Bến duyên lành
con đường tìm về hạnh phúc nhân sinh
Thích Đạt Ma Phổ Giác
“Báo oán hạnh” là gì? Đó là hạnh chấp nhận những khổ đau, những chướng duyên như là những cuộc báo oán tự nhiên của luật nhân quả.
Ai gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu, muôn đời không sai chạy…
Quãng đời nghiệp chướng
Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình thuộc lớp nghèo thành thị. Cha tôi có nhiều vợ, tám anh em tôi là dòng thứ hai. Vì vậy mà mẹ tôi phải khổ sở cả đời.
Khi được sinh ra, tôi đã mang theo thân xác bé nhỏ của mình chứng “đau ban khỉ”. Nếu chẳng nhờ vào phước đức của
mẹ và lương y chữa trị, thì giờ đây tôi đã là một nấm mồ hoang xanh rêu, tốt cỏ tự lâu rồi.
Lớn lên một chút, tập nhiễm những thói hư tật xấu do môi trường sống mang lại. Tôi đã lao vào cuộc trác táng, tranh đua, danh lợi, ái tình. Tôi bản lãnh đến nỗi tự tử mấy lần! Lần đầu nhờ bạn bè cứu sống, lần sau chính nhờ mẹ mà tôi được hoàn sinh theo
đúng nghĩa của từ này.
Người ta thường nói: “Ngựa chứng” là ngựa hay, câu nói này chính xác đến độ nào? Riêng bản thân tôi thì “Ngựa
chứng” là “Ngựa chứng” mà thôi.
Tôi nhớ rất rõ, cái thuở sa đà, tôi thường chửi cha mắng mẹ, xem thường tất cả mọi người, làm khổ lụy đến nhiều người thân và ân nhân của mình. Hay đâu chẳng thấy, nhìn lại toàn bộ chỉ là gây tạo nghiệp chướng.
Cha tôi bảo:
– Nếu tao không lo chữa bệnh, thì mày đã chết từ hồi nhỏ rồi.
Tôi liền trả đũa:
– Tại ông đam mê nhục dục mới có tôi, ông phải có trách nhiệm nuôi nấng và lo lắng cho tôi.
Nghe vậy, mẹ tôi lại khuyên:
– Con có gia đình rồi phải lo tu tỉnh làm ăn, chứ có đâu tụm năm, tụm ba cờ bạc, rượu chè, hút xách, giựt dọc hoài của người ta. Coi sao được.
Tôi lại trả treo:
– Ai có thân nấy lo, bà khỏi lo cho tôi. Tôi lớn rồi để tôi tự lo.
Tự lo đâu chẳng thấy, cho đến khi xuất gia đầu Phật, mẹ vẫn mỗi tháng ra thiền viện thăm tôi và còn cho tiền để
mua kinh sách và làm các việc phước thiện. Bởi bà sợ tôi không chịu tu mà bỏ ra ngoài sinh sống.
Ý tưởng xuất gia ban đầu của tôi không phải vì mục đích chân chánh, chỉ vì bất đắc dĩ phải chọn lựa một trong hai, tự tử hay xuất gia.
Thất chí, bất mãn, buông lung, liều lĩnh, nghiện ngập, si vạy, sống không biết ngày mai, chỉ biết hưởng thụ cho riêng mình… với quan niệm “chết là hết, sống không hưởng thụ chết làm ma ngáp ruồi”. Bởi quan niệm sai lầm đó đã giết chết hơn nửa đời người của tôi. Rồi điều gì đã giúp cho tôi làm mới cuộc đời?
Nhờ mẹ tôi biết đường tu
Nếu không có mẹ tôi giờ ra sao?
Bao la tình mẹ
Tình thương của mẹ đối với tôi thật vô cùng cao cả. Tôi không thể nào lấy ngôn ngữ, bút mực để diễn tả cho hết.
Tôi chỉ thầm nhận, hứa nguyện tu hành đến nơi, đến chốn để mong đền trả
công ơn mẹ.
Trong cuộc đời này, tôi không thể tìm được người mẹ nào như người mẹ sinh ra tôi. Bà phải rời quê hương Thái Bình vào Nam trong một hoàn cảnh đặc biệt, xa cha mẹ họ hàng từ tấm bé. Không có điều kiện đến trường nên bà phải chịu thất học, chỉ biết từ làm
mướn đến mua gánh bán bưng. Lớn lên gặp cha tôi rồi sinh ra tám mặt con. Từ vai trò người nội trợ, mẹ tôi phải kiêm luôn trụ cột gia đình kể
từ khi cha tôi bị bắt buộc đi lính.
Lúc này tôi đã sa đà quá mức, bệnh hoạn nghiện ngập, mất phương hướng, nợ nần chồng chất không khả năng chi trả,
bế tắc đau khổ tột cùng, không còn lối thoát, đến mức chỉ muốn tự tử. Về thăm mẹ lần cuối, nghe bà khuyên đi tu tôi vẫn quen thói biện bác hằn
học. Tuy nhiên, vật cùng tắc biến, trong phút giây ấy lời của mẹ như một dòng suối ngọt ngào êm dịu, nhiệm mầu len lỏi vào tâm thức làm tôi xiêu lòng mà không hay.
Thay vì chọn cái chết, tôi chấp nhận đi tu. Những tưởng như vậy cho xong chuyện. Nhưng không ngờ từ đó, nhờ tấm lòng hộ trì của mẹ, sự kiên trì dần dần được bồi đắp trong tôi. Tôi đã thực hiện thời gian tự tu, tự cai nghiện. Tuy vất vả nhưng thành công ngoài sức tưởng tượng.
Nguồn chân lý sống
Qua cơn mưa trời lại sáng. Tôi đã chiến thắng chính mình vượt qua hiểm nghèo và quyết định đầu Phật xuất gia.
Vừa bước chân vào cổng thiền viện Thường
Chiếu, tự nhiên tôi thấy thân tâm đầy phúc lạc, thầm phát nguyện phải tu cho đến khi đắc quả. Dù có ai bù cho tôi hàng triệu cây vàng để ra đời lấy vợ đẹp tôi vẫn cương quyết từ chối để tu hành. Nhờ đó, tôi đã đi
vững vàng từng bước từ thành công này đến thành công khác.
Thiền viện Thường Chiếu là nơi khai sáng
tinh thần cho tôi. Với cái nhìn chính chắn, rõ biết mọi nguyên nhân sai
biệt trong cuộc đời. Tất cả đều do chính mình tạo ra và nhận lấy. Mọi thứ đều có thể tự mình thay đổi. Nếu nói số phận đều được áp đặt cố định, thì giờ này tôi đã rũ xương trong lao tù nghiện ngập.
Nếu không có được mẹ hiền
Đời tôi giờ đã ra miền bụi tro.
Nhờ mẹ mà tôi biết được tu hành. Thế mà gần bảy mươi tuổi, mẹ tôi vẫn còn bán cháo sinh nhai. Nhớ lại trong kinh
Bổn Sự đức Phật có dạy: “Giả sử có người một vai cõng cha, một vai cõng
mẹ suốt đời không bao giờ dừng nghỉ, lại cung cấp cho cha mẹ đầy đủ thức ăn, vật dụng, thuốc thang đến trăm ngàn kiếp vẫn chưa đáp đền được ân đức cha mẹ”.
Ngài lại nói, nếu khuyên được cha mẹ giữ
năm giới thì có thể báo hiếu được. Vì giữ được giới, thì sẽ an vui hạnh
phúc không có vật chất nào đánh đổi được. Còn nếu khuyên cha mẹ xuất gia là một cách báo hiếu cao cả vẹn toàn nhất.
Nói đến đây tôi cảm thấy hổ thẹn, bùi ngùi đối với công ơn của mẹ. Mãi đến khi tu học được 9 năm, tôi mới khuyên mẹ xuất gia cùng tu học tại thiền viện Thường Chiếu.
Theo lời dạy của đức Từ Phụ, ai sinh thời không có Phật ra đời, thì cha mẹ là hai vị Phật hiện tiền lúc nào cũng kề cận bên ta. Ơn này không lấy gì có thể đáp đền, chỉ có cách duy nhất là tu hành đến thành Phật mới có thể trả hết công ơn đã thọ nhận.
Ơn Mẹ Mới hôm nào còn bé Giờ con kề năm mươi Bao lần con mong đợi Để đền đáp ơn người. Con tu là nhờ mẹ Cả cuộc đời thương con Không quản ngại thân gầy Công ơn này khó đáp. Mẹ là ánh trăng soi Xóa tan bao trần lụy Mẹ cho con tất cả Bình yên tận cõi lòng.Ơn cha mẹ đã khó đền đáp, lại thêm ơn thầy, tổ, bạn lành giúp cho ta biết được điều hay, lẽ phải, đạo đức làm người. Vì thế: “Cha mẹ làm nên thân, dưỡng nuôi lo vật chất, thầy tổ giúp tinh thần, an vui trong tỉnh thức.”
Cha mẹ và thầy tổ Ơn sâu khó đáp đền Biết ơn và đền ơn Lời Phật dạy không sai. Rửa nghiệp lột xácCha mẹ và thầy tổ đã giúp cho ta làm mới
chính mình, để làm người có nhân cách. Thay hình đổi dạng gọi là lột xác, lột bỏ đi những gì cấu uế, nhiễm ô, thay thế vào những gì trong sạch, để hòa mình vào cộng đồng xã hội, hầu đem lại lợi ích cho tha nhân.
Lột xác ở đây chủ yếu là thay đổi tâm thức thành tâm tuệ giác để có cách nhìn thông thoáng hơn, bao dung và tha thứ, hiểu biết và thương yêu, dấn thân và phục vụ, lợi ích vì mọi người.
Không thể cầu trời Phật Hay thần linh thượng đế Nếu tự mình vấp ngã Thì chính mình đứng lên.Do đó, nói đến lột xác, chúng ta phải hiểu không phải lột da xẻ thịt mà lột bỏ đi những kiến chấp, thành trì cố hữu, nhận định sai lầm, thiển cận. Chúng ta phải có thời gian để quán
xét lại chính mình. Nhờ đó trí tuệ được phát sanh. Chúng ta sẽ thấy rõ ràng sự vận hành vũ trụ theo tiến trình diễn biến của nhân quả.
Rời xa môi trường đời, tôi sống trong môi trường đạo thì những thói quen cũ lần lần được gột tẩy. Tôi gọi quá trình làm mới này là rửa nghiệp và phát tâm, phát nguyện chỉ làm điều gì
không tổn hại cho mình và người, nhờ thế thân tâm ngày càng phúc lạc như trong kinh Pháp Cú nói:
Tôi còn nhớ thời trước, mỗi lần bị hiếp đáp là tôi tìm mọi cách để trả thù, sao cho kẻ ấy ít ra cũng bị ê chề như tôi từng gánh chịu. Giờ đây, ý niệm trả thù chỉ thoáng qua trong tâm
thức. Mỗi lần như thế, tôi thường dùng pháp quán “báo oán hạnh” để cho ý
niệm trả thù trôi theo dòng tâm thức, dần dần mất hút như gió ngàn bay xa.
“Báo oán hạnh” là gì? Đó là hạnh chấp nhận những khổ đau, những chướng duyên như là những cuộc báo oán tự nhiên của luật nhân quả. Ai gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu, muôn đời không sai chạy. Nay gặp quả xấu, chuyện chẳng hài lòng, nỗi khổ, niềm đau, buồn, thương, giận, ghét…
Vậy thì bụng làm dạ chịu chứ đổ thừa ai đây. Vui vẻ mà đón nhận khổ đau, hoan hỷ mà ôm đón nghịch cảnh. Mọi việc rồi cũng sẽ qua!
Gọi là “lột xác” cho nó kêu thôi, thật ra là đổi tâm mình vậy. Đổi tâm từ trạng thái xấu sang trạng thái tốt bằng các phương pháp trong giáo lý nhà Phật. Trong đó có pháp “báo oán hạnh”.
Lấy hận thù diệt hận thù Hận thù càng thêm chồng chất Lấy tình thương xóa hận thù Bao nhiêu oan nghiệt nhiều đời tiêu tan.
Discussion about this post