ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI
CÓ ĐƯỢC PHẬT GIÁO CHẤP NHẬN KHÔNG
Con là một đệ tử của Phật, đồng thời cũng là một người đồng tính. Con cảm thấy rất xấu hổ mỗi khi đi vào chùa, hoặc thậm chí mỗi khi thắp nhang ở nhà. Con không biết như vậy có phải là tội lỗi không? Nếu con kết hôn đồng tính, con có được đi vào chùa nữa không, con có được các sư tăng chấp nhận không? Nếu câu hỏi này mạo phạm đến các Phật, xin tha thứ cho con.
Chào em,
Trước hết phải nói ngay với em rằng đồng tính luyến ái, theo các nhà khoa học ngày nay cho biết không phải là một căn bệnh, cả về tâm lý lẫn sinh lý. Điều này đã được Tổ Chức Y tế Thế Giới Liên Hiệp Quốc (WHO: World Health Organization) và Hội Tâm Thần Học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) xác nhận bằng cách loại bệnh đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các chứng bệnh trên thế giới.
Thật ra, bản chất của đồng tính luyến ái không phải là tốt hay xấu mà tốt hay xấu là do tư cách hành xử của chúng ta trong cuộc sống với môi trường chung quanh. Chính vì thế em không nên có mặc cảm xấu hổ, cần phải che dấu và chịu đau khổ một mình. Hiện nay có rất nhiều người đồng tính luyến ái trên thế giới đang phải chịu đau khổ do sự kỳ thị bởi thiếu hiểu biết và thiếu cảm thông giữa người với người. Đối với luật pháp hiện nay của Việt Nam cũng như của rất nhiều quốc gia trên thế giới chưa cho phép những người cùng giới tính kết hôn với nhau.
Đối với Phật Giáo, đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ, bình đẳng và không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, mầu da và giới tính. Với nguyên tắc thương yêu tất cả mọi loài chúng sinh, Phật giáo không chủ trương xét xử, không chống đối hay chỉ trích người khác, đơn thuần chỉ dựa trên tính chất của người đó, vì điều này được xem như là một sự phê phán thiên vị và không công bằng. Vì thế, xuyên qua những lời giảng dạy của Đức Phật, chúng ta không thấy Ngài phê phán những người đồng tính về phương diện đạo đức.
Với hàng Phật tử tại gia đồng tính, Đức Phật không có điều luật hay lời khuyên nhủ nào về vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính này. Ngài nói rằng Ngài chỉ là người hướng đạo, là người dẫn đường cho chúng sinh đến bến bờ giải thoát. Điều này được hiểu là ngài không có thẩm quyền để bắt buộc người khác phải theo Ngài hay phải làm gì. Nguyên tắc này cho chúng ta thấy, nguyên lý giáo pháp của Đức Phật không bao gồm những qui tắc, phong tục tập quán của xã hội cũng như hình thức nghi lễ đối với Phật giáo. Tỳ kheo Thanissaro, viện chủ Tu viện Metta Forest ở thành phố Escondido miền nam California cũng cho biết đức Phật chưa bao giờ cấm hàng Phật tử tu tại gia quan hệ đồng tính luyến ái. Sư Thanissaro trích dẫn kinh điển nguyên thủy nói rằng: “Khi đức Phật vạch ra ranh giới giữa quan hệ chăn gối hợp pháp và bất hợp pháp, ngài không hề đề cập đến bất cứ một điều gì về hương vị của quan hệ tình dục hoặc sở thích về giới tính. Dường như đức Phật chú trọng hơn đến việc không xâm phạm các đòi hỏi hợp pháp mà người khác có thể có đối với người hôn phối của bạn.” [1]
Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề đồng tính vào ngày 11 tháng 6 năm 1997 tại San Francisco, [2] Đức Đạt Lai Lạt Ma đã “xác nhận nhân phẩm và quyền của những người đồng tính, nhưng Ngài cũng cho rằng, sự thủ dâm hay giao hợp đường miệng, hậu môn là không thích hợp và người tu Phật cần phải tránh. Ngài cho biết mục đích của tính dục như quan điểm người Ấn, là để sinh con, và cũng là điều để giải thích tại sao tất cả những hoạt động tình dục khác không đưa đến sinh con thì đều bị bài trừ”.
Đối với hàng xuất gia, đức Phật không cho phép những người đồng tính được thọ giới Tỳ kheo, trong đó bao gồm cả người ái nam ái nữ và cả loại người mà kinh điển Pali gọi là Pandakas.
***
Đạo Phật tin rằng, mọi sự mọi vật trên thế gian là vô thường, cuộc sống nhân sinh cũng chuyển dịch biến hoá không ngừng và tuỳ theo nghiệp của mỗi chúng sinh, giới tính có thể thay đổi từ giới này sang giới khác như người nam trở thành người nữ hay ngược lại và chuyển dịch từ đời này sang đời khác.[3] Ngay cả trong đời hiện tại cũng đã có nhiều người hoặc tự mình thay đổi với sự trợ giúp của y khoa hay tự nhiên thay đổi giới tính. Dù thế nào cũng không ra ngoài nhân quả. Mỗi người trong chúng ta mang trong mình cái nghiệp, nghiệp lành nghiệp dữ mình làm mình chịu, có gieo nhân tất có quả. Theo lý này, chúng ta thương yêu người nào, dù cùng giới tính hay khác giới tính đều là có duyên nợ với người đó ở quá khứ. Chính duyên và nợ quá khứ thúc đẩy chúng ta thương yêu trong hiện tại. Đó là quan hệ nhân quả bình thường.
Nếu chúng ta tin tưởng vào nhân quả nghiệp báo thì chúng ta có thể chuyển đổi được nghiệp quả của mình từ xấu thành tốt, kể cả từ giới tính này sang giới tính khác bằng cách tu tập những điều mà giáo lý nhà Phật chỉ bảo, như “Làm tất cả việc lành, không làm các điều ác và tự thanh tịnh hoá tâm”. Làm các việc lành và không làm các điều ác thì với sự hiểu biết của em, em có thể áp dụng thực hành trong đời sống hàng ngày, riêng việc thực hành “tự thanh tịnh hoá tâm” có liên quan đến việc tu tập thiền và trì chú cần phải có sự hướng dẫn ban đầu của quý thầy, quý cô, những người đang miệt mài thanh tịnh tâm tại các chùa, trong các tu viện. Ở Việt Nam, em có thể đăng ký tham dự một khoá tu ngắn hạn 10 ngày về thiền ở Tịnh Xá Ngọc Thành, Quận Thủ Đức hay Thiền Viện Nguyên Thuỷ, Quận 2 TP. HCM. Nếu ở các tỉnh phía Bắc em có thể đến Thiền Viện Sùng Phúc, Hà Nội gặp quý anh chị trong Câu Lạc Bộ Thanh Niên Phật Tử Hà Nội hay quý thầy cô thường trú tại Thiền Viện để được giúp đỡ học hỏi.
Em không có gì phải ngại ngùng khi bước vào cổng chùa, không có gì phải e dè khi đứng trước tôn tượng đức Phật hay khi nói chuyện với quý thầy cô trong chùa vì em đâu có làm một điều gì tội lỗi xấu xa, không làm gì phương hại đến đạo đức gia đình, và vi phạm pháp luật quốc gia.
BBT TVHS
[1] According to Thanissaro Bhikkhu, abbot of the Metta Forest Monastery in southern California, the Buddha never forbade gay sex for lay people as far as we know. “When he drew the line between licit and illicit sex, it had nothing to do with sexual tastes or preferences,” he says, citing early texts. “He seemed more concerned with not violating the legitimate claims that other people might have on your sexual partner.”
[2] http://www.shambhalasun.com/index.php?option=com
[3] Trong kinh Phật có kể lại mẫu chuyện ông Soreyya từ nam biến thành nữ và từ nữ biến thành nam, mỗi lần như vậy đều có gia đình và có con, sau đó xuất gia chứng đắc đạo quả. Đọc báo chí chúng ta cũng thấy nhiều trường hợp nam biến thành nữ và nữ biến thành nam. Thậm chí một số quốc gia đã giải phẩu nam thành nữ v.v…http://thuvienhoasen.org/a21256/nam-hoa-nu-nu-hoa-nam
BÀI ĐỌC THÊM: (nhiều tác giả)
PHẬT GIÁO VỚI HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH
Discussion about this post