BỤT VÀ TỔ TRONG TA
Thị giả
Năm nay Sư Ông đã 87 tuổi. Nếu tính từ ngày xuất gia hồi 16 tuổi tới nay thì người đã có 71 tuổi hạ. Vậy mà Sư Ông vẫn chưa nghỉ một ngày, cứ mãi miết làm việc với một hạnh nguyện duy nhất là “Chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc”. Nếu không viết sách thì Sư Ông cũng dịch kinh, làm thơ, làm kệ, nói pháp thoại giúp người đời chuyển hóa thân tâm từ tuyệt vọng khổ đau thành hạnh phúc yêu đời. Đã vậy, dù bất cứ nơi nào trên đường hành hóa, dù mệt cách mấy, bận cách mấy đi nữa Sư Ông cũng dành thì giờ viết thư pháp, biến những lời Bụt dạy thành những câu thiền ngữ cho mọi người thỉnh về nhà, treo lên và tự nhắc mình tu tập như có thầy luôn ở phòng khách nhà mình, nhắc mình nhớ làm chủ thân tâm, nắm giữ chánh niệm, ý thức sự có mặt của người mình thương, vừa có tiền cho quỹ Hiểu & Thương của Làng nuôi dạy trẻ em nghèo đói ở Việt Nam và Ấn Độ.
Tăng thân Làng Mai từ Sư Ông cho đến quý thầy quý sư cô, không ai giữ tiền riêng. Từ quý thầy Giám Đốc Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, Châu Á, quý thầy, quý sư cô Trụ Trì các Xóm, các tu viện lớn như: Làng Mai, Mộc Lan, Lộc Uyển không ai có tiền riêng, không ai có trương mục ngân hàng nào nhưng mỗi tu viện thì có một trương mục của tu viện đó để Ban Chăm Sóc do tăng thân đề cử đứng ra lo chi phí điện nước, rau đậu, chuyên chở và những chi dụng thiết thực như: mua sắm y áo, trả tiền bảo hiểm y tế (bắt buộc theo luật pháp sở tại), v.v…
Quý thầy quý sư cô cũng hỗ trợ các vị Phật tử tại gia người Việt sống ở hải ngoại và người Tây phương lo lạc quyên giúp các Chương Trình Hiểu và Thương ở Việt Nam và Ấn Độ, (những vị tác viên xã hội do Sư Ông đào tạo từ năm 1965 – 1975 lo chương trình nầy trong nước). Nhưng những năm gần đây do kinh tế nhiều nước bị khủng hoảng nên việc gây quỹ cho Chương Trình Hiểu và Thương giúp 4 ngàn trẻ em thiếu ăn ở Việt Nam và hơn 3 trăm em ở Ấn Độ bị thiếu hụt trầm trọng. Nhưng Sư Ông dạy không nên cắt bớt chương trình nào, để Sư Ông ráng viết thư pháp nuôi tụi nhỏ. Nhờ đó mà trong những năm gần đây không em nào thiếu ăn, và năm nào Hiểu & Thương cũng lo đủ 4 ngàn bộ áo quần Tết cho các cháu.
Riêng năm 2013 nầy dù thấy quỹ Hiểu & Thương với sự góp sức của cư sĩ khắp nơi vẫn chưa đủ nhưng khi tới Trung tâm Làng Mai Quốc tế tại Thái Lan thấy 340 vị xuất sĩ – con xuất gia của Sư Ông còn thiếu thốn quá nhiều về vật chất cũng như ăn và mặc nói chung nên tất cả tiền cúng dường, thỉnh thư pháp của Sư Ông trong chuyến đi Thái vừa qua đã chuyển hết vào việc chăm sóc sức khoẻ và mua rau đậu, y, áo tràng, áo nhật bình cho các con xuất gia ngày càng đông của Sư Ông. Chỉ khi sang tới Hàn Quốc, Hồng Kông và Đức thì mới để dành cho các cháu thiếu nhi thiếu ăn ở Việt Nam và Ấn Độ.
Nhìn vào lịch hoằng pháp của Sư Ông trong năm không ai có thể tưởng tượng đó là thời biểu làm việc của một ông thầy tu già 87 tuổi. Năm nào Sư Ông cũng giữ đúng ba tháng (90 ngày) An cư kiết đông. Dù là những thỉnh cầu quan trọng mấy đi nữa Sư Ông và Tăng thân Làng Mai cũng phải từ chối vì Sư Ông dạy nhất định phải giữ truyền thống nghiêm mật, tu tập như Bụt dạy từ thời xưa. Người xuất gia phải có ba tháng nghiêm tu đào sâu giáo nghĩa kinh điển. Người xuất sĩ ở tu viện nào sống yên nơi tu viện ấy. Thầy trò , anh chị em xuất gia sống trọn 90 ngày tĩnh tu không đi ra khỏi giới trường của tu viện mình an cư.
Ở Làng Mai có bốn tu viện: Pháp Vân, Sơn Hạ, Cam Lộ và Từ Nghiêm mỗi tu viện có giới trường riêng. Tăng chúng của bốn tu viện được 176 người, chỉ họp nhau nghe pháp thoại của Sư Ông và tu tập chung 9 giờ ngày thứ Năm và 9 giờ ngày Chủ nhật. Hai ngày này Sư Ông cũng từ bi cho quý vị cư sĩ nào muốn về Làng ở hai hay ba tuần hưởng năng lượng tu tập của Mùa An Cư được tham dự cùng nghe pháp thoại chung vào ngày ấy. Còn ngày thứ Ba trong tuần thì Sư Ông dành riêng cho người xuất gia để dạy những điều mà người xuất gia phải tu tập giữ gìn.
Hết An Cư Kiết Đông, sang đầu Xuân – giữa tháng Ba 2013 – Làng mở cửa đạo tràng, tổ chức khóa tu 7 ngày cho thiền sinh nói tiếng Pháp. Khóa tu vừa xong lại phải chuẩn bị hành lý lên đường du hóa một vòng Đông Nam Á đến trọn cả một mùa Xuân và chấm dứt ở Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu tại Đức quốc ngày 20 tháng Sáu. Cũng là lúc Sư Ông và Tăng đoàn trở về trú xứ (Làng Mai tại Pháp) để chuẩn bị khóa tu một tháng mùa Hè cho thiền sinh đến từ khắp nơi trên thế giới.
Khi bạn đọc được bài này cũng là lúc Làng Mai tại Pháp đang chuẩn bị mở cửa đón thiền sinh cho khóa tu Mùa Hè 2013 bắt đầu từ: thứ Bảy 6 tháng Bảy đến hết ngày thứ Bảy 3 tháng Tám. Thiền sinh người Việt có thể biên thư về Văn phòng ghi danh Xóm Hạ tại địa chỉ: lh-office@plumvillage.org để xin ghi danh tham dự khóa tu.
Năm nay Sư Ông đã 87 tuổi. Nếu tính từ ngày xuất gia hồi 16 tuổi tới nay thì người đã có 71 tuổi hạ. |
Chỉ một tuần sau khóa tu mùa Hè là Sư Ông và Tăng đoàn của người lại tiếp tục lên đường cho một vòng Bắc Mỹ. Khởi đầu là một khóa tu và một buổi thuyết pháp công cọng tại Toronto cho người Canada và một ngày nói tiếng Việt cho người Việt vùng này. Rồi Tăng đoàn sẽ bay về tiểu bang New York, Pine Bush nơi có tu viện Bích Nham (một trong 3 tu viện lớn của Đạo tràng Mai Thôn ở Hoa Kỳ). Từ đây Sư Ông cùng Tăng thân sẽ đi thuyết pháp tại thành phố New York cách tu viện Bích Nham hai giờ rưởi lái xe. Tiếp đó Sư Ông sẽ đi Hoa Thịnh Đốn dạy tiếp cho hơn một nghìn nhân viên World Bank tại Washington DC. Được biết những bài giảng cho World Bank sẽ phát hình đồng thời cho 168 nước chi nhánh trên thế giới mà World Bank có mặt. Tuần tự sau đó Sư Ông và 70 xuất sĩ con Sư Ông sẽ đến chia sẻ sự tu tập tại Đại học Havard, hướng dẫn thiền hành, thuyết pháp tại đây và tiếp tục đi thuyết pháp ở các thành phố lớn như: Boston, Los Angeles (Pasadena), San Francisco (Berkeley và Oakland) Mississipi. Kế đến là hai khóa tu : một khóa nói tiếng Việt cho người Việt và một khóa nói tiếng Anh cho người Hoa Kỳ tại Tu viện Lộc Uyển ở Escondido California. Cũng như năm 2011, năm nay Sư Ông cũng sẽ có một ngày Chánh Niệm tại trụ sở của Google, Youtube và phát hình cho tất cả các chi nhánh của Google trên thế giới. Trạm cuối cùng ngày 27 tháng 10 là Watsonville nơi tọa lạc của tu viện Kim Sơn ở Hoa Kỳ.
Sau gần 3 tháng trọn dành cho thiền sinh Bắc Mỹ cũng là hạt chuỗi cuối cùng trong xâu chuỗi hoằng Pháp 12 tháng của Sư Ông trong năm. Và một năm mới lại bắt đầu với 3 tháng An cư kiết Đông, vào ngày 15 tháng 11 … Nếu nhìn kỷ vào bản lịch trình và thời biểu đó ta sẽ thấy không có khoảng nghỉ nào của Sư Ông dài quá hai tuần. Ấy vậy mà Sư Ông cũng chưa đáp ứng hết được nhu cầu tu học của thiền sinh trên thế giới. Thiền sinh nơi nào, nước nào mong được đón Sư Ông và Tăng đoàn của người thì phải ghi danh trước và chờ đợi nhiều năm mới có thể được. Lý do đơn giản là Sư Ông cũng chỉ có 365 ngày/năm như mọi người. Chẳng hạn như cho vùng Đông Nam Á của năm nay đã có ít nhứt tới 6 quốc gia cung thỉnh Sư Ông dạy đạo, dạy thiền cho dân nước họ, nhưng Sư Ông chỉ đủ sức đáp ứng có phân nửa là 3 nước: Thái Lan, Hàn quốc, và Hương Cảng (Hongkong) trong đó Thái Lan và Hương Cảng là hai nơi không thể không có mặt của Sư Ông vì ở đó có : một là Trung tâm Làng Mai Quốc tế tại Thái, và hai là Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á đặt tại Hương Cảng. Riêng Hàn quốc thì đã có thỉnh cầu suốt 10 năm liên tục nên lần này không thể không có mặt. Còn các nước khác như Singapour, Malaisia, Indonésia, … thì Sư Ông đã đến cách đây 2 năm nên đành phải từ chối, cho dù đã có sự thỉnh cầu của các giới chức cao cấp trong chính phủ của các nước ấy. Indonesia đã mua đất làm Làng Mai Indonesia rồi nhưng Sư Ông chưa tính được khi nào sẽ trở sang bên ấy dù hiện tại Sư Ông đã đào tạo được ba thầy hai sư cô người Indo tại Làng Mai.
Đã không biết bao nhiêu lần, và bao nhiêu thị giả của Sư Ông đã từng quay mặt giấu Sư Ông gạt nhanh dòng nước mắt mỗi khi chứng kiến Sư Ông nằm im mệt lã trên những bước đường hoằng pháp. Nhưng lần nào Sư Ông cũng vượt qua, đứng dậy, điềm tỉnh thở nhẹ và tươi cười bước lên Pháp tòa, hay mở cửa tiếp đón từng vị Đạo sư, Tôn túc; từng vị Nhân sĩ, Trí thức từ xa tới thăm.
*****
Thái Lan
Năm nay Tăng đoàn Làng Mai, và Sư Ông đã ưu ái dành cho Thái Lan tới 5 tuần lễ với một chương trình dày đặc và phong phú chưa từng có :
– Ngày 25 tháng Ba 2013 vừa đặt chân tới Bangkok là lên xe về núi Klong Yai, tỉnh Nakhonratchasima cách Bangkok 3 giờ xe hơi ở Trung Tâm Làng Mai Quốc Tế tại Thái. Nói là để dưỡng sức trước khi ra dạy chính thức nhưng Sư Ông vẫn để tâm chăm sóc hơn 2 trăm các con xuất sĩ của Sư Ông tại đây.
– Trưa 28 tháng 3 Sư Ông và 30 Giáo thọ xuất sĩ chọn lọc lại trở lên Bangkok để ngày 29 tháng Ba 2013 tham dự buổi Sư Ông nói chuyện (phải có thư mời mới được tham dự) dành RIÊNG cho giới chính trị gia Thái. Buổi thuyết pháp này có đủ đại diện của Thủ Tướng, đại diện Chủ Tịch Quốc Hội, Đại diện cả 2 đảng: cầm quyền và đối lập ; và 23 vị Thượng nghị sĩ. Bài giảng này đã được thu hình và đã phát lại trên đài truyền hình Thái vào cuối tháng Tư 2013.
– Ngày 3 thang Tư kéo dài đến 19 tháng Tư là hai tuần Triển Lảm Thư Pháp của Thiền Sư tại Trung Tâm Văn Hóa và Nghệ Thuật Bangkok. Lễ Khai mạc phòng triển lãm Thư pháp rất huy hoàng. Sau đó là Khóa tu một tuần với chủ đề Đạo đức học ứng dụng tại Viện đại học Hoàng gia (MCU) ; Tiếp đến là Pháp thoại công cộng tại Đại sãnh đường Hoàng gia Paragon Siam ở Bangkok với 6 ngàn người tham dự bên trong sãnh đường và 2 ngàn bên hành lang có màn hình truyền chân rất lớn.
Sư Ông viết thư pháp trong giờ khai mạc triển lảm tại Trung Tâm Văn Hóa và Nghệ Thuật Bangkok.
– Sau đó từ 13 đến 17 tháng Tư là Khóa tu một tuần dành cho thanh thiếu niên và gia đình ở Nakhonratchasima. Đây là một khóa tu cho 1030 người tĩnh tu trong 2 khu nghỉ mát (resort) gần nhau. Buổi Pháp thoại sáng thì do Sư Ông giảng chung cho thiền sinh của cả 2 khu. Sau khóa giảng thì ai ở khu nào về khu đó sinh hoạt riêng cho 2 thời còn lại là trưa và tối. Một bên có được 20 Giáo thọ trung niên dạy cho 580 bậc mẹ cha ở resort Wang Ree. Một bên là khóa tu cho người trẻ trong phong trào Wake Up do 18 vị Giáo thọ trẻ dạy 450 sinh viên học sinh từ nhiều nước tới tu chung ở một resort kề bên. Trong số 450 người trẻ này gồm có non 300 người Thái cùng với 150 sinh viên từ Indo và 7 nước láng giềng trong đó có 15 em sinh viên đến từ Việt Nam. Xong khóa tu ai cũng bịn rịn không muốn về. Bậc làm cha mẹ bỗng nhận ra con mình quá dễ thương, biết lắng nghe hơn trước, phận làm con thì thấy cha mẹ sao quá ngọt ngào. Thị giả Sư Ông báo cáo là lần nầy Sư Ông ngồi trên lầu bên trên nhín xuống và bảo là Người rất hạnh phúc thấy các con xuất sĩ của Thầy tổ chức rất khéo, dạy cũng giỏi, làm việc tinh chuyên và nhất là có tinh thần huynh đệ thương kính nhau chăm sóc cho nhau, có tình anh em, có tình chị em rất vui trẻ tíu tít bên nhau !
– Ngày 18 đến 22 tháng Tư là Khóa tu cho hơn 500 xuất sĩ Việt Nam – chỉ nói tiếng Việt – trong đó có hơn 300 vị xuất sĩ từ Việt Nam sang, chỉ cần xin con dấu thị thực tại biên giới là đủ. Quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, quý Sư Bà không cần giấy mời của Làng mà vẫn tự tổ chức đi Thái thăm Sư Ông một cách dễ dàng nên ai cũng hạnh phúc !
Thiền hành trên đất mới của Trung tâm Làng Mai quốc tế tại Thái Lan
– Rồi từ 23 đến 29 tháng Tư 2013 là Khóa tu Sư Ông giảng tiếng Việt cho hơn 1 ngàn cư sĩ Viêt Nam. Đồng bào đi bằng phi cơ từ Hà Nội, đi xe buýt từ các tỉnh miền Trung và miền Nam, một số lớn đi từ TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Dù xuất hành từ đâu, đến đất Thái bằng bất cứ phương tiện gì thì tất cả đều đến cùng một điểm hẹn tại Pak Chong để cùng nhau tu tập.
Ngoài ra còn có cha, mẹ của các thầy và sư cô sang Thái thăm con và tu học, nên nếu kể luôn xuất sĩ và cư sĩ là 1450 người. Năm resorts gần nhau chứa hơn 1 ngàn thiền sinh. Số khác ngủ lại trong thiền đường nhỏ giữa các cư xá của quý sư cô và quý thầy tại Trung tâm Làng Mai Quốc Tế ở Thái. Trong tuần này ban tổ chức lại xin làm lễ Khai Pháp chính thức cho Trung Tâm vào ngày 28 tháng Tư 2013. Sớm hôm đó vào lúc 5:30 giờ sáng Sư Ông đã làm Lễ Xuất Gia cho 26 đứa con tập sự của Sư Ông để trở thành 12 sư chú và 14 sư cô thật xinh xắn trong gia đình 26 Cây Hoa Gạo (Kapotiers). Tiếp theo là Lễ Truyền Đăng cho 20 vị Tân Giáo thọ thuộc gia đình Cây Hướng Dương xuất gia đợt đầu tại Tu Viện Bát Nhã – Lâm Đồng.
Sư Ông và 26 tân xuất sĩ gia đình cây Hoa Gạo.
1450 người Việt Nam, được nói tiếng mẹ đẻ, được nghe Sư Ông thuyết pháp bằng tiếng Việt, được đi thiền hành, được thiền tọa với Sư Ông, được thực tập thiền buông thư, thiền lạy mà không cần phải xin phép Ủy Ban Tôn Giáo Chánh Phủ, không cần xin phép Bộ Công An hay Công An địa phương, không phải xin phép Giáo Hội… Ôi là sung sướng – Đất Làng Mai Quồc Tế Thái Lan !
Hàn Quốc
Tối 30 tháng Tư, Sư Ông và 40 quý thầy và sư cô lên máy bay đi Hàn quốc. Vì bay suốt đêm nên tới đây Sư Ông khá mệt. Ngày hôm sau đi thăm Hòa Thượng Trưởng Phái Tào Khê và họp báo. Có hơn 30 ký giả. Nhiều bài báo đã được đăng khắp nơi bằng tiếng Hàn nhất là bài viết rất dài trong nhật báo lớn nhất Choong An .
Đài truyền hình BTN thu và phát hình cuộc đối thoại của Sư Ông Làng Mai và Thiền sư Mishan. Thiền sư Mishan rất kính quý Sư Ông – nhân cơ hội phỏng vấn khá dài trên truyền hình này, Thiền Sư đã khéo léo hỏi những câu giúp Thiền sư Nhất Hạnh giải thích cho thính chúng và Phật tử Đại Hàn hiểu rõ về Thiền Chánh Niệm Việt Nam có phải thuộc Đại Thừa không, sao không tu theo Công Án v.v… Buổi đối thoại thật súc tích và khai thông.
Chiều ngày 3 tháng Năm 2013, hai chiếc xe buýt chở Tăng thân và Sư Ông đi ngay lên núi có khóa tu cho 500 thiền sinh tại tu viên Nguyệt Tinh Cổ Tự (Woljeongsa-월정사-月精寺) Ngũ Đài Sơn. Sáng ngày 4 tháng Năm Sư ông Thích Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho 500 thiền sinh tại chùa, và 5 ngàn người đi Thiền hành và sau đó đoàn thiền hành đã tiếp tục đi bộ trong rừng. Khóa tu đã kết thúc vào ngày 7 tháng Năm. Ngày 8 tháng Năm 2013 khóa tu tại trường Đại học Phật giáo Choong Ang Sangha, Soul. Khóa tu kéo dài hai ngày cho 300 học tăng nội trú. Và 200 xuất sĩ thuộc các chùa lân cận.
Sự trẻ trung của Tăng thân Làng Mai khiến cho Hòa Thượng Mishan cũng vui lây và cũng đứng ra cùng hát chung với đàn hậu thế. Sau khóa tu xuất sĩ ấy, Tăng thân chỉ ăn chiều bằng cơm hộp trên xe buýt để kịp giờ xuôi về miền Nam tỉnh Busan.
Ngày 10 tháng Năm 2013, tuy Tăng thân xuất sĩ ở Chùa Hoằng Pháp, ngoại ô Thành phố Phủ Sơn (Busan-부산-釜山), nhưng buổi thuyết giảng mà mười nghìn người Hàn Quốc chờ đợi thiền sư giảng dạy là ở ngơi chùa cổ tên chùa Phạm Ngư vào lúc ba giờ chiều. Vậy mà đã 1 giờ trưa rồi Sư Ông vẫn nằm bất động trên giường, không thể gượng dậy được. Cơn đau bụng và sốt đã làm người cứ thiêm thiếp bất động. Sư Ông nằm đó và nghe ban tổ chức báo cáo là : không phải 10 ngàn người như họ dự đoán, mà là 12 ngàn người đã có mặt rồi. Và người ta vẫn còn tiếp tục lũ lượt kéo tới hâm hỡ chờ đợi nghe Sư Ông thuyết giảng. Với đà này thì trong 2 tiếng đồng hồ nữa số người tham dự chắc chắn sẽ tăng đến 13 ngàn hoặc hơn vào đúng giờ khai mạc. Làm sao Sư Ông có thể để cho 13 ngàn con người dễ thương ấy sẽ phải thất vọng ra về dù cơn sốt đang hoành hành làm cho cơ thể rã rời. …Thời khắc thì cứ vô tình trôi qua, 13 giờ 30, …rồi 13 giờ 55 … nhưng cơn đau vẫn bám lấy người. Cuối cùng Sư Ông tự nhủ: “Thôi thì để cho chư Tổ thuyết pháp thay mình vậy. Nhưng trước hết mình phải ngồi dậy, đi mặc áo tràng dùm Tổ thì Tổ mới lo được cho mình phần tiếp theo!”
Sau cái cố gắng ấy, Sư Ông gượng ngồi dậy được, người theo dõi hơi thở và từ từ khỏe ra, rồi thong thả lên xe đi đến nơi thuyết pháp. Vừa tới nơi quý Hòa thượng của Giáo hội Hàn Quốc vây kín Sư Ông và báo tin là: “Chúng con không ngờ thiên hạ quy ngưỡng Sư Ông và đến đông như thế. Chúng con xin Sư Ông vui lòng báo tin dùm là ngày 27 tháng Chín sắp tới Giáo Hội chúng con sẽ tổ chức Lễ Cầu Nguyện Hòa Bình cho toàn quốc Nam – Bắc Hàn xin Sư Ông mời dùm mọi người nhớ đến đông đủ như hôm nay hoặc nhiều hơn”. Sư Ông bỗng lên tiếng sửa lại: “Cầu Nguyện thôi thì không đủ. Quý vị phải tu trước một tháng… phải mời những nhân sĩ, những người có lòng với quốc gia dân tộc đến tu tập thiền quán để đạt tới tuệ giác phải làm sao chấm dứt tranh chấp giữa anh em riêng Nam Hàn trước. Công giáo, Phật giáo đều thực tập hiểu và thấy giá trị của nhau. Đảng cầm quyền và đảng đối lập cũng phải tập chấp nhận giá trị của nhau. Miền Nam ổn định và sẽ liên hệ với Miền Bắc từng bước một…”
Sư Ông chú nguyện, Tăng đoàn niệm bồ tát Quan Thế Âm trước giờ pháp thoại tại Busan.
Dứt câu Sư Ông lại mệt nhoài phải nhờ thi giả đưa vào phòng xoa dầu đánh gió 15 phút sau mới đỡ được phần nào. Khi ấy Sư Ông mới quyết định đứng dậy đi ra. Căn lều vĩ đại nhưng chỉ có mái che, bốn bề gió lộng khiến ban Thị giả sốt ruột nhưng không biết làm sao che chắn được …Sư cô Mai Nghiêm cùng nhiều thầy, sư cô khác biết rõ tình trạng sức khỏe của Sư Ông hôm ấy nên cứ ngồi vừa niêm Bồ Tát vừa khóc. Sau thời Niêm Bồ Tát Quán Thế Âm, Sư Ông cầm máy phát âm. Và kỳ diệu thay! gương mặt người bỗng sáng lên! Sư Ông bắt đầu đi vào nội dung thời Pháp thoại với giọng rõ ràng, từ bi, mạch lạc, từng lời, từng chữ không dư không thiếu như rót mật vào lòng người. Phải chăng Bụt và chư Tổ đã nhờ hình hài của Sư Ông để khai thông một đề tài thời sự nóng bỏng của đất nước Hàn Quốc qua chủ đề : « Làm sao để hòa giải cho hai miền Nam – Bắc Triều Tiên? »
Đại chúng người Hàn như đang tận hưởng từng giọt nước cam lồ sau cơn hạn hán. Bài giảng vẫn bắt đầu bằng những chỉ dẫn đơn giản như : Chúng ta nên nhớ chúng ta là sự tiếp nối của cha mẹ ông bà tổ tiên, chúng ta và con cháu ta là sự tiếp nối của ta và những vị tổ tiên ấy. Làm bậc cha mẹ, chúng ta phải tập lắng nghe những khó khăn của con trai con gái mình. Các con tập lắng nghe học hỏi những tuệ giác kinh nghiêm của mẹ của cha. Dù có giận con hay giận cha cách mấy thì cha con cũng tập nói những lời có nghĩa có tình, có biết điều, v. v…
Sau đó Sư Ông dạy đến sự tập hiểu, tập thương những người trong đại gia đình, trong đoàn thể, trong những nhóm khác nhau về ý hệ. Tập lắng nghe nhau, thấy được cái khổ của nhau mà chấp nhận. Sư Ông thuật đã giúp hòa giải được các nhóm Palestinians và Do Thái sau ba tuần tu tập chung, v. v… Sư Ông cũng nhắc lại là : sau ngày 11 tháng Chín năm 2000 khi hai tòa nhà thương mại tại New York bị đánh sập Sư Ông đã cho hai bài thuyết pháp vừa cầu nguyện tại sảnh đường Berkeley cho 4000 người thiền sinh Mỹ đến nghe, Sư Ông cũng đề nghị 2 chuyện, một là chánh phủ Hoa Kỳ nên triệu tập những nhân vật có tuệ giác lớn trong nước, những đại diện của các nhóm dân khác nhau thuộc Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cùng ngồi lại nhìn sâu vì sao mà lại có sự kiện ghê gớm đó, có thể là do tập hợp giận dữ của số đông người nào đó. Chuyện thứ hai là phải truyền thông với các quốc gia có khả năng nghĩ rằng Hoa Kỳ đã kỳ thị họ với tư cách là một chủng tộc (Á Rập), một niềm tin khác (Hồi Giáo) với Hoa Kỳ rằng : Chúng tôi sẳn sàng lắng nghe các bạn để hiểu những vụng về nào chúng tôi đã hành xử mà có thể khiến các bạn nghĩ rằng chúng tôi đã kỳ thị quý vị… Vậy thì người Nam Hàn phải biết lắng nghe những khác biệt của nhau mà chấp nhận nhau giữa những người Nam Hàn trước, giữa các nhóm Thiên Chúa – Phật Giáo miền Nam và tìm ra những cái thấy lợi lạc cho cả hai bên rồi mới từ từ giúp miền Bắc nâng cao thêm những chương trình giáo dục, kinh tế, rồi từ từ sẽ đi tới thống nhất sau.
Sư Ông nhấn mạnh là Bắc Hàn dọa gửi vũ khí nguyên tử cốt để che cái sợ, cái giận và mặc cảm. Ta phải thương và phải tìm cách lấy ra những chướng ngại ấy của đồng bào miền Bắc của mình ra để cho họ không cần phải chạy đua theo cơn giận và che dấu sự sợ hãi bằng sự dọa nạt dùng vũ khí hạt nhân… Sư Ông nói tiếp: “Tôi biết ngày 27 tháng Chín năm nay quý vị sẽ tổ chức cầu nguyện Hòa bình. Nhưng cầu nguyện thôi thì không đủ. Quý vị phải tu trước một tháng… phải mời những nhân sĩ, những kẻ có lòng với quốc gia dân tộc đến tu tập thiền quán để phát khởi tuệ giác : phải làm sao chấm dứt đao binh”…
Lời nói chân thành đầy lòng từ bi của vi Thiền sư già khiến rất đông người như bừng tỉnh. Các đệ tử xuất sĩ cũng như cư sĩ của Sư Ông đều vui mừng. Không ai có thể ngờ một phép lạ mầu nhiệm như vậy đã đến với Sư Ông. Chỉ cách đây hơn một giờ thôi Sư Ông nằm bất động, không thể nhấc mình lên được mà giờ này Sư Ông đã thuyết giảng thao thao gần cả tiếng đồng hồ. Tuy từ tốn nhẹ nhàng nhưng dũng mãnh như tiếng gầm sư tử, như tiếng vọng của hải triều. Để tỏ lòng biết ơn, Ban Tổ Chức đã mời Sư Ông tham dự buổi Thiền trà tiếp sau buổi giảng.
Có thể thấy gương măt hớn hở chờ đợi của hàng vạn con người tâm huyết của xứ Hàn mà Sư Ông khoẻ ra từ từ. Ngày hôm sau Sư Ông lại phải có mặt cho ngày Quán Niệm ở Seoul. Để dưỡng sức cho buổi giảng lớn ngày 13 tháng Năm tại Vận Động Trường với hơn 1 vạn người đã giữ chỗ trước ở thủ đô Séoul nên hôm nay Sư Ông chỉ ra chào đại chúng và giới thiệu hai vị Giáo thọ lớn thay Sư Ông hướng dẫn cho 700 thiền sinh.
Hôm sau nữa lại đến phiên giảng cho 10 ngàn người Hàn quốc ở miền Seoul thủ đô phía Bắc của Nam Hàn. Bài giảng này cũng sâu sắc và bổ túc cho bài giảng ở Busan nên dân Hàn mừng như được châu báu. Họ xin phép đánh máy bài giảng ra, nhập chung với bài ở Busan để làm thành một tập gọi là Kim Chỉ Nam cho dân Nam Hàn cũng như Bắc Hàn (nếu tìm cách gửi được ra Bắc). Và sẽ in thành sách (là cách dễ) phổ biến ra toàn quốc.
Nghỉ ngơi vài ngày, Sư Ông và Tăng đoàn của người lại tiếp tục thong dong qua Hongkong, và khắp nơi trên thế giới chỉ với một hạnh nguyện duy nhất là “Chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc, biến vô minh thành tuệ giác”. Một hạnh nguyện cao đẹp của một Thiền Sư.
Thị giả.
Discussion about this post