HÀNH TRÌNH HỌC PHẬT CỦA MỘT NỮ CẢNH SÁT
Trần Trong Hiếu chuyển ngữ
Đó là câu chuyện của nữ cảnh sát viên Cheri Maples, làm việc hơn 20 năm trong lĩnh vực tư pháp. Nội dung bài viết này được cô chia sẻ trên tờ The Lion’s Roar ngày 25-8.
Theo đó, Cheri Maples, đệ tử thọ giới của Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng là một cảnh sát viên, đã chia sẻ sự chuyển biến tích cực của bản thân cô khi tu học Phật và áp dụng sự thực hành Phật pháp vào công việc của mình cũng như bày tỏ quan điểm về sự khủng hoảng trong ngành cảnh sát hiện nay của Hoa Kỳ nhằm giúp thúc đẩy quan hệ tích cực và tốt đẹp giữa cảnh sát và người dân, cả với tư cách là người hoạt động trong ngành và dưới góc nhìn của một người nhiều năm học Phật…
Nhân duyên gặp gỡ Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Tôi có ý muốn phát triển sự thực hành chánh niệm một cách xuyên suốt cho bản thân khi tham gia khóa tu đầu tiên với Thiền sư Thích Nhất Hạnh (được gọi thân thiết là Thầy) vào năm 1991. Khi ấy, tôi vào nghề được 7 năm trong sự nghiệp làm cảnh sát hơn 20 năm của mình.
Tôi là người dễ bị tổn thương và dễ dàng nổi nóng do những trải nghiệm đã qua trong cuộc sống và cả trong nghề nghiệp. Tại khóa tu, thật sự tôi đã vô cùng hoài nghi rằng liệu tôi có thể áp dụng và tích hợp những lời dạy của Thiền sư vào cuộc sống và nghề nghiệp của mình hay không.
Thiền sư thuyết phục tôi rằng một trong những khả năng hay phẩm chất cần có của người cảnh sát là cần phát huy cả lòng từ bi từ sự thấu hiểu và sự nghiêm khắc cần thiết để bảo vệ người khác, trong đó có việc cần can thiệp nếu có sự gây tổn thương bằng vũ lực. Đối với một người cảnh sát, trí tuệ thể hiện ở khả năng phát hiện và nhận diện được khi nào cần ban trải lòng từ bi và khi nào cần dùng đến sự dàn xếp nghiêm khắc.
Thiền sư đã giúp tôi rèn luyện được việc phát khởi những ý niệm tốt đẹp. Tôi nhận thấy rằng mình hoàn toàn sẵn sàng nhấc máy bất kỳ cuộc gọi đến nào hay tiếp nhận mọi sự tương tác trên đường với cam kết nghề nghiệp của bản thân là luôn giữ sự bình tĩnh khi xử lý tình huống và ngăn ngừa tội phạm.
Tôi biết rằng hoàn toàn có thể khơi dậy sự tử tế và yêu thương nơi bất kỳ một viên cảnh sát nào và nhờ vậy công việc của những người cảnh sát trở nên an toàn và hiệu quả hơn.
Khủng hoảng trong ngành cảnh sát…
Tôi thật sự đau lòng khi chứng kiến việc sử dụng sức mạnh không cần thiết, nhất là khi có thương vong xảy ra và sự phân biệt chủng tộc mà chúng ta đang chứng kiến trong ngành cảnh sát. Nhưng tin vui là tình trạng này cuối cùng cũng đã được phơi bày và được nhận thức.
Sự khủng hoảng trong ngành thể hiện ở việc dùng sức mạnh cảnh sát một cách không cần thiết, phân biệt sắc tộc, việc quân sự hóa của các sở cảnh sát, thiếu sự tin tưởng giữa cảnh sát và người dân, thiếu sự nhận diện các tổn thương tinh thần của người cảnh sát, những sự đồng thuận song thiếu tỉnh táo và thiếu trao đổi thẳng thắn của ngành cũng như các nguy cơ đe dọa an toàn của người dân trên khắp đất nước.
Chánh niệm giúp người cảnh sát làm tròn nhiệm vụ bằng trái tim
Trong sở, chúng ta nghe những tiếng khóc than vì mất mát trong các “cuộc chiến”. Trong những năm 80, 90 là cuộc chiến với chất kích thích. Và sau ngày 11-9-2001 là cuộc chiến chống khủng bố. Thực tế, chúng ta không phải đang tham chiến mà là đang bảo vệ và phục vụ cho người dân.
Nhiều bi kịch đã được vén màn trong ngành cảnh sát là kết quả của việc “các nhân viên cảnh sát hầu như không thể nhìn thấy những gì đang ở trước mặt chúng tôi”, như lời một người dân cần sự giúp đỡ của cảnh sát.
Không có sự tỉnh thức từ chánh niệm, sự giễu cợt và những trái tim trở nên sắt lạnh là điều không thể tránh khỏi đối với người làm nghề cảnh sát. Thường rất khó để chúng tôi nhận diện, thừa nhận hay ghi nhớ rằng con tim của chúng tôi đã và đang ngừng rung động trước những mất mát, đau thương của người khác.
Cảnh sát có chuyển hóa từ thực hành giáo lý Phật giáo…
Là một cảnh sát, tôi nhận thấy rằng Phật giáo cho tôi một “khung sườn” đạo đức giúp chúng tôi bảo vệ chính mình. Phật giáo còn cho tôi khả năng trở thành người bảo vệ tốt hơn đối với những thương tổn của chính mình và giúp tôi hoàn thành công việc với một trái tim cởi mở và dịu dàng hơn.
Là một cảnh sát và cũng là một Phật tử, tôi thường tự hỏi, “Mình nên làm nghề này như thế nào?” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giúp tôi trả lời câu hỏi này. Trước hết, ngài hỏi tôi: “Ai là người bạn muốn họ mang theo súng bên mình ngoài những người mà bạn biết họ dùng nó với sự tỉnh giác?”. Sau đó ngài nói rằng, mang theo súng có thể là một hành động của yêu thương nếu việc làm này được tiến hành trên nền tảng của yêu thương và thấu hiểu.
Khi tôi có thể nhìn công việc mình đang làm dưới lăng kính của sự tử tế và yêu thương, tôi ít khi thấy hối hận về những việc mình làm. Tôi ngộ ra rằng một người cảnh sát nếu cam kết làm việc trên tinh thần không gây hấn và ngăn chặn cái xấu ác thì khẩu súng và những băng hàm trở thành biểu tượng của sự thuần thục trong công việc, hơn là biểu trưng cho sức mạnh và quyền thế.
Yêu thương là động lực làm nghề của người cảnh sát
Sự đơn độc vẫn luôn hiện diện. Chúng tôi cam kết không dùng sức mạnh nhưng đôi khi những người trong ngành cần đến sự hỗ trợ của chúng tôi.
Nếu muốn yêu thương người cảnh sát, cộng đồng phải thân thiện với cảnh sát. Người dân cần tổ chức và kêu gọi sự thay đổi trong cách thức lãnh đạo, trưng dụng cảnh sát, sử dụng sức mạnh cảnh sát hợp lý và huấn luyện cảnh sát địa phương. Và người làm nghề này cần nhận thức rõ ràng về chánh ngữ, hiểu đúng về công việc, trách nhiệm của mình và phải biết yêu thương.
Và điều quan trọng là người cảnh sát cũng muốn nhận được cái nhìn yêu thương từ mọi người. Không có sự động viên này thì khao khát xoa dịu đau khổ cho người dân của người cảnh sát sẽ trở nên im lìm, bất động.
Tình yêu thương giúp người cảnh sát đồng hành cùng gia đình các nạn nhân. Lòng yêu thương được đòi hỏi ở người cảnh sát và gia đình của họ, làm cho việc “kéo cò súng” được thực hiện một cách dè dặt và đúng mục đích hơn.
Như Cornel West đã nói, công lý là yêu thương được thể hiện ngoài cuộc sống. Chúng ta chỉ có thể làm việc vì công lý khi xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc trong các mối tương quan với nhau và từ sự quan tâm dành cho nhau.
Chánh niệm, bình yên và phục vụ bằng chánh niệm, bình yên
Trong buổi thọ giới với Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 2008, tôi đã sáng tác một bài thơ để tặng Thầy và Thầy cũng đã làm một bài thi kệ tặng tôi. Vì sự ảnh hưởng to lớn của Thầy đối với người làm nghề cảnh sát như tôi, tôi đã dành tặng ngài bài thơ như sau:
Hít vào, con biết chánh niệm là con đường đưa tới bình an
Thở ra, con biết bình an là con đường đưa đến chánh niệm
Hít vào, con biết bình an là con đường đưa đến công lý
Thở ra, con biết công lý là con đường đưa đến bình an
Hít vào, con biết sứ mệnh của mình – là mang lại sự an toàn và bảo hộ cho người
Thở ra, con khiêm nhường và trân quý sứ mệnh của mình – gìn giữ và mang đến bình yên cho người
Hít vào, con chọn chánh niệm là chiếc giáp bào và yêu thương là sức mạnh chiến đấu
Thở ra, con khao khát mang yêu thương và sự thấu hiểu đến mọi người.
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể tạo ra sự khác biệt bằng một cách tương tự nhau, đó là tiến về phía trước bằng sự tỉnh thức. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể là người chuyển hóa những đau khổ mình đi qua bằng cách đối diện, chứng kiến và phản hồi lại chúng, hơn là khuếch đại chúng lên.
Trần Trọng Hiếu chuyển ngữ |Báo Giác Ngộ
Discussion about this post