Giữa đại dịch, chúng ta giờ đây luôn hy vọng nhìn thấy được những ánh sáng tốt đẹp phía cuối đường hầm. Một trong những vấn đề được mọi người quan tâm nhiều nhất là khi nào chúng ta mới có thể trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, quan chức y tế và các nhà lãnh đạo tinh thần đã nhận định rằng sẽ không có chuyện đó.
Ngôi nhà của chúng ta đang bốc cháy. Các loại vắc-xin đang và sẽ cứu sống nhiều người sẽ không thể dập tắt được ngọn lửa tiềm ẩn này trong tương lai. Chúng chỉ có thể giúp ích trong một thời gian ngắn. Những gì mà chúng ta đã trải trong năm qua chỉ mới là một chút mùi vị của khổ đau mà nhân loại sẽ phải gánh chịu nếu chúng ta không thay đổi ý thức và hành động của chính mình.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bill Gates đã nhận xét rằng đại dịch là mối đe dọa nguy hiểm số một đối với loài người; vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị ứng phó thật kỹ lưỡng. Ông cho biết nỗi lo lắng lớn nhất của ông giờ đây là biến đổi khí hậu và sự đe dọa của các loại vi-rút do con người tạo ra dẫn đến khủng bố sinh học. Khi được hỏi về cách để ứng phó với đại dịch trong hiện tại và tương lai, ông đề xuất đầu tư đáng kể vào lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo các nhóm người có chuyên môn cao, có khả năng ứng phó nhanh với các bệnh mới phát sinh trên toàn thế giới, đồng thời, nghiên cứu và phát triển các công cụ chẩn đoán chính xác và nhanh chóng các triệu chứng của bệnh. Hơn thế nữa, công nghệ chế tạo vắc-xin cần được chú trọng phát triển.
Thế giới không thể nào trở lại bình thường được. Con đường phía trước phải là một con đường mới, được bắt đầu bằng sự hiểu biết sâu sắc về mối liên hệ giữa chúng ta với các loài khác và toàn bộ hành tinh này, từ đó, thay đổi hành vi và thói quen của chính bản thân mỗi người một cách nhanh chóng nhằm cải thiện thế giới. Nếu không thực hiện được điều này, chúng ta sẽ còn chứng kiến những đám cháy lớn hơn, thậm chí còn lớn hơn những đám cháy rừng thảm khốc ở Úc một năm về trước và những đám cháy ở Amazon và California trước đó nữa. Nhiều nơi sẽ phải đối mặt với thời tiết cực kỳ lạnh giá tương tự như người dân Texas và các bang lân cận đang phải hứng chịu lúc này.
Những dạng biến đổi thời tiết như thế này là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng khí hậu mà các nhà khoa học đã dự đoán trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, cho đến nay, đại đa số chúng ta đều chọn cách vùi đầu vào trong cát, phớt lờ những tai họa sắp ập đến bằng cách sử dụng hàng hóa và sản phẩm được nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới, tận hưởng những kỳ nghỉ xa hoa, sống trong những ngôi nhà được kiểm soát nhiệt độ và truy cập dễ dàng vào các tiện ích, máy tính, ô-tô mới nhất và nhiều thứ tương tự như thế nữa.
Một khía cạnh mà chúng ta có thể nhận thấy sự ảnh hưởng rõ ràng nhất chính là giao thông vận tải. Trên toàn cầu, lượng khí thải từ giao thông vận tải chiếm khoảng 14% tổng lượng khí thải hàng năm và đặc biệt là khoảng 25% CO2. Điều đáng lưu tâm hơn là lượng khí thải từ giao thông đang gia tăng, trong khi nhiều người trên thế giới ngày càng giàu lên, có đủ khả năng mua phương tiện riêng và đi du lịch thường xuyên.
Theo tư tưởng tư bản truyền thống, chúng ta có thể mua bán, sản xuất và đổi mới theo cách của mình. Tuy nhiên, hầu hết các nhà tâm lý học và Phật tử ngày nay cho rằng: những ham muốn của con người chưa bao giờ có điểm dừng. Xe điện tuy tốt nhưng lại phát sinh những vấn đề tiềm ẩn như chạy xe quá tốc độ mà nhiều người vẫn mắc phải. Khi số lượng ô-tô tăng lên thì sẽ phát sinh nhiều nhu cầu hơn, ví dụ chúng ta sẽ cần nhiều đường hơn, nhiều ga-ra đậu xe hơn, khai thác tài nguyên thiên nhiên nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng, v.v…
Sáu năm trước, Tỳ-kheo Bodhi là người ký tên trong “Lời kêu gọi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và thế giới hành động nhằm giải quyết các tác động bất lợi về tâm lý và xã hội do biến đổi khí hậu”. Vào năm 2019, ngài lại tham gia giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại thành phố New York:
Đức Phật đã dạy về những nguyên nhân, gốc rễ của khổ đau chủ yếu hướng đến mục đích giải thoát cá nhân. Những lời dạy này chỉ ra những phiền não trong tâm đã làm tổn hại đến đời sống cá nhân của chúng ta như thế nào, và giờ đây, làm cách nào để có thể vượt qua chúng. Tuy nhiên, bởi vì thế giới có mối liên hệ mật thiết và thống nhất với nhau, nên chúng ta phải xem xét tiến trình nhân quả vận hành; sau đó, dựa vào kết quả của việc nghiên cứu này để định hướng cách thay đổi phù hợp cho xã hội, đồng thời, đề xuất các thể chế chính trị và những chính sách toàn cầu nhằm tránh những bất lợi mà chúng ta phải đối mặt. Chúng ta có thể gọi ứng dụng toàn cầu này là sati sampajañña, nghĩa là chánh niệm và sự hiểu biết đúng đắn, rõ ràng về tất cả những nguy hiểm mà chúng ta đang phải đối mặt trong hiện tại. Điều nguy hiểm nhất, bao trùm toàn bộ thế giới và đe dọa tất cả mọi người thường được gọi là biến đổi khí hậu, nhưng có lẽ chúng ta nên gọi một cách chính xác hơn là mất ổn định khí hậu hay mất phương hướng khí hậu.
Phật giáo đề cao lối sống hài hòa với thiên nhiên |
Mặc dù du lịch, ở một mức độ nào đó, có thể là điều cần thiết để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng chúng ta nên tự xem xét lại bản thân cần đi du lịch bao nhiêu là thích hợp. Cũng giống như protein hay nước là cần thiết, nhưng nếu lạm dụng chúng thì sẽ nhanh chóng khiến cơ thể bị ốm. Tương tự, Trái đất không thể hấp thu tất cả các chuyến du lịch mà chúng ta thực hiện ngày nay và vì vậy, chính chúng ta đang khiến cho tình trạng của Trái đất ngày càng xấu đi.
Trong thời đại hiện nay, chúng ta đi du lịch quốc tế ngày càng nhiều, vì vậy, chúng ta trở nên xao lãng, mất định hướng và bất an với cuộc sống hiện tại của chính mình. Theo Phật giáo, bản chất của sự tu tập là buông bỏ nhu cầu để thay đổi, vận hành và kiểm soát thế giới. Cuộc đời Đức Phật đã thể hiện rất rõ điều này, đôi khi điều cần phải làm chỉ là tập trung năng lượng và ngồi xuống. Hãy ngồi yên tĩnh để nhìn nhận những phiền não đang phát khởi trong tâm. Hãy ngồi thật vững chãi để vượt qua những ham muốn được làm điều gì đó ở một nơi khác, với những người khác.
Có thể là nghịch lý, nhưng thực sự chỉ cần ngồi xuống, chúng ta có thể ngẩng cao đầu lên khỏi bãi cát, đồng thời nhận ra được mối liên kết giữa chúng ta và sự cần thiết phải quan tâm đến nhau nhiều hơn.
Phổ Giác dịch/Theo Buddhistdoor
Discussion about this post