BÌNH ĐẲNG của CHÂN LÝ TƯƠNG ĐỐI
và CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI
Nguyễn Thế Đăng
Có sự bình đẳng của thế giới tương đối và sự bình đẳng của “thế giới” tuyệt đối. Bình đẳng ở thế giới tương đối là luật nhân quả. Sở dĩ nhân quả đặt ở thế giới tương đối vì nhân quả là tương đối: nhân quả thì có sanh diệt. Bình đẳng ở thế giới tuyệt đối là Phật tánh hay Pháp thân, tánh Không, Như Lai tạng, Chân như, Niết-bàn… Gọi là thế giới tuyệt đối vì không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm.
Hai thế giới ấy, hai chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối, hay thế đế và chân đế, liên hệ với nhau như thế nào?
Vì tánh Không là sự vô tự tánh của tất cả các pháp, nên ở đâu có cái gì thì ở đó có tánh Không; ở đâu có sanh tử thì ở đó có tánh Không. Như vậy, tánh Không bao gồm toàn bộ sanh tử, toàn bộ nhân quả.
Nói cách khác, nhân nào cũng sanh trong tánh Không, nhân ấy thành quả trong tánh Không, quả ấy hiện hữu một thời gian rồi lại tiêu tan trong tánh Không. Tánh Không là nền tảng cho mọi sanh ra và diệt mất của nhân quả. Nền tảng tánh Không ấy cũng là sự giải thoát của nhân quả.
Nhưng tánh Không không ở ngoài nhân quả; và không phải để tìm đến giải thoát, nhân quả phải tìm về tánh Không. Nhân quả cũng chính là tánh Không vì nhân quả là vô tự tánh. Điều này được nói trong Bátnhã Tâm kinh: “Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức, cũng lại như vậy”.
Thế giới tương đối (sắc, nhân quả) tức là thế giới tuyệt đối (tánh Không). Thế đế tức là chân đế. Như vậy, trong sự hữu hạn của nhân quả có cái vô hạn của tánh Không, trong cái sanh diệt của nhân quả có cái không sanh diệt của tánh Không.
Kinh Đại Bát-nhã, nói: “Ngài Xá-lợi-phất thưa: Những pháp nào thanh tịnh nên thanh tịnh này rất sâu?
Đức Phật nói: Vì sắc thanh tịnh nên thanh tịnh này rất sâu. Vì thọ tưởng hành thức thanh tịnh, vì bốn niệm xứ thanh tịnh, cho đến mười tám pháp bất cọng thanh tịnh, vì Bồ-tát thanh tịnh, vì Phật thanh tịnh, vì nhất thiết trí và nhất thiết chủng trí thanh tịnh nên thanh tịnh này rất sâu…
Ngài Xá-lợi-phất thưa: Những pháp nào vô sanh nên thanh tịnh này vô sanh?
Đức Phật nói: Vì sắc vô sanh, cho đến nhất thiết chủng trí vô sanh nên thanh tịnh này vô sanh.
Ngài Xá-lợi-phất thưa: Bạch Thế Tôn! Tất cả pháp thanh tịnh nên thanh tịnh này thanh tịnh.
Đức Phật nói: Vì rốt ráo thanh tịnh vậy!”. (Phẩm Thán tịnh)
Sắc thọ tưởng hành thức thanh tịnh như tánh Không thanh tịnh, đây là sự thanh tịnh bình đẳng của thế đế và chân đế. Nói cách khác, sanh tử và Niết-bàn bình đẳng vì cả hai đều thanh tịnh. Đại thừa không đi tìm cái thanh tịnh, cái vô sanh ngoài thế gian sanh diệt vô thường này, vì như kinh nói, “sắc thọ tưởng hành thức thanh tịnh”; “sắc vô sanh”. Vấn đề không phải là từ bỏ hay tiêu diệt sắc thọ tưởng hành thức, mà vấn đề là thấy được bản tánh của sắc thọ tưởng hành thức là tánh Không, vốn thanh tịnh, vốn vô sanh.
Người ta không đi tìm cái vô biên ở ngoài cái được cho là hữu biên, không đi tìm cái vô hạn ở ngoài cái được cho là hữu hạn. Bởi vì thật ra, cái hữu biên chính là cái vô biên; cái hữu hạn chính là cái vô hạn.
“Vì sắc thọ tưởng hành thức vô biên nên Đại Bồ-tát cũng vô biên… Sắc như hư không; thọ tưởng hành thức như hư không. Như hư không, biên bờ và trung gian đều bất khả đắc; cũng vậy, sắc thọ tưởng hành thức biên bờ và trung gian đều bất khả đắc”. (Phẩm Thập Vô)
Người Bồ-tát sống trong sanh tử để giúp đỡ chúng sanh giải thoát, nhưng cái thấy của vị ấy là sanh tử thì vô biên và vô hạn, tức là sanh tử chính là giải thoát.
Vị ấy sống trong thế gian này, nghĩa là sống trong nhân quả. Nhưng vị ấy thấy nhân là vô biên, quả cũng vô biên, nên vị ấy giải thoát ngay trong nhân quả: “Vì sắc thọ tưởng hành thức vô biên nên Đại Bồ-tát cũng vô biên”.
Thống nhất được thế đế và chân đế, thế giới tương đối và thế giới tuyệt đối, là mục đích của đạo Bồ-tát. Như chúng ta thường tụng trong Sám hối Hồng danh:
Nguyện đem công đức tối thắng đây
Hồi hướng vô thượng chân pháp giới
Tánh, tướng, Phật pháp với Tăng-già
Hai đế dung thông: tam-muội ấn.
Tam-muội ấn ấy là pháp giới ‘Một tướng Vô tướng”, là đạo tràng của các vị Bồ-tát. Kinh Duy-ma-cật, phẩm Bồ-tát nói:
“Giải thoát là đạo tràng, vì không khởi ý phân biệt vậy. Phương tiện là đạo tràng, vì giáo hóa chúng sanh vậy. Bốn đế là đạo tràng, vì không lừa gạt thế gian vậy. Duyên khởi là đạo tràng, vì vô minh cho đến lão tử đều vô tận như hư không vậy. Các phiền não là đạo tràng, vì biết bản tánh của chúng vậy. Chúng sanh là đạo tràng, vì biết là vô ngã vậy. Tất cả các pháp là đạo tràng, vì biết các pháp Không vậy…
Như thế, thiện nam tử! Bồ-tát nếu ứng ra các ba-lamật mà giáo hóa chúng sanh, thì bao nhiêu việc làm, hoặc dở chân lên hạ chân xuống… phải biết đều từ đạo tràng mà lại, đều trụ trong Phật pháp vậy”.
Với Bồ-tát, tất cả các pháp đều không ra ngoài đạo tràng “Một tướng Vô tướng”, và pháp nào cũng là đạo tràng “Một tướng Vô tướng” vậy.
Nguyễn Thế Đăng (Văn Hóa Phật Giáo số 185 | Thư Viện Hoa Sen)
Discussion about this post