Chùa tọa lạc tại tổ 2 đường Gò Găng, Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, xã Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang, trên diện tích khoảng 10.000m2, khi mới tạo lập chùa có diện tích gấp 3 lần.
Từ khi Tổ khai sơn lập tự viên tịch, ngôi chùa đã được Ban quản lý chùa cùng chính quyền ấp xã đã cung thỉnh chư tăng về trụ trì và giám tự theo thứ tự sau:
– Hòa thượng Thích Nhơn Lý, húy thượng Chơn hạ Dung, thừa kế theo di chúc của Tổ Ngộ Thông vào ngày 22 tháng 11 năm Khải Định thứ 6 (1922). Năm 1949, Hòa thượng Nhơn Lý viên tịch.
– Chùa được giao cho Hòa thượng Thích Thiện Khánh nhận giám tự trong thời gian 4 tháng, rồi nhờ Hòa thượng Thích Chơn Lạc trông nom một thời gian. Hòa thượng Chơn Lạc phải rời chùa để đi kiến lập ngôi chùa khác.
– Hòa thượng Thích Chơn Tịnh được kế thế trụ trì, nhưng chỉ được 3 năm thì viên tịch do tai nạn lao động tại chùa vào năm tháng 5 năm 1951.
– Hòa thượng Thích Chánh Đạt, đệ tử Tổ khai sơn đang trụ trì chùa Quan Thánh gần đó đã về trông nom chùa, sau đó thỉnh mời Hòa thượng Thích Bửu Hiền làm giám tự chỉ trong thời gian ngắn rồi giao trả lại Hòa thượng Chánh Đạt.
– Hòa thượng Thích Thiện Quả, húy thượng Thanh hạ Trí, hiệu Ấn Pháp, tạm thời trụ trì từ 1951 đến năm 1959, chính thức trụ trì từ năm 1961, do Hội đồng Xã và Ban Quản Lý chùa Hoa Quang đề cử, bổ nhiệm. Hòa thượng đã trụ xứ tại ngôi chùa ngoại thành này trên 40 năm, với cuộc trùng tu đáng kể nhất là ngôi chánh điện khang trang, và Lầu Chuông vào năm 2002, sau đó thì viên tịch. Bảo tháp thờ Ngài được hậu duệ pháp tử xây lên ngay phía sau Lầu Chuông này, hiện nay đã được đổi thành Gác Trống vì Lầu Chuông mới đã được xây dựng phía bên trái ngôi chánh điện.
– Từ năm 2005, Đại đức Thích Tâm Tri, môn đồ của cố Hòa thượng Thích Như Ý (Viện chủ Tổ đình Linh Sơn Pháp Bảo ở Phú Nông – Cầu Dứa) về làm giám tự chùa, và được bổ nhiệm trụ trì cho đến nay.
Cổng tam quan trụ lớn, mái hai tầng lợp ngói, trên có tứ linh chầu pháp luân xa. Qua cổng tam quan là vào một khoảng sân lát đá thoáng rộng, bên phải là khuôn viên Tháp Tổ và bãi giữ xe dành cho khách thập phương, bên trái là một hòn giả sơn như một bức vách cao lớn và kéo dài đến gần Gác Trống nằm bên phải ngôi chánh điện. Hòn giả sơn này là thiết kế sáng tạo vô cùng độc đáo, có bậc cấp dẫn lên vào lòng của núi, bên trong được thiết 3 tầng dãy ô ký gửi linh cốt, phía bên trên đỉnh giả sơn có thiết trí lộ thiên tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, cùng các hình tượng của bốn thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh Phật.
Hai bên tả hữu ngôi chánh điện là Lầu Chuông Gác Trống với thiết kế như nhau, hai bên bậc cấp có rồng chầu, mái ngói hai tầng, đỉnh nóc có phù đồ, các tàu đao góc mái có long phụng hồi đầu. Phía bên sau Lầu Trống là tiểu miếu tôn trí tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát dẫn vào khu linh cốt, trong khuôn viên này còn có các bảo tháp của chư vị tiền bối trụ trì, và khách đường thoáng mát để nghinh tiếp chư tăng ni khi có lễ lớn.
Phía ngoài ngôi bảo điện là bái đường rộng thoáng, giàn mái ngói đỏ với rui mè gỗ quý được hai hàng trụ gỗ bóng loáng to lớn vững vàng nâng đỡ. Vào những lễ lớn, bái đường thường được bài trí thêm các lễ đàn như Đàn Dược Sư, Trai Đàn Chẩn Tế… để tín đồ Phật tử chiêm bái, hành lễ.
Bên trong là ngôi bảo điện khang trang, trụ chạm rồng nổi, an vị chính giữa trên liên tòa là Đức Phật Thích Ca. Bậc thấp hơn ở phía trước bài thiết tôn tượng Dược Sư Quang Như Lai, Chuẩn Đề Vương Bồ Tát, và tượng Phật Nhập Niết Bàn bằng đá.
Hai bên chính tòa, bên phải là hương án tôn thiết tượng Bồ Tát Địa Tạng, ngồi trên đài sen, dưới bàn thấp hơn là tượng Quan Thánh Đế Quân tay cầm thanh long đao, tay vuốt râu dài; bên trái tôn thiết hương án thờ tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, tư thế tĩnh tọa, hai tay nâng tịnh bình, ở bậc thấp hơn bên dưới thiết bộ tượng Quan Thánh cùng hai hộ vệ tướng Châu Xương – Quan Bình. Những tôn tượng này đều là tượng cũ của Thầy Tổ, đang được bảo tồn không thay tượng mới. Trong một gian nhà nhỏ mái thấp sau vườn chùa bên trong còn lưu giữ nhiều tranh ảnh, tượng Bồ Tát và Thánh Chúng, tuy cũ kỹ nhưng còn mang đậm oai linh của các bậc tiền nhân. Đặc biệt, nhà chùa còn lưu giữ được 3 bức thư pháp Hán ngữ khổ lớn của chư tôn đức: Miền Liễu Quán, cố Hòa thượng Thích Thiện Khánh trụ trì chùa Sắc Tứ Liên Hoa, và cố Đại lão Hòa thượng trụ trì chùa Hội Phước đã gửi tặng nhân dịp khánh thành chùa Hoa Quang mới trùng tu tái thiết vào năm 1968.
Tổ đường phía sau bảo điện có gian thờ Sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma, 3 bài vị chư vị tiền bối trụ trì, hai bên là linh ảnh ký gửi của chư hương linh. Còn có một hương án tôn thiết tượng Bồ Tát Quán Thế Âm hai bên có trụ rồng chầu, và gần bên đó là hương án thờ Cố Hòa thượng Thích Thiện Quả. Tổ đường mới rất rộng lớn kiến tạo phía sau ngôi chánh điện, toàn bằng gỗ tốt quý từ trụ đến cột kèo, cửa vách hoàn thành vào năm 2021, đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Tâm Không Vĩnh Hữu
Discussion about this post