ĐỀU CÓ PHẬT TÁNH, TẠI SAO PHẢI TU?
Nguyễn Thế Đăng
Nếu tất cả chúng sanh đều sẳn có Phật tánh thì tại sao lại phải tu? Bởi vì sẳn có nhưng bị che lấp bởi vô minh, phiền não. Tu là xóa đi vô minh phiền não đang che lấp Phật tánh, và chính do sự tu này mà có các thứ bậc Bồ tát, như theo trong Kinh, có Thập Trụ, Thập Địa, Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến quả Phật; mặc dù tất cả đều tu trên nền tảng Phật tánh.
Những vấn đề này, Kinh giải thích nhiều trong phẩm Bồ tát Sư Tử Hống, với Sanh nhân và Liễu nhân, Chánh nhân và Duyên nhân, sau đó là các hạnh để đi trên con đường Bồ tát.
“Thiện nam tử! Tất cả các pháp đều không có ngã, mà Niết bàn đây chân thật có ngã (theo nghĩa thường trụ). Do nghĩa này nên Niết bàn thì không có nhân, nhưng thể của nó chính là quả. Vì nó không sanh diệt; vì không do tạo tác, vì chẳng phải hữu vi (hợp tạo), vì là vô vi, vì thường chẳng biến đổi, vì không nương dựa vào ngôn ngữ, vì không thủy không chung.
Là nhân mà chẳng phải quả gọi là Phật tánh, vì chẳng phải do nhân sanh, vì chẳng phải quả của Sa môn nên gọi là chẳng phải quả. Vì sao gọi là nhân? Vì là liễu nhân vậy” (Kinh Đại Bát Niết Bàn – phẩm Bồ tát Sư Tử Hống).
Niết bàn thì không do nhân mà sanh, thể của nó chính là quả, vì không sanh không diệt, không do tạo tác, không thủy không chung… Niết bàn chính là tánh Không, là Pháp thân vậy.
Còn Phật tánh thì chẳng phải quả, vì còn bị vô minh phiền não che chướng. Nhưng Phật tánh “chẳng phải do nhân sanh”, vì Phật tánh thì sẳn có. Nhưng cũng chẳng phải quả của Sa môn, quả giải thoát, vì còn bị vô mình và phiền não che chướng.
Phật tánh cũng được gọi là nhân, vì là nhân cho sự thấy biết rốt ráo (liễu), sự thành tựu rốt ráo (liễu), cho nên Phật tánh cũng là liễu nhân.
Kinh nói tiếp:
“Thiện nam tử! Nhân có hai thứ: Một là sanh nhân (nhân sanh ra), hai là liễu nhân (nhân thành tựu, nhân làm cho thấy biết). Có thể sanh ra vật, đó gọi là nhân sanh ra. Đèn có thể chiếu rõ vật, đó là nhân làm rõ. Các phiền não trói buộc gọi là nhân sanh ra, (vì sanh ra chúng sanh), còn cha mẹ của chúng sanh gọi là nhân thành tựu. Như hạt giống lúa gọi là nhân sanh ra, còn đất, nước, phân… gọi là nhân thành tựu.
Lại có nhân sanh ra là Sáu Ba la mật sanh ra Vô thượng Bồ đề.
Lại có nhân thành tựu là Phật tánh thành tựu Vô thượng Bồ đề.
Lại có nhân thành tựu là Sáu Ba la mật thành tựu Phật tánh.
Lại có nhân sanh ra là Thủ Lăng Nghiêm tam muội sanh ra Vô thượng Bồ đề.
Lại có nhân thành tựu là Tám chánh đạo thành tựu Vô thượng Bồ đề.
Lại có nhân sanh ra, đó là tín tâm, Sáu Ba la mật” (phẩm Bồ tát Sư Tử Hống).
Khi nói đến nhân, nhân sanh ra và nhân thành tựu, đó là đứng về mặt duyên sanh, mặt chân lý tương đối và quy ước.
Nhân sanh ra và nhân thành tựu, sự vật và sự việc gì cũng phải có, kể cả việc tu hành. Chẳng hạn Sáu Ba la mật phải được sanh ra để làm nhân sanh ra, và Sáu Ba la mật phải được thành tựu để trở thành nhân thành tựu. Con đường đưa đến Giác ngộ Vô thượng là con đường của nhân sanh ra và nhân thành tựu hay là nhân thấy biết.
Phật tánh không bị che khuất hay Niết bàn là quả, tức không cần nhân. Tuy nhiên với con người để thấy biết Phật tánh trọn vẹn thì phải cần nhân: nhân sanh ra các pháp tu tập để tịnh hóa chấp ngã chấp pháp, và nhân thành tựu hay nhân thấy biết để chứng ngộ Phật tánh vốn không có ngã và pháp.
Điều quan trọng là trong con đường, trong Phật tánh, đồng thời có nhân sanh ra và cả nhân thành tựu. Như đoạn kinh ở trên nói: “Sáu Ba la mật là nhân sanh ra, đồng thời Sáu Ba la mật cũng là nhân thành tựu”.
“Niết bàn thì không có nhân, thể của nó chính là quả”. Thể Niết bàn là “toàn quả”, cái toàn quả này không do nhân nào sanh ra cả. Cái toàn quả này cũng không do sự sanh ra và thành tựu tất cả các nhân mà thành. Nghĩa là cái toàn quả này vốn có sẳn, vốn tự thành tựu, nó toàn khắp, lìa khỏi, không dính dáng gì đến tất cả các nhân đồng thời nằm trong tất cả các nhân.
Niết bàn là không có nhân, không cần nhân vì tự nó là quả. Đây là đứng về chân lý tuyệt đối và tối hậu mà nói. Nhưng con người chúng ta đang sống trong chân lý tương đối và quy ước, nên để đạt đến quả vốn tự có, phải đi trong các nhân, các phương tiện tu hành, do đó mà có nhân sanh ra và nhân thành tựu, chánh nhân và duyên nhân.
“Thiện nam tử! Nhân có hai thứ: Một là chánh nhân, hai là duyên nhân. Chánh nhân là như sữa sanh ra sữa đông (lạc). Duyên nhân là như ủ, hơi nóng. Vì sữa đông từ sữa sanh ra nên nói trong sữa có tánh sữa đông.
Thiện nam tử! Phật tánh của chúng sanh cũng có hai thứ nhân: Một là chánh nhân, hai là duyên nhân. Chánh nhân là các chúng sanh, duyên nhân là Sáu Ba la mật”.
Trong chúng sanh đều có Phật tánh. Chúng sanh có Phật tánh là chánh nhân, nhưng muốn Phật tánh hiển lộ nơi chúng sanh phải có duyên nhân là sự tích tập công đức và tích tập trí huệ. Muốn Phật tánh ấy hiển lộ, soi chiếu rực rỡ cho chính mình và chúng sanh khác thấy được và thực hành theo thì phải có những duyên nhân làm khai mở, bày lộ là giới, định, huệ, sáu ba la mật, các hạnh Bồ tát…
Chúng sanh nào cũng có một mỏ vàng Phật tánh. Vàng thì không do đất đá, sắt, đồng làm ra, vàng vốn là vàng. Nhưng vàng ấy bị trộn lẫn bao bọc bởi những quặng vô minh, phiền não, hạnh xấu, mặc dù vàng không thể bị nhiễm ô, vàng vẫn là vàng. Vàng là chánh nhân. Các pháp môn tu hành là duyên nhân, để loại bỏ các tạp chất dính vào vàng và gia công cho vàng càng ngày càng tinh chất, và hơn nữa, chế tạo ra những món đồ bằng vàng để trang nghiêm cho thế giới này.
Điều quan trọng là với Đại thừa, các pháp môn duyên nhân không tách lìa với chánh nhân Phật tánh. Duyên nhân luôn luôn nằm trong chánh nhân Phật tánh, duyên nhân chính là sự biểu lộ của chánh nhân Phật tánh. Cho nên tu hành duyên nhân là tu hành trong và trên chánh nhân Phật tánh. Sáu Ba la mật được tiến hành trong và trên nền tảng Phật tánh, hay đúng hơn, sáu ba la mật là sự khai triển, biểu lộ của chính Phật tánh và chính nơi sáu ba la mật mà Phật tánh hiển lộ với chúng ta.
Trong kinh nói nhiều lần thí dụ sữa và lạc (sữa đông). Sữa là “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”; lạc là tinh chất của sữa, là Phật tánh của một bậc giác ngộ, không còn vô minh phiền não. Trong thí dụ này, chúng ta thấy, thật ra trong sữa đã có lạc.
Áp dụng vào sự tu hành, trong sữa đã có lạc nghĩa là trong tâm bình thường của chúng sanh đã có bản tánh của tâm, trong thức đã có Trí, (mà các Kinh đều gọi là Tự nhiên trí, Căn bản trí…). Bản tánh của tâm, hay Trí là chánh nhân luôn luôn hiện diện trong tâm thức bình thường của chúng ta. Nói cách khác, trong tất cả những hoạt động của thân tâm bình thường hàng ngày luôn luôn có bản tánh của tâm, hay Trí, hay chánh nhân Phật tánh. Thế nên, ở mức rốt ráo, các kinh điển khác nói rằng, “Tất cả thức là Trí”, “Phiền não tức Bồ đề”, “Sanh tử tức Niết bàn”. Thấy được như vậy, Kinh này gọi là Liễu nhân.
Đức Phật dạy:
“Phật tánh của chúng sanh chẳng thể phá hoại, chẳng bị lôi kéo, trói buộc. Cũng như trong chúng sanh đều có sẳn hư không, tất cả chúng sanh đều có sẳn hư không, không có chướng ngại, nhưng mỗi người không tự thấy hư không đây. Nếu chúng sanh không có hư không thì làm sao có đến, đi, bước, đứng, ngồi, nằm…thì chẳng sanh ra, chẳng lớn lên. Do nghĩa này nên trong kinh ta nói tất cả chúng sanh đều có hư không giới. Hư không giới này gọi là hư không. Phật tánh của chúng sanh lại cũng như vậy. Bậc Thập trụ Bồ tát thấy được Phật tánh một phần ít như hạt châu kim cương.
Thiện nam tử! Chúng sanh Phật tánh là cảnh giới của chư Phật, chẳng phải Thanh Văn, Duyên Giác biết được. Tất cả chúng sanh vì chẳng thấy Phật tánh nên thường bị phiền não trói buộc mà lưu chuyển trong sanh tử. Thấy Phật tánh thì các phiền não không thể kết tập, trói buộc, nên giải thoát khỏi sanh tử, đắc Đại Niết bàn”.
Trong mỗi chúng sanh đều có sẳn hư không mà nếu không có nó người ta không thể hoạt động, đi đứng, ngồi nằm, nói năng… Hư không đó là tánh Không và cũng là Phật tánh.
Nhưng để làm hiển lộ Phật tánh này, người ta phải gỡ những lớp màn che của phiền não chướng và sở tri chướng và còn mở rộng hơn nữa đến chúng sanh và thế giới, để cho Phật tánh bao trùm toàn bộ hiện hữu, vì như kinh nói:
“Phật tánh là pháp giới”.
Để bao trùm được chúng sanh và thế giới, phải có hạnh Bồ tát mở rộng đến chúng sanh và thế giới: “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh”. Chúng sanh là một mặt bí mật của Phật tánh, nhờ khai mở được bí mật này mà Bồ tát chứng ngộ và nhập pháp giới Phật tánh, bởi vì thật tướng của chúng sanh chính là Phật tánh:
“Vì chúng sanh tức là Phật tánh, Phật tánh tức là chúng sanh, chỉ do có lúc này lúc khác mà có tịnh và bất tịnh” (phẩm Bồ tát Ca Diếp).
Phật tánh như vàng, vốn có sẳn, nhưng phải nhờ hạnh Bồ tát để làm cho sáng sạch và trang nghiêm, và hạnh Bồ tát phải trải rộng khắp các thế giới, do đó hạnh Bồ tát phải bao trùm lấy chúng sanh trong các thế giới. Chúng sanh vừa là mục đích vừa là phương tiện của Bồ tát để thực hành hạnh Bồ tát. Chúng sanh luôn luôn ở trên con đường tự giác – giác tha của Bồ tát, bởi vì nhờ chúng sanh mới có phát tâm Bồ đề và tích tập công đức.
“Phật tánh của chúng sanh chẳng gọi là Phật. Phải nhờ các công đức, nhân duyên (tu tập) hòa hợp nên được thấy Phật tánh, rồi sau mới thành Phật.
Ông nói, chúng sanh đều sẳn có Phật tánh, vì sao lại không thấy? Nghĩa ấy không đúng. Vì sao thế? Vì các công đức nhân duyên chưa hòa hợp vậy.
Do nghĩa này nên ta nói có hai nhân: Chánh nhân và duyên nhân. Chánh nhân là Phật tánh, duyên nhân là phát tâm Bồ đề. Do hai nhân duyên ấy mà được Vô thượng Bồ đề, như từ nơi quặng vàng lấy ra được vàng”.
Phát tâm Bồ đề và các công đức được làm nhờ vào chúng sanh, nên chúng sanh trở thành quan trọng không thể thiếu với cuộc đời Bồ tát.
Trong kinh, phẩm Bồ tát Sư Tử Hống, sau những giải thích về nhân sanh ra và nhân thành tựu, chánh nhân và duyên nhân, kinh nói đến hạnh Bồ tát. Ở đây chỉ trích ra phần tu giới, định, huệ của Bồ tát. Giới định huệ là duyên nhân để hiển lộ chánh nhân – Phật tánh và cả ba không rời ngoài Phật tánh.
“Phật nói: Thiện nam tử! Nếu có người giữ giới chỉ vì muốn tự lợi, hưởng thọ sự vui cõi trời, cõi người, mà chẳng vì độ thoát tất cả chúng sanh, chẳng vì ủng hộ chánh pháp vô thượng, chỉ vì lợi dưỡng, sợ ba đường ác, vì muốn được sống lâu, sắc đẹp, sức mạnh, an ổn, vô ngại biện, vì sợ luật pháp của vua, vì sợ tiếng xấu, vì sự nghiệp thế gian, vì những việc như trên mà hộ trì giới luật thì chẳng được gọi là tu tập giới luật.
Thế nào gọi là chân thật tu tập giới luật? Lúc giữ giới nên vì độ thoát tất cả chúng sanh, vì hộ trì chánh pháp, vì độ người chưa được độ, giải thoát cho người chưa được giải thoát, quy y cho người chưa quy y, người chưa nhập Niết bàn làm cho được nhập. Khi tu tập như vậy chẳng thấy giới, chẳng thấy tướng của giới, chẳng thấy người giữ giới, chẳng thấy quả báo, chẳng tìm xem sự hủy phạm. Thiện nam tử! Nếu có thể như vậy, đó gọi là tu tập giới”.
Động lực tu tập của người tu Bồ tát hạnh là để độ thoát tất cả chúng sanh, hộ trì chánh pháp, nên rất rộng lớn và mạnh mẽ. Vì người khác mà giữ giới đó là tu tập giới cùng với lòng đại bi, do đó sự tu tập này lan khắp pháp giới cho đến lúc đồng đẳng với pháp giới.
Giới cùng với lòng bi lại đồng thời với trí huệ tánh Không: chẳng thấy người giữ giới, chẳng thấy giới, chẳng thấy kết quả của việc giữ giới. Như vậy, tu tập giới của Bồ tát là đồng thời với tu tập trí huệ tánh Không và đại bi, tức là hai yếu tố căn bản của con đường Bồ tát. Giới như vậy bao trùm cả pháp giới.
“Thế nào gọi là tu tập tam muội? Khi tu chánh định, vì tự độ thoát, vì lợi dưỡng, mà chẳng vì chúng sanh, chẳng vì hộ pháp, vì thấy những lỗi tham dục, sự bất tịnh của thức ăn, của nam căn nữ căn, của chín lỗ trong thân, vì thấy sự bất tịnh của tranh đấu, cãi cọ, đánh đấm, giết hại lẫn nhau. Nếu vì những việc ấy mà tu tam muội thì không gọi là tu tập tam muội.
Thế nào gọi là chân thật tu tam muội? Nếu vì chúng sanh mà tu tập tam muội, được tâm bình đẳng với chúng sanh, vì muốn giúp cho chúng sanh được pháp chẳng thối chuyển, vì khiến chúng sanh được thánh tâm, vì muốn cho chúng sanh đạt được Đại thừa, vì muốn hộ trì Pháp vô thượng, vì muốn khiến cho chúng sanh chẳng thối thất tâm Bồ đề, làm cho chúng sanh được tam muội Thủ Lăng Nghiêm, được tam muội Kim Cương, được Đà la ni, được Bốn Vô ngại, được thấy Phật tánh. Lúc làm những hạnh ấy, chẳng thấy tam muội, chẳng thấy tướng tam muội, chẳng thấy người tu, chẳng thấy quả báo. Nếu có thể như vậy, đó gọi là tu thập tam muội”.
Tu định hay tam muội chẳng phải vì mình, vì cái định của mình, mà vì chúng sanh. Cái định bao trùm cả chúng sanh bởi vì cái định ấy là cái định của Một Tâm:
Tâm, Phật và chúng sanh
Cả ba không sai khác.
(phẩm Dạ ma cung kệ tán, Kinh Hoa Nghiêm)
An trụ trong cái định Một Tâm này, thấy tất cả chúng sanh với mình cùng Một Tâm, thì mới có thể làm lợi lạc cho chúng sanh, mới có thể “Nguyện thân tôi đây thay cho chúng sanh nhận khổ não lớn”.
Cái định như vậy được gọi là định Thủ Lăng Nghiêm, định Kim Cương hay ở kinh khác là tam muội Hải Ấn, nhận tất cả thế giới chúng sanh, nhận tất cả hình bóng của hiện hữu như tất cả hình bóng của ngày đêm in bóng và đại dương.
Cái định như vậy là nền tảng hợp nhất và cũng là thực tại tối hậu của tánh Không và đại bi.
“Thế nào gọi là tu trí huệ? Nếu người tu hành suy nghĩ như vầy: Nếu tôi tu trí huệ này thì sẽ được giải thoát, ra khỏi ba đường xấu ác. Đâu có ai có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sanh? Đâu có ai có thể ở trong đường sanh tử mà độ mọi người? Phật ra đời thì khó gặp như hoa Ưu Đàm. Nay tôi có thể đoạn các phiền não trói buộc để được quả giải thoát, thế nên tôi phải chuyên cần tu trí huệ, mau chóng đoạn dứt phiền não, sớm được giải thoát. Tu tập như thế thì chẳng gọi là tu tập trí huệ.
Thế nào là chân thật tu tập trí huệ? Người trí nếu quán sát sanh, lão, tử, khổ. Tất cả chúng sanh vì bị vô minh che lấp, chẳng biết tu tập chánh đạo vô thượng. Nguyện thân tôi đây thay cho chúng sanh nhận khổ não lớn. Nguyện cho những tâm bần cùng, hạ tiện, phá giới, những nghiệp tham sân si của chúng sanh đều chồng chất vào thân tôi. Nguyện cho chúng sanh chẳng tham bám, chẳng bị danh sắc trói buộc. Nguyện cho chúng sanh sớm thoát khỏi sanh tử, chỉ để một thân tôi ở nơi sanh tử chẳng chán mệt. Nguyện cho tất cả chúng đều đạt được Vô thượng Bồ đề. Lúc tu như vậy, chẳng thấy trí huệ, chẳng thấy tướng trí huệ, chẳng thấy người tu, chẳng thấy quả báo, đó gọi là tu tập trí huệ.
Thiện nam tử! Người tu tập giới định huệ như vậy thì gọi là Bồ tát. Người không thể tu tập giới định huệ như vậy gọi là Thanh Văn”.
Trí huệ là sự quán sát thế gian để dần dần thâm nhập thật tướng của nó. Ban đầu thấy cạn, chỉ thấy chân lý tương đối của thế gian là sanh, lão, tử, khổ. Nhờ quán sát ở cấp độ chân lý tương đối này mà phát khởi tâm và nguyện bi mẫn. Đến cấp độ chân lý tuyệt đối, thấy thật tướng của thế gian và chúng sanh là tánh Không thì với nền tảng tánh Không này mới kham nhẫn nổi tâm và nguyện đại bi. Trí huệ là ánh sáng soi chiếu và thấu thoát qua các tướng để thấy các tướng là tánh Không.
Bồ tát tu trí huệ để soi thấu tánh Không, nhưng tánh Không này bất khả phân với đại bi, bất khả phân với nguyện và hạnh Bồ tát.
Trong tam muội Thủ Lăng Nghiêm, tam muội Kim Cương, tam muội Hải Ấn, định và huệ là đồng đẳng. Chẳng hạn trong tam muội Hải Ấn sự bình lặng của đại dương không sóng là định, sự phản chiếu tất cả các hình bóng của sự hiện hữu là huệ.
Với ‘duyên nhân’ là chúng sanh như vậy, Bồ tát dần dần hợp nhất duyên nhân và chánh nhân Phật tánh cho đến mức hoàn hảo. Đức Phật Thích Ca đã thành Phật do tu hành Giới Định, Huệ trên nền tảng Phật tánh:
“Xưa kia trong tám mươi ức kiếp, ta thường giữ giới trong sạch, ít muốn biết đủ, thành tựu oai nghi, khéo tu vô lượng pháp tạng của chư Phật, thuở ấy ta cũng tự biết một cách quyết định rằng mình có Phật tánh. Thế nên nay ta thành Vô thượng Chánh giác, được gọi là Phật, có đại từ đại bi” (phẩm Tà Chánh).
Đức Phật là Đại Trí, Đại Từ Bi và Đại Hạnh hợp nhất, như bài kệ của Thích Đề Hoàn Nhân ca ngợi Phật:
Như Lai nhiều kiếp hành khổ hạnh
Vì lợi ích quần sanh chúng con
Được thành đạo Vô thượng Chánh giác
Đồng thương chúng sanh như con một.
Ban cho pháp lành thuốc vô thượng
Y sư trị bệnh là Y vương
Mây đại Từ Bi che chúng sanh
Mưa Huệ cam lồ rưới khắp cả.
Ánh sáng huệ nhật phá vô minh
Chúng sanh mê mờ thấy Thánh đạo
Nguyệt chiếu Từ quang soi sáu nẻo
Ba cõi được nhờ thoát các khổ…
(phẩm Ứng Tận Hoàn Nguyên)
Discussion about this post