Nguyên tác tiếng Anh: The Last Breath by Ajahn Pasanno
Dịch Việt Nguyên Khiêm (Thích Ca Thiền Viện, Riversde, California)
Tôi vừa nhận được mới đây từ một thân hữu gửi đến một tập sách nhỏ có tên là “Hơi Thở Cuối Cùng” viết bởi một nhà Sư Phật giáo, theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy (còn gọi là Phật giáo Tiểu Thừa hay Nam Tông, Theravada). Tập sách này nguyên thủy viết bằng Anh ngữ tên là ” The Last Breath” vì tác giả là người Gia Nã Đại, nhưng đã được dịch sang tiếng Việt bởi một nữ cư sĩ tên là Nguyên Khiêm, thuộc Thích Ca Thiền Viện ở California. Nguyên bản tiếng Anh The Last Breath” xin click vào tên sách.
Hơi Thở Cuối Cùng, tên cuốn sách đã làm tôi rất chú ý, nó phải liên quan đến một người sắp từ giã cuộc đời. Đọc qua, tôi thấy đó là chuyện một tử tù sắp bị hành quyết vì đã tham gia vào một vụ án cướp của giết người. Điều đáng chú ý là người tử tù này đã trút Hơi Thở Cuối Cùng với một tâm trạng an nhiên tự tại, không thắc mắc, không sợ hãi, hết oán thù, chỉ còn tha thứ cho mọi người. Tha thứ sau cùmg cho cả chính mình. Làm sao có thể như vậy được? Không ai, hoặc là hết sức hiếm, có thể đi đến trạng thái tâm linh đó một mình được, mà phải có người giúp đỡ.
Người đó chính là Đại đức Ajahn Pasanno, tác giả cuốn tập sách Hơi Thở Cuối Cùng này. Mọi người phải xem cuốn sách này mới hiểu được sức mạnh của nội tâm một khi đã nhìn vào chính mình không để tâm phân tán ra ngoài, giữ vững lòng Tin vào Nghiệp quả. Tuệ Trung Thượng Sĩ đã dạy Thái tử Trần Nhân Tông: “Phản quan tự kỷ bản phận sự. Bất tùng tha đắc” Trần Nhân Tông sau thành Tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà.
Ngài Ajhan Pasanno
Đại đức Ajhan Pasanno sinh năm 1949 tại Gia Nã Đại, tên thật Reed Perry, là một cao tăng khả kính, lỗi lạc về giảng dạy Giáo pháp.Năm 1972 Ngài tốt nghiệp đại học Unnipeg Gia Nã Đại với bằng cử nhân về Lịch Sử. Năm sau (1973) ngài sang Á Châu qua Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, A Phú Hãn, Hồi quốc rồi Ấn Độ. Sau cùng ngài định cư tại Thái Lan để đến một ngôi chùa tại Chiang Mai. Tại đây ngài học Thiền định và Tam Tạng kinh điển bằng Anh ngữ. Tháng Giêng 1975, ở tuổi 24, ngài thế phát với Thầy
Ngài ở tại Thái hai mươi ba năm, tu hành dưới sự hướng dẫn của Ngài Ajahn Chah. Năm 1982, Ngài trụ trì chùa Wat Pah Nanachat (Tu viện Lâm Xá Quốc tế) tại Thái Lan, phát triển thành công mọi cơ sở và sinh hoạt nơi đây.
Năm 1996, Ngài nhận về California để đồng trụ trì với Ngài Ajahn Amaro trong trách nhiệm phát triển tu viện mới Abhayagiri.
Từ năm 2010 khi Sư Ajahn Amaro nhận nhiệm sở Amaravati ở Anh quốc thay thế cho Ngài Ajahn Sumedho, Ngài Ajahn Pasanno trở thành vị trụ trì duy nhất tới nay ở tu viện Abhayagiri.
Abhayagiri Buddhist Monastery là tu viện Phật giáo được thành lập đầu tiên ở Hoa Kỳ do các môn sinh đệ tử của Ngài Ajahn Chah, một đại lão Hòa Thượng khả kính trong truyền thống sơn lâm ở Thái Lan thuộc hệ phái Phật giáo Nguyên Thủy Theravada.
Năm 1995, khi Hòa Thượng Tuyên Hóa trụ trì Vạn Phật Thánh Thành (Ukiah, Bắc California) gần viên tịch, Ngài truyền cho các môn đồ cúng dường đến Đại Đức Ajahn Sumedho, vị trưởng đệ tử người Mỹ của Ngài Ajahn Chah, 120 mẫu rừng ở Redwood Valley, cách Vạn Phật Thành 15 miles về phía Bắc.
Tên “Abhayagiri” có nghĩa là “Vô Úy Sơn” (Fearless Mountain) được chọn đặt cho tu viện mới này. Sau đó tu viện mua thêm một miếng đất cạnh bên với vài ngôi nhà, làm thành ngôi chùa hiện tại rộng 250 mẫu.
Ngài Ajahn Pasanno dùng sách này để kể lại câu chuyện người tử tội trong thời gian bị giam cầm chờ thọ hình ở ngục thất San Quentin. Với sự giúp đỡ về tâm linh của ngài ngưới đó đã biết sử dụng được mọi nghịch cảnh oan trái của mình cho việc phát triển nguồn năng lực nội tâm để có thể đối đầu với cái chết bằng thái độ can đảm, tâm an nhiên và lòng bi mẫn..
Ngài viết: “Sư Pasannocó duyên may được mời tới với vai trò cố vấn tâm linh trong những ngày cuối của người tử tù này. Trước đó Sư Pasanno chưa hề gặp qua nên không biết phạm nhân thuộc hạng người gì, nhưng thật là lợi lạc khi được gặp và chia sẻ những ngày cuối đời của người tử tù.”
2. Người tử tù
Jaturun Siripongs, gọi tắt là Jay, người Thái Lan, 43 tuổi đã bị kết án tử hình vì tội cướp của giết người tại một tiệm bán hàng Thái Lan vùng Garden Grove, Quận Cam, California hồi tháng Chạp năm 1981. Jay bị tố cáo là giết hai người, bà chủ tiệm Packovan Wattanaporn, và ông Quách Nguyễn người làm công cho bà chủ. Jay một thời cũng làm việc tại đó. Trong cuộc điều tra, Jay nhìn nhận là có tham dự vụ cướp đó nhưng anh phủ nhận là kẻ giết người.. Anh không cho biết hung thủ là ai.
Jay đã sang Hoa Kỳ ít lâu trước khi xảy ra vụ cướp năm 1981, khi đó anh mới 26 tuổi. Cảnh sát đã cho rằng bà chủ tiệm đã bị xiết cổ chết bằng một sợi dây nylon, ông Quách Nguyễn đã bị đâm nhiều nhát dao vào đầu và cổ. Khi khám xét tử thi ông Quách, cảnh sát thấy trên cánh tay nạn nhân có quấn sợi dây nylon và trên tay của Jay có nhiều vết chém bằng dao. Họ nghĩ rằng hai bên đã ẩu đả dữ dội và Jay đã giết chết ông Quách, một người Việt Nam có vợ và bốn con. Cảnh sát điều tra cho rằng vụ cướp của giết người đã xảy ra từ khoảng nữa đêm đến hai giờ sáng.
Sáng ra, ông Surachai Wattannaporn, chồng bà chủ tiệm tìm thấy xác vợ nhét trong một cái tủ của tiệm, mình đầy máu.
Hai ngày sau, cảnh sát đẵ phát hiện và bắt được Jay Siripongs khi anh này dùng cái thẻ tín dụng (credit card) của bà chủ tiệm để mua một cái máy vô tuyến truyền hình. Ngoài ra khi đến lục soát xe hơi và nhà riêng của Jay tại thành phố Hawthorn, California, họ còn tìm thấy con dao, nhiều nữ trang của bà chủ tiệm và một số thẻ tín dụng khác nữa.
Thế là người thanh niên Thái Lan Jay Siripongs, bị nhốt vào nhà tù San Quentin California, lôi ra tòa để luận tội, xét xử, sau cùng là kết án tử hình. Xuyên suốt vụ kết án – kéo dài nhiều năm, từ 1981 đến 1999 Jay Siripongs nhìn nhận có tham gia vụ cướp đó, nhưng anh nhất định phủ nhận anh không phải là kẻ giết người, mà là một người khác anh không chịu nói tên ra.
Bên công tố viên đã trình bày trước tòa đầy đủ bằng chứng để kết tội anh là hung thủ: Con dao giết người, quần áo dính máu, sợi dây nylom xiết cổ nạn nhân, nữ trang và các thẻ tín dụng cướp được, cùng lời khai của nhiều nhân chứng vân vân,
Với những bằng chứng trên, nhất là Jay đã nhìn nhận tham gia vụ cướp, luật sư bên bị là bà Schilling không thễ cải cho anh được trắng án mà chỉ cãi cho anh khỏi bị tử hình mà thôi..
Bà Schilling, nói trước tòa mặc dầu những chứng cớ hiển nhiên để kết tội Jay, nhưng tòa không cần phải đi quá xa kết án tử hình cho thân chủ mình. Lý lẽ bà đưa ra là luật sư Spellman, trong vụ án, đã không chịu gọi một nhân chứng nào vì ông ta quá bận ra tranh cử vào Quốc Hội. Bà còn nói đến nhiều vết dấu tay tìm thấy trong hiện trường không phải của thân chủ của bà. Bà nói: “Không ai có thể nghĩ rằng California mang một người ra xử tử vì có 30 dấu tay nơi hiện trường, không dấu tay nào thuộc về anh ta.”
Bà còn nói với phóng viên nhà báo là thân chủ của bà, anh Jay đã rất hối hận nên đã viết cho quan tòa là anh chỉ muốn lãnh án tử hình sớm để khỏi phiền hà đến Tòa án và đem thêm đau khổ đến người khác. Ông Surachai, chồng bà chủ tiệm cũng nói: “Tôi là Phật tử, tôi không tìm cách trả thù cho vợ tôi. Tôi cũng mong ngài Thống đốc tiểu bang khoan hồng cho hắn”.
Có điều khác người là trong 16 năm ngồi đếm lịch trong San Quentin, Jay đã chiếm được cảm tình bất thường của nhiều người. Luật sư nói trước tòa là anh đã tỏ ra rất hối hận đã làm việc này. Hàng ngày, anh vẫn cầu siêu cho người quá cố, tỏ ra rất ăn năn đã đem đau khổ cho nhiều người khác. Nhiều người cai tù mô tả Jay là một người lúc nào cũng rất lễ độ với mọi người, sẵn sàng hợp tác với ban quản lý nhà tù. Ông cai tù Daniel Vasquez chẳng hạn, một người vốn vẫn chủ trương hình phạt tử hình, cũng nói rằng nên khoan hồng cho tử tù Jay để làm gương cho tù nhân khác
Trong tù, Jay được phép vẽ tranh. Anh đã vẽ những bức tranh rất đẹp. Những người yêu hội họa đã đem những bức tranh anh vẽ ra đem trưng bày tại một phòng trưng bày tranh tại Oakland. Nhiều người rất tán thưởng bức tranh vẽ một đứa bé đang mút tay, bức tranh vẽ tĩnh vật một rổ đựng những quả táo đỏ bóng loáng hay tranh vẽ một người đàn bà mặc áo kimono truyền thống màu sắc rất đẹp
Lúc đầu, Tiểu bang California định ngày xủ tử cho Jay là ngày 17 tháng 11, 1998. Thấy vậy một vị cai tù San Quentin đã gửi cho Jay một bức thư ngắn nói đại ý là: ” Bây giờ tôi không biết nói sao với ông bạn. Từ ngày biết bạn, quan sát và làm việc với bạn, cuộc đời tôi đã tăng tiến rất nhiều”
Vì có nhiều can thiệp xin khoan hồng nên Tòa đã rời ngày Jay Siripongs phải thọ tử hình sang ngày thứ Ba mồng 9 tháng Hai, 1999. Anh sẽ bị giết bằng kim tiêm vào mạch máu một liều thuốc độc.
Ông Thống đốc tiểu bang California Pete Wilson đã không chịu tha cho Jay khỏi chết. Ông đã nhận được nhiều thư xin khoan hồng từ người chồng nạn nhân, chính phủ Thái Lan, hai người trong ban thụ lý, và ngay người cựu quản lý nhà tù San Quentin, ông vẫn không chịu. Ông cho rằng đây là một vụ giết hai người rất dã man tàn ác. Tha thứ tên này sẽ đưa đến việc phải tha thứ những tên giết người khác. Trong hai nhiệm kỳ ngài Thống đốc đã từ chối 5 lần xin khoan hồng cho kẻ tử tội.
Trước và ngay ngày này, nhiều người đã đến trước dinh Tống Đốc để phản đối án lệnh tử hình cho Jay Siripongs. Kết quả là chẳng đi đến đâu.
Trước khi chết anh không nói lời cuối cùng nào. Nhiều người lấy làm lạ khi thấy Jay đã chết một cách bình thản, chân tay không dẫy dụa, mắt lúc nào cũng nhắm, sống lâu hơn người khác trước khi chết, 15 phút đối với cái chết thông thường của người tử tù bằng kim tiêm thuốc độc là 7 phút trung bình. Không ai hiểu tại sao.
Vai trò của ngài Ajhan Pasanno
Sáu ngày trước khi bị hành quyết, bạn của Jay Siripongs là luật sư Kendall Goh liên lạc với Tu Viện Abhayagiri để tìm một vị cố vấn tâm linh theo đạo Phật. Hai ngày sau, vị đồng trụ trì tu viện Abhayagiri lúc bấy giờ là Đại Đức Ajahn Pasanno đã mau chóng nhận được giấy phép cho vào ngục San Quentin.
Nhiều hồ sơ tường trình là Jay đã trải qua một quá trình chuyển hóa tâm linh thật đặc biệt trong suốt thời gian sống trong lao tù. Khi còn trẻ ở Thái Lan, Siripongs có cơ hội được xuất gia gieo duyên, một tập tục rất phổ thông của dân Thái. Nhờ đó, Jay biết vận dụng phương pháp hành thiền lúc ở tu viện để kiên trì thực tập trong thời gian ở tù suốt trên mười lăm năm.
Các giám thị cũng như tù nhân đều nhìn nhận là Jay đã sống rất bình an trong ngục giam San Quentin. Một số cai tù, trong đó có vài người công khai, đã kêu gọi xin cho Jay được hưởng án khoan hồng. Ngay cả vị cựu tổng giám thị Daniel B. Vasquez cũng ủng hộ việc xin cho Jay được chuyển án tử hình sang án tù chung thân.
Ngài Pasanno đã cùng chia sẻ ba ngày diệu thường với Jay, ba ngày cuối cùng của cuộc đời anh.
Ngài đã kể lại ba ngày đó trong cuộc phỏng vấn của hai nhà báo Kathryn Guta và Dennis Crean thuộc đặc san Fearless Mountain (FM, Vô Úy Sơn) dưới đây. Trong bài viết này chữ Sư là danh từ chỉ ngôi thứ nhất, tức là Đại đức Pasanno, Theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy người tu sĩ hay xưng là Sư khi nói với người Phật tử.
Fearless Mountain (FM): Đại đức được cử làm cố vấn tâm linh cho Jay Siripongs trong trường hợp nào?
Ajahn Pasanno (AP): Lẽ ra Siripongs bị hành quyết trước đó vào ngày 17 tháng 11 năm 1998. Lúc ấy, vị hướng dẫn tinh thần của Jay là một nữ giáo sĩ đạo Thiên Chúa, người đã từng dự vài vụ xử tử khác ở San Quentin. Mặc dù Jay đã từng quen biết và rất cảm mến vị giáo sĩ này trong nhiều năm, nhưng giữa hai người vẫn có một nghịch lực nào đó khiến Jay cảm thấy ngày càng bất an.
Đến tháng 11 năm 1998, vào những ngày giờ cuối trước khi Jay thọ hình, hai người nói chuyện liên tục khiến Jay bị phân tâm quá nhiều. Jay đã cảm nhận rất rõ mình cần phải làm gì để chuẩn bị cho giờ chết. Nhưng Jay đã không làm được những điều đó vào tháng 11 năm 1998. Rồi vào phút chót, tòa án liên bang quyết định hoãn ngày xử tử đến ba tháng sau đó. Thật may mắn cho Jay vì nhờ vậy mọi tình thế và ứng xử đã qua của anh trở nên rõ ràng cho anh hơn. Anh muốn làm sao cho mình có một cái chết càng bình an càng tốt lành. Muốn vậy anh cần phải biết chuẩn bị nội tâm mình thật kỹ càng
Vì thế, cho ngày xử tử lần thứ hai, anh quyết định sẽ đi một mình đến nơi thọ hình để có thể bình tĩnh mà hoàn toàn tập trung tâm ý vào phút cuối. Nhưng người bạn luật sư Kendall Goh quan ngại khi thấy Jay thiếu sự hỗ trợ tâm linh nên tình nguyện đi tìm một tăng sĩ Phật giáo đến giúp đỡ Jay. Thật không dễ dàng cho Jay để yêu cầu có được một cố vấn tinh thần khác vì phải đương đầu nhiều khó khăn từ phía San Quentin cũng như từ nhiều người khác. Hơn nữa Jay rất thận trọng. Jay thận trọng là đúng vì hiển nhiên rằng cái mà Jay hoàn toàn không cần chút nào lúc ấy là một bài pháp đạo đức giả từ một vị tăng nào đó. Thế nhưng ngay sau khi gặp mặt chúng tôi liền có sự cảm thông, và Jay rất hoan hỷ được có Sư bên cạnh
FM: Cảm nghĩ của Đại đức ra sao khi nhận trách nhiệm cố vấn tâm linh cho một kẻ phạm tội?
AP: Thoạt đầu, Sư cảm thấy vui khi có cơ hội giúp đỡ người khác. Rồi sau đó Sư nghĩ mình sắp đến một cõi giới giống như địa ngục nên có phần bối rối, giao động. Nơi đây có cổng chắn, gông cùm, máy dò kim khí và cai tù. Rồi lại đến máy dò kim khí lần hai, cai tù đóng dấu mực vào bàn tay Sư, rồi lại thêm cổng chắn và cai tù. Tuy nhiên cũng có vài hình ảnh khác ngược lại: Sư nghe một người cai tù thân mật gọi tên mấy đứa trẻ đi thăm tù như đã từng quen biết các em.
Khi mới thấy Jay, Sư trông anh không giống như những người biết mình sắp chết mà Sư đã từng gặp. Jay trẻ, khỏe mạnh, ung dung. Jay sắc sảo, tinh tế, thông minh và tài hoa. Rõ ràng là Jay đã khéo sống những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình.
Mặc dù bị còng ngang lưng nhưng anh vẫn giữ được phong cách đàng hoàng. Anh ân cần ôm mừng các khách bạn đến thăm anh. Khung cảnh đượm một khí vị khác thường trong khi mọi việc đều diễn ra bình thường. Nhưng vào đúng nửa đêm thứ hai này, con người này sẽ chết, con người này sẽ bị hành quyết!
FM: Mọi người có cảm thấy nặng nề căng thẳng gì không khi biết Jay sắp bị xử tử?
AP: Không khí vẫn thoải mái, không có vẻ gì ảm đạm. Có khi chúng tôi nói thẳng vào thực tế vấn đề. Có khi chúng tôi cười đùa vui vẻ. Đặc biệt vào ngày đầu, Jay tiếp đón khách rất lễ phép và ân cần. Trước khi Sư đến, Jay đã sắp xếp cho Sư ghế ngồi ở một bên chiếc bàn, còn các bạn Jay đều ngồi ở phía đối diện. Jay chỉ dẫn thật nghiêm túc cho các bạn biết cách hành xử đúng nghi thức trước sự hiện diện của một nhà sư, và Jay còn chuẩn bị cúng dường một bữa ăn, nói rằng đây là lần đầu tiên trong hai mươi năm anh mới được dâng trai tăng đến một vị sư.
Do yêu cầu của các bạn Jay, Sư giảng giải về sự giác ngộ theo quan điểm Phật giáo bằng cách dùng hoa sen làm ẩn dụ. Sư cũng có nói qua về ý nghĩa của Quy Y Tam Bảo, xem Phật, Pháp, Tăng là biểu tượng của sự giác ngộ, của chân lý và của sự thiện lành. Jay vô cùng hoan hỷ khi thấy các bạn mình được lắng nghe Giáo Pháp mà Jay đã mong muốn được chia sẻ với họ vào dịp này.
Tuy nhiên Sư cũng đặt nặng vấn đề Jay cần phải chăm lo cho phẩm chất tâm linh của chính mình, và không nên để người khác làm phân tâm bởi sự chấn động trong họ trước cái chết đang cận kề của Jay. Anh cảm nhận được năng lượng giao động của họ chung quanh mình. Jay chắc chắn không muốn kéo dài sự giao tế bồn chồn, bất an này. Jay hiểu rằng chính anh có trách nhiệm phải giữ cho tâm mình được an định. Mặc dù Jay hòa mình hoàn toàn với bạn hữu trong giờ thăm viếng, phần lớn thời gian còn lại Jay đều dành cho việc hành thiền vào những giờ đầu tiên trong ngày khi thức dậy, vào hai hay ba giờ sáng.
Trong những ngày trước khi Jay thọ hình, Sư bắt Jay phải cố gắng tập trung tâm ý, không được xao lãng dù có rất nhiều khách đến viếng thăm. Sư bảo Jay phải nỗ lực đừng để bị lôi cuốn theo những người này. Kendall nói với Sư rằng Jay thì không sao nhưng những vị khách mới tan nát lòng. Rõ ràng Jay đã thu phục được lòng yêu mến của rất nhiều người và họ đã tụ họp về chung quanh Jay trước giờ anh chết. Triya, em của Jay, cũng có mặt ở đây.
Một số bạn hữu đã xem Jay như vị thầy tinh thần của họ, trong đó có vài người là luật sư, nhiều người khác là tín đồ Công giáo. Vì vậy có nhiều nhu cầu tâm linh khác nhau, và Jay, do lòng từ ái và rộng lượng, cố gắng đền đáp tất cả.
FM: Jay cũng là một nghệ sĩ thực thụ nữa phải không?
AP: Đúng vậy. Jay có cho Sư xem một cặp đựng các tác phẩm của anh. Jay có năng khiếu trong nhiều lãnh vực nghệ thuật và rõ ràng là tài hoa. Bao năm qua anh đã tặng cho bạn bè và người quen biết hơn sáu trăm nghệ phẩm của mình. Jay dùng hội họa để diễn tả tiến trình trưởng thành và chuyển hóa của đời mình. Anh hay lấy loài bướm làm biểu tượng cho những biến thái của bản thân. Đến một lúc nào đó trong thời gian bị giam cầm, Jay biết được rằng kiếp sống của mình rồi sẽ chấm dứt trong ngục tù. Jay tự nhủ: “Mình không thể tiếp tục hận mình và hận người nữa.”
Trong tám năm cuối cùng, Jay trải qua một giai đoạn chuyển hóa sâu xa đến mức có thể thực sự hiểu được chính tâm mình. Jay chia sẻ với Sư rằng anh đã ở trong tù rất lâu nhưng với anh đó không phải là điều không may. Jay cảm thấy mình đã trưởng thành trong vòng lao lý theo một đường hướng mà có lẽ không thể nào được như thế nếu không trải qua bao bất hạnh và khó khăn cùng cực. Jay đã học được cách suy niệm thâm sâu về những gì tạo ra sự thiện lành và trong sáng cho tâm ý mình. Rồi càng gần kề cái chết, Jay càng nhận rõ được điều gì cản trở không cho tâm thức được thăng hoa và bình an. Từ đó, Jay dấn mình vào tiến trình hướng tâm về sự thật tuyệt đối (chân đế).
FM: Tiến trình đó bao gồm pháp hành thiền trong đạo Phật?
AP: Đúng thế! Jay đã từng thiền tập trong thời gian xuất gia gieo duyên hồi còn trẻ ở Thái Lan. Ở tu viện có lần Jay đã chứng nghiệm được ánh sáng thật rõ ràng trong lúc hành thiền. Nhưng khi Jay cố gắng tìm lại kinh nghiệm đó thì ánh sáng không hề trở lại.
FM: Điều ấy nghe giống như trường hợp thông thường khi hành giả cố bám níu vào một kinh nghiệm về lạc thọ.
AP: Phải! Sư đã trêu Jay về chuyện đó. Nhưng Jay có trình với Sư là ba tuần trước, ánh sáng đã trở lại với Jay! Sư rất phấn khởi trước việc này. Vì Jay là một nghệ nhân về thị giác (họa sĩ) nên Sư nhận ra rằng anh có thể dùng hình ảnh về ánh sáng như một chiếc neo trong giây phút cận tử. Do đó Sư hướng dẫn Jay cách thức hành thiền lấy đề mục là hơi thở và ánh sáng. Vì hơi thở chỉ ở với Jay đến lúc mũi chích thuốc độc có công hiệu nên Sư căn dặn Jay đến giây phút nào đó hãy buông hơi thở và, thay vào đó, hãy hướng tâm vào ánh sáng.
FM: Đại Đức còn giúp điều gì khác trong việc chuẩn bị nội tâm cho Jay? Anh có sợ chết không?
AP: Đêm đầu tiên khi nói chuyện qua điện thoại, Sư hỏi: “Jay, tâm trạng con bây giờ ra sao?”
Jay trả lời: “Tâm con bình an. Con chấp nhận những gì sẽ xảy đến với con. Nhưng con vẫn muốn biết rõ thêm một vài điều.”
Lớn lên ở Thái Lan, Jay tin vào việc tái sanh. Jay nói đùa rằng anh muốn tro cốt mình được rải trên biển cả cho cá ăn và rồi người sẽ ăn cá lại. Như thế anh sẽ nhanh chóng được về lại cõi người để tiếp tục công việc của mình. Jay biết rằng cõi người là nơi ta có thể học hỏi tu tập – nơi để ta hiểu được thế nào là khổ và vui, thiện và bất thiện, đúng và sai. Thăng hoa và hiểu biết là kết quả của những lựa chọn bởi chính mình. Trong kiếp sống này Jay đã có một số lựa chọn rất lầm lẫn, nhưng cạnh đó anh cũng đã có những lần lựa chọn sáng suốt, tốt đẹp. Jay cảm thấy mình đã thật sự tiếp nhận được nhiều bài học quý giá trong cuộc đời này và quyết tâm tiếp tục đi tiếp con đường Đạo Pháp trong kiếp tới.
FM: Có khi nào Đại đức hỏi Jay về các lựa chọn lầm lẫn đó, về tội phạm của Jay?
AP: Không, Sư không bao giờ đề cập về quá khứ của Jay. Không có đủ thì giờ. Thay vào đó Sư tập trung vào những điều thiện lành và vào khả năng đối diện với cái chết bằng một tâm ý càng vững mạnh càng tốt. Sư không đến với Jay như đến với một tội đồ mà đến với một con người đang chạm mặt với thần chết.
FM: Những giờ phút cuối cùng của Jay như thế nào?
AP: Sáu tiếng đồng hồ trước khi bị hành hình, tội nhân từ giã gia đình và bạn bè, đi vào một xà lim rất chật hẹp ở cạnh bên phòng xử tử. Chỉ có vị cố vấn tinh thần được đi theo người tử tội. Trong khoảng không gian tù túng này có đội hành quyết gồm sáu người tới lui. Vị chuyên gia tâm lý của khám đường và người tổng giám thị thỉnh thoảng ghé đến rồi đi. Các cai tù tỏ vẻ đe dọa ngay trước giờ xử quyết. Họ nói chuyện rất lớn tiếng hay có những hành vi xúc phạm, thô lỗ khác như vặn đài truyền hình thật huyên náo chỉ cách tử tội vài ba cánh tay. Trong hôm đáng lẽ bị hành quyết lần đầu tiên vào tháng mười một năm ngoái, Jay được phép lần chuỗi tụng niệm trong phòng giam. Nhưng trước khi đưa tràng hạt cho Jay, một trong các cai tù đã để nó trên sàn nhà và dẫm chân lên.
Sau khi bị khám xét thật kỹ càng, Sư được dẫn đến khu của các tử tù. Nơi đó, Sư và Jay đứng trong hai xà lim riêng biệt chỉ thông nhau bằng một góc nhỏ. Ngay lập tức Sư tụng các bài kinh bảo vệ như một cách tẩy sạch đi những năng lực tiêu cực. Sư nói với Jay: “Chúng ta sẽ không để họ (các cai tù) đùa cợt.” Chúng tôi đã lập sẵn chương trình cho Jay đọc bài kinh thỉnh thọ Tam quy và Ngũ giới bằng tiếng Pāli. Nhưng Jay đã tụng nhầm qua bài kinh Pāli thỉnh Pháp. Thế là Sư đành phải giảng cho Jay và các giám thị nghe một bài pháp ngắn.
FM: Đại đức ban pháp về đề tài gì?
AP: Sư kể câu chuyện Đức Phật ngay sau khi giác ngộ đã không muốn truyền dạy cho ai vì nghĩ rằng không người nào có thể lãnh hội được Giáo Pháp thâm sâu này. Sư giảng về bản chất vô minh ái dục của nhân loại cùng đặc tính giải thoát của Giáo Pháp… Sư cũng giảng qua về Tứ Diệu Đế, nhấn mạnh rằng sự buông xả không có nghĩa là bác bỏ bất cứ điều gì. Sư hướng dẫn Jay tích cực chú tâm vào sự sanh khởi của tâm tỉnh thức, không cho nó nghiêng theo những gì đem đến đau khổ và tái sanh. Thay vào đó, Sư nhắc Jay hãy hướng về sự buông xả và tập trung tâm ý.
Khi nói về sự buông bỏ hay tâm xả, chúng tôi bàn đến sự tha thứ trong ý nghĩa “vô ngã”. Nếu ta chưa thật sự tha thứ thì ta vẫn còn tiếp tục tự đồng hóa với những khổ đau của mình, và tái sanh khởi đầu từ đó. Từ đó cũng là khổ đau.
Sư hỏi Jay: “Còn có ai con chưa tha thứ không?” Ý Sư muốn nói về chính quyền, về cha mẹ hay những người khác. Jay suy nghĩ hồi lâu rồi cuối cùng nhỏ nhẹ trả lời: “Con chưa hoàn toàn tha thứ cho chính con.” Thật là xúc động! Trong thâm tâm Jay vẫn nhớ mình là kẻ đã từng liên lụy vào tội lỗi, nhưng nay Jay đã là một người hoàn toàn khác. Lành thay Jay thấy được mình bây giờ không còn là mình trong ký ức, buông bỏ được người tội phạm trong quá khứ ở đáy lòng.
Thêm một điều khá lý thú là các cai tù tỏ ra chú ý lắng nghe những gì Sư nói, và suốt buổi chiều hôm đó họ thật sự tỏ vẻ quan tâm và kính trọng cả hai chúng tôi.
FM: Jay có bận tâm gì về nhiều cuộc chống án tử hình trong thời gian ấy?
AP: Jay tỏ ra ít quan tâm hay lo nghĩ về công lý. Anh không đặt quá nhiều hy vọng vào các bản kháng án. Khi phán quyết cuối cùng được thông báo, với Jay không là một biến cố lớn. Anh nói: “Con chấp nhận việc sẽ bị tử hình.”
FM: Tâm trạng Jay ra sao khi gần kề giờ xử quyết?
AP: Có một lúc Jay hỏi: “Nếu thân không phải là con, thọ không phải là con, tâm cũng không phải là con thì cái gì sẽ được giải thoát?” Sư liền trả lời ngay rằng một câu hỏi như vậy khởi lên chỉ giản dị chứng tỏ là trong tâm đang có sự hoài nghi. Khi tâm không còn dính mắc vào bất cứ gì và có được sự bình an trong sáng thì lúc đó chẳng cần phải đặt tên hay đồng hóa nó với gì cả.
Một lúc khác Jay nói: “Trong tâm con lúc này có hai người: Sư và con.”
Sư bảo: “Con phải bỏ Sư ra ngay. Sư chẳng đi theo con vào đó đâu. Và rồi con cũng phải bỏ con ra luôn nữa!” Chúng tôi bật cười về điều đó.
Về căn bản, Sư đã giúp Jay chuẩn bị đương đầu với những gì khiến anh có thể bị phân tâm trong giờ hành quyết: “Họ sẽ đè con xuống và trói chặt lại. Nhiều việc sẽ xảy ra chung quanh con lúc đó…”
Sư căn dặn: “Con cần tuyệt đối giữ tâm không bị phân tán ra ngoài, luôn luôn chú tâm vào bên trong.” Chúng tôi dành trọn buổi chiều hôm đó hành thiền, tụng kinh và nói Pháp. Do đó trong giờ cuối cùng Jay rất bình an và có thể đặt tâm trụ vững vàng trên đề mục hành thiền. Đến phút cuối, chúng tôi dành thì giờ để cử hành nghi thức hồi hướng phước báu và chúc phúc cho tất cả, chí đến cho các cai tù. Sau khi đơn kháng án cuối cùng bị từ khước, Jay còn yêu cầu Sư tụng kinh chúc phúc cho các luật sư đã tham gia vào vụ án của mình. Jay tỏ rõ phẩm hạnh luôn quan tâm đến người khác từ khởi đầu cho đến chung cuộc.
FM: Đại đức có hiện diện trong giờ hành quyết không?
AP: Không. Điều đó đã được quyết định trước khi Sư đến gặp Jay lần đầu tiên tại San Quentin. Sư tin rằng khi chưa gặp Sư, anh đã lựa chọn sẽ không có vị cố vấn tinh thần hiện diện. Tuy nhiên, qua ngày hôm sau, báo chí tường trình rằng Jay nhắm mắt và nằm rất yên trong lúc thọ hình. Chi tiết này khiến Sư rất phấn khởi vì cảm nhận được rằng Jay đang tập trung tâm ý lúc ấy.
FM: Sau cuộc hành hình, Đại đức cảm thấy thế nào?
AP: Sư rất biết ơn đã được đến nơi đó, cảm thấy thật khiêm cung vì không thể không liên tưởng đến những gì mình có thể hành xử nếu ở trong một hoàn cảnh tương tự – khi cái chết chẳng phải là cái gì mơ hồ hay trong một tương lai xa xôi nào mà ta biết chính xác rằng vào đúng 12 giờ 1 phút đêm này, ta chắc chắn phải chết.
FM: Có tang lễ gì cho Jay không?
AP: Có lễ hỏa táng riêng cho Jay một ngày sau khi chết. Sư có gặp Triya ở lò thiêu. Thi thể Jay được đặt trong một hộp các-tông. Trước đó Triya có xin phép được nhìn xác Jay nhưng viên giám đốc về tang sự bảo là không được. Sư không biết việc đó nên tới xin bà giám đốc cho giở nắp hộp lên. Bà hơi do dự nhưng cuối cùng cũng giở nắp. Thi hài được bọc kín trong túi. Sư nói: “Chắc phải có một dây kéo.” Bà tìm quanh rồi nói dây kéo nằm phía dưới chân của Jay. Một lần nữa, bà lại ngần ngừ rồi bảo rằng Jay hiện không có trang phục che thân. Sư bảo: “Chắc có một cái kéo quanh đây. Chỉ là một túi nhựa thôi mà.” Bà ấy đem đến cái kéo và cắt cái túi ngang chỗ vai và đầu.
Thật là một cảm xúc mãnh liệt khi nhìn mặt Jay. Gương mặt anh tỏa lên một nét gì bình yên, thanh thản nhất của anh. Màu da anh trong sáng, không chút mờ đục hay chai cứng. Anh thoáng điểm một nụ cười thật nhẹ. Sư rất hoan hỷ thấy Jay được một cái chết thanh thản như thế. Sau bao nhiêu việc đã xảy ra, hình ảnh này quả là một kết thúc tốt đẹp cho ta yên lòng.
Vài tháng sau ngày Jay chết, Sư được nghe một thiện tín có bạn là chuyên gia phân tâm học ở khám San Quentin kể lại rằng sau khi chứng kiến Jay bị hành hình, vài nhân viên ở đó bị chấn động và cảm thấy bất an khi trở lại làm việc. Sư nghĩ đấy cũng là dịp tốt để họ có ý thức hơn về thái độ làm việc của họ.
Sau biến cố đó, Sư tìm hiểu vụ án, và từ một số tài liệu trong bản án, Sư nghĩ rằng Jay không phải là thủ phạm giết người. Tuy nhiên trong suốt thời gian bị tù, Jay không hề khai ai là kẻ sát nhân thật sự, vì vậy Jay phải nhận lãnh mọi cáo trạng.
Toàn thể tăng sĩ chùa Abhayagiri
Khi ra tòa lần đầu, Jay không có tiền để chống lại vụ kiện. Tiếng Anh của Jay hồi đó còn yếu. Luật sư biện hộ do tòa án chỉ định lúc bấy giờ lại bận giúp cho một vụ bầu cử nên không quan tâm đúng mức đến vụ án và cũng chẳng màng đi tìm nhân chứng cho Jay. Do đó, tòa đã phán quyết bản án trong thời gian rất ngắn.
Khi một công dân Thái bị tống giam, chiếu theo luật quốc tế thì Đại sứ quán Thái phải giúp đỡ. Nhưng Đại sứ quán đã không được thông báo cho đến khi bản án tử hình đã tuyên xử rồi. Dù có được một lần chống án nhưng Jay cũng không có cơ hội thắng cuộc vì, theo luật, tòa án chỉ thẩm xét lại nội vụ qua hồ sơ đã lập từ lần xử đầu tiên.
Vụ án của Jay đã làm nhiều người thất vọng và buồn nản. Nhưng Jay luôn khuyên mọi người đừng nghĩ như vậy mà phải tin vào luật nghiệp quả (kamma). Nếu không phải là nghiệp trong kiếp này thì chắc chắn phải do nghiệp từ quá khứ. Ta phải biết chấp nhận nó với tâm bình thản, an nhiên. Nếu cảm thấy bất hạnh khốn khổ, ta sẽ lại bị rối rắm với nó trong những kiếp tương lai. Vậy ta phải xem quả này là một cơ duyên để hóa giải và kết thúc nghiệp ấy ngay trong kiếp hiện tiền.
Phụ Bản 1: Bút ký của Jay
Sau đây là vài đoạn bút ký của Jay trong đó có những suy niệm và ý tưởng về nhiều đề tài khác nhau. Các đoạn này được trích từ một loạt nhật ký Jay viết cho một người bạn muốn tìm hiểu về đạo Phật và về thiền tập để chia sẻ vài kinh nghiệm và quan điểm của mình. Thời gian và xuất xứ của các nguồn suy tư này không được nêu rõ: lúc nào từ thực chứng của chính Jay và lúc nào từ các tài liệu khác. Các bài viết của Jay chứa đựng nhiều đề tài quán tưởng từ những kinh nghiệm đời thường đến những lãnh vực tinh tế của việc tu tập thiền quán.
Buông xả
Nếu bạn thành tâm muốn tu tập thì bạn phải tập buông bỏ mọi giới hạn và điều kiện của mình. Giáo Pháp thâm sâu chỉ có thể trao cho những ai thực sự hiểu được giá trị của nó. Thật ra khi đã kinh nghiệm được giá trị thâm sâu đó thì hầu hết các giới hạn và điều kiện đều không còn quan trọng nữa bởi vì không có gì giá trị bằng Giáo Pháp cả. Khi hành giả biết xả bỏ thì lời Phật dạy càng trở nên sâu sắc và càng mang ý nghĩa vi diệu hơn nữa.
Nhận biết
Chúng ta thường quan trọng hóa một vấn đề rất đơn giản và thổi phồng nó ra đủ mọi kích cỡ. Rất nhiều khó khăn của chúng ta bắt đầu chỉ bằng một hiểu lầm thật nhỏ nhặt: ai đó không cười lại với ta như mọi ngày, thầy giáo nhìn ta bằng một tia mắt nghiêm khắc, bạn thân nhất hôm nay bỗng chỉ trích ta, cốc cà phê sáng nay không được ngon, lòng bỗng dưng bực bội… những cái lặt vặt đó đôi khi làm hỏng trọn cả một ngày trời.
Thật bi thảm! Chỉ một hiểu lầm cỏn con có thể mang đến bao nhiêu là hậu quả phức tạp: hy vọng, sợ hãi, tuyệt vọng và cả đến tự sát! Chính ta tự làm mình khổ, tự tạo ra những khó khăn hết sức vô ích.
Nhưng giản dị thôi – chỉ cần ta hay biết nó, nhận mặt được nó. Và khi ta dần dần nhận ra được rằng nó quá ư vô ích thì tim ta sẽ bùng vỡ ra một lòng bi mẫn cho bất cứ ai đang đau khổ vì nó. Và cùng lúc ấy ta cũng bắt đầu thấy rõ tất cả sự phi lý của nó.
Bạn
Đúng ra theo định nghĩa của tôi thì tôi không có bạn nào cả mặc dầu nhiều người hay gọi tôi là bạn. Hình như có một hàng rào vô hình chung quanh đã ngăn cách tôi với những người khác. Không ai chạm được vào tim tôi và tôi luôn cô đơn.
Có lúc tôi cầu mong mình được khác đi, nhưng sự thật là từ khi lớn lên, chưa một ai tôi từng quen biết thuộc mẫu người mà tôi thật tâm ưa mến và tin cậy. Có lẽ tôi chỉ là một gã hợm mình và chính tôi cảm thấy hơi tội lỗi khi nghĩ như thế, nhưng chỉ một chút thôi. Nếu tôi có bao giờ được gặp một người nào đó thông minh và trong sạch thật sự, một người tôi có thể thành tâm ngưỡng mộ vì đã đạt được những tiêu chuẩn mà tôi không được, thì có lẽ…
Rồi bỗng nhiên, tôi có thể đếm hơn được số bạn ít ỏi của tôi, và điều duy nhất tôi phải làm chỉ là… buông bỏ, hỷ xả. Thế là hết cô đơn!
Quân bình
Quân bình thật là thiết yếu trong thiền tập lẫn trong đời sống hằng ngày. Áp đặt hay thúc đẩy quá mức chỉ tạo ra căng thẳng, cứng ngắc, sợ hãi, đau đớn. Còn dễ duôi hay biếng nhác chỉ đi đến mơ mộng viễn vông, si lười, thiếu tập trung tâm ý và sức mạnh.
Trong thiền tập, ta cần tinh tấn để an trụ tâm và năng lực, nhưng không nên cố gắng thái quá vì như thế việc hành thiền sẽ vô hiệu quả. Cũng giống như dây đàn guitar, không nên căng quá mà cũng chẳng nên chùng quá.
Nói cách khác ta tỉnh thức nhưng vẫn thư thái, an nhiên. Lười biếng buông xuôi thì tâm thiếu vững chãi và an trụ. Căng thẳng quá thì năng lực sẽ bị thiêu hủy, kết cuộc chỉ còn là tâm bám níu. Cũng vậy, uyển chuyển nhu hòa là chìa khóa duy trì được tâm quân bình trong mọi tình huống đời thường.
Trong mối liên hệ với người khác, ta cần tình bạn và nhiều hỗ trợ khác nhưng đồng thời ta cũng cần giữ được sự tự lập. Con người thường rơi vào cực đoan khi liên hệ với người chung quanh. Nhiều con cái trưởng thành hay trách móc cha mẹ hoặc chống đối lại những ai có quyền lực. Ta có thể cần hiểu rõ quá khứ của mình, nhưng đổ lỗi không bao giờ đem đến tự do. Nếu mắc kẹt trong phẫn uất và oán thù, ta có thể gây mầm độc trong ta và bám chặt lấy nó để rồi đau khổ vì nó. Hãy nhìn lại quá khứ để hiểu nó rồi tha thứ và buông bỏ nó đi. Đó là phương cách tìm sự bình an.
Sự tin cậy thái quá vào chính mình cũng như nỗi sợ hãi khi phải lệ thuộc vào kẻ khác đều làm trở ngại cho việc phát triển tâm linh và tình cảm. Nhiều người chống lại ý nghĩ phải nương tựa vào ai trừ bản thân. Nhưng quá tự cao hay quá lo sợ sự lệ thuộc đều đánh mất lợi lạc của việc huấn luyện tâm. Ta cần sự giúp đỡ của nhiều người khác để cuộc sống đỡ phần vất vả đấu tranh. Sự hỗ trợ của gia đình, bạn hữu và cộng đồng mang lại nhiều phấn khởi. Cũng cùng lúc đó, trong nỗ lực hun đúc tâm linh, ta cần duy trì tính độc lập không lệ thuộc vào thời khóa kẻ khác. Trong mọi tình huống ta sẽ dần dần tìm được tâm quân bình nếu ta luôn giữ được sự trầm tĩnh và thư thái.
Bi mẫn
Hãy là chính bạn và hãy trải rộng lòng bi mẫn. Hãy chạm trái tim người khác bằng những dây tơ mềm mại của tâm tỉnh thức và chánh niệm. Hãy thương yêu, đừng thù ghét. Hãy mở rộng trái tim. Lòng thương xót và bi mẫn là những xúc cảm thích hợp nhất để dịu dàng đón nhận mọi chúng sinh đang lầm lỗi và không nên thay vào đó bằng thù hận, chán ghét hay phiền muộn.
Can đảm
Đừng e sợ khó khăn, đừng mong cầu được ở một hoàn cảnh khác hơn hiện tại, bởi vì khi bạn thành đạt cái tốt nhất trong nghịch cảnh và oan trái, nó sẽ trở thành một bàn đạp vững chắc cho những cơ hội tốt đẹp theo sau. Không ai có ước nguyện mà không thể vươn lên; không trái tim nào biết yêu thương mà bị quên lãng. Khó khăn tồn tại chỉ để ta vượt qua mà lớn mạnh, và chỉ những ai đã chịu đau khổ mới có khả năng cứu vớt. Phải có dũng cảm đương đầu với thử thách khó khăn mới nhận thức được tầm hiểu biết của mình.
Khiêm tốn
Hãy hết sức khiêm cung để được vững vàng trên nền tảng của bình an. Nơi nào có lòng nhân ái và trí tuệ, nơi ấy sẽ không bao giờ có sợ hãi và si mê. Nơi nào có nhẫn nại và khiêm hạ, nơi ấy không có sân hận và phiền não.
Hòa hợp
Khi trái tim tràn đầy tình thương yêu nhân hậu, không làm thương tổn người khác dù chỉ trong ý nghĩ hay mong muốn, tâm từ ái trọn vẹn này sẽ tạo ra một từ trường hòa thuận có năng lực thiện lành xoa dịu bất cứ ai bước vào tầm ảnh hưởng của nó. Bình an trong tâm ta tỏa sáng bình an sang tâm người khác; điều này chắc chắn hơn cả việc bất hòa sanh thêm bất hòa.
Hạnh phúc
Hạnh phúc không cần phải được theo đuổi hay tìm kiếm và là một biểu hiện của sự an nhiên tự tại của đời sống. Với nhân loại, hạnh phúc chỉ có được khi sự vận hành của tâm ý không bị quá khứ ràng buộc, chi phối.
197 -“Vui thay, chúng ta sống,
Không hận giữa hận thù!
Giữa những người thù hận,
Ta sống không hận thù!”
199 – “Vui thay, chúng ta sống,
Không tham giữa tham ái;
Giữa những người tham ái,
Ta sống không tham ái.”
200 – “Vui thay chúng ta sống,
Không gì gọi của ta.
Ta sẽ hưởng hỷ lạc,
Như chư thiên Quang Âm.”
“Chiến thắng sinh thù oán,
Thất bại chịu khổ đau,
Sống tịch tịnh an lạc.
Bỏ sau mọi thắng bại.”
(Kinh Pháp Cú – Phẩm An LạcHòa Thượng Thích Minh Châu dịch việt)
Chấp nhận
Tôi không bao giờ biết chắc chắn về thân phận của mình và thường nghĩ mình là loại người hay nổi loạn và khép kín tình cảm. Tôi được dạy rằng mọi lạc thú trên đời đều có cái giá của nó nên tôi hay lo âu về hậu quả thay vì phải biết sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại.
Đã có lúc tôi ước chi mình có thể khóc được. Sao tôi vô cảm đến vậy? Sao tôi đã có thể lìa bỏ mẹ tôi, em tôi và người thân yêu? Càng lúc tôi càng ngờ rằng mình không còn chút cảm xúc nào nữa.
Hai mươi năm trôi qua phủ mù sương lên ký ức của tuổi thơ rất xa trên đất Thái. Tình bạn chỉ một thời, quê hương thì để lại. Tôi đã quen và (có lẽ) bằng lòng làm kẻ mất gốc, lang thang tội nghiệp.
Rồi đến một ngày, tôi cũng làm một điều như đã từng làm mọi ngày trong bao năm qua. Nhưng ngày kế đó lại hoàn toàn khác hẳn. Trước đây, tôi từng tự mình làm con tin của những nỗi bất an, oan trái trong suốt cuộc đời. Cái gì đã thay đổi được tôi như thế? Chính là tâm chấp nhận. Chấp nhận đem đến đổi thay. Cuộc đời dễ sống hơn biết bao khi ta có thể chấp nhận những gì không thể tránh khỏi.
Giáo Pháp
Trong đạo Phật, Đức Phật đã giảng dạy một hệ thống hành đạo không cần đòi hỏi một đức tin mù quáng nào nơi những ai biết thực hành Giáo pháp. Thay vào đó chúng ta được khuyến khích phải chuyên cần khảo sát Giáo pháp một cách trọn vẹn và thuần thục. Đức Bổn Sư trình bày Giáo pháp theo cách thế là – dù bạn đến với Giáo pháp từ quan điểm bình thường của một phàm nhân hay từ trí tuệ và tỉnh thức của một bậc thánh – càng nghiên cứu và khảo sát kỹ lưỡng tinh tế thì càng thâu nhận được lợi lạc và giá trị của nó cũng như càng hiểu được thâm sâu những lý do phải thực hành Giáo pháp.
Phụ Bản 2: Thư của Michael, môt người bạn của Jay
Ngày 9 tháng 2, 1999 Hôm nay tôi mất đi một người bạn. Một người tôi đã quen biết trong chỉ hai tháng nữa là tròn mười lăm năm. Tôi gọi anh là bạn nhưng bao năm qua anh đã trở thành hơn như thế nữa. Tôi không bao giờ cho ai đến gần gia đình và bạn hữu tôi như anh ấy. Cũng trong bao năm qua tôi chưa hề một lần thắc mắc về tình bạn hay dụng ý gì của anh. Anh không bao giờ lạm dụng tình bạn cho lợi ích riêng tư. Phần đông những ai biết hai chúng tôi không thể nào nghĩ rằng chúng tôi lại có thể là bạn thân nhất của nhau bởi vì chúng tôi hoàn toàn khác hẳn nhau. Trong khi tôi cứng đầu, nóng nảy, thô lỗ, ồn ào, sẵn sàng dùng nắm đấm để giải quyết mọi rắc rối, thì Jay hoàn toàn trái ngược. Tôi còn nhớ rõ lần đầu gặp anh ngày 2 tháng 4 năm 1984. Tôi đã đến đây trước vài ngày rồi hôm ấy được chuyển về phòng giam cạnh phòng anh. Tôi mới vừa cất dọn xong mớ đồ đạc riêng thì nghe tiếng gõ trên vách phòng bên cạnh và một giọng nhỏ nhẹ gọi “Phòng số 1.” Tôi trả lời rồi anh tự giới thiệu, bảo tôi cứ gọi anh là “Jay” vì biết tôi có lẽ không thể phát âm đúng tên thật của anh. Anh hỏi tôi có cần gì không và hứa sẽ gửi qua cho tôi trà và bánh ngọt. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện và anh giải thích cho tôi vài luật lệ trong tù. Từ đó tôi biết anh là người Thái.
Anh kể gia đình anh vẫn còn bên Thái Lan và tôi hiểu anh rất nhớ thương họ. Tôi cũng kể về gia đình tôi và cảm thấy thật may mắn vì còn có họ ở gần, và họ cũng như các bạn tôi vẫn luôn giữ được mối thân tình với tôi.
Những ngày sau đó tôi biết Jay rất thích vẽ và hội họa. Hồi đó, tù nhân được phép ra sân ba lần mỗi tuần, mỗi lần bốn tiếng rưỡi nên chúng tôi có rất nhiều thời gian rỗi rảnh. Jay thường ngồi rất khuya để sơn hay vẽ trong khi chung quanh đều yên tĩnh.
Tôi cũng mau chóng được biết Jay là tay nấu bếp giỏi. Nhiều đêm anh gọi sang hỏi tôi có đói không. Anh có thể dùng thịt để dành từ bữa ăn trưa, phó-mát, cơm và đậu từ bữa ăn tối để chế biến thành một phần ăn thịnh soạn, đầy đủ. Có lần anh dặn tôi để dành cho anh những gói sốt cà chua nhỏ trong các bữa ăn trưa. Tôi chẳng để ý gì về chuyện đó cho đến một ngày anh bảo tôi nếm thử món sốt cay trên miếng bánh mì kẹp anh làm cho tôi. Anh báo tôi biết là sốt ấy rất cay. Tù nhân ở đây thường vẫn để sốt cay trên tất cả món ăn để tăng hương vị nên tôi không lo gì cả. Ngày hôm đó, tôi mới biết thế nào là “cay” thật. Sau khi cố gắng tìm cách lấy lại hơi thở, tôi nghĩ phải chế ra một ít tiếng chửi nào thật độc địa chưa ai từng nghe để Jay phải ngưng lại tràng cười ngặt nghẽo. Chỉ tại tôi không chịu nghe anh chớ anh đã báo trước rồi. Từ đó về sau bài học kinh nghiệm đã cho tôi biết hỏi anh về từng loại sốt anh cho tôi ăn.
Jay luôn luôn muốn chia sẻ bất cứ cái gì anh có mà không bao giờ đòi hỏi phải được đền trả. Không ai có thể không mến anh được. Anh quả là khó hiểu. Các bạn tù nói với tôi là Jay bị tống giam ở đây vì một vụ cướp của và giết hai mạng người. Thật khó mà tưởng tượng có thể gán cho cái con người nhỏ bé trầm lặng này các tội hình ghê gớm ấy. Jay không thuộc hạng lớn con: anh nhỏ thó, cao khoảng hơn 5 feet một chút, nặng chỉ tròm trèm 130 pounds. Ý tưởng cho người đàn ông cung cách hiền lành này có thể phạm tội ác đầy bạo lực như vậy nghe thật phi lý. Jay ghét bạo lực và không bao giờ muốn sử dụng bạo lực ngay cả để tự vệ.
Lần nọ, một gã có tính thích tấn công những người nhỏ con hơn đã nhắm Jay làm mục tiêu. Một bạn tù chung báo tôi biết là gã ấy sẽ ra tay hành động. Tôi cho Jay hay tôi sẽ ra tay trước giùm Jay vì biết gã ấy không muốn đọ sức với ai cùng cỡ với mình. Jay cản tôi đừng làm vậy bởi không muốn tôi bị rắc rối vì anh. Tôi cãi lại. Sau cùng anh bảo nếu tôi vì anh mà đánh gã ấy thì anh sẽ giận tôi luôn. Tôi thì cứ hành động theo cách của mình và quả nhiên như lời anh nói, anh giận tôi thật. Anh không nói chuyện với tôi gần hai tuần, và rồi khi bắt chuyện lại, anh gọi tôi là đồ ăn hiếp và bảo tôi đã làm sai khi đánh người khác vì anh. Tôi cố giải thích là theo cách nghĩ của tôi, bạn bè phải lo cho nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Jay nói đó cũng chính là điều anh đang làm cho tôi, bằng cách giữ cho tôi đừng bị rắc rối vì anh. Cả hai chúng tôi cùng làm điều giống nhau nhưng mỗi người một cách.
Thật vậy, Jay không bao giờ tỏ ra hèn nhát! Chưa khi nào anh tỏ vẻ sợ hãi, khiếp nhược, ngay cả trong những tình thế mà tôi e ngại không biết có an toàn không.
Có lần nhà tù bắt đầu thực hiện một chương trình cho các tội nhân tử hình nhận việc làm nơi các khu giam kín. Jay và tôi cùng nhận việc làm ở một phòng giam kín nhốt các tay băng đảng.
Trước đó, các tù nhân vào làm việc đã bị đâm bằng dao trong phòng kín này. Jay không bao giờ tỏ ra sợ hãi dù đã nhiều lần bị những tên băng đảng khác nhau “thử” xem chúng có hù dọa anh được không. Jay vẫn tiếp tục làm việc. Từ từ Jay thu phục được sự nể nang của các tay trùm và đến lượt họ bảo đàn em hãy để cho Jay yên.
Qua bao năm Jay đã làm bạn với rất nhiều người. Tất cả người thân trong gia đình tôi đều xem anh như người nhà. Jerry và Elaine Roberts, bạn của gia đình tôi, cũng xem Jay như con trai vì tôi có gửi tặng họ một bức tranh anh vẽ.
Jay là con người đa diện. Rất thông minh, tài hoa, dễ chịu, luôn luôn nghĩ đến người khác ngay cả khi đối diện với cái chết của mình. Tháng mười hai vừa rồi tôi được gọi lên phòng thăm viếng. Khi đến nơi tôi đã thấy Jay đang ngồi với cháu Christina của tôi. Jay biết Christina từ lúc cháu mới lên bốn tuổi và hay chơi đùa, chuyện trò với cháu suốt buổi viếng thăm. Bước lại gần tôi thấy mặt Christina đẫm nước mắt. Jay bảo chắc có chuyện gì đây nhưng cháu không chịu nói với anh. Sau đó Jay rời phòng để đi gặp luật sư của anh. Tôi hỏi Christina có chuyện gì thì được trả lời là đêm qua cháu xem tivi về bản án của Jay, cháu không biết phải nói sao hay phải làm gì cho Jay. Khi Jay trở lại phòng hỏi chuyện, tôi đành phải kể lại lời của Christina. Jay ôm Christina và nói: “Hãy cứ là bạn của chú như từ bấy lâu nay.” Ngay đến lúc đó mà Jay vẫn nghĩ cho người khác, không phải cho anh.
Truyền hình, báo chí nói rất nhiều về Jay. Tôi thì biết người này quá rõ! Trong mười lăm năm, chưa một lần nào anh nói dối với tôi điều gì, ngay cả khi biết rõ là tôi sẽ giận anh vì những gì anh nói. Chỉ duy nhất những người có mặt ở phạm trường đêm đó mới biết được điều gì đã thực sự xảy ra khiến gây nên tội ác mà nay Jay phải gánh chịu bằng bản án tử hình. Bản thân tôi biết rằng rất dễ bị dính líu vào một sự việc mà mình không hề có ý định tham gia vào, chỉ vì mình không chủ động được tình thế. Rất ít người biết được những khó khăn trong cuộc sống của Jay hoặc biết được hoàn cảnh nào đã đưa anh đến tình huống đêm ấy.
Với gia đình Jay, tôi muốn nói như sau: “Tôi đã từng biết qua và từng sống với những tên giết người hung ác, gớm ghiếc nhất lịch sử. Jay hoàn toàn không thuộc trong thành phần này. Nếu có người bảo tôi Jay đã ăn trộm tiền hay thức ăn cho mình hay cho người nào khác được sống qua ngày, tôi tin rằng điều ấy có thể xảy ra. Nhưng nhất định không ai thuyết phục được tôi là Jay đã giết người không gớm tay vì bất cứ lý do nào. Đơn giản chỉ vì đó không phải là bản chất của anh.”
Một người có thể dối trá hay lừa phỉnh kẻ khác, nhưng trong mười lăm năm nay, chưa một lần nào tôi mảy may nghi ngờ rằng Jay đã chống cự để cứu những người ở phạm trường đêm ấy.
Jay là bạn, là anh tôi. Tôi và gia đình tôi mãi mãi vinh danh anh. Mỗi lần ngắm nhìn những bức tranh anh vẽ tặng, chúng tôi sẽ luôn tưởng nhớ đến một con người có bản chất thiện lành đã hiến dâng rất nhiều cho người khác.
Hãy ngủ yên, hỡi người anh thân yêu. Anh không còn nữa nhưng không bao giờ bị quên lãng!
Michael
Discussion about this post