ĐẠI DỊCH COVID-19
LÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NGHIỆP TẬP THỂ
MÀ CON NGƯỜI TÍCH LŨY
Tshering Penjor | Chân Diệu Mỹ chuyển ngữ
Thông thường mọi người không đánh giá cao việc được (hay bị) cách ly trong 21 ngày. Nhưng thời gian tôi bị cách ly khi tôi từ nước ngoài trở về nhà (Bhutan) vào ngày 21 tháng 4 năm 2020 là thời điểm tốt để suy ngẫm.
Tôi muốn nhân cơ hội này để bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến Đức Pháp Vương Bồ tát (Bodhisattva Dharma King) của chúng ta vì tình yêu thương và sự quan tâm vị tha của Ngài, và chính phủ của chúng ta đã cung cấp các phương tiện tốt trong việc kiểm dịch, cùng là tất cả các nhân viên phục vụ tuyến đầu, nhân viên y tế và Desuups vì sự phục vụ quên mình của họ .
Bầu không khí tại trung tâm cách ly, khách sạn Centre Point, Paro, Bhutan không khác gì những khóa tu thiền yên bình mà chúng tôi có trong các tu viện của mình. Tôi đánh giá cao trải nghiệm này do Nhà vua và Chính phủ của chúng ta ban tặng như một phần của một khóa nhập thất ngắn trong hành trình thực hành Phật Pháp của tôi.
Quan điểm của Phật giáo về Đại dịch Covid- 19 toàn cầu
Theo quan điểm của Phật giáo, quá trình sinh, lão, bệnh, tử được coi là một thực tế tất yếu mà mọi người phải chịu đựng và đối mặt. Bằng cách nhìn vào số lượng lớn những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid- 19, người Phật tử giải thích rằng đó là do ảnh hưởng của nghiệp tập thể (cộng nghiệp) mà chúng ta là con người đã tích lũy từ quá khứ. Theo lời dạy của Đức Phật, coronavirus thu hút tất cả chúng ta cùng nhau trải nghiệm ba dấu ấn (tam pháp ấn) của sự hiện hữu (Tilakkhaṇa). Chúng là vô thường (aniccā) མི་ རྟགས་ པ, khổ (duḥkha) སྡུག་བསྔལ་ và vô ngã (anatta) བདག་ མེད་ པ. Việc đại dịch đột ngột xâm lấn vào nhiều cộng đồng, gây ra nỗi kinh hoàng về nỗi đau và mất mát của nhiều sinh mạng, nhắc nhở chúng ta về “vô thường”. Nó cho chúng ta thấy bản chất có thể thấy trước của cái chết của chính chúng ta và những đau khổ liên quan của nó, khiến chúng ta tìm kiếm niềm an ủi vĩnh viễn.
Những lời dạy của Đức Phật về ‘Duyên khởi’ cho rằng không có gì tồn tại độc lập tự nó trên thế giới này. Mọi thứ được kết nối với nhau. Chúng ta đang sống trong một mạng lưới phức tạp của cuộc sống liên tục biến đổi. Quả thực ngày nay, đối với nhiều người trong chúng ta, không dễ dàng gì để hiểu được ý nghĩa thực sự của giáo pháp (Tam Pháp Ấn) trong số các bản văn Phật giáo sâu sắc được soạn bởi những bậc thầy vĩ đại thành tựu và uyên thâm về mặt triết học. Nhưng loại virus này đã đánh thức và khai sáng cho nhiều người trong chúng ta một cách thực tế và hiệu quả về các hiện tượng thực tế của sự vô thường và những ý nghĩa sâu xa của sự liên thuộc lẫn nhau. Giờ đây, với coronavirus, chúng ta không thể giả vờ tồn tại như một thực thể độc lập trong phạm vi thế giới xung quanh chúng ta. Chúng ta không thể bay ra nước ngoài, tham dự một bộ phim, hoặc thậm chí đi mua sắm mà không lo bị nhiễm bệnh.
Người Phật tử chia sẻ sự khôn ngoan về cách ứng xử đúng đắn trong hoàn cảnh xấu số. Khi gặp bất cứ điều gì bất hạnh, chúng ta nên tìm kiếm những phương pháp để làm cho mình được hạnh phúc. Trong Bồ tát đạo, Bồ Tát Tịch Thiên (Shantideva) đã nói, “Nếu đó là điều bạn có thể thay đổi để tốt hơn, đừng lo lắng, vì bạn có thể thay đổi được nó. Trái lại, đối với điều gì đó bạn không thể thay đổi được, thì lo lắng sẽ không có ích lợi gì, bạn không thể thay đổi được bất cứ điều gì.” (“If it is something you can change for better, don’t worry, because you can change it. For something you cannot change, there is no use of worrying because by worrying, you can’t change anything.”) (Hay nói một cách khác: nếu xét thấy vấn đề có thể giải quyết được thì chúng ta không nên quá bận tâm hay suy nghĩ. Trái lại, trường hợp nếu biết rằng không cách gì khắc phục được sự khó khăn đó thì chúng ta có sanh tâm phiền muộn khổ đau cũng chẳng ích lợi gì.)
Trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid đầy cam go trên toàn cầu này, điều quan trọng là mọi người phải hành động sao cho phù hợp. Bản thân chúng ta nên cực kỳ cẩn thận và tuân theo tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết do bộ y tế của chúng ta và các cơ quan hữu trách đề ra. Có nhiều cách để chúng ta tiếp cận và xử lý những thách thức mà chúng ta gặp phải hiện nay. Do việc ngăn chặn (lockdown) và hạn chế tiếp xúc giữa con người với con người, do đó đã có ít hoạt động và tương tác giữa con người với nhau hơn diễn ra trong xã hội.
Các chuyên gia khí hậu nhận thấy rằng điều kiện khí hậu trên toàn thế giới đã được cải thiện và các vấn đề ô nhiễm đã được giảm bớt. Nhiều người thực sự nhận ra rằng thật không khôn ngoan nếu phân biệt đối xử dựa trên niềm tin tôn giáo, màu da, đẳng cấp xã hội hoặc quốc tịch. Virus không chỉ lây nhiễm cho người thuộc bất cứ tôn giáo, quốc tịch, màu da hoặc địa vị xã hội nào mà chúng lây nhiễm cho mọi người một cách không phân biệt. Đây là điều quan trọng để chúng ta lưu ý và nhận ra nội hàm của nó. Nếu chúng ta nhìn vào mẹ thiên nhiên, nó là không khách quan. Thật không may, con người đã có thành kiến trong các phán đoán của họ. Do những nhận thức phân biệt và tà kiến của chúng ta, chúng ta đã phải chịu đựng rất nhiều và chúng ta tiếp tục đau khổ trong những kiếp liên tiếp trong sinh tử luân hồi. Những trận thiên tai dịch bệnh đã gián tiếp thức tỉnh và dạy cho mọi người trên thế giới sống hòa thuận như anh chị em với nhau.
Trong thời điểm khó khăn này, điều thiết yếu là mọi người cần phải trau dồi lòng từ bi (compassion) và lòng nhân ái (loving kindness), cũng như thấu cảm những người đang phải chịu đựng dịch bệnh này. Nếu những bệnh nhân mắc bệnh được điều trị mà không có tình thương và lòng từ bi, những người này sẽ khó có thể sống vui vẻ cũng như khó có thể hồi phục một cách lạc quan. Vì vậy, việc chia sẻ tình cảm, yêu thương và chăm sóc người bệnh bằng thái độ vị tha, nhân ái là điều vô cùng quan trọng.
Một điều khác mà chúng ta có thể học hỏi được từ cơn đại dịch này là nhận thức và tránh để bản thân ham mê các hành vi ‘theo đuổi vật chất bên ngoài’. Về cơ bản nó là của cải vật chất mà bấy lâu nay con người theo đuổi. Bị ám ảnh bởi ham muốn và tham lam cho những lợi ích bên ngoài, chúng ta trở nên bận rộn, tiếp tục chạy theo mọi hướng và cuối cùng bỏ quên những phẩm chất tự nhiên của sự yên tĩnh, khả năng phục hồi, nhẫn nại, lòng trắc ẩn và tình yêu thương gắn liền trong tâm trí chúng ta.
Khi bị cô lập hoặc cách ly, nhiều người trong chúng ta bị trầm cảm bao trùm. Đúng là chúng ta cần phải đề phòng những nguy cơ của dịch bệnh. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải hiểu rằng không có lý do gì để hoảng sợ. Là một Phật tử, bây giờ là lúc thích hợp để chúng ta hồi tưởng lại những kỷ niệm về những vị Thầy vĩ đại đã qua của chúng ta, ngay từ chính Đức Phật. Những vị Thầy vĩ đại này đã đạt được sự bình an nội tâm, sự bình tĩnh và hạnh phúc tột cùng (ultimate inner peace, calmness and happiness) không phải nhờ chạy đôn chạy đáo kiếm tiền, mà nhờ nỗ lực một mình thiền định và thực hành chánh niệm, quán từ bi.
Khoa học đã chứng minh rằng bệnh dịch do coronavirus tồn tại là kết quả của việc ngược đãi, lạm dụng và giết hại động vật. Sự khác biệt duy nhất giữa con người và động vật là động vật không có tiếng nói, trong khi con người có khả năng làm hầu hết mọi thứ. Điều này có nghĩa là con người rất thông minh, nhưng chúng ta đủ tàn nhẫn để làm hại những động vật yếu hơn có quyền sống như nhau. Bây giờ, chúng ta đang nhận lấy quả báo của nghiệp xấu của chính mình là làm hại các loài động vật. Rất nhiều người phải trả món nợ này bằng chính mạng sống của mình.
Phật dạy rằng, để thoát khỏi mọi đau khổ, chúng ta nên cam kết không tham gia vào bất kỳ hoạt động bất thiện nào qua thân, khẩu và ý dưới tác động của ham muốn, hận thù và si mê. Chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống của con người chính là cái tâm của chúng ta. Chúng ta nên trau dồi bản thân để trở nên từ bi và tử tế hơn. Nếu không có tình yêu thương và lòng trắc ẩn chân chính, người ta khó có thể trở thành một con người tốt. Những hành động vô nhân đạo mang lại đau khổ cho tất cả chúng sinh bất kể họ là ai. Chúng ta sẽ tiếp tục đau khổ trong nhiều kiếp liên tiếp trong tương lai nếu chúng ta không chuyển hóa được tâm và hành động ô uế của mình.
Cuối cùng, tôi muốn hồi hướng những công đức đạt được từ khóa nhập thất ngắn hạn này cho tất cả chúng sinh. Tôi cầu chúc cho những bệnh nhân nhiễm virus sớm bình phục, và cầu cho những thần thức của những ai đã khuất bóng tìm được bình an cuối cùng. Với sự tôn nghiêm thần thánh của các vị Phật, Bồ tát và các vị thần có lời thề, xin cho toàn bộ thế giới được chữa lành và giải thoát khỏi mọi đau khổ và đau khổ về tinh thần và thể chất phải chịu đựng từ Covid-19.
Tshering Penjor
International Buddhist College, Thailand
Chân Diệu Mỹ chuyển ngữ
Bản gốc tiếng Anh : http://ibc.ac.th/en/node/3180
A Buddhist perspective of Covid-19 pandemic: a causal effect of humans’ collective Karma.
MỤC LỤC
PHẬT GIÁO & CƠN ĐẠI DỊCH CORONAVIRUS
.
Discussion about this post