Thường nghe: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta thường nghe câu nói ấy khi đến với nhà Phật. Mà câu nói này vốn là do đức Phật Thích-ca nói, từ ngàn xưa chứ không phải sau này chư tăng tự nói ra.
Thân người khó được, bởi vì trong sự luân hồi tái sinh bất tận, chúng sinh khó mà được làm người. Từ cái cây bụi cỏ đến con sâu con bọ mà tiến hóa thành loài chim loài thú đã phải mất rất nhiều kiếp trôi lăn, và rồi từ loài thú tiến lên làm người càng phải có nhiều phước đức nhân duyên hơn nữa.
Thân người khó được mà nay chúng ta đã được làm người, thật quý hóa quá! Với ý thức này chúng ta trân trọng những thành tựu của mình, và khéo xử dụng thân người xứng đáng nhất, hiệu quả nhất. Cũng như kẻ đi buôn bán, từ số vốn có được người ấy cố gắng làm sao cho sinh lời lớn; cũng vậy, đã được thân người, là đã có những điều kiện tối ưu hơn biết bao loài thú, chúng ta phải dùng thân ấy tu học đạo!
Nếu như quan ngài Nguyễn Công Trứ khi bất đắc chí đã buông lời:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!”
Thì người phật tử sẽ không bao giờ có ý đi lui trong kiếp luân hồi. Hơn ai hết, hàng phật tử có ý thức sâu sắc về sự tái sinh luân hồi của mỗi chúng sinh, đã kéo dài qua vô số kiếp sống, lại phải tiếp tục qua vô số kiếp sống nữa, đến khi nào giác ngộ thì mới được giải thoát khỏi luân hồi khổ nhọc! Mà trong dòng sống miên viễn ấy, được làm người đã là một thành tựu cao. Nên tại địa vị người phải tiến lên, phải tính kế cho muôn ngàn kiếp sống tương lai. Kế sống hay nhất chính là tu học đạo, đã được Sư trưởng Minh Đăng Quang nói gọn trong hai câu: “Một kiếp tu hành ngàn đời rảnh khổ. Một thời ngộ đạo ngàn thuở yên vui!”.
Kế sống khôn ngoan nhất trong kiếp người theo quan điểm của nhà Phật là như thế! Từ bỏ tất cả mộng đẹp ở đời, người trí phát tâm tu học đạo, để giải quyết hết mọi rắc rối, cho muôn ngàn kiếp sống sau này được thong thả an ổn! Sự tu học đạo có hai hình thức: tại gia và xuất gia. Dù trong hình thức nào thì muốn tu phải học chứ không thể và càng không nên tu mò. Đồng thời, muốn học phải nghe lời dạy bảo của bậc minh sư chứ không thể và nhất là không nên học tập. Tu mò học tập rất nguy hiểm, thà rằng không tu học gì hết còn hơn, vì cái sai lầm của tu mò học tập sẽ gây hại đến nhiều đời lắm!
Khi bắt đầu tu học Phật, chúng ta được cảnh giác rằng: Phật pháp khó nghe. Vậy Phật pháp khó nghe chỗ nào? Như người Việt Nam, theo văn hóa Nho giáo mấy ngàn năm, thì chỉ lo học làm người, với những nếp sống trung hiếu lễ nghĩa, những cách thức quan hôn tang tế… Số người này chiếm phần lớn, nay đã lai Nho giáo với các cách sống của phương Tây, của thế giới hiện đại. Một số ít người khác chịu ảnh hưởng của Lão giáo thì học làm trời, lo tu Tiên đạo. Ngày nay ở Việt Nam vẫn có nhiều phái tu Tiên, hoặc ăn không khí, hoặc luyện Thánh thai, hoặc luyện thuốc trường sinh, hoặc nhập bá luyện pháp kim Tiên… Còn một số người Việt Nam quy y đạo Phật thì thờ Phật và ăn ở theo lời Phật dạy. Sự quy y Phật, thờ Phật và ăn ở theo lời Phật dạy nói chung vẫn là lo học làm người. Chỉ có một số rất ít người Việt Nam phát tâm xuất gia theo Phật, học làm Phật. Qua số rất ít người xuất gia học làm Phật đã chứng tỏ là Phật pháp khó nghe, điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai: Trong số rất ít người xuất gia tu học Phật đó có được mấy vị chuyên tu học? Tức là, sau khi xuất gia rồi, nếu người xuất gia chỉ lo cúng kiếng, lễ hội, từ thiện, các việc xã hội, tổ chức các khóa tu cho cư sĩ, nhất là lo xây cất cơ sở và lo giữ chùa… thì các vị ấy chưa có chuyên tu học. Các hạnh thiện trong xã hội sẽ đưa đến phước báo hữu lậu ở cõi người, cõi trời, chưa phải là pháp Niết-bàn của Phật! Nếu Phật pháp dễ nghe thì đã thuyết phục được tất cả mọi người mới phải, ít ra là hết số người xuất gia theo Phật.
Điểm thứ ba: Nói thẳng vào chuyên môn, Phật pháp khó nghe thì cụ thể là pháp gì khó nghe? Trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy không ăn hành hẹ tỏi nén kiệu, bây giờ ai cũng ăn. Khi mọi người đang ăn năm món cay nồng đó, nhất là trong các “nhà hàng chay” có ở khắp Việt Nam, mình đến nói: “Đức Phật dạy không ăn ngũ vị tân.”, mọi người sẽ đáp: “Ông nói khó nghe quá!”. Hoặc trong Kinh Di Giáo, đức Phật dạy không xem thiên văn địa lý bói toán… mà nay rất nhiều nơi làm mấy việc đó. Khi mọi người đang làm thầy thiên hạ, mình đến nói: “Xưa đức Phật dạy không xem bói.”, ắt người ta sẽ đáp: “Cô nói khó nghe quá!”… Mới có hai ví dụ đã thấy quả thật Phật pháp khó nghe.
Điểm thứ tư: Tinh vi hơn, xin bàn đến giáo lý Năm uẩn vô ngã của đức Phật dạy. Xưa đức Phật Thích-ca đã nhiều lần dạy các tỳ-kheo: Này các thầy, sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là ta!… Theo giáo lý căn bản đó, ngày nay nhiều học giả đã diễn giải thành một học thuyết mới: Phật giáo là tôn giáo độc nhất trong lịch sử tôn giáo nhân loại phủ nhận hiện hữu của một linh hồn!* Ô hay, nếu không có linh hồn thì làm gì có tôn giáo nào nữa? Không ngờ Thích-ca còn vô thần hơn ai hết, theo học thuyết đó! Qua học thuyết mới này, đến phiên chính chúng ta thấy khó nghe quá!
Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn. Nhưng chúng ta đã được thân người, và phải cố gắng lắng nghe học hỏi Phật pháp. Nếu đời nay không tu thì luân hồi sinh tử vẫn còn đó, với cái may cái rủi, cái họa cái phước, nào khổ nào vui lẫn lộn, chợt khóc chợt cười như những kẻ khùng vớ vẩn, trong những hình hài không lường trước được đấy! Xin hãy tự trọng.
KS. Minh Bình
Discussion about this post