BÚT KÝ…
CON GÁI VÀ TỔ CHIM YẾN
Nguyễn Xuân Chiến
Con cái là thiện tri thức của cha mẹ
Chúng ta ai cũng có con và ai cũng yêu quý những người con của mình, không kể là con trai hay con gái. Nhưng, trong số các con của tôi, thì có cô con gái đầu lòng là đứa vừa yêu kính cha, vừa có niềm tin kiên cố vào Phật pháp – và nhất là hiểu chí nguyện của cha.
Cách chăm sóc của con cái đối với cha mẹ thông thường là gởi tiền và các vật dụng cần thiết cho sức khỏe, về cho cha mẹ. Mặc dù bận bịu làm ăn và chăm sóc, lo lắng nuôi con, nhưng mỗi lần tôi yêu cầu “gởi thuốc bổ mắt cho ba”, “thuốc điều hoà huyết áp ”…vân vân, thì nó sẵn sàng đáp ứng ngay mặc dù công việc làm ăn vẫn có những may rủi không chừng.
Nhưng, ngoài những cách báo hiếu thông thường, nó còn lưu tâm đến công việc hoằng pháp của cha, bằng cách mỗi tháng ngoài ngân khoản cố định, con gái còn gởi một ngân khoản riêng cho cha “để ba in kinh sách biếu tặng những người có cơ duyên” hoặc để cha “làm để ba từ thiện hoặc tặng cho những những người tu học mà thiếu điều kiện sống”.
Tôi thường hay bảo các con:
Các con hãy cố gắng làm một người thiện trí thức của ba. Tình cảm thế gian chẳng vững bền, tất cả đều là sợi dây oán kết đã ràng buộc chúng ta lại với nhau. Dường như đức Phật thường tỏ ra chỉ quý trọng vai trò của thiện tri thức trong việc hành trì và cả trong đời sống thường nhật.
Khi các con thắc mắc thiện tri thức là gì, thì tôi trả lời ngắn gọn:
Theo kinh sách mà ba học được, thì có 3 loại:
Thứ nhất, Giáo thọ thiện tri thức: Bậc dạy dỗ mình trên con đường tìm cầu chân lý Như thật đạo.
Thứ hai, Đồng hành thiện tri thức: Những người bạn đồng tu đồng học để chia xẻ khó khăn trên bước đường thành tựu mục đích của mình.
Thứ ba, Ngoại hộ thiện tri thức: những người giúp đỡ chỗ ở, kinh sách, thực phẩm, thuốc men… tất cả vật dụng đời sống để duy trì cuộc sống mà tu và học.
Nghe qua, các con đều gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Riêng đứa con gái nghe xong, liền bảo tôi:
– Con hứa là mãi mãi sẽ làm một người đồng hành và ngoại hộ thiện tri thức cho Ba. Ba yên tâm. Bên cạnh Ba luôn luôn có đức Phật A di đà và sau lưng Ngài là con gái của Ba.
Tôi lặng người. Biết nói gì hơn? Niềm hạnh phúc rộng lớn bỗng dưng dâng tràn và không biết phải làm gì.
* * *
Yến sào là thực phẩm bổ dưỡng
Cách đây chừng hai tháng, có nhân viên của hãng Yến Sào đến nhà giao 5 hộp nước yến sào. Sau khi ký nhận, tôi liền điện thoại, hỏi:
– Con gái gởi yến sào về để làm chi vậy?
– À, con nghe bạn bè nói, yến sào là một thứ dược phẩm rất bổ dưỡng cho tất cả những người cao tuổi, nên con mua gởi cho Ba. Nhớ uống mỗi ngày một chai. Ba đừng quên!
Con gái nói là phải nghe lời, nhất là yến sào là một thứ trân dược, dại gì mà chê bỏ? Hồi xưa, tôi từng đọc sách và tạp chí các loại, thấy người ta đua nhau khen ngợi và ái mộ những ai giàu sang mới thừa khả năng mua sắm yến sào để dùng như là một món thuốc hiếm. Bây giờ, mình đột nhiên con gái quá sức ưu ái đến cha già, ủa quên, người cha cao tuổi, mà mua tặng. Tôi đọc sơ qua nguồn gốc và xuất xứ của chai nước yến và vội vã bóc ra… uống thử cho biết. Mùi vị thơm lựng, đặc trưng của một món nhiều tiền, ngọt ngào làm sao, và nhai chầm chậm để thướng thức hết thảy hương vị của nó.
Tôi thầm cảm ơn đức Phật và cả cảm ơn tất cả cuộc đời, trong đó có con gái tôi, đã vô cùng rộng lượng, hào phóng, ban cho một kẻ phàm phu thô lỗ này quá nhiều quà tặng – trong đó có món nước yến mà mình đang rất háo hức uống từng tí một.
Sẵn máy vi tính để bàn, tôi gõ lên bàn phím: Thành phần dinh dưỡng và công dụng của tổ yến, và sau đây là ước lược bài viết:
Yến sào là tổ của con chim yến. Tổ yến được xếp vào hàng cao lương mỹ vị, là một trong tám món ăn bổ dưỡng (bát trân).
Yến sào chứa hàm lượng protein cao (45-55%), trong đó chứa 18 loại axit amin, có tác dụng tăng cường trí nhớ, giúp phục hồi sụn bao khớp trong những trường hợp thoái hóa khớp…
Tổ Yến chứa 31 nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự phát triển của trẻ và bồi dưỡng cho người già. Tổ Yến giàu canxi và sắt, có các nguyên tố có lợi cho thần kinh và trí nhớ. Yến sào chứa đường galactose mà không có chất béo.
Tổ Yến giúp người cao tuổi cải thiện không chỉ về thể chất mà còn về trí não.
Ngoài ra, tổ Yến cũng là thức ăn rất bổ dưỡng, dùng cho các trường hợp cơ thể suy nhược, mệt mỏi, biếng ăn, khí huyết yếu kém, cơ thể nóng nảy do hút thuốc và uống nhiều rượu, mất ngủ, tim đập nhanh, gầy ốm, da vàng. Có thể thỉnh thoảng dùng tổ Yến như một thực phẩm cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Theo đông y, yến sào vị ngọt, tính bình vào hai kinh phế và vị nên có tác dụng làm sạch phổi, tăng đề kháng với siêu vi, các bệnh cảm cúm và triệu chứng dị ứng. Khác với các loại thực phẩm thông thường, tổ Yến ăn lúc nào cũng được. Chúng ta hay ăn yến sào chưng cách thủy với đường phèn. Nên ăn mỗi tuần một tổ yến là đủ. Bạn chưng cách thủy một tổ chia làm ba phần, ăn một phần rồi để trong tủ lạnh, cách một ngày ăn một lần.
Nhà nghiên cứu và phân tích đã nói như vậy, hèn chi, con gái tôi đọc những tài liệu ấy, đương nhiên thấy yến sào quả là một thứ thực phẩm quá bổ dưỡng, liền khẩn cấp mua cho cha dùng! Người cha nay đã hơn bảy mươi tuổi.
Thế là hai tháng nay tôi thường xuyên sử dụng chai đựng nước yến sào (gọi là nước yến sào vô chai) và cảm thấy con người mình khoẻ khoắn ra, nhất là những ngày nhiệt độ xứ Huế lên tới 37 hoặc 40 độ C, khi đó uống vào một chai nước yến sào, thì cảm giác mát mẻ, dễ chịu trông thấy.
Yến sào là một vấn đề?
Ngày hôm qua, anh bạn Kế từ Saigon ra ghé thăm tôi, vì là bạn thân từ thuở nhỏ, nên chúng tôi nói chuyện đủ thứ đề tài. Bỗng anh nhìn thấy vỏ chai nước yến nằm trên bàn trà, anh hỏi:
– Này ông, ông uống nước yến từ khi nào vậy?
Tôi như thật trả lời:
– À, mình đã dùng mấy tháng nay. Con gái mua cho, để uống cho bổ khoẻ!
Tức thì, anh Kế nghiêm nét mặt, trừng đôi mắt, ngó thẳng vào mặt tôi, nói chầm chậm như lời răn đe:
– Ừ, cứ ăn, cứ uống vào đi, cho bổ khoẻ rồi chuốc lấy quả báo thảm khốc khôn lường.
– Tại sao?
– Ông không biết chi cả à? Ông hãy bấm vô mạng Internet sẽ thấy ngay!
Tôi ngạc nhiên quá, vội vã làm theo. Có quá nhiều bài viết về yến sào, bài nào cũng đáng đọc. Trong đó, tôi thấy bài viết sau đây của Cô N. T. K (có lẽ giấu tên thật) trên mạng, như sau:
Có một lần lâu lắm rồi, tôi có gặp người bạn nói ngày xưa ở Việt Nam trước năm 1975 có lần ông trúng thầu để lấy tổ yến…
Sau lần đó ông giải nghệ luôn vì thấy nghề này ác độc quá… Ông nói, tội lắm cô ơi… đôi khi phải vứt trứng yến hay chim non xuống biển để lấy tổ… Chim mẹ bay về quanh quẩn nơi tổ yến đã bị con người lấy mất, nó kêu thảm thiết lắm… Nghe ông nói mà tôi ứa nước mắt thương cho chim mẹ…
Tổ yến hay gọi là yến sào
Tổ yến được tạo nên từ dịch tiết ra từ miệng chim Yến hay còn gọi là nước bọt của con chim Yến chứ không phải xây bằng cây cỏ, rêu, lá, lông chim như người ta vẫn nghĩ. Khi nước bọt của chim Yến khô cứng lại, chúng sẽ hình thành tổ rất vững chắc. Như vậy, thành phần chính tạo nên tổ yến đó là nước bọt của chim Yến.
Cách làm tổ của chim Yến
– Vị trí xây tổ:
Khi bước vào mùa làm tổ, chim Yến bắt đầu tìm vị trí để xây tổ. Vị trí xây tổ có quyết định đến sự vững chắc của tổ yến nên chim Yến thường tìm những vị trí an toàn để xây tổ và vị trí này sẽ cố định trong nhiều năm, chim Yến chọn một vị trí và xây tổ làm nhiều lần ở vị trí đó.
– Quá trình làm tổ yến:
Sau khi chọn được vị trí xây tổ, vào thời điểm nước bọt chim Yến phát triển là lúc chim Yến bắt đầu xây tổ. Khi nước bọt tiết ra, chim Yến dùng lưỡi đẩy nước bọt ra khỏi miệng và quẹt lên thành vách tạo hình, chim Yến cứ liên tục đẩy nước bọt ra ngoài và quẹt qua quẹt lại như thế để định hình. Sau 2-3 tiếng đồng hồ là nước bọt của chim Yến sẽ khô lại. Điều đặc biệt là việc tiết nước bọt của chim Yến không dễ dàng gì mà chúng phải xù lông, nhắm mắt, rất vất vả để tiết nước bọt lên thành vách, đó là lý do vì sao mà giá trị dinh dưỡng của tổ yến rất cao. Và cùng chính vì trong quá trình tiết nước bọt, chim Yến phải xù lông lên, đạp cánh nên đôi khi có lông chim Yến bay vào tổ và kết dính với các sợi yến chưa kịp khô lại, vì thế nên có loại tổ yến thô còn dính những sợi lông chim Yến.
Cứ mỗi đêm chim Yến lại dùng nước bọt của mình để xây tổ và sau nhiều đêm thì tổ yến sẽ được hình thành. Theo thống kê thì cữ mỗi đêm chim Yến lại xây được khoảng 1mm tổ yến.
Sau nhiều đêm dùng nước bọt xây tổ, tổ yến được hình thành với độ lớn đủ lớn thì chim Yến sẽ quẹt nước bọt lên mép tổ rồi chim Yến nhảy lên vách hay mép tổ rồi quẹt nước bọt vào lòng tổ yến để tạo nơi đẻ trứng. Nếu bạn nhìn thấy trong tổ có lớp xơ mướp thì chứng tỏ chim Yến sắp đẻ trứng.
Khi lấy tổ yến, người ta vứt trứng và các con còn non xuống biển, dĩ nhiên là… phải chết tức tưởi, phải hy sinh tánh mạng để làm thức ăn cho loài người, một loài sinh vật hung dữ và tàn ác nhất!
Hình dáng tổ yến
Tổ yến thông thường có hình dạng như nửa chén trà úp và được dính vào thành hang đá (nếu là yến tự nhiên ngoài biển đảo) và thành căn nhà dùng để nuôi yến (nếu nuôi yến trong nhà do mình thiết kế).
Tổ yến bao gồm nhiều phiến mỏng được tạo nên từ nước bọt của chim Yến, chúng kết dính lại với nhau và tạo thành tổ yến.
Có những tổ yến cao, có kích thước lớn đó là do sau khi chim Yến đẻ trứng, chim Yến vẫn tiếp tục làm tổ cao thêm 1-2cm nữa, vì thế với những tổ yến già thường có kích thước lớn hơn so với những tổ yến được thu hoạch từ sớm.
Về sau thì tổ yến sào sẽ càng nhỏ dần ở những lần xây tổ tiếp theo. Tổ yến có các màu trắng, màu hồng, màu đỏ hay còn gọi là huyết yến.
Chuyện của chim yến
Câu chuyện làm chúng ta xao xuyến và cảm thương cho số phận của một loài chim chỉ biết bay, rất ít khi đậu trên mặt đất. Cứ thế, nó bay và bay mãi.
Nếu không nhờ bác Kế, người bạn chí thân, thì chúng tôi – nghĩa là đứa con gái và bản thân tôi – vẫn lầm lạc như bao nhiêu lâu nay. Chúng ta vẫn nghĩ rằng, người ta lấy tổ chim yến cũng tương tự như đưa tay hái trái ổi, trái chanh ở trên cành. Chỉ níu cành cây xuống và đưa tay ngắt. Đơn giản như em là Maria! Nhưng không. Cuộc đời không bao giờ óng ả, tươi đẹp như trang thơ, mà là một bãi chiến trường hỗn loạn, không biết đâu để thăm dò – vì chính lòng ta là vực sâu xấu ác, là núi cao của tàn tệ, cho nên từ tâm ta ra sao sẽ phản ánh ra cuộc đời thế ấy. Giáo lý nhà Phật đã dạy tâm và cảnh không có hai.
Để có cái tổ mủm mỉm, nhỏ nhắn như vậy và làm sao đem cái tổ ấy đến cho cuộc đời – thì vợ chồng chim yến phải kinh qua không biết bao nhiêu đau thương đến xé ruột, bao bi thảm chồng chất trên tấm thân chim bé tí tẹo, bao uất ức ghê rợn khiến chấn động ngàn mây – thì sau những bi kịch đẫm máu ấy, chúng ta mới có được một chai nước yến để uống chơi, cho bổ khỏe mát ruột mát gan!
À, rồi một khi nhìn thấy tổ ấm và lũ con đã bị loài người giết hại, chim Yến mẹ liền bay vút lên không trung. Xé gió biển, đôi cánh nhỏ dang rộng hết cỡ, lượn lên mất hút trên khoảng không rồi bất thần lao xuống hết tốc lực. Chẳng có gì ngăn cản nổi, Yến mẹ lao đầu vào vách đá dựng đứng. Để lại trên vách núi vệt máu tươi uất nghẹn và tiếng kêu khản đặc xé lòng của chim trống…
Cảnh tượng đó lặp đi lặp lại trong những ngày vào mùa, không phải mùa lễ hội tưng bừng của nhân gian – mùa mà một loài hân hoan trên sự chết chóc đau thương của một loài khác: Mùa khai thác Tổ Yến.
Yến, sống trung thành – chết thuỷ chung. Một đôi Yến khi đã sống cùng nhau là trọn đời trọn kiếp. Khi đã xây tổ ở đâu là vĩnh viễn không dời đi nữa. Tập tính đó giết hại Yến. Người vẫn thầm ngưỡng mộ và tự hỏi: Trong hàng ngàn chim Yến bay rợp biển kia mà vì sao các cặp đôi không bao giờ nhầm lẫn, không đời nào lang chạ? Hàng vạn tổ Yến ken đặc trên vách đá đó mà Yến luôn về đúng nhà của mình. Không bao giờ chiếm tổ chim khác? Rồi người lợi dụng triệt để đặc tính này để dụ Yến, nuôi Yến, lấy tổ Yến và vô tâm nhìn xác Yến… Nếu không may gặp một thợ hái tổ không chuyên hay thiếu kinh nghiệm. Không chừa lại một phần tổ, hoặc lấy đúng chiếc tổ của Yến sắp sinh.
Chim mẹ trở về trong tình trạng mất tổ, không chịu nỗi đau đớn vì cơn chuyển dạ. Yến sẽ quẩn và chọn cách gieo mình vào vách núi, chính nơi đã xây mái ấm để quyên sinh.
Đa số chim Yến trống sau đó bay lượn điên cuồng, kêu gào thảm thiết rồi lao thẳng vào đúng chỗ vợ chết. Nên các vệt máu khô buồn in lại trên vách đá lạnh lẽo thường là vệt đôi bên nhau, thậm chí là chồng lên nhau. Nếu không tự tử, chim Yến trống sẽ sống cô độc suốt quãng đời còn lại.
Xưa, kẻ cùng đinh mạt vận, tứ cố vô thân, nghèo cực đến nỗi mồng tơi cũng không có để mà rơi rớt – mới phải ra nơi heo hút, leo trèo nguy hiểm trên các giàn tre mà tìm hái tổ Yến để mong đổi đời. Thường thì khi dành dụm được chút vốn kha khá, họ bỏ nghề ngay tức khắc và tỏ ra chân thành ăn năn sám hối. Họ không đời nào muốn con cái tiếp tục cái việc quá sức mạo hiểm, quá sức thất đức. Và đó là lý do không có “nghề lấy tổ Yến gia truyền” là vậy.
Nay, lòng tham con người vô cùng vô tận.
Tạo hoá không ban phát cho ai tất cả. Loài chim hiền hoà xinh đẹp và thuỷ chung đó lại có đôi chân cực ngắn và mềm yếu. Yến dường như không thể đậu trên mặt đất, Yến treo thân trên vách cheo leo lúc đêm về. Còn lại gần như bay suốt, liên tục từ 12-15 giờ mỗi ngày. Săn mồi và ăn trong khi đang bay, ngủ trong lúc bay, thậm chí là “làm chuyện vợ chồng” trên không luôn.
Bù lại, Mẹ Thiên Nhiên dạy Yến cách sinh tồn, mách bảo Yến sống trên cao, làm tổ nơi vách núi thẳng đứng, hẻo lánh và trơn trượt. Hòng tránh loài ăn thịt hiểm ác như rắn hay cú vọ. Có điều, ngay cả thiên nhiên cũng không biết được có loài ăn… tạp, còn tàn độc hơn thú dữ. Loài có thể chinh phục bất cứ núi cao vực sâu hiểm trở nào hầu nhét cho đầy lòng tham tanh tưởi. Loài đã làm những cuộc tàn sát đẫm máu mang tên “Yến Sào”. Chính hắn, bọn hắn, có tên gọi là Con người, chứ không phải ai khác!
Yến chống chọi để tồn tại, tạo hoá không đành lòng diệt vong một biểu tượng của tình yêu, tình mẫu tử. Trong thiên nhiên hoang dã, chắc Yến là loài duy nhất được mệnh danh “rút ruột cho con” nhờ đặc tính làm tổ bằng nước dãi. Cả chim mẹ và chim cha cùng nhau xây tổ. Nước dãi kết dính cây cỏ và chính những chiếc lông rứt ra đau đớn thành chiếc tổ kỳ diệu. Con người ranh mãnh khi lấy tổ yến đã cố tình chừa một ít. Yến hồn nhiên xây lại, dãi không đủ cho mùa sinh nên thổ huyết ra xây. Tước lông đến xơ rơ đôi cánh, trơ da thịt trân mình chịu đựng cơn gió biển rít buốt đến xương tuỷ. Cho đến chết đi rồi Yến vẫn không thể hiểu được một số giống người man rợ hoan hỉ gọi đó là “Hồng Yến”…
Cuối cùng tác giả bài viết ấy, đã lớn tiếng kêu gọi:
Cuộc đời loài chim yến hiện nay thật quá thương tâm, vì lòng tham và sự tàn nhẫn của con người chưa từng giảm bớt… Hãy dừng lại việc nuôi yến, bán tổ yến cho đến tiêu thụ các sản phẩm từ chim yến.
Bài học từ tổ chim yến, (yến sào)
Con gái ơi,
Con gái đã lầm nhưng Ba lại càng lầm hơn. Chúng ta đâu biết cuộc đời và con người luôn luôn giăng nhiều cạm bẫy. Chúng ta chỉ là những kẻ dễ tin và dễ chấp nhận, nhất là những việc có lợi cho bản thân mình.
Hồi mới làm quen với đạo của Đấng Chánh Biến Tri, ba đã được hòa thượng Thích Minh Châu giảng một đoạn “Đức Phật đã dạy trong kinh Kalama rằng:
“Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình”.
Bây giờ chúng ta có thể nói thêm rằng: Chớ có tin những lời quảng cáo. Chớ có tin những lời truyền miệng, đồn đãi. Chúng ta luôn bị động trong một thế giới đầy rẫy đủ dạng truyền thông, đủ cách xuyên tạc bóp méo, đủ cách dẫn dụ mê hoặc tất cả chúng sanh.
Nhân nào quả đấy, nếu mình phá hoại nhà cửa của người ta, chia rẽ gia đình người ta, cướp đoạt cái mà chẳng phải thuộc về mình, ăn nuốt vật phẩm dựa trên máu, nước mắt và sinh mạng của chúng sanh thì tương lai gia đình mình, con cháu mình, và cá nhân mình chẳng lẽ không bị quả báo tương tự hay sao? Vì vậy: Trước khi làm điều gì, hãy nghĩ đến hậu quả của nó.
Con gái ơi, hồi con còn nhỏ, ba có tặng các con cuốn sách BÀI HỌC NGÀN VÀNG, tác giả là hoà thượng Thích Thiện Hoa, nội dung xoay quanh lời dạy của cổ nhân: “Trước khi làm điều gì, hãy nghĩ đến hậu quả của nó”.
Thì bây giờ, đã tới lúc chúng ta phải áp dụng bài học ngàn vàng ấy. Hơn nữa, một người niệm Phật ăn chay như ba và con, trước hết phát khởi tâm từ bi, nghe câu chuyện của chim yến và công việc khai thác tổ yến vô cùng thương tâm, không đành lòng ăn một vật đã từng dẫy chết để con người mua lấy sự bổ khoẻ cho thân xác của họ.
Thời đại ngày nay, con người sử dụng máy móc để dẫn dụ chim yến về cho nhiều, từng bầy cả ngàn con. Như máy phát làn sóng và phát cả âm thanh thích hợp. Rồi tạo môi trường giống y như tự nhiên, tạo nhiệt độ cho căn nhà và nghiên cứu độ ẩm, cách bố trí hệ thống phun sương. Hóa chất phun trong nhà… và quy hoạch các loại cây trồng quanh những căn nhà có yến đến ở… vân vân. Cách nuôi chim yến trong nhà có thể giảm mức độ giết hại vì người ta muốn “tận thu” nên cho phép chim yến sống thêm độ năm bảy năm, gặt hái được năm bảy cái tổ…
Có thể, người ta lấy tổ nhưng vẫn để cho vợ chồng chim yến được sống mà xây tổ lần nữa… nghĩa là vợ chồng chim yến được phép xây tổ nhưng không bao giờ có quyền sanh con đẻ cái trong cái tổ ấy – vì sao? Vì loài người đã cướp mất cái tổ ấy đem đi bán kiếm tiền. Chim trống và cả chim mái đều kêu gào, khóc lóc, uất ức mà đành bất lực trước sự dã man của con người mà thôi. Vì sự sinh tồn, yêu sự sống của bản năng, vợ chồng chim yến vẫn tiếp tục xây dựng lại tổ ấm cho kỳ đẻ lần sau. Nhưng, làm chi có cái lần sau ấy, bởi vì loài người cứ chực chờ để lấy tổ khi tổ vừa mới hình thành. Và kết cuộc, vợ chồng chim yến vẫn chết theo sự dửng dưng của con người – chỉ biết thu đồng tiền là quan trọng và cần thiết nhất.
Con gái ơi,
Yến sào tức là tổ yến, tên gọi có vẻ hiền hoà, dễ thương – nhưng món thực phẩm ấy lại là kết quả của sự tàn nhẫn, vô cảm đến mức trơ lì của con người – người Phật tử không nên dùng, vì dẫm đạp lên Tâm Từ Bi, một đức tính cao thượng mà các vị bồ-tát vào ra sanh tử hàng vạn hàng triệu lần để tu tập mới thành tựu được.
Còn chúng ta thì sao?
Chúng ta không có đủ quyền lực để buộc con người phải giã từ tất cả hành động bất nhân, vô lương tâm ấy. Nhưng chúng ta có thể tranh đấu một cách ôn hòa bằng cách không sử dụng sản phẩm mang tên Yến Sào và luôn luôn kêu gọi con người hãy thức tỉnh trong tình thương, trong trí tuệ.
Để làm chi vậy?
Để trái tim chúng ta bừng sáng mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây… Để chúng ta biết bao dung hơn – sẵn sàng thứ tha cho những người vẫn còn mê muội ở lì mãi trong bóng tối vô minh dằng dặc của lòng tham bất tận. Để tâm hồn chúng ta lớn rộng những yêu thương chan chứa khôn cùng.
Và cuối cùng, để tiếng niệm Phật, Nam mô A di đà Phật, của chúng ta sẽ hùng tráng, vang dội, sẽ ngân vang khắp chín phương trời hư huyễn và rồi vọng thấu vô cùng…
Nam mô A di đà Phật…
Nam mô A di đà Phật,
Nam mô A di đà Phật,
Bài đọc thêm:
Cuộc đời đau thương của loài chim yến
Discussion about this post