát”. Rủi thay, đến lượt danh từ deliverance của tiếng Anh cũng bị ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh chê bai. Ông viết:
“Danh từ Deliverance phát xuất từ động từ Deliver (ngđt) có rất nhiều nghĩa:Phân phối; đọc, phát biểu, bày tỏ; đỡ đẻ; giao, giao trả, nộp… cho đến nghĩa phụ cuối cùng mới là cứu, cứu khỏi, cứu thoát… Đây là từ tiếng Anh cổ, vì ngại lệch nghĩa nên ngày nay người ta (Đức, Anh, Mỹ…) không dùng nữa.”
Ở đây, tác giả có ít nhất hai cái sai. Thứ nhất,“cứu, cứu khỏi, cứu thoát” không phải là cái nghĩa phụ cuối cùng của deliver, mà là nghĩa từ nguyên, tức cái nghĩa nguyên sơ của nó vì ở trong deliver, ta còn có thể thấy thấp thoáng bóng dáng của động từ La Tinh liberare, có nghĩa là giải thoát. Thứ hai, deliverance không hề là một từ cổ, mà là một từ hiện hành. Nó hãy còn rất “cường tráng” nữa là đằng khác. Chỉ cần đọc thời sự riêng về tình hình Ai Cập gần đây thôi, ta đã có thể thấy hàng loạt câu có từ deliverance:
– “White Revolution : Deliverance.” (Tên một bài báo trên The Express Tribune, ngày 12.2.2011).
– “Egyptian youth celebrate deliverance from dictatorship” […] (New York Times, ngày 14.2. 2011).
– “Let’s join the Egyptians in celebrating this day of deliverance in their history […]” ( Lời bình của độc giả trên The Daily Star, ngày12.2.2011).
V.v và v.v..
Rõ ràng là ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã khẳng định một cách hoàn toàn sai lầm. Nhưng có vẻ như ông lại thích diễn giảng về những điểm không thuộc sở trường của mình nên ông còn viết tiếp như sau:
“ Còn một từ tiếng Anh cổ thứ hai, đấy là danh từ Emancipation – phát xuất từ động từ Emancipate (ngđt) có nghĩa là giải phóng, phóng thích, giải thoát… nó gần với từ S. Ullambhana hơn – nhưng bây giờ cũng rất ít dùng. Từ tiếng Anh hiện đại – khi nói đến “giải thoát” hoặc dịch thuật ngữ P.Vimutti,vimokkha ; S. Vimukti, vimokṣa– thì người ta dùng từ Liberation, phát xuất từ động từ Liberate (ngđt) có nghĩa là tha, thả, giải phóng, phóng thích, cho tự do… Động từ ấy lại tương tợ từ tiếng Pháp – Libre, liberté, libérer,libéralité, libération… đều cũng một trường nghĩa – chỉ cho sự tự do, cho tựdo, sự giải thoát, cho giải thoát…”
Ở đây ông cũng sai hai chỗ. Thứ nhất, ông đã dùng sai hai tiếng “tương tợ”. Ông đã không phân biệt tính tương tự (similarity) với sự tương ứng (correspondence). Với cách hiểu của ông, ở đây ta chỉ có thể dùng hai tiếng “tương ứng”. Nhưng động từ liberate của tiếng Anh chỉ có thể ứng với từ cùng từ loại trong tiếng Pháp là libérer (động từ), chứ làm sao ứng một cách vô nguyên tắc với hàng loạt từ như libre (tính từ), liberté, libéralité,libération (cả ba đều là danh từ)? Thứ hai, chính cái danh từliberation “thời thượng” của ông, tiếc thay, mới ít được được dùng hơn deliverance vàemancipation để dịch vimukti, vimokṣacủa tiếng Sanskrit hayvimutti,vimokkha của tiếng Pali. Dưới đây là bằng chứng. Cả Concise Pāli-English Dictionary của A. P. Buddhadatta Mahathera (Colombo, 1957) lẫn The Pali Text Society’s Pali – English Dictionary (Oxford, 1998)
đềudịch vimutti là “release; deliverance; emancipation”; rồi vimokkha là “deliverance; release; emancipation”. Không hề thấy bóng dáng của danh từliberation ở đâu. Còn A Sanskrit English Dictionary của M. Monier-Williams (Delhi,1999) thì dịch vi-mukti là “release , deliverance, liberation”, rồivimokṣa là “release, deliverance from, liberation of the soul, i.e. final emancipation”. Rõ ràng là danh từ “liberation” của ông ít được dùng hơn, cũng như rõ ràng là deliverance có nghĩa là “sự giải thoát”, như có thể thấy trong nhiều quyển từ điển. Để ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh có thể vững tin rằng mình đã khẳng định một cách hoàn toàn vô căn cứ, chúng tôi xin nêu thêm một số dẫn chứng:
–“Prātimokṣa (deliverance of soul) had a significant role in the life of religious mendicants” trong (Āgama and Tripiṭaka – A Comparative Study of Lord Mahavira and Lord Buddha : Language and literature, Volume II, p. 178);
–“Hence deliverance (moksa) cannot be logically possible.” (The Sixth Gandahara);
–“Moksha (deliverance from the cycle of birth and death).” (The greatness of Hinduism);
–“Now the word moksha literally, means deliverance, that is deliverance of the soul from bondage, bandha moksha.”(Hindu Ideals – Purusharthas).
Cuối cùng, xin dẫn hiến ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh lời của G. Lazar tại Chương X của Gandhi: The Meaning of Mahatma for the Millennium: “Ontologically, for Gandhi, the highest aim of every Hindu, or for that matter every human being, is Moksha, namely, final deliverance or liberation from this world and assimilation with the final Truth.” Trong câu này, “final deliverance” hiển nhiên là danh ngữ chính thức và trực tiếp dùng để giải nghĩa danh từ Sanskrit mokṣa(moksha) còn “liberation” thì chỉ thuộc danh ngữ phụ, dùng để giảng cho rõ thêm “final deliverance” mà thôi.
Rõ ràng là deliverance thường đứng hàng đầu còn liberation thì chỉ lấp ló ở phía sau. Thế nhưng ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh lại còn cố viết:
“Đến ngang đây, cái từ Ullambhana hiện ra; chính xác nó phải mang ngữ nghĩa như trên chứ không thể mang nghĩa giải thoát được! Và như thế, từ SanskritUllambhana sẽ tương đương với từ PāḷiUllumpana (danh từ trung tính) có cùng một nghĩa là sự nổi lên, mọc lên, cứu vớt – phát xuất từ động từ Ullumpati có nghĩa là nâng lên, giúp đỡ…” Vậy, tôi dè dặt đề nghị nên dịch từ S.Ullambhana là sự cứu vớt, cứu khỏi,chính xác hơn là dùng cụm từ sự giải thoát.”
Ở trên, chúng tôi đã lưu ý bạn đọc và chính ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh rằng có vẻ như ông hay thích diễn giảng về những điểm không thuộc sở trường của mình thì ở đây, ông cũng lại phạm vào nhược điểm đó. Có lẽ ông cũng nên biết rằng trong những trường hợp đặc biệt như trường hợp quan trọng đang bàn, hễ ta muốn đưa hai từ Sanskrit và Pali ra để so sánh thì hai từ đó phải có cùng căn tố. Nhưng từ Sanskrit ullambhana và từ Paliullumpana mà ông đã đưa ra thì chỉ có chung tiền tố ul- (←ud-) và hậu tố -ana – mà rất nhiều từ phái sinh khác đều có – còn căn tố thì lại khác hẳn nhau. Thân từ của P.ullumpana là -lump-, liên quan đến căn tố LUP; còn thân từ củaS.ullambhana thì lại là -lambh-, liên quan đến căn tố LABH. Trong khi đó thì, trớ trêu thay, Pali cũng có căn tố LABH mà Sanskrit thì cũng có căn tố LUP. Vì thế cho nên, may ra, ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh chỉ có thể đúng nếu ông đưa ra hai từ có chung căn tố, hoặc cùng LUP, hoặc cùng LABH, chứ đâu có thể chơi kiểu cái này LUP, cái kia LABH như thế được. Đã thế mà sự phân biệt của ông về ngữ nghĩa ngay trong tiếng Việt cũng khó làm cho người ta yên tâm.
Ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh chỉ chịu cứu khỏi mà không chịu giải thoát, nghĩa là ông không chịu hiểu rằng cứu khỏi và giải thoát cũng chỉ là hai đơn vị từ vựng đồng nghĩa mà thôi. Giải là cứu mà thoát là khỏi. Giải nguy là cứu nguy mà thoát chết là… khỏi chết; vì thế cho nên người Việt ta mới ghép từ một cách tự nhiên mà tạo ra hai cặp giải cứu và thoát khỏi. Vì vậy nên hai tiếng cứu khỏi của Minh Đức Triều Tâm Ảnh cũng đồng nghĩa với hai tiếnggiải thoát của An Chi mà thôi, cần chi phải thay đổi!
Tóm lại, những cái mà ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh ngỡ là giống nhau thì lại rất khác còn những cái mà ông cho là khác nhau thì lại hoàn toàn đồng nghĩa. Chính vì lẽ này cho nên chúng tôi muốn mượn đoạn dưới đây trong bài của chính ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh để kết thúc bài viết của mình:
“Vậy xin các nhà nghiên cứu khi dịch những thuật ngữ Phật học thì hãy lưu ý đấy là thuật ngữ nên không thể tùy tiện tìm nghĩa tương tợ, khái lược thế nào cũng được; vì giả dụ như khi dịch ngược trở lại hoặc dịch sang một ngôn ngữ khác nữa thì yếu tính giáo pháp sẽ phai loãng đi hoặc lệch nghĩa một cách đáng tội!”
Theo Đương Thời
Discussion about this post