ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
NÓI VỀ PHẬT GIÁO ỨNG DỤNG (2)
Tác giả: Đức Dalai Lama – 1994
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển – 2012
HỎI: Hạnh phúc là gì và cuộc sống là gì? Giác ngộ là gì?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Theo kinh nghiệm của riêng tôi, chúng ta cảm
thấy toại nguyện, tĩnh lặng và hạnh phúc. Hạnh phúc là hạnh phúc! Mọi người đang cố gắng để đạt được hạnh phúc.
Cây
cỏ có sự sống, nhưng tôi không chắc là chúng có cảm giác hay không. Chúng ta, trái lại, kinh nghiệm khổ đau và
vui sướng. Khi chúng ta nói về chúng
sinh, chúng ta liên hệ đến những tạo vật có sự sống cũng như những kinh nghiệm
đớn đau và khoái lạc của chúng.
Giác ngộ, như tôi đã đề cập một cách vắn tắt trước
đây, là sự hiểu biết hoàn toàn – không si mê và không chướng ngại. Tâm vi tế của chúng ta – điều mà chúng ta gọi
là linh quang – có mọi khả năng để đạt đến giác ngộ và sự tỉnh thức tròn vẹn. Nhưng bây giờ, do bởi si mê, có nhiều chướng
ngại trên bộ mặt của sự tỉnh thức hoàn toàn. Khi tất cả nhân tố tiêu cực biến mất, năng lực hay sức mạnh của tỉnh thức
được phát triển hoàn toàn và đấy là những gì chúng ta gọi là Giác ngộ.
HỎI: Có thể
gánh chịu nghiệp quả của người khác vì người ấy không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Nói một cách tổng quát, theo giáo huấn nhà Phật,
chúng ta sẽ không chạm trán với kết quả của một hành vi mà chúng ta đã không phạm
phải, và một khi chúng ta đã thực thi một hành động, hậu quả sẽ không bao giờ mất
đi. Ở đây, tôi nghĩ thật quan trọng để
có một sự phân biệt. Khi chúng ta đau khổ,
chúng ta không chỉ cảm thấy đau đớn hay không thoải mái ngay thời điểm ấy,
nhưng cũng là một loại bất lực và nản chí. Chúng ta hoàn toàn bị che phủ bởi nổi khổ ấy và như có một bóng đen tối. Từ bi là khi chúng ta có sự quan tâm đến khổ
đau của kẻ khác và chia sẻ nổi khổ đau của họ trên căn bản là những người khác
cũng có quyền bình đẳng như ta để hạnh phúc. Nổi khổ đau lúc ấy có thể làm cho chúng ta đau buồn hay làm hơi mất thoải
mái, nhưng sự bức rức ấy được chấp nhận một cách tự nguyện với lý trí do bởi những
nhận thức này và quyết định chia sẻ nổi khổ của họ. Vì thế sự buồn phiền và khó chịu ấy không để
lại dấu vết đen tối trong tâm thức chúng ta. Chúng ta phải thật rõ ràng và thật cảnh giác nếu chúng ta tự nguyện lãnh
lấy khổ đau của kẻ khác.
HỎI: Trong
thiền quán (vipassana), sự chuyển hóa nào xảy ra khi sự chú ý của hành giả di
chuyển từ bộ phận này đến bộ phận khác của thân thể?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Có nhiều loại thiền quán khác nhau. Theo như tôi biết, có một loại thiền quán lưu
tâm đến thân thể. Khi chúng ta có sự luyến
ái, chúng ta có một nhận thức rõ ràng về “thân thể tôi” và vào lúc ấy
chúng ta đồng nhất với nó. Chúng ta cảm
thấy rằng có một thân thể độc lập tồn tại. Nếu chúng ta thiền tập trên những bộ phận khác nhau của thân thể, cuối
cùng cảm giác về một thân thể chắc thật hay điều gì đấy rất quý giá biến mất. “Thân thể tôi” bắt đầu có nghĩa như
bao hàm nhiều phần tử và những sự phối hợp khác nhau. Một khi chúng ta nhận ra điều ấy, cảm nhận của
chúng ta về sự cụ thể, thống nhất và quý giá không còn tồn tại nữa.
Chính
niệm về thân thể liên hệ đến thiền quán trên những bộ phận khác nhau của thân
thể. Thiền tập quan trọng nhất và năng lực
nhất của thiền quán vipassana là thiền quán về tánh không hay shunyata.
HỎI: Một câu hỏi cá nhân, tôi thất bại nhiều trong cuộc sống, nhưng cha tôi đã giúp tôi
trong mỗi bước. Ông nói với tôi rằng tôi
phải trở thành một người khá hơn từ những thất bại của tôi. Trong vài tháng, tôi trở nên rất tĩnh lặng,
tôi không bị mất sự điềm tĩnh của tôi nhiều, nhưng bây giờ tôi đã có việc làm
và thành công trong đời sống, tôi đã bắt đầu đánh mất sự điềm tĩnh của
tôi. Tôi muốn đạt được điều gì đấy trong
đời. Có sai không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Việc này khó trả lời. Tôi không biết căn bản niềm tin của bạn là
gì, hay thái độ của bạn đối với cuộc sống và đối với những đời sống quá khứ và
tương lai ra sao, tôi không biết chắc về lối sống của bạn. Sẽ có những công thức khác nhau tùy thuộc vào
thái độ của bạn đối với cuộc đời của chính bạn. Một cách tổng quát, bất cứ khi điều gì tiêu cực sinh khởi, tôi luôn luôn
cố gắng để nhớ rằng những người khác
cũng ít nhiều có những kinh nghiệm tương tự như thế. Suy nghĩ trong cách ấy thư thả một gánh nặng
tinh thần nào đấy của tôi. Cũng thế, tôi
luôn luôn cố gắng để tìm một khía cạnh tích cực nào đấy của trường hợp tiêu cực
ấy. Đôi khi, nhận thức này cho phép
chúng ta một kinh nghiệm tích cực và sáng tạo hơn. Vì vậy, bản chất của một sự kiện là tương đối. Một sự kiện có thể có những khía cạnh khác
nhau và nếu chúng ta nhìn một cách sâu sát hơn, chúng ta có thể tìm thấy điều
gì tích cực. Nó có thể không tích cực
trong tự nó, nhưng nó có thể giảm thiểu sự nản chí của chúng ta.
Tự
tin là quan trọng. Con người có một bộ
não và sự quyết tâm diệu kỳ. Phật tử gọi
đấy là Phật tánh, hạt giống Phật. Thậm
chí không thảo luận những việc này, chúng ta cũng có khả năng để đạt được
chúng; nếu chúng ta sử dụng sự thông minh của chúng ta với sự nhẫn nại lớn hơn
và nổ lực liên tục, ngay cả nếu chúng ta thất bại ba lần đầu tiên, thì vẫn có một
khả năng căn bản để đạt đến mục tiêu.
HỎI: Có thể không phải trong ba năm, nhưng nhiều vị
thầy nói việc thực chứng cứu kính có thể xảy ra ngay lập tức (đốn ngộ), như đối
lập với việc phải qua lối tu đường dài (tiệm tu). Xin hãy bình giải.
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Việc ấy thỉnh thoảng thật sự xảy ra, nhưng chỉ
với nhiều nguyên nhân và điều kiện. Trong một số trường hợp, việc ấy xảy ra tại một trình độ vô hình. Khi những nguyên nhân và điều kiện chín muồi tròn đủ, thế thì nó xảy ra một cách
tức thời. Những kinh nghiệm tâm linh phi
thường nào đấy thật sự xảy ra.
HỎI: Khi tất
cả các tôn giáo dạy về từ ái, bi mẫn, và tình huynh đệ, tại sao con người đang
chiến đấu nhân danh tôn giáo, đặc biệt ở lục địa của chúng ta?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Hầu hết mọi trường hợp, các cá nhân đơn giản
vui thích gán cho họ. Thí dụ, tôi có thể
nói, “tôi là một Phật tử”, và được bao hàm với danh xưng ấy. Người ta không phiền với sự thực tập, hướng đạo,
hay tư duy hàng ngày; họ không buồn dấn thân sâu hơn trong ý nghĩa. Phật Giáo trong trường hợp của tôi coi như là
hướng dẫn tôi và hạnh kiểm của tôi. Đấy
là cả cung cách suy nghĩ và thái độ cũng như phương tiện để tái tạo những thứ
này. Nhưng đôi khi người ta không quan
tâm đến nó một cách nghiêm túc. Do thế,
nếu tôi không có ý định thay đổi theo lý tưởng Phật Giáo, nhưng tiếp tục sử dụng
Đạo Phật cho đấy là “tôn giáo của tôi”, thế thì tôi đang lợi dụng Đạo
Phật bởi vì tôi cần sức mạnh của tôn giáo.
Tương
tự thế, khi bạn nói, “tôi là Ki Tô hữu”, bạn nguyện ước Ki Tô Giáo
như sự ủng hộ của bạn. Và bạn không bao
giờ được tiếp xúc với truyền thống ấy và chẳng bao giờ được thay đổi. Khi một người hoàn toàn si mê, vở mộng hay
thù hận lợi dụng tôn giáo, đấy là một thảm họa. Những gì chúng ta cần làm là tự
kiểm soát lại mình, tự xem mình là một hành giả và một môn đồ chân thành của
truyền thống ấy. Chỉ như thế, chúng ta mới
trở thành một con người khác biệt.
Có
những hành giả chân thật nào đấy, vì si mê và thiếu sự tiếp xúc, chỉ tin tưởng
trong tôn giáo của họ và xem những truyền thống tôn giáo khác là sai. Trong một số trường hợp, đấy là kết quả của
giáo lý hay sự giảng dạy, nhưng thường là qua sự thiếu tiếp xúc, thiếu sự tỉnh
thức và sự thấu hiểu thật sự của giá trị của truyền thống khác. Một khi chúng ta nhận ra rằng có những người
tuyệt vời trong Ki Tô Giáo, Hồi Giáo, chúng ta tự động phát triển một sự cảm
kích đối với truyền thống của họ.
Tín
đồ của mỗi tôn giáo nên kiểm tra lại chính mình, xem ta có là những môn đồ chân
thật hay không, và truyền thống của mình có đang được thực hành một cách chân
thành hay không. Sự giao tiếp hay trao đổi
liên tục với những tôn giáo khác là một yêu cầu. Sáng nay tại Hội Nghị Tôn Giáo Thế Giới lần
thứ bảy ở Delhi, tôi đã đề cập rằng nhằm để phát triển một sự hòa hiệp chân
thành, phải liên tục có những cuộc gặp gở trước nhất trong những lãnh đạo, thứ
hai là trong những học giả và thứ ba là trong những người nào có những
kinh nghiệm sâu sắc. Các cuộc gặp gở giữa những người này là cần yếu. Một khi chúng ta biết những giá trị sâu sắc của
nhau và khả năng của tiêu cực trong tâm thức con người, một khi chúng ta biết
nhau, thì điều ấy rất lợi ích.
HỎI: Từ bi
có thể được phát sinh hay phát triển như thế nào trong đời sống của chúng ta và
nó có thể được thực hành như thế nào?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA:
Qua quán (thiền phân tích) cũng như chỉ (thiền tập trung). Thiền quán liên hệ đến việc thẩm tra liên tục
giá trị của từ bi. Một khi chúng ta trở thành
một con người từ bi hơn, chúng ta có một lòng tự tin thật sự. Chúng ta trở nên một con người tĩnh lặng hơn
và hạnh phúc hơn, ít sợ hãi hơn và vững vàng hơn; chúng ta trở nên cởi mở hơn
và giao tiếp tốt đẹp hơn với những người khác; chúng ta có nhiều bạn bè hơn và
nhiều nụ mĩm cười hơn. Về mặt khác, hãy
thẩm tra thù hận – giá trị của nó là gì?
Thù
hận phá hủy hạnh phúc của chúng ta, hạnh phúc của gia đình chúng ta cũng như hạnh
phúc ở trình độ quốc gia và quốc tế. Nếu
chúng ta ở trong một cuộc ẩn tu ba năm và chúng ta thiền tập về thù hận, chúng
ta sẽ không bao giờ trải nghiệm tĩnh lặng, chúng ta sẽ luôn luôn cẩm thấy không
thoải mái và cuối cùng chúng ta sẽ đánh mất sự ngon miệng, mất ngủ, và đánh mất
đời sống của chúng ta. Đấy là những gì
thù hận tác động. Do vậy, bạn thấy, giống
như một nhà khoa học, chúng ta phải cố gắng để thẩm tra những khía cạnh tích cực
và tiêu cực của những thứ này một cách liên tục. Hãy cố gắng để loại bỏ những khía cạnh tiêu cực
và thúc đẩy hay sản sinh những phẩm chất tích cực qua phân tích.
Như
trong những vấn đề vật chất chúng ta duy trì những khía cạnh tích cực nào đó và
loại bỏ những thứ khác, việc ấy cũng vậy đối với tâm thức. Những tâm thức nào đem đến cho chúng ta hạnh
phúc, tĩnh lặng và sức mạnh nội tại và nhiều bạn bè hơn là tích cực. Những tâm thức nào cuối cùng phá hoại những
thứ này là tiêu cực. Vì vậy hãy phân
tích những thứ này. Một khi chúng ta đạt
được một loại tin tưởng nào đấy và hoàn toàn xác định, qua thiền phân tích, thận
trọng về nó trong một thời gian ngắn. Nếu
là một người tín ngưỡng, hãy trì chú hay niệm Phật. Đấy là phương pháp – một loại thiền phân tích
nào đấy, rồi vào lúc cuối, thiền tập trung. Khi năng lực của sự vững vàng ấy bị giảm thiểu, hãy đi vào thực tập thiền
phân tích lại một lần nữa.
HỎI: Nếu người
ta ở trong một nổi thống khổ lớn và nhận ra nó như tác động của nghiệp quá khứ,
nhưng không chịu nổi đớn đau, người ta phải làm thế nào? Cầu nguyện có
giúp ích gì không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA:
Theo một số truyền thống như Đạo Phật, sám hối những hành động tiêu cực là một
phương pháp. Phật Giáo Mật Thừa Tây Tạng
đề xuất việc trì niệm một số mật ngôn, làm một hình tượng nào đấy, và nhiều tôn
giáo có sự thực hành bố thí. Bổ sung
thêm thì người ta có thể cầu nguyện.
HỎI: Có thể
hay thích hợp để biểu lộ lòng từ bi đến ai đấy người tiếp tục làm tổn hại hay
làm tổn thương chúng ta không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Ô vâng! Điều ấy là quan trọng nhất! Kẻ thù hay những người khác đang cố gắng làm
tổn hại hay đang làm tổn hại chúng ta – mặc dù thái độ người ấy đối với chúng
ta là tiêu cực – rốt cuộc cũng là một con người và cũng có quyền để vượt thắng
khổ đau và đạt đến hạnh phúc. Trên căn bản
ấy, chúng ta phải trau dồi từ bi đối với con người ấy. Điều đó không có nghĩa là chúng ta chính đáng cúi lạy trước mặt
kẻ thù. Có những lý do khác nhau – những
lý do đủ để cảm nhận từ bi, và cũng như, trong một vài trường hợp, lý do đủ để
đối mặt với kẻ thù. Đây là hai thứ khác biệt.
HỎI: Tại sao
chúng ta phải cố gắng để loại trừ khổ đau? Không phải nó là một bộ phận căn bản của đời sống cũng như hạnh phúc chứ?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Nếu bạn thỏa mãn với đời sống hàng ngày với tất
cả những khổ đau của nó, thế thì quá tốt. Bạn không phải lo lắng hay thực hiện nổ lực nào.
HỎI: Xin Đức
Thánh Thiện hãy diễn tả cuộc viếng thăm của ngài đến chương trình Baba
Amte? Chúng ta có thể học hỏi gì từ thực
tế hình thức Baba về từ bi?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Từ bi thực tiển – tôi tin rằng đấy là một
cung cách thích đáng để phát triển Ấn Độ. Chỉ có một ít công trình kỷ nghệ gần thành phố là không đủ. Dĩnhiên, điều ấy tốt và cần thiết và là một
bộ phận của sự phát triển nhưng sự chuyển hóa và thay đổi Ấn Độ phải đến qua những
việc làm của mọi người như Baba Amte – việc làm được hoàn thành tại cấp độ của những người thường dân. Tôi đặc biệt ấn tượng với khu vực mới. Tôi nghe nói rằng trước đây nó chỉ là một trổng
rỗng, không người ở. Bây giờ nó đã được
chuyển hóa thành một ngôi làng nhỏ đầy tâm linh và niềm tin con người. Khi tôi ở đấy, một bệnh nhân chỉ có hai ngón
tay đang sử dụng búa rất năng động. Tôi
nghĩ bởi vì tôi ở đấy, nên năng lực của ông có vẻ mạnh hơn. Tôi hơi lo ngại rằng cây búa của ông có thể
đánh trúng tay ông. Nơi ấy đầy sinh khí
và con người không có cảm giác hạ liệt, chỉ có một cảm nhận bình đẳng. Chúng tôi đã bắt tay nhau mà không có
chút do dự nào. Điều ấy hoàn toàn kỳ diệu, rất đẹp. Tôi thật sự rất ấn tượng.
HỎI: Tại sao
chúng ta đến thế giới này?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Tự nhiên là tự nhiên. Không có câu trả lời.
HỎI: Ngài nói
rằng sự phát triển động cơ thích đáng là nhân tố chìa khóa. Chúng ta phát triển động cơ ấy như thế nào?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Tôi nghĩ là tôi đã giải thích rồi – qua việc
rèn luyện tâm thức, qua phân tích trên những kinh nghiệm quá khứ của chúng ta,
thẩm tra những kinh nghiệm của chính mình cũng như của những người khác, như
Thánh Gandhi, hay Baba Amte. Khi tôi gặp
Baba Amte, mặc dù điều kiện thân thể của ông khó khăn, ông có nụ cười trên môi,
ông có một đời sống trọn vẹn, tràn đầy tâm linh rực rở. Đấy là kết quả của từ bi và tự tin. Những người như Hitler hay Mao cũng có năng lực
kỳ diệu như vậy, nhưng họ đầy nghi ngờ và thù hận. Tôi nghĩ Mao là một người khôn ngoan – đầy tự tin – nhưng nghi ngờ ngay cả
những đồng chí thân cận của ông. Một khi
có sự nghi ngờ và thù hận như vậy, người ấy không thể hạnh phúc. Do thế, từ bi là quan trọng bởi vì tất cả
chúng ta muốn hạnh phúc trong cuộc sống.
HỎI: Phương
pháp tốt nhất để giảm thiểu dân số là gì? Triết lý Phật Giáo có một vai trò nào không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Dĩ nhiên, là nhiều tăng ni hơn! Tôi gọi đấy
là sự kiểm soát sinh sản bất bạo động. Điều ấy là cần thiết.
HỎI: Dưới cặp
mắt của ngài trong lần đầu tiên viếng thăm Jerusalem, thông điệp của ngài trong
mối quan hệ liên tôn là gì?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Một vài năm trước đây tôi đã bắt đầu một sự
thực tập mà tôi xem là một bước để tiến tới việc thiết lập hòa hiệp giữa những
tôn giáo: một người hành hương đến những
thánh địa với một nhóm người từ những tôn giáo khác nhau. Tất cả chúng tôi tập họp lại và cầu nguyện với
nhau trong im lặng, và đấy là một kinh nghiệm thật đẹp. Tôi đã bắt đầu với Sanarth – Lộc Uyển. Năm ngoái ở Trivandrum[1],
ở Kerala, tôi đã có cơ hội để thăm viếng một đền thờ Hổi Giáo, một thánh đường,
và một đền thờ Ganesh. Tôi đã thấy một bức
tượng Ganesh bằng bạc. Tôi nghĩ Ganesh
có một cái bụng rất dễ thương; sau lần thăm viếng ấy, tôi nghĩ tôi nên cúng một
số tiền, nhưng tôi đã không làm thế. Thế
nào đi nữa, tôi yêu mến Ganesh ấy. Tại đền
thờ Hổi Giáo lần đầu tiên tôi có cơ hội cầu nguyện chung với những huynh đệ Hồi
Giáo. Điều này tôi thật sự cảm thấy là một
phương pháp đầy năng lực để giao tiếp với những người từ những tôn giáo khác
nhau. Tôi đã thấy Jerusalem nhiều năm về
trước, sau lần ấy tôi rất nhiệt tâm để đến những thánh địa như Jerusalem.
Mới
đây tôi đã thăm Lourdes ở Pháp – nơi Đức Mẹ Mary đã xuất hiện. Thật là kỳ diệu. Tôi không phải là một Ki Tô hữu, tôi là một
Phật tử. Và trong cách ấy tôi là một người
không tín ngưỡng. Tôi không tin ở Thượng
Đế. Những Phật tử chúng tôi không chấp
nhận một đấng tạo hóa. Tuy nhiên, tôi
tôn trọng sâu xa và cảm kích truyền thống Ki Tô Giáo và tất cả những tôn giáo
khác. Do thế, khi tôi ở đấy, tôi cảm thấy
toại nguyện sâu xa. Điều ấy hoàn toàn kỳ
diệu. Nếu có thể, tôi cũng sẽ đến Mecca,
nhưng tôi không biết khi nào. Tôi đang
hướng đến việc đi tới Jerusalem với một nhóm người thuộc những tôn giáo khác
nhau.
HỎI: Nếu tất
cả chúng ta là những con người, điều gì khác biệt giữa tôi và ngài?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA:
Tôi nghĩ có một sự khác biệt lớn lao. Bạn
là bạn và tôi là tôi!
Modern
School, Barakhamba, 1994
Nguyên
tác: trích từ chương Compassion and
Nonviolence
của
quyển Live in a Better Way
Ẩn Tâm Lộ – 2012
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng – Tuệ Uyển dịch
[1] Thiruvananthapuram [t̪iruʋən̪ɨn̪t̪əpurəm] (trợ giúp·chi tiết) (tiếng Malayalam: തിരുവനന്തപുരം Tiruvanantapuraṁ), cũng gọi là Trivandrum,
là thủ phủ bang Kerala và quận
Thiruvananthapuram của Ấn Độ. Thành phố này nằm ở bờ biển
phía tây của Ấn Độ, gần cực nam của đại lục. Thành phố này được Mahatma Gandhi gọi là “thành phố thường xanh của Ấn Độ”,
đây là thành phố có địa hình đặc trưng của đồi thấp ven biển và các thung lũng
thương mại.
o
Discussion about this post