Trong Kinh Tạng có hai bài Kinh Gaddulabaddha (Dây Trói Buộc) và hôm nay chúng ta sẽ nghiên cứu cả hai bài kinh này để hiểu rõ những gì Đức Phật muốn nói.
Bài Kinh Thứ Nhất
Một thời Đức Thế Tôn ở tại Sāvatthi. Ở đó Đức Thế Tôn gọi các vị Tỳ-kheo và nói như vầy:
“Này các Tỳ-kheo, khởi đầu của vòng luân hồi (samsara) này là không thể khám phá ra được. Điểm bắt đầu không thể nêu rõ đối với các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, phải lưu chuyển và xoay quanh trong vòng luân hồi (saṃsāra).”
Nghiệp lực chỉ có thể tạo ra quả của nó dưới sự hỗ trợ của vô minh (avijjā) và tham ái (taṇhā). Không có vô minh và tham ái, nghiệp lực không thể tạo ra quả được. Vì thế trong bài kinh này Đức Phật đã giảng dạy hai nhân chính của vòng tái sanh luân hồi (saṃsāra), đó là, vô minh và tham ái.
Vô minh có nghĩa là nhận thức một cách sai lầm cho rằng có đàn ông thực, có đàn bà thực, v.v… Theo lời dạy của Đức Phật, không có đàn ông, không có đàn bà, v.v…, mà chỉ có danh và sắc tối hậu hay danh & sắc chơn đế mà thôi. Nếu ai nghĩ rằng ‘đây là một người đàn ông, một người đàn bà, đây là con trai, con gái, v.v…’ thì sự hiểu biết sai lầm của người ấy được gọi là vô minh. Khi chúng ta hành thiền (phân tích) tứ đại một cách hệ thống, chúng ta sẽ thấy được các phân tử nhỏ. Nếu chúng ta phân tích các phân tử nhỏ ấy, chúng ta sẽ thấy cả thảy có hai mươi tám loại sắc (rūpa). Hơn nữa, còn có danh (phần tinh thần) khởi lên nương vào sắc này. Như vậy chỉ có danh và sắc, ngoài ra không còn gì khác. Ngay khi danh và sắc sanh lên, chúng liền diệt, vì thế chúng là vô thường. Không có con trai, không có con gái, không có cha, mẹ, đàn ông, và đàn bà thường hằng. Nếu ai nhận thức rằng có đàn ông, đàn bà, v.v… người ấy có vô minh.
Khi có vô minh, thì tham ái, là sự dính mắc vào các đối tượng ấy, có thể phát sanh do duyên vô minh. Một khi đã có vô minh và tham ái, nghiệp lực chắc chắn sẽ tạo ra quả tốt hay xấu khi chín mùi. Đó là lý do vì sao Đức Phật dạy trong bài Kinh này như vầy: Không có điểm khởi đầu được nêu rõ đối với các chúng sinh bị vô minh che đậy và bị tham ái trói buộc, phải lưu chuyển và xoay quanh trong vòng luân hồi.
Rồi Đức Phật tiếp:
“Này các Tỳ-kheo, một thời sẽ đến khi mà biển lớn khô cạn, hoàn toàn khô cạn, và không còn hiện hữu nữa. Thế nhưng, Ta nói không có sự chấm dứt khổ đau đối với các chúng sinh bị vô minh che đậy và bị tham ái trói buộc, phải lưu chuyển và xoay quanh trong vòng luân hồi.
Theo giáo lý của đạo Phật, một ngày nào đó thế gian sẽ bị tiêu huỷ bởi lửa, hay nước hoặc gió. Trong bài Kinh này, Đức Phật mô tả những tình trạng khi thế gian bị tiêu huỷ bằng lửa. Vào thời gian ấy, số lượng mặt trời tăng lên dần. Thông thường các chúng sinh trong bốn cõi khổ sẽ chết và được tái sanh trong cõi người hoặc chư thiên. Khi có năm mặt trời xuất hiện trên bầu trời, nước trong đại dương sẽ khô cạn, hoàn toàn khô cạn và không còn hiện hữu. Thời gian ấy, thông thường tất cả chúng sinh trong cõi dục sẽ chết. Trước khi cái chết xảy ra, con người lo lắng hành thiền và đắc thiền. Nhờ thiền đó họ được tái sanh trong Phạm thiên giới. Vì thế Đức Phật nói rằng ngay cả lúc ấy (lúc biển lớn khô cạn) cũng không có sự chấm dứt của vòng luân hồi như vầy: “Thế nhưng, Ta nói không có sự chấm dứt khổ đau đối với các chúng sinh bị vô minh che đậy và bị tham ái trói buộc, phải lưu chuyển và xoay quanh trong vòng luân hồi.
Lại nữa, Đức Phật tiếp:
“Này các Tỳ-kheo, một thời sẽ đến khi mà núi Tu-di (Sineru), vua của các ngọn núi, bị thiêu huỷ, lụi tàn và không còn hiện hữu. Nhưng, Ta nói, vẫn không có sự chấm dứt khổ đau đối với các chúng sinh bị vô minh che đậy và bị tham ái trói buộc, phải lưu chuyển và xoay quanh trong vòng luân hồi.
Khi mặt trời thứ sáu xuất hiện, núi chúa Tu-di bị thiêu huỷ, lụi tàn và không còn hiện hữu nữa. Lúc đó, do vô minh và tham ái, nghiệp lực của thiền (Jhana) khiến cho các chúng sinh được tái sanh trong Phạm thiên giới. Vì thế Đức Phật dạy như vầy: “Nhưng, Ta nói, vẫn không có sự chấm dứt khổ đau đối với các chúng sinh bị vô minh che đậy và bị tham ái trói buộc, phải lưu chuyển và xoay quanh trong vòng luân hồi.”
Rồi Đức Phật tiếp tục:
“Này các Tỳ-kheo, một thời sẽ đến khi mà đất lớn (quả điạ cầu) bị thiêu huỷ, tàn lụn và không còn hiện hữu nữa. Nhưng, Ta nói, vẫn không có sự chấm dứt khổ đau đối với các chúng sinh bị vô minh che đậy và bị tham ái trói buộc, phải lưu chuyển và xoay quanh trong vòng luân hồi.
Khi mặt trời thứ bảy xuất hiện đất lớn biến đổi, tàn lụi và không còn hiện hữu nữa. Lúc đó, duyên vô minh và tham ái, các chúng sinh còn lại cố hết sức để đắc thiền. Do nghiệp lực của thiền ấy, sau khi chết họ tái sanh Phạm thiên giới. Vì thế Đức Phật nói rằng: “Nhưng Ta nói, vẫn không có sự chấm dứt khổ đau đối với các chúng sinh bị vô minh che đậy và bị tham ái trói buộc, phải lưu chuyển và xoay quanh trong vòng luân hồi.”
Rồi Đức Phật tiếp tục bài Pháp của mình với ảnh dụ một con chó:
“Ví như, này các Tỳ-kheo, một con chó bị xích bằng một sợi dây và buộc chặt vào cây cột hay cột trụ chắc chắn: nó sẽ chỉ chạy vòng quanh và chạy vòng tròn cây cột hay cột trụ ấy. Cũng vậy, kẻ vô văn phàm phu (người bình thường không được chỉ dẫn tu tập), không thấy các bậc thánh và không thiện xảo, không tu tập Pháp của các bậc thánh (ở đây là Tứ Thánh Đế), không thấy các bậc chân nhân và không thiện xảo, không tu tập Pháp của các bậc chân nhân, xem –
– sắc như là tự ngã, hay
– tự ngã như là có sắc, hay
– sắc ở trong tự ngã, hay
– tự ngã ở trong sắc.
Người ấy xem thọ như là tự ngã…Người ấy xem tưởng như là tự ngã…Người ấy xem các hành như là tự ngã … Người ấy xem thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.
Người ấy chỉ có chạy vòng quanh và chạy lòng vòng từ sắc này đến sắc khác, từ thọ này đến thọ khác, từ tưởng này đến tưởng khác, từ hành này đến hành khác, từ thức này đến thức khác.
Vì rằng người ấy cứ tiếp tục chạy vòng quanh và chạy lòng vòng quanh chúng, người ấy không giải thoát khỏi sắc, không giải thoát khỏi thọ, không giải thoát khỏi tưởng, không giải thoát khỏi các hành, không giải thoát khỏi thức. Người ấy không giải thoát khỏi sanh, già và chết; không giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu và não; không giải thoát khỏi khổ đau, Ta nói như vậy.
Ở đây, Đức Phật giải thích hai mươi loại thân kiến (Sakkāyadiṭṭhi), tức quan kiến sai lầm về cá nhân con người. Tôi sẽ giải thích hai mươi loại thân kiến này cho quý vị hiểu.
Trong sắc uẩn có bốn loại thân kiến (Sakkāyadiṭṭhi).
Khi Đức Phật nói họ (kẻ vô văn phàm phu) xem sắc như là tự ngã, thì điều đó có nghĩa rằng họ xem tự ngã ấy và sắc là một. Tự ngã là sắc; sắc là tự ngã. Chú giải giải thích điều này với một ví dụ: ánh sáng (cây đèn) và ngọn lửa của cây đèn là một. Ánh sáng là ngọn lửa và ngọn lửa là ánh sáng. Theo cách tương tự, đối với một số người tin nơi tự ngã nghĩ rằng tự ngã là sắc; sắc là tự ngã; hay nói khác hơn tự ngã và sắc là một.
Tự ngã như là có sắc. Trong trường hợp này, danh là tự ngã. Tự ngã và sắc là khác. Họ xem các uẩn thọ, tưởng, hành và thức là tự ngã. Bốn uẩn này có sắc. Chú giải giải thích với một ví dụ: Cây và bóng của cây là khác. Cây là một vật; bóng của cây là vật khác. Một cây có một cái bóng. Cũng vậy, sắc ở đây giống như cái bóng. Tự ngã, danh, giống như cây.Tự ngã là một thứ; danh là một thứ khác. Tự ngã có sắc.
Sắc ở trong tự ngã. Họ xem danh là tự ngã. Sắc hiện hữu trong danh tức sắc hiện hữu trong tự ngã. Chú giải giải thích với một ví dụ: Một bông hoa có mùi. Mùi đó hiện hữu trong bông hoa. Theo cách tương tự, tự ngã (danh) giống như bông hoa; sắc giống như mùi. Sắc hiện hữu trong tự ngã.
Tự ngã ở trong sắc. Họ xem danh là tự ngã. Tự ngã này hiện hữu trong sắc. Chú giải giải thích với một ví dụ: Bên trong một cái hộp có một viên ngọc. Viên ngọc hiện hữu trong cái hộp. Cũng thế, sắc giống như cái hộp, và tự ngã giống như viên ngọc. Tự ngã hiện hữu trong sắc.
Như vậy có bốn ví dụ: (1) ánh sáng và ngọn lửa của cây đèn, (2) cây và bóng của cây, (3) hoa và mùi của hoa, (4) hộp và viên ngọc. Bốn ví dụ này nằm trong những giải thích của chú giải Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), Aṭṭhasālinī . Đây là bốn loại thân kiến (Sakkāyadiṭṭhi) liên quan đến sắc uẩn. Đối với mỗi uẩn trong bốn danh uẩn còn lại thọ, tưởng, hành và thức cũng có bốn loại thân kiến. Như vậy tổng cộng có hai mươi loại thân kiến.
Trong bài Kinh này và trong bài Kinh kế tiếp Gaddulabaddha Sutta, Đức Phật giải thích cách làm thế nào để huỷ diệt hai mươi loại thân kiến này. Do vì hai mươi loại thân kiến này là những cơ sở cho các tà kiến. Hay có thể nói rất nhiều loại tà kiến, như vô hành kiến (akiriyadiṭṭhi), vô nhân kiến (ahetukadiṭṭhi), vô quả kiến (natthikadiṭṭhi) v.v… đều nương vào thân kiến này.
Vô hành kiến (akiriyadiṭṭhi) phủ nhận hành vi của các thiện pháp và bất thiện pháp (dhammas).
Vô nhân kiến (ahetukadiṭṭhi) phủ nhận nhân của các quả hay nói cách khác không tin quả hiện tại là do nhân quá khứ.
Vô quả kiến (natthikadiṭṭhi) phủ nhận quả của nhân, tức không tin nghiệp sẽ cho ra quả.
Như vậy ba quan kiến này phủ nhận Nghiệp (kamma) và quả của nghiệp.
Trong bài kinh Gaddulabaddha, Đức Phật giải thích với ví dụ con chó “Ví như, này các Tỳ-kheo, một con chó bị xích bằng một sợi dây và buộc chặt vào cây cột hay cột trụ vững chắc: nó sẽ chỉ chạy vòng quanh và chạy vòng tròn quanh cây cột hay cột trụ ấy.” Con chó trong ví dụ trên bị xích bằng sợi dây và buộc vào một cây cột hay cây cột trụ vững chắc, vì thế nó không thể chạy đi đâu được. Cũng tương tự như vậy, nếu một kẻ vô văn phàm phu có vô minh, thân kiến và tham ái mạnh mẽ, họ sẽ không thể thoát khỏi vòng tử sanh luân hồi, do ba yếu tố này. Vô minh và thân kiến che lấp con mắt trí tuệ khiến cho anh ta không thấy được những thực tại tối hậu (các pháp chơn đế) đúng như chúng thực sự là. Thân kiến (Sakkāyadiṭṭhi) giống như sợi dây xích cột quanh cổ anh ta. Tham ái giống như sợi dây cột anh ta vào cây cột hay cây cột trụ vững chắc. Năm thủ uẩn giống như cây cột hay cột trụ vững chắc ấy. Vô minh và tham ái sẽ khiến cho anh ta làm các hành động thiện hay bất thiện. Hành động đó gọi là nghiệp (kamma). Khi vô minh và tham ái vẫn còn, một nghiệp lực chín mùi sẽ tạo ra thức tái sanh (kiết sanh thức) của kiếp kế sau khi chết. Nếu đã có thức tái sanh, thì sẽ có già, bệnh chết trở lại, và sầu, bi, khổ, ưu và não cũng sẽ xảy ra. Như vậy anh ta không thể thoát khỏi vòng tử sanh luân hồi.
Tôi sẽ giải thích bằng một ví dụ cho dễ hiểu. Giả sử có người kia cúng dường ánh sáng đến hình tượng Đức Phật. Và anh ta nguyện kiếp sau được sanh làm một vị Tỳ-kheo. Theo Vi-diệu-Pháp, không có Tỳ-kheo, chỉ có danh và sắc. Nếu anh ta cho rằng có Tỳ-kheo, thì đây là vô minh (avijjā). Sự gắn bó vào đời sống Tỳ-kheo ấy là tham ái (taṇhā). Chấp chặt vào đời sống Tỳ-kheo là thủ (upādāna). Duyên vô minh, ái và thủ người ấy cúng dường ánh sáng đến tượng Phật. Đây là một thiện nghiệp, tức saṇkhāra (hành) và nghiệp lực. Tất cả có năm nhân: vô minh, ái, thủ, hành và nghiệp. Nếu anh ta phân biệt hay quán danh (nāma kammaṭṭhāna), anh ta có thể thấy ra rằng có ba mươi bốn tâm hành trong lúc anh ta đang cúng dường ánh sáng đến tượng Phật. Ngay khi những tâm hành này sanh lên chúng liền diệt. Không có hành nào thường hằng. Thế nhưng vẫn có một loại năng lực tồn tại. Khi năng lực ấy chín mùi, nó có thể tạo ra năm uẩn của đời sống Tỳ-kheo hợp theo nguyện ước trước đây của anh ta. Năng lực đó gọi là nghiệp lực. Vì thế, bao lâu năm uẩn này còn hiện hữu, vòng tái sanh vẫn sẽ tiếp diễn. Anh ta không giải thoát khỏi khổ đau được.
Đức Phật tiếp tục:
“Nhưng, này các Tỳ-kheo, vị đa văn Thánh đệ tử được thấy các bậc Thánh, thiện xảo và tu tập Pháp các bậc Thánh, được thấy các bậc chân nhân, thiện xảo và tu tập Pháp của các bậc chân nhân, không xem sắc như là tự ngã, hay xem tự ngã như là có sắc, hay xem sắc ở trong tự ngã, hay xem tự ngã ở trong sắc.
Vị ấy không xem thọ…tưởng…hành…Vị ấy không xem thức như là tự ngã, hoặc xem tự ngã như là có thức, hoặc xem thức ở trong tự ngã, hoặc xem tự ngã ở trong thức.
Vị ấy không còn chạy vòng quanh, chạy lòng vòng từ sắc này đến sắc khác, từ thọ này đến thọ khác, từ tưởng này đến tưởng khác, từ hành này đến hành khác, từ thức này đến thức khác.
Vì vị ấy không còn chạy vòng quanh, chạy lòng vòng quang chúng, vị ấy được giải thoát khỏi sắc, giải thoát khỏi thọ, giải thoát khỏi tưởng, giải thoát khỏi các hành, gải thoát khỏi thức.
Vị ấy giải thát khỏi sanh, già và chết; giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu và não; giải thoát khỏi khổ, Ta nói như vậy.”
Vị ấy cố gắng để được giải thoát khỏi khổ như thế nào? Chúng ta sẽ bàn đến ở cuối bài Kinh Dây Trói Buộc (Gaddalabaddha Sutta) thứ hai. Trong bài kinh đó Đức Phật đã giải thích rằng các các loại nghiệp khác nhau là lý do khiến cho có sự đa dạng của tất cả chúng sinh kể cả trong cõi địa ngục. Bây giờ chúng ta sẽ bàn luận nội dung bài kinh ấy.
Pa-Auk Sayadaw giảng Tỳ kheo Pháp thông Dịch Việt.
.
Discussion about this post