CHUYỆN NGẮN ĐỜI DÀI
Truyện ngắn Nguyễn Văn Sâm
Bàn ăn hằng ngày của nhóm năm người hôm nay rộng thinh thang vì không có mặt hết hai người. Ông Hải Không Quân mất hồi đầu hôm do đột quỵ. Bà Sáu Chợ An Đông được người nhà rước về dự lễ sinh nhựt con của một đứa cháu ngoại. Nhân viên phục vụ đem đồ ăn tới, ba người ngồi ăn uể oải, kẻ nuốt không vô vì thấy người bỗng nghĩ đến ta, kẻ trầm tư vì tủi thân ở đây lâu húm người thăm viếng đã không thì chớ, người đoái hoài cũng vắng bóng luôn. Không nói mà cả ba người đều chớ hề rớ tới muổng nĩa, ngồi dựa lưng vô ghế, chẳng thèm ngó ngàng gì đến ly sữa đầu ngày hay ly nước lọc dùng để uống cả bụm thuốc như thường lệ.
Dì Chưởng lên tiếng trước sau khi sửa lại cách ngồi, chồm tới để hai tay khoanh trên bàn:
“Anh em sống ở đây quen nhau, bỗng nhiên thiếu đi một hai người, buồn hiu như cha chết mẹ chết.”
Chú Hoạt cười buồn bắt bẻ:
“Mình từng tuổi nầy, cha mẹ nào vô đó mà chết nữa bà nội!” Chú trấn an mọi người. “Chắc chắn nay mai sẽ có ai vô thế chỗ của ông Hải Không Quân, rồi mình sẽ quen thôi. Còn Bà Sáu thì vài bữa về tới bây giờ chớ gì. Người ta còn con cháu cũng phải cho về nhà chớ, tội nghiệp là tội nghiệp bọn mình đây nè. Ai tới rước đâu!”
Dì Chưởng thắc mắc ngang:
“Ờ mà ổng mất rồi tôi mới dám hỏi, sao gọi là Ông Hải Không Quân?”
Cũng chú Hoạt mau miệng:
“Tôi có hỏi nhỏ ổng chuyện đó trước đây, được giải thích là ổng tự hào về đời binh nghiệp của mình nhưng không muốn nói đến chức vụ, ngại bị kết tội khoe khoan.”
Bác Trịnh chép môi:
“Ờ chức vụ thời xa xưa quên đi là đúng.”
Chú Hoạt tâm sự thêm vì ý của mình chưa được nói hết:
“Tôi thèm được có con cháu bu quanh quá đi. Thấy người ta có thân nhơn tới thăm, tủi thân cách gì đâu á! Không khóc mà nước mắt cứ tràn ra hoài, kềm cũng khó.”
Dì Chưởng đưa tay nầy vuốt vuốt mu bàn tay kia, rờ rờ sợi gân xanh hình chữ Y nổi lên như
cọng rau muống già:
“Ối! Thèm chi cho mệt, tủi chi vô ích!. Tụi nhỏ tới cho có lệ chứ thương yêu gì ông bà già cúp bình thiếc như tụi mình. Ngó qua ngó lại một chút rồi rủ nhau đi shopping hay tạt vô tiệm làm tóc hoặc sơn móng tay. Tôi chứng kiến nhiều lần chúng nó ra dấu bằng mắt khi vừa mới nói đâu được chừng một hai câu. Cho có mặt vậy mà!”
Bác Trịnh khoan dung hơn, chậm rãi:
“Có còn hơn không, người vô đây thăm, lạ mình còn mừng huống chi thân nhơn cháu chắt. Mà thôi, bữa nay nhóm mình còn ít người, để cho có chút ý nghĩa nào đó tôi đề nghị mỗi người nói chuyện đời mình cho nhau nghe. Chỉ kể một hai điều quan trọng thôi. Chuyện đau buồn hay chuyện vui cũng được. Để rút ra ý nghĩa cuộc đời vậy mà. Chúng mình gần ăn đất hết rồi, tốt xấu gì cũng là chuyện đã qua, không có gì phải mắc cở, cũng không có gì phải dấu diếm… Cứ tự nhiên kể, tuổi trẻ lầm lỡ là chuyện thường tình phải không hai vị… ?”
Dì Chưởng liếm mép muốn nói gì đó nhưng chú Hoạt đã buột miệng:
“Mình nghe rồi rút ra bài học, xin đừng dùng để nhìn xấu về nhau sau nầy. Cũng đừng bình phẩm khi người kia kể, cho bạn mình khỏi chia trí hay mất hứng vậy mà. May mà chúng ta còn tương đối mạnh khỏe và tỉnh táo, biết đâu mai đây có người muốn kể cũng không còn sức, không còn trí. Trời kêu mà, đâu biết được lúc nào!”
Cả ba làm thinh một lúc hèn lâu, như bị câu nói tác động. Tiếng nhạc nhè nhẹ buổi sáng loang tỏa trong không gian yên tĩnh, người bốn bàn kế bên đã lác đác quay về phòng, chỉ còn lại vài ông bà phải ngồi xe lăn ngác ngơ cần có nhân viên tới đẩy và những người thích ngồi kế cửa sổ ngó ra vườn hay hóng nắng sớm mai.
Chuyện mẹ nhân ái.
Thể chất tôi èo uột ngay từ lúc mới ra đời nên người nuôi rất cực khổ. Ba tôi mất sớm, gánh nặng đó chuyển lên vai của má. Tôi thường bị bịnh ban cua, lưỡi trắng, bên trong miệng lại có đẹn nên ăn gì cũng đau rát, không muốn nhai nuốt, thường phun nhả. Những ai trông coi thường đánh tôi vì chuyện đó, nhưng má tôi thì không bao giờ, bà xuýt xoa, dỗ dành, khuyên tôi cố gắng ăn uống. Tôi mới 4, 5 tuổi, chẳng hiểu gì nhiều nhưng cảm nhận những lời ngọt ngào và cử chỉ thương mến của bà, thích cái vỗ tay của bà khi tôi cố gắng nuốt nên khoái được má đút cơm. Bà kiên nhẫn, còn tôi thì gượng đau rát. Mỗi bữa cơm là một cực hình cho cả hai má con, tốn nhiều thời giờ ít ỏi của bà, nhưng tôi chưa bao giờ thấy bà bực mình vì chuyện đó.
Người ta nói tôi bị ban khỉ vì bịnh làm cho chưn tay tôi trở nên khẳng khiu và dài sọc, mặt mày ốm trơ xương, giống như mặt khỉ già.
Mỗi tuần hai ngày má cõng tôi trên lưng khom khom đứng đón xe ngựa đi lên nhà thuốc Ông Tạ ở Hòa Hưng để được bắt mạch hốt hai thang thuốc đem về. Xe ngựa chật, ngộp, phải ngồi bó rọ trong lòng má, tôi thường khóc giảy khiến bà phải dỗ dành và xoa xoa lưng tôi mới cảm thấy dễ chịu mà nín khóc. Xe ngựa ngừng ở ngoài đường lớn, má lại cỏng đi vô đường đất đỏ cả một đoạn dài, lắm khi trơn trợt sau cơn mưa. Nhiều lần bà té lên té xuống nhưng lúc nào tôi cũng cảm nhận là bà che chỡ cho tôi khỏi ướt, khỏi dơ còn bà sao cũng được, nhiều khi tới nơi rồi thì sình bùn đã hơi khô khô, dính vô cái áo túi của bà từng mảng, từng mảng. Trong khi chờ đợi được kêu tới số thẻ của mình, bà từ tốn lột quăng ra xa. Phòng chờ đợi quá đông nên nóng hầm, tôi thường đòi chạy ra sân, nhưng má tôi sợ con té, lạc đường hay bị chó cắn, bà thường giằng lại trong lòng, cam chịu sự giảy dụa, bất bình của tôi. Lúc nhỏ mình chỉ biết làm cho đã nư, lớn nên nghĩ lại, nhớ ánh mắt thương mến của bà khi nhìn tôi mà cảm động và thương má muộn màng, nghĩ là có chết cũng chẳng đền bù được.
Vậy đó, tôi sống còn, tuy đau yếu, chậm lớn, nhỏ con, nhưng trong tim tôi chứa đầy ánh mắt bao dung và lòng thương mến bạt ngàn của má mà trời biển cũng còn nhỏ hơn.
Còn nhớ năm đầu đi học lớp Năm, lớp một ngày nay đó, hầu như mỗi ngày đi học tôi đều khóc, và má phải cỏng tôi tới trường, đứng lúp ló ngoài cửa lớp hèn lâu rồi mới len lén đi về. Trưa tan trường, trống chưa đánh tôi đã thấy bóng dáng má tôi với cái nón lá và cái áo bà bà quen thuộc.
Lúc học năm thứ hai trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn thì ý định đi vào đường nghiên cứu văn học Việt Nam đã rõ nét sau khi đã sưu tập được một số tài liệu quan trọng cũng như đã khởi thảo được một vài tác giả cơ bản. Tất cả tư liệu và bản thảo đều được xếp vào một thùng giấy trước đây người ta dùng đựng sửa hộp, thời đó gọi đơn giản là thùng sửa, đêm đêm tôi lôi ra đọc đọc viết viết cần cù quên mệt mỏi. Má tôi học ít, chỉ đọc được chậm chạp những hàng chữ lớn trên báo hằng ngày mà thôi, thấy con mình quí thùng sửa giấy rách đó và say mê công việc nên bà thường yên lặng đặt kế bên con một ly nước trà đá chanh đường cũng như sẵn sàng xếp lại gọn gàng mỗi khi tôi bày binh bố trận.
Năm đó, khi đang ngồi ở Thư Viện Quốc Gia ở đường Gia Long học bài thì nghe tin lửa cháy bên kia Cầu Ông Lãnh, khu nhà tôi ở phía đó, xóm Vĩnh Hội. Tôi lật đật kiếm đường về mà không được, các cầu đi về hướng có đám cháy đều bị ngăn chặn, đò ngang cấm không được cặp bến để cho lính chửa lửa làm việc và nhân viên công lực ngăn ngừa trộm cắp.
Nóng ruột về tài liệu khó kiếm chắt mót bấy lâu nay, về quyển sách coi như đã hoàn thành được hơn một nữa, lòng tôi bồn chồn, lăng xăng lên xuống bên Bến Chương Dương ngó ngọn lữa mà thở dài, nhiều khi muốn cỗi áo lội qua sông nhưng thấy có nhiều nguy hiểm nên đành đứng trong đám đông bên nầy trơ mắt ngó.
Gần sáng, khi đám cháy tàn, tôi lò mò về khu nhà cũ. Mọi thứ đều hoang tàn, mấy cây dừa xưa lã ngọn nên thơ giờ chỉ còn trơ gốc đen xì giáp mép bùn khô, buồn bã. Cầu khỉ cầu ván đi vào hư vô, ao rạch cạn cùn phơi đáy trơ vơ những góc ván ngựa nám đen ai đó trong khi quính quáng đã chùi vội xuống nước. Tôi nôn nóng tìm má thì ít mà lo cho số phận thùng sách của mình thì nhiều. Biết bao nhiêu công trình tìm tòi và suy nghĩ. Biết bao nhiêu thời gian lục lọi nằn nì. Mất nó chắc tôi bỏ cuộc luôn chuyện viết lách mới nhen nhúm đầu đời.
Khi gặp má tôi đương ngồi đăm chiêu, mệt mõi, gương mặt lấm lem vài vệt lọ nghẹ, câu hỏi đầu tiên của thằng con là thùng sách của mình. Má tôi vui cười chỉ thùng báu vật của con mà bà đương ngồi trên đó, ý chừng để ngăn ngừa bọn hôi của đương hoành hành đâu đó. Tôi nhớ mình vì quá mừng, lính quính nên đã quên hỏi má về những vật dụng của riêng bà.
Gần mười năm sau quyển sách đầu đời của đứa con vô tâm được in thì má nó đã đi vào nơi hằng cữu một vài năm trước. Cầm quyển sách đầu tiên thơm mùi giấy mực tôi không vui mà chỉ buồn nhớ má, mắc cở cho thái độ của mình ngày xảy ra đám cháy. Tôi nói thầm: Má ơi. Má viết quyển sách nầy chớ không phải con! Nếu má không cứu cái thùng sửa thì ngày nay đâu có sách.. … Mỗi khi cầm sách nầy lên là con nhớ hình bóng má với ly nước trà đá chanh hay cử chỉ chịu đựng khi dọn dẹp tài liệu bừa bãi của con ngày trước… Con cám ơn và xin lỗi má dầu muộn màng!
Vậy mà chẳng phải chỉ lỗi lầm đó với má tôi thôi, còn nhiều lỗi lầm khác nữa. Cũng dàng trời mây luôn. Chỉ xin đơn cử một trường hợp.
Từ khi cưới vợ và ra ở bên nhà vợ, tôi ít khi về thăm má mình. Vợ giàu không thích về thăm má chồng nghèo nên tôi chỉ về thăm má một mình, năm khi mười họa.
Một hôm rảnh rang, bỗng nhiên nhớ tới má, tôi lái xe hơi về xóm nhỏ thăm bà. Quẹo vô cái chợ chồm hổm tự phát đầu xóm tôi nhói tim khi thấy má ngồi trước cái ông lò than đỏ đương nướng trỡ bánh tráng, bánh phồng. Dáng má khẳng khiu, ốm o, hốc hác. Tôi ngừng xe trước hai rỗ bánh đầy ấp của má. Má vội vã giải thích rằng bà kiếm thêm chút đỉnh, ngồi không chẳng ích gì. Đi bán cho vui, ở nhà tù túng thêm bịnh.
Tôi thương má gần như muốn khóc, năn nỉ bà về, bỏ hết ba cái thứ lỉnh kỉnh đó đi, má bán lời bao nhiêu một ngày, con sẽ đưa cho má tiền lời một lần bằng năm bảy tháng má bán. Má nói bán lời chút nào hay chút nấy, tiền con để con xài. Năn nỉ hoài má cũng không chịu về, tôi đưa tay đè nhấn bể hết hai rỗ bánh tráng nướng của bà, tôi bắt gặp ánh mắt tiếc rẻ của bà mà xót ruột. Thấy chuyện dằn co, người bán hàng kế bên khuyên má tôi nên về và hứa sẽ đem thúng mũng lại nhà chiều nay. Má tôi về nhưng nhứt định không lên xe hơi. Bà quơ cái khăn rằn choàn lên đầu, trước khi bước đi không quên ngó ngoái lại lò than nướng bánh tráng của mình.
Má tôi vậy đó, không bao giờ đi xe hơi của con, dầu tôi năn nỉ bao nhiêu cũng vậy thôi, nhiều lắm bà chỉ rờ rờ khen xe đẹp mà từ chối lên xe với lý do đi không quen, chóng mặt, khó chịu, nếu đi rồi sẽ nhức đầu cả buổi…
Bữa đó tôi ở nhà má, được ăn bánh tráng nướng, bánh phồng kẹo, những món tôi rất thích khi còn nhỏ mà nước mắt rưng rưng. Tôi đã bỏ bê má mình để chạy theo những công danh phù phiếm bấy lâu nay. Tôi hứa với lòng là sẽ thăm viếng má nhiều hơn. Tôi móc đưa bà tất cả số tiền có trong túi như nhiều lần trước. Má nhận với gương mặt thoáng ưu tư, ngần ngừ, không cười cười như những lần trước.
Nhưng rồi tôi không có dịp thăm viếng má nhiều, má mất sau đó ít lâu. Anh Hai đưa tôi một gói giấy dầu cuộn tròn, mở ra mới thấy từng xấp từng xấp tiền, vẫn còn y nguyên như những lúc tôi đưa cho má mình trước đây. Phía dưới cùng của xấp tiền có tờ giấy xé ra từ tập học trò, chữ rất xấu của má: trịnh má thương con nhiều con không có lỗi gì với má hết. Má tôi viết không chấm, không phết, không viết hoa, chẳng ngay hàng nhưng tôi đọc được trong đó lòng bao la của má tôi, giờ đây kể lại chuyện nầy mà tôi vẫn còn muốn khóc.
Chuyện đời đưa đẩy, tôi vào quân đội, vô Sư Đoàn 7 Bộ Binh, mỗi khi hành quân tôi đều vái van má tôi trước, coi như vị Bồ Tát bổn mạng của tôi. Người ta kẻ đeo bùa cà tha, kẻ mang nanh heo rừng hay ngậm răng cọp, tôi thì mang hình ảnh má mình trong tim với lời xin lỗi muộn màng. Vậy mà đạn tránh tôi nhiều lần, lúc thì trợt trên nón sắt, lúc thì tránh trái tim, chỉ xuyên qua bả vai. Nhưng đó là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là chuyện lúc tôi linh đinh trên biển mới đáng nói.
Cho nghỉ uống miếng nước thấm giọng nghen! Nói nhiều khô cổ quá! Nhỏ tới giờ mang hình ảnh mẹ trong lòng, hôm nay xin cám ơn Dì Chưởng với Chú Hoạt đã cho tôi có dịp nói lên lòng mình. Nói mà tôi cảm thấy bóng dáng má thấp thoáng trước mặt. Nhiều khi tôi ước ao, dầu thấy rằng vô lý, là phải chi mỗi người có cả chục người má, mới thỏa được cái tình má con. Nói tóm lại, tôi thèm tình mẹ, cho đến ngày nay dầu đầu bạc cổ lai hy, tôi vẫn không hiểu hết chiều sâu trong trái tim của Mẹ.
Trở về chuyện vượt biên.
Năm nào đó tôi được biệt phái về lại nhiệm sở cũ là Trường Trung học nhỏ trong quận Cần Đước. Má tôi quá vảng cũng đâu được mấy năm rồi. Dạy học thì cũng thường thôi, vai trò của thầy giáo dạy Việt Văn tôi làm nhiệm vụ chuyển tải những kiến thức văn học trung thực cho học sinh chẳng liên quan vì đến chánh trị đương thời. Sau biến cố 75 thì tôi bị cho ra ngoài biên chế, không được lưu dụng vì môn dạy của mình. Giữa một đất nước mọi thứ trao đổi kinh tế đều bị cấm đoán, không việc làm có nghĩa là thiếu thốn cùng cực và bị dòm ngó nặng nề. Chứng kiến thêm những bất công hằng ngày chung quanh, tôi phải bỏ đi thôi nếu không thì có ngày mang khổ lụy vì phản ứng trước những bất công.
Và tôi vượt biên. Bốn ngày linh đinh trên biển, một đêm kia trong khi phần đông khách đi tàu đương ngồi ngủ chồm hổm dưới khoang tàu tối đen như mực thì một đóm lửa của cụm nhang do chủ tàu chuyền tay cho khách với giọng ai đó vừa ai oán vừa chịu đựng:
“Bà con cầm một cây nhang cho gia đình mình, còn bao nhiêu chuyển cho người kế bên nha. Ai đạo Phật thì cầu Phật Bà, ai đạo Chúa thì cầu Đức Mẹ, tàu mình bị vô nước, tối quá không thấy chỗ lủng. Tàu sẽ chìm trong vài giờ nữa…”
Có tiếng ai đó nhẹ nhàng nhưng trong hoàn cảnh nầy nghe hơi bi hài:
“Còn tôi đạo Cao Đài thì sao?”
“Thì vái Phật Mẫu!” Tôi vẫn không biết tại sao mình buột miệng mau như vậy. Lại còn nói thêm: “Tên gọi thế nào thì cũng chỉ là một thôi, cũng là tạo thành bằng yếu tố Từ Bi. Từ Bi mà, bà con biết đó!”
Tôi tiếp nhận cụm nhang, lấy riêng cho mình một cây, trao cho vợ một cây, còn bao nhiêu đưa cho người ngồi kế bên. Nước lên ướt đít lạnh lạnh. Tôi vái Phật Bà, tôi van vong hồn má tôi cho chúng tôi người lớn chết hết cũng được, không ân hận gì, nhưng các con tôi và tất cả con nít khác trên tàu xin được cứu sống, chúng vô tội, chưa từng hưởng điều sung sướng nào trên cỏi đời nầy. Nước từ từ ngập tới háng, tôi cố gắng ngồi nhón chưn cho thân mình cao hơn, buồn ngủ quá, tôi thiêm thiếp trong mơ màng. Thời gian trôi qua, trong đêm tĩnh lặng chỉ có tiếng gió biển rít trong không gian, tới một lúc tôi nghe văng vẳng chủ tàu nói mơ hồ là tìm được lổ lủng rồi, yêu cầu bà con có áo quần dư chuyển sang phía bánh lái tàu để bịt lổ. Tôi không còn sức để mở mắt, mà dầu có mở lớn mắt cũng không thấy gì, hầm tàu tối đen như đêm ba mươi, thỉnh thoảng cảm thấy ai đó chuyển quần áo đụng vô mặt mình hôi hám dơ dáy. Trong mơ hồ tôi thấy hình ảnh Đức Phật Bà Quán Thế Âm và gương mặt vui vui của má tôi. Ánh mắt hai người đều hiền từ. Rồi giống như trong kỷ thuật điện ảnh, hình ảnh hai bà từ từ chồng khít lên nhau để rồi cũng một bức hình đó khi thì hiện lên má tôi, khi thì hiện lên đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
Tôi hứa với lòng là sẽ thờ Phật Bà khi sống sót, lập một cái trang thờ mẹ và kỵ giỗ long trọng hằng năm. Vậy mà suốt thời gian hơn hai mươi năm sống ở đây tôi mãi chạy theo công ăn việc làm lại không làm được cái trang thờ dầu chỉ là một tấm ván nhỏ đóng lên tường có dựng hình mẹ và một lư hương. Đứa con trai tôi mua nhà trước khi cưới vợ, hôm đám cưới nó dọn hình ảnh ba má tôi lên chừng độ hơn hai giờ đồng hồ rồi ngay sau khi đàng gái vừa ra về khỏi cửa nó với vợ mới cưới liền đem hình ông bà nội xuống. Nhà là nhà của nó, tôi không thể mở miệng nêu ý kiến gì, nói ra thêm dư lời mà chắc chắn không kết quả. Chúng sẽ xúm lại công kích tôi vụ hình thức, tôi còn quá Việt Nam nên chú ý tới chuyện nhỏ mọn, chuyện tào lao. Nhà của tôi còn bị chê bày biện sao nhà quê giống Việt Nam ruộng, huống chi nhà nó. Tôi chiêm bao thấy má mình nhiều lần nhưng chưa lần nào nghe má tôi nhắc đến lời tôi hứa lập trang thờ.
Khi vô sống ở nhà Dưỡng Lão nầy, ngồi buồn tôi nhớ hình ảnh chồng lấp của má và Đức Quán Thế Âm, tôi nghiệm ra rằng má ta là Đức Bồ Tát của ta, là sự Từ Bi rót lên đời ta ngay từ lúc mới sơ sanh để ta sống sót. Phật Bà nói chung là má của tất cả mọi người. Má của người nào là Phật Bà mà chỉ có đứa con mới cảm nhận được thôi.
Gần đất xa trời tôi mới cảm nghiệm được chơn lý đơn giản nầy. Tiếc quá!
Tiếc nhưng biết làm sao hơn, nhân loại sanh ra để va vướng vào những mê lầm muôn thuở mà dầu ta có học xong bài học và được phép mầu làm cho trẻ lại nhiều lần đi nữa thì cũng mắc mê lầm lại y chang như cũ, cũng hờ hững và không thấu được lòng mẹ bao la…..
Con người pha lẫn giửa Xấu và Tốt.
Tôi sanh ra nhà nghèo. Học bài thì ít mà lêu lỏng với bạn bè thì nhiều vì chẳng người lớn nào trong gia đình có thời giờ để ý tới tôi. Tất cả đều phải buôn bán đầu tắt mặt tối. Nhà là cái sạp vuông 4×4 thước ở trong chợ Cầu Muối ồn ào. Tụi trẻ con chúng tôi lang bạt ngoài đường cả ngày để rảnh chỗ cho người lớn kiếm sống. Tôi nhập bọn theo mấy thằng trang lứa không có ai nuôi đi ăn cắp vặt. Quần áo sạch sẽ, khuôn mặt sáng sủa, tôi có nhiệm vụ cản địa làm cho người ta chỉ chú ý tới tôi để mấy thằng kia ra tay chôm chỉa. Tôi thì chưa tới nỗi móc túi ai nhưng chúng nó thì đã thử rồi. Nạn nhân là mấy bà già ngờ nghệch, mấy cô thiếu nữ nhà quê ngù ngờ dưới tỉnh quá giang ghe trái cây hay ghe cá lên Sàigòn. Tôi sa lần vào đường trộm cắp, chưởi thề và đánh lộn để giành giựt những thứ gì mình thích, bất kể người đó là ai, con gái, đàn bà hay ông già bà cả. Có điều là tôi vẫn còn ôm cặp tới trường mỗi ngày nên sống bằng hay mặt: tử tế ở nhà và lương lẹo ở ngoài đường. Người lớn trong nhà không biết điều đó. Họ vẫn coi tôi là đứa con cháu ngoan.
Có thể tôi sẽ thành người cặn bã của xã hội nếu không gặp được trường hợp đặc biệt như sau đây.
Một buổi sáng kia, tôi đương ngồi ăn cháo đậu đỏ nước dừa với dưa mắm cá kho thì bà bán hàng vụt quảy gánh lên vai, chạy tất tưởi như bị ma rượt. Tôi ngó theo thấy dáng bà sợ hải, nút bóp cái áo bà ba bung ra, hớ hênh. Người biện Chà – tiếng để chỉ cảnh sát hay công an thời đó – đương đuổi theo bà thấy vậy liền đứng lại cười văng nước miếng. Bọn nhỏ đương ăn cháo có đứa vô tâm phá lên cười ngặc nghẽo. Chờ một lúc không thấy bà ta gánh gánh cháo trở lại, tất cả khách hàng lớn nhỏ đều bỏ đi, coi như lần đó được ăn chùa, khỏi trả tiền.
Đêm ấy tôi khó ngủ, nghĩ tới nghĩ lui coi ngày mai có nên trả tiền tô cháo cho bà bán cháo hay không, làm thinh luôn thì cũng được, có tiền đi ăn kem rạp hát Rex ở đường Hồ Văn Ngà là thứ kem tôi rất thích, bà ấy nói gì chỉ chối là xong. Nhưng giựt luôn thì tội nghiệp quá, bà buôn bán cực khổ, vẽ mặt sợ hãi của bà ta khi vụt chạy với cái gánh trên vai, áo nút bung ra sao mà thảm hại! Cảnh tượng đó, chua xót hơn là đáng cười…
Sáng sớm, tôi kiếm bà bán cháo, ăn như lệ thường mà trả hai phần, nói là trả tiền cháo hôm qua. Người đàn bà ngạc nhiên cầm đồng bạc dư, giải thích với người chung quanh rồi kết luận rằng thằng nhỏ nầy khá, lớn lên nó sẽ thành người tốt, còn nhỏ mà nó biết thương người, biết lẽ công bằng, không phạm tội ăn giựt. Bà còn nói thêm, những đứa trang lứa với nó chưa thấy đứa nào khi bà quảy gánh chạy mà hôm sau quay lại trả tiền. Bà nói với tôi ngọt ngào: ‘Rồi đây cháu sẽ nên người, sẽ ăn nên làm ra, không cực khổ như những người nhan nhãn quanh đây mà cháu thấy.’
Hãnh diện về lời khen, cảm giác mình là người tốt, từ đó tôi xa lánh lần các bạn xấu, cố gắng học hành, mỗi khi sắp làm điều gì quấy dầu nhỏ mọn thì cũng nhớ đến lời bà bán cháo đậu đỏ. Thầy học đầu đời giúp tôi nên người lương thiện không phải là thầy cô giáo, cũng không phải là người thân trong gia đình mà là bà bán cháo đậu tất tưởi mỗi khi người biện Chà tới rượt đuổi vì bán buôn lấn chiếm lòng lề đường thời xa xưa hơn hai phần ba thế kỷ trước….
Vậy mà tôi cũng còn máu du côn trong người, vẫn còn tánh xấu chen lẫn với những tánh tốt được bà bán cháo ban phước cho. Vẫn đầy ham muốn những thân thể đẹp khác phái, vẫn thích cờ bạc và nhứt là tranh cải về những chuyện không đâu vô đâu. Người tôi là sự thể hiện hài hòa của thói hư và điều thánh thiện. Mở ngoặc một chút để nói chuyện nầy, nhỏ mọn thôi nhưng cũng là một kỹ niệm của đời người. Năm đó, tôi chưa tới ngày lên đường qua Mỹ, còn độ chừng 2 năm nữa mới tới phiên mình. Theo bạn bè xuống một chợ làng, gần Lách, quê hương ông Trương Vĩnh Ký. Ngồi nhâm nhi cà phê sáng trong một tiệm nước quê, tôi thấy hai người đàn bà còn trẻ lắm, chưa đến tuổi ba mươi, một người bán cá, một người có lẽ là bạn bè gì đó, đương đứng nói chuyện với nhau:
“Ê bà, năm nay bà được bao nhiêu rồi?”
“Hăm bảy chứ mấy mậy?”
“Quần hòe! Bà học lớp với chị tôi. Bà phải ba chục chứ sao hăm bảy?”
“Quần hòe họ. Tao nhỏ hơn chị mầy mà. Lúc đó tao nhí còn bả kềnh chắc là học trễ nên cùng lớp với tao.”
“Đách họ! Cùng lớp sao cách nhau tới ba tuổi lận. Bà nói ai mà tin.”
Tôi chỏ mõ vô:
“Hai cô ơi! Đàn bà còn gái mà quần hòe với đách đẻ nghe xấu quá.”
Hai người đàn bà ngó tôi một cái bén ngót bằng dao Thái Lan thọc vô tim tôi rồi nói với nhau:
“Đồ thằng cha già dê đạo lộ không biết cách làm quen.”
Tôi láp dáp gì đó không nhớ, chỉ nhớ ông chủ quán cà phê nói nhỏ:
“Chồng của tụi nó là dân giang hồ ở đây, chú láng cháng coi chừng bị chém.” Tôi làm thinh ngồi nghĩ cách phải đối phó như thế nào khi người ta xách dao tới tính chuyện xử mình.
Một lúc sau, không khí coi bộ êm êm. Chợ đông đúc hơn chút đỉnh. Một con cá lóc bự xộn của cô bán cá quậy sao đó mà nhảy nguyên con vô nồi nước đường của bà bán tàu hủ kế bên vừa mới mở nắp. Bà già bán tàu hủ đòi tiền đền hơi cao nói rằng mình phải bỏ luôn gánh tàu hủ. Cô bán cá cải là cao quá, sáng sớm tôi chưa có tiền, chuyện xui đâu ai muốn đâu.”
Tôi kêu bà tàu hủ tới, nhỏ nhẹ nói tôi đền tiền giùm cô kia, sáng sớm làm gì cổ có tiền mà bà đền. Bà già lấy tiền liền, miệng khen tôi nhơn đức. Tôi ngồi đó ngó mông lung. Bà già bán tàu hủ bây giờ mới vớt con cá ra, trả cho chủ, loay hoay vớt bỏ chút đường theo ý bà là không dùng được, rồi yên lặng ngồi bán như không chuyện gì đã xảy ra.
Tôi là như vậy, ưa xía vô chuyện thiên hạ, mà thiên hạ sau cuộc đổi đời như hai vị thấy đó, trời thần lắm, dễ chưởi bới, hay đâm chém, vác cây đập nhau là chuyện thường ngày trong xóm nhỏ.
Cách đây mấy năm, đâu trước ngày tôi vô đây chứ đâu. Lần đó tôi về lại Việt Nam nói trong bụng là về lần chót. Ông xe ôm đương chở tôi trên đường Đồng Khởi, tôi thấy một cặp nam nữ thanh niên rất đẹp đôi, cô gái trẻ, thanh tú, cậu trai thì dáng khoẻ mạnh bãnh bao, xe họ ngừng trước xe tôi khi đèn đỏ. Bỗng nhiên có một thanh niên ở trần vác mã tấu lại chém nhầu vô người thanh niên. Anh ta một tay ôm đầu máu, một tay đưa ra đở, bị chém liên tiếp vô tay. Cô gái khóc la cầu cứu, hung thủ giơ dao lên tính chém luôn. Tôi kêu người xe ôm đứng đợi rồi lẹ cẳng nhảy vô can. Hai vị biết đó, ở Việt Nam chuyện đâm chém nầy không ai can, cũng không ai xía vô, họ chỉ đừng ngó thôi. Vô cảm một phần và sợ đại họa một phần. Tôi la lớn và lột nón bão hộ ra quơ quơ. Thằng chém người ngạc nhiên đứng lại một phút rồi không biết sao nó quăng mã tấu chạy thục mạng qua lề bên kia, lòn vô đường hẻm. Tôi còn đương la bắt nó bắt nó thì bị ai đó đâm mấy nhát vô hông, ngã quỵ. Thiệt ra tôi chỉ muốn hù dọa nó thôi, ai mà ở không rượt bắt nó, thiên hạ đã quá quen với cảnh đâm chém trên đường rồi.
Tôi tỉnh lại trong nhà thương Chợ Rẫy, tiền bạc mất hết, may mà còn giấy tờ tùy thân. Mừng là mình chỉ bị thương mà không trí mạng. Nghĩ lại có lẽ cặp thanh nhiên thiếu nữ bị chém kia vì thanh tú đẹp đẻ cho nên tôi mới làm anh hùng mà không suy nghĩ. Cũng như chuyện con cá nhảy vô nồi nước đường tàu hủ, nếu chủ con cá là bà già mặt mày nhăn nheo thì liệu tôi có bỏ tiền ra đền giùm không? Có thể con người tôi do sự kết hợp giửa xấu và tốt. Cái xấu có thể nhỏ. Cái tốt chưa thật sự lớn. Nhưng xấu tốt cộng lại tạo nên cá tánh tôi. Tôi nhiều khi đỏ mặt khi nghĩ tới điều đó. Cũng như anh Trịnh, tôi tiếc là mình đã già, sửa đổi cũng khó, những tánh xấu chắc rồi mang theo xuống mồ làm hành trang cho kiếp khác….
Con người lương lẹo do tranh sống.
Tôi hả, nghe chuyện tôi anh em đừng cười nha. Với lại tôi học ít nên chắc là kể không mạch lạc. Khi Tây rút khỏi Việt Nam thì tôi mới 7, 8 tuổi gì đó. Ba tôi đi lính cho Tây bị bên kia bắt hay giết tôi không biết nữa. Chuyện người lớn xa xưa mù mờ trong đầu óc con nít. Má tôi nuôi không nỗi mà bã lập gia đình mới nên bà ngoại tôi nuôi tôi. Sáng thì tôi đi học, chiều thì bưng rỗ bánh bò đi bán. Tôi không biết mắc cở, gặp tụi học trò quen mặt trong trường tôi theo nài nĩ tụi nó mua giùm, nói tao bán ế quá tụi bây mua giùm làm phước. Tụi nó bùi tai, tôi bán cũng được được. Bà ngoại tôi chuyên mua bán gà. Mua đầu chợ bán cuối chợ. Ngoại ngồi chận trên đường vô chợ, đón đầu mấy người trong quê ra. Người ta nuôi gà thả trong sân, khi cần tiền để làm đám giỗ thì cột 1, 2 con xách ra chợ bán. Họ đâu rành giá cả cho nên ngoại trả giá họ trên trời dưới đất gì cũng được. Ngoại làm bộ rờ nắn phao câu, chê gà ốm, cứt hôi, bắt đầu bịnh… , bán rẽ tôi mua giùm. Đời sống mấy năm đầu cũng được. Rỗ bánh bò trở thành nhỏ với đà lớn của tôi. Tôi bắt chước ngoại cũng đi mua bán gà. Ban đầu ngoại cười khen tôi khôn lanh. Tôi buôn bán có lời cất tiền để dành, ăn uống thì đã có ngoại lo. Lần lần thì tôi gọi là rủng rỉnh tiền bạc nhưng sáng nào cũng bị ngoại chưởi ngoài chợ vì cho là tôi giành mối của bà. Bà xí trước rồi mà tôi trả giá cao hơn. Anh em nghĩ coi, ngoại ép giá người ta, nếu người ta đi vô trong chợ có thể bán được cao hơn. Thấy họ đã quyết tâm không bán cho ngoại tôi mới nhích thêm chút nữa vậy mà ngoại chưởi như tát nước vô mặt nào là đỉ chó đỉ ngựa, chó đẻ trâu sanh, ăn cơm nhà tao mà mua giành bán giựt với tao. Ngoại chưởi tôi không dám câu mâu lại, chỉ lầm bầm là ngoại bỏ tôi mới theo. Vậy mà ngoại vẫn nghe và nhiều khi xấn tới đòi vả tét mặt. Mấy ông coi chúa ôn không? Có điều là ồn ào như vậy mà hễ chợ tan là ngoại mua món ngon vật lạ gì đó về cho hai bà cháu ăn, không nhắc tới chuyện ở chợ…
Má tôi mỗi khi gặp tôi cũng rờ nắn tay con. Thân thiết thương mến nhưng mà má có thêm 3 con nữa nên không thể giúp gì cho tôi. Với lại tôi không ưa cái nhìn của Dượng. Nó sao sao ấy! Khó nói lắm. Chắc là mình mới lớn nên đàn ông nào cũng ưa nhìn.
Rồi tôi có chồng, cũng tiếp tục mua bán gà vịt sống qua ngày, nhưng về ở bên nhà chồng. Chiến tranh kết thúc tưởng là yên thân nhưng rồi miếng đất vườn của gia đình bên chồng ở mặt tiền bị kẻ có thế lực cướp đoạt, chồng tôi tối ngày ăn ở không đi hết trong Nam ngoài Bắc làm dân oan khiếu kiện, bị bắt lên bắt xuống, giam chỗ nầy nhốt chỗ kia, tới một ngày nọ mòn mõi, sức tàn lực kiệt. Tôi góa bụa từ đó.
Phải bương chải để sống, tôi nhập bọn với những người phân phối hàng Trung Quốc, bất kể thứ gì tới tay, bột màu để làm nước tương, làm nước cam, làm Vitamin C, làm bánh, chế nước cốt trái cây mùi trái nầy trái nọ, bột cà phê bọt, chất tẩy trắng để tẩy trắng bún, hủ tiếu, bánh phở, đường đen, tẩy đồ lòng bò heo cho các quán nhậu, phá lấu, quán thịt dê, thịt chó…. Những hóa chất để giữ trái cây lâu hư mau chín đẹp trái, tươi màu, tôi đều buôn qua. Những gia vị làm thơm ngon có mùi cá thiều, mùi khô mực, mùi thịt heo thịt bò đều được tôi bán sĩ từng thùng lớn. Nói tóm lại là hàng hóa chất phần nhiều có tay tôi phân phối.
Ban đầu tôi còn ngại người ta ăn bị ngộ độc sau đó thấy chẳng ai nói gì tới mình nếu đóng thuế đủ và biết điều với khu vực tôi mạnh dạn buôn to, kể cả rượu giả, pha chừng nửa cốc hóa chất thì có một chai Martel, Cognac, hay Jhonny Walker. Tôi làm giàu mau chóng. Mới chừng ba năm tôi đã đổi đời, có nhà lầu xe hơi, tiền đô với vàng lượng gởi ngân hàng cũng bộn bộn. Tin tưởng có đấng khuất mặt giúp mình làm ăn nên ra, tôi đi lễ vía Bà Châu Đốc thường xuyên, cho Bà vay tiền và vay tiền Bà, cúng hiến áo đẹp cho Bà, đốt thiệt nhiều giấy tiền vàng bạc với hình dáng nhà lầu xe hơi cho Bà. Tôi giao du với người chức lớn quyền to rồi móc nối làm vợ trên giấy tờ một ông có máu mặt để chạy mánh làm giấy tờ vay tiền ngân hàng hay bán đất bán nhà. Chồng hờ của tôi sau nầy được sang đây theo diện bí mật gì đó mà tôi không rõ. Bước đường lưu lạc quê người, vì chữ nghĩa không biết, cũng tính dựa luôn gia đình ổng để dưỡng già ngờ đâu ổng và mấy đứa con trên cơ tôi quá xá, dụ dỗ tôi lòi ra cho chúng nó làm ăn sanh lợi, cuối cùng tôi chỉ còn lổ đít không. Xin lỗi nha! Từ lâu tôi muốn thanh khẩu nhưng hể nói tới chuyện nầy thì lại văng tục không kềm chế được miệng. Thôi thì của thiên trả địa, trả luôn người chồng hờ lại cho một con bé trẻ hơn mình nhiều để ổng dẫn đi đó đi đây hảnh tiến với người ta.
Mấy năm vô chỗ nầy tôi nghiệm được chữ có-không. Khi tôi giàu tiền muôn bạc ức thì lòng nặng nề lo nghĩ, tâm luôn luôn bất an, sợ mất, sợ tù, bây giờ không còn gì hết, lòng thiệt nhẹ nhàng, thanh thản, không có gì để lo sợ, ưu tư. Ngay cả cái thân mình đây tôi cũng chẳng còn sợ mất, coi như ngày cuối đời là khởi điểm của cỏi đi về, đời mình gần bảy mươi năm qua chỉ là giấc mộng dài trong mê sảng.
Hai ông biết không, ngồi rảnh rổi tôi luôn luôn sám hối, nguyện những linh hồn chết oan vì những món hàng độc hại của tôi chấp nhận cho tôi làm thân trâu ngựa đền bù trăm, ngàn kiếp kế sau….
Ông Trịnh rót ba ly nước lạnh, phải, chỉ là ba ly nước trong vắt không gợn một chút tăm, rồi điềm đạm nói:
“Nhân buổi nói chuyện nầy mình nhìn được cái ý nghĩa cuộc đời. Ai cũng mê lầm trong quá khứ, ai cũng ngỡ thân mình là núi Tu Di to lớn, là dãy Trường Sơn dằng dặc, nào dè đâu đó chỉ là những giọt sương sớm trên ngọn cỏ phù du. Đời người mấy chục năm rốt cuộc lại chỉ là những chuyện ngắn chuyện dài của một chữ Mê.”
Ba người bạn nâng ly nước lên trong lúc mĩm cười. Uống hết nửa ly, cả bọn cùng ngồi ngã lưng dựa ghế, mắt nhìn vô chốn mông lung. Đâu đây tiếng nhạc dìu dặt, gợi cãm nhưng vẫn không còn chỗ để len vào lòng những người đương đắm mình vào cảnh giới an nhiên bất tận …
Nguyễn Văn Sâm
Victorville, CA, Aug. 21-28, 2011
Discussion about this post