CÓ BA SỰ HƯỞNG THỤ KHÔNG BAO GIỜ THỎA MÃNQuảng Tánh
Một thời
Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ,
Thế Tôn gọi các
Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, hưởng thọ ba sự ở đời, không bao giờ thỏa mãn. Thế nào là ba?
Hưởng thọ ngủ nghỉ, này các Tỷ kheo, không bao giờ thỏa mãn. Hưởng thọ rượu men, rượu nấu này các Tỷ kheo, không bao giờ thỏa mãn. Hưởng thọ khoái lac ân ái nam nữ, này các Tỷ kheo, không bao giờ thỏa mãn.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Chánh giác, phần Không thỏa mãn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr 473).
Trừ các bậc Bồ tát vì bi nguyện tái sanh, còn lại hết thảy chúng ta sinh ra trong cõi Dục với gốc rễ nghiệp duyên tham ái sâu dày. Do đó, ái dục là bản chất của con người và sự khát ái trở nên vô cùng tận. Người ta nói “lòng tham vô đáy” vì lòng tham cùng với sự hưởng thọ cac món dục ở đời dường như không bao giờ thỏa mãn.
Sự hưởng dục ví như người bị trôi giạt giữa biển khơi khát nước, càng uống nước biển vào lại càng khát hay giống như người bị bệnh phong cùi ngồi bên bếp lửa cào cấu vết thương, càng đã ngứa thì vết thương càng lở loét ra thêm. Trong các thú vui ở đời, theo tuệ giác Thế Tôn thì ngủ nghỉ, sử dụng các chất gây nghiện (rượu, ma túy…) và hoan lạc ân ái nam nữ là không bao giờ thỏa mãn. Như lúc no say, nhu cầu ăn uống tạm ngưng nhưng rồi không lâu sau con người lại cần ăn uống và điệp khúc này diễn tiến đến hết đời.
Thực ra, “sự hưởng thọ không bao giờ thỏa mãn” ấy là một trong những nhu cầu sống chính đáng của con người. Vấn đề là phải nhận thức rõ ràng về việc ta không bao giờ thỏa mãn với những gì hiện có và nhu cầu hưởng thụ ấy không có điểm dừng để chuyển hóa tham ái của tự thân. Mặt khác, nghĩ rằng thỏa mãn các tham muốn la hạnh phúc thì không bao giờ tìm ra hạnh phúc đích thực vì nhu cầu được thỏa mãn vốn đa dạng và vô cùng.
Do nhận thức được vấn đề nên người con Phật thiết lập muốn ít và biết đủ đồng thời làm sung mãn và an tịnh nội tâm băng thiền định. Lộ trình chuyển hóa tâm từ bớt tham đến ly tham được xây dựng trên nền tảng tuệ giác chứ không phải khổ hạnh hay chịu đựng. Phải thấy được sai lầm trong quan niệm thỏa mãn các nhu cầu tham ái là hạnh phúc để không chạy theo, không tìm cầu hạnh phúc bên ngoài. Hạnh phúc đích thực khi tâm đạt đến trạng thái thanh tịnh, không còn tham ái và chấp thủ.
QUẢNG TÁNH
Xem thêm:
Phẩm 3 Ái dục Kinh Pháp Cú Tây Tạng (Nguyên Giác dịch)
Ghi nhận: Phẩm này nói rằng phải xa lìa các loại ưa thích say đắm nơi mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân chạm xúc, tài sản, sắc dục, tên tuổi quyền thế, ăn ngon, ngủ nhiều (tức là, các ưa thích nơi: sắc, thanh, hương, vị, xúc, tài, sắc, danh, thực, thùy). Đặc biệt là cũng phải xa lìa kiến dục, các lập trường quan kiến (có/không; hữu/vô).
Kinh chiếc lưới ái ân – Kinh Pháp Cú Hán Tạng (Thích Nhất Hạnh)
Discussion about this post