
HÀNH HƯƠNG
CUỘC
HÀNH TRÌNH
TRONG
CHÍNH BẢN THÂN MÌNH
Huỳnh
Ngọc Trảng
1-
Theo truyền thống Phật giáo, hành hương là nghi thức thắp
hương đi nhiễu chung quanh tháp và điện Phật và cũng chỉ
việc thắp hương lễ bái trước tượng Phật, Bồ tát…
Đây là cách hiểu nguyên ủy của từ “hành hương”, còn
về sau này, nội hàm của “hành hương” mở rộng hơn nhiều,
thậm chí đến nay hành hương đôi khi được đánh đồng
với du lịch văn hóa, nhất là các tuyến du lịch tham quan
các di tích lịch sử tôn giáo – tín ngưỡng.
Đoàn
hành hương lên Yên Tử-Quảng Ninh
Tính
chất nhập nhằng giữa hành hương và du lịch, một mặt gia
tăng nội dung cho chuyến đi; nhưng mặt khác, làm giảm – thậm
chí làm mất, tính thuần khiết của hành hương. Sự kết
hợp nhiều mục đích trong chuyến đi có thể bắt nguồn từ
tính nguyên hợp của các dạng thức văn hóa thời nguyên sơ
và cũng do thói thường “nhất cử lưỡng tiện” của thế
nhân.
Trong
tiếng Anh, từ “hành hương” (pilgrimage/Anglo – French: pilgrimage;
Middle English {1100-1500}: Pilgrimage) vừa có nghĩa: 1- “Cuộc
hành trình, đặc biệt là chuyến đi dài ngày, đến một địa
điểm thiêng liêng nào đó, nhằm mục đích lễ bái; 2- Và
cũng có nghĩa “bất kỳ cuộc hành trình dài ngày nào” {Pilgrimage
(n): a) a journey, esp. a long one, made to some sacred place as an act
of devotion; b) any long journey}. Có phần xác định rõ hơn tính
chất thế tục của hành hương trong thời hiện đại, từ
điển Oxford Reference English dictionary (1996) định nghĩa hành
hương là “chuyến đi nhằm mục đích hoài niệm quá khứ
hay tình cảm” (Any journey taken for nostalgic or sensimental reasons).
Du
khách tham quan Đại học Nalanda-Ấn Độ
2-
Hành hương, chính vì tích hợp các nội dung mới như vậy
nên nó chẳng những không lỗi thời mà còn là hiện tượng
thời thượng. Một cựu chiến binh trở lại chiến trường
xưa, nơi họ đã cùng đồng đội chiến đấu gian khổ hay
về thăm những ngôi mộ bạn bè đã hy sinh nơi núi cao rừng
sâu là một chuyến đi đầy những hoài niệm bi tráng. Những
người chiến sĩ về thăm vùng căn cứ xưa, gặp lại những
người đã từng nuôi dưỡng, bảo bọc mình trong những tháng
ngày đấu tranh gian khổ ấy hẳn không hoàn toàn giống cuộc
thăm viếng thông thường vì ngày ấy khác bây giờ: kẻ còn
người mất và ký ức về năm tháng hào hùng và bi thương
tự nó là cố kết thiêng liêng. Một cựu tù trở về thăm
nơi mình bị địch giam cầm rõ ràng là chuyến đi vì lý do
hoài niệm và giải tỏa tình cảm của chính mình. Hoặc giả
không hào hùng hay bi thảm như vậy, chúng ta trở về thăm
nơi mình đã từng sống lúc thiếu thời sau chừng ấy lâu
xa cách hay trở lại sân ga nơi ta đã chia tay với người yêu
cũ, của mối tình đầu cũng là một chuyến đi đáng gọi
là cuộc hành hương, bởi đó là chuyến đi trong không gian
lẫn trong thời gian và trong chính bản thân mình. Nói cách
khác, các chuyến đi nhằm mục đích hoài niệm hay tình cảm
như vậy, thực ra chỉ được coi là chuyến đi có chút gì
giống với hành hương mà thôi. Bởi cuộc hành trình đến
các địa điểm đáng nhớ, không mờ phai trong ký ức của
mình, như vậy không giống, không lẫn lộn với một chuyến
đi nào khác. Những điểm đến đầy ắp kỷ niệm đó là
thiêng liêng, nhưng lại rất riêng tư, khác biệt với ký ức
của cộng đồng, ở đó, người hành hương không chỉ thủ
đắc được sự gia tăng về niềm tin và chất lượng cho
cuộc sống tâm linh của mình mà còn tăng cường sợi dây
gắn bó, mối quan hệ trung thành của mình và cộng đồng
của mình. Cuộc hành hương đích thực như vậy đòi hỏi
phải có những yếu tố cấu thành cơ bản nhất định.
Chiêm
bái thánh tích Borobudur-Indonesia
3-
Nói chung, là một hành trình tâm linh vì nó luôn khơi dậy
trong mỗi người sự tưởng tượng tập thể quanh một địa
điểm/di tích thiêng chứa đầy những biểu tượng và dấu
vết lịch sử. Trong lịch sử xa xưa, hành hương là một hành
trình không giống với bất cứ chuyến đi thông thường nào
mà nó được coi là một nghi thức thực hành nghi lễ phổ
biến trong hầu hết các tôn giáo và các dạng thức tín ngưỡng
của cộng đồng. Ở đó, hành giả có những giờ phút cảm
xúc tâm linh mãnh liệt. Chúng ta không có chứng cứ để khẳng
định rằng hành hương là tập tục có từ thời tiền sử,
song nhờ vào dữ liệu văn tự, chúng ta có được dấu vết
những cuộc hành trình thiêng liêng đến những nơi như Nipour
và Babylon, rồi đến những cuộc du hành của người Ai Cập
hay Hittite. Cụ thể là những chuyến hành hương đến Mecca
(trung tâm hành hương chính của đạo Hồi, ở Arập Xêút),
Jesusalem hay các địa điểm thiêng liên quan đến các kỳ tích
của Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni ở xứ Thiên Trúc…
Người Tây Tạng xác tín rằng nếu ai hành hương đến Lhasa
để lễ bái ở những tự viện và điện Potala thì sẽ được
phước lớn, khi chết sẽ được vãng sinh về cõi Cực lạc
và trong khi hành hương mà bị chết ở giữa đường thì cũng
được phước tái sanh ở tiên cảnh…
Là
mục đích tôn giáo – tín ngưỡng, hành hương như vậy là
nhằm tạo ra mối liên hệ giữa phàm tục và thế giới linh
thiêng, giữa cá nhân hành giả với cộng đồng đồng đạo
cùng đi, giữa con người hành hương bằng xương bằng thịt
với con người thứ hai của mình – con người được tái sinh
qua chuyến đi này đã được thanh tẩy bụi trần và được
sự đảm bảo của đấng bảo hộ nhờ vào sự thuần thành
của mình. Trong những mối liên hệ này, thì đặc biệt quan
trọng là việc hành giả từ kiếp sống trần tục thoát sang
thế giới thiêng liêng, đó là những giây phút họ bứt ra
khỏi những ràng buộc của cuộc sống đời thường để
hòa nhập vào cái thiêng và cùng nhau hướng vào một điểm
chung duy nhất của cộng đồng đồng đạo. Nói cách khác,
hành hương phải có đủ ba yếu tố: 1- Một / hay một cụm
địa điểm thiêng liêng; 2- Một cuộc đi bộ thiêng liêng;
và 3- Một mục đích thiêng liêng.
4-
Rất ít tôn giáo hay các tín ngưỡng dân tộc mà hành hương
lại thiếu ba yếu tố đó. Tuy nhiên, điều cần lưu ý hành
hương là tập tục thường mang tính bột phát và đậm tính
quần chúng, chứ không là hoạt động do các tôn giáo liên
hệ đứng ra tổ chức như một nghi thức chính thức của
việc hành đạo, buộc tín đồ phải thực hành, phải tuân
thủ. Trái lại, hành hương bị coi là nguy cơ biến thành mê
tín dị đoan, tức là việc sùng bái mù quáng những di vật
mà bỏ qua / không chú ý tới các giáo lý / giáo điều được
coi là thiêng liêng có tính chất chính thống và được coi
là chánh tín. Thậm chí đối với các nhà thần học Thiên
Chúa giáo, hành hương bị coi là trở ngại cho sự tiếp xúc
với Thánh thần do cách mượn con đường / phương tiện của
thế giới tri giác một cách vô ích và không trong sạch. Đó
là thái độ của phong trào cải lương đối với cuộc hành
hương của đạo Gia Tô hồi thế kỷ XVI.
Còn
Phật giáo thì lưỡng lự giữa hai con đường: một là không
thật tin vào những di vật hay hình tượng của Đức Phật;
và hai là hoài nghi việc các tín đồ, ngay từ khi Phật Thích
Ca còn tại thế, đã xin Phật chỉ cho những nơi, những di
tích hoặc những dấu hiệu để Phật tử tỏ bày lòng sùng
kính khi Phật nhập diệt.
Các
tôn giáo cũng thường xảy ra cuộc đối đầu giữa những
người thờ tượng và những người phá bỏ tượng. Sự tranh
cãi dữ dội giữa ý nghĩa cho rằng hành hương có thể biến
thành tệ sùng bái ngẫu tượng hoặc ma quái và việc thừa
nhận rằng đây là một nhu cầu luôn luôn có của tín đồ.
Trong lịch sử Phật giáo, trong suốt 500 sau khi Phật Thích
Ca nhập Niết bàn, giáo luật cấm tạc tượng Phật dưới
dạng con người để thờ tự. Việc tạc pho tượng Phật
đầu tiên để thờ đã được thực hiện ngay từ lúc Phật
còn sống (theo kinh điển ghi lại), nhưng đây là pho tượng
trầm hương duy nhất kể từ đó đến đầu Tây lịch – lúc
chủ trương “tượng giáo” (dùng hình tượng để giáo hóa)
bắt đầu được hình thành và càng ngày càng phát triển
đến nỗi nghệ thuật tạo hình Phật tượng đã trở thành
một bộ phận quan yếu của mỹ thuật châu Á về cả số
lượng lẫn chất lượng nghệ thuật; theo đó, đã hình thành
vô vàn những địa điểm hành hương của từng quốc gia và
nhiều địa điểm hành hương liên Á.
Phật
tử Tây Tạng hành hương tam bộ nhất bái đến Lhasa
5-
Trong lịch sử, Phật giáo chưa hẳn là tôn giáo đã khởi
phát hoạt động hành hương, nhưng các tín đồ và tăng lữ
của tôn giáo này đã thực hiện những cuộc hành hương vĩ
đại nổi tiếng trong lịch sử châu Á. Nghĩa Tịnh, Pháp Hiển,
Trần Huyền Trang, Khương Tăng Hội… là những điển hình
cho những chuyến hành hương sang Thiên Trúc chiêm bái, học
đạo và thỉnh kinh. Các di tích Phật giáo cùng với các Phật
học viện ở Ấn Độ đã trở thành những địa điểm hành
hương quốc tế đã thu hút nhiều bậc cao tăng, tín đồ từ
nhiều quốc gia châu Á hành hương đến từ những năm đầu
Tây lịch cho đến bây giờ. Trong lịch sử nước ta có Khương
Tăng Hội đã hành hương sang Ấn Độ hồi thế kỷ thứ III
(200?-280) và đến thế kỷ XX có nhà sư ăn rau Trần Thiện
Quảng (xem Thơ văn Phan Bội Châu, NXB. Văn Học, 1985, tr.145-160;
Đường Tăng Việt Nam: Thiện Quảng thiền sư, Báo Mai, 1936,
số 5 và số 6) và kế đó là Thiền sư Minh Tịnh ở Thủ
Dầu Một đã sang Ấn Độ và Tây Tạng để chiêm bái Phật
Tích, thỉnh Xá lợi và đưa Phật giáo Kim Cang thừa Tây Tạng
về truyền bá ở Thủ Dầu Một.
Đạo
Phật nước ta, theo đà phát triển của nó trong lịch sử,
đã tạo nên nhiều tự viện quan trọng và với các hoạt
động lễ hội một số nơi đã trở thành địa điểm hành
hương nổi tiếng… thu hút các chuyến hành hương lễ bái
hàng năm và đã trở thành lễ hội thường niên, trở thành
tập quán văn hóa ở xứ ta.
Ngoài
các địa điểm hành hương là chùa chiền, di tích Phật giáo
thì loại địa điểm hành hương quan trọng hàng đầu của
dân tộc ta là các đền, miếu thờ tự các bậc đế vương
và anh hùng thời dựng nước (Vua Hùng, Tản Viên, Phù Đổng,
An Dương Vương…); kế đó là các lịch đại đế vương,
các anh hùng dân tộc, cùng các quan tướng có công với Tổ
quốc.
Loại
địa điểm hành hương thứ ba là các cơ sở tín ngưỡng
tôn giáo, mà ở từng xứ, từng vùng hầu như từ Bắc chí
Nam đều có: Đền Sòng Sơn, đền Vạn Kiếp, đền Phủ Giày,
điện thờ Bà Đen, Miếu Bà Chúa Xứ, tháp Bà Nha Trang, điện
Hòn Chén (Huệ Nam điện, Huế) v.v…
6-
Nói chung, mỗi loại địa điểm hành hương nêu trên đều
có ý nghĩa biểu trưng riêng. Mục đích của người hành hương
nhằm đi đến từng loại địa điểm có thể là khác nhau,
nhưng tất cả các địa điểm đều có chung đặc điểm là
nơi thiêng liêng – hiểu theo nghĩa rộng của tính từ này,
và đặc biệt là các địa điểm thực sự được công nhận
là địa điểm hành hương khi nó ở một vị trí xa xôi và
càng cách trở, gập ghềnh càng hay, để chuyến đi bao hàm
được ý nghĩa của một sự chuyển dịch của các hành giả,
từ nơi mình sống và hoạt động sang một chiều khác không
phải chiều ngang và không phải là mặt đất – cái mà tôi
gọi là “hành trình tâm linh”, hiểu là hướng thượng.
Mặt
khác, các cuộc hành hương đều dẫn đến một di tích thiêng
liêng và cổ kính; ở đó, ngoài chiều rộng của không gian
còn phải kể thêm đến chiều thời gian. Rêu phong cổ kính,
tàn tích “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài
bóng tịch dương” sẽ đem đến cho hành giả một niềm hoài
cổ như bà Huyện Thanh Quan đã từng cảm nhận. Và vượt
lên trên các dữ liệu thì địa điểm hành hương được
nhiều hành giả say mê luôn luôn ở đó phải có ít nhất
là một di vật nhắc nhở về sự kiện sáng lập.
Nói
chung, trên đây là những yếu tố cần và đủ của một địa
điểm hành hương để hành trình của người hành hương là
cuộc đi trong không gian, trong thời gian và trong bản thân mình,
là sự hóa thân làm cuộc sống trần tục có ý nghĩa nối
kết họ với cái thiêng liêng, cao cả với cái giá trị mà
lịch sử – văn hóa đã kết tụ lại. Con đường ấy cũng
tạo ra mối quan hệ: nó nối kết những hành giả với nhau
trong một khoảnh khắc đặc biệt của cuộc đời mình, làm
cho các ý tưởng và các mô hình giao lưu với nhau, liên kết
những cá nhân cùng chia sẻ một niềm tin, một hệ giá trị
đạo lý và văn hóa. Như vậy là hành hương góp phần hoàn
thiện con người, hiểu theo nghĩa là sau cuộc hành hương,
người hành giả được tái tạo mới nhờ cuộc du hành đầy
tác dụng giáo dục và được thăng tiến nhờ sự bồi bổ
tri thức của kết quả “đi một ngày đàng, học một sàng
khôn”. Cuối cùng, sau cuộc hành hương là thời gian để
hồi tưởng và suy gẫm: những ý tưởng mới được xác lập
để định hướng cho những hành động và lối sống trong
quãng đời còn lại của chính mình
Huỳnh
Ngọc Trảng
(giacngo.vn)
Discussion about this post