ĐẠO PHẬT Ở ĐẤT NƯỚC THÀNH CÁT TƯ HÃN
Phạm Bá Thùy
Mông Cổ là một trong những lãnh thổ có người cư trú lâu đời nhất trên thế giới, và mặc dù hiện nay tại nhiều khu vực của quốc gia này không có dân cư, ngày trước nơi đây đã được người dân định cư trong một thời gian khá dài. Vùng đất Mông Cổ – “Đại thảo nguyên Á-Âu” – chưa bao giờ bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nơi đây từng thịnh hành nhiều trường phái tôn giáo, một số triều đại biến mất, những triều đại khác xuất hiện, con người, tư tưởng và quyền lực luân phiên thay thế nhau…
Lịch sử tiếp nhận Phật giáo ở Mông Cổ
Lần đầu tiên Phật giáo xuất hiện trên lãnh thổ Mông Cổ vào thế kỷ II trước Tây lịch, và từ đó các dân tộc (người Hung và Syanbi) sống ở đây bắt đầu làm quen với tôn giáo này. Người Mông Cổ khi đó cho rằng Phật giáo đến từ người Duy Ngô Nhĩ, một tộc người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, sống tĩnh tại lâu dài ở một địa điểm nhưng thỉnh thoảng lại chuyển đổi nếp sống sang lối lang thang du mục. Trong các thể kỷ ngay trước và ngay sau Tây lịch, người Mông Cổ đã bắt đầu biết đến các tôn giáo phổ biến trên thế giới: Phật giáo, Hồi giáo, và Công giáo.
Tuy nhiên, suốt hơn 1.000 năm, đạo Phật chỉ được truyền bá trong dân gian và không được chính quyền thừa nhận. Lần đầu tiên giới quý tộc Mông Cổ tỏ ra quan tâm đến Phật giáo bắt nguồn từ thời kỳ các chiến dịch viễn chinh của Thành Cát Tư Hãn. Sát Hợp Đài, con trai thứ hai của Đại hãn Oa Khoát Đài (là con trai thứ ba của Thành Cát Tư Hãn), đã mời Đại sư Tây Tạng Sakya Pandita Kunga Jalt San (1182-1251) đến Mông Cổ để hoằng dương Phật pháp. Sau khi phổ biến thành công học thuyết của Phật giáo, Đức Sakya Pandita đã hoàn thiện văn bản chữ viết tiếng Mông Cổ, phát triển một bảng chữ cái tiếng Mông Cổ mới (về sau được gọi là chữ viết cổ của người Mông Cổ).
Dưới thời trị vì của Hốt Tất Liệt, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn và là người đã chinh phục thành công toàn cõi Trung Hoa để thành lập triều đại nhà Nguyên (1260-1369), gần như toàn bộ người dân và giới quý tộc đều chấp nhận Phật giáo như một quốc đạo, mặc dù trước đó họ đều là tín đồ Shaman giáo. Dưới sự cai trị của ông, đế chế Mông Cổ đạt đến quy mô lớn nhất và vô cùng hưng thịnh, chiếm 4/5 diện tích lục địa Á-Âu. Sau khi thành lập nhà Nguyên, Hốt Tất Liệt (miếu hiệu Nguyên Thế tổ) đã dời kinh đô từ Karakorum ở vùng đất Mông Cổ ngày nay sang Bắc Kinh. Dưới thời ông, Phật giáo được công nhận là tôn giáo chính thức của đế chế Mông Cổ, với sự khoan dung độ lượng hiếm có vào thời đó, và duy trì đến tận ngày nay.
Theo lệnh của Hốt Tất Liệt, đại sư Sakya Pagba-Lama (1235-1280), cháu trai của Gunga Dzhaltsan, đã phát triển một hình thức chữ viết Mông Cổ mới (chữ vuông) cho ngôn ngữ chính của đế chế Mông Cổ, bao gồm Nguyên-Mông, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ và một số nước chư hầu, nhằm thống nhất văn hóa của các quốc gia trong đế chế, cũng như để phiên âm, chuyển ngữ các văn bản tiếng Phạn. Thời đó, Phật giáo chủ yếu được chấp nhận bởi triều đình và một số đại diện của tầng lớp quý tộc Mông Cổ.
Vào giữa thế kỷ XIV, với sự sụp đổ của vương triều nhà Nguyên ở Trung Quốc, ảnh hưởng của Phật giáo ở Mông Cổ, được hỗ trợ chủ yếu bởi giới quý tộc, bắt đầu suy yếu. Người Mông Cổ buộc phải quay trở lại với núi đồi và thảo nguyên của mình, nơi họ nhanh chóng tiếp cận với tình trạng mà từ đó hoàn cảnh lịch sử và Thành Cát Tư Hãn thiên tài đã đưa họ ra với thế giới bên ngoài.
Vào thế kỷ XVI, cùng với việc củng cố một số tiểu hãn quốc Mông Cổ, đời sống Mông Cổ truyền thống bắt đầu hồi phục. Đạo Shaman nguyên thủy không còn làm hài lòng người Mông Cổ, đặc biệt là tầng lớp quý tộc, và vì thế những tia lửa được bảo tồn của Phật giáo trước đây bắt đầu bùng lên. Phật giáo hấp dẫn người Mông Cổ bằng các nghi thức đẹp, thu hút lòng người, bằng cả sự khoan dung đối với các tín ngưỡng dân gian Mông Cổ cũ xưa.
Lúc này người Mông Cổ tích cực giao tiếp với Tây Tạng để làm quen với Phật giáo dưới hình thức tông phái “mũ vàng” (Cách-lỗ phái, Gelugpa, hay tông phái của các hiền nhân). Năm 1576, Altan Khan (1534-1586) của Tumet đã mời Sodnam Jamtso (III Great Llama) từ Tây Tạng về để truyền bá Phật giáo theo tinh thần Cách-lỗ phái. Sau đó, danh xưng “Dalai Lama” xuất hiện, mà Altan Khan đã dùng để tôn vinh “Lạt-ma vĩ đại của phái Mũ vàng”, và từ đó là cho tất cả các hóa thân về sau của ngài.
Người Mông Cổ tỏ ra vô cùng đồng cảm với đức tin mới, họ đã chuẩn bị để chấp nhận Phật giáo bằng cách bài trừ Shaman giáo và từ bỏ một số truyền thống của giáo phái Phật giáo “mũ đỏ” vẫn còn tồn tại rải rác đó đây trong dân chúng. Do những điều kiện này, Phật giáo mũ vàng được lan truyền rộng rãi và nhanh chóng trong tất cả các bộ lạc Mông Cổ. Năm 1578, tất cả những người đứng đầu các tiểu hãn quốc Mông Cổ đã tề hội với Tsongkhapa, người đứng đầu trường phái Phật giáo Gelugpa lúc bấy giờ ở Tây Tạng (còn gọi là giáo phái mũ vàng hoặc đơn giản là giáo phái màu vàng), và đã quyết định tiếp nhận Phật giáo làm quốc giáo. Người Mông Cổ lần đầu tiên xây dựng tu viện – đó là thiền viện Erdene Dzu, được thành lập bởi Đại hãn Abatay vào năm 1586, trên sông Orkhon, ở cố đô Karakorum của đế chế Mông Cổ ngày trước.
Thông thường, khi nói về Phật giáo Tây Tạng-Mông Cổ, Lamaism, người ta mặc định rằng đó có nghĩa là giáo phái Gelugpa, đồng thời là một giáo phái được biết đến nhiều nhất ở châu Âu. Các tín đồ của giáo phái Mũ vàng dành cho Tsongkhapa một sự sùng bái phi thường; ở tất cả mọi nơi trên thế giới, nơi giáo lý của ngài lan tỏa – ở Tây Tạng, ở Gobi Mông Cổ, ở vùng Ngoại Baokal, ở thảo nguyên Astrakhan, ở vùng núi Thiên Sơn – ở khắp mọi nơi Tsongkhapa được tôn vinh không chỉ như là người đứng đầu, người sáng lập ra tông phái mới, mà còn như là một vị Bồ-tát hùng mạnh, hoàn hảo và nhân hậu được sánh như một vị Phật thứ ba. Đó là lý do tại sao tượng của Tsongkhapa được dựng ở khắp các đền thờ, bảo tháp, nhà ở của người Tây Tạng và Mông Cổ, và đó cũng là lý do tại sao hình ảnh của ngài được mọi người mang trên ngực.
Chẳng bao lâu sau, giáo điều về những lần tái sinh liên tiếp của “những Đạt-lai Lạt-ma vĩ đại” đã được hình thành dưới thời những người kế vị Tsongkhapa và được truyền bá trong cộng đồng tín đồ giáo phái Mũ vàng. Lạt-ma vĩ đại thứ ba đã đi đến Mông Cổ, gặp Đại hãn Tuman Altan để truyền bá Phật giáo tại đó theo tinh thần trường phái của mình. Không lâu sau đó, dưới thời Đạt-lai Lạt-ma thứ năm, Agvan Lobsan Dorzhiev (thế kỷ XVII), giáo điều về sự tái sinh của Đạtlai Lạt-ma cuối cùng đã được thiết lập. Theo giáo điều này, một người nào đó có trí huệ siêu phàm hoặc đời sống thánh thiện, được cộng đồng Phật giáo nhất trí đề cử, thì sẽ được tuyên bố rằng đó là một vị Bồ-tát tái sinh, và sẽ là vị Đạt-lai Lạt-ma của đời kế tiếp.
Đồng thời, toàn bộ chuỗi tái sinh trước đó đã được thừa nhận và người ta nhận ra rằng vị thánh này sẽ tái sinh hết lần này đến lần khác, tiếp tục chuỗi tái sinh của mình vì lợi ích của tất cả chúng sinh để truyền bá ánh sáng giáo lý chân chính của Đức Phật. Hiện tại có rất nhiều vị thánh tái sinh ở Tây Tạng và Mông Cổ, hiếm có một tu viện nào không có ít nhất một vị thánh tái sinh như vậy. Hơn nữa, mọi người, với sự tôn kính phi thường và đức tin vô biên đối với thuyết luân hồi, thường không quan tâm đến việc tái sinh của bản thân mình, vì vậy Đức Đạt-lai, một vị Bồ-tát, được tái sinh trong thế giới quan Phật giáo. Có một thực tế là vào thế kỷ XVII, khi giáo điều này xuất hiện, các Đạt-lai Lạtma tái sinh đã có được quyền lực và ảnh hưởng to lớn; tầm quan trọng của họ còn tăng hơn nữa khi vị Đạt-lai thứ năm, được gọi là “đại thánh nhân”, trở thành người cai trị thế tục ở miền trung Tây Tạng.
Thế giới tu viện ở Mông Cổ
Giống như ở các quốc gia Phật giáo khác, các tu viện là trọng tâm của đời sống tôn giáo ở Tây Tạng và Mông Cổ. Ở các quốc gia có nền văn hóa chưa phát triển cao, đặc biệt là trong số những người du mục ở Mông Cổ và một phần ở Tây Tạng, các tu viện, thiền viện trở thành trung tâm không chỉ của tôn giáo, mà cả của văn hóa cộng đồng nói chung. Theo điều kiện sống của các quốc gia này, do sự khắc nghiệt của khí hậu, chỉ trong các tu viện, những điều kiện thuận lợi được tạo ra để mọi người có thể dành phần lớn thời gian cho các bài tu tập tinh thần. Trong các tu viện Phật giáo của Mông Cổ và Tây Tạng thường có cả trường học, nhà in, xưởng vẽ, xưởng đồ gốm hoặc các cơ sở hoạt động của nhiều loại hình thủ công mỹ nghệ khác nhau. Không chỉ những người quy y mới nhận được sự giáo dục trong các tu viện: gần như tất cả các hoàng tử và quan lại Mông Cổ gửi con cái của mình vào các tu viện để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục, nhưng hoàn toàn không có ý định chuẩn bị cho chúng một cuộc sống tu hành. Người dân ở Tây Tạng hay Mông Cổ, cho dù là bình dân hay quý tộc, sùng đạo hay thờ ơ với đức tin, luôn được kết nối với tu viện của mình bằng hàng ngàn mối dây liên kết. Từ tu viện, người dân đưa đến núi đồi và thảo nguyên, lan truyền ở đó những điều mà mình được nghe và thấy; và rồi họ kể lại, làm mới lại, xen kẽ với nguồn gốc các câu chuyện từ những thế kỷ xa xôi, và tạo ra những câu chuyện dân gian mới, được sáng tạo ra từ những cuốn sách Phật giáo, truyền thuyết Phật giáo.
Gìn giữ, duy trì và phát huy các quy tắc cổ xưa, nếp sống và nhịp sống theo truyền thống của hàng trăm năm trước, các tu viện hiện tại của Tây Tạng và Mông Cổ trong nhiều khía cạnh là bản sao sinh động và chính xác của Ấn Độ thời trước.
Trước khi nổ ra cuộc cách mạng dân chủ nhân dân năm 1921, trên toàn bộ đất nước Mông Cổ có 747 tu viện Phật giáo và 120 nghìn nhà sư trong cả nước (với tổng dân số 650 nghìn người).
Phật giáo ở Mông Cổ dưới thời xã hội chủ nghĩa
Năm 1921 tại Mông Cổ, cách mạng dân chủ đã thành công. Vào cuối năm 1934, có 843 tu viện Phật giáo chính ở Mông Cổ, khoảng 3.000 ngôi đền và nhà nguyện và 6.000 tòa nhà khác thuộc các tu viện. Các nhà sư chiếm 48% dân số nam giới trưởng thành.
Do sự thay đổi chính sách tôn giáo của nhà nước thế tục vào cuối những năm 1930, gần như tất cả các chùa chiền đã bị đóng cửa, tài sản bị quốc hữu hóa, nhưng chỉ một số ngôi chùa được sử dụng (vào những mục đích thế tục), phần lớn các tu viện, thiền viện bị phá hủy (chỉ còn có 6 cơ sở được bảo tồn tương đối tốt). Ước tính tối thiểu 18 nghìn nhà sư, cư sĩ (trong tổng dân số chưa tới 1 triệu người) đã bị buộc phải hoàn tục.
Năm 1949, ngôi chùa Gandantegchin-ling nổi tiếng tại Ulan Bator được phép hoạt động trở lại vì nhu cầu của các tín đồ Phật giáo. Hiện nay ở chùa này có hơn 100 tu sĩ. Từ năm 1970, một trường cao cấp Phật học (Học viện Thần học Phật giáo) đã được thành lập tại ngôi chùa này, nhằm đào tạo tu sĩ Phật giáo cấp cao cho Mông Cổ và Nga. Cộng đồng Phật giáo Mông Cổ đã trở thành thành viên của tổ chức “Anh em Phật tử toàn thế giới”. Từ năm 1969, Giáo hội Phật giáo Mông Cổ cũng là thành viên của tổ chức “Hội nghị Phật giáo châu Á vì Hòa bình”, có trụ sở tại Ulan-Bator. Các hội nghị toàn thể được tổ chức ở đây hai năm một lần và tạp chí Phật tử vì Hòa bình được tổ chức này xuất bản. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã viếng thăm Mông Cổ hai lần (năm 1979 và 1982).
Sự hồi sinh của Phật giáo ở Mông Cổ
Sự hồi sinh của Phật giáo đã diễn ra ở đất nước này từ cuối những năm 1980. Trong các cải cách chính trị và xã hội được bắt đầu ở Mông Cổ vào năm 1986, hầu hết các hạn chế chính thức đối với việc thực hành tôn giáo đã được gỡ bỏ. Trong thời gian này, một số tu viện Phật giáo, trước đây được sử dụng làm bảo tàng, nay đã được mở cửa trở lại, đồng thời, việc khôi phục các khu phức hợp tu viện cũ khác cũng được bắt đầu thực hiện. Hiện tại, đã có hơn 200 tu viện trong cả nước. Cấu trúc của cộng đồng Phật giáo đã được tổ chức lại, một đại hội Phật tử toàn quốc đã được triệu tập và người đứng đầu cộng đồng (Hamba Lama) đã được bầu theo quy chế dân chủ. Số lượng học viên ở trường trung cấp Phật giáo cũng không ngừng tăng lên, những chùa chiền mới được mở tại UlanBator, Tsetserleg, Kharakhorin; ở các thành phố khác, nơi các tòa nhà tu viện vẫn còn nguyên vẹn thì được phép hoạt động trở lại. Chính quyền cùng Giáo hội Phật giáo đang có kế hoạch phục hồi một số tu viện lớn từng bị phá hủy một phần hoặc toàn bộ thời cách mạng. Quan hệ với các cộng đồng Phật giáo ở châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ được tăng cường. Và đặc biệt mối quan hệ với Đức Đạt-lai Lạtma cũng được thắt chặt. Ngài thường cử các đại diện của mình đến Mông Cổ để giúp hoàn thiện các hoạt động của cộng đồng Phật giáo ở đất nước này.
Trong 15 năm qua, Tăng đoàn cùng toàn thể cộng đồng Phật giáo, với sự hỗ trợ của nhà nước, đã khôi phục được hơn 160 ngôi chùa và tu viện, cả nước hiện có hơn 2.000 tu sĩ cao cấp Phật học (dân số Mông Cổ ngày nay vào khoảng 3 triệu người).
Vài năm trước, với sự hỗ trợ của Quỹ Bảo tồn Truyền thống Đại thừa, tu viện Dara Eh nằm gần Ulan-Bator đã được khôi phục. Có 14 sư cô tu hành ở đó, sau đó tu viện được đổi tên thành Dolma Ling và trở thành tu viện nữ đầu tiên ở Mông Cổ (!). Các nữ tu được đào tạo dưới sự hướng dẫn của các sư nữ cố vấn từ Nepal.
Ngày nay, vai trò quan trọng của Phật giáo tại quốc gia này được quy định trong “Luật Quan hệ giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo”, và “Quy chế về An ninh quốc gia của Mông Cổ”. Phật giáo được chính phủ xem là cơ sở tư tưởng để bảo tồn bản sắc dân tộc, văn hóa và truyền thống của người Mông Cổ.
Phạm Bá Thùy | Văn Hóa Phật Giáo Số 326 ngày 1–28019 |Thư Viện Hoa Sen nhập lưu 9-9-2019
Bài đọc thêm:
Phật Giáo Tại Mông Cổ (Thích Giác Đẳng)
Phật Giáo Mông Cổ đang trên đà tuột dốc (Hoang Phong)
MÔNG CỔ – LỄ BẾ MẠC HỘI THẢO PHẬT GIÁO CHÂU Á VÌ HÒA BÌNH
Discussion about this post