DẪN VÀO KINH PHÁP HOA
Khải Thiên
Những gợi ý dưới đây có thể giúp chúng ta lĩnh hội được ý nghĩa thâm sâu, khó hiểu của kinh một cách hiệu quả, đồng thời giữ gìn sự trung thực với nội dung của ý kinh. Hy vọng điều này sẽ ít nhiều giúp cho người đọc tiếp thu giáo nghĩa một cách chính xác. Dĩ nhiên, mỗi người, mỗi hành giả có một trình độ tâm chứng nhất định khác nhau. Mỗi hành giả, do đó, hiểu kinh theo cấp độ tuệ giác và cảm xúc tâm linh của riêng mình. Thật vậy, chúng ta đến với kinh bằng những cách tiếp cận khác nhau, những hiểu biết khác nhau, cùng với những diễn dịch khác nhau .v.v. Nhưng vượt lên trên tất cả, chúng ta cũng nên lưu ý rằng, chân lý chỉ có một mà thôi. Chân lý, do vậy, không thể đúng với người này mà khác với người kia, hay đúng chỗ này mà sai ở chỗ kia. Người thọ trì Pháp Hoa nghiêm túc phải dùng nhiều phương tiện để đạt đến một chân lý, nhất thừa. Những gợi ý dưới đây dành cho những bạn đồng hành cùng thọ học kinh Pháp Hoa.
Cấu trúc ba bộ thuộc Kinh Pháp Hoa (Pháp Hoa Tam Bộ Kinh): Bộ kinh Pháp Hoa hiện tại chúng ta đang thọ trì là bản dịch trực tiếp từ chữ Phạn (sanskrit) sang chữ Hán của Ngài Cưu-ma-lathập; đối với người đọc tiếng Việt, tiếp theo nguyên bản này có bản dịch từ chữ Hán sang chữ Việt của Hoà Thượng Thích Trí Tịnh. Đây là bản kinh chính có hai mươi tám chương. Tuy nhiên, trong bộ kinh này có hai chi tiết cần lưu ý. Trong chương một (Phẩm Tựa) phần mở đầu, kinh có nói rằng Đức Phật trước hết giảng kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, sau đó Ngài nhập vào Chánh định Vô Lượng NghĩaXứ. Và sau khi an lành dậy khỏi định, Ngài bắt đầu giảng kinh Pháp Hoa. Thứ đến, trong chương thứ hai mươi tám (Phẩm Phồ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát) kinh khuyến khích hành giả Pháp Hoa tu tập gia hạnh nương theo Bồ tát Phổ Hiền. Ởđó xác định bốn điều kiện để có được kinh Pháp Hoa (Được chư Phật hộ niệm, trồng các cội công đức, vào trong chánh định, và phát tâm cứu độ chúng sinh). Vì vậy, kinh Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp, một tập kinh ngắn, được gắn kết vào cấu trúc Pháp Hoa tam bộ kinh. Tập kinh này được xem là những chỉ dẫn quan trọng về cách sám hối tội chướng của hành giả, làm cho thân tâm trở nên thanh tịnh. Từđây có cấu trúc ba bộ kinh thuộc Pháp Hoa (Pháp Hoa Tam Bộ Kinh), bao gồm ba phần: Phần khai kinh (Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, có ba chương), phần chính (Kinh Pháp Hoa, có hai mươi tám chương), và phần Pháp hành (Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp, có một chương). Chúng ta sẽ lần lượt đi vào nội dung cụ thể của ba bộ kinh Pháp Hoa ở phần sau.
Các Phân Hội của Kinh Pháp Hoa: Các bài thuyết pháp của Đức Phật trong Kinh Pháp Hoa hai mươi tám chương được trình bày qua hình thức kể chuyện, những vở kịch dài, có nối kết ba đời quá khứ, hiện tại, và vị lai. Nội dung thường mang tính chất huyền bí vì bối cảnh câu chuyện đôi khi diễn ra ở các cõi trời hay liên hệ đến Long cung sâu thẳm ở tận đáy đại dương. Tuy nhiên, hầu hết các câu chuyện được diễn ra trên hai bối cảnh chính đó là trên đỉnh núi Linh Thứu (Linh sơn hội) hoặc trên không trung (Hư không hội) của đỉnh núi Linh Thứu. Các pháp thoại này lại được chia thành ba hội khác nhau (nhị xứ tam hội) đó là trước pháp hội Linh sơn (tiền Linh sơn hội), pháp hội trên không trung (Hư không hội), và sau pháp hội Linh sơn (hậu Linh sơn hội).
Pháp hội tiền Linh sơn diễn ra tại núi Linh Thứu, bao gồm mười chương, từ chương một (Phẩm Tựa) đến chương mười (Phẩm Pháp Sư). Trong các pháp hội này, người thuyết giảng là Đức Thích Ca Mâu Ni Phật; giáo pháp được thuyết giảng là Thật tướng của các Pháp. Đối tượng nghe pháp là chúng sinh đương đại thời Phật tại thế.
Pháp hội không trung, thuyết giảng trên hư không, bao gồm mười hai chương, từ chương mười một (Phẩm Hiện Bảo Tháp) đến chương hai mươi hai (phẩm Chúc Lụy). Trong pháp hội không trung, người thuyết Pháp là Đức Thích Ca Mâu Ni, có Đức Phật Đa Bảo và các phân thân của chư Phật cùng tham dự. Nội dung giáo pháp bao gồm nói về Đức Phật cửu viễn thật thành, các phương tiện khai cận hiển viễn, Như Lai thường tại, và thế giới bổn lai thường tịch (ta bà tức tịch quang). Đối tượng giáo hoá là chúng sinh đời sau, sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni diệt độ.
Pháp hội hậu Linh sơn giảng tại núi Linh Thứu, bao gồm bảy chương, từ chương hai mươi ba (Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự) đến hai mươi tám (Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát). Người thuyết giảng là chư Bồ Tát, giáo pháp được giảng nói về sự tán dương công đức của người thọ trì kinh và thệ nguyện hộ trì của chư Bồ tát. Đối tượng giáo hoá là chúng sinh đời sau, sau Phật diệt độ.
Biểu đồ Pháp hội
Các Phân Đoạn của Pháp Hoa: Theo tông Thiên Thai, kinh Pháp Hoa hai mươi tám chương được phân đoạn theo hình thức hai môn và sáu đoạn (nhị môn lục đoạn) bao gồm Tích môn và Bổn môn. Mỗi môn có ba phần: phần giới thiệu (tự phần), phần chính (chính tông phần), và phần kết (lưu thông phần). Đối với Tích môn, chương một là phần giới thiệu, chương hai đến chương mười là phần chính tông, chương mười một đến chương mười bốn là phần kết. Đối với Bổn môn, chương mười lăm (Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất) là phần giới thiệu, Phẩm mười sáu (Như Lai Thọ Lượng) là phần chính tông, chương mười bảy đến hai mươi tám là phần kết.
Biểu đồ Phân đoạn
Hai Môn của Pháp Hoa: Môn ở đây không phải là sự phân biệt riêng lẻ từng nơi chốn hay từng góc độ độc lập. Danh từ Tích môn và Bổn môn chỉ đến hai cách nhìn về sự hiện hữu của Đức Phật. Tích môn chỉ cho các hoạt động thực tế của Đức Phật như quá trình Ngài tu học, thuyết pháp, và giáo hoá chúng sinh. Tích môn có thể được nhận thức qua các sự kiện đản sinh, thành đạo, chuyển Pháp luân, và nhập niết bàn. Các hành trạng đó có dấu tích, có thể thấy biết được trong nhận thức chung của con người theo dòng lịch sử của Đức Phật. Tích môn như thế là sự thị hiện mang tính chất lịch sử hiện thực của một vị Phật, có đản sinh và có diệt độ. Ngược lại, Bổn môn chỉ đến những cái không thể thấy dấu tích, không biểu hiện ra ngoài, không giới hạn trong không gian và thời gian thị hiện của Đức Phật. Trong quan niệm chung của Phật giáo, bao gồm các hệ thống giáo lý của Nam tạng và Bắc tạng, đều ghi nhận quá trình lâu xa hành đạo Bồ Tát để cảm thành thọ mạng hôm nay của Đức Phật. Quá trình lâu dài kết nối nhân hạnh quả đức đó không để lại dấu vết nào trong khuôn khổ tri thức của con người đối với một Đức Phật lịch sử. Lịch sử không thể ghi lại được thời điểm khi Đức Phật lần đầu phát thiện tâm ở địa ngục A-tỳ (A-tỳ ngục tốt sơ phát thiện tâm); cũng không thể ghi chép được ba A-tăngkỳ, trăm kiếp tu hành viên mãn của Ngài (Tam kỳ quả mãn, báck kiếp nhân viên). Vì thế, khác với Tích môn, Bổn môn chỉ đến đời sống công đức viên thành của Đức Phật từ quá khứ lâu xa cho đến bây giờ và mãi tận ngàn sau. Đấy chính là nguồn tuệ giác vô thượng và thọ mạng vô cùng mà Đức Phật đã thành tựu từ vô lượng kiếp. Nguồn ánh sáng bất diệt ấy cũng chính là cội nguồn của sức mạnh tâm linh, là bản thể thường tại của đức Phật. Nguồn mạch tâm linh tối tôn vô thượng đó được được mô tả qua khái niệm cửu viễn thật thành; với ý nghĩa rằng Đức Thích Ca Mâu Ni đã thành Phật từ lâu xa, từ vô lượng vô số kiếp, và rằng Ngài là Đức Phật chân thật bật diệt, thường trụ vĩnh hằng. Khái niệm Bổn môn, do đó, mở ra một cái nhìn khác, vượt ngoài chiều kích của không gian và thời gian về sự hiện hữu của Đức Phật chân thật. Qua lăng kính Bổn môn, đời sống vĩnh hằng của Đức Phật vượt lên trên khung thời gian hữu hạn từ sinh đến diệt và không gian giới hạn ở các trú xứ thị hiện lâm thời của Phật, từ vườn Lâm-tỳ-ni đến rừng Ta-la song thọ, Kusinaga. Có thể ví dụ, Đức Phật chân thật, cửu viễn (Bổn phật) như mặt trăng thường tại trên trời, trong khi Đức Phật thị hiện (Tích Phật) như ánh trăng dưới nước, khi xuất hiện (đản sinh) khi biến mất (niết bàn). Thể nhập vào thế giới thực tại của Bổn môn, do đó, là mục tiêu cuối cùng của hành giả Pháp Hoa. Ởđây, vì có trăng trên trời nên mới có ánh trăng xuất hiện dưới nước. Nhờ thấy được trăng dưới nước nên mới biết có trăng trên trời. Cũng vậy, Bổn và Tích xuất hiện như một cặp chân lý hiện hữu song hành, có bùn mới có sen. Điều quan trọng là, dù chưa thể nhận ra sự hiện diện thường trú của Đức Phật cửu viễn do trình độ tâm chứng giới hạn, chúng ta vẫn không thể dừng lại ở những gì diễn ra trong Tích môn. Đấy là lý do mà con đường Bổn môn được xây dựng bằng cách: khai mở phương tiện để thể nhập thế giới chân thật (khai tích hiển bổn), đem tất cả phương tiện của Tích môn để trở về hội nhập với Bổn môn (hội tích quy bổn), và sau cùng, như qua sông rồi, con thuyền cần được để lại đằng sau (phế tích lập bổn).
Hai cách tiếp cận của Tích môn và Bổn môn là một dấu ấn rất đặc trưng của Pháp Hoa. Tuy vậy, chúng ta dường như vẫn thấy được một cái gì đó rất chung nhất có mặt ở cả Tích môn và Bổn môn. Phải chăng cái chung nhất đó chính là cửa ngõ diệu hữu “phi nhất phi dị” để đi vào tri kiến Phật mà ởđó Bổn-Tích cũng nhất như, như nhân-quả nhất như. Trong Tích môn, phẩm Phương Tiện (chương hai) là nội dung chính, trong Bổn môn, phẩm Như Lai Thọ Lượng (chương 16) là nội dung chính. Ở hai chương chính này đều có những chỉ dẫn rất quan trọng cho hành giả về một hướng đi trực tiếp thể nhập Phật tri kiến. Vấn đề này sẽ được trình bày cụ thể trong phần nội dung. Tại đây, có lẽ không cần thiết phải đề xuất thêm một khái niệm mới để dẫn vào thế giới thực tại của Pháp Hoa. Làm như thế chỉ thêm phần rối rắm. Trong khi đó con đường khai thị ngộ nhập Phật tri kiến của Pháp Hoa tự nó đã nói lên tất cả mục đích của giáo lý Pháp Hoa.
Ngôn Ngữ của Pháp Hoa: Ngôn ngữ của Pháp hoa là một chủ đề quan trọng trong cách thức tiếp nhận và lĩnh hội giáo nghĩa viên đốn. Các nhà nghiên cứu thường đề cập đến phong cách văn học đặc thù của Pháp Hoa, trong đó kinh được trình bày qua dòng ngôn ngữ biểu tượng. Tuy nhiên, trên thực tế, kinh cũng bao quát nhiều thể loại ngôn ngữ bao gồm thí dụ, ẩn dụ, phân tích, giải thích .v.v. Chính vì vậy, có những giáo huấn được trình bày một cách cụ thể, dễ hiểu và dễ lĩnh hội. Ví dụ, ở Phẩm Pháp Sư (chương mười), khi nói về ba điều kiện của hành giả Pháp Hoa, Đức Phật đưa ra ba hình ảnh cụ thể, nhà Như Lai, áo Như Lai, và toà Như Lai; rồi Ngài cắt nghĩa rõ nhà Như Lai là tâm từ bi, áo Như Lai là hạnh nhu hoà nhẫn nhục, và toà Như Lai là an trú pháp Không. Ởđây, chúng ta không cảm thấy khó khăn trong việc tiếp nhận những giáo huấn như vậy. Tuy nhiên, phần lớn nội dung trọng yếu của Pháp Hoa được trình bày thông qua những câu chuyện với nhiều hình ảnh biểu tượng, nhưng không có những giải thích cụ thể những hình ảnh biểu tượng đó. Chẳng hạn như, hình ảnh ánh sáng lông trắng giữa chặn mày, trời đất sáu điệu vang động, trời mưa hoa, nhà bếp và chén bát ở cõi trời rơi xuống, chư thiên tung thiên y lên trên trời, chiếc ytự xoay vần rồi trụ giữa hư không, hình ảnh tháp của Phật Đa Bảo xuất hiện .v.v. Có rất nhiều hình ảnh như thế xuất hiện trong kinh và được lặp đilặp lại nhiều lần. Ởđây, rõ ràng chúng ta không thể giải minh những hình ảnh như thế theo nghĩa đen hay theo cách thức của một câu chuyện thần thoại. Người đọc, vì vậy, phải đi qua các lớp nghĩa biểu tượng mới có thể nắm bắt được ý nghĩanội hàm sâu kín bên trong câu chuyện và những gì được mô tả. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc tiếp nhận giáo lý thánh diệu của kinh. Không thể phủ nhận rằng, càng đi sâu vào thế giới tâm linh thì những điều được trình bày trong kinh càng trở nên xa lạ với thế giới trần tục, mang nhiều hình ảnh và biểu tượng thần bí.
Vậy tại sao Pháp Hoa không nói thẳng vào vấn đề mà phải trình bày vấn đề qua ngôn ngữ biểu tượng? Có thể nói, trước hết, Đức Phật đã tuyên bố rõ thông điệp của kinh rằng, “Chư Phật Thế Tôn ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên đó là khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến.” Tuy nhiên bản chất của tri kiến ấy là gì thì không thể diễn đạt được. Bởi vì ngôn ngữ phàm tục của chúng ta trở nên bất lực trước các pháp vô tướng, không có khả năng diễn đạt về thật tướng vô tướng. Ởđây, tri kiến Phật là pháp vô tướng. Tất cả pháp vô lậu, các Ba-la-mật .v.v. đều là pháp vô tướng. Ngay cả thật tướng của cuộc đời cũng là pháp vô tướng. Và như thế, không thể dùng cái hữu tướng để diễn đạt cái thực tại vô tướng được. Những gì có thể diễn đạt được chỉ là bóng dáng của thực tại mà thôi. Càng miêu tả, càng xa rời thực tại. Chính vì vậy, trong ý nghĩa phương tiện, Pháp Hoa được trình bày qua dòng ngôn ngữ biểu tượng để qua đó chúng ta có thể tiếp nhận được thánh giáo về thế giới tâm linh. Trong ngôn ngữ biểu tượng, tất nhiên, khi nói đến cái biểu tượng, chúng ta sẽ lập tức nghĩ đến cái được biểu tượng, một cái gì đó hoàn toàn khác với bản thân cái biểu tượng. Cũng như khi nói chim bồ câu là biểu tượng cho hoà bình, dĩ nhiên hoà bình không có nghĩa là chim bồ câu. Và như thế, thông qua cách trình bày của ngôn ngữ biểu tượng, cái được biểu tượng sẽ không còn bịđóng khung vào một phạm trù giới hạn nào hết. Từđây, người thọ trì Pháp Hoa tuỳ vào năng lực của mình mà có thể tiếp nhận giáo huấn linh diệu của Phậtmột cách sinh động, cũng như có thể lĩnh hội được cái vô biên ngay trong đời sống hữu hạn. Cái vô biên, bất khả thuyết đó chính là tri kiến Phật vốn thường tại vĩnh hằng trong mỗi chúng ta.
Hành trình xây dựng biểu tượng của Pháp Hoa: Đây là một chủ đề quan trọng nhằm cắt nghĩa, giải minh những biểu tượng tâm linh nhưđã được trình bày trong kinh. Biểu tượng nào cũng có một lịch sử của nó, cho dù nó thuộc về cái thiêng liêng hay trần tục, thuộc về tôn giáo hay xã hội. Ởđâu cũng vậy, lịch sử hình thành của cái biểu tượng chính là nền tảng để giải thích cho cái được biểu tượng. Do đó, sự hiểu biết ít nhiều của chúng ta về kinh Pháp Hoa, dù chỉ trên mặt tri thức, đều phải dựa vào những giáo huấn của Đức Phật được nối kết suốt chiều dài lịch sử của tư tưởng Phật giáo, và được trình bày qua những bộ kinh trước đó như các kinh Nikaya hoặc Ahàm. Trong trường hợp kinh Pháp Hoa, tên kinh được biểu thị qua hình ảnh hoa sen (Diệu pháp liên hoa), và hoa sen cũng là biểu tượng cho toàn bộ triết lý Pháp hoa. Do đó, ý nghĩa hoa sen trong kinh Pháp Hoa mà ngay nay chúng ta có được dĩ nhiên có liên hệ chặt chẽ với ý nghĩa hoa sen trong các kinh từ thời nguyên thỉ, như kinh Pháp Cú chẳng hạn. Để hiểu biết chính xác vềý nghĩacủa một biểu tượng như hoa sen, trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu về Pháp Hoa đã viện dẫn các chú giải vềý nghĩa hoa sen ngay từ trong các chuyện tích về cuộc đời của Đức Phật, đến các kinh Nikaya và các luận thư của Đại thừa sau này. Hơn thế nữa, các lĩnh vực thuộc về văn hoá và văn học liên quan đến hình tượng hoa sen trong thực tế tại Ấn Độ cũng đã được bàn đến trong việc giải thích ý nghĩa tên kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở phần sau.
Về mặt tâm linh, hoa sen là một trong những biểu tượng phổ biến nhất của Đạo phật, có mặt từ sự ra đời của Đức Phật lịch sử cho đến trong tất cả các thể loại kinh điển và văn học Phật giáo. Cho đến thời đại của kinh Pháp Hoa, biểu tượng hoa sen trở thành đại diện cho một hệ tư tưởng đặc trưng trong dòng triết học Đại thừa, đấy là triết lý Nhất thừa-viên giáo. Ởđây các chuẩn mực tâm linh của nhiều truyền thống Phật giáo cũng được xây dựng qua hình ảnh hoa sen. Chúng ta có thể thấy triết lý và ý nghĩa hoa sen được thể hiện qua những cách ngôn chẳng hạn cư trần bất nhiễm (sống trong bùn mà không hôi tanh mùi bùn), sinh tử tức niết bàn (niết bàn có mặt trong cõi sinh tử), hoa khai kiến Phật (sen nở thấy Phật) .v.v.
Nói tóm lại, những gợi ý về cách tiếp cận đối với kinh Pháp Hoa trên đây có thể giúp thêm hành trang cho chúng ta từng bước đi vào thọ trì và nghiên cứu kinh. Có rất nhiều phương tiện để đi vào thực tại, lòng thành tín chân thật chắc chắn sẽ trợ duyên cho chúng ta rất nhiều. Tuy nhiên, cho đến khi nào nắm rõ ý nghĩa tiềm ẩn sâu thẳm bên trong những gì được nói ra hay được biểu thị, chúng ta mới thực sự bắt đầu tiếp nhận giáo huấn của Đức Phật một cách chính xác.
Sóng về xoá dấu chân không
Bỗng dưng thuyền đã sang sông tới bờ.
Tu viện Thượng Hạnh mùa đông 2019 Khải Thiên
Xem thêm sách:
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Đạo Phật Ngày Nay – Một Diễn Dịch Mới Về Ba Bộ Kinh Pháp Hoa
Discussion about this post