Bốn rưỡi chiều, có chín nam thanh niên mặc đồng phục xanh vác những bao tải lớn buộc thừng, tiến về khu nhà khách đền Thượng. Mấy phụ nữ theo sau, cầm những cuốn sổ bìa đỏ và những bao tải khác màu, nhỏ hơn. Họ là nhân viên Ban quản lý di tích đền Cửa Ông.
Trong căn phòng ở tầng một có khóa hai lớp cửa, chín cái chiếu đôi được trải ra sàn. Người đàn ông đeo thẻ “ban kiểm két” mở niêm phong, cởi dây thừng, dốc ngược những cái bao. Các loại tiền đủ mệnh giá tràn ra như trấu, kêu rào rạo, nằm la liệt thành từng đống trên sàn.
Ngoài tiền và mười lăm người đếm tiền, trong phòng có thêm khoảng 30 chiếc rổ nhựa, lồng bàn để phân loại tiền và bảy chiếc máy đếm tiền.
Đúng mười phút sau, cửa phòng được khóa lại. Tất cả những gì diễn ra trong căn phòng này, được Chủ tịch phường Cửa Ông, kiêm Trưởng ban quản lý di tích quan sát qua bốn mắt camera HD.
Các cán bộ phường Cửa Ông cảm thấy mệt mỏi với khối tiền mình phải quản. Những ngày lễ hội, ông Phạm Văn Chiến, phó chủ tịch phường Cửa Ông lên trụ sở ủy ban làm việc từ 7h30. Giờ hành chính kết thúc 16h30, ông sẽ tiếp tục với nhiệm vụ thứ hai, của phó Ban quản lý di tích.
Trở về nhà sau 11h đêm, ông Chiến chỉ kịp tháo giày rồi đi ngủ. “Muốn tắm mà chỉ sợ cảm, nên đành đợi sáng mai”. Không chỉ có nếp sinh hoạt của họ bị xáo trộn. “Phường mất rất nhiều thời gian với cái đền, không có lúc nào để xây dựng với kiến thiết địa phương nữa”. Ông Chiến mong thành phố sớm lập ra Ban Quản lý riêng để cán bộ địa phương ông được tập trung cho công việc chính của mình.
Chị Phạm Thị Hà Vân, 33 tuổi, đã làm việc ở đền mười lăm năm. Từ những ngày còn học cấp ba, sau đó là trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm, “đếm tiền ở đền” đã là công việc ngoài giờ của chị Vân trong những tháng sau Tết âm lịch.
Tiền công chị Vân nhận về cả tháng không được mấy trăm nghìn. Nhưng sau này, “công việc nó trở thành cái duyên”. Chị xin vào đền làm nhân viên toàn thời gian. Ban ngày, chị ngồi ghi phiếu và sổ công đức. Hết giờ hành chính, chị Vân lại cùng đồng nghiệp vào căn phòng đếm tiền đến mười rưỡi tối.
“Ai cũng bảo thích mùi tiền, nhưng ngày nào cũng ngồi đếm năm sáu tiếng liền, mùi hôi bốc đến tận óc”. Để đối phó, những người phụ nữ trong căn phòng ấy phải đeo khẩu trang. Họ sợ mùi tiền giấy. Căn phòng lặng lẽ, thường ít tiếng chuyện trò. Chỉ nghe tiếng kêu ràn rạt của những tờ bạc cọ vào nhau.
Những nhân viên như chị Vân xử lý tiền công đức theo ba bước : Nhặt riêng tiền theo từng mệnh giá, để vào các rổ. Dùng chun buộc tiền thành từng cọc. Cho từng cọc tiền riêng mệnh giá vào máy đếm.
Chị Vân không thể trả lời mỗi tối kiểm đếm, phân loại được bao nhiêu tờ tiền. Chỉ biết, sau mỗi mùa Tết, hội, tổ công tác của chị sẽ phải ngồi hàng tháng để kiểm hết những bao tiền ấy.
Mười rưỡi tối, cửa đền khép lại. Xe của ngân hàng sẽ đến nhận bàn giao tiền ngay trong đêm hoặc sáng sớm hôm sau. Trưởng ban, phó ban, bộ phận kế toán và thủ quỹ sẽ chốt con số cuối cùng với những biên bản thống kê gửi về lãnh đạo Thành phố.
Riêng trong một ngày 14/2/2019, tổng tiền được báo cáo là 414 triệu 750 nghìn đồng. Con số tương đương với tổng thu ngân sách của một huyện miền núi như Hoàng Su Phì hay Nam Trà My trong vòng 2 tháng.
Với những tờ bạc mấy chục nghìn, ở những di tích có hàng triệu người quy tụ về mỗi mùa lễ hội, như ở Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, tỉnh An Giang, tổng lượng tiền ủng hộ sẽ là hơn một trăm tỷ đồng; là 36 tỷ đồng, như ở lễ hội Núi Bà Đen, Tây Ninh năm 2013; là hơn 20 tỷ đồng ở quần thể di tích chùa Yên Tử hay 11 tỷ đồng ở đền Hoàng Mười, tỉnh Nghệ An năm 2016. Đó chỉ là những con số được người trong cuộc công bố.
Bất chấp khối lượng tiền mặt này, những tín đồ như bà Điệp không phải người duy nhất tỏ ra thờ ơ với việc quản lý, ít nhất là ở góc độ minh bạch tài chính, của tiền công đức. Ngay cả trong các văn bản pháp luật cũng thể hiện sự lạnh nhạt với những đồng “tiền lẻ” này.
Thông tư liên tịch số 04/2014 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ ban hành tháng 5 năm 2014 dành vỏn vẹn sáu dòng, với các cụm từ “Hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết” và “công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch”.
Hầu hết các quy định quản lý tiền công đức ở các đền, miếu hiện nay là tự địa phương ban hành theo lập luận của riêng mình. Còn với nhà chùa – các cơ sở tôn giáo có sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – thì nhiều địa phương tỏ ra bối rối.
Trong cuộc trả lời báo chí tháng 11 năm 2018, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy thừa nhận chưa có văn bản nào quy định cụ thể về nội dung này. Lãnh đạo ngành văn hóa đưa ra lời khuyên với chính quyền địa phương: căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn để “quyết định cho phù hợp”.
Discussion about this post