Kinh
Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni
Hán
dịch: Nước Kế Tân, sa môn Phật Đà Ba Lỵ
Việt dịch:
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Như thế tôi nghe:
Một thời đức Bạc Già Phạm (2), ở tại đạo tràng Măng Tre, trong vườn Thệ Đa Lâm
Cấp Cô Độc, thuộc thành Thất La Phiệt, cùng với 8 ngàn chúng Tì Kheo câu hội.
Các vị ấy đều là bậc Đại A La Hán, hàng tri thức của quần chúng. Trong đây,
những tôn giả như: Xá Lỵ Phất, Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, A Na Luật Đà…
làm thượng thủ.
Lại có ba vạn hai ngàn Bồ Tát, đều là bậc trụ nơi hạnh Bất Thối Chuyển, chánh
trí soi sáng tất cả các pháp, không còn ngăn ngại, vô lượng công đức trang
nghiêm, cùng các đại chúng đồng thời câu hội. Trong ấy, các Bồ Tát như: Quán
Thế Âm Bồ Tát, Đắc Đại Thế Bồ Tát, Mạn Thù Thất Lỵ Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Di
Lặc Bồ Tát, Thắng Liên Hoa Tạng Bồ Tát, Chấp Kim Cang Bồ Tát, Trì Địa Bồ Tát,
Hư Không Tạng Bồ Tát, Tịnh Trừ Nhứt Thiết Chướng Bồ Tát… làm thượng thủ.
Lại có một vạn Phạm thiên vương, do Thiện Tra Phạm Ma thiên vương, Thiện Kiến
thiên vương làm thượng thủ, từ các cõi khác đến dự hội.
Lại có một vạn hai ngàn vị Đế Thích Thiên vương, cùng với vô lượng Thiên, Long,
Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hô Lặc Già, Cưu Bàn
Trà, Tỳ Xá Giá, Nhơn phi nhơn… (3) cũng tập hội. Bấy giờ đức Thế Tôn đang
được bốn chúng vây quanh, cung kính cúng dường, một lòng chiêm ngưỡng, cầu nghe
pháp yếu.
Khi ấy, tại cõi trời Đao Lợi, có một vị thiên tử tên là Thiện Trụ, ngự tại cung
báu lớn, đang cùng với các thiên nữ dự cuộc âm nhạc ca múa vui đùa hưởng lạc.
Lúc đó, ở thiên giới vào khoảng cuối đêm, bỗng nhiên giữa hư không có tiếng gọi
bảo: “Thiện Trụ thiên tử! Bảy hôm nữa, ông sẽ hết phước trời, xả báo thân,
đọa xuống cõi Diêm Phù Đề, 7 lần làm cầm thú, thường ăn đồ nhơ uế. Kế đó lại
đọa vào địa ngục, chịu đủ các sự khổ trải qua nhiều kiếp mới được làm người.
Tuy được thân người, nhưng lại đen lùn, thô xấu, mù cả đôi mắt, các căn không
đủ, hơi miệng thường hôi hám, nghèo khó hèn hạ, hằng thiếu ăn mặc, mọi người
đều gớm ghét, lánh xa.
Thiện Trụ thiên tử nghe lời ấy rồi, kinh hoàng tột độ, lông tóc đều dựng đứng,
ôm lòng sầu muộn, ông vội đem hương, hoa cùng các thứ cúng dường, đến chỗ Thiên
đế quì xuống, dâng lễ, than khóc thuật lại việc trên, và thưa: “Nay tôi
tâm tư bối rối, mê loạn. Không biết phải làm thế nào? Cúi xin Thiên Đế xót
thương, cứu vớt tôi ra khỏi vòng khổ độc!” Thích Đề Hoàn Nhơn nghe xong,
rất kinh ngạc, tự suy nghĩ: “Thiện Trụ Thiên Tử đời trước tu phước gì,
được sanh lên cõi trời hưởng sự vui thắng diệu nhiều năm? Lại kiếp xưa tạo
nghiệp nhân chi mà sau khi hết thiên phước, phải chịu 7 lần làm cầm thú, rồi
đọa vào địa ngục, khi được làm thân người, đôi mắt mù lòa, thọ đủ điều xấu
ác?” Nghĩ như thế rồi, liền nhiếp tâm vào định, dùng thiên nhãn xem: Thấy
Thiện Trụ thiên tử ở cõi trời mạng chung, liền đọa làm thân heo, hết thân heo
thọ thân chó, hết thân chó thọ thân chồn, hết thân chồn thọ thân khỉ, hết thân
khỉ thọ thân rắn độc, hết thân rắn thọ thân kên kên, hết thân kên kên thọ thân
chim quạ. Trong 7 kiếp làm cầm thú ấy, thường ăn những đồ nhơ uế. Khi thấy biết
như thế, ngài cũng lo lắng đau xót giùm cho Thiện Trụ thiên tử. Thiên đế lại
suy nghĩ: Thiên nhãn của ta chỉ thấy biết một ít phần, không thể hiểu được
những nghiệp nhân sâu xa. Duy đức Như Lai là bậc Chánh Biến Tri, mới có thể
thấu suốt tất cả nhân quả thiện, ác. Duy đức Thế Tôn là đấng Đại Từ, mới có thể
cứu vớt Thiện Trụ thiên tử khỏi vòng khổ độc. Ta nên đến cầu thỉnh Như Lai về
việc này!” Nghĩ đoạn, ngài liền suất lãnh Thiện Trụ thiên tử cùng chư
thiên, đem theo các thứ tràng hoa, huơng lạ, anh lạc, thiên y, bay xuống vườn
Thệ Đa Lâm Cấp Cô Độc.
Bấy giờ ở cõi nhân gian, thời khắc vào khoảng đầu hôm, nhằm lúc chư Bồ Tát,
thanh văn, thiên long bát bộ, tứ chúng như trên đang vân tập. Khi đến nơi,
Thiên đế hướng dẫn Thiện Trụ và thiên chúng đảnh lễ Phật, đi nhiễu quanh 7
vòng, dâng hiến lễ cúng duờng. Pháp sự đã xong, Thích Đề Hoàn Nhơn quì trước
Như Lai bạch lại việc trên, và thưa thỉnh rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Thiện
Trụ thiên tử đời trước tu phước chi, mà hưởng sự vui nơi cõi trời trải nhiều
thời gian? Lại kiếp xưa tạo nhân gì, sau khi hết phước phải đọa làm thân cầm
thú 7 phen, ăn đồ bất tịnh, rồi thọ sự khổ nơi địa ngục, sự hèn xấu nơi cõi
người? Và do phước nhân nào, cảm được giữa hư không có tiếng mách bảo? Xin đức
Như Lai vì chúng con và đại hội mà nói rõ nhân duyên, lại cúi xin đấng Thiên
Nhơn Sư mở lượng từ bi, cứu vớt cho Thiện Trụ thiên tử được thoát vòng khổ
ách”.
Khi ấy, đức Như Lai mỉm cười, từ nơi đảnh môn, phóng ánh sáng ngũ sắc rộng lớn,
soi khắp 10 phương cõi Phật. Quang minh ấy ánh chiếu lẫn nhau, rồi uyển chuyển
quay về nhiễu quanh bên hữu Phật ba vòng, lại trở vào miệng đấng Điều Ngự. Đức Thế
Tôn thu nhiếp quang minh xong, bảo trời Đế Thích rằng: “Lành thay, thiện
nam tử! Ông khéo vì Thiện Trụ thiên tử và đại chúng, hỏi nhân duyên thiện ác
tiền sanh. Lại hay vì chúng hữu tình hiện tại và đời sau, mà thưa thỉnh ta nói
pháp môn cứu khổ. Lắng nghe! Ta sẽ vì các ông giải thuyết rành rẽ:
– Này thiện nam tử! Cách vô lượng kiếp về trước, có đức Phật ra đời hiệu là Tỳ
Bà Thi Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Đức Phật
ấy sau khi hóa duyên đã mãn, vào Niết Bàn. Trong thời tượng pháp của ngài, có
một quốc gia tên Ba La Nại, trong nước đó có người Bà La Môn nghèo, chỉ sanh
được một con trai rồi qua đời sớm. Cậu bé ở với mẹ đến khi khôn lớn, được giao
cho việc nông tác ngoài đồng. Bà mẹ ở nhà, tảo tần lo thức ăn, mỗi ngày đem ra
ruộng cho con. Một hôm, cơm nước đưa đến trễ, đứa con đói khát, sanh lòng hờn
giận, dùng lời ác độc mắng rằng: “Mẹ tôi còn thua loài súc sanh! Tôi thấy
mấy con: heo, chó, chồn, khỉ, rắn, kên kên, quạ, còn biết thương lo cho con của
nó. Tại sao bà để cho tôi đói khát mà không đem cơm nước đến?” Do lòng đợi
chờ hờn giận, đứa con nói như thế ba lần. Giây lát bà mẹ với dáng điệu vội vã
đem cơm nước tới, và nói nhiều lời an ủi khiến cho con vui mừng hết cơn buồn
giận. Đứa con vừa ngồi xuống sắp dùng cơm, bỗng thấy giữa hư không có vị Bích
Chi Phật, hình tướng sa môn, bay từ phương Nam qua phương bắc. Người con thấy
rồi, sanh lòng kính ngưỡng, đứng lên chắp tay cúi đầu đảnh lễ, thỉnh vị Bích
Chi Phật giáng lâm. Bích Chi Phật nhận lời thỉnh, từ từ đáp xuống. Đứa con vui
mừng, trải tranh trắng làm tòa ngồi, dâng hiến hoa sạch đẹp, giảm phần ăn của
mình, đem cúng dường vị Sa môn. Sau khi thọ thực xong, Bích Chi Phật lại vì nói
pháp yếu khiến cho được vui mừng.
Về sau người con xuất gia, chư tăng cử cho làm chức Tri Sự. Lúc ấy có người Bà
La Môn xây cất tăng xá vừa xong, ngày khánh thành khách tăng hội đến, lại có
thí chủ đem nhiều tô du và sữa đặc cúng dường. Ông Tri Sự hiềm khách tăng làm
phiền rộn, nên không đem tô du và sữa ra thết đãi. Mấy vị khách tăng hỏi:
“Những thức ăn đó là của đàn việt cúng dường hiện tiền tăng, sao không
thấy dọn ra?” Ông Tri Sự tánh nóng vội, liền cả tiếng mắng rằng: “Bộ
mấy ông đui mù hết sao? Có tô du và sữa đâu mà bảo tôi cất giấu? Nếu muốn đòi
thêm, chỉ có phẩn và nước tiểu cho các ông ăn mà thôi!”
Đức Phật bảo Đế Thích:
– Đứa con của người Bà La môn nghèo đó là Thiện Trụ thiên tử hiện nay. Do kiếp
trước hờn giận, dùng lời ác gọi 7 tên loài cầm thú mắng mẹ, nên phải chịu 7
phen làm cầm thú. Bởi khi làm Tri Sự thốt ra những lời nhơ uế mắng chư tăng,
nên nghiệp cảm thường ăn đồ bất tịnh. Do bỏn xẻn giữ riêng thức ăn của hiện
tiền tăng nên bị quả báo địa ngục và chịu nghèo hèn thô xấu trong kiếp người. Bởi
mắng chư tăng là đui mù nên bảy trăm đời phải bị mù đôi mắt, sống trong cảnh
tối tăm chịu nhiều khổ não. Nên biết những tội nghiệp như thế, đã có nhân, tất
phải trả quả, ảnh hưởng không tiêu mất.
Lại nữa Thiên Đế! Thiện Trụ thiên tử được hưởng sự vui thắng diệu ở cõi trời,
là do kiếp trước trải tòa, dâng hoa, cúng dường thức ăn cho vị Bích Chi Phật,
và nhờ sức ảnh hưởng của sự nghe chánh pháp. Lại do đời trước chắp tay ngửa lên
hư không, hết lòng kính thỉnh, cúi đầu đảnh lễ vị Bích Chi Phật, bởi công đức
ấy nên được nghe giữa hư không có tiếng mách bảo cho biết trước. Đó là tiếng vị
thần giữ cung điện của Thiện Trụ thiên tử vậy!
Khi ấy, Thiện Trụ thiên tử nghe lời Phật dạy, biết nghiệp mình đều có túc nhân,
hết sức ăn năn tự trách. Ông gieo mình đảnh lễ trước Phật, tỏ bày tội lỗi, cầu
xin sám hối, thương khóc, sa nước mắt như mưa, huyết lệ rơi ứ đọng nơi chiếc
khăn trong giỏ đựng hoa, chết ngất hồi lâu mới tỉnh lại.
Đức Phật bảo Đế Thích và Thiện Trụ thiên tử:
– Trong 10 nghiệp ác, khẩu nghiệp rất mãnh liệt, phải biết lời ác còn quá hơn
lửa dữ. Lửa dữ chỉ đốt tiêu tài sản của báu ở thế gian. Lửa giận ác khẩu chẳng
những đốt hết thất thánh tài (4) và tất cả công đức xuất thế mà còn chiêu cảm
ác báo về sau. Như Thiện Trụ chỉ vì nóng giận mắng mẹ và chư tăng, mà tổn bớt
phước trời, phải chịu thân cầm thú và địa ngục.
Cho nên, đối với cha mẹ và chư tăng, lẽ ưng tôn trọng cung kính cúng dường,
dùng lời dịu dàng khen ngợi, thường nghĩ đến ân đức, chớ không nên khinh hủy.
Lòng từ ái giữa trần gian chỉ có cha mẹ, ruộng phước trong ba đời không chi hơn
chúng tăng. Các bậc chân tăng hiền thánh, nếu cúng dường thì công đức không
mất. Như tiến thêm, muốn cầu pháp xuất thế, lại có thể thành đạo. Đâu nên đối
với chúng tăng vội thốt lời khinh hủy! Còn cha mẹ công sanh dưỡng rất khó nhọc,
10 tháng cưu mang khổ nặng, 3 năm bú sữa, mớm cơm. Trải đủ sự lo lắng gian lao,
nuôi con khôn lớn, dạy dỗ, cho học hành, mong con được thành lập, tài đức hơn
người. Nếu con xuất gia, lại mong cho con đắc đạo, thoát vòng sanh tử. Ân niệm
ấy cao rộng như biển trời, khó đền trả. Vì thế, ta đã bảo A Nan: – Nếu có người
vai bên trái cõng cha, vai bên mặt cõng mẹ, đi quanh núi Tu Di trăm ngàn vòng,
huyết chảy ngập 2 bàn chân, còn chưa thể báo công ơn sanh dưỡng, huống chi lại
khởi niệm hờn giận, buông lời khinh mắng ư!
– Này Thiên Đế! Thiện Trụ thiên tử nay do thấy ta, chí tâm sám hối, nên đạo
nhãn trong sáng, tội cũng trừ diệt.
Đức Thế Tôn lại nhìn Thiện Trụ Thiên Tử an ủi bảo rằng: “Ông nên chớ quá
lo buồn thương khóc. Ta có pháp môn tên là Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni, ông
trì chú này tất sẽ thoát khỏi vòng khổ ách. Môn đà ra ni đây, vô lượng hằng sa
chư Phật đời quá khứ đã nói, ta nay cũng sẽ diễn nói. Trong các thần chú về
Phật Đảnh, môn đà ra ni này rất tối tôn tối thắng, hay trừ tất cả sự khổ não
trong nẻo luân hồi của tất cả chúng sanh!”
Thích Đề Hoàn Nhơn nghe Phật nói rất vui mừng, một lòng khát ngưỡng, thưa rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Cúi xin Như Lai thương nghĩ đến Thiện Trụ và bọn chúng
con, cũng vì chúng sanh đời mạt pháp về sau, tuyên thuyết môn Phật Đảnh Đà Ra
Ni. Chúng con sẽ tuân hành và nguyện cho tất cả các loài hữu tình đều thoát
khỏi sự khổ tam đồ bát nạn (5)!”
Bấy giờ đức Như Lai vì Thiên Đế, Thiện Trụ thiên tử, và 4 bộ chúng, và nghĩ
thương chúng sanh đời mạt pháp về sau, dùng giọng phạm âm trong sáng, thanh
diệu hòa nhã như tiếng chim Ca Lăng Tần Già, thuyết chú rằng:
Tiếng
Phạn:
namo
bhagavate trailokya prativiśiṣṭaya buddhāya bhagavate.
tadyathā, om, viśodhaya viśodhaya, asama-sama
samantāvabhāsa-spharana gati gahana svabhāva viśuddhe,
abhiṣiňcatu mām. sugata vara vacana amṛta abhiṣekai mahā
mantra-padai.
āhara āhara āyuh saṃ-dhāraṇi. śodhaya śodhaya gagana
viśuddhe.
uṣṇīṣa vijaya viśuddhe sahasra-raśmi sam-codite.
sarva tathāgata avalokani ṣaṭ-pāramitā-paripūrani.
sarva tathāgata mati daśa-bhūmi prati-ṣṭhite.
sarva tathāgata hṛdaya adhiṣṭhānādhiṣṭhita mahā-mudre.
vajra kāya sam-hatana viśuddhe.
sarvāvaraṇa apāya-durgati pari viśuddhe, prati-nivartaya
āyuh śuddhe.
samaya adhiṣṭhite. maṇi maṇi mahā maṇi.
tathatā bhūta-koṭi pariśuddhe. visphuṭa buddhi śuddhe.
jaya jaya, vijaya vijaya. smara smara, sarva buddha
adhiṣṭhita śuddhe,
vajri vajragarbhe vajram bhavatu mama śarīram.
sarva sattvānām ca kāya pari viśuddhe. sarva gati
pariśuddhe.
sarva tathāgata siñca me samāśvāsayantu.
sarva tathāgata samāśvāsa adhiṣṭhite.
budhya budhya, vibudhya vibudhya,
bodhaya bodhaya, vibodhaya vibodhaya samanta pariśuddhe.
sarva tathāgata hṛdaya adhiṣṭhānādhiṣṭhita mahā-mudre svāhā.
Thuyết chú xong, đức Phật bảo:
– Này Thiên đế! Môn Như Lai Quán Đảnh Thanh Tịnh Chư Thú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà
Ra Ni này tám mươi tám câu chi trăm ngàn hằng sa chư Phật đã tuyên thuyết, và
nghiêm mật thủ hộ, tùy hỉ ngợi khen. Tất cả Như Lai đều đồng ấn khả. Nếu có Tì
kheo, tì kheo ni, thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào thọ trì hoặc đọc tụng, do
công đức ấy, những tội ngũ nghịch, thập ác trong trăm ngàn muôn kiếp đều được
tiêu diệt, sẽ chứng quả A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Kẻ ấy trong hiện tại sẽ
được túc mạng trí, rồi sanh từ cõi trời này đến cõi trời khác, từ cõi Phật này
đến cõi Phật khác. Kẻ ấy sẽ được chư Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế
Chí xoa đầu thọ ký, thường ở nơi đạo tràng, nghe hiểu và thọ trì chánh pháp. Kẻ
ấy 3 nghiệp thân, ngữ, ý hằng thanh tịnh, tâm an vui, thân khổ dứt trừ, được
những xúc giác nhẹ lành, thọ mạng tăng thêm, không bị hoạnh tử. Kẻ ấy sẽ được
chư thiên thần hộ vệ, chư Bồ Tát từ ái, chư Phật hệ niệm. Người thọ trì chú này
sẽ đến cõi Địa ngục, ngạ quỷ, Diêm Ma vương đọc tụng, các tội phạm nơi đó đều
được giải thoát, cảnh giới trống rỗng, các cung trời, cung điện BồTát, cung
điện cõi Phật đều mở cửa rước người thọ trì vào.
– Tại sao thế? Bởi môn đà ra ni này hay trừ sạch tội ngũ nghịch, thập ác của
chúng sanh, hay cứu tất cả sự khổ nạn trong cảnh Diêm Ma, bàng sanh, ngạ quỷ,
địa ngục, hay độ thoát tất cả chúng sanh nghiệp dày phước mỏng, nghèo nàn, hèn
hạ, đau bịnh, tàn tật, yểu thọ, xấu xa, câm ngọng, đui điếc, hay cứu vớt các
loại A Tu La, Dạ Xoa, La Sát, Phú Đơn Na, Ca Tra Phú Đơn Na (6), các thân quỷ
thần, cho đến hay độ thoát các loài thủy tộc, phi cầm, tẩu thú, rắn rết, ruồi
muỗi, côn trùng. Các chúng sanh ấy tùy phận sẽ được sanh lên các cảnh giới an
lành, và lần lượt đều được chứng quả giải thoát.
Này Thiên Đế! Nếu có người thọ trì chú này, từ kiếp hiện tại trở về sau, vĩnh
viễn lìa khỏi ác đạo, thường sanh trong dòng quý tộc ở cõi người, hoặc sanh lên
cõi trời, cho đến được cùng 10 phương chư Phật ở một chỗ, cùng chư Bồ Tát làm
bạn lành, và kết cuộc sẽ chứng quả Vô Thượng Đẳng Giác.
Này Thiên Đế! Môn Phật Đảnh Tôn Thắng đà ra ni của ta đây có đủ thần lực uy
thế, công đức rộng lớn như mặt trời kiết tường, như châu ma ni trong sạch sáng
suốt, không bợn nhơ, tùy ở chỗ nào phóng ánh quang minh làm sáng sạch nơi đó.
Lại nữa, như 7 báu thù thắng ở thế gian, tất cả hàng vua quan dân chúng đều quý
trọng ưa thích, nhìn không chán. Môn đà ra ni này cũng thế, nếu thọ trì đọc
tụng, biên chép, hoặc cúng dường, kẻ ấy sẽ được vô lượng công đức, tất cả
thiên, long bát bộ đều kính ưa, quý trọng.
Này Thiên Đế! Hàng vua quan tứ chúng nếu biên chép đà ra ni này để trong tháp 7
báu, nơi bảo tòa sư tử, nơi tháp ngã tư đường, hoặc nơi đầu phướn cao, lại dùng
các thứ hoa, hương, anh lạc, y phục, thức ăn uống, thuốc men cúng dường, kẻ ấy
công đức vô lượng vô biên, phước trí không thể tính kể. Kẻ ấy là đích tử của
Phật, là Bồ Tát Ma Ha Tát, vì cứu vớt được vô lượng chúng sanh đi qua đi lại
nơi đó. Nếu có chúng sanh nào phạm tội tứ trọng, ngũ nghịch, thập ác, các trọng
giới và tất cả tội nặng, ưng đọa tam đồ thọ khổ mà đi ngang qua tháp hoặc phướn
có để đà ra ni này, được một điểm bụi hay một chút gió từ tháp phướn ấy dính
nhiễm đến thân mình, hoặc được bóng tháp phướn che thì tất cả tội nặng đều tiêu
trừ, sanh về cõi trời hưởng sự vui thắng diệu, hoặc tùy duyên sanh về Tịnh Độ.
Kẻ nào thường thọ trì đà ra ni này khi sắp tụng niệm dùng nước rửa tay, nước đó
rơi xuống đất rưới nhằm các loài trùng kiến, các vật loại ấy đều được nhờ ảnh
hưởng công đức sanh lên cõi trời. Cho nên các hàng Tì Kheo, Tì Kheo Ni, thiện
nam, tín nữ nếu trai giới thanh tịnh, sáu thời thọ trì đà ra ni này, thì các
tội tứ trọng, ngũ nghịch, thập ác cùng tất cả các tội nặng trong ba đời thảy
đều được tiêu diệt, được chư Phật Bồ Tát xoa đầu thọ ký.
Bấy giờ đã quá nửa đêm, Diêm Ma La Vương, Hộ Thế Tứ Thiên Vương, Đao Lợi Thiên
Vương, Dạ Ma Thiên Vương, Đâu Suất Đà Thiên Vương, Hóa Lạc thiên vương, Tha Hóa
Tự Tại Thiên vương, Phạm Thiên Vương, Đại Phạm Thiên Vương… suất lãnh quyến
thuộc trăm ngàn muôn ức, đem theo hương, hoa và các thứ trang nghiêm, đến nhiễu
quanh bên hữu Phật 7 vòng, đảnh lễ nơi chân, rồi hiến dâng thức cúng dường. Lễ
kính đã xong, lại thưa thỉnh rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Chúng con nghe Như Lai diễn thuyết môn Phật Đảnh Tôn Thắng
Đà Ra Ni nên đến đây xin thỉnh thọ và tùy thuận lời dạy mà thủ hộ. Cúi xin đấng
Thiên Nhơn Sư vì chúng con mà nói các pháp yếu về thần chú này, để cho sự thọ
trì của chúng con được thông suốt và thành tựu.
Đức Phật bảo vua Diêm Ma La và các vị thiên vương:
– Lắng nghe! Ta sẽ vì các ông mà giải thuyết:
* Nếu có chúng sanh nào bị khổ nạn, tội chướng cực nặng, không ai cứu hộ, nên
chọn ngày trăng sáng, tắm gội, mặc y phục sạch sẽ, thọ bát quan trai giới, quỳ
trước tượng Phật tụng đà ra ni này 1.080 biến thì tất cả tội nghiệp, chướng nạn
đều tiêu diệt. Kẻ ấy sẽ được thanh tịnh giải thoát, được môn Tổng Trì Đà Ra Ni,
biện tài vô ngại.
* Nếu kẻ nào tuy chưa trì tụng, mà chỉ nghe âm thanh của đà ra ni này lọt vào
tai, tức liền thành hạt giống Phật. Ví như một chút kim cang rớt xuống đất, tất
lần lượt xuyên lọt đến nơi bản tế mới dừng, đất tuy dày không thể làm trở ngại.
Thần chú này cũng thế, khi đã lọt vào tai, liền huân tập khiến cho lần lần
thành quả chánh giác, phiền não tuy nặng cũng không thể ngăn che. Dù kẻ ấy bị
đọa vào cõi Địa Ngục, Ngạ quỉ, bàng sanh cũng không bị nghiệp báo làm cho hạt
giống đó tiêu mất, mà còn nương sức thần chú lần lượt tiến tu cho đến khi thành
Phật.
* Nếu chúng sanh nào một phen nghe được Đà Ra Ni này, qua kiếp hiện tại sẽ
không còn bị các tật bịnh và các sự khổ não, cũng không còn thọ thân bào thai,
tùy theo chỗ hóa sanh hiện nơi hoa sen. Từ đó về sau, ngũ nhãn lần lần thanh
tịnh, được túc mạng trí, kiết sử tiêu trừ, sẽ chứng quả vô thượng đẳng giác.
* Nếu có kẻ nào mới chết, hoặc chết đã lâu, có người tụng 21 biến đà ra ni này
vào một nắm đất hoặc cát, rải lên thi hài, kẻ ấy sẽ được sanh về 10 phương Tịnh
Độ. Như người chết thần thức đã bị đọa vào địa ngục, ngạ quỉ, bàng sanh, khi
đất cát ấy dính vào hài cốt, cũng được thoát khỏi ác thú, sanh lên cõi trời.
* Nếu chúng sanh nào mỗi ngày tụng chú này 21 biến, ưng tiêu được sự cúng dường
rộng lớn của tất cả thế gian, khi xả báo thân sẽ sanh về thế giới Cực Lạc, kẻ
nào thường niệm tụng sẽ được tăng thọ mạng, hưởng sự vui thù thắng, tương lai
sanh về 10 phương Tịnh Độ, nghe pháp mầu, được thọ ký, ánh sáng nơi thân chiếu
tất cả cõi Phật, và chứng Đại Niết Bàn.
* Nếu muốn được oai lực tự tại, hành giả dùng các thứ bột như bột nếp, bột gạo
v.v.. nắn thành hình người để 8 phương hướng nơi đàn tràng, ngày đêm đối tám
phương mà tụng chú, tất cả sẽ được như ý.
* Nếu nước lụt dâng, hướng về phương đó tụng chân ngôn này 108 biến cầu nguyện,
thì nước sẽ rút lui.
* Nếu bị nạn vua, nạn quan, nạn binh, nạn giặc cướp, nạn khẩu thiệt, tụng chú
này 21 biến vào năm thứ nước thơm, đem rưới trên đảnh Phật, các nạn sẽ tiêu
diệt.
* Nếu chúng sanh nào tướng mạng yểu, muốn cầu sống lâu, nên chọn ngày trăng
sáng, trai giới, tắm gội, mặc y phục sạch, tụng chú này đủ 1.080 biến, sẽ được
trường thọ, tất cả tội chướng đều trừ diệt.
* Nếu có người tụng chú này một biến vào lỗ tai của bất kỳ loài cầm thú nào,
thì sanh loại ấy kiếp đó không còn thọ thân cầm thú, dù nó có nghiệp nặng sẽ bị
đọa vào địa ngục, cũng được thoát ly.
* Nếu kẻ nào bị bịnh trầm trọng, chịu nhiều đau khổ, được nghe đà ra ni này, sẽ
lìa bịnh khổ, tội chướng tiêu diệt. Cho đến các chúng sanh trong bốn loài nghe
được chú này đều xả bịnh khổ, lìa thân bào thai, hóa sanh nơi hoa sen, tùy theo
chỗ sanh, nhớ biết đời trước không quên mất.
* Nếu có chúng sanh nào vừa mới khôn lớn, đã tạo các thứ tội tứ trọng, ngũ
nghịch, thập ác, cho đến lúc tuổi già, tự suy nghĩ biết mình do nghiệp ác này
sau khi mãn phần sẽ đọa vào địa ngục A Tỳ, chịu sự khổ lớn trải qua nhiều kiếp,
rồi xoay vần luân hồi trong 3 đường ác không ai cứu vớt. Người ấy nên chọn ngày
rằm, tắm gội mặc y phục tinh khiết, dùng cái bát bằng vàng, bạc hoặc đồng,
lượng chứa ước một thăng, đựng nước trong sạch để trước tượng Phật, thọ giới Bồ
Tát, trì trai thanh tịnh. Nơi đàn tràng, mình đứng ở phương Đông hướng về tượng
Phật ở phương Tây, đảnh lễ chí thành sám hối. Rồi tụng đà ra ni này 1.080 biến
giữa chừng không gián đoạn, kế đó dùng nước ấy rưới bốn phương và trên dưới,
nguyện cho tất cả đồng được thanh tịnh. Làm phép này xong, tất cả tội chướng đều
được tiêu diệt, thoát khỏi nghiệp báo địa ngục tam đồ, vua Diêm Ma La buông
tha, thần Tư Mạng vui đẹp, không sanh giận trách, trở lại chắp tay cung kính,
tùy hỉ ngợi khen công đức.
* Nếu muốn cứu độ người tội nặng, nên chọn ngày rằm, tụng chú này vào mật hoặc
sữa 1.080 biến, rồi cho người đó ăn. Làm như thế, đương nhơn sẽ tiêu trừ tội
chướng sanh về cõi lành, lần lượt tiến tu, chứng quả vô thượng đẳng giác.
* Nếu tụng 21 biến chân ngôn này gia trì vào tăm xỉa răng, rồi đem dùng có thể
trừ bịnh đau răng, được mạnh khỏe, thông minh, trường thọ.
* Nếu muốn cứu độ tội khổ của loài súc sanh, nên gia trì chú này vào cát hoặc
đất vàng 21 biến, rồi rải trên mình chúng và bốn phương, tội chướng của chúng
nó sẽ tiêu diệt.
* Nếu có chúng sanh nào muốn được phước đức đầy đủ, muốn cầu tài bảo xứng ý,
muốn cứu hộ mình và người nên khởi lòng lành, mỗi ngày phát nguyện sám hối, đối
trước tượng Phật, kiết ấn tụng chú này bảy biến, tâm không tán loạn, mắt nhìn
tượng Phật không di động, rồi đem công đức ấy hồi thí cho tất cả chúng sanh.
Tác pháp và có tâm lành như thế, quyết định sẽ được như nguyện, tăng phước lộc
trong hiện tại, cho đến cả những đời sau.
* Nếu hành giả ở nơi đàn tràng mỗi ngày ba thời, mỗi thời tụng chú này 21 biến
gia trì vào chén nước sạch, rồi dùng tâm trân trọng bưng chén nước uống. Làm
như thế sẽ tiêu trừ các bệnh, sống lâu trăm tuổi, giải mọi oán kết, tiếng nói
thanh diệu, biện tài thông suốt, mỗi đời thường được Túc Mạng Thông, nhớ biết
tiền kiếp. Nếu đem chén nước ấy rưới trong phòng nhà, cho đến chỗ chuồng trâu,
ngựa, thì nơi đó sẽ được oai lực của chân ngôn giữ gìn an ổn, trừ các nạn: la
sát, rắn, rồng. Như đem chén nước ấy, miệng tụng chú rưới trên đảnh người bịnh
và cho bịnh nhơn uống, các thứ bịnh nặng sẽ tiêu trừ.
* Nếu muốn tiêu trừ các tai chướng, nên dùng vải lụa vụn năm sắc, kết làm cây
phất trần. Kế đó tụng chú nơi cây phất, quét bụi nơi tượng Phật và kinh. Thường
làm như thế, chướng nạn của mình sẽ tiêu, mà tội nghiệp của chúng sanh cũng
được trừ diệt.
* Nếu bị nhiều khẩu thiệt, tai tiếng phát khởi, nên dùng châu sa hòa với bạch
mật, hoặc đường cát trắng, tụng chú vào đó 21 biến, rồi đem thoa vào môi 100
tượng Phật. Làm như thế khẩu thiệt, tai tiếng sẽ tiêu trừ.
* Nếu vợ chồng chán ghét nhau, muốn được hòa thuận, tụng chú vào vải hay lụa 21
biến, đem may áo cho chồng hoặc vợ mặc, làm như thế, vợ chồng sẽ hòa thuận.
* Nếu người nam hay nữ bị ma quỉ khuấy rối, hoặc phần âm yêu đắm, quyến luyến
không tha, nên giữ chánh niệm vừa tụng chú vừa xoa khắp mình nạn nhân, kế đó
lấy tay vỗ vào thân, ma quỉ liền bỏ chạy.
* Nếu người nữ không có ai đến cưới hỏi, nên dùng muối tốt sạch, tụng chú vào
đó 108 biến, rồi đem cúng dường hiện tiền tăng, tất sẽ được như ý.
* Nếu chỗ ở có quỷ thần dữ khuấy rối, nên tụng chú vào thức ăn 21 biến rồi đem
cúng thí cho ăn. Trong khi ấy lại nói: “Nay tôi cúng thí cho các vị, như
không làm tổn hại chúng sanh thì tùy ý ở lại, nếu làm tổn hại thì phải mau đi
nơi khác”. Nếu quỷ thần hung hãn không nghe lời, nên dùng nọc sắt dài 12
ngón tay, tụng chú vào đó 21 biến rồi đem đóng xuống đất. Làm như thế, các quỷ
thần dữ phải chạy ra khỏi địa giới.
* Nếu có bệnh nhân bị tinh mị dựa vào, kẻ cứu hộ nên nhìn chăm chú vào mặt
người bịnh mà tụng đà ra ni này, tinh mị sẽ xuất ra.
* Nếu có quỷ La Sát hoặc các loài quỷ dữ vào quốc giới gây đau bịnh, làm khủng
bố và não loạn dân chúng, nên xưng niệm Tam Bảo, ngày đêm tụng trì chú này,
kiết ấn Phật Đảnh Tôn Thắng rải khắp bốn phương, thì các tai nạn đều tiêu diệt,
làm như thế, cũng cứu được chúng sanh thọ khổ ở tam đồ.
* Nếu muốn thí nước cho loài ngạ quỷ, tụng chú này vào nước sạch 7 biến, rồi
rải khắp 4 phương, tâm tưởng miệng nói, cầu cho chúng được thọ dụng, thì các
ngạ quỷ sẽ được uống nước cam lộ.
* Nếu người nào buôn bán ế ẩm, muốn được khách hàng chiếu cố, thường kiết ấn
tụng chú này 21 biến, an trí tượng Phật nơi chỗ tinh sạch kín đáo mà cúng
dường, tất sẽ được như ý.
* Nếu người nào mỗi ngày 3 thời, mỗi thời tụng chú này 21 biến, cung kính cúng
dường, chí tâm thọ trì, vì người khác giải nói, người ấy sẽ được an vui, sống
lâu, không bịnh, phát sanh trí huệ được túc mạng thông, khi lâm chung như ve
thoát xác, liền được sanh về thế giới Cực Lạc, tai không còn nghe tiếng địa
ngục, huống chi bị sa đọa. Kẻ ấy sẽ tuần tự tiến trên đường đạo quả cho đến khi
thành Phật.
Đức Phật bảo vua Diễm La và các vị thiên vương:
– Nếu chúng sanh nào muốn lập đàn trì đà ra ni này, nên dùng đất vàng trộn với
nước thơm mà bôi trên mặt đàn, đàn tràng vuông vức mỗi bề rộng 4 cánh tay, dùng
dây lụa năm sắc bao quanh 3 lớp, tụng chú vào hạt cải trắng, hoặc nước thơm rải
bốn bên. Bốn góc đàn để bốn bình nước tinh sạch, các bình nước lượng lớn nhỏ
đều phải đồng nhau. Giữa đàn rải các thứ hoa, đốt các thứ hương, thắp các đèn
dầu có chất thơm. Trước tượng Phật, dùng những đồ đựng đẹp sạch, đựng các thức
ăn như cơm trắng, nếp, sữa, đường, hoặc các thứ hoa quả cúng dường. Hành giả
nên mặc y phục sạch, giữ giới bồ tát, không nên ăn các thứ ăn có sắc đen. Mỗi
thời kiết ấn trì chú này 108 biến, nếu có thể 1.080 biến. Trì tụng như thế sẽ
được tiêu các tội chướng, tăng trưởng phước đức căn lành, sanh về các cõi Tịnh
Độ, và được thọ ký thành Phật.
Muốn kiết ấn Phật Đảnh Tôn Thắng nên chắp hai tay lại, hai ngón trỏ co vào lòng
bàn tay, hai ngón cái áp vào lóng giữa ngón trỏ là ấn thành.
Khi kiết ấn này tụng chú 108 biến, tức là đã cúng dường thừa sự 88 cu chi hằng
hà sa na do tha trăm ngàn chư Phật, được chư Phật khen ngợi, xưng là Phật tử.
Nếu người nào mỗi ngày kiết ấn, tụng chú này 108 biến sẽ được 10 phương chư
Phật thọ ký, quyết định không còn nghi. Như mỗi ngày kiết ấn tụng được 1080
biến, kẻ ấy sẽ được thân kim cang bất hoại, mau thành đạo quả.
Hành giả nào mỗi ngày thường trì chú này, rồi kiết ấn đối 4 phương, mỗi phương
tụng chú một biến, rải một lượt sẽ được tất cả thiên, long, quỷ thần cung kính
ủng hộ, nhan sắc tươi đẹp, sự cần dùng tùy niệm sẽ được chư thần xui cho đem
đến, phước đức vô lượng, công đức vô biên, chư Phật ngợi khen, tùy ý sanh về 10
phương Tịnh Độ.
Tóm lại, công lực của Tôn Thắng Đà Ra Ni vô cùng, có thể tùy nguyện ứng dụng,
không thể tả xiết!
Đức Phật bảo thiên đế và đại chúng:
– Môn Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni đây trong thời mạt pháp nếu có hàng vua quan
tứ chúng, y đúng pháp thức lập đàn thọ trì và cúng dường, đó gọi là tu Bố Thí
độ. Khi lập đàn tu hành, giữ ba nghiệp thanh tịnh, không phiền não giận hờn, là
trì giới độ và nhẫn nhục độ, mỗi ngày trì niệm không gián đoạn biếng trễ là
tinh tấn độ. Chuyên y theo pháp tắc, một lòng không loạn là thiền định độ. Bố
thí đàn tràng đúng pháp, thông hiểu phép thọ trì, khéo lượng chừng độ, biết
việc nên làm hoặc không nên làm là Bát Nhã độ.
– Này Thiên Đế và đại chúng! Nếu y theo lời dạy mà kiến lập pháp sự, tức sẽ đầy
đủ 6 pháp ba la mật. Các ông nên xoay vần khai thị, khiến cho chúng sanh được
nhiều lợi ích, chứng quả bồ đề!
Khi đức Phật nói pháp môn này xong, thiên đế, Thiện Trụ và chư thiên lãnh giáo
trở về thiên cung. Thiện Trụ thiên tử y theo lời dạy mà thọ trì mãn 7 ngày,
dùng thiên nhãn quán sát, tự thấy tội báo của mình đều tiêu trừ, phuớc thọ ở
cõi trời càng tăng thêm vô lượng. Ông vui mừng khấp khởi, cả tiếng khen ngợi
rằng: “Kỳ diệu thay Phật Đà! Kỳ diệu thay Đạt Mạ! Kỳ diệu thay Tăng Già!
Kỳ diệu thay sức chú ân Phật Đảnh Tôn Thắng đà ra ni, hay trừ diệt tất cả khổ
ách, khiến cho tôi thoát khỏi các ác báo như thế!”
Liền đó ông đến trình bạch lại việc ấy với Thiên Đế, thỉnh ngài cùng thiên
chúng xuống cõi Diêm Phù tạ ơn Phật. Thiên Đế suất lãnh Thiện Trụ và hàng tùy
thuộc, đem các thứ hương, hoa, phướn, lọng, y phục, và anh lạc quý đẹp, ngồi xe
báu bay xuống vườn Thệ Đa Lâm, đảnh lễ cúng dường Phật. Hành lễ xong lại chắp
tay, đi nhiễu quanh Như Lai trăm ngàn vòng, rồi đứng qua một bên, dùng các lời
kệ ca ngợi công đức của đức Thế Tôn.
Bấy giờ đức Như Lai đưa cánh tay sắc vàng, xoa đầu Thiện Trụ thiên tử, dùng
tiếng hòa nhã nói những lời pháp yếu và thọ cho bồ đề ký.
Đức Phật lại bảo: “Kinh này tên là Tịnh Nhứt Thiết Ác Đạo Phật Đảnh Tôn
Thắng Đà Ra Ni, các ông nên thọ trì”. Thiên Đế và đại chúng vui mừng đảnh
lễ, tín thọ phụng hành.
Phần Chú Thích
Ô sắc ni sá (Usnisa) dịch là Phật đảnh, tướng vô kiến đảnh nơi đầu của Phật.
Bạc Già Phạm (bhagàvan) dịch Tự Tại, đoan nghiêm, kiết tường, tôn quý, hữu đức,
tức chỉ cho đức Phật.
Thiên: hàng trời, Long: rồng, Dạ xoa: dịch Thiệp tật quỉ loài quỷ bay mau lẹ;
Càn thát bà: dịch Khứu hương nhạc, nhạc thần của Thiên Đế; A Tu La: dịch Phi
Thiên, loài có phước như trời mà đức không bằng trời; Ca Lâu La: thần kim súy
điểu; Khẩn Na La: dịch Nghi thần, thần ca múa của Thiên Đế, Ma Hô Lặc Già: thần
rắn; Cưu Bàn Trà: Yểm mị quỷ; Tỳ Xá giá: Đạm tinh khí quỷ; Nhơn Phi Nhơn: loài
như người nhưng có sừng hoặc có cánh khác với người.
Thất thánh tài: lòng tin, giới hạnh, sự nghe pháp, hổ với bên ngoài, tự thẹn
bên trong, xả bỏ, trí huệ.
Bát nạn: 1. địa ngục 2. Ngạ quỷ 3. bàng sanh 4. câm ngọng, đui điếc 5. Sanh
trước Phật hay sau Phật (vào thời không có Phật pháp) 6. Sanh Bắc Cu Lư Châu 7.
Sanh Vô Tưởng thiên 8/ Thế Trí Biện Thông.
Phú Đơn Na (Putàna): dịch xú ngạ quỷ, thường làm bịnh nóng. Ca Tra Phú Đơn Na
(Katapùtàna): dịch là Kỳ xú quỉ, thường làm bịnh kêu khóc và gây tai nạn. Hai
loài quỉ này thân hình rất xấu xa, hôi hám.
Đường dẫn dưới đây, dạy cách phát âm
Tiếng Phạn “Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni”:
Phụ chú:
A. Nay lại căn cứ theo bản Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni của Thiền Môn Khóa Tụng
do nhà xuất bản Khảo Cổ Văn Hóa Sự Nghiệp (Đài Loan 1986) phát hành, thì thấy
cách phiên âm theo tiếng Hán như sau:
Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni
1. Nam mô bạc già phạt đế.
2. Tát bà tha đát lan lô chỉ dã.
3. Bát lạt để tì điệt sắt tra dã.
4. Bột đà dã. Bạc già phạt đế.
5. Đát điệt tha.
6. Úm, bột lâm bột lâm.
7. Thuật đà dã thuật đà dã.
8. Tỳ thâu đà dã. Tỳ thâu đà dã.
9. A táp ma táp ma.
10. Tam mạn đa. Phạ hoa sát.
11. Táp bát ra noa yết để ngược yết na.
12. Tỏa bà bà, tì thú đệ.
13. A tỳ xiển giả. Đổ mạn.
14. Tát bà đát da già đa.
15. Tô yết đa
16. Bạt ra bạt giả na.
17. A mật lật đa tỳ sư kế.
18. Ma ha mẫu đà ra, mạn đa ra bà na.
19. Úm. A hát ra a hát ra.
20. A dũ san đà ra ni.
21. Thu đà dã. Thu đà dã.
22. Già già na. Xoa phạ bà. Tỳ thú đệ.
23. Ô sắt nị sa. Tỳ thệ dã tỳ thú đệ.
24. Tố ha tát ra yết lại thấp nhị. San thù địa đế.
25. Tát ra bà đát tha yết đa.
26. A bà lô ky ni.
27. Tát bà đát đá già đa mạt đế.
28. Tát đà ra, ba la mật đa.
29. Ba rị, phú ra ni.
30. Na ta bồ mật bà la. Địa sắt sỉ đế.
31. Tát la bà đát đà yết đa da. Hất rị đà da.
32. Địa sắc sá na.
33. Đế sắt sỉ đê.
34. Úm, một điệt lệ, một điệt lệ. Ma ha một điệt lệ.
35. Bạt triết la ca dã.
36. Tăng hát đản na tỳ thú đệ.
37. Tát ra bà yết ma, phạt lạt noa tỳ thú đệ.
38. Bát lạt đổ rị ca đế, tì rị, tì thú đệ.
39. Bát lạt để na bà ra đái dã. A dũ thú đệ.
40. Tam ma da. Địa sắt sỉ na. Địa sắt xỉ đế.
41. Úm. Mạt nhĩ, mạt nhĩ, ma ha mạt nhĩ.
42. Á ma ni, á ma ni.
43. Tì ma ni, tì ma ni, mạ hạ tì ma ni..
44. Mạt địa mạt đế, ma ha mạt đế.
45. Đát đạt đa bột đa.
46. Cô thi tì lê thú đễ.
47. Tị tốt bố tra. Bột địa tỳ thú đệ.
48. Úm, hy hy.
49. Thệ dã thệ dã.
50. Tị thệ dạ tị thệ dã.
51. Tam mạt ra tam mạt ra.
52. Sa phạ ra, sa phạ ra.
53. Tát la bà bột đà.
54. Địa sắt sỉ na.
55. Địa sắc sỉ đa.
56. Thú đệ thú đệ.
57. Bạt triết lệ, bạt triết lệ. Ma ha bạt triết lệ.
58. A bạt triết lệ.
59. Bạt triết la yết tì.
60. Thệ da yết tì.
61. Tì giá gia yết tì.
62. Bạt triết ra thệ bạt la yết tì.
63. Bạt triết rô na già đế.
64. Bạt triết rô na bà đế.
65. Bạt triết la tam bà phệ.
66. Bạt triết rô bạt triết rị na.
67. Bạt triết lam, bạt bà đổ mạ mạ.
68. Tát rị lam. Tát la phạ. Tát đỏa bà năng.
69. Tát xá gia. Tì lê, tì thú đệ.
70. Sất dạ phạ bà đổ mế tát na.
71. Tát lạt bà yết đế tì lê thú đễ.
72. Tát lạt bà đát đà yết đa. Sất da mi.
73. Tam ma ta phạ. Tát diện đô.
74. Tát bà đát đá già đa.
75. Tam ma tát phạ sa địa sắt sỉ đế.
76. Úm! Sất địa da, sất địa dạ.
77. Bột đề dã, bột đề dã.
78. Tỳ bồ đề dã, tì bồ đề dạ.
79. Bồ đà dạ, bồ đà dạ.
80. Tì bồ đà dạ, tì bồ đà dã.
81. Mô ca dã, mô ca dã.
82. Tì mộ ca dã, tì mộ ca dạ.
83. Thuật đà dạ, thuật đà dã.
84. Tì thuật đà dã, tì thuật đà dã.
85. Tam mạn đa đát biệt lệ, mô ca dã.
86. Tam mạn đà da sa mế biệt rị thú đễ.
87. Tát la bà đát tha già đa tam ma da hất rị đà da.
88. Địa sắt sa na, địa sắt sỉ đế.
89. Úm, mẫu đề lê mẫu đề lê, ma ha mẫu đà ra,.
90. Mạn đa ra, bát na
91. Địa sắc sỉ đế.
92. Xóa ha.
Lời Sau Cùng
Môn Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni,
đời Đường có quan thị ngự sử Võ Triệt thường trì tụng, sau nghe bạn đồng liêu
là Tưởng Hình cũng thọ trì, nhưng văn cú và ngôn âm phần lớn đều sai khác; hỏi
ra quan Thị Ngự Sử Tưởng Hình thọ học với ông Vương Khai Sĩ, và Vương Khai Sĩ
lại được ngài Kim Cang Trí Tam Tạng truyền pháp. Trong khi truyền thọ ngài bảo:
“— Tây Vức cũng ít có bản này. Ta đem theo Phạn bản đến đây, nên mật
truyền lại cho ông”.
Trong niên hiệu Khai Nguyên, có vị cư sĩ tinh tu ở non Ngũ Đài, người thường
gọi là Vương Sơn Nhơn, cũng trì tụng chú này. Sau vì cầu siêu cho cha, ông tụng
chú đến vài mươi muôn biến, cầu xin được biết nghiệp báo lành dữ và chỗ sanh
của phụ thân. Nhưng kết cuộc không thấy chi, ông thối tâm muốn ra khỏi núi.
Bỗng gặp một lão nhơn đón lại, bảo: “Hiền giả tụng trì thật là cần mẫn,
nhưng vì cách Phật lâu xa, văn cú thất lạc, thiếu sót nhiều. Nên không mau được
ứng nghiệm. Nay gặp nhau đây, tôi xin truyền lại toàn bản của thần chú”.
Vương Sơn Nhơn mời về đảnh lễ và thọ pháp. Lão nhơn dạy: “Hiền giả tụng
chú bản này độ một ngàn biến sẽ thấy hiệu lực”. Cư sĩ trì niệm y theo lời.
Vài hôm sau lúc ban đêm, bỗng nghe tiếng ngọc hoàn bội khua thanh thao, giọng
tiêu cầm dìu dặt, lần lần giáng xuống trước sân nhà, cư sĩ kinh lạ bước ra xem,
thấy mấy mươi thiên nhơn vây quanh ủng hộ một vị thiên tiên tướng mạo siêu phàm
đi đến. Vị thiên tiên hỏi: “Người biết ta chăng?” Cư sĩ thưa:
“Kẻ dung phàm này mới được hân hạnh diện kiến”. Thiên tiên nói:
“Ta là phụ thân của người, năm rồi người trì tụng Tôn Thắng đà ra ni, ta
được nhờ phước lực sanh lên cõi trời. Mấy hôm nay, y phước lại tăng gấp bội hơn
trước, ta được làm vua trong hàng thiên tiên. Bản chú ngươi vừa trì tụng công
hiệu thật không thể nghĩ bàn!” Nói xong, tất cả đồng bay về thượng giới,
cư sĩ vui mừng, cúi lạy tiễn đưa. Từ đó về sau càng thêm tinh tấn.
Cũng vào thời đó, tại Đông Đô có ông Vương Thiếu Phủ tụng chú Tôn Thắng theo
bản của ngài Phật Đà Ba Lỵ đã vài muôn biến, một đêm, ông mộng thấy vị Phạn
tăng đi đến bảo: “Nhơn giả tụng niệm rất tinh thành, nhưng tiếc vì chú văn
còn thiếu, nên công hiệu kém!” Thiếu Phủ đảnh lễ cầu thỉnh bản chú văn đầy
đủ. Phạm tăng từ bi chấp thuận, khẩu truyền từng câu chân ngôn. Sau khi đã
thông thuộc tất cả, ông bái tạ đưa vị Phạm tăng ra khỏi cửa, nhìn qua trời sáng
như ban ngày. Thiếu Phủ trở vào nhà thấy tôi tớ còn đang nằm ngủ. Vừa lúc ông
chợt tỉnh giấc, vội gọi kẻ đồng bộc trách bảo trời đã sáng sao chưa thức dậy?
Chúng đáp rằng mới vừa nửa đêm. Lúc ấy ánh sáng bỗng tắt, trở lại đêm tối như
cũ. Thiếu Phủ nhớ cơn thần mộng, lấy làm lạ, nhắm mắt tụng thần chú mấy biến
thấy vẫn thông suốt. Từ đó, ông y theo khẩu truyền của vị Phạm tăng mà thọ trì.
Trong niên hiệu Thiên Bảo năm đầu, Thiếu Phủ đang nằm nơi tư thất, chợt tắt
hơi. Vì nơi ngực còn ấm, người nhà không dám tẫn liệm. Đến 7 hôm sau, ông bỗng
sống lại. Lúc ấy, kẻ háo sự trong thành bảo nhau đến hỏi về duyên cớ tái sanh.
Tiếng đồn lan ra, Vưong Khai Sĩ và Vương Sơn Nhơn lúc ấy ở Đông Đô không quen
biết nhau, cũng đồng đến thăm viếng. Trước mặt các quan khách, Vương Thiếu Phủ
trần thuật như sau:
– Tôi vừa nằm nghỉ, chợt hôn mê, thấy có 2 sứ giả đến dẫn đem đi. Được vài mươi
dặm, đến một gốc đại thọ, 2 sứ giả dùng lại tạm nghỉ, tôi cũng ngồi xuống theo.
Bỗng nhớ tới chú Tôn Thắng, tôi liền nhắm mắt tụng luôn 21 biến. Lúc mở mắt
nhìn quanh, không thấy 2 sứ giả đâu cả. Giây lát, có 4 vị khác đi đến quỳ thưa
rằng: “Không biết ngài tu theo diệu pháp nào, khiến cho 2 sứ giả dẫn độ
đều được sanh lên cõi trời?” Tôi đáp: “Tệ nhơn chỉ tụng Phật Đảnh Tôn
Thắng Đà Ra Ni”. Bốn vị ấy cầu thỉnh: “Xin ngài vì chúng đệ tử tụng
trì, cứu vớt cho khỏi vòng khổ nạn!” Tôi cũng nhắm mắt tụng 21 biến, lúc
mở mắt ra, lại không thấy bốn vị đó.
Khoảnh khắc giữa hư không, có tiếng binh đao, một vị thần mặc tử bào, mang giáp
trụ, quân thị vệ đông đảo, đến trước quỳ thưa rằng: “Tôi là thần Ngũ Đạo
Minh Ty, địa vị tuy tôn quý, nhưng vẫn còn nhiếp về thần đạo. Sáu vị kia nhờ
pháp lực của ngài, đều được sanh lên cõi trời. Xin mời ngài hạ cố đến tệ cư trì
tụng, khiến cho đệ tử và chúng sanh nơi đó được nhờ phước ấm, đồng sanh lên
thiên giới”. Theo vị thần, tôi đi đến một khu thành quách to rộng, chu vi
ước độ vài mươi dặm. Trong thành có rất đông tội nhơn, mang gông xiềng họp lại
nơi sân rộng trước cung điện, có lẽ đang chờ khảo tra xử phạt. Vị thần dạy quân
bày tòa cao đẹp, làm lễ thỉnh tôi lên ngồi, còn chính mình quỳ nơi trước, phía
dưới, chắp tay lắng nghe. Tôi liền định tâm chí thành tụng đủ 49 biến, khi mở
mắt ra nhìn bốn bề không thấy một ai cả, chỉ có gông xiềng đứt nát nằm ngổn
ngang chung quanh. Còn đang kinh ngạc, bỗng có 4 sứ giả đến bảo tôi rằng:
“Đức vua dạy mời ông đi nơi khác, vì ông đã làm rối loạn, phá hư trật tự
chốn minh ty của chúng tôi”. Kế đó họ đưa tôi vào một hang núi, và tôi
được hoàn hồn sống lại. Sự tái sanh này chắc cũng nhờ oai lực không thể nghĩ
bàn của Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni.
Vương khai Sĩ và Vương Sơn Nhơn nghe nói, mỗi người đều đọc bản chú của mình để
so sánh với bản chú của Vương Thiếu Phủ thì thấy đồng nhau như một bản. Cả ba
đều vui mừng, cùng nhau khánh hạ. Vương sơn Nhơn nói: “Bản của tôi thọ
giáo nơi vị thánh công nơi non Ngũ Đài”, Vương Thiếu Phủ bảo: “Tôi
thọ học bản chú này với vị thần tăng”. Vương Khai Sĩ nói: “Còn bản
của tôi được thọ truyền bởi ngài Kim Cang Trí Tam Tạng, hiện Phạm văn bối diệp
hiện còn lưu trữ”. Ai nấy nghe nói đều kinh ngạc, khen là chuyện hy hữu.
Ngoài ra lại còn chuyện ông Trương Diệc trì chú Tôn Thắng cứu được cha mẹ khỏi
khổ địa ngục, sanh lên cõi trời. Chuyện ông Trương Thừa Phước trì chú này khi
bị minh ty đến bắt, đã không thọ khổ mà còn cứu vớt được tội nhơn ở cõi âm được
siêu thoát. Truyện vài vị tăng trì chú Tôn Thắng cảm được xá lợi hiện và rất
nhiều cảnh giới lành.
Những chuyện trên đây có ghi chép trong tập Gia Cú Linh Nghiệm Phật Đảnh Tôn
Thắng Đà Ra Ni Ký. Sau tập này có chép bản văn đầy đủ của chú ấy, gọi là Cụ Túc
Bản. Bút giả y theo Cụ Túc Bản so sánh với phiên âm của các bản khác, và tra
cứu từ điển để dịch ra Việt ngữ cho đúng với Phạm âm. Riêng bản dịch của Pháp
Thiên Tam Tạng nhan đề Tối Thắng Phật Đảnh Đà Ra Ni so với Cụ túc Bản văn cú đã
đồng lại có phần rộng hơn. Sau khi hiệu kiểm, bút giả lại ghi thêm vào những văn
cú mà Cụ túc bản không có để được càng đầy đủ. Mong rằng việc làm này, đem
nhiều lợi ích cho người trì tụng.[] Thích Thiền Tâm
Discussion about this post