Năm
1980, ở tuổi hai mươi sáu, tôi để qua một bên các tham vọng thế tục của mình –
và đổ tất cả tiền tiết kiệm của mình – vào việc tham dự một khoá thiền Phật giáo
ở Alberta, Canada, do một thiền sư Tây Tạng nổi tiếng hướng dẫn, ngài Rinpoche
Chogyam Trungpa. Trong khóa thiền đó, chúng tôi ngồi thiền bảy đến tám tiếng mỗi
ngày, học kinh điển Tây Tạng và Ấn Độ, thảo luận cùng nhau và với Rinpoche, về
các giáo lý Phật giáo vượt thời gian. Việc tu tập thật cam go, rốt ráo, nhưng
khoảng thời gian trải qua trên những dãy núi vươn dài ở Canada thật tuyệt vời. Đối
với tôi, một người trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết, đang trên con đường tìm kiếm tâm
linh, tôi cảm thấy như tôi đã đạt đến thánh địa cuối cùng. Tôi đang sống một cuộc
sống ẩn dật, tu tập giáo lý cổ đại với một vị thầy danh tiếng. Rõ ràng đây là một
giai đoạn quan trọng mà cuộc đời có thể mang đến cho tôi! Tôi đã bỏ lại phía
sau thế giới vật chất, tôi đang tu học các phương pháp hành thiền để tìm được
an lạc và trí tuệ. Tuy nhiên, dẫu tham vọng của tôi cao tột, chẳng lâu sau tôi
khám phá rằng những gì tôi đang được rèn luyên thực tế và sâu xa hơn nhiều.
Sau
một thời gian tôi quyết định dứt khoát rằng tôi muốn dốc cả cuộc đời cho thiền
và con đường tâm linh. Tôi hoạch định chi tiết của một cuộc phiêu lưu như thế.
Rồi tôi sẽ sống ở đâu? Làm thế nào tôi có tiền trang trải cuộc sống? Và phải
trang
trải những gì? Tôi có phải lang thang từ nơi này đến nơi khác hay phải tìm tu
viện nào chịu đón nhận tôi? Không biết rồi bạn gái tôi sẽ nghỉ thế nào về việc
tôi sống đời tu sĩ? Tôi nghĩ, chắc là cô cũng thấy nhẹ nhỏm. Tất cả mọi hoạch định
đều rất hứng thú. Tôi tin chắc là tôi đã có quyết định đúng.
Cuối
khóa tu, tôi xin được gặp riêng với Rinpoche, vì tôi dự định sẽ thưa với ngài về
ý định của tôi. Không ai có thể chắc ngài sẽ nói gì, nhưng tôi khá tự tin là ngài
sẽ có lời khuyên tôi làm thế nào để tiến hành kế hoạch đã định. Có lẽ ngài sẽ
khuyên tôi nên vào tu ở một tu viện hoặc hướng dẫn tôi tiếp tục dự các khóa thiền
dài hạn. Có thể ngài sẽ nhìn ra được khả năng thực sự của tôi và gửi tôi đến
Sikkim để tu học dưới trướng của Karmapa, một trong những vị thầy đáng tôn kính
nhất của Phật giáo Tây Tạng!
Khi
khóa tu sắp chấm dứt, tất cả mọi người tụ họp lại để ăn mừng. Rinpoche cũng đến
chia vui với chúng tôi. Ngài ngồi ở một góc trong căn phòng rộng lớn. Buổi tối
hôm đó, với không khí bịn rịn của nhiều cuộc chia tay, mùa xuân ở Canada vừa đến,
và buổi liên hoan kết thúc khóa tu, hòa quyện vào nhau thành một thời gian thật
đáng nhớ trong đời tôi, bỗng một người trẻ tuổi đến báo tin: “Rinpoche, sẽ
tiếp bạn bây giờ”. Tôi nghĩ, “Bây giờ, ngay giữa buổi tiệc?” Cuối cùng
thì tôi cũng có cơ hội được tiếp chuyện với ngài, nhưng tôi cảm thấy chưa chuẩn
bị gì cả.
Tôi
được đưa đến gặp Rinpoche. Sau khi lễ bái theo phong tục, và tiếp theo là những
khoảng khắc lúng túng, im lặng tiêu biểu, tôi bắt đầu giải thích các kế hoạch để
trở thành một thiền giả thực thụ. Ngài kiên nhẫn lắng nghe tôi lý giải, mỉm cười,
gật gù và quan sát nét mặt tôi. Tôi giải thích với ngài rằng tôi đã bỏ việc, bỏ
nhà, và rút tất cả tiền dành dụm để đến dự khóa tu này. Tôi nguyện sẽ học hỏi đến
tận cùng các
giáo lý, nguyện sẽ tu thiền, và chuẩn bị để sống cuộc đời còn lại hoàn toàn cho
con đường Phật giáo. Giờ tôi chỉ cần một lời khuyên, một đôi điều nhắc nhở. Nên
tôi hỏi: “Thưa, tôi sẽ tiến hành như thế nào?”.
“Hãy
về, và đi tìm việc làm đi”, ngài trả lời ngay. Tôi lắp bắp, cố giữ thăng bằng;
tâm tôi như nẩy lửa. “Có thể ngài nghĩ tôi không xứng đáng làm người tu sĩ.
Hoặc ngài lầm tôi với ai đó. Điều đó cũng không lạ; vì với quá nhiều thiền
sinh, nên ngài cũng có thể lầm như thế”. Tôi cố gắng tìm một tình tiết nào đó
– bất cứ tình tiết gì để giải thích. Tôi không hề ngờ ngài bảo tôi biến đi – đi
mà tìm việc làm! Rồi tôi lại nghĩ, “Hay tôi chưa trình bày rõ ràng. Có thể
ngài đã hiểu lầm tôi”. Tôi cố trấn tĩnh và vẫn ngồi vững chải trên ghế lặp
lại sự suy tính của mình lần nữa. Và lần nữa, Rinpoche cầm ly uống ngụm nước,
kiên nhẫn lắng nghe tôi lý giải. Cuối cùng, ngài ngồi dựa vào ghế, rồi với một
nụ cười nở rộng, ranh mãnh, ngài nói, “Con làm được mà. Hãy thử đi”. Vậy
là buổi phỏng vấn đã kết thúc, và sự nghiệp tu hành của tôi coi tuồng khá gian
nan. Mọi dự tính đã sụp đổ, và nhìn dưới nhiều khía cạnh, có thể nói tôi đã mất
trắng. Thế là với tâm trạng hoang mang, tôi từ giã Canada để trở về thành phố
New York. Nhưng cuộc đàm thoại ngắn ngủi với thầy tôi đã đánh dấu một khởi đầu
của cuộc phiêu lưu tâm linh đem lại nhiều thành quả hơn bất cứ gì mà tôi có thể
tưởng tượng ra lúc đó. Thay vì chọn cuộc sống ở tu viện, tôi đã chọn sống ở New
York, và đã tìm được chỗ đứng tâm linh vững vàng ngay trong lòng chính sách tư
bản, tại Phố Wall. Ngay tại đây, tôi học được rằng những gì tôi đã coi là tầm
thường, cái được gọi là thế giới quy ước, thực sự là thánh thiện; và những gì tôi
đã coi là sâu sắc, “con đường tâm linh”, chỉ là ảo tưởng dại khờ của bản thân.
Tôi đã phải học những bài học tâm linh ở nơi làm việc, không phải trong các tu
viện.
Suốt hai mươi hai năm làm việc tại Phố Wall và sau này, trong ngành
xuất bản, tôi dần hiểu được trí tuệ trong lời khuyên của thầy tôi. Sự cọ sát hằng
ngày, những thành công và thất bại, công việc nhọc nhằn, căng thẳng, tất cả dần
dần mở ra như một giáo lý thâm sâu. Và trọng tâm của giáo lý đó là sự nhận thức
rằng con đường tâm linh không gì khác hơn là sống chính cuộc sống của chúng ta,
một cách tự tin và tràn đầy, ngay trong giây phút hiện tại – và không loại trừ
thứ gì, nhất là công việc làm của chúng ta. Chùi sàn, soạn thảo thư từ, dẫn dắt
một đất nước, hay chăm sóc một đứa trẻ đói nghèo, tất cả đều là những bước cao đẹp
mà chúng ta đi trên con đường tìm kiếm một cách trọn vẹn việc chúng ta là ai,
chúng ta đang có mặt ở đâu. Công việc làm trở thành cuộc hành trình tâm linh
khi điểm đến của chúng ta không chỉ là để được thành công hơn, sung túc hơn, được
lãnh lương, thăng chức, công việc được bảo đảm, mà chúng ta còn làm việc để giải
đáp câu hỏi cơ bản nhất: Chúng ta có thể sống tự tại trong cuộc sống – có thể cởi
mở, chân thật, và thoải mái trong mọi tình huống, trong từng khoảnh khắc?
Cảm
thấy thoải mái với bản thân trong công việc, thật ra có thể là một thách thức,
vì dầu có cố gắng đến mấy, chúng ta cũng không thể điều khiển công việc. Công
việc là bộn bề, không chừng đổi và hỗn độn. Chúng ta có thể đam mê được trở thành
một vị bác sĩ tuyệt vời hay một cô giáo tận tụy. Hoặc chúng ta có thể làm việc
cật lực để trở thành một vị luật sư tài giỏi hay một nghệ sĩ múa tài hoa. Tuy
nhiên, bằng cách nào đó rủi ro, khó khăn luôn tìm được đường đến với chúng ta:
Bảo hiểm gian dối, học sinh quậy phá, bài thi ra trường luật quá khó, các dây
chằn khớp đau mỏi. Công việc làm không thể nào diễn ra đúng như chúng ta mong mỏi,
và có thể thành công trong công việc không bao giờ là việc đơn giản như ta nghĩ. Những vấn đề phức tạp rắc rối của công việc có thể làm chúng
ta nản lòng, nhiều khi rất nghiêm trọng. Công việc của chúng ta khai triển giữa
bao điều không lường và rắc rối khiến phần đông chúng ta không khỏi cảm thấy thất
vọng, căng thẳng, và đôi khi cả bất lực. Văn hóa kinh doanh ngày nay khiến chúng
ta nghĩ rằng những rắc rối đó chỉ là các chướng ngại trên đường để giúp ta đạt được
cái thực sự đáng kể: Tiền lương, thăng chức, lợi nhuận. Thực ra, việc kinh
doanh thường có những đòi hỏi khắc khe rằng con đường đến thành công phải càng êm
ái càng tốt. Nhưng điều đó chẳng bao giờ xảy ra. Thành công thường khó nắm bắt
và công việc, do tính chất của nó, thường khó điều khiển, và nhiều khi bất công
– tự trong thâm tâm chúng ta cũng biết điều đó. Chúng ta biết rằng những khó khăn
trong nghề nghiệp và xung đột là những điều không thể tránh khỏi, rằng những cá
tính càng bướng và quyết định sai lầm là một phần của công việc. Vậy mà oái oăm
thay, chúng ta vẫn tiếp tục xem các khó khăn đó là những bước ngoặt phiền toái
và là những sự xâm phạm không chờ đợi. Nếu chúng ta muốn công việc không chỉ là
một sự áp đặt khó chịu trong cuộc đời, nếu chúng ta muốn được khích lệ bởi tiềm
năng của việc vừa được thành công vừa tham dự vào công việc một cách tâm linh,
chúng ta cần dừng lại và quán sát thái độ cơ bản của ta đối với công việc. Có
thể là chúng ta thiếu sót điều gì đó. Có thể các vấn đề phát sinh trong công việc
không phải là sự đình trệ, hay cản trở, mà là những lời mời gọi để đạt được trí
tuệ thực sự. Có thể, ở một mức độ nào đó, những “rắc rối” trong công việc chính
là điều mà chúng ta cần có.
Thoạt
nghe, ý kiến đó có vẻ lạ lùng. Tuy nhiên, nếu chúng ta quán sát công việc một cách
kỹ lưỡng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng bất cứ khi nào công việc của ta trở nên rắc
rối là ta phải chậm lại và chú tâm. Có thể nói là những gì khó khăn, rắc rối
được ta đặt lên hàng đầu, được ta quan tâm giải quyết ngay. Nhưng điều thường xảy
ra là thay vì hành động với sự chú tâm đầy bản lĩnh mà hoàn cảnh đòi hỏi, chúng
ta lại lao vào để chống đối.
Đôi
khi chúng ta chống đối bằng những phương cách nhẹ nhàng. Có thể chúng ta tránh
mặt một đồng nghiệp khó tính, hay nghiến răng nói thầm, “Kìa, anh chàng cứng đầu
kia rồi”. Đôi khi sự chống đối của ta trở nên rất nặng nề: Một vụ kiện trở thành
một cuộc chiến dai dẵng, hoặc một lời châm chọc vu vơ trở thành một sự oán hận
suốt đời. Khi tránh né, chùn bước trước những vấn đề trong công việc, chúng ta
không thể tránh thấy mình rơi vào một môi trường không thân thiện – thường cảm
thấy cô đơn, gò bó, lúng túng, ngay cả chiến đấu với công việc của mình, bảo vệ
bản thân không phải tham gia vào công việc – hơn là thành tựu các mục tiêu của
nó.
Sự
thật chua cay mà ta phải đối mặt là đây: Không chấp nhận những khó khăn trong công
việc nhưng hy vọng mọi thứ đều êm xuôi là điều không tưởng. Công việc, cũng như
mọi thứ khác trong đời, thường không như ý và bấp bênh, và thật là hoài công
khi ta mong muốn nó phải khác thế. Phản ứng lại với bất cứ khó khăn nào trong đời
cũng chỉ làm tăng thêm sự khó chịu, và cuối cùng là ta chiến đấu với chính mình,
không để cho bản thân được yên, tranh đấu với cuộc sống hơn là sống.
Hiện
tại tôi vẫn còn làm việc trong thế giới kinh doanh, nhưng tôi cũng dạy thiền Phật
giáo và hướng dẫn các hội thảo về công việc như là sự thực hành tâm linh. Tôi
thường bắt đầu các buổi hội thảo bằng cách yêu cầu các thành viên kê ra ba tính
từ diễn tả đúng nhất về công việc của họ. Lúc nào các
phản ứng cũng đều giống nhau: “Căng thẳng”, “thất vọng”, “khó khăn”,
“lo âu”, “bức xúc”. Thỉnh thoảng cũng có vài tính từ tích cực được đưa vào như
“thách thức”, “kích thích”, hay “sáng tạo”. Nhưng đa số trải nghiệm công việc làm
như là một gánh nặng, mối đe dọa, một sự bất tiện – nơi làm việc bị xem là nơi
giam hãm chúng ta suốt đời thay vì ta được tự do để tận hưởng cuộc sống. May mắn
thay, giờ chúng ta có thể dừng cái cảm giác bị công việc giam hãm. Chúng ta có
thể dừng hy vọng, mong mỏi một cuộc lướt sóng êm đềm, và chúng ta cũng có thể dừng
trải nghiệm công việc làm như là một môi trường thiếu thân thiện. Thay vào đó,
chúng ta có thể khám phá ra một cảm giác tự do và thỏa mãn sâu sắc trong công
việc. Nhưng để có thể làm được việc đó, chúng ta cần một sự chuyển đổi đơn giản
mà sâu sắc trong cách chúng ta tham gia vào công việc làm: Thay vì phản kháng,
chúng ta cần chậm lại và thông thoáng, cởi mở ra. Thay vì chống báng những vấn đề
trong công việc, xem chúng là những sự gián đoạn phiền hà, chúng ta nên chấp nhận
công việc với tất cả những phức tạp kèm theo với chúng, xem đó là lời mời gọi
chúng ta tỉnh thức và sống cuộc sống của ta một cách tròn đầy, chân thật. Dưới
quan điểm đó, những vấn đề nẩy sinh trong công việc không còn là những rào cản
tốc độ phiền toái hay những chiến trường đầy thất vọng, mà là những kinh nghiệm
quý giá đáng cho ta khôn ngoan nắm bắt. Chúng ta có thể tập chấp nhận bất cứ điều
gì phát sinh trước mắt – dầu làm ta thất vọng, hồ hởi, lúng túng hay nhàm chán
– một cách tự tin và viên mãn. Nếu ta dành đôi giây phút để chậm lại và cởi mở
trước các tình huống trong công việc, chúng ta sẽ khám phá rằng công việc luôn
mời gọi ta đến để giúp đỡ, không phải trốn tránh; để lắng nghe một cách cởi mở,
không phải để bưng kín; để kết nối, không phải lảng tránh; để hoàn thiện khả năng
của chúng ta, chứ không phải để chất vấn.
Nhưng trong sự nôn nóng được thành công và được tốt hơn, nhanh hơn,
nhiều lợi nhuận hơn, chúng ta đã bỏ qua sự thật là công việc với tất cả những áp
lực và vấn đề của nó, luôn mời gọi ta cộng tác, chia sẻ và thức tỉnh – ngay tại
đây, ngay bây giờ. Và có thể đó là điều ta hằng mong đợi: Đơn giản là được thức
tỉnh trong công việc.
Giải
quyết công việc làm của chúng ta một cách thông minh và không phản kháng đòi hỏi
chúng ta phải định nghĩa lại, xem xét lại thái độ của ta đối với cuộc sống một
cách trọn vẹn. Chúng ta vẫn có thể tham dự, giải quyết công việc của mình một cách
lý trí và cởi mở mà không cần phải buông bỏ ước muốn được thành công hay không
màng đến tình cảm hay ước vọng của chúng ta. Điều công việc đòi hỏi ở chúng ta đơn
giản, tầm thường một cách đáng ngạc nhiên: Chỉ cần là chính mình, ở ngay tại chỗ
mình đang có mặt, chỉ cần chuyển từ đi đến nơi nào đó thật nhanh bằng có mặt ở
nơi nào đó một cách trọn vẹn. Khi áp dụng phương cách đó, chúng ta khám phá ra
không chỉ một cái nhìn rộng hơn về công việc mà còn có sự thật cơ bản về việc làm
người: Bằng cách là chính mình một cách chân thật trong giây phút hiện tại, tự
nhiên chúng ta sẽ trở nên cảnh giác, cởi mở và thiện xảo một cách không ngờ.
Khi chúng ta sẵn sàng chuyển từ việc đến được nơi nào đó nhanh chóng sang có mặt
ở nơi nào đó một cách trọn vẹn, ta sẽ khám phá ra rằng ta không chỉ kiếm sống mà
ta sống cuộc sống của mình trong công việc ngay nơi đó, ngay phút này, trong sự
trực tiếp (immediacy) sinh động và đáng ghi nhận của tất cả khoảnh khắc
hiện tại. Khi hoàn toàn sống trong công việc, chúng ta không quên sống cuộc đời
mình. Dẫu điều gì xảy ra chúng ta cũng không phủi tay, coi đó là một phiền nhiễu,
chướng ngại hoặc chạy đuổi theo nó như là một sự giải thoát, an ủi, trên con đường
tìm đến một nơi nào khác. Bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời, ta sẵn sàng
chấp nhận và trân trọng sự có mặt của nó.
Tỉnh
thức trong công việc là ghi nhận, đầu tiên có thể rất ngắn ngủi, rằng công việc
chỉ mang đến cho ta khoảnh khắc hiện tại chóng qua, luôn biến đổi, và luôn bất
ngờ. Công việc làm, với tất cả những áp lực, thành công và rắc rối, sẽ tự nó
khai triển theo nhịp độ của nó, không phải của ta, và ta có thể tỉnh thức khi nó
khai triển hoặc ta có thể chống đối – một sự lựa chọn mà ta có thể và sẽ thực
hiện trong từng giây phút trong suốt cuộc đời mình. Dẫu ta giàu hay nghèo, Công
giáo hay Hồi giáo, chủ tịch hay thợ làm tóc, tất cả chúng ta đều có thể đón nhận
lời mời gọi tỉnh thức của công việc. Chúng ta có thể tập làm thế nào để tham dự
vào mọi khía cạnh của đời sống như là một sự thực tập tâm linh và nhờ đó sống một
cuộc sống tự tin không sợ hãi hay lo âu. Nhưng để cho cuộc sống và công việc có
thể là con đường tâm linh như thế, chứ không phải là thành trì, ngục tù hay một
chuyến du lịch, chúng ta cần chuẩn bị cho một cuộc hành trình như thế. Quyển sách
này là một lời mời gọi tham dự một cuộc hành trình như thế. Các trang sách này,
dưới nhiều khía cạnh, chuyển giao lời mời gọi của thầy tôi “đi tìm việc làm” – để
nhẹ nhàng buông bỏ sự chống đối và khám phá ra chúng ta là ai trong công việc.
Chúng ta được mời mang theo bất cứ hành lý nào mà chúng ta ưa chuộng: Các kỹ
thuật điều hành, sự lựa chọn tôn giáo, các tham vọng nghề nghiệp, cấp bằng và
khả năng. Có người du lịch nhẹ nhàng, kẻ lại mang theo cả một xe tải. Dọc đường,
chúng ta có thể bỏ bớt đi một số đồ, hoặc ta có thể khám phá ra rằng một số đồ
hữu dụng hơn ta tưởng. Chúng ta sẽ học những bài học như thế trên đường đi.
Ngoài
việc là một lời mời gọi, quyển sách này còn có thể được sử dụng như là sách hướng
dẫn. Nhiều người đã tham gia cuộc hành trình này trước đây và đã thành thuộc địa điểm;
họ sẵn sàng chia sẻ những sự hiểu biết hữu ích. Vì thế, quyển sách này cũng
trao truyền đôi lời khuyên, vài gợi ý. Giống như các sách hướng dẫn khác, sách
này cũng có những lời cảnh báo về sự nguy hiểm trên đường, các đề nghị nên ở đâu
và làm thế nào để lấy lại sức, kim chỉ nam làm thế nào để đối phó với những bất
ngờ, và vài nhắc nhở về nơi chốn có thể tìm thấy những cảnh quang đẹp mắt nhất.
Nhưng quan trọng hơn cả, quyển sách này dạy ta các quy luật để du hành trên đường.
Để có thể tiến bước trên đường với niềm hân hoan, khích lệ, chúng ta cần phải làm
việc với các tâm của mình. Có nghĩa là ta phải có hành động nhẹ nhàng nhưng kiên
định và đầy uy quyền đối với bản thân, không chỉ một lần mà xuyên suốt cuộc hành
trình, một hành động để vun trồng sự tỉnh táo, an lạc trong từng bước trên đường
đi. Hành động đó chính là chánh niệm, là điều cốt yếu trong khả năng tỉnh thức
trong công việc của ta. Chánh niệm, trong Phật giáo và nhiều truyền thống tâm
linh khác, cốt yếu là tập hoàn toàn cảnh giác và có mặt trong giây phút hiện tại.
Dầu ta đang rót một tách trà, thay bóng đèn, thay tả em bé, hay cầm tay người bạn
đang hấp hối, chúng ta cũng ghi nhận với tâm chánh niệm rằng cuộc sống của ta đang
diễn ra ngay bây giờ và không thể coi thường điều đó. Khi có chánh niệm, chúng
ta đối mặt với tính tức thời bình dị, mới mẻ của sự trải nghiệm của ta và khám
phá ra rằng chỉ việc được làm người đã là một điều sâu sắc vượt trên những hy vọng,
nỗi sợ hãi và tư duy của ta.
Tâm
chánh niệm đó sẽ là chiếc xe chở ta du hành trên đường; nó sẽ hướng dẫn ta làm
thế nào để tiến lên phía trước và giúp ta tin cậy vào bản thân từng bước một, từng
giây phút một.
Vì thế, hãy lên đường. Công việc là biên địa của ta, và chúng ta
sẽ trở thành người khai phá của những điều chưa biết. Dần dần, chúng ta có thể
ngưng đấu tranh với công việc và bắt đầu khám phá chúng như một lãnh địa chưa được
khai phá. Ta có thể tập chấp nhận rằng bất cứ điều gì cũng có thể và thật sự xảy
ra ở nơi làm việc – là điều có thể vừa gây sốc, vừa đem lại nhiều thú vị. Khi
chuông điện thoại reo lên, chúng ta có thể ghi nhận tâm mới mẻ mà ta mang đến với
một sự mời gọi đơn giản và tức thì như thế. Khi cấp trên bực bội, khó chịu, cuộc
sống của ta trở nên không thoải mái. Nhưng ta cũng có thể ghi nhận rằng ta đang
rất cảnh giác và thông minh trong những giây phút đó – nếu ta có chánh niệm. Và
chỉ bằng việc có mặt ở nơi làm việc, chúng ta cũng có thể ghi nhận rằng chúng
ta đã bắt đầu cuộc hành trình tâm linh và lời mời gọi tỉnh thức của công việc đang
trực diện với ta.
Huân
tập chánh niệm trong công việc rất thực tế và đơn giản. Đó không phải chỉ là một
ý tưởng; chúng ta không thể chỉ hy vọng rằng mình được tỉnh thức, rồi phú mọi
thứ cho may rủi, với ý nghĩ mơ hồ về việc đạt được một trạng thái an lạc trong
công việc. Mà nó cũng không phải là một loại “kỹ thuật hiện đại của tâm” mà ta
hồ hởi vận vào bản thân và bạn đồng nghiệp của mình. Tỉnh thức trong công việc
là tập buông bỏ sự chống đối và cảnh giác một cách thông minh, đầy năng lượng đối
với cuộc sống của ta ở nơi làm việc. Tiến trình này rất riêng tư và cam go. Nó
có nghĩa là tập sống cuộc sống của ta một cách cao đẹp, không sợ hãi, tận tình
và tiếp xúc trực tiếp với trải nghiệm của mình. Điều này đòi hỏi nỗ lực và kỷ
luật.
Bạn có thể nghĩ đến kỷ luật như một loại tâm lý ở các trại lính
hay một thứ hình phạt. Có thể nói đến kỷ luật, là bạn nghĩ đến việc phải từ bỏ
món ăn mình ưa thích, phải chạy đường xa, phải chào cấp trên và thực hiện bổn
phận của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, kỷ luật không phải là hình phạt,
sự cấm đoán hay sự bó buộc. Đúng hơn, kỷ luật đòi hỏi sự tỉnh thức trong công
việc là tập cho ta hoàn toàn chân thật với bản thân và chế ngự bất cứ sự giả tạo,
làm màu về những tình huống trong công việc.
Sự
chân thật như thế đòi hỏi ta phải tiếp cận công việc của mình với một trí tuệ sắc
bén, và tâm trong sạch chứ không phải càn bướng hay dại khờ. Có kỷ luật trong công
việc đòi hỏi chúng ta không được tự lừa dối bản thân – dừng cố gắng bảo vệ công
việc, quyền lợi của mình, con đường bằng phẳng thẳng đến thành công của mình –
mà nguyện chú trọng đến và chân thành về kinh nghiệm thực sự của mình. Sự sẳn lòng
này trang bị cho giai đoạn tham gia vào công việc một cách thiện xảo lúc công việc
khai triển chứ không cố gắng để bảo vệ quyền lợi hay thu thập những sự đảm bảo
nửa vời. Cái kỷ luật chân thật đó là cốt lõi của chánh niệm, và nó cũng không tự
động xuất hiện mà ta phải vung trồng nó với thời gian.
Phật
giáo có một bề dày truyền thống về các phương pháp chánh niệm đã từng được phát
triển và trao truyền từ thầy xuống đệ tử hằng bao thế kỷ. Phương pháp phổ thông
nhất trong các hệ phái Phật giáo và một số truyền thống ngoài Phật giáo được gọi
là thiền chánh niệm-tỉnh giác (mindfulness-awareness). Lúc tọa thiền,
chúng ta tập yên tĩnh, trải nghiệm tâm trí một cách trực tiếp trong giây phút
hiện tại. Chúng ta khám phá một cách nhẹ nhàng và chính xác chúng ta là ai, và
là gì, rồi dần dần nhìn xuyên qua được những sự tự lừa mị bản thân, để trở nên
tỉnh giác về trải nghiệm của ta và thoáng nhận ra một sự tỉnh thức cơ bản mà thực chất của nó là
luôn có mặt. Nhờ tọa thiền, chúng ta bắt đầu liên hệ trực tiếp với quyền lực đơn
giản và sự uyển chuyển của việc là chính mình, ngay tại đây, ngay bây giờ.
Tọa
thiền đơn giản một cách không ngờ: Chúng ta ngồi thẳng, trong ghế hay trên tọa
cụ trên sàn nhà, và duy trì sự chú tâm ở giây phút hiện tại. Mắt có thể mở, hai
tay nhẹ nhàng để trên đùi hay trong lòng, cái nhìn nhẹ, hơi cúi xuống. Chúng ta
thở bình thường và ngồi yên. Căn bản, chúng ta chỉ cần làm thế. Chỉ ngồi. Điều đó
có vẻ rất đơn giản, nhưng có rất nhiều chuyện xảy ra.
Khi
ngồi yên, chúng ta sẽ khó tránh việc nhận ra sự sinh động của giây phút hiện tại,
dầu chỉ là trong tích tắc ngắn ngủi. Chúng ta có thể ghi nhận âm thanh của chiếc
quạt hay các thới gỗ trên mặt sàn. Có thể chúng ta nhận ra tiếng vọng mơ hồ của
xe cộ ở phía xa, hoặc cảm nhận sự ẩm ướt mát lạnh của giọt mưa nhẹ nhàng rơi trên
mái nhà. Khi ngồi, chúng ta thoáng thấy cái bây giờ (nowness) đơn giản,
rõ ràng của cảnh sắc, âm thanh và xúc cảm vật lý (thọ). Chúng ta cũng có thể nhận
ra rằng chúng ta đang nghĩ suy. Chúng ta có thể nhớ lại một chương trình truyền
hình ưa thích hay tưởng tượng ra cuộc trao đổi không dễ dàng với người thân yêu
sắp diễn ra.
Tư
tưởng của ta có thể lăng xăng, bực bội, uẩn khúc, tẻ nhạt hoặc đầy màu sắc và
cuốn hút. Tính chất lăng xăng, biến đổi của tâm không phải là một vấn đề; đó là
cái chúng ta phải giải quyết. Khi ngồi, chúng ta theo dõi sự nghĩ suy và cảm xúc
bằng cách huân tập một sự chú tâm về hơi thở một cách nhẹ nhàng, nhưng chính xác.
Khi nhận ra mình đang suy nghĩ, chúng ta nhẹ nhàng chuyển đổi. Chúng ta cố ý
ghi nhận sự suy nghĩ của mình và nhẹ nhàng đem sự chú tâm trở về với hơi thở. Khi ngồi thiền, ta tập dõi theo hơi thở một cách nhẹ
nhàng như thế để thăng bằng sự chú tâm của ta trong khoảng khắc hiện tại. Bằng
cách ngồi như thế đó, chúng ta cảm nhận được nhịp điệu của tâm, thâm nhập vào xúc
cảm, nghĩ suy đủ loại. Tuy nhiên, thay vì để mình chìm vào trong tình cảm và sự
nghĩ suy, chúng ta tập nhận biết các cảm xúc đó, rồi buông bỏ, đem sự chú tâm
trở về với cuộc sống trong khoảng khắc tức thời, ngay tại đây, ngay bây giờ.
Có
thể bạn đã thử qua một phương pháp chánh niệm nào đó. Nếu đó là tọa thiền, thì
có lẽ bạn sẽ thấy nhiều đề tài thảo luận trong quyển sách này khá quen thuộc. Nếu
bạn chưa từng biết qua chánh niệm và hành thiền, thì cũng tốt thôi, vì giờ bạn
sẽ có cơ hội để nghĩ đến việc vun trồng chánh niệm trong đời bạn và nhất là
trong công việc.
Nếu
bạn mong muốn liên hệ với công việc bằng một phương cách cởi mở, khôn ngoan, và
nhẹ nhàng, tôi tin rằng bạn sẽ được nhiều ích lợi hơn khi thực hành tọa thiền
thường xuyên. Rất nhiều người trước chúng ta đã thực hành thiền và đã khám phá
một trí tuệ tự nhiên, giúp chuyển đổi cuộc đời họ, và những khả năng đó cũng có
thể xảy đến cho chúng ta. Đối với những ai cảm thấy khao khát được bắt đầu hành
thiền, nhiều hướng dẫn sâu hơn về thiền được chua thêm trong phần phụ lục “Hướng
dẫn Thiền Chánh niệm-Tỉnh Giác”. Nhưng dầu bạn có thực hành thiền hay không,
tài liệu trong sách này sẽ giúp bạn tham dự vào công việc của mình với lòng can
đảm và thẳng thắng. Chánh niệm trong công việc sẽ giúp ta tin vào những khả năng
tự nhiên và khám phá lại cảm giác an lạc ở nơi làm việc.
Dĩ
nhiên, chánh niệm sẽ không giúp cho công việc của ta bớt bộn bề. Khách hàng khó
tính, máy tính bị nhiễm vi-rút, và một đồng nghiệp quá cạnh tranh, sẽ không tự
dưng biến mất vì chúng ta chánh niệm, tỉnh giác trong giây phút hiện tại.
Và sự chống đối của ta đối với những khó khăn trong công việc cũng thế. Chúng
ta có thể vẫn cảm thấy bực bội bởi người bạn đồng nghiệp cứng đầu, luôn chỉ trích
báo cáo kinh doanh của ta, hay cảm thấy bất ổn với viễn ảnh mất việc hay lòng oán
trách đối với cấp trên. Chánh niệm trong giây phút hiện tại sẽ không bao giờ có
thể loại trừ được những vấn đề có thật và không bao giờ dừng của công việc hoặc
tất cả sự chống báng của ta đối với công việc.
Nhưng
chánh niệm giúp ta tăng thêm sự hiếu kỳ về khó khăn của ta. Ta càng chú tâm đến
công việc trong giây phút hiện tại, thì chánh niệm của ta càng bắt đầu phát triển
tâm hiếu kỳ sắc bén. Chúng ta vẫn tiếp tục công việc mình làm, nhưng giờ chúng
ta chủ tâm hơn với việc làm thế nào mà công việc thành ra bề bộn, và ta đã phản
kháng như thế nào. Sự khó chịu của ta đối với khách hàng hay sự lưỡng lự khi muốn
thẳng thắng với cấp trên không còn giọng điệu bực bội mà đã trở thành rõ nét và
thú vị đối với chúng ta. Điều đó giống như chúng ta bị ám ảnh bởi tính chánh niệm
cao độ của mình. Ta tiếp tục chủ tâm hơn, dừng lại giữa bộn bề công việc, cởi mở
với những trải nghiệm không như ý trong công việc, và trở nên ngày càng thẳng
thắng với bản thân.
Do
đó, phát triển chánh niệm thực sự là trách vụ chính của chúng ta ở nơi làm việc.
Nhưng không phải vì chúng ta thích phát triển tâm linh cho bản thân hơn là hoàn
thành công việc. Chánh niệm trong công việc không có nghĩa là biến nơi làm việc
của ta thành một khóa tu ở Hy Mã Lạp Sơn hay một chỗ ngồi thiền. Thực ra, chánh
niệm trở thành cốt lõi vì cuối cùng chúng ta cũng muốn thực hiện công việc làm
của mình cho đúng hơn là bảo vệ bản thân khỏi những tiêu cực trong công việc. Chúng ta chánh niệm trong công việc – đúng vậy, suốt đời
– vì một lần cho tất cả ta muốn sống một cuộc sống tốt đẹp, không lo lắng, sân
hận.
Trong
quyển sách này, chúng ta sẽ vun trồng chánh niệm trong công việc bằng cách sử dụng
ba mươi nguyên tắc hay phương châm được thiết lập để giúp ta khám phá lại trí
tuệ bẩm sinh, tâm cởi mở, và tự tại hầu giải quyết những điều kiện làm việc hằng
ngày. Các phương châm tôi đề ra trong sách lấy cảm hứng từ một bản kinh Phật giáo
Tây Tạng cổ điển có tên là Bản Văn Gốc của Bảy Điều Luyện Tâm (The
Root Text of the Seven Points of Training the Mind) và phương pháp chuyển hóa
tâm gọi là lojong. Bản văn này do một vị đại sư Tây Tạng ở thế kỷ thứ XI tên là
Atisha Dimpamkara Shrijnana soạn, và nội dung sách nhằm giúp ta giảm bớt sự phản
kháng đối với cuộc đời, sống chân thật, và mặc khải trạng thái tỉnh giác như là
một trải nghiệm bình thường. Giáo lý truyền miệng của ngài Atisha được sắp xếp
thành năm mươi chín khẩu hiệu ngắn gọn, là những lời dạy súc tích để vung trồng
từ bi và tỉnh giác trong mọi hoàn cảnh. Phật giáo Tây Tạng đã sử dụng các phương
châm này như một hình thức tu tập tâm linh hằng ngày hơn một ngàn năm nay, và
nhiều vị thầy tâm linh vĩ đại của Tây Tạng đã chỉnh sửa thêm cho bản văn, khai
triển và tô điểm thêm cho phương pháp này.
Các
khẩu hiệu lojong chỉ dạy những điều rất thực tế và cụ thể. Trong đó có “Hãy
biết ơn mọi người”, một lời nhắc nhở rằng tất cả những người ta gặp trong
cuộc đời là một quà tặng lớn cho ta, chứ không phải là chỗ để ta trút oán hờn
hay kiêu mạn. Hai khẩu hiệu sâu sắc nữa là “Đừng phục kích” và “Đừng hành động
lắc léo”. Những lời này khuyên chúng ta phải cảnh giác với chính sự giả tạo của
mình, phải thẳng thắng, lương thiện khi giao dịch với người. Và một trong những câu tôi ưa chuộng là “Luôn quán chiếu về điều khiến ta
sân hận”, nhắc nhở chúng ta phải đặc biệt chú ý đến điều gì khiến chúng ta
bực dọc và xem xét kỹ lưỡng điều gì khiến ta cảm thấy bị đe dọa hay hoang mang.
Những
người thực hành lojong thường học thuộc lòng tất cả năm mươi chín khẩu hiệu hay
chép chúng lên gỗ, giấy hoặc đá, rồi đặt chúng khắp những nơi họ thường để mắt
tới. Với cách đó, các khẩu hiệu được nhắc nhở một cách tự nhiên suốt cả ngày để
hướng dẫn mọi người. Khi để tâm đến các khẩu hiệu, những người thực hành lojong
để cho các sự kiện diễn ra trong ngày gợi lên trí tuệ nằm trong các khẩu hiệu,
biến các trải nghiệm bình thường thành những cơ hội đặc biệt để tỉnh thức.
Đã
ứng dụng các giáo lý Phật giáo Tây Tạng cổ xưa này trong công việc suốt hai mươi
hai năm làm việc với các doanh nghiệp, tôi cảm thấy rất hứng thú, muốn phát triển
một số khẩu hiệu đặc biệt phù hợp với môi trường làm việc hiện đại. Cũng như với
lojong nguyên thủy, các khẩu hiệu thực hành mà tôi nêu ra trong sách này tạo ra
một phương cách để làm việc một cách lý trí, chân thật, để dần tập có lòng tin
nơi trí tuệ bẫm sinh và sự an lạc khi ta thao tác công việc của mình. Ba mươi lăm
khẩu hiệu mà tôi trình bày, thảo luận là những lời nhắc nhở ngắn gọn, đôi khi gợi
mở, được đặt ra để giúp chúng ta tỉnh thức trong công việc. Tôi khuyến khích các
bạn sử dụng các khẩu hiệu này như một bài tập quán tưởng. Đọc và suy gẫm về chúng
tùy theo khả năng của mỗi người. Phân tích chủ đề và ý tưởng của chúng, đem chúng
ra so sánh với những trải nghiệm của bản thân. Khi đang làm việc, bạn có thể nhận
thấy mình đang liên tục nhớ lại một khẩu hiệu nào đó để giúp bạn có trí tuệ hầu
giải quyết một vấn đề trước mắt.
Lấy một thí dụ. Chúng ta có thể lấy phương châm “Chấp Nhận Kẻ Độc
Đoán”. Cơ bản khẩu hiệu này nêu lên rằng các bạn đồng nghiệp ở nơi làm việc nhiều
khi có thể rất khó chịu, lấn lướt – ngay cả xúc phạm ta. Thường trong những trường
hợp như thế, chúng ta có thể cảm thấy sôi sục giận hờn, ngậm nhấm sự xúc phạm và
áp lực. Khẩu hiệu này cho rằng suy nghĩ như thế, chính chúng ta đã tạo ra một kẻ
độc tài cho mình; chúng ta là tác giả của vấn đề. Khẩu hiệu này khuyên ta thay
vì đối kháng với kẻ độc tài, chúng ta có thể chấp nhận họ, và khi hành động như
thế, ta cũng học được những bài học quý báu về bản thân và thực hiện công việc
của mình một cách tốt đẹp.
Giờ,
giả thử rằng ta đọc khẩu hiệu đó, có thể ở nhà hay trên đường đến nơi làm việc.
Ta quán chiếu về ý nghĩa của câu nói để xem trải nghiệm của ta sánh với nó như
thế nào. Có thể chúng ta nhớ lại vụ xung đột gay gắt với một đồng nghiệp hoặc
nhớ lại ta đã giận dữ thế nào đối với một số bất công ở nơi làm việc. Có thể ta
nghĩ là câu nói đó cũng phần nào đúng nhưng không thực sự quan trọng. Hoặc ta có
thể tự nhủ, “Ở cơ quan tôi làm việc, đúng là như thế! Tôi đã tự tạo ra những
kẻ độc tài cho bản thân”. Chúng ta quán chiếu về cuộc sống nơi làm việc,
suy gẫm về khẩu hiệu “Chấp nhận kẻ độc đoán”, so sánh kinh nghiệm của chúng ta,
rồi bỏ qua, đi uống trà hay đọc báo.
Tuy
nhiên, có lúc nào đó, ta lại phải đối mặt với khó khăn trong công việc, đó có
thể là một vị khách hàng khó tính, và ta chợt nhớ đến khẩu hiệu, “Chấp nhận kẻ độc
đoán”. Câu nói chợt nẩy lên trong trí, hoặc một cảm xúc vật lý nào đó có thể nhắc
nhở ta đến câu nói; dù là gì, khẩu hiệu đó cũng đã hòa trộn với trải nghiệm của
ta. Nó cho thông tin và mài dũa tính hiếu kỳ của ta, và ta bắt đầu thử nghiệm,
dầu lúc đầu có thể chỉ thoáng qua. Có thể thay vì nghiến răng, cắn lưỡi âm
thầm giận dữ trước người khách hàng khó tính, đang than phiền, chúng ta hãy có
chút tò mò tự nghĩ, “Vị này đang thực sự nổi nóng. Không biết tại sao? Hẳn là
có điều gì đó sâu xa hơn là việc chúng tôi gửi ngân phiếu trể mất bảy ngày”.
Hoặc có thể, khi ta nhận biết mình đang nổi nóng, chúng ta nhớ đến phương châm
“Hãy chấp nhận kẻ độc tài”, và bỗng nhiên cả bi kịch mất hẳn kịch tính, ta được
giải thoát khỏi cái bẫy đó dầu chỉ trong khoảng khắc. Bằng cách đó, sự thực hành
câu khẩu hiệu trở thành hành-động-quán-tưởng, và công việc làm của ta thực sự
trở thành con đường tâm linh.
Đến
lúc này có lẽ chúng ta đã rõ là các khẩu hiệu này không phải chỉ để đọc như là
những lời hướng dẫn đơn giản hay những lời khuyên-làm-thế-nào. Thay vào đó, chúng
trở thành sinh động trong trải nghiệm hằng ngày, trở thành một phần của cuộc sống
thay vì chỉ là cuốn cẩm nang nằm trong hộc tủ bàn làm việc. Các khẩu hiệu, phương
châm là nhằm thúc đẩy sự đổi thay, củng cố chánh niệm và khuyến khích chúng ta
chất vấn các giả định phổ biến khiến chúng ta đối kháng công việc và đánh mất cảm
giác tự tại và an lạc bẩm sinh. Do đó đôi khi chúng ta có thể thấy các phương
châm này lặp đi, lặp lại, xem xét nhiều khía cạnh khác nhau nhưng giá trị của một
vấn đề. Cũng có lúc chúng dường như khiêu khích ta hay có ý nghĩa sâu sắc một cách
lạ thường. Các khẩu hiệu, phương châm này không phải là sách hướng dẫn hay cẩm
nang về điều gì mà là những hành động tỉnh thức thiện xảo trong công việc – đây
không phải là bài thực tập đạo đức. Mà các khẩu hiệu, phương châm này rất thực
tế. Chúng được dùng giống như một thứ hương thơm mà chúng ta thoa xức để thực sự
tỉnh thức trong công việc.
QUÁN
CHIẾU VỀ CÁC PHƯƠNG CHÂM TỈNH THỨC TRONG CÔNG VIỆC
Sự
thực hành các phương châm Tỉnh thức Trong Công việc không phải là việc chỉ làm
một lần, và thế là xong. Đúng hơn, đó là một con đường tiệm tiến, một quá trình
huân tập không ngừng để làm thế nào giải quyết công việc một cách thiện xảo ở
thời điểm đó. Công đoạn thực hành phương châm được chia làm bốn phần: “Bốn phương
châm chủ lực”, “Phát triển thái độ điềm tĩnh”, “Giao tiếp với người”, và “Hành động
chính xác”. Tôi đề nghị sử dụng sách và thực hành các phương châm như sau:
1.
Nghiên cứu bốn phương châm chủ lực trước. Đó là “Cân bằng hai nỗ lực”, “Hãy chân
thật”, “Vung trồng đạo lý”, và “Công việc luôn bộn bề”. Tôi rất mong quý vị đọc
và chiêm nghiệm về bốn phương châm này trước khi nghĩ đến ba mươi mốt điều kia.
2.
Lựa chọn các phương châm khác một cách tùy thích, sau khi đã quen thuộc với bốn
phương châm chủ lực. Bạn không cần phải đọc tất cả các phương châm theo thứ tự.
Hãy xem qua mục lục rồi chọn một phương châm mà bạn cảm thấy hợp với mình, hoặc
chỉ chọn lựa một cách ngẫu nhiên để đọc chúng. Sau khi đọc xong một phương châm,
bạn có thể để sách xuống, dành đôi phút suy gẫm về những gì bạn vừa đọc.
3.
Quan sát xem các phương châm đã không ngừng phát khởi ở nơi làm việc như thế nào.
Trong lúc bạn đang tiến hành công việc của mình, các sự kiện xảy ra dễ khiến bạn
nhớ đến một phương châm nào đó. Khi điều đó xảy ra, hãy chú tâm; hãy để cho trí
tò mò bẩm sinh của bạn dự phần vào hoàn cảnh khi nó khai mở. Hãy ghi nhận bất cứ
cảm giác vật lý nào, hãy để chúng dẫn dắt sự suy nghĩ của bạn; quan sát xem tình cảm, ý nghĩa phát sinh rồi qua đi như thế nào; hãy chánh
niệm xem bạn và các đồng nghiệp đã hành xử như thế nào. Hãy thử nghiệm quan điểm
mới mà phương châm đã gợi ra. Nó có tạo ra sự thay đổi nào trong hành vi của bạn?
Bạn cảm thấy thế nào khi nhìn công việc dưới một khía cạnh khác? Bạn có hành động
khác đi vì một phương châm nào đó không? Kết quả là gì và như thế nào? Sử dụng
các phương châm trong công việc làm của bạn như thế là điều rất đáng khuyến khích.
4.
Quán chiếu các phương châm với chủ tâm. Bạn cũng có thể cố gắng nghiên cứu chúng
như thế một cách có hệ thống:
nơi bạn có thể luôn nhìn
thấy nó suốt trong ngày.
● Sử dụng các phương châm, khẩu hiệu như một cách thực hành tâm linh có hệ thống
theo hướng dẫn trong phụ lục “Hướng dẫn quán tưởng các phương châm”.
● Kết thúc các thời thiền bằng cách đọc và quán chiếu về một phương châm đã được
chọn.
● Chép các câu phương châm lên các tờ giấy cứng nhỏ, cẩn thận đặt câu mà bạn chọn
trên bàn làm việc, cạnh máy vi tính hay gần điện thoại như một cách để bạn luôn
có thể nhớ tới điều ích lợi của nó.
● Học thuộc lòng tất cả ba mươi lăm câu để bạn có thể dễ dàng nhớ chúng nếu muốn.
Cuối cùng, điều
quan trọng cần nhớ là sự thực hành các khẩu hiệu này chỉ là để kích thích trí
tuệ bẩm sinh của ta. Nó không nhằm đề ra một kỹ thuật quản lý mới, áp đặt một phương
cách làm-thế-nào hoặc tuyên bố một “phương pháp tám-bước”. Nó kích thích, gọi mời,
thách thức để ta chấp nhận, quý trọng công việc làm của mình một cách đầy đủ, rốt
ráo – để biết chúng ta là ai, đang ở đâu ngay thời điểm đó.
Trích từ:
MICHAEL CARROLL
TỈNH THỨC TRONG CÔNG VIỆC
ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG THỬ THÁCH
TRONG CUỘC ĐỜI, TRONG CÔNG VIỆC
Awake At Work Facing The Challenges of Life On The
Job
Chuyển ngữ
Diệu Liên Lý Thu Linh
Diệu Ngộ Mỹ Thanh
Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG – 2012
Discussion about this post