MÓN QUÀ TĨNH LẶNG
(KÍNH GỞI THIỀN SƯ NHẤT HẠNH)
Con xin phép được gọi là Thầy, một từ ngữ thân mến và bình dị mà người Phật tử thường tôn xưng tất cả những người thầy của mình, thay vì gọi Hòa thượng hoặc Thiền sư có vẻ xa cách quá.
Như con chim phượng hoàng làm sao nhận biết được chú gà con đang kiếm ăn dưới mặt đất? Như đấng quân vương làm sao nhìn rõ mặt những thần dân đang sinh hoạt giữa đời thường và đang được bảo bọc bởi quyền lực của mình? Thì cũng vậy, Thầy làm sao biết mặt và quen thân một con người như con chẳng hạn?
Nhưng thật ra, con quen Thầy và biết Thầy từ lâu lắm. Thuở còn là thanh niên 17, 18 tuổi, con đã đọc tất cả những cuốn sách của Thầy, kể cả những bài báo trên các tập san đương thời – lúc ấy vào những năm 1965, 1966. Và mong ước làm sao được gặp Thầy.
Tháng 10 năm 1966, lập chí lớn, nguyện đi theo con đường mà Thầy đã vạch. Con bỏ nhà ra đi, vào Saigon, hay đúng hơn là vào Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội để theo học và mong được gần Thầy. Nhưng, khi đặt chân đến trường (khi đó ở Phú Thọ Hòa), thì Thầy đã đi Pháp mấy tháng rồi!
Rốt cuộc, con chỉ gặp thầy Thanh Văn và anh chị em khoá học trước, cùng nhau trao đổi về khát vọng của thanh niên trước thời cuộc và mơ ước được theo học tại trường nầy. Thầy Thanh Văn bảo, “Tình hình chính trị bất ổn, chưa kể nhà trường nằm trong khu vực do Thiên chúa giáo kiểm soát, do đó xoay sở rất khó khăn. Hiện tại, trường không biết khi nào sẽ mở tiếp tục và và dẫu chờ đợi thì cũng không biết đến bao giờ. Cách đây mấy ngày, trường bị một kẻ lạ mặt ném lựu đạn vào ban đêm, làm chết và bị thương một số người. Chính quyền sở tại dửng dưng, tỏ ra không biết gì về vụ việc này”
Tình cảnh có vẻ bất an, thầy Thanh Văn khuyên con nên về Saigon ẩn lánh một thời gian rồi sẽ tính. Con buồn rầu và thất vọng vô cùng, nhất là trường TNPSXH cũng gặp nhiều biến cố nên không thể tiếp tục giảng dạy. Chúng con vẫn biết rõ ai là kẻ chủ mưu đã gây nên cuộc thảm sát thương tâm ấy, nhưng phải đành cắn răng chịu đựng mà thôi.
Con đành lui lại Saigon, ở nhờ nhà người quen. Loay hoay. Vật vã. Lạc lõng kiếm sống qua ngày. Thầy vẫn đi biệt mù theo nhiệm vụ, và ngôi trường Thanh niên Phụng sự Xã hội vĩnh viễn khép cánh cửa cho những kẻ tìm cầu để thực hiện lý tưởng phục vụ. Cho đến cuối năm 1968, giấy hoãn dịch hết hạn, bị trở thành người bất hợp pháp, con đành phải lên Đà Lạt làm giấy tờ lại để trốn lính.
Rồi vô số cơ duyên, và hệ luỵ đã lôi kéo con theo dòng đời bất tận. Nhưng, tiền bạc, công việc, vợ con không thể làm con quên bẵng chí nguyện thời trai trẻ. Con vẫn duy trì cuộc sống theo ánh sáng đức Phật theo phương thức cổ truyền: phát triển niềm tin bằng cách đọc kinh, ăn chay, quy y Tam Bảo, thọ ngũ giới, thập thiện, tụng kinh, niệm Phật…và xem đó là như là lý tưởng và cuộc sống của mình.
Từ ấy đến nay, như vậy, đã năm mươi năm! Không biết bao nhiêu con nước đã chảy qua cầu. Bao nhiêu máu đã đổ trên quê hương Việt Nam cả trên cả thế giới? Bao nhiêu niềm vui lóe lên rồi chợt tắt giữa âu lo? Con không biết, nhưng năm mươi năm nay con vẫn lây lất theo từng mảnh vô thường, nhưng vẫn âm thầm dõi theo từng bước chân Thầy. Thầy hiện ở đâu? Thầy đang làm gì? Thầy ra cuốn sách nào? Thầy hiện tu tập ra sao?
Ví dụ: Khi rời Việt Nam để qua Pháp, Thầy đã dẫn đầu phái đoàn phản chiến, lớn tiếng đòi hỏi hòa bình cho Việt Nam. Rồi Thầy tiếp xúc với Martin Luther King, cùng tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho Việt Nam, theo đường lối ôn hoà, bất bạo động. Lý tưởng Phật đạo hoà chung với công việc phản chiến, các hành vi bất bạo động cứ quyện vào nhau và nối tiếp nhau không dừng nghỉ. Rồi về sau năm 1975, Thầy đóng thuyền bè để đi cứu vớt những người Việt Nam vượt biển tìm tự do, gọi là thuyền nhân vân vân… Thầy lập chỗ tu học Làng Hồng, sau đổi lại là Làng Mai. Những chuyện ấy con không cần kể ra vì mọi người đã biết.
Những bậc đại anh hùng đại hào kiệt thuở xa xưa đã bày tỏ tham vọng lấp biển vá trời, nhưng thất bại, phần đông bị chặt đầu, hoặc bị giam cầm trong ngục tối, hay thay tên đổi họ để ẩn lánh cho qua kiếp làm người. Riêng Thầy, nhờ vào sự hộ trì của Tam Bảo, đã vượt qua mọi sóng gió và mãi mãi đứng lên. Thú thật, Thầy còn hơn bọn họ, vì Thầy đã dùng chánh pháp của đức Phật để làm cách mạng Phật giáo, đem đạo Phật vào trong cuộc sống để chuyển hoá từng người, từng người, đặt một cái nhìn mới mẻ, kỳ đặc cho tư tưởng chúng sanh. Những việc khó làm, nhưng Thầy vẫn kiên trì và cang cường hành động cho đến cùng. Hay hoặc là dở, đúng hoặc là sai, chỉ có hậu thế mới đủ tư cách phê phán.
Riêng con, một người niệm Phật và thệ nguyện trọn đời không có thay đổi, nhưng vẫn đủ tỉnh thức để nhận ra rằng, pháp An trú trong Hiện tại của Thầy đề xướng, vẫn cần thiết cho người Tây phương và cả những người Việt Nam vốn không có khuynh hướng hành trì theo lối tu tập truyền thống. Hạng người này rất đông, cho nên con đường của Thầy vẫn mang lại những lợi ích cụ thể cho họ. Thành ra, con vẫn hoan nghênh hết mình, vì con đường nào cũng phát xuất từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà Thầy chỉ là bậc dẫn lối.
Có nhiều người theo một cách nhìn nào đó, đã xem Thầy là một nhân vật chính trị. Nhưng con vẫn thấy rõ Thầy chỉ là một người tu sĩ Phật giáo đã thọ giới Tỳ-kheo, một người đã thệ nguyện dâng hiến cuộc đời mình cho lý tưởng Hoằng pháp Lợi sanh. Bất cứ lúc nào, tánh mạng và hơi thở của Thầy vẫn đau đáu xả thân vì sự thành tựu của vô số hữu tình. Với tâm niệm rằng: Khi mà Chánh Pháp không hoằng truyền được nữa, khi mà chúng sanh mà không hưởng dụng mọi lợi lạc, thì sự hiện diện của các tỳ-kheo sẽ vô ích, không cần thiết duy trì trên thế gian này nữa.
Sau hơn bảy mươi năm từ giã gia đình để xuất gia, khoác chiếc áo nâu sồng, Thầy đã làm rất nhiều chuyện – nhiều chuyện kinh thiên động địa, Thầy viết những cuốn sách làm thức tỉnh cho mọi người, dạy dỗ vô lượng chúng sanh biết tu tập từ những bước căn bản. Rồi còn nữa, những cuốn sách làm lay động trái tim người Việt Nam lẫn người ngoại quốc. Chưa kể, những tác phẩm xứng đáng đưa vào văn học sử nước nhà từ rày cho tới mai hậu. Thầy còn mang hết trí tuệ bình sinh và tâm huyết để xây dựng những công trình lớn lao tại nước Pháp, và cho đến Huê kỳ, Canada, Úc-đại-lợi, Thụy Sĩ, Thái Lan… vân vân, để các tăng sinh và cả muôn triệu người tu học, nhưng quan trọng nhất là Thầy đã thành công trong việc đào tạo những con người mới, con người tiếp hiện. Thầy đã thực hiện hàng ngàn buổi giảng cho các cư sĩ đủ mọi tầng lớp, kể cả những người phương Tây thao thức một con đường giải thoát chân thật.
Thầy đã sống trọn vẹn cho những gì tốt đẹp và cao thượng nhất của kiếp người, Thầy đã thành công vĩ đại nhất cho những ai muốn đạt một cái gì đó trong thế gian. Thầy đã làm những việc không có ai làm nổi và không có ai làm được. Tư tưởng của Thầy đã tràn lan khắp Việt Nam và cả thế giới. Vắn tắt, có thể nói rằng: sự nghiệp của Thầy thật là “Tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả”. Tóm lại, Thầy quả là vô cùng xứng đáng để con cùng tất cả mọi người tôn xưng danh hiệu “Bậc Đại Trượng Phu”.
Và, đây là điều quan trọng nhất, ấy là Thầy đã ra đi và đã trở về.
Hôm nay, quê hương thân yêu đang mở rộng đôi tay để chào đón Thầy về lại giữa Đất Mẹ, giữa ngôi chùa quê, cổ kính và thâm nghiêm, đẹp và trong veo như tiếng đại hồng chung dóng dả trong buổi sáng tinh sương, giữa những người hiến dâng cuộc sống mình cho Bậc Thầy thân mến. Nhất là giữa sự đùm bọc siêu hình của Tam Bảo, khiến Thầy cảm thấy ấm áp và vững chãi hơn lên.
Kính thưa thiền sư Nhất Hạnh,
Kính thưa Thầy,
Trọn một đời, Thầy đã giáo hoá chúng sanh bằng lời nói, bằng sách kinh, bằng những hành động vị pháp vong thân của mình – bây giờ cho đến những ngày sau, con nghĩ rằng, Thầy sẽ dùng sự tĩnh lặng để giáo hoá muôn người. “Mặc như lôi”, tĩnh lặng như sấm sét.
Con sẽ lên chuà Từ Hiếu để đảnh lễ Thầy, một người mà con vô cùng mến yêu và kính trọng. Con sẽ ngồi bên cạnh Thầy và tĩnh lặng. Thầy cũng vậy, chỉ ngồi yên và tĩnh lặng.
Chắc chắn rất nhiều người đang chờ đợi để chen nhau đảnh lễ Thầy, số lượng không thể tính kể được, do đó, con sẽ bị đẩy ra vòng ngoài, làm sao đến gần Thầy được? Chỉ có cách này mà thôi: Con sẽ kiếm một chỗ râm mát không xa chỗ ngồi của Thầy, từ đấy con sẽ ngồi nhìn Thầy, và tĩnh lặng.
Tĩnh lặng, đó là bài học cao thượng nhất và quý báu nhất, mà Thầy sẵn sàng đem tới cho con – và tất cả mọi người…
Kính lạy Thầy, thiền sư Nhất Hạnh,
Con: Nguyễn Xuân Chiến,
một cư sĩ Niệm Phật Tịnh Độ của xứ Huế.
Discussion about this post