CON NGƯỜI KHI CÓ QUYỀN LỰC TRONG TAY
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Ngày xưa, con người cảm thấy bé nhỏ với bầu vũ trụ bao la này, sự hiểu biết về lý nhân duyên còn hạn chế nên số đông đều đặt niềm tin vào một đấng tối cao có quyền ban phước, giáng họa. Từ đó, các ông vua thời phong kiến lợi dụng quyền năng trên chế tác ra luật pháp độc tôn, bắt buộc mọi người phải noi theo dưới danh nghĩa là Thiên tử-con trời do đấng tối cao, sắp đặt số phận của muôn loài vật.
Đất nước và con người đều thuộc quyền sở hữu của vua. Tất cả mọi người đều phải trung thành tuyệt đối theo sự sắp xếp của nhà vua. Vua muốn phong quan tiến chức cho ai thì phong, muốn giết ai thì giết; kẻ dưới không có quyền khiếu nại, nếu vua bảo chết mà không chịu nghe gọi là bất trung; với một quyền lực như vậy, ông vua được hưởng tất cả mọi nhu cầu cần thiết theo sự kính trọng tột cùng của mọi người. Làm vua quả thật không đơn giản tí nào, vì người đó nhiều đời đã từng phục vụ và đóng góp quá nhiều cho nhân loại, nên ngày nay mới được hưởng phước làm vua.
Ở thời đại cổ xưa, một số người rất tin tưởng vào đấng thần linh, thượng đế như là một tín đồ mà không dám chống trái vì sợ thần linh giận dữ, trừng phạt. Ngày nay, con người văn minh tiến bộ vượt bậc nên thấy chế độ phong kiến quân chủ độc tôn không còn phù hợp với thời kỳ khoa học hiện đại, do đó đã thay đổi cơ chế quyền lực thành dân chủ nhiều đảng để cùng cạnh tranh làm việc, phục vụ, đóng góp lợi ích cho xã hội, được dân bầu từng nhiệm kỳ một.
Nếu vị lãnh đạo nào có khả năng làm lợi ích cho đất nước nhiều thì được bầu thêm một nhiệm kỳ mới, nhưng tối đa chỉ hai nhiệm kỳ rồi nhường chỗ cho người khác, do đó tình trạng tham nhũng, lạm phát của công rất ít khi xảy ra. Cơ chế dân chủ hay ở chỗ nếu mình nắm ghế quyền lực mà không đủ khả năng để giúp ích mọi người thì tự xin từ chức, hoặc nếu lạm dụng quyền hạn tham nhũng thì có pháp luật truy tố đem lại công bằng, lợi ích cho xã hội.
Theo lời Phật dạy, “thế gian này năm loài cùng chung ở hay có sáu đường luân hồi, con người là một chúng sinh cao cấp nhờ có suy nghĩ, nhận thức, biết phân biệt đúng sai; nếu biết vận dụng đi theo chiều tốt đẹp thì không ai bằng và ngược lại thì vô cùng cực ác”.
Lịch sử nhân loại đã chứng minh rõ điều đó, chỉ có con người tâm linh mới đủ khả năng giúp nhân loại vượt qua rào cản của si mê, tội lỗi nhờ có trái tim hiểu biết và thương yêu mọi người bằng tình người trong cuộc sống. Ai làm người cũng nên biết thao thức, trăn trở và hãy mở rộng tấm lòng ra để cùng nhau kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống. Đời sống con người luôn song hành hai phần thân và tâm, tức thể xác và tinh thần; nhưng đa số chúng ta chỉ chú trọng về phần vật chất cho thân nhiều hơn mà quên lãng đi yếu tố tinh thần.
Có nhiều người mặc dù sống trong giàu sang phú quý, tiện nghi vật chất đầy đủ, nhưng lại nghèo nàn phần tâm linh nên thường sống trong lo lắng sợ hãi thất vọng, và khổ đau.
Lại có một hạng người tuy giàu có, dư dã, nhưng lại sống khổ sở hơn người nghèo vì chẳng dám ăn, dám xài, đối với người thân thì bỏn sẻn, keo kiết nói chi đem ra giúp đỡ hay san sẻ cho người khác. Họ sống trong tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, lao tâm nhọc sức để tích chứa thật nhiều tài sản vật chất cho riêng mình.
Muốn cho xã hội được phát triển vững mạnh và lâu dài thì con người cần phải làm giàu tri thức và đạo đức. Tri thức giúp cho con người biết cách phát triển xã hội theo nhu cầu cần thiết, đạo đức giúp cho con người sống có hiểu biết và yêu thương hơn. Tri thức và đạo đức như đôi cánh chim tung bay khắp cả bầu trời rộng lớn để cùng bồi đắp cho nhau sống có tình người bằng trái tim hiểu biết. Thiếu tri thức thì không làm được gì, có tri thức mà không có đạo đức thì dễ dàng bị tha hóa, tiêu cực, làm thiệt hại cho nhau.
Ngày xưa, có một con sư tử và chín con chó sói cùng đi săn chung với nhau. Chúng bắt được mười con nai và lần lượt chia mồi. Sư tử hỏi ý kiến đồng bọn nên chia như thế nào cho công bằng. Một con sói lanh lợi nói, “Chúng ta có mười tên, săn được mười con, vậy thì chia đều là bình đẳng và hợp lý nhất, không có gì phải bàn cãi nữa”. Sói vừa dứt lời đã bị sư tử tát cho một cái lòi cả mắt ra. Sau nó quay sang hỏi cả bầy sói, vậy chúng ta nên chia như thế nào cho công bằng đây?
Sói nâu thấy bạn mình mới bị lòi mắt nên hoảng quá, liền nói: “dạ bẩm ngài, để hết mười con ngài xơi từ từ ạ”. Sư tử gầm lên thật lớn rồi liền đạp cho sói nâu một đạp lăn cù mèo, “đồ cái thứ gian dối, dua nịnh”. Xong, mọi việc đâu vào đấy. Sư tử từ tốn nói, “này các bạn, chúng ta phải chia như thế nào cho đều vậy?” Cả bầy sói bây giờ sợ xanh cả mặt, chẳng con nào dám nhúc nhích, hó hé gì cả. Sư tử bực quá, chỉ ngay con sói đen trong bầy,“chú mày ý kiến thế nào?”
Sói đen run rẩy thưa, “dạ bẩm ngài…cả đoàn chúng ta cả thảy có mười, săn được mười chú nai. Phần ngài chín nai thì bằng mười, chúng con một nai chín sói cũng bằng mười. Đó là cách chia đều và công bình số một ạ”. Sư tử nhà ta ra chiều đắc ý lắm, “được, chú sói đen thông minh lắm đấy, ta sẽ ban thưởng sau. Ta từ trước tới nay không muốn làm người mạnh hiếp kẻ thế cô, ta căm thù sự bất công và gian dối, dua nịnh”.
Sói đen cung kính thưa, “dạ, kính bẩm ngài, con từ xưa nay dốt đặc, nhờ chứng nghiệm thực tế của hai bạn con vừa rồi nên mới có chút sáng kiến đấy thôi”. Sư tử nhà ta hãnh diện lắm nên lớn tiếng nói, “này, lũ sói nhà ngươi hãy ngoái lỗ tai lớn ra mà nghe và bắt chước theo sự khôn ngoan như chú sói đen kia đấy nhé!” Cả bầy sói đồng thanh, “dạ, dạ,… xin nghe”.
Câu chuyện ngụ ngôn trên đã cho chúng ta thấy sự tinh khôn, xảo quyệt của sư tử là đại diện cho những người không có đạo đức; bầy sói là tượng trưng cho loài vật nhỏ hay kẻ dưới quyền. Người và vật cũng đồng nghĩa là một chúng sinh, nhưng con vật mặc dầu có thú tính ăn nuốt lẫn nhau nhưng chúng chỉ sát hại con mồi khi đói khát, khi no đủ chúng không cần quan tâm đến miếng mồi ngon nữa.
Loài người là một chúng sinh cao cấp nhờ có nhận thức, suy nghĩ, biết phân biệt phải quấy, tốt xấu; nếu biết đi theo chiều hướng thượng thì xả bỏ sự vị kỷ của cá nhân để đóng góp lợi ích thiết thực cho nhân loại; ngược lại,nếu chỉ vì lợi ích cá nhân với mưu mô xảo quyệt hại người sẽ mang lại ngập tràn bất hạnh cho cuộc sống. Đó là bài học đau thương, buồn tủi cho kiếp con người chúng ta. Con người thường tham muốn quá độ nên đã dùng đủ mọi hình thức để mưu cầu lợi ích về cho riêng mình. Khi có quyền cao chức trọng thì con người chẳng từ bỏ một mưu sâu kế độc nào để hại người, hại vật, miễn làm sao được lợi cho mình.
Trong khi đó, loài vật không gian hùng như vậy, chúng vì bất đắc dĩ bảo vệ mạng sống nên phải sát hại địch thủ và khi đã no đủ rồi chúng không màng đến miếng mồi nữa. Quả thật, vì lòng tham không đáy, không biết đủ, con người đã quá tàn nhẫn, một khi đã ác rồi thì cực ác, man rợ, dã man đến tận cùng.
Một ông vua ngày xưa vì mệnh danh là con trời nên đã đặt ra những luật pháp khắc nghiệt để bảo vệ dòng dõi của mình; nên có những luật chu di ba họ, bảy họ, chín họ theo kiểu diệt cỏ phải diệt tận gốc. Gã sư tử kia là đại diện cho con người vị kỷ đó, mồm mép ba hoa lúc nào cũng muốn chứng tỏ mình là con người đạo đức cao thượng.
Thường thì con người có những cái thấy biết sai lầm. Mặc dù biết như vậy nhưng ta vẫn một bề cố chấp để bảo vệ sĩ diện bản ngã cho mình. Miệng thì tuyên truyền hô hào dân chủ, kêu gọi mọi người bình đẳng đóng góp ý kiến để xây dựng, phát triển, mở mang; nhưng chú sói đầu tiên vừa mở miệng bình đẳng, công bằng thì đã nhận chiếu chỉ án khổ sai chung thân. Kế đến chú sói nâu vừa mở miệng “chúng em nhường hết cho anh xơi” thì được lệnh lưu đày biệt xứ. Thế thì còn chú sói nào dám can đảm góp ý nữa đâu? Cả bọn đều ngậm bò hòn làm thinh trước sự bất công, áp bức của sư tử.
Đến lượt con sói đen được chỉ định ý kiến, tất cả bọn sói đều lo sợ quay mặt về nó để chờ đợi, kết quả đau thương như hai chú sói trên, “dạ bẩm ngài, theo con nghĩ chia hai là đều nhất, ngài là một cộng với chín nai thì bằng mười.
Chúng con, chín sói cộng với một nai cũng bằng mười, như thế là quá công bằng, bình đẳng”. Một tràng pháo tay vang dội, hoan hô chú sói đen thông minh đáo để. Lúc này sư tử nhà ta càng vênh vang tự đắc, “phải như sói đen mới đáng mặt là kẻ thông minh, sành sỏi. Ta sẽ ban thưởng hậu hỷ cho chú mày sau.
Chú mày học phương thức chia chát này ở đâu vậy, sao từ xưa đến giờ trong sách vở chưa từng ghi lại?” “dạ, bẩm ngài! Con vừa học được từ hai bạn sói trước mắt đó”. Sư tử nghe nói vậy liền cười ha hả ra chiều thích thú lắm, rồi dõng dạc tuyên bố “này lũ sói nhà ngươi hãy học cách khôn ngoan như sói đen đấy nhá!” Cả bọn đồng thanh “dạ”.
Chúng sinh vì một niệm bất giác nên bị gió nghiệp cuốn trôi, từ một bản tâm bình thường, trong sáng, vô ngã, vị tha mà chúng ta kết thành ngã si, ngã ái, ngã chấp, rồi khoát lên nó quan niệm sống đầy bản ngã và cố chấp thành kiến, để phục vụ cho “cái tôi” này mà con người trở nên tàn nhẫn, độc ác. Con người là một chúng sinh cao cấp có nhận thức sáng suốt do biết quán chiếu, nghiệm xét tìm tòi nên có thể dời núi, lấp sông, vá trời, lấp biển.
Con người có thể tạo nên các tiện nghi vật chất để mưu cầu, hưởng thụ cho riêng mình nên bằng mọi cách vơ vét, gôm thâu, bành trướng thiên hạ để nắm quyền cai trị nhằm hưởng lộc tối cao.
Gã sư tử đó ra vẻ dân chủ, bình đẳng lắm, nhưng thực chất chỉ là hạng lừa đội lốt sư tử; nào là văn minh, dân chủ, công bằng, tự do, nào là vì lợi ích của nhân loại, hứa hẹn đủ thứ để rồi trở thành con ma nhà họ hứa. Ai biết cách tâng bốc, chạy lòn phía sau thì công danh, sự nghiệp lên như diều gặp gió. Ai thành tâm nói lên sự thật thì lãnh án khổ sai, biệt xứ. Cuộc đời lúc nào cũng bị phủ lên lớp áo màu xanh, hy vọng đổi mới, phát triển mở mang nhưng chỉ trên danh nghĩa suông, chỉ lợi ích cho một số người.
Con mèo mỗi khi bắt nạt gà, vịt thường quờ quờ cái chân trước, miệng gầm gừ rất ghê, thấy đối phương sợ là xông vào cắn cổ, nhưng nếu bị mổ lại là bỏ chạy. Con hổ không thế, bực lên là nó vả thẳng cánh, không có thói “rung cây dọa khỉ” như vậy. Con người cũng thế thôi, những kẻ bất chính thường hay to mồm lớn miệng.
Con người là chủ nhân ông của bao điều họa phúc, bất hạnh hay khổ đau là do chính mình quyết định. Chúng ta hãy vì tình thương của nhân loại mà cùng chia sẻ cho nhau, vì con người hơn hẳn các loài vật là có sự hiểu biết nên chúng ta cùng nhau chia vui, sớt khổ để thiết lập tình thương theo nhịp cầu tương thân, tương ái bằng tình người trong cuộc sống.
Một con người sống có đạo đức, nhân cách, được mọi người tôn quý và kính trọng chưa hẳn người đó xuất thân từ một gia đình có uy quyền, thế lực hay giai cấp quý tộc; cũng không hẳn là người có nhiều học vị, bằng cấp hoặc người có nhiều tiền của. Nếu người đó đạt được những tiêu chuẩn trên mà lại không có giới hạnh, đạo đức, sống thiếu tình thương, tình người trong cuộc sống thì giá trị đó cũng không thiết thực.
Người có đức hạnh phải biết làm chủ bản thân qua các cảm thọ, xúc chạm để thấy biết rõ ràng sự thật nơi thân này. Biết cảm thông, bao dung và độ lượng, tha thứ cho những ai đã từng làm cho mình đau khổ tột cùng; luôn sống vì lợi ích chung, lấy niềm vui thiên hạ làm niềm vui chính mình. Ai sống được như vậy là người đức hạnh, đạo đức và đang đi trên con đường giác ngộ. Chúng ta nên học hạnh lắng nghe của Bồ tát Quán Thế Âm, sẵn sàng chia vui sớt khổ vì lợi ích tha nhân. Ai sống được như vậy là người có đức hạnh vẹn toàn.
Discussion about this post