ĐẠI DỊCH COVID -19 VẪN CHƯA QUA
Nhuận Hùng
Mây đen kéo đến khắp cả bầu trời Cali, chiều nay cũng như những buổi chiều qua, hạt mưa long lanh lặng lẽ, âm thầm rơi trên chiếc lá úa vàng…Ôi! núi đồi kia một thuở vàng son, ngự trị trên vùng đất hứa, thành tháp cổ rong rêu mang nhiều chứng tích, mây trôi lững lờ ôm ấp mộng trần gian, kiếp nhân sinh cuốn hút tận chân trời, dòng sông xưa – bến cũ đợi chờ, tháng ngày phiêu bạt chân trời, cuộc mưu sinh trở nên gay gắt muôn vàn, cánh nhạn kia in dấu dòng sông, hoa vẫn nở trong lòng lữ khách, bước chu du vượt gió băng ngàn, mưa vẫn mưa bay trên ngọn đồi chóp vót, tảng đá kia to nhưng giọt mưa nhỏ vẫn xói mòn, bóng nước long lanh còn ứng đọng mãi trong lòng ai đó…! Mưa ơi! Mưa sầu nhân thế…Mưa thấm cả tình người bao la…!!!
“Mưa dừng lại trên tầng tháp cổ / Lắng nghe từng ngôn ngữ rất thơ / Chứng tích cũ hoang tàn đổ nát / Thành quách kia mơ mộng hững hờ…” thơ – Thanh Trí Cao.
Nhắc đến mưa, chúng ta đều biết hiện tượng trong vũ trụ do mây đen hội tụ, tạo lên những cơn mưa, thông thường mưa gió thì chẳng có gì để nói. Nhưng ở đây đặc biệt Nam Cai lại là vùng trời sa mạc quanh năm suốt tháng chỉ có “nắng” mà thôi! Trái lại “mưa” gió cũng phải có mùa, cớ sao năm nay cuối Đông rồi, mà trời vẫn còn mưa tầm tả. Cơn mưa nhiều ngày “nó” đã báo cho chúng ta dấu hiệu (bất thường) xảy ra. Bất thường ấy là gì,? Quý vị cũng có thể nhận ra được. Bài viết này chỉ vòng quanh “mưa trong mưa” mà thôi, thật là ngộ nhỉ?
Đúng thế! Nhìn vào góc cạnh thiên nhiên, vạn vật xoay chuyển theo sự tuần hoàn của vũ trụ “Mưa” là gì nhỉ?….Câu trả lời rất là…! Đã biết vậy mà, không biết bao nhiêu văn – thi sĩ, mượn cớ “mưa” mà làm đề tài cảm hứng, ngay cả thế giới rơi vào mùa dịch “Corona virus” nay gọi là “Covid -19” dịch bệnh Vũ Hán. Thời gian dịch cũng đã gần giáp năm rồi, nhưng thế giới này vẫn chưa có biện pháp nào hữu hiệu để khống chế chúng. Đã vậy, mà (Covid -19) đã biến thể ra những siêu vi trùng độc hại hơn thế nữa. Khiến cho nhiều bệnh viện phải lắc đầu, không muốn báo lên con số người tử vong. Nói cho cùng, đề tài sôi nổi này khiến không biết bao nhiêu người tìm hiểu, căn nguyên từ đâu sinh ra “bệnh dịch covid -19, còn có tên là “sát thủ không chớp mắt.” Lấy mạng người liên không kể già trẻ hay nam nữ…gì cả.
Tại sao thế, vi trùng dịch bệnh lại thích những nơi ẩm thấp, lạnh lẽo, mưa gió. Phải chăng chúng là những con siêu vi trùng ghê gớm nhất trong những tháng vừa qua, chúng làm cho nhiều người “bất an” trong cuộc sống đang yên ổn. Nhưng dù gì bất an nhưng chúng ta cũng phải an trong bất an thì mới tìm ra lối thoát mới được, như vậy bầu trời mưa gió hôm nay tại Cali, nhiều ngày qua đã gợi cho ta nhớ đến bài hát “Diễm Xưa” tác giả Trịnh Công Sơn đã diễn đạt:
“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ / Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao / Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu.
Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động / Làm sao em nhớ những vết chim di / Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng / Để người phiêu lãng quên mình lãng du…”
Quả thật, tác giả diễn tả “mưa cho đời biến động” ngầm hiểu rằng mưa chỉ là “mưa” sao mà đời biến động được, đứng trên phương diện khác chúng ta cũng có thể tưởng tượng ra việc gì sẽ xảy ra? Biến động đây không phải là biến động do mưa mà là biến động cả thế giới. Chẳng hạn, tình hình hiện tại bây giờ là nạn “đại dịch Covid-19” khủng hoảng cả thế giới, mà ai ai cũng phải quan tâm. Năm châu, bốn bể dưới vòm trời này đều chịu chung nạn đại dịch “Covid-19” Cầu mong sao cho đại dịch chóng trôi qua, để cho tâm hồn của những người thân gần cạnh bên nhau:
“Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ / Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua / Trên bước chân em âm thầm lá đổ / Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa / Chiều nay còn mưa sao em không lại / Nhớ mãi trong cơn đau vùi / Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau / Bước chân em xin về mau.”
Nói đến nạn dịch “Covid-19” chúng ta liên tưởng đến những nỗi thương đau khi mất người thân, hằn lên bao nhiêu người trên thế giới này. Nỗi mất mát chia lìa người thân trong cơn đại dịch làm tôi liên tưởng lại cảnh kinh hoàng, khó mà diễn tả cho hết được. Chợt tôi nhớ lại sách sử xưa các cụ có ghi lại rằng:
“Việt Nam chúng ta hơn 200 trăm năm trước tưởng chừng là một ốc đảo thanh bình, cuộc nội chiến Nhà Nguyễn –Tây Sơn đang dần dần lành lại vết thương, cũng không thoát được lưỡi hái của thần chết, dịch bệnh xảy ra. Chiến tranh, bệnh dịch luôn là một phần của trào lưu quốc tế, liên kết Ấn Độ, Trung Hoa, Pháp, Việt Nam với cả những hòn đảo xa xôi giữa đại dương như vùng biển Caribbean, dân chúng bấy giờ rất hoang mang vì số tử vong quá nhiều.”
Ngày nay trên thế giới nạn lây lan dịch bệnh “Covid-19” biến thể rất nhanh, tất cả cơ quan chính quyền cũng như hàng quán, thương mại các ngành nghề đều đóng cửa…Trước thảm như thế rất đau buồn cho những gia đình có thân nhân bất hạnh lâm vào nạn dịch, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho họ sớm tìm được an lành trong cơn hoạn nạn.
Trên phương tiện hiện đại bây giờ, chúng ta cũng cần phải có một tấm lòng chân thật, “trong hoạn nạn mới biết tấm chân tình.” Có nghĩa là: Ai có khả năng gì giúp được mọi người….thì cứ ra sức giúp, chẳng hạng may khẩu trang gởi đến cho bệnh viện hoặc đóng góp những gì mình có thể làm được…! Cũng như ngày xưa: Cụ Nguyễn Du ra đi để lại câu giã biệt “Ba trăm năm nữa ai người khóc Tố Như?” Giả dụ, ngày mai kia ta có chết đi, ai là người sẽ khóc cho chúng ta? Nếu chẳng may đại dịch lan tràn quá nhiều không ngăn chặn được thì chúng ta làm sao đây?
Mạng chúng ta có bảo đảm được không nhỉ? “Chỉ mành treo trước gió” Cố gắng ở nhà cho an toàn…Nhớ nhắc nhở người thân…! Chúng ta, ai ai cũng đã từng sống trong cuộc chiến tranh Việt Nam chết chóc mất mát đã quá nhiều, nay bước sang đất nước tự do xã hội văn minh, tiến bộ, cuộc sống yên ổn đã được 45 năm trên quê hương xứ người rồi nhưng hỡi ơi! Trên đời này có được an ổn mãi mãi như thế đâu nhỉ? Những bụi trần thế gian trôi qua, cuốn theo mây khói, từ đó phôi phai theo dòng thời gian.
“Thương dĩ vãng bụi trần hội tụ / Uống sương mù rong ruổi nghìn thu / Vàn sao rụng bởi nhiều mơ mộng / Tìm được gì sau bước chu du / Nếu không đến đường về vô nghĩa / Mấy lần đi sao hãy còn đi / Bao lâu nữa nhận mình lữ khách / Để không còn đối diện tử thi /Rồi những lúc hoa tàn trên áo / Hoàng hôn buồn quá khứ vùi sâu / Một lần tỉnh suối nguồn giao cảm / Hiện hữu nào cũng rất nhiệm mầu.” thơ Thanh Trí Cao
Từ hóa thân huyễn mộng trở về thênh thanh, lữ khách đi vào trong cõi mộng, thắp sáng lên trong cõi vô minh, làm sao cho đến được bến bờ giác ngộ, nếu không chuẩn bị trước tư lương hành giả ấy sẽ gặp nhiều chướng ngại…!
Theo như Kinh Dịch của Khổng Minh Gia Cát Lượng ngày xưa ông ta có ghi lại rằng: “Hễ bình yên trên một chu kỳ (60 năm) là có chiến tranh sẽ xảy ra, sau cuộc chiến lại là chuẩn bị cho hòa bình” Còn nạn đại dịch thế giới cũng ở trong vòng xoáy như thế nào thì không rõ? Nhưng quý vị cũng hiểu rằng theo giáo lý Phật đà “có sanh ắt có tử” chớ không ai mãi mãi sống trên trái đất này được, đó là luật của tuần hoàn vũ trụ. Vòng xoáy nhân quả luân hồi không thể chối từ được. Theo như giáo lý Phật đà, quý vị cũng từng đọc – tụng kinh Pháp Hoa tức là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa trong phẩm “Dược Thảo Dụ” có đoạn ghi lại giảng thuyết như là:
“Dược thảo dụ là nói căn có lớn nhỏ, trí có chậm mau, cơ có sâu cạn.’
Bởi trong chúng Thanh Văn, hoặc nghi rằng pháp Đại thừa này, hạn trí lớn như Xá-Lợi-Phất, mới có thể lãnh thọ,chúng ta đâu kham nổi, nên đức Phật dùng thí dụ mà sách tiến họ. Bảo họ biết pháp ấy cả lớn lẫn nhỏ, kẻ thượng- trung- hạ trí đều có thể đồng tu, chỉ ở phương tiện chứng đắc mau chậm chẳng đồng thôi.”’
(Có một số hàng đệ tử Thanh Văn của đức Phật mang mặc cảm mình là hạng căn cơ thấp kém, trong khi pháp Như Lai nói là pháp tối thượng, không thể áp dụng viên mãn được. Nghĩa là dù quý Ngài khổ công tu cũng không đạt đến chỗ cao tột. Việc thành Phật chỉ dành cho hạng người căn khí đặc biệt, còn quý ngài không có hy vọng đó. Đây chẳng qua là mặc cảm thôi, chứ pháp Phật dạy một vị bình đẳng. Diệu Pháp chỉ một vị, vị đó là vị gì? Vị Phật, vị nhất thừa. Phật chỉ làm một việc duy nhất là dạy chúng ta tu hành để thành Phật. Song do chỗ áp dụng, do sở hành của mỗi người khác nhau mà Pháp Phật chia ra hoặc sâu hoặc cạn.| Ở đây chúng ta cũng phải dẹp bỏ mặc cảm. Thật ra đây là loại mặc cảm ngụy biện mà thôi. Cũng như một trận mưa nhuần thấm khắp hết, mà các cây cỏ hấp thụ có khác nhau, song nhuần thấm vẫn là một.
Tu hành chỉ nương nơi tâm Diệu dụng Liên Hoa Kinh này, một bề hướng thẳng tới trước cũng có lúc đến nhà.
“Một trận mưa nhuần thấm khắp hết, các cây cỏ hấp thu tuy khác nhau, nhưng cái nhuần thấm nước mưa là một, chứ không khác. Cây cỏ có khác, cây lớn hấp thu khác, cây nhỏ hấp thu khác, nhưng sự nhuần thấm nước mưa không khác.” Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Chỉ nương nơi kinh Diệu Pháp Liên Hoa này tức là nương Tri Kiến Phật. Căn cứ từ giáo lý Phật đà đó mà tu, mà hành đạo kiên trì, quyết tâm tiến thẳng thì sẽ thành công.
Chúng ta đã được hấp thu trận mưa pháp của đức Phật, tuy trận mưa Pháp đó cách chúng ta một thời gian đáng kể, trên hai ngàn năm. Nhưng bây giờ chúng ta vẫn được hấp thu, vẫn nhuần thấm. Chỉ còn một điều là nếu chúng ta quyết tâm thẳng tiến, không để cho việc tạp xen vào, nhất định chúng ta thành công. Không lý gì người xưa tu hành thành công, bây giờ chúng ta tu không được, chẳng lẽ mình đành chịu dang dở sao? Chúng ta phải kiên quyết, phải thể hiện ý chí thật tốt. Sở dĩ có những tạp niệm là do hoàn cảnh riêng tư, do biệt nghiệp của mỗi người, đó không phải là cái chung.
Ngày hôm nay, giữa cuộc sống này, không đợi thành vị thầy xuất sắc, mà ngay khi còn là một tiểu tăng, sống trong ngôi chùa chuyên tu như thế này, thể hiện được dáng dấp, tư cách, nói năng và cư xử với nhau giữa huynh với đệ, với thầy, tất cả mọi người chung quanh, thể hiện tròn đầy ánh sáng Phật pháp, thể hiện là người thấm nhuần trận mưa pháp của đức Thế Tôn. Đó là điều rất cần với người thật tâm tu hành. Nếu ở đây, bây giờ chúng ta không làm được việc đó thì ngày mai dù có lên núi hay xuống biển, bằng cấp thật nhiều học cho tột đỉnh hoặc đi Âu – đi Á chi cũng chẳng làm được gì. Không có chuyện cho tương lai khi đã đánh mất hiện tại rồi. Những người như thế rất dễ bị tham dục thế gian như quyền lợi, danh vọng cuốn đi, làm hư hỏng cả cuộc đời tu hành.)
Tóm lại, bài viết này diễn tả về “mưa” mà “Mưa Pháp” trong Kinh Pháp Hoa chúng ta cũng có thể hiểu được. Bởi vậy, ngoài thế gian “mưa” cũng buồn bã mỗi người mỗi hoàn cảnh không thể nào diễn tả cho hết ý được: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Nói đến cảnh trí hiện tại bây giờ cao trào của dịch bệnh, chúng ta cũng nên tuân thủ mọi luật lệ do chính quyền sở tại đưa ra, nhất nhất chấp hành tốt mọi sự kiện như: vệ sinh rửa tay, khẩu trang khi ra đường, khoảng cách v.v…Chúng ta cũng không nên tùng túng trong công việc tại nhà, luôn luôn giữ tâm thanh tịnh, “bình an trong an bình” giữ vững niềm tin hy vọng “ánh sáng cuối đường hầm” hé lộ cho chúng ta để sớm có cuộc sống an lành. Trở lại, bầu trời xanh tươi muôn hoa tươi nở, công việc trở lại bình thường…! “Sau cơn mưa trời lại sáng”.
Chúng ta hãy cùng nhau chắp tay lên cầu nguyện Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát, Mẹ Hiền Quán Thế Âm Bồ Tát quảng đại rưới nước cam lồ tiêu tan nghiệp chướng, ách chướng giải trừ nạn dịch “Covid -19 ” cho đại chúng có được cuộc sống an lành.
Kính chúc quý vị năm mới Tân Sửu – 2021 bằng mọi giá phải tiễn biệt nàng (Covid -19) ra khỏi thế giới an lành của chúng ta bằng mọi cách…! Nếu ai đó có biện tài giỏi cũng nên góp phần vào việc tống tiễn (Covid -19) này, đó là việc làm ích quốc lợi dân, thành tâm tán thán công đức của người có công tiêu diệt nàng (Covid -19) yêu kiều này, để cho mọi người trên thế gian được an tâm mà sinh sống.
CA, Valley Center ngày 29/1/ 2021
Nhuận Hùng
Discussion about this post